M
ạ kể rằng, trong số Việt gian, tề ngụy đầy thú tính, gian manh xảo trá phải kể đến thằng Càn ở làng Trung Quán. Càn có thú tiêu khiển là cưỡi ngựa. Là con nhà Việt gian chính hiệu, hay còn nói khác hơn nữa, hắn là con nhà nòi của cái giống mật thám ác ôn chính cống. Cha hắn làm mật thám từ khi Pháp đổ bộ vào làng Quảng xá năm 1946. Trước khi làm mật thám, cha con thằng Càn cầm đầu nhóm cướp khét tiếng một vùng. Nhưng có một điều lạ, “chim không ăn cành rìa tổ”, băng cướp do cha thằng Càn cầm đầu không bao giờ động đến nhà nào trong làng Trung Quán. Nhưng còn các làng khác thì sao, “nhớn bùi bé mềm”, từ nhà giàu cho đến nhà hơi giàu, hoặc chỉ có của ăn của để một chút là cha thằng Càn cho quân đến “hỏi thăm” ngay. Để chống lại băng cướp hung hãn đó, nhà giàu thường bảo nhau một cách phòng vệ có một không hai mà lại khá hiệu quả. Đó là miếng võ “rải chông”. Chông làm thật đơn giản. Đầu tiên đem hạt bắp đun sôi, vùi xuống bếp trấu cho mềm, lấy gai bồ kết, gai mỏ quạ thứ già, cứng xiên vô hạt bắp rồi phơi khô. Chiều tối, đem chông rải khắp sân, ngõ rồi tắt đèn đi ngủ sớm. Ngày trước, dân nghèo, dân lao động lấy đâu ra giày đinh, giày cao cổ mà đi như bây giờ, băng cướp xông đến nhà nào xéo phải thứ chông hạt bắp xiên gai đó thì chỉ có cách ráng chịu đau, bảo nhau rút lui “có trật tự” mà thôi. Bị thất bại nhiều lần như thế, rồi cuối cùng cha con thằng Càn cũng nghĩ ra được cách vô hiệu hóa “chông” tự chế của dân nhà giàu trong vùng. Lặn lưng một mớ bạc, cha con thằng Càn vô Huế mua mấy con ngựa rồi tìm thợ giỏi đóng móng tốt đem về. Khi kéo quân đi ăn cướp, có hôm thì thằng Càn, có hôm thì trực tiếp cha hắn cưỡi ngựa xông vào trước. Mà cách vô hiệu hiệu hóa chông hạt bắp cũng khá đơn giản, đó là cho con ngựa kéo lê mấy khúc cây chuối đằng sau. Thân chuối mềm, chông hạt bắp cứ xiên vô tư. Thế là bao nhiêu chông đều được thân cây chuối thu gom hết, quân ăn cướp cứ việc xông vào hót lúa, bắt heo bắt gà đem đi mà gia chủ thả cửa bớ làng bớ nước.
Thời gian đó, dân trong vùng, trừ làng Trung Quán ra, còn lại nhiều nhà giàu, nhà hơi giàu, nhà có của ăn của để đều bị vài ba bận băng cướp của cha con thằng Càn mò đến “hỏi thăm”. Bị mất của, xót, có nhà giàu tổ chức tay chân chống cự đều bị cha con thằng Càn đốt nhà, đánh đập giã man. Nói đến băng cướp này, trẻ con đang khóc lập tức im bặt như gặp ma gặp quỷ vậy.
Thế rồi không biết ma xui quỷ khiến thế nào, cha con thằng Càn bỏ ngang việc ăn cướp mặc cho lũ tay chân đàn em du thủ du thực vật vạ van xin được tiếp tục cách mưu sinh nghề bất lương.
Thì ra, bỏ ngang việc ăn cướp, cha con thằng Càn xoay qua làm mật thám cho quan đồn người Pháp.
Vừa bỏm bẻm nhai trầu, mạ vừa kể cha con thằng Càn làm mật thám cho quan Tây còn kiếm nhiều bạc hơn nghề ăn cướp. Rồi, như sực nhớ ra điều chi đối với cha con thằng Càn, mạ bước lên mấy bước vòng qua chậu than củi đang rực đỏ bên bậu cửa để sưởi ấm phòng cảm lạnh ra đầu hồi nhà phía trái nhổ cái “toẹt” miếng nước trầu đỏ quạch. Sở dĩ mạ ra đầu hồi nhà phía trái là theo thói quen lâu nay, bà ra đó để ngắm trời ngắm đất. Đầu hồi nhà phía phải dưới vườn có trồng mấy khóm mía lau. Mía lau được chăm bón nên tốt lạ thường, mắt già khó nhìn vóng qua được. Chẳng biết mạ có thói quen nhìn trời nhìn đất, nhìn ra lộ lớn tự bao giờ. Con cháu kính hiếu tôn trọng thói quen đó nên ngày ngày đốt sẵn chậu than củi để mạ ngồi sưởi khi trời đông giá lạnh hoặc chậu nước mát, chiếc quạt máy khi nắng nôi bức sốt.
Mạ bảo, thằng Càn học được từ cha hắn nhiều cái ma mãnh, gian tham lắm. Không biết bọ mạ hắn nghĩ sao khi đặt cái tên cho nó là Càn. Càn ở đây là làm càn, càn quấy hay càn quét, chỉ có cha con nhà hắn và những nạn nhân của cha con hắn mới biết. Thằng Càn lém miệng, lại háu gái, thích cưỡi ngựa đi đây đi đó khắp vùng. Mấy con ngựa cha con hắn mua về từ Huế phải nói là thứ giống tốt. Nhưng thằng Càn chỉ thích cưỡi con ngựa màu xám tro, con ngựa cái tơ khoảng hai hay ba tuổi gì đó. Cha con thằng Càn vào nghề mật thám tương đối dễ dàng. Với cặp kính dái dê đen xít, đội mũ phớt, cưỡi ngựa đi quanh đi quất trong xóm trong làng, lại có thâm niên ăn cướp, ai dám chọc ngoáy vô. Nhà giàu trong vùng vẫn nơm nớp lo sợ, một đêm nào đó, bất thần, đèn đuốc sáng trưng, tiếng ngựa hí, tiếng sàn sạt cây chuối kéo lê, tiếng kêu cứu lại không xảy ra với nhà mình. Nhà giàu, người có máu mặt còn kiêng nể thì loại chân đất mắt toét ai còn dám nhìn, dám nghĩ, dám nói đến cha con thằng Càn nữa. Mạ bảo thằng Càn thích cưỡi ngựa mần như rứa để tạo cái dáng bề ngoài cho nó oai ra nhẽ, đi lại thuận tiện, dễ dàng luồn lọt, lách lác vào vùng sâu vùng xa của làng xã thôn xóm để mà nắm tình hình rồi cung cúc đem lên đồn cho quan Pháp lĩnh thưởng. Năm đó, thằng Càn 28 tuổi mà đã rành rẽ sành sỏi và nham hiểm. Cha con thằng Càn ngày càng có quyền uy trong vùng này mà còn có quyền thế đối với bọn tề ngụy ở các vùng lân cận như các làng hai bên bờ sông Kiến Giang. Đó là các làng như Quảng xá, Trung Quán, Tà Phan, Ninh Châu, Hiền Vinh, Mỹ Gia…
Thế rồi, ông trời có mắt, cha thằng Càn một bữa nhậu say ở chợ huyện cưỡi ngựa về đến bến đò Hiền Vinh thì đột quỵ. Con ngựa hắn cưỡi khôn thật, chủ nằm gục trên lưng mà nó vẫn đưa được về đến nhà. Thằng Càn thấy cha chết một cách đáng ngờ thì lấy làm cay cú lắm. Nghe đâu phiên chợ sau, quán thịt chó leo dây của lão Hiến mắt toét bị quan Tây đưa lính đến khám xét, lục lọi suốt buổi. Người ta bảo, cha thằng Càn uống rượu thịt chó ở quán lão Hiến rồi về gần đến nhà thì nằm gục xuống lưng ngựa. Khốn khổ cho lão Hiến toét, bợm nhậu đến ăn thịt chó uống rượu đến say mềm thì nhiều chứ đâu có một mình cha thằng Càn mà bảo người ta đầu độc. Thế rồi đận ấy cũng qua đi, quán thịt chó leo dây của lão Hiến toét ở chợ huyện, bợm nhậu vẫn lại ra vô như không có chuyện chi xảy ra cả.
Từ ngày cha chết, Càn càng tỏ ra ma ranh hơn, nó hiểu rất cặn kẽ từng địa bàn cần đến. Nó biết hầu hết các nơi đã từng làm cơ sở cách mạng. Gia đình nào có chồng, có con, anh chị em đi kháng chiến, bộ đội dân quân du kích nó đều có sổ ghi chép cẩn thận. Điều đặc biệt hơn nữa, thằng Càn nắm rất rõ gia cảnh các chị em ở trong vùng. Cô nào có chồng, cô nào đang có người yêu, cô nào còn đang “kén cá chọn canh”… tất thảy không lọt con mắt sắc lẻm ẩn nấp đằng sau cặp kính dái dê đen xịt. Khi đã “lọt” vào cặp mắt cú vọ, các “nạn nhân” sẽ bị thằng Càn lân la đến, lợi dụng, sử dụng bằng nhiều mánh khóe, thủ đoạn để làm những trò hèn mạt chiếm lĩnh bằng được mặc cho họ van xin, lạy lục. Ngoài việc tự mình tìm hiểu các đối tượng, thằng Càn còn yêu cầu chức sắc các làng các xã dưới quyền hắn cung cấp thêm các địa chỉ cụ thể để nó “mần việc”.
Mạ kể, một bữa đi chợ Trung Quán, thấy thằng Càn đứng vơ vẩn ở dãy hàng cá, hàng tôm. Nó cúi xuống chọc tay bới bới mớ tôm đang nhảy lao xao trong rổ mà mắt thì đảo như người rang đậu phộng nhìn xoi mói hết chỗ này qua chỗ khác. Bà bán tôm gắt: “Cái nhà anh ni, tôm tươi nhảy tanh tách thế còn chọc ngoáy chi mãi, anh có mua hay không để cho tui còn bán, chợ vãn rồi đó”. Thằng Càn quắc mắt: “đù mạ… mụ sợ thằng này không có tiền à. Chợ vãn thì sao? Rách việc…”. Rồi thằng Càn quệt bàn tay có những ngón mập ú như quả chuối lên tay áo bà bán tôm trước bao nhiêu cặp mắt sợ sệt của mọi người. Bà bán tôm đã định đứng dậy tay đôi với thằng Càn thì mấy bà ngồi cạnh níu áo lắc đầu, đưa mắt ra hiệu cho khổ chủ bỏ qua chuyện đó đi. Thằng Càn đi rồi, một bà có mớ cá bống ngồi cạnh dè dặt: “O không biết thằng ni hay sao mà định một hai với hắn. Hắn mần rứa với o còn là may cho o đó. Bữa trước, mớ cá đáng giá ba đồng mà nó gói tất, quẳng lại một đồng bạc còn kèm theo cái lườm tưởng như thiêu cháy cả dãy chợ nữa đó….”. Thằng Càn hằm hằm cái mặt đi nhanh ra góc chợ nơi đó con ngựa của hắn đang buộc dưới gốc cây ổi. Thấy Càn ra chỗ con ngựa, một thằng bé chừng mười một mười hai tuổi khép nép ngả chiếc mũ nan rách trước mặt nó, giọng run rẩy: “Dạ, ông cho con xin tiền cỏ”. Thằng Càn tỏ vẻ khó chịu ra mặt, móc tờ bạc vứt toẹt vào cái mũ nan rách. Cất giọng the thé: “Có thế thôi, biến đi cho khuất mắt tao”. Thằng bé lẽo đẽo chạy theo sau đít ngựa, giọng khẩn khoản: “Thưa, kiếm được ôm cỏ cho ngựa ông, bữa nay con phải nhờ đứa em mần thêm… ông cho xin thêm…”. Thằng Càn quắc mắt: “đù mạ mi… thêm với nếm gì nữa. Biến!”. Tội nghiệp thằng bé, nếu không nhanh né sang một bên chắc đã lĩnh gọn ngọn roi quất ngựa. Thằng Càn thúc ngựa bạt mạng giống như bị ma đuổi phóng về Nguyệt Áng rồi quay lại hướng Quảng xá. Từ Quảng xá, thằng Càn lại phóng ngựa ra xóm chài.
Thì ra, một hôm, Càn được lý trưởng Tòa cho biết cụ thể trường hợp gia đình o Tốt ở xóm chài Quảng xá ven sông Kiến Giang.
Cha o Tốt bị tên bay đạn lạc ngay từ trận càn đầu tiên Pháp đánh lên vùng giữa huyện. O Tốt sống với mạ trên chiếc thuyền cũ kỹ, nối tiếp nghề chài lưới, đủ kiếm ăn qua ngày. Những ngày giông gió, thuyền chài kê mũi lên bãi bồi tránh nấp, mạ con o Tốt mới về nhà. Hầu hết thời gian hai mạ con o luôn ở trên thuyền, thả lưới, giăng câu, nấu nướng, ăn ngủ.
Khi Tốt vừa qua tuổi mười tám, cũng là khi hai mạ con o đau đớn tiễn đưa người chồng, người cha xấu số về nơi yên nghỉ cuối cùng. Cuộc đời của hai mạ con sẽ cứ lặng lẽ bên bờ sông nếu như không có thằng Càn xuất hiện.
Không nôn nóng, hấp tấp, vồ vập, với o Tốt, thằng Càn có một xảo quyệt, mưu mô nham hiểm.
Thằng Càn kiên trì lung lạc, dụ dỗ, chờ đợi cơ hội thuận lợi.
O Tốt vốn dĩ đã có người yêu đi du kích rồi được bố trí lên chiến khu tham gia bộ đội chủ lực. O Tốt gặp anh một lần về thăm quê ngoại. anh Sắc là một thanh niên con gia đình nông dân chăm chỉ làm ăn, hơn o Tốt bốn tuổi. Nhà Sắc nghèo, như bao gia đình nông dân ở vùng này vì sưu cao thuế nặng. Thuở ấy, con nhà nghèo không ai được đi học. Mãi về sau nhờ có phong trào Bình dân học vụ, Sắc mới được làm quen với chữ a chữ c. Được cái, Sắc rất thông minh, anh học nhanh, tiến bộ rõ rệt. Chỉ một thời gian ngắn, ngoài việc đọc thông viết thạo, Sắc còn được các anh trong đơn vị dạy cho thêm phép tính cộng trừ nhân chia và những câu văn đơn giản, trong sáng. Gặp nhau ở quê ngoại o Tốt, hai người trở nên thân thiết. Tình bạn ngày càng gắn bó, sâu đậm thêm. Gia đình hai bên cũng đều nhất trí, vun vén. Đã có một lễ đặt trầu đính ước cho đôi trẻ. Nhưng rồi, Sắc có tên trong danh sách lực lượng quân chủ lực rút lên căn cứ Nước đắng. Từ đó Sắc lại được bố trí vô đơn vị bảo vệ cơ quan lãnh đạo kháng chiến của huyện nhà. Công tác quan trọng, Sắc không có điều kiện gặp gỡ Tốt nữa. Dễ đến ba bốn tháng rồi mà chưa một lần nhận được tin tức gì của người yêu, Sắc rất thương rất nhớ và lo cho o Tốt. Cả đến khi cơ sở cách mạng kết nối được đường dây liên lạc giữa chiến khu với vùng địch hậu mà Tốt và Sắc vẫn bặt tin nhau.
Một lần Sắc cùng Ba xuân được nhận nhiệm vụ đặc biệt về vùng địch hậu ở Trần xá tổ chức lực lượng dân quân trong lòng địch. Đợt công tác này còn có cả một anh ở Chi bộ Châu Gia, người nói là có biết o Tốt. Sắc mừng lắm, anh đã gói kỹ món quà là chiếc lược ngà để dành cho Tốt. Nhưng háo hức bao nhiêu thì lại thất vọng bấy nhiêu. O Tốt cùng mạ lênh đênh trên thuyền xuôi ngược nay bến này mai khúc sông khác mà chẳng để lại lời nhắn nhủ gì. Buồn vì không gặp người trong mộng, Sắc dốc hết sức cho chuyến công tác, quên cả chuyện làm dáng, khiến ria mép thi nhau phát triển với đám râu tua tủa dưới cái cằm thi thoảng lại vênh lên cười đùa cùng Ba xuân để xua đi nỗi xa xót người yêu.
Mạ đang kể say sưa chuyện Ba xuân và anh chàng Sắc đi phát triển lực lượng dân quân du kích hoạt động trong lòng địch thì bất chợt một tiếng nổ lớn ngoài lộ và chiếc xe chở gạch vật nghiêng xuống con mương bên cạnh. Chiếc xe chở nặng bất ngờ nổ bánh trước. Tiếng nổ khá to. Mạ giật mình, hô to: “Ca nông Pháp điểm cầm canh bà con ơi! ai về hầm nấy, đừng đi lại loạng quạng trúng đạn bỏ mạng đó”. Mấy cậu choai choai đang say xưa nghe mạ kể chuyện đánh giặc, cười nghiêng ngả khi thấy mạ bất chợt sống lại thời đạn bom ác liệt ngày nào. Đúng là đại phúc, đại thọ. Chỉ còn mấy chục tháng nữa thôi là mạ bước sang tuổi một trăm. Gần trăm tuổi mà mạ chỉ mới mất hai răng cửa, tóc đổ màu cà phê, không ra đen, không ra trắng, trông rất đặc biệt. Trong số người ngồi nghe mạ kể chuyện, một thằng cháu vừa học lịch sử đến đoạn chiến dịch Thu đông 1953, chiến thắng điên Biên Phủ nghe mạ hô to liền nhanh chóng chui xuống gầm giường, mấy thằng bạn thấy thế nhảy tót vô bồ đựng ló góc nhà. Mạ quát to: “Tổ cha mi, chui vô bồ đựng ló mà thoát được hả?” “Bồ đựng ló là chi hả mạ?” “Thì đựng ló là đựng thóc nờ… mi ngồi nghe tau kể mà cũng lắm chuyện đó hè. Mà nì, mấy đứa mô hết rồi, ra đây mạ kể tiếp nì”. Thằng Chuột chạy lon ton đến ngồi cái phịch xuống trước mặt mạ, miệng lia thia: “Mạ kể nữa đi, rồi hai mạ con o Tốt có bị răng không. Cái thằng Càn có làm khó được chi cho mạ con o Tốt không mạ ơi”.
Mạ đưa ngón tay trỏ lên quẹt vèng hai khóe miệng rồi lại nhỏ nhẹ kể chuyện. Có điều, từ lúc mạ nghe tiếng nổ bánh xe ngỡ tiếng ca nông điểm cầm canh ngày nào thì giọng mạ chùng xuống, như hồi nhớ đến người bạn thời đi ở đợ với mình. Người bạn chăn trâu cắt cỏ ở nhà chánh tổng Vạn với mạ chính là mạ o Tốt. Cái chết của mạ o Tốt đã cứu được bao nhiêu sinh mạng vô tội ở khúc sông này, vùng quê này. Ngày ấy, ca nông điểm cầm canh, câu bất tử liên hồi của Pháp bất kể ngày đêm, có khi là chập tối, lúc lại đúng bình minh khi ông mặt trời ló ra sau dãy núi đầu Mâu. Một quả nổ cái ình, hai quả nổ cái ình. Rồi ba quả, bốn quả, liên hồi ình ình, ình ình. Mà điểm rơi thì vô cùng, có quả đạn làm tung một bụi sim trên đồi cát, có quả rơi bùm xuống sông làm đàn cò trắng đang tha thẩn kiếm ăn hốt hoảng tung cánh bay mất dạng.
Sáng hôm đó, vừa gỡ xong mẻ lưới sớm, o Tốt cắm sào đem cá lên chợ bán. Bà mạ ở nhà nấu xong niêu cơm, kho vừa cạn nước nồi cá bống thì một tiếng nổ chát chúa vang lên. Trên bờ, bụi tre nước te tướp, mấy đọt măng bị mảnh đạn xén ngang, ứa nước vàng bốc mùi hăng hắc. Bà mạ tội nghiệp bị một mảnh đạn găm thẳng vô ngực trái. Bà gục xuống bên niêu cơm, nồi cá bống kho tiêu béo ngậy thơm phưng phức.
Ngồi chợ mà lòng dạ như lửa đốt, vơ vẩn một lúc rồi như có người xui khiến, o Tốt chỉ kịp trút mớ cá vô rổ chị bạn với lời dặn: “Bán giùm em, đắt rẻ bán giùm em. Em phải về, chắc mạ có chuyện…”
Từ trên bờ đê, o Tốt vẫn thấy thuyền cắm sào, những làn khói bếp vẫn vằn vèo thả lên trời xanh yên bình. Tất tưởi, o Tốt bước nhanh xuống thuyền.
Trời!
Mạ nằm gục bên bếp, cạnh niêu cơm và nồi cá kho, tay vẫn cầm đôi đũa…
- Rồi sao nữa mạ?
- Răng mạ nói nhờ cái chết của mạ o Tốt mà bao nhiêu dân nghèo chài lưới, bao nhiêu người dân vô tội ở khúc sông này, vùng quê này thoát được cái chết bất ngờ. Mạ kể đi!
- Ờ ờ… để mạ kể. Mà tau kể tới chỗ mô rồi hè.
- Mạ kể chuyện mạ o Tốt trúng mảnh đạn ca nông nằm gục trên thuyền ngoài bến sông làng ta đó hè.
- Ờ ờ… nhưng tau kể lộn rồi, đoạn đó để sau tau nói, giờ tau kể chuyện ngày bà bạn còn sống tề.
- Ôi chao! Bạn bè nào của mạ ở đây hè!
- Thì bà bạn đó, mạ con Tốt đó…
Vẫn bỏm bẻm nhai trầu, phì phà phì phụt của người già mất mấy cái răng cửa, với cái giọng đều đều mạ kể tiếp.
Mạ con o Tốt vẫn ở trên con thuyền nhỏ làm nghề chài lưới trên sông. Mỗi lần đi ngang qua bến sông ni, nơi thuyền của mạ con o Tốt thường hay neo đậu, thằng Càn cũng cắm sào cho thuyền lúc thì xa xa, lúc thì gần gần, không để người trên thuyền kia để ý mà đủ cho hắn quan sát, toan tính. Trước đó, thằng Càn đã vô làng hỏi kỹ mấy đứa tay chân hắn về mạ con o Tốt. Bọn tay chân tin cậy của Càn buộc phải cho hắn biết thôi. Mà có khó chi việc đó đâu, quy luật làm nghề giăng câu thả lưới ở làng chài này có gì bí mật. Nói cho thằng Càn biết được quy luật đi lại làm ăn kiếm cá kiếm tôm của mạ con o Tốt thì cũng chẳng mần răng hại cho ai, lại còn được ông chủ thưởng cho vài đồng uống rượu, đánh bạc thì người nào chẳng thích. Chỉ có thông tin người yêu o Tốt là bộ đội Việt Minh đang ở chiến khu là thằng Càn sốt sắng nhất. Thằng Càn thưởng cho kẻ mật báo tin này bằng một chầu thịt chó bảy món ở quán Hiến toét ngoài chợ huyện. “Ông chủ phải cẩn thận, người yêu o Tốt không phải dạng vừa đâu hè. Thấy nói người ấy giỏi võ, một mình đánh bại hàng chục thanh niên trai tráng đó tề”. “Ô hay! Tau đụng chi đến thằng người yêu của hắn mà mi nói nó giỏi võ. Nó có giỏi võ đến mấy thì cũng không lại với quan Tây trên đồn tề. Mà thôi, mi uống rượu, ăn thịt chó đi hè, tiền tau trả rồi, phải không lão chủ quán?” Thằng Càn đưa mắt liếc Hiến toét, quẳng nắm tiền xu ra mặt bàn bóng nhoáng những mỡ và vài ba miếng riềng thái mỏng nằm lẫn với đám lá mơ xanh xanh tia tía. Hiến toét lấm lét đưa hai tay vơ đám tiền xu đút vô cái bâu cáu bẩn trên tấm áo màu nước lòng.
Cũng không phải dạng vừa, thằng Càn đưa tin o Tốt có người yêu là bộ đội Việt Minh lên cho quan Pháp đồn Mỹ Gia. Quan thầy, đệ tử bàn bạc kế hoạch đối phó với cơ sở Việt Minh hoạt động trên sông Kiến Giang là mạ con o Tốt và lực lượng dân quân du kích, bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực ở huyện Quảng Ninh.
Một hôm, chiều về tà, mặt trời đã tụt xuống ngọn núi Thần đinh, Càn thúc ngựa đến bến sông. Chậm rãi buộc ngựa vào gốc cây ven đường, lững thững đi thẳng xuống bờ sông nơi có thuyền của mạ con o Tốt đang đậu chờ gỡ mẻ lưới giăng từ khoảng xế chiều. Càn có vẻ đã tính toán rất kỹ cho việc này. Cử chỉ, dáng điệu và cả sự tự tin hiện ra trên nét mặt Càn đã nói rõ được điều đó. O Tốt đang nấu cơm tối. Bếp đun ở trên thuyền trăm nhà như một đều được thiết kế giống y chang nhau. Đó là một chiếc hộp gỗ hình chữ nhật, chiều dài khoảng tám mươi phân, ngang ước chừng hai gang tay. Chiếc hộp gỗ đó được đắp đất sét trong lòng, trên đặt chiếc kiềng sắt. Củi đun với dân chài ven sông Kiến Giang chỉ là chuyện vặt. Mùa lũ, mùa nước ròng cành khô trôi nhiều vô kể, thậm chí cành cây trôi trên dòng sông này cũng là còn thành một trở ngại cho việc buông câu giăng lưới kiếm ăn. Niêu cơm bao giờ cũng được nấu trước, cạn nước thì vùi xuống cạnh bếp đun. Tiếp theo đó đun đến ấm nước, nồi canh và cuối cùng mới là nồi cá, xoong tôm. Các cụ dạy, “bán hàng ăn chũm cau”, thật quả không sai. Giăng câu thả lưới nhiều khi bắt được cá to, tôm tươi ngon nhưng những thứ đó thường được “sống” lại, sáng sớm mai đưa lên chợ. Vợ chồng, con cái lại chỉ ăn những thứ cá tôm hoặc đã xây xát đầu đuôi, hoặc đã chết kém ngon… chuyện đó với dân chài nghèo trên bến sông này âu cũng thường tình. Bữa đó, bếp nhà o Tốt cũng vậy. Tầm trưa, một con cá đối chắc bị chân vịt ca nô đi tuần tiễu quạt trúng đầu dạt vào mạn thuyền o Tốt. Mạ già chẹp miệng: “Tội nghiệp con cá, đầy một bụng trứng thế ni, không vướng nạn chắc nay mai sẽ có hàng hà sa số đối con. Thôi, mần sạch rồi ướp mắm muối để chiều kho măng con ạ”. Lại nói chuyện kiếm măng, kể cũng khá dễ dàng. Bờ sông Kiến Giang có nhiều bụi tre nước. Mùa mưa, tre nước đâm măng tua tủa. Chỉ mất chừng mươi phút ghé thuyền vô nơi có bụi tre nước, sắp sẵn con dao phát nữa là đã có vài đọt măng tươi non mơn mởn. Măng tre nước tươi, bóc vỏ, thái mỏng kho lẫn với cá thì thật hết chỗ nói. Còn nếu không kho, có thể đem thứ này nấu canh chua, nấu canh với còng cua, còng tôm giã nát cũng tuyệt.
- Trời, mệ kể chuyện chi lòng vòng quá trời, cuối cùng thằng Càn nó mần răng với mạ con o Tốt kìa.
Thằng Chuột láu táu hỏi.
- Ừa, để mệ nói cho nghe. Chuyện đâu còn đó, bọn mi nghe tau kể chuyện thì phải học tính kiên nhẫn đi nha. Bữa ni kể chưa xong, ngày mai ngày mốt, tau chưa chết đâu tụi mi lo, hỉ.
O Tốt cứ lặng lẽ nấu cơm, đầu nghiêng nghiêng chải mớ tóc dài đen mượt chắc mới gội lúc trước. Trên bờ, thằng Càn lặng lẽ nhìn chằm chằm vào thân thể o Tốt, người con gái đang phơi phới tuổi xuân căng đầy bờ vai. Thằng Càn hít thật sâu, hít căng lồng ngực như hút lấy cả thân thể kia vô tròng mắt thèm khát của mình. Cặp mắt của tên mật thám khét tiếng mà lúc này dường như cũng bị dáng dấp thanh xuân mềm mại của thiếu nữ chinh phục hoàn toàn. Tốt mải đun nấu và chải tóc thực sự không để ý, khi ngẩng lên bắt gặp ánh mắt cú vọ của thằng Càn đang như dán vô người mình thì thoáng giật mình, lúng túng. Thằng Càn nhẹ nhàng đứng hẳn lên rồi cất tiếng chào. Tiếng chào đầy mưu toan với tính toán: “xin chào người đẹp. xin chào o Tốt…”. Tốt không trả lời. Tốt thoáng nghĩ, người này là ai, ở đâu đến đây, đến đây mần chi hè…. thằng Càn cũng không phải dạng vừa, nó xoay nhanh kế hoạch tiếp cận. Nó hỏi, nó chào đến câu thứ ba, thứ tư bằng cách gọi đúng họ tên o Tốt. Lại một thoáng giật mình và sau đó o Tốt nhanh chóng tỉnh táo, nhanh chóng lấy lại thăng bằng bình tĩnh trước tên mật thám gián điệp mặt người dạ thú đó. O Tốt không nhìn mặt người hỏi, thong thả trả lời:
- Dạ! anh hỏi ai ạ?
Thằng Càn đắc ý vì o Tốt cuối cùng cũng đã chịu bắt chuyện, mặc dù cách tiếp cận mục tiêu của hắn không thực sự tế nhị và vui vẻ chi lắm. Nó vỗ vỗ tay tỏ ra rất phấn khích:
- Là tui hỏi chính o đó!
Tốt đưa tay gạt mớ tóc đen mướt ra sau lưng, nghiêng đầu hỏi lại, giọng điềm tĩnh:
- Hỏi tui? anh gọi tui? O Tốt vừa nói vừa chỉ vào mình. Sao anh biết tên của tui mà hỏi rứa hè. Tui có vinh dự được làm quen anh khi mô hề.
Thằng Càn nhếch mép cười, cái cười của nó mới gây chuyện làm sao.
- Trước lạ sau quen. Rồi tui sẽ có vinh dự làm quen với o thôi, sớm muộn gì chuyện đó cũng xảy ra mà, mần chi phải so đo tính toán, phải không mạ hề - bất ngờ thằng Càn lôi mạ o Tốt vô câu chuyện rất xảo trá khi thấy bà lấp ló đầu trong mui thuyền.
Mạ o Tốt chui hẳn ra khỏi khoang thuyền ra sát bên bếp đun ngồi đó với con, cất giọng đầy tự tin hỏi lại thay câu chào của kẻ kiếm chuyện bất đắc dĩ.
- Này nhà anh kia, muốn kiếm chuyện thì đi chỗ khác, mạ con tui không có chi để làm quen với anh đâu.
Thằng Càn xua tay, giọng vẫn cố tỏ ra thân thiện:
- Là con có lời chào mạ. Mạ là mạ o Tốt, vậy mạ cũng là mạ con đó tề. Mạ và o nói không biết, không quen với con. Điều đó đúng, vô cùng đúng. Nhưng con thì lại biết rất rõ mạ con o Tốt. Con biết o Tốt nhà ta có người yêu, à quên, chồng chưa cưới là Việt Minh nay đang ở trên chiến khu Nước đắng nữa kìa…
Không chờ o Tốt nói thêm câu gì, thằng Càn cười gằn khoái trá rồi lên ngựa quay về.
Mạ con Tốt nghi lắm. Tối đó, o giục mạ ăn cơm sớm rồi lặng lẽ nhổ sào, chèo thuyền qua bên kia, bỏ ngang không gỡ cá ở vạt lưới đã giăng lúc chiều.
Bỏ bến quen thuộc và khúc sông nhiều tôm nhiều cá, kể cũng tiếc, nhưng không muốn giáp mặt thằng mật thám nguy hiểm, mạ con o Tốt buông xuôi thuyền mặc dòng nước đưa đẩy muốn đến đâu thì đến.
Khoảng dăm bữa nửa tháng, thấy có vẻ yên yên, mạ con o Tốt lại quay về bến cũ. Đêm ấy, vừa giăng xong mẻ lưới chưa kịp uống chén nước cho ấm bụng, o Tốt đã thấy thằng Càn ngồi trên một chiếc thuyền nhỏ nhẹ nhàng ghé sát bên cạnh.
- Chào o Tốt!
Tiếng chào đầy hồ nghi và ranh mãnh của thằng Càn làm o Tốt giật mình, luống cuống, chưa biết xử lý mần răng thì kẻ đối mặt cũng không đợi lâu, nó nói một lô, một lô luôn tù tì:
- O Tốt có tin tức gì về người chồng chưa cưới không. Hay là nhờ tui tìm giúp cho. Mà cũng đã đến lúc phải giới thiệu với o, để ta làm quen nhau hỉ. Tui là Càn, làm việc ở bên đồn Mỹ Trung. Trên đồn chúng tui đã có đầy đủ tư liệu về người chồng chưa cưới của o, về gia cảnh nhà o… có điều… tui….
Thằng Càn bỏ lửng câu nói càng làm o Tốt bối rối, có phần lo sợ. Không biết vì sao con người này lại biết về mình rõ ràng đến vậy.
Thực ra, thằng Càn bỏ lửng câu nói cũng là một chiêu trong giáo trình dạy làm mật thám việt gian mà các quan thầy đã dạy nó. Trong các cuộc đối thoại, thằng Càn hay bỏ lửng câu hỏi, câu trả lời để theo dõi, dò la sự phản ứng của người đối diện. Bữa nay, thằng Càn áp dụng với cuộc chạm trán o Tốt phải nói là hơi bị hiệu quả. O Tốt mặc dù đã được người yêu “tập huấn” và được mạ dìu đỡ trong công việc, công tác nhưng đối diện với một thằng mật thám gian trá như thằng Càn, o vẫn cảm thấy bị động, lúng túng. Sự bị động, lúng túng lo lắng còn tăng thêm khi o Tốt thấy đằng sau lưng quần tên mật thám lồ lộ phần đuôi của khẩu súng đen chùi chũi. Thấy cách tiếp cận mục tiêu của mình đã phát huy tác dụng, thằng Càn quyết định tung thêm chưởng nữa để lung lạc tinh thần mạ con o Tốt. Càn rà tay xuống mặt sông, búng búng ngón trỏ như cách người ta búng nước đuổi tôm đuổi cá, hạ giọng:
- Đậu riêng một thuyền một bến thế này, quan Pháp nghi ngờ lắm đó.
O Tốt chột dạ, bụng nghĩ nhanh: “Thằng này tấn công ngay thế này, mình phải xử lý ra răng hè. Tình huống này chưa thấy các anh nói bao giờ. Phải mần răng chừ. Phải mần răng chừ.”
Rồi o Tốt cũng tìm ra cách đối phó. O Tốt cấu tay mạ, đánh trống lảng:
- Mần cái nghề ni, cực khổ lắm anh ơi. ai mà chẳng muốn vui bạn vui bè, nhưng vui vẻ mà chụm cả vô một chỗ thì liệu có kiếm được miếng ăn không. Người khôn của hiếm. Cá tôm ngày nay bị bom bị đạn, bị ca nô tàu chiến của các ông quan Tây quần đảo suốt đêm ngày thế ni thì thử hỏi chúng sống sao nổi. Đây anh coi, suốt từ sáng sớm đến đêm sẫm thế ni mà đâu có được bao dăm con tôm con cá. Vừa nói o Tốt vừa cố tình kéo cái xạ sống cá đeo mạn thuyền lên cho thằng Càn coi.
Thằng Càn chặc lưỡi, với tay lấy ngọn đèn dầu bé tẹo để dưới chân o Tốt, lí nhí:
- Cho xin tí lửa, mồi điếu thuốc, từ chặp tối đến giờ nhịn suông, nhạt miệng quá.
Rồi như sực nhớ ra, thằng Càn xòe gói thuốc lá thơm trước mặt o Tốt và bà mạ, cười nịnh:
- O mần điếu thuốc cho ấm bụng. Con mời mạ hút thuốc….
Mạ o Tốt chiêu ngụm nước súc miệng rồi ghé đầu xuống sông nhổ mạnh, giọng tỉnh rụi:
- Không giám, mạ con tui nỏ ai biết ăn thuốc, chắc anh biết rồi hè. Mà đêm hôm gió máy thế ni, có công việc chi mà anh kiếm mạ con tui vậy. Tui nói rồi đó, mạ con tui chỉ lo làm lo ăn, chuyện quốc gia đại sự có liên quan chi mô….
O Tốt bồi thêm:
- Mạ tui nói đúng rồi đó. Mạ con tui chỉ lo làm lo ăn mà còn chẳng đủ…
Thằng Càn ranh mãnh đã biết những người đối diện né tránh không muốn nói chuyện với nó, liền ngả sang giọng mơn trớn, kiểu như quan tâm đến công việc mưu sinh của mạ con o Tốt:
- Hai mạ con đàn bà con gái trơ trọi trên bến sông vắng vẻ thế ni lại không có người đàn ông, khi gió to sóng lớn, trở tay sao kịp? Hay mạ con o Tốt muốn dùng phương kế mưu sinh này làm chỗ bắt mối liên lạc cho người yêu, cho cách mạng, cho Việt Minh đấy. Mà thôi, tui phải đi, nói rứa để mạ con o Tốt liệu. Cũng là tui lo cho mạ con o thôi.
Nói đoạn, thằng Càn lặng lẽ chèo thuyền đi. Đúng là đặc tính của Việt gian mật thám, đến và đi ẩn hiện như ma như quỷ.