Rất nhiều người trước khi tìm tôi tư vấn đều kì vọng và cho rằng nếu đã là mời tư vấn thì người tư vấn như tôi nên thiết kế sẵn cho khách hàng một bản vẽ chi tiết cuộc đời, sau này khách hàng chỉ việc làm theo là được.
Nếu là như vậy thì có khác nào một cuộc đời bị sắp đặt?
Việc tôi làm không phải là sắp đặt cuộc đời bạn mà là cố gắng nói cho bạn biết trong chuyến hành trình cuộc đời đầy biến động này, bạn nên bỏ tâm huyết vào đâu.
1.
“Công ty em đang bị một công ty lớn khác mua lại và sẽ phải sáp nhập, em cảm thấy một nguy cơ chưa từng có, đột nhiên không biết nên làm thế nào, nên mới đặc biệt tìm tới chuyên gia nhờ giúp đỡ”. Đầu bên kia điện thoại, Bân Bân (tên giả) tổng kết như vậy về tình hình công việc hiện nay của cô.
Bân Bân, tốt nghiệp đại học ba năm trước, làm nhân viên dữ liệu trong ngành kiến trúc, gần đây cô ngày càng cảm thấy lo lắng bất an.
Nghe kế toán nói từ sau khi đổi từ thuế doanh nghiệp sang thuế thu nhập gia tăng, ngành kiến trúc ngày càng khó khăn, lợi nhuận của công ty giảm mạnh, trước mắt đang đối mặt với cục diện bị một công ty lớn mua lại và sáp nhập, mọi người trong công ty từ trên xuống dưới đều lo lắng bất an, chỉ sợ hôm nào vừa ngủ dậy liền bị thông báo không cần đi làm nữa.
“Vậy em nghĩ thế nào?”. Tôi hỏi.
“Nói ra thì bản thân em rất hối hận,” Bân Bân nói: “Khi làm nhân viên dữ liệu, em chưa từng nghĩ đến nguy cơ bị cắt giảm nhân sự, thực ra công việc của những người làm dữ liệu bọn em bình thường không mệt lắm, lúc em mới vào công ty làm ăn tốt lắm, cũng thuộc loại nhất nhì ở chỗ bọn em, lúc đó ba mẹ đều thấy rất tự hào vì em vào được công ty này. Em nghĩ bụng tốt quá rồi, cuối cùng cũng tìm được một công việc tương đối ổn định rồi, lúc đó em lập ra mục tiêu cho mình là thời gian rảnh rỗi thi lấy chứng chỉ nhân viên dự toán, sau này chuyển hướng sang lĩnh vực dự toán. Nhưng sau đó mãi mà không bắt đầu, thế là bây giờ đứng trước tình thế này em lại không hề được chuẩn bị chút nào cả”.
“Vậy thì Bân Bân, em có từng nghĩ với điều kiện hiện nay của em có thể tìm được việc ở các công ty kiến trúc khác không?”. Tôi hỏi.
Bân Bân nghĩ một lúc: “Rất khó, ít nhất ở nơi em sống, công ty này đã được coi là khá lắm rồi, bây giờ đến nó cũng gặp khó khăn, rất nhiều công ty bất động sản cỡ vừa và nhỏ đều đã đóng cửa.”
Từ những gì Bân Bân nói, bạn không khó nhận thấy rằng trong mắt cô ấy tình hình trước mắt đã vô cùng tồi tệ rồi, dường như bản thân sắp phải thất nghiệp đến nơi rồi, nhưng sự thực có đáng sợ như vậy thật không?
2.
Bước tiếp theo tôi cần làm chính là giúp Bân Bân làm rõ căn nguyên của nỗi bất an này nằm ở đâu?
Tôi nói với Bân Bân, trong số các ca tôi đã tư vấn, cô ấy tuyệt đối không phải là người duy nhất gặp tình trạng công ty làm ăn kém do biến động ở cấp ngành nghề, rất nhiều người có khuynh hướng phóng đại những biến động của ngành nghề đang làm, như thể ngày mai họ sẽ phải ra đường vậy.
Nhưng thực tế thì sao? Tôi chưa từng thấy một công ty chính quy nào đột ngột đóng cửa, bất cứ doanh nghiệp nào mở ra hay đóng cửa cũng đều có quá trình, đồng thời đa phần đều trải qua quá trình xuống dốc dần dần, chắc chắn không có chuyện hôm nay vẫn còn tốt đẹp, ngày mai liền đột ngột phá sản mà không có bất cứ dấu hiệu nào.
“Từ thông tin mà em vừa cung cấp, công ty của em đã ở vào giai đoạn mua lại và sáp nhập, vậy thì điều tôi muốn biết là em có từng nghe ai nói công ty của em cần khoảng bao nhiêu thời gian để hoàn thành quá trình bị mua lại và sáp nhập cho đến khi chính thức bị mua lại và sáp nhập không?”. Tôi hỏi.
“Nhanh nhất chắc cũng mất hơn một năm”. Bân Bân nói. “Được, vậy chúng ta tính theo một năm đi. Công ty em có mấy nhân viên dữ liệu?”. Tôi hỏi cô ấy.
“Bọn em vốn có mấy người, nhưng bây giờ mọi người chuyển đi gần hết rồi, chỉ em không biết mình nên đi đâu nên còn ở lại. Cho nên mới đây lãnh đạo còn gọi em vào nói chuyện, nói bây giờ công ty đang ở thời kì then chốt, cần em toàn lực phối hợp công tác mua lại sáp nhập, em làm ở công ty ba năm rồi, là người có thâm niên cao nhất trong số mấy nhân viên dữ liệu còn ở lại, cho nên cần em cung cấp giấy tờ có liên quan, giải đáp các vấn đề có liên quan bất cứ lúc nào. Nếu có thể làm tốt việc này, lãnh đạo nói cho dù sau này bị sáp nhập vẫn có thể cân nhắc chuyển em qua các vị trí khác”. Bân Bân nói.
“Nói vậy thì dường như lãnh đạo đã sắp xếp cho em rồi, có phải vậy không?” Tôi hỏi.
“Chưa chắc ạ, em cũng không biết có phải là bây giờ lãnh đạo không còn cách nào khác nên phải làm vậy không, cuối cùng vẫn sẽ sa thải em không? Dù gì cũng chỉ là hứa suông, ai mà biết được thật giả”. Bân Bân lẩm bẩm.
“Nói vậy thì một năm sau em vẫn có khả năng phải đối diện với vấn đề lựa chọn nghề nghiệp phải không?” Tôi hỏi.
“Vâng”. Bân Bân nói, “Nói đi nói lại vẫn là tại em lúc đầu không chuẩn bị gì cả, nên bây giờ mới rơi vào tình thế bị động như vậy”.
3.
Đến bước này, chúng ta không khó nhận ra kì thực Bân Bân đã ý thức được rằng vấn đề cốt lõi nằm ở chính bản thân mình.
“Được, vậy bây giờ chúng ta xem xem, trong thời hạn một năm, chúng ta tạm thời đặt chuyện thi chứng chỉ nhân viên dự toán sang một bên, em cảm thấy trong công việc hiện nay, nếu thông qua nỗ lực có thể khiến cho em tiến bộ trong công việc, tăng cường năng lực cạnh tranh của em sau này, em cảm thấy đó là kiểu nỗ lực nào?”. Tôi hỏi.
“Kì thực trước đó em cũng luôn tự phản tỉnh bản thân,” Bân Bân cũng rất thẳng thắn, “Em cảm thấy khi làm việc mình không tận tâm tận lực, công việc của nhân viên dữ liệu trông có vẻ nhàm chán, nhưng muốn thực sự làm tốt thì cũng không dễ chút nào. Ví dụ một đàn chị mà hồi trước em quen, khi làm việc chị ấy đặc biệt chú ý những thứ như giám sát công trình, ghi chép thực nghiệm, có gì không hiểu là chị ấy sẽ tra cứu tư liệu, ra hiện trường kiểm tra, kết quả có thể phát hiện được rất nhiều vấn đề, sau đó do chị ấy làm việc rất xuất sắc nên bây giờ đã làm đến vị trí quản lí kĩ thuật rồi”.
“Cho nên có thể thấy là công việc nhân viên dữ liệu vẫn còn rất nhiều không gian phát triển, phải không?”. Tôi hỏi.
“Vâng.” Bân Bân nói, “Thực ra trước kia em luôn bỏ qua một điểm, đó chính là sở dĩ em không muốn làm nhân viên dữ liệu là vì phải thường xuyên gặp gỡ trao đổi với người khác, trước kia em rất sợ phải trao đổi với người khác, cảm thấy rất là mất công. Bây giờ cảm thấy chưa biết chừng hơn một năm nữa em sẽ mất công việc này, đột nhiên lại thấy hơi tiếc, em quyết định tận dụng thời gian hơn một năm này rèn luyện khả năng giao tiếp của bản thân, dù sao sau này có làm gì thì cũng không thể thiếu khả năng giao tiếp được”.
“Vì vậy bây giờ em đã tìm được ý nghĩa của công việc này rồi phải không?”. Tôi hỏi.
“Vâng, trước kia em chỉ muốn trốn tránh, nhưng trong lòng lại hiểu rõ là không có nơi nào để trốn cả. Mãi tới hôm nay em mới hiểu, nếu đã không có lựa chọn thì cho thấy em không đủ năng lực, rất nhiều năng lực không được rèn luyện thực sự, gần đây em đánh giá lại nghề này mới chợt phát hiện ra rất nhiều thứ luôn ở đó, chỉ có điều em chưa từng chủ động lưu tâm mà thôi”. Bân Bân nói.
“Vậy thì Bân Bân, em có dự định gì với bản thân của một năm sau?”. Tôi hỏi.
“Em muốn chuyên tâm làm tốt mỗi việc được giao hiện nay, rèn luyện năng lực tổng hợp của mình, chuyển sang lĩnh vực quản lí giống như người đàn chị kia, cố gắng để hơn một năm nữa, công việc của em sẽ có khởi sắc, đến lúc đó, có thể lãnh đạo sẽ thực hiện lời hứa, chuyển em sang vị trí khác. Thời gian hơn một năm này em cần cố gắng nâng cao khả năng làm việc, cố gắng chuyển hướng sang lĩnh vực quản lí; nếu con đường phía trước không thông, cũng có thể chuyển sang làm dự toán công trình, công việc này có tính kĩ thuật, cũng yêu cầu cao hơn nghề nhân viên dữ liệu, có lợi cho việc phát triển trong tương lai hơn”. Bân Bân nói.
Sau buổi tư vấn, Bân Bân cảm thấy cảm giác lo lắng bất an trước đó dần dần biến mất, cô hiểu rằng cho dù làm gì và làm ở đâu, không ai có thể bảo đảm có thể làm cả đời, chi bằng nâng cao năng lực bản thân thì mới có thể không sợ bất cứ khó khăn thử thách nào.
Trong thời đại mọi thứ thay đổi từng ngày như ngày nay, một cá thể cần phải học cách nhìn nhận vấn đề với cái nhìn xa rộng.
Mà cái nhìn xa rộng này có được bởi sự nâng cao năng lực bản thân chứ không phải từ những thứ bên ngoài.
Ở chốn công sở, có rất nhiều thứ bạn và tôi đều không thể khống chế được.
Ví dụ ngành nghề này lúc nào sẽ từ hưng thịnh trở nên suy vong? Công ty này bao giờ sẽ làm ăn kém? Vân vân.
Bị cắt giảm nhân sự không phải là lỗi của bạn, không ý thức được khả năng có thể bị cắt giảm chính là lỗi của bạn.
Trường hợp của Bân Bân khiến tôi suy nghĩ rất nhiều, đặc biệt là thời đại đầy biến động hiện nay, nó có tính điển hình và cũng mang lại nhiều suy ngẫm.
Đầu tiên, bất kì nghề nghiệp nào đều có người đang làm, đều có người xuất sắc, cũng có người chỉ làm cho có.
Những thứ vĩ mô như xu thế ngành nghề, vận mệnh doanh nghiệp đều không phải là thứ mà chúng ta có thể khống chế được, từ góc độ thuyết số mệnh mà nói, mỗi doanh nghiệp, mỗi ngành nghề đều giống như một con người, đều có số mệnh của mình, vậy hãy giao phần số mệnh cho số mệnh định đoạt đi.
Còn bạn và tôi – với tư cách cá thể, khi làm bất kì công việc nào, chúng ta chọn làm nó một cách xuất sắc, hay làm chống đối cho qua ngày đều được bởi bản thân chúng ta có quyền quyết định điều đó.
Thứ hai, là nguy cơ hay là thời cơ quyết định bạn là ai.
Tôi gặp nguy cơ trong sự nghiệp là vào cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Năm đó, trong khu công nghiệp mà tôi làm việc, theo lời một người bạn làm ở cục thống kê thì mỗi ngày đều có ít nhất một công ty đóng cửa, mà công ty tôi làm việc cũng bắt đầu một cuộc cắt giảm nhân sự lớn chưa từng có.
Trong cuộc cắt giảm nhân sự này, cấp quản lí của công ty họp ngày họp đêm, in tất cả tên và chức vụ của mỗi người ra, bắt đầu phân tích cống hiến của từng người đối với công ty, lúc đó với tư cách là giám đốc tài chính, tôi là người cung cấp và phân tích số liệu, tham dự vào tất cả quá trình này, bây giờ nghĩ lại vẫn thấy lạnh hết sống lưng.
Toàn công xưởng có 200 nhân công, loại trừ những vị trí không tạo ra lợi nhuận, vị trí không có cống hiến nổi bật, tiến hành hợp nhất và tổ chức lại một số vị trí, cuối cùng chỉ có một phần ba số người được ở lại, còn lại đều phải cho nghỉ hết.
Đó là một cuộc đào thải vô cùng tàn khốc.
Cũng chính lúc đó tôi ý thức một cách sâu sắc rằng, một người muốn có quyền phát ngôn và quyền lựa chọn trong công việc, cần thông qua một quá trình thay đổi giá trị, lúc đầu là “góp một phần sức lực cho sự phát triển của công ty” cho đến khi trở thành “người không thể thay thế được”.
Việc cuối cùng bạn có thể trở thành ai thì phải do bạn tự mình rèn luyện.
Trọng điểm của việc đó lấy năng lực hiện tại của bạn làm nền tảng, tiến hành rèn luyện có ý thức, hình thành ưu thế của bản thân, biến ưu thế đó trở thành sức mạnh, tạo ra khả năng cạnh tranh cốt lõi của mình.
Ví dụ một người làm biên tập, nếu chỉ bê nguyên xi các bài viết trên mạng xuống rồi dàn trang sắp chữ, không bao giờ suy nghĩ và học cách tự làm nội dung, vậy thì anh/cô ta chỉ có thể coi là một biên tập viên có làm việc, không thể coi là người không thể thiếu được, bởi vì kĩ năng chọn bài này chỉ cần bạn cố gắng một chút là có thể làm được rồi.
Nhưng nếu một biên tập viên ngoài thời gian biên tập ra, còn đọc nhiều sách, chuyên tâm nghiên cứu việc viết lách, sáng tác, cuối cùng nhờ nỗ lực của bản thân, viết ra được những bài viết có chất lượng cao, biên tập viên như vậy đã thành người không thể thay thế rồi.
Cho dù thất nghiệp, người biết tự viết bài cũng có thể tự mình xây dựng một trang cá nhân, viết ra những tác phẩm chất lượng, tự nhiên có thể tìm được nhiều cơ hội và khả năng phát triển trong lĩnh vực truyền thông kiểu mới.
Trong thời đại biến động ngày càng nhiều hiện nay, mỗi nghề nghiệp hoặc ít hoặc nhiều đều phải đối diện với những nguy cơ khác nhau, nhưng tôi luôn tin chắc một quan điểm là: “Xu thế quan trọng, thời cơ quan trọng, nhưng cá nhân còn quan trọng hơn”.
Mấu chốt là ở việc bạn có thực sự dám thay đổi hay không