N
hững năm đầu thời kỳ bí mật, làng Quảng xá nổi tiếng là vùng quê tin theo cách mạng, nhiều người đi theo Việt Minh. Người làng Quảng xá rất hiểu cái giá của độc lập tự do. Bên cạnh đó cũng có một số ít người cầu an, xúi nhau xé vải diềm bâu cột lên cây sào tre làm cờ trắng phất cao xin đầu hàng quan đồn, quan Tây. Chính thằng Láu là con hương lý, một kẻ bợ đít giặc, được giặc tin dùng.
Trưa học về, Thắng đem những điều thằng Láu nói, nói hết cho bà Nụ nghe. Ngoại của Thắng có hai người con gái. Dì ruột của Thắng cũng đã từng vác mã tấu đi tự vệ, đi du kích, sau giả đò đi buôn chuyến rồi theo bộ đội đi Nam những năm 1946, nay không rõ tin tức. Đợi Thắng nói hết, bà Nụ nghiêm sắc mặt, buông giọng chầm chậm, chỉ vừa đủ cho cháu nghe:
- Thắng, con hãy học cho giỏi, đừng nghe thằng Láu nói xấu. Thằng Láu còn con nít mà đã ra giọng bợ đít quan đồn, nó ngu lắm. Nó không biết gì mà điều này điều nọ với con đâu.
Nói vậy để trấn an cho cháu và cũng là tự nói với mình thôi, thực ra bà Nụ biết giặc đến chiếm đóng, làng xóm cũng bị phân hóa, tốt xấu đều đã rõ. Một lần, trong bữa ăn cơm, bà hỏi dò:
- Thằng Láu có hỏi và nói xấu gì với cháu nữa không?
Thắng thận trọng trả lời:
- Nó hỏi, hai bà cháu mày ăn mấy mà hay đi chợ vậy hả. Tiền bạc ở đâu mà có nhiều mua lắm gạo lắm muối. Có phải bà mày tiếp tế cho Việt Minh không?
Nghe cháu nói vậy, bà Nụ chột dạ, nghĩ, thằng này không thể coi thường được. Bà biết bọn tề ngụy đã đánh hơi những việc làm của bà. Bà Nụ thận trọng hơn qua từng việc làm hàng ngày. Cần đi chợ mua sắm những gì, bà không trực tiếp đi mua nữa mà nhờ cháu con bạn bè thân thích mua cho mỗi người mỗi ít. Mua được hàng hóa tiếp tế rồi, đợi cho Thắng ngủ say, bà Nụ khéo léo gói ghém cho cẩn thận những thứ cần thiết gửi đi. Mà nơi đặt hàng tiếp tế cho Việt Minh của bà Nụ cũng thật đặc biệt. Vườn nhà bà Nụ có một khóm tre to, bên cạnh khóm tre bà dựng một cái nhà xí. Bà Nụ khoét một hố sâu ngay dưới gốc tre. Địa điểm này dưới con mắt bọn tề ngụy thì là nơi bẩn thỉu, ô uế nên chẳng mấy khi chúng bén mảng đến đấy. Gạo, muối, vải vóc hay thuốc men đều được gói bọc cần thận rồi dấu sẵn dưới hố sâu đó. Đêm đêm, khi biết chắc chắn không có giặc lùng sục, bà Nụ đốt một ngọn đèn nhỏ để trong buồng. Thấy ám hiệu an toàn, người của ta từ chiến khu về cứ việc đến đúng địa chỉ đem hàng đi. Một đêm, bà Nụ nhận được thư của ông Kè gửi. Bà Nụ mừng lắm, nói với cháu:
- Thắng à, Việt Minh là bố cháu, là người tốt, đi đánh giặc cứu nước, giành độc lập tự do. Việt Minh, bố cháu không thể làm việc xấu đâu. Nghe gì, thấy gì cháu bỏ ngoài tai, mặc kệ chúng nó nghe.
Bà cháu bà Nụ không biết có sơ suất gì mà chiều nào cũng có kẻ ruồng bủa quanh xóm theo dõi bà Nụ để nắm quy luật hành động. Giờ nào bà Nụ có nhà, giờ nào bà đi vắng… chúng đều biết được. Nghe chó xóm làng sủa, biết có kẻ lạ mặt rình rập, bà Nụ lại đưa bông vải ra sân phơi để ra vẻ theo công việc bình thường. Bà Nụ còn gọi to đứa cháu gái dặn thế này thế nọ, rồi xúc lúa xúc ngô vãi ra sân ra vườn cho gà ăn như công việc bình thường. Cái gì cũng có nguyên do, sở dĩ bọn tề ngụy theo dõi nhà bà Nụ là vì, đã có lần, vì tức giận cãi nhau với thằng Láu, Thắng đã vô tình nói ra những điều bà dạy. Không ngờ chỉ những chi tiết nhỏ đó mà thằng Láu về mách lại với hương lý cha nó, và lập tức bà Nụ bị chúng theo dõi sát nách luôn.
Một buổi sáng tinh mơ bọn hương lý dẫn lính đồn xộc thẳng vào nhà bà Nụ. Thấy bà Nụ đang ngồi dệt vải, không nói năng chi, bọn chúng chia nhau lục soát xáo trộn hết trơ hết trọi mọi thứ trong nhà ngoài sân. Ngay cái cơi trầu để góc sập chúng cũng lia ra giữa nhà. Có thằng cầm săm soi từng mảnh vỏ, lá trầu, quả cau, lọ vôi… tìm dấu lạ. Khi lục tung mọi thứ lên rồi, chúng không gặp một mảy may gì. Thằng quan đồn tức giận đưa tay giật mạnh chiếc khám thờ ở gian giữa làm khám thờ đổ sập xuống đánh rầm, gỗ ván vỡ tung tóe. Lần đầu trong đời bà Nụ chứng kiến cái cảnh động trời làm bà xám mặt, la lên:
- Nơi thờ cúng tổ tiên thiêng liêng sao các ông làm vậy? Các ông không sợ tội với trời đất à…
Thì ra phía sau khám thờ bà Nụ còn dấu một bức ảnh chân dung ông Kè. Bức chân dung được một thày giáo có tên là Hào, người Hà Tĩnh cùng dạy học vẽ tặng ông Kè ngay ở trường đồng Hới. Bức chân dung được bà Nụ cuốn gọn cất kỹ sau khám thờ.
Đứng ngay giữa nhà, như bắt được của cấm, thằng quan đồn Mít - tơ - rông cười hô hố nhe hai hàm răng hô như lưỡi cuốc muốn bổ thẳng vào mặt bà Nụ. Thằng quan đồn vừa cười vừa trải rộng bức chân dung nhìn chăm chú. Mặt thằng tây đỏ gay, những chòm lông ngực màu nâu hung hung giật giật rung rung thấy mà kỳ tướng. Nó quay cái mắt đỏ gay có hàm răng hô qua phía tên thông ngôn:
- Việt Minh! Việt Minh…
Cả hai tên cụm đầu cùng xem rồi xi lô xi la hí hửng ra mặt. Mít - tơ - rông cuộn bức chân dung lại như chiếc ống sáo, quay về phía bà Nụ, trợn ngược đôi mắt vàng thau nhìn vẻ hí hửng:
- Cảm ơn bà già cho quan lớn vật báu. Tốt, tốt… Vừa nói hắn vừa đưa tay vẫy đồng bọn trở ra.
Bọn giặc đi rồi, bà Nụ lòng tiếc ngẩn nhưng chẳng biết làm sao lấy lại được nữa. Bà biết con bà lao vào con đường kháng chiến là mạo hiểm, là xả thân sống chết coi thường. Bà Nụ dấu bức chân dung mà tâm trí luôn nghĩ, nếu ông Kè có mệnh hệ gì thì bà cũng còn giữ được chút kỷ niệm cho con cháu sau này.
Chiều hôm sau, quan đồn đưa lính xuống dồn dân ra tập trung nghe hiểu thị. Trước đó lính đồn và lũ hương vệ trong thôn đã đi từng nhà kiểm đếm số hộ khẩu. Ra tập trung, chúng biết rõ nhà nào đủ người, nhà nào thiếu người. ai không ra tập trung, nếu không có lí do chính đáng sẽ bị phạt nặng bằng công gánh đất đắp ụ súng, đào giao thông hào trên đồn.
Khi dân làng đã tập trung đông đủ ở sân đình nắng rát, tên thông ngôn khệ nệ bước sau Mít - tơ - rông lên bục đất cao ra dáng oai vệ. Mít - tơ - rông lấy bức chân dung ông Kè cuộn lại giơ lên cao rồi tháo rộng ra trước mặt mọi người. Nhận ra chân dung ông Kè, mọi người ngồi lặng lẽ. Chẳng biết bọn này có âm mưu gì, định giở trò gì ra với dân làng, mọi người nhẫn nại ngồi. Hàng trăm cặp mắt nhìn lên bức chân dung ông Kè. Gió nam thổi víu cong ngọn tre đầu đình, tấm chân dung trong tay Mít - tơ - rông rung phần phật, phần phật. Chỉ vào bức chân dung, Mít - tơ - rông trợn mắt, phùng mang:
- Đây là hình một tên cán bộ cấp cao của Việt Minh, nó đã bị quan quân trên đồn bắt được. Tấm hình này, người thân của nó cất giữ, bữa trước quan lớn tìm được đưa đến đây để mọi người biết. Nếu có Việt Minh khác lẻn về làng là phải kịp báo lên đồn ngay, quan bắt được Việt Minh là người báo quan sẽ được trọng thưởng.
Nhìn bức chân dung ông Kè rõ ràng, một số người nhẹ dạ tin là quan đồn nói thật. Việc mấy hôm nay quan đồn đưa lính lùng sục nhà bà Nụ càng làm cho mọi người đoán chắc ông Kè đã bị bắt thật. Bà Nụ ngồi cúi mặt xuống nhìn đám cỏ xanh ở dưới chân cho dịu bớt căng thẳng. Bà ôm chặt con cháu gái để tự trấn an cho mình và cho cháu đỡ khiếp sợ. Dẫu biết rõ âm mưu bịa đặt, dối trá dân làng nhưng trong bối cảnh này bà Nụ cũng biết ngậm tăm mà thôi.
Mít - tơ - rông đưa bức chân dung cho tên thông ngôn, xi la xi lô một tràng. Tên thông ngôn chỉ ông già Sắc tóc râu bạc phơ bắt đứng dậy, hắn còn xoắn xoắn râu ông già kéo đến gần dí sát bức chân dung, hất hàm hỏi:
- Việt Nam hay Việt Minh?
- Dạ bẩm quan lớn, Việt Nam, dạ Việt Minh… Ông già Sắt run run trả lời.
- Tốt, tốt. Thằng này là Việt Minh. Thằng Việt Minh đã bị quan lớn xử tội rồi, còn bức hình này, không để lại làm gì, ông già hãy xé nát ra. xé nát bức hình này ra quan lớn sẽ thưởng cho ông. Nào, làm đi.
Ông già Sắt nhìn bức chân dung người hàng xóm tốt bụng của mình, người đã giác ngộ, đưa đường dẫn lối cho con trai ông đi theo cách mạng. Hiện tại con trai ông đang chỉ huy một đơn vị bộ đội chiến đấu rất ngoan cường ở mặt trận Quảng Trị. Ông Sắt biết rõ âm mưu của bọn Mít - tơ - rông, nếu ông xé bức chân dung này là đã trúng ý của chúng, chúng đang muốn chia rẽ dân làng, nhất là các gia đình có con theo kháng chiến. Một ý nghĩ chợt lóe trong đầu, ông Sắt cầm bức chân dung, nâng cao, hô lớn: “Hồ Chủ Tịch muôn năm. Việt Nam muôn năm. Việt Minh muôn năm”.
“Đoàng”. Ông Sắt ngã vật xuống. Một dòng máu đỏ thắm chảy ra giữa trán ông Sắt. Tên Mít - tơ - rông dương súng từ lúc nào, nó nhắm thẳng giữa trán ông già râu tóc bạc phơ, lạnh lẽo bóp cò. Dân làng nhốn nháo đứng dậy la ó. Tên thông ngôn quát to:
- Im lặng. Ngồi xuống. Đứa nào nhốn nháo, tao bắn vỡ đầu như lão già này.
Vừa nói tên thông ngôn vừa đi lại chỗ ông già Sắt, nó tái mặt khi thấy mắt ông già đang trợn lên nhìn mình. Quay vội đi hướng khác, với tay lấy bức chân dung ông Kè đưa ngay cho một thanh niên ngồi gần đó, hỏi:
- Việt Nam hay Việt Minh?
- Dạ thưa quan lớn, tôi là dân thường…
Tên thông ngôn kéo tay cậu thanh niên mới lớn lại bên Mít - tơ - rông. Tên quan Pháp sờ bàn tay cậu thanh niên:
- Tốt, tốt, tay không cầm lựu đạn, tay không cầm súng. Tốt, tốt…
Cậu thanh niên dớm chân định về chỗ ngồi thì tên quan Tây kéo lại, hất hàm hỏi:
- Đây là tên Việt Minh phải không?
- Thưa quan lớn, con không biết ạ.
“đoàng”. Cậu thanh niên chỉ kịp kêu lên hai tiếng mạ ơi rồi ngã xuống. “Con ơi”, một tiếng kêu thảm thiết, một người phụ nữ vạch lối mọi người băng lên. Mọi người nhìn ra, đó là o Tốt. O Tốt xán lại chỗ tên quan Tây:
- Con tôi có tội gì, sao các ông bắn nó. Các người độc ác quá trời.
Một thoáng chần chừ, o Tốt quay lại ôm choàng lên xác con. Tên thông ngôn lặng lẽ đưa mắt nhìn quan thầy, len lén vuốt mắt cho cậu thanh niên xấu số rồi đưa tay ra gạt o Tốt sang một bên. Có mấy người ngồi gần đó, đứng lên níu vai o Tốt lại, một người nào đó nói nhỏ: “Thôi chết một mình nó, chúng tôi đã thấy xót lắm rồi. Người sống còn phải lo mà trả mối thù này chứ. Bọn chúng là con chó cắn càn, liều mạng với chúng nó lúc này không giải quyết được đâu. Nghe tụi tui đi o”.
O Tốt được mọi người dìu về phía sau sân cỏ, nơi cậu con trai đã được khiêng về đó nằm sóng đôi với ông Sắt.
Mít - tơ - rông thực sự lúng túng trước cảnh chính hắn gây ra tội ác ngay trên sân đình làng. Gọi tên thông ngôn lại một góc, Mít - tơ - rông trợn mắt, phô hàm răng hô quát mắng liên hồi rồi hết chỉ đám dân làng vây quanh hai xác chết lại chỉ đám đàn bà con nít ngồi cụm lại với nhau trên bãi cỏ. Tên thông ngôn khúm núm xi la xi lô vâng dạ liên hồi rồi ngoắc tay ra hiệu bà Nụ đứng lên cho quan Tây hỏi:
- Mụ Nụ lên đây cho quan hỏi.
Bà Nụ đẩy Thắng sang cho người ngồi bên cạnh, rồi từ từ đứng lên. Thắng chới với hai cánh tay như hai cọng củi muốn níu bà lại nhưng không kịp nữa rồi. Hai chân bà Nụ buốt tê dò dẫm bước lên trước mặt tên quan đồn.
Bà Nụ đưa mắt nhìn về phía đám đông dân làng đang vây quanh xác ông Sắc và cậu thanh niên con trai duy nhất của o Tốt, một phụ nữ có nhan sắc mà chịu nhiều điều ong tiếng ve mặc dù o không hề có chuyện nọ chuyện kia.
Thấy thái độ và cử chỉ của bà Nụ, Mít - tơ - rông đắc ý xòe bức chân dung ông Kè về phía bà Nụ, hất hàm hỏi:
- Đây có phải là con rể của bà không?
- Đây là con tui!
Mở to mắt nhìn bức chân dung, bà Nụ trả lời dứt khoát.
- Đây là con rể bà, vậy con gái bà đâu?
Tên thông ngôn xen vào, Mít - tơ - rông nắm tay thằng tay sai: “Tốt, tốt”. Bất thần, bà Nụ bước sấn đến, giật phắt bức chân dung mà tên thông ngôn đang cầm trên tay ôm chặt vào lòng. Bà Nụ nhắm mắt, vẫn ôm chặt bức chân dung như chờ đợi điều gì. Tiếng lên đạn lích kích. Mít - tơ - rông ngửa mặt lên trời, tay trái đặt vào khẩu súng ngắn đeo trễ nơi thắt lưng, tay phải nó đưa lên làm dấu thánh. Không gian như đặc quánh lại, ai nấy ngồi im phăng phắc. Có người đưa tay ôm đầu đừng để nghe tiếng nổ chát chúa vang lên.
Bất ngờ, bà Nụ bước thêm hai bước làm tên quan Tây cũng bất ngờ lùi lại phía sau hai bước. Tên thông ngôn vội giơ tay ngăn bà Nụ, hỏi dò:
- Con gái, con rể mụ đã mấy lần về nhà lấy gạo, muối lên chiến khu, hả?
- Chúng theo Việt Minh, bỏ con lại cho tui nuôi, tui biết chúng ở mô mà tiếp tế cơm gạo.
- Không lý sự, vậy mụ cất giữ chân dung con rể để làm gì?
Biết tên quan Tây và đám tay chân đã có ý chùn, bà Nụ điềm tĩnh hơn nữa, đưa tay vuốt nhẹ bộ ngực lép xẹp của mình rồi buông lời rất nhẹ nhàng:
- Tui nghe tin hắn bị lính đồn các ông bắn chết, con gái tôi bị các ông bắt đi giam cầm ở mô đó, các ông còn giả bộ hỏi chi rứa. Còn bức chân dung này tui cất để lập bàn thờ cho nó không được sao. Nó sống thì đi làm Việt Minh, nhưng giờ chết rồi thì thành ma. Đã là ma thì làm gì có ma Việt Minh nữa mà các ông sợ.
Tên thông ngôn dịch lại từng lời của bà Nụ cho Mít - tơ - rông nghe. Cả làng Quảng xá ngồi chờ cái giây phút kinh hoàng của tiếng “đoàng”. Một phút… rồi hai phút… ba phút trôi qua.
Không gian chùng xuống, im phăng phắc, có thể nghe rõ tiếng đập thình thịch trong lồng ngực và tiếng thở hổn hển của người yếu bóng vía.
Bất thình lình, khẩu súng trên tay tên quan Tây rơi xoạch xuống đất. Tên thông ngôn hốt hoảng chạy tới quỳ xuống nhặt khẩu súng đưa hai tay dâng lên quan thầy. Mít - tơ - rông không hề để ý đến những cử chỉ đó, chậm chạp bước đến bên bà Nụ giật bức chân dung ông Kè, đưa lại cho tên thông ngôn xi la xi lô với nó một hồi rồi cẩn thận cho khẩu súng ngắn vào bao đeo bên hông, bấm khuy cài chắc chắn.
Với một động tác nịnh hót quen thuộc, tên thông ngôn dập gót, ưỡn ngực, nghiêm trang: “Tuân lệnh”. Mít - tơ - rông không ngạc nhiên khi thằng tay sai dùng tiếng bản địa, vì nó biết ý của thuộc cấp muốn tỏ rõ cái oai phong của quan Tây với dân làng.
Trao bức chân dung cho bà Nụ, tên thông ngôn tỏ vẻ trang trọng, rồi nói với âm điệu nghiêm cẩn:
- Quan lớn nói, mẹ quan ở Pháp quốc ngày quan xuống tàu sang Việt Nam cũng giữ một bức chân dung của quan. Người mẹ nào cũng thương yêu con mình mà không nề nguy hiểm. Tình ấy thật cao cả. Quan thấy bà ôm bức chân dung của ông Kè, mặc dù ông ấy là Việt Minh thì quan nghĩ ngay đến người mẹ của mình mà không dám nổ súng.
Đợi tên thông ngôn dịch xong, tên quan Tây rảo bước đến chỗ hai xác chết mà mấy phút trước chính tay hắn bóp cò súng. Hắn lặng lẽ đưa tay phải, cái tay vừa bóp cò súng lên làm dấu thánh xưng tội với Chúa. Làm xong cử chỉ đó, hắn lặng lẽ theo hướng cánh đồng về đồn.
Mạ tôi lại xuống chợ đồn sớm. Đêm qua bọ mạ xì xầm gần đến sáng kể cho nhau nghe câu chuyện đau buồn trên.
Mấy tháng sau, đồn xuân Bình binh biến, đại đa số dân vệ, bảo an, lính dõng tìm lên chiến khu theo Việt Minh. Trong danh sách Ban địch vận, Ủy ban kháng chiến huyện có một sĩ quan Pháp, đó là Mít - tơ - rông.