Đ
êm ấy, Dương Viết Chương và Nguyễn Sắc mỗi người một đường khác nhau, rời chiến khu về Quảng xá.
Nguyễn Sắc được giao liên đón đưa thẳng ra bến sông Trần xá, lên thuyền xuôi về Quảng xá.
Đêm tĩnh lặng vào khuya, gió Tây Nam le re trên những tán lá bần lá sú ven bờ. Đêm nay, gió dường như nhẹ nhàng hơn mọi đêm khác. Dưới sông, nước đã ròng kiệt, có lẽ gió và nước đang chờ trăng lên.
Sắc bụm tay vốc nước sông vã vào mặt cho tỉnh cơn buồn ngủ. Đứng dưới tán một cây bần lá xum xuê lòa xòa xuống tận mặt nước, anh vạch lá quan sát. Kia có một xóm chài chừng mươi chiếc thuyền nhỏ ẩn mờ trong đêm. Cậu giao liên nói, o Tốt lâu nay đã không đậu thuyền một mình nữa mà thường quây quần lại với bạn chài. Bụng bảo dạ, chắc o Tốt và mạ đang ở một trong mấy chiếc thuyền yên tĩnh đậu kia. Nguyễn Sắc vơ một nắm dề bèo tây lá cao cả mét có điểm những chùm hoa tim tím làm ngụy trang rồi lặng lẽ lội ra phía những chiếc thuyền. Ra đến chỗ nước sâu, Nguyễn Sắc đội dề bèo lên đầu rồi bơi ngửa mũi hờ trên mặt nước để thở. Nước sông mát dịu, Nguyễn Sắc đã nhận rõ mùi cá nướng thơm ngậy bốc ra từ bếp lửa nào đó trên thuyền. Không biết lúc này em yêu đang mần chi, có biết anh đang tìm đến với em đây.
Nắm dề bèo tây lòa xòa trôi tới sát chỗ mấy chiếc thuyền chài, Sắc nhận ra một chiếc thuyền không gác mái chèo lên vóc chèo mà đã tháo ra gác lên mui. Nguyễn Sắc cong ngón tay giữa áp móng vào lòng bàn tay phải búng vào nước mấy cái nghe như tiếng con tôm con cá đớp mồi trong đêm.
Trên thuyền, một bàn tay nhẹ nhàng khỏa vào nước cũng búng nhẹ như tiếng con tôm con cá đớp mồi.
“Đúng là em rồi!”
“Đúng là anh rồi!”
Sắc như reo lên trong lòng. O Tốt cũng như phải nín thở để trống ngực đỡ bớt tiếng thình thình. O Tốt hé mở tấm liếp che một đầu mui thuyền, nghiêng đầu ra nhìn. Từ dưới bụi dề bèo tây hoa lá xum xuê nổi bồng bềnh lững lờ dạt đến bên thuyền. Một cánh tay nhô lên, níu vào mạn thuyền. O Tốt cẩn thận khẽ nâng mái chèo đặt xuống lòng thuyền rồi khom người đi nhanh vào khoang thuyền chờ đợi. Phần “thủ tục” thế là xong. Bằng một động tác nhanh nhẹn, tháo vát quen thuộc, Nguyễn Sắc đã nhanh chóng có mặt ở khoang thuyền. Kể cũng chẳng có gì nói vì những động tác này, với Sắc đã rất quen thuộc. Thuở nhỏ, Sắc đi kéo lưới giăng câu, chỉ cần gác một chân lên thuyền là đã trườn lên được ngay vô trong khoang. Nhưng hình như bây giờ, động tác của Sắc còn nhanh nhẹn gấp bội ngày ấy nữa tề. Kể chuyện thì lâu, chứ thực chỉ có mấy giây là Sắc đã nằm gọn gàng trên sạp thuyền rồi. Phía lái thuyền, bà mạ nằm nghiêng ôm con mèo tam thể, chắc đã say giấc. Mà dù có chưa say giấc thì cũng như mọi lần, mạ vẫn “ngáy” pho pho… pho pho. Sắc và Tốt đã quá quen với cách ôm mèo ngủ ngáy pho pho mỗi khi hai người có dịp gặp nhau trên thuyền.
O Tốt nhoài người, chui đầu ra, cúi xuống. Sắc vòng hai tay sau mái tóc mềm đen mướt của o Tốt. Họ hôn nhau. Nụ hôn sau một thời gian ở rừng sâu về đồng bằng sông nước tưởng như kéo dài vô tận… O Tốt chờ đợi dẫu phải trong tư thế người nằm ngửa, người quỳ chòm hom. Nhưng không vì thế mà giảm đi chút thi vị của thế giới yêu đương giữa đôi trẻ mặn nồng chung thủy. Những nụ hôn nồng nàn say đắm cứ tiếp nối nhau, tiếp nối nhau… mới xa nhau có mấy tháng sao thời gian trôi lâu đến vậy. Đêm lắng sâu… Tốt thấy lòng mình ấm hẳn lên. Càng thương Sắc nhiều hơn, Tốt càng nóng lòng chờ anh về. Sự xuất hiện của thằng Càn trong thời gian gần đây làm cho o Tốt không thể không lo ngại. Thằng Càn thật giả khôn lường, lắm mưu ma xảo quyệt, lại có quyền có thế… Tốt bây giờ như miếng mồi ngon trước con hổ đói, khó lòng thoát ra nổi. O Tốt nhìn ra mặt sông, đêm đen xịt, thi thoảng tiếng một con cá đi ăn đớp mồi nghe buồn buồn… chiến tranh là cái thứ chi mà mần con người khổ cực đến rứa. Thế gian rộng lớn ư? Rộng lớn mà chẳng đủ một nơi yên bình để cho đôi lứa tự tình.
Bất ngờ, Nguyễn Sắc ghé tai người yêu, hổn hển:
- Ta lên bờ đi em. Ở dưới ni anh thấy không ổn… O Tốt víu đầu người yêu vào ngực, hất hàm ý nói mạ đã ngủ say rồi. Sắc lắc đầu, nói như gió thoảng:
- Không! Không phải anh ngại mạ mô. Ý anh là, ta gặp nhau trên thuyền thế ni không ổn, bạn chài họ tinh lắm đó. Đành rằng đều là người một nhà, chẳng ai có lòng dạ khác mô. Ta cứ lên bờ cho chắc em ạ.
O Tốt cười, tát nhẹ má Sắc, trách yêu:
- Anh cũng láu cá lắm đó hè… nhưng thôi, ta lên bờ đi.
Hai người nhanh chóng tụt xuống sông biến vào đêm.
Dưới gốc cây bần to đổ nghiêng quá nửa thân xuống sông là một căn hầm bí mật. Căn hầm này rất đặc biệt. Chỉ có dân sông nước sành sỏi mới nghĩ ra, thiết kế được mà thôi. Nói căn hầm bí mật này rất đặc biệt vì cửa vào lại ở dưới sông. Lỗ thông hơi được bố trí ngay trong thân cây bần. Thật là trời xui đất khiến, mấy khi có cây bần mục ruỗng trong thân bao giờ. Thế mà cây bần này lại có thân rỗng để những người phải thường xuyên đối mặt với sự sống cái chết làm lỗ thông hơi. Thật đúng là dù có đầu óc giàu tưởng tượng thế nào đi chăng nữa người ta cũng không nghĩ ra được dưới gốc cây bần già nua mục rỗng nằm nghiêng mình soi bóng nước kia lại che chở biết bao mầm sống.
Căn hầm bí mật dưới gốc cây bần già để phòng cho Sắc và đồng đội có về nghỉ lại chưa đi được khi gặp bất trắc. Đúng lúc này, căn hầm lý tưởng ni vừa đủ cho đôi trẻ nằm gọn quay mặt vào nhau thầm thì to nhỏ.
- Rồi anh lại đi…
- Anh đi, anh lại về!
Tốt khóc, rồi nhỏm dậy lấy vắt cơm ủ hồi tối vẫn còn nóng mà lúc tụt xuống sông o đội trên đầu bẻ nhỏ chấm muối mè cho Sắc ăn. Sắc nhai chậm, tận hưởng món “đặc sản” của người con gái mình yêu đêm ngày chờ đợi. anh thấy quá hạnh phúc.
Vắt cơm đâu có giống niêu cơm Thạch Sanh đãi quân sĩ ngày nào nên dù nó có to có nhiều mấy và người ăn có cố tình nhai lâu nhai kỹ kiểu gì rồi cũng phải hết.
Sắc cứ muốn nhỏm dậy mà ôm chầm lấy Tốt, người anh nao nao, như trong trạng thái không trọng lượng. O Tốt cũng ở chung cảm giác nao nao đó, thân thể cứ như muốn bốc lửa, mà thứ lửa vô hình này rừng rực, rừng rực chứ không âm âm ỉ ỉ như thứ lửa bếp lò. Thế mới gay go. Cực gay go.
Không thể kìm nén được mãi. Chẳng biết trời xui đất khiến thế nào, khoảng không gian chật hẹp, căn hầm chỉ đủ để hai người xoay trở… Cuối cùng rồi việc gì đến nó đã đến. Hai người xoắn bện vào nhau như sợi dây thừng, như hai con rắn. Con rắn có mớ tóc ngắn cắn ngực con rắn tóc dài. Nó day, nó dụi cái cằm râu ria đen tua tủa làm bộ ngực căng tròn của o Tốt muốn bốc cháy. Những âm thanh rì rào, nho nhỏ, thổn thức, rấm rức… “đừng… đừng… ừng… ừng…ừ… ư… ư”. “Rồi… rồi…”. “Mặc kệ anh đó…. chết em rồi… ồi… ồ” “đã giao hẹn rồi, tuyệt đối không được mần tới chỗ đó… mần răng chừ… ừ… ừ… ư… ư”.
Bỗng “rắc… rắc” tiếng cành cây gãy gọn khô khốc. Sắc đưa tay bụm miệng người yêu rồi bất ngờ bật ngửa, nằm thẳng đuỗn sát mép hầm. O Tốt nhoài nhoài định chui ra, Sắc lật nghiêng kéo tay người yêu, thì thầm: “Ra răng được….”. “Không ra, định nằm đây đến sáng à…”. “anh không nói ý đó, nếu có ra xem tình hình thế nào thì người đó là anh chứ không phải em”. O Tốt vấn mái tóc xổ tung, rồi ngồi dựa lưng vô thành hầm, vẻ bất an.
Sắc dợm bước, quay lại đưa hai tay quàng cổ Tốt, nói trong hơi thở: “Em cứ ngồi đó, anh đi một thoáng sẽ quay lại với em. Còn sớm mà…”
***
Thì ra, đêm đó, thằng Càn cùng một tốp lính đồn Mỹ Trung đi tuần qua khu vực xóm chài neo Đậu. Theo thói quen, đến gần chỗ thuyền mạ con o Tốt, Càn cho lính dừng lại rồi tìm cách lội ra dò la xem “tình hình mạ con o Tốt mần ăn ra răng”. Không ngờ, trong lúc luống cuống, thằng Càn đạp phải cành cây khô. Cú đạp khiến cành cây gẫy phát ra tiếng kêu khô khốc. Tiếng động lạ trong đêm không qua được con mắt tinh nhạy của dân chài. Biết có người đang theo dõi mình, đám thuyền chài nhanh chóng tản ra. Chỉ khổ cho bà mạ o Tốt. Mọi khi có con gái “đứng mũi chịu sào”, mạ chỉ việc ngồi lái, đưa đẩy mái chèo. Nhưng bữa ni, mạ ráng ra đứng mũi thuyền, chống sào đẩy đi vun vút. Không biết sức mạnh ở đâu mà bữa ni mạ khỏe thế. Mạ cố tình chống sào ngược nước, đẩy thuyền lên phía thượng lưu để đánh lạc hướng theo dõi của thằng Càn. Trên bờ, thằng Càn thấy con thuyền quen thuộc của mạ con o Tốt lúc ẩn lúc hiện và không có gì khả nghi thì đứng lắm mỏi chân, nhìn lắm mỏi mắt, hắn vẫy tay kéo lính bỏ đi.
Thật may, khi vừa chui đầu lên, Sắc bắt gặp mùi thuốc lá thơm nức, anh biết bọn lính đi tuần đang rình nấp gần đó. “Không ai ngu như bọn mi, đã đi rình đi nấp mà còn hút thuốc thơm. Bộ bọn mi coi dân nằm cứ tụi tao đui điếc hết sao. Cứ đợi đấy. Bữa ni cho bọn mi thoát, bữa khác gặp nhau thì biết tay…”.
Khi thấy mạ chống thuyền lên phía thượng lưu, thằng Càn đã đưa lính về đồn, Sắc quay lại căn hầm dưới gốc cây bần. O Tốt chờ sẵn ngay cửa, ôm đầu Sắc, rối rít: “Răng rồi hè? Mạ em mô rồi? Tụi giặc sao rồi?” Sắc gỡ tay Tốt, giọng vui vẻ: “Mạ đẩy thuyền ngược lên tê. Thằng Càn rút rồi… răng nữa bây chừ hè”. “Muốn răng thì được răng…”. “Răng thì răng luôn đi, anh còn có việc nữa kìa…”
***
Thực ra, lúc đó hai anh chị Sắc và Tốt đã xong một bữa “tâm sự” như đồng khô hạn gặp trận mưa rào.
Cách mạng rồi sẽ thành công, sẽ thắng lợi. Lúc đó, chẳng riêng gì o Tốt và Sắc mà bao trai gái, bao lứa đôi làng trên xóm dưới sẽ thoải mái hẹn hò, trao gửi yêu thương, đắp xây hạnh phúc. Tốt và Sắc ý thức được điều đó. Còn bây giờ, việc chính của Sắc và Tốt là gây dựng lực lượng dân quân du kích hoạt động trong lòng địch.
O Tốt tin tưởng sẽ có nhiều cuộc gặp như thế ni nữa. Nhưng… đột ngột về, đột ngột đi… chỉ thêm nhớ thêm nhung cho người ta… gặp nhau ngoài công việc ra, họ còn rất ít thời gian dành cho nhau. Chưa kịp nói với nhau điều gì cả, thương Sắc quá. Nước mắt nóng hổi lăn tròn trên má, xuống ngực. Bầu ngực trinh nguyên, căng đầy. Hơi thở gấp gáp, nhấp nhô… thổn thức, đợi chờ….
***
Tốt lặng lẽ lội ra thuyền, rồi đu người bật lên. Con thuyền khẽ chòng chành. Mạ đã dậy từ lúc nào, yên lặng ngồi phía đằng lái. Tốt khom người luồn vào mui đi ra phía mạ.
- Sắc đi rồi hả con?
Mạ hỏi mà không nhìn con gái. Tốt đã quá quen cái vẻ này của mạ, o biết mạ thương Sắc, thương con gái quá mà.
Tốt nhoài tay với cái lược sừng mạ để trong lòng, chắc mạ vừa bới tóc xong. Tốt bẽn lẽn:
- Dạ! đêm qua… Mạ….
Mạ lườm yêu con gái:
- Mạ dậy từ khi nghe con thuyền chòng chành lúc Sắc lên với con đó. Rồi mạ… ngủ khì và chỉ thức lại lúc con và Sắc lên bờ. Mạ biết hai đứa con lên hầm… ừa, ở trên đó an toàn hơn….
Tốt đưa mắt nhìn mớ đồ vừa thay ra để trong cái chậu sành ngoài mũi thuyền, vẻ bối rối:
- anh Sắc có nhiều việc cần bàn với con lắm mà. Vả lại, ở dưới thuyền, đậu gần nhau thế ni, chắc anh ấy ngại bạn chài, mạ thông cảm cho nha.
Mạ Tốt mắng yêu con gái:
- Cha bố cô. Mạ không thương không lo cho chúng bay thì lo cho ai, thương ai bây chừ. Có điều… con gái con đứa… lại đang bom đạn ì ầm thế ni… liệu… liệu rồi bọn mi có nên vợ nên chồng….
Tốt lặng lẽ gục đầu vào ngực mạ. Mạ nghe một tiếng thở dài rất khẽ trong lồng ngực con gái. Mạ nhẹ nhàng xoa xoa vai con. Bàn tay mạ ấm áp lạ thường làm Tốt nhớ đến những cử chỉ âu yếm này từ ngày o còn thơ ngây. Mạ chẳng biết nói điều gì với con gái lúc này cả…
Mạ đã qua rồi những tháng ngày sôi nổi, xốn xang như con gái mạ bây giờ. Mạ hiểu những giây phút thiêng liêng của người con gái trước ngưỡng cửa của hạnh phúc…
Thời ấy cha Tốt, cũng nông dân như mạ, cũng nhà nghèo như mạ. Đêm ngày sấp ngửa với mảnh ruộng và ngược xuôi trên dòng Kiến Giang giăng câu thả lưới. Đến chơi nhà mạ, việc gì cũng làm, cuốc đất trồng rau, tỉa lúa, vá chài vá lưới, uốn mài lưỡi câu… mà cha Tốt khéo tay, lại khỏe. Có một điều lạ, rất duyên ăn nói trò chuyện với mọi người, nhưng những khi đối diện người yêu thì như người bị rút mất lưỡi. Sống đời vợ chồng với nhau bao năm, hai người rất hợp, chỉ đường con cái là hiếm hoi, gắng mãi cũng chỉ được mình Tốt. Khi cha Tốt bị tên bay đạn lạc cướp đi mất, mạ quyết chí ở vậy nuôi con thờ chồng. Cũng có vài ba chỗ đánh tiếng muốn chung tay nuôi dưỡng Tốt, nhưng mạ không chịu, nói, không ai có thể thay thế được hình ảnh cha Tốt trong lòng mạ. Hai mạ con lui thui trên chiếc thuyền nhỏ, khi giăng câu, khi thả lưới, ngày lại ngày qua, ngược xuôi trên dòng Kiến Giang lúc kiệt lúc ròng. Cảnh đơn chiếc, mạ thấy buồn cho mình một, lại thương cho Tốt mười. Mạ mong cho ngày thằng Sắc sắp xếp được công việc, mạ sẽ cho hai đứa chúng nó làm mâm cơm đơn giản, có đại diện hai bên gia đình, làng xóm, bạn chài… thế là đủ cho chúng nó thành vợ thành chồng…