Cuối năm rồi, có phải bạn đang nghĩ nhận xong tiền thưởng tết thì sẽ nhảy việc không?
Lúc này trong đầu bạn có phải là những người những việc mà bạn không thể nào chịu đựng nổi không? Có phải bạn cảm thấy một giây cũng không thể ở lại đây nữa không?
Đồng thời, có phải bạn đang không ngừng tưởng tượng trong đầu một nghề nghiệp hoàn mĩ, tốt nhất là nó vừa phù hợp với bạn lại vừa có tương lai.
Nghề nghiệp hoàn mĩ này là nghề nghiệp như thế nào? Nó ở đâu?
1.
Khi nhận ca tư vấn của San San (tên giả), tôi bất giác hít sâu một hơi.
Sáu năm, bốn công việc, dài nhất hai năm, ngắn nhất nửa năm, hơn nữa rất khó nhìn thấy dấu hiệu trưởng thành rõ rệt trong quá trình làm việc, nguyên nhân phía sau tình trạng này là gì đây?
Thông tin cơ bản: San San, bảy năm trước tốt nghiệp khoa tiếng Anh một trường có tiếng, lúc đầu làm trợ giảng ở một trung tâm đào tạo, chưa đến hai năm thì nghỉ việc rồi xin vào một công ty vốn đầu tư nước ngoài, làm công việc thư kí, không làm được bao lâu thì cảm thấy chán nên nghỉ việc, hiện nay qua người quen giới thiệu, đang làm chăm sóc khách hàng ở một công ty có quy mô khá lớn, không cảm thấy bất cứ giá trị gì, lại nghĩ đến chuyện nghỉ việc.
Yêu cầu nghề nghiệp: Hi vọng qua tư vấn tìm được một công việc có tương lai và phù hợp với bản thân.
Theo thời gian đã hẹn trước, tôi và San San cùng đi vào quá trình tư vấn chính thức.
2.
Tôi bắt đầu tư vấn từ công việc hiện tại của San San.
“San San,” tôi nói, “Tôi đọc bảng thông tin của em, em nói em muốn tìm một công việc lí tưởng, có thể nói tôi nghe công việc hiện tại có gì khiến em cảm thấy không hài lòng không?”.
“Chị Hiểu Ly, chị muốn biết điều gì?”. San San có vẻ hơi ngỡ ngàng.
“Nói chuyện phiếm thôi, ví dụ, công việc hiên tại khiến em cảm thấy không hài lòng ở điểm nào?”. Tôi hỏi.
“Có rất nhiều chỗ không hài lòng. Trong công ty này quan hệ rất phức tạp lằng nhằng, ngoài ra tương lai nghề nghiệp cũng không tốt, lãnh đạo công ty tầm nhìn rất là ngắn hạn, chỉ quan tâm lợi ích trước mắt, không quan tâm đến phát triển lâu dài, việc em làm lại không có chút giá trị nào cả. Cứ nghĩ đến chuyện mình sắp ba mươi là em thấy rất sốt ruột, cho nên em mới tìm tới chị”. San San nói.
Những lời vừa rồi có khiến bạn cảm thấy nghe quen quen không? Chúng ta bỏ từ “này” đi, dường như những lời này đang nói về bất kì doanh nghiệp nào.
“San San, em có thể nói cụ thể không? Ví dụ em nói công việc em làm không có giá trị là vì em nhận được phản hồi như vậy? Hay là vì từng gặp phải thất bại gì?”. Tôi hỏi.
“Công việc hiện nay của em, nói thực là em cũng chẳng buồn nhắc tới. Chị biết nghề chăm sóc khách hàng không? Chính là xử lí khiếu nại của khách hàng, tất nhiên khác với các công ty bình thường khác, công ty này là một doanh nghiệp nước ngoài rất lớn, khách hàng đa phần là người nước ngoài, bọn em trao đổi với khách qua thư điện tử, nhưng ngoài chút kiến thức tiếng Anh ít ỏi này ra, em thực sự không cảm thấy việc mình làm có năng lực cạnh tranh cốt lõi gì!”. San San nói.
Có thể nhận thấy San San có cái nhìn rất tiêu cực với công việc này.
“Vậy thì vấn đề là tại sao lúc đầu em lại làm công việc này?”. Tôi không để cho San San tiếp tục phàn nàn mà đưa ra câu hỏi này.
“Tiền lương và sự ổn định nữa ạ”. San San cũng rất thẳng thắn, cô nói với tôi, mình xuất thân con nhà nghèo, cho nên rất cần tiền, ngoài ra doanh nghiệp này còn đóng bảo hiểm theo đúng mức lương thực nhận cho nhân viên.
San San nói với tôi, những công việc chăm sóc khách hàng tương tự như vậy, các công ty bình thường chỉ trả đến ba nghìn tệ là cùng, nhưng công ty này có thể trả sáu nghìn tệ.
“Ồ? Vậy em có từng nghĩ tại sao cùng là chăm sóc khách hàng nhưng công ty này lại trả lương cao hơn các công ty khác không?”. Tôi thử dẫn dắt San San vận dụng tư duy công sở để nhìn thấy nhiều thứ phía sau đồng lương hơn.
“Chắc do lắm tiền ạ,” San San nói, “Công ty này rất lớn, ngoài ra khác với các vị trí chăm sóc khách hàng khác, bọn em còn phải làm báo giá, việc này thì yêu cầu phải cẩn thận, nhỡ mà báo sai giá thì sẽ bị phạt tiền, em từng bị phạt tiền mấy lần”.
“Cho nên công việc này trông thì có vẻ thu nhập khá nhưng thực chất bên trong lại ẩn chứa rủi ro đúng không?”. Tôi hỏi San San.
“Nhưng em vẫn cảm thấy công việc của mình không có giá trị gì!”. San San nhấn mạnh thêm lần nữa.
3.
“Nói như vậy thì em có yêu cầu nhất định đối với công việc, em nói xem, công việc lí tưởng trong lòng em là gì?”. Tôi hỏi San San.
“Công việc lí tưởng của em tất nhiên là một công ty có quan hệ giao tiếp đơn giản, lương lại cao, tương lai sáng sủa, ban lãnh đạo lớn mạnh, tình hình làm ăn tốt rồi.” San San trả lời không cần suy nghĩ.
“Muốn nghe nói thật không? San San,” Tôi nói, “Trong suốt mười mấy năm làm việc tôi chưa từng thấy công ty nào như công ty mà em vừa nói. Từ khi tôi làm tư vấn nghề nghiệp đến nay, tôi còn phát hiện ra một điều đó là người làm ngành nghề nào cũng đều kêu ca phàn nàn, cũng có nghĩa là ngành nghề mà nhiều người mơ ước đều bị người làm trong ngành đó chỉ trích”.
“Có lẽ thế.” Giọng San San trở nên bình tĩnh hơn.
“Vậy thì San San, em có thể nói tôi nghe rốt cuộc em muốn làm gì không?”. Tôi hỏi.
“Là sao ạ?”. San San hỏi lại.
“Các bạn học của em đang làm gì?” Tôi hỏi.
“Người làm em thấy mình thua kém nhất là một người bạn cũ hiện làm giảng viên tiếng Anh trong trường đại học. Em xem weibo của cô ấy, suốt ngày thấy đi khắp đây đó, có vẻ rất oách”. San San nói.
“Chi bằng chúng ta thử đặt giả thiết nhé, nếu bây giờ em chính là người bạn đó, em thành giảng viên tiếng Anh của trường đại học, em cảm thấy mình sẽ có cuộc sống như thế nào?”. Tôi hỏi.
“Thế thì khó nói lắm. Em cảm thấy khả năng diễn đạt của mình không tốt, trước kia từng làm gia sư, sau đó người ta không học em nữa, nói em giảng không vào trọng điểm. Ngoài ra về mặt chuyên môn, em không đào sâu nghiên cứu được cho nên em không làm giảng viên được đâu. Để em đứng lớp thì thể nào cũng bị học sinh chê cho mà xem”. San San nói.
“Có phải bây giờ em đã nhận ra điều gì rồi phải không?”. Tôi hỏi. “Vâng, em phát hiện mình quả là quá lười biếng, không biết cầu tiến, chỉ thích được tự do thoải mái thôi”. San San nói.
“Cho nên, San San, công việc lí tưởng của em đều chỉ là mộng tưởng, hoàn toàn không phù hợp với tình hình thực tế của mình đúng không?” Tôi hỏi.
“Haizz, vâng ạ”. San San thở dài.
4.
“Thời gian rảnh em thích làm gì?”. Tôi hỏi San San. “Ăn uống chơi bời với xem phim ạ”. San San nói.
“Em thích xem phim, thế đã từng xem ‘Departures 2008’ (tạm dịch “Người tiễn đưa”) chưa?”. Tôi hỏi.
“Rồi ạ”. San San nói.
“Em cảm thấy công việc của nhân vật chính có giá trị không?”.
Tôi hỏi.
“Nói sao nhỉ, lương cao là cái chắc chắn rồi”. San San cười nói. “Nếu là công việc như vậy, em có làm không? Tại sao?”. Tôi hỏi tiếp.
“Em không làm đâu, sợ chết đi được”. San San nói. “Ngoài đáng sợ ra còn gì khác nữa?”. Tôi hỏi. “Còn…” San San không nghĩ ra.
“Em cảm thấy nghề này có năng lực cạnh tranh cốt lõi không? Nếu có thì đó là gì?”. Tôi hỏi.
“Không có, làm gì có năng lực cạnh tranh gì chứ? Chỉ cần gan đủ to thì ai chẳng làm được”. San San nói.
“Cho nên, San San,” Tôi nói, “Bản chất của cái mà em cho là năng lực cạnh tranh cốt lõi là gì?”.
“Dạ…” Mãi mà San San không trả lời được.
Tôi nói với San San, rất nhiều công việc trông có vẻ tầm thường, nhưng khi những người khác nhau làm lại cho ra kết quả khác nhau.
Điều quan trọng nhất ở đây là lí do ban đầu khiến bạn làm nghề này là gì? Ví dụ nghề chăm sóc khách hàng, bạn muốn giúp người khác giải quyết khó khăn, hay chỉ là muốn kiếm tiền?
Nếu bạn chỉ vì muốn kiếm tiền, vậy thì nghề nghiệp này chắc chắn sẽ không mang lại thêm cho bạn thứ gì khác nữa.
5.
Giống như nhân vật chính Daigo Kobayashi trong phim “Departures 2008”, nếu suy xét đơn thuần từ góc độ nghề nghiệp, bạn gần như không thể thấy được bất cứ con đường phát triển nào, điều đó phải chăng có nghĩa là Daigo không hề trưởng thành?
Câu trả lời lại hoàn toàn ngược lại.
Nhìn bề ngoài, Daigo chẳng qua chỉ từ một người khâm liệm xác chết non tay trở thành một người khâm liệm thành thạo, phía sau một nghề nghiệp tưởng chừng không có gì thay đổi, là sự chuyển biến từ nghề nghiệp đến sự nghiệp của Daigo.
Sự khác biệt giữa nghề nghiệp và sự nghiệp là gì? Đó là tầm nhìn.
Một công việc, nếu bạn chỉ nhìn thấy thu nhập bề ngoài, thì chắc chắn sẽ cảm thấy chán chường, bởi vì dục vọng của con người sẽ không ngừng tăng lên, chỉ có mở rộng tầm nhìn, chủ động phát hiện ý nghĩa sâu xa ẩn chứa phía sau công việc này, trong lòng bạn mới có thể chứa đựng nhiều người hơn, bạn mới có thể thực sự muốn làm gì đó cho người khác.
Mà thế giới này vi diệu như vậy đấy, khi tâm nguyện của bạn là vì người khác, người khác thực sự có thể cảm nhận được, dần dần, những người này sẽ tới gần thế giới của bạn, khiến thế giới của bạn trở nên rộng lớn hơn, cũng sẽ có nhiều sáng kiến, tài nguyên và cơ hội chảy vào đó, từ đó cuộc đời của bạn sẽ thay đổi theo một cách mà bạn hoàn toàn không ngờ đến.
6.
Cuối cùng San San cũng nhận ra rằng hóa ra cái gọi là công việc lí tưởng hoàn toàn là ảo tưởng trong đầu mình mà thôi.
Trở lại thực tế, nếu đánh giá trên thang điểm 100, bây giờ San
San chỉ cho mình 60 điểm.
Cuối buổi tư vấn, tôi giao cho San San một nhiệm vụ.
Bước một, nâng 60 điểm lên thành 80 điểm, nghĩ xem có thể nỗ lực làm những gì.
Bước hai, nâng 80 điểm lên thành 90 điểm, nghĩ xem có thể cải thiện những mặt nào.
Bước ba, nâng 90 điểm lên thành 95 điểm thậm chí cao hơn, lúc đó quay đầu nhìn lại bản thân và công việc hiện tại, sẽ phát hiện ra điều gì mới.
Sau khi kết thúc buổi tư vấn, tôi nhớ tới lời Erich Fromm từng nói: “Con người nhầm tưởng rằng vấn đề của tình yêu là chuyện tìm đối tượng để yêu. Họ cho rằng bản thân tình yêu vô cùng đơn giản, khó khăn nằm ở chỗ tìm được đối tượng để yêu hoặc được yêu”.
Đổi chữ “yêu” trong câu nói này thành “công việc” thì vẫn đúng.
“Con người nhầm tưởng rằng vấn đề của công việc là vấn đề lựa chọn. Họ cho rằng thành công rất đơn giản, khó khăn nằm ở chỗ tìm được một công việc có tương lai lại phù hợp với bản thân”.
Mẹo nhỏ:
Tôi nhớ có một lần tôi hỏi chuyện một nữ doanh nhân thành công, công việc đầu tiên của chị là nhân viên viết hóa đơn rất bình thường.
Thế nhưng khác với những nhân viên viết hóa đơn khác, chị rất biết suy nghĩ cho khách hàng, để tiện cho khách hàng, chị nghĩ rất nhiều cách, thậm chí ngoài giờ làm việc chị cũng suy nghĩ xem làm thế nào để khách hàng được hưởng sự phục vụ tiện lợi hơn nữa.
Sau mấy năm làm nhân viên viết hóa đơn, khách hàng đánh giá chị rất cao, cho nên khi chị khởi nghiệp, những khách hàng trung thành này liền trở thành nguồn khách hàng đầu tiên của chị.
Nếu nói người bình thường để đạt được thành công cần bí quyết gì, tôi nghĩ có lẽ chính là: Đường đi ngàn dặm bắt đầu từ những bước chân.