Không biết bắt đầu tư khi nào, chúng ta hình thành lối mòn tư duy, bất kể là đưa ra quyết sách hay thực hiện phần việc nào, chúng ta cũng đều có thói quen chú ý quá mức vào điều kiện hiện có, luôn yêu cầu mọi điều kiện phải có đủ hết mới phải bắt đầu, kết quả, chúng ta cứ thế bỏ lỡ hết cơ hội này đến cơ hội khác.
1.
Một hôm, trong giờ học, để mọi người ý thức được tầm quan trọng của việc tư duy hệ thống, tôi kể cho họ nghe một trường hợp thế này.
Ba năm trước có một nữ doanh nhân bắt đầu con đường khởi nghiệp của mình, chị mở một trung tâm dạy thêm ở chính thành phố này, nhưng điều khiến chị đau đầu là trung tâm mở ra rồi nhưng lại không có học sinh đến đăng kí học.
Nguyên nhân chủ yếu là vì quảng cáo không đủ mạnh.
Nữ doanh nhân này so sánh rất nhiều kênh quảng cáo, sau đó quyết định quảng cáo trên xe buýt, nhưng chị hỏi qua thì được biết chi phí quảng cáo trên xe buýt một tháng không hề nhỏ.
Trung tâm của chị mới vừa mở, việc chiêu sinh chưa ổn định, chưa thể dự tính được thu nhập, cũng có nghĩa là không thể đảm bảo có thể khấu trừ được chi phí quảng cáo bỏ ra.
Tôi đặt ra một câu hỏi, nếu đổi lại là bạn, bạn có tiếp tục bỏ tiền quảng cáo không?
Học viên cùng bàn luận sôi nổi.
Có người nói phải quảng cáo, khởi nghiệp mà, không đầu tư thì lấy đâu ra lợi nhuận.
Cũng có người cho rằng doanh nghiệp còn đang trong thời kì đầu khởi nghiệp, khó khăn lắm mới có chút tiền vốn, phải thật thận trọng, không đảm bảo chắc chắn thu lại được chi phí quảng cáo, nhỡ không thu về được thì khác nào ném tiền qua cửa sổ.
Câu hỏi thứ nhất của tôi là quảng cáo trên xe buýt mang lại kết quả gì cho trung tâm của nữ doanh nhân kia?
Các học viên cùng nhất trí trả lời là quảng cáo chắc chắn sẽ thu hút được học viên mới.
Câu hỏi thứ hai của tôi là nếu quảng cáo có thể mang lại học viên mới cho trung tâm đó, vậy tại sao không quảng cáo ngay?
“Sợ hiệu quả không được như kì vọng, không đủ để trang trải tiền quảng cáo, cho nên không bằng đợi trung tâm hoạt động ổn định rồi làm quảng cáo”. Họ trả lời rất thẳng thắn.
Câu hỏi thứ ba là một trung tâm như vậy cần hoạt động khoảng từ một năm trở lên mới bắt đầu có tiếng tăm, nếu năm đầu tiên không quảng cáo chút nào, rất có thể mức tăng trưởng sẽ rất thấp, có phải không?
Các học viên đều chau mày, quảng cáo hay không vấn đề này xem ra quả thực là một lựa chọn khó khăn.
Vậy phải làm thế nào?
2.
Nếu chúng ta thoát khỏi lối mòn tư duy này và đổi cách tư duy khác, giả sử chúng ta dự toán chi phí quảng cáo trên xe buýt phải bỏ ra trong năm thứ nhất là 1.200.000 tệ, có thể giúp cho trung tâm được 2000 người biết đến, lượng học viên thực học sẽ là bao nhiêu?
Giả sử trong 2000 người tiếp cận này, có khoảng một nửa chỉ hỏi thông tin cho vui, không hề có ý định rõ ràng, vậy thì chỉ còn lại 1000 người tiếp cận; trung tâm này lại nằm tại một khu vực, trong số 1000 người này, chỉ có 100 người ở khu vực đó đăng kí học.
Nếu 100 người này đều đăng kí học, tính bình quân học phí một năm mỗi người nộp cho trung tâm là 2000 tệ, doanh thu một năm của trung tâm là khoảng 200.000 tệ.
Rõ ràng là so doanh thu 200.000 tệ với chi phí quảng cáo 1.200.000 tệ thì quả là lỗ to.
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ nếu không quảng cáo, thì có nghĩa là đến 100 học viên ghi danh này cũng không thể có, vậy phải làm thế nào?
Ngoài cách tư duy truyền thống căn cứ vào thu nhập đầu vào để dự tính chi phí, chúng ta có thể thay đổi cách tư duy, thay vì nghĩ xem làm thế nào để tiết kiệm tiền, thì nghĩ cách nâng cao thu nhập của chúng ta, như vậy mới có thể quảng bá tốt hơn, để việc kinh doanh đi vào guồng quay hiệu quả.
Chúng ta có thể phân tích sâu hơn.
Theo như cách làm trước đó, trong 1000 người mà khó khăn lắm chúng ta mới có được, chỉ có 100 người đăng kí học, tỉ lệ thất thoát cao đến 90%, thông qua phân tích được biết, nguyên nhân chủ yếu chính là vấn đề vị trí địa lí.
Để nâng cao doanh thu, chúng ta có thể nghĩ cách nâng cao số lượng học viên đăng kí, vậy thì cách tốt nhất chính là giữ lại 900 người không tham gia học vì khoảng cách địa lí kia.
Giữ lại bằng cách nào?
Ví dụ, mở trung tâm mới.
Nếu một trung tâm mới chi phí cố định mỗi tháng là 20.000 tệ, một năm là 240.000 tệ, chúng ta có thể dùng 1.200.000 tệ mở năm trung tâm mới, thông qua việc mở trung tâm mới, sử dụng các kênh quảng cáo khác, giả sử một năm chúng ta vẫn tiếp cận được tới 1000 người có nhu cầu, do chúng ta mở thêm năm trường, nếu tính theo lượng học viên thực sự đăng kí ở mỗi trường là 100 người, sáu trường là 600 người.
Tính trung bình mỗi người đóng 2.000 tệ, doanh thu năm đầu tiên của chúng ta có thể lên tới 1.200.000 tệ, bằng với 1.200.000 tệ đầu tư ban đầu, kinh doanh hòa vốn, đồng thời chúng ta mở được sáu cơ sở ở thành phố này, rất dễ hình thành hiệu ứng quy mô, sau đó tất nhiên sẽ ngày càng có tiếng tăm, không bao lâu nữa doanh số sẽ tăng trưởng nhanh chóng.
Cho nên, việc mà nữ doanh nhân mới khởi nghiệp này cần cân nhắc là lên chiến lược toàn diện, đồng thời suy nghĩ mô hình kinh doanh phù hợp với chiến lược đó.
3.
Nói tóm lại, đối với người khởi nghiệp mà nói, vừa phải tránh tối đa những sự thất thoát không cần thiết vừa phải tiến hành đầu tư có chiến lược.
Mà điểm căn bản để giải quyết mâu thuẫn chắc chắn không phải là càng tiết kiệm tiền càng tốt, mà là cần nghĩ cách mở rộng nghiệp vụ, bày binh bố trận một cách hợp lí.
Giống như chơi cờ vậy, trước khi bạn đi một nước cờ thì trong lòng đã phải có sẵn cả một ván cờ.
Cách tư duy mang tính hệ thống này là nguyên nhân quan trọng khiến cho các doanh nghiệp phát triển theo những cách hoàn toàn khác biệt, càng có ảnh hưởng sâu rộng đối với sự phát triển cá nhân của chúng ta.
Tiểu Vương sinh năm 1991, khi các bạn cùng lớp còn đang ngồi ca thán vì đồng lương ít ỏi, cậu đã khởi nghiệp được ba năm, thu nhập một năm là hơn 200.000 tệ.
Tiểu Vương học chuyên ngành cơ khí chế tạo máy, sau khi ra trường cậu xin vào nhà máy cơ khí làm việc, lúc đầu thu nhập mỗi tháng của cậu là hơn 4.000 tệ, sau tăng mấy lần, lên tới hơn 5.000 tệ, nhưng Tiểu Vương luôn cảm thấy bản thân không nên mòn mỏi với công việc mỗi ngày tám tiếng này.
Cậu cho rằng đời người nên xông pha một lần.
Hồi còn đi làm thuê, qua một cơ hội tình cờ cậu quen biết được một ông chủ làm đèn điện, đèn của đơn vị này khác các đơn vị khác, là loại đèn chuyên cung cấp cho các cửa hàng bán đồ nội thất, bất kể là lượng tiêu hao điện năng hay là độ sáng đều có yêu cầu nghiêm ngặt.
Ông chủ này cùng nhóm cộng sự của mình qua nghiên cứu tìm tòi đã làm ra được một mẫu đèn tiết kiệm điện và có chất lượng tốt.
Tiểu Vương lập tức nhìn ra tiềm năng thị trường, liền quyết đoán xin nghỉ công việc ở nhà máy cơ khí, hợp tác với ông chủ này, giúp ông ta tiếp thị sản phẩm.
Lúc đó, Tiểu Vương chỉ có hơn 10.000 tệ tích cóp từ tiền lương. Hơn 10.000 tệ này giúp cậu vượt qua ba tháng khó khăn nhất, từ tháng thứ tư trở đi, sau bao vất vả khổ sở làm công việc tiếp thị, cuối cùng cũng có kết quả, bắt đầu có khách đặt hàng, sản phẩm chất lượng tốt, khách hàng cũ giới thiệu thêm khách hàng mới. Cứ như vậy, qua hơn hai năm, Tiểu Vương đã tích lũy được gần 300.000 tệ, từ một nhân viên bình thường trở thành tổng đại lí của xưởng sản xuất đèn này. Mô thức tư duy của Tiểu Vương cũng là tư duy có hệ thống, cậu không căn cứ vào lợi ích trước mắt, mà nhìn xa hơn rộng hơn, lên kế hoạch rõ ràng cho sự nghiệp của mình và nỗ lực hết sức vì nó, như vậy Tiểu vương mới có được mức thu nhập người khác thèm muốn ngày hôm nay.
4.
Có thể rất nhiều người nghĩ rằng tư duy có hệ thống là một môn học rất cao thâm, cao không với tới nổi; nhưng trên thực tế, tư duy có hệ thống lại liên quan trực tiếp tới mọi chi tiết nhỏ trong đời sống hàng ngày của chúng ta, khi bạn đưa ra lựa chọn, kiểu tư duy này sẽ mang lại cho bạn hướng suy nghĩ và góc nhìn hoàn toàn mới.
Điều tư duy hệ thống cân nhắc là khi tôi làm một việc, không chỉ cần cân nhắc đến chi phí bỏ ra, mà càng cần phải tính toán lợi ích mà chi phí này mang lại cho tôi, và làm thế nào nỗ lực khiến cho lợi ích này tăng lên.
Nói nôm na là mô thức tư duy của người bình thường là “Bây giờ tôi có điều kiện X, cho nên tôi chỉ có thể làm được kết quả Y”; còn người có tư duy hệ thống thì nghĩ là “Tôi muốn có Y, vậy thì tôi phải làm những gì”.
Còn nhớ trước kia tôi từng nhận một ca tư vấn nghề nghiệp vô cùng rối rắm, người đến xin tư vấn cứ băn khoăn mãi là rốt cuộc nên tìm một công ty gần nhà nhưng viễn cảnh nghề nghiệp không tốt, hay là chọn một công ty xa nhà nhưng có viễn cảnh phát triển tốt đây?
Tư vấn một hồi, tôi hỏi anh ta, anh có từng nghĩ nếu chúng ta thay đổi một chút thì sẽ không đến mức phải băn khoăn bối rối như vậy không?
Anh ta nghĩ một lúc rồi lắc đầu.
“Tại sao anh không nghĩ đến chuyện mua xe đi làm?” Tôi gợi ý. Anh ta nói: “Chuyên gia, tôi làm gì có tiền mua xe”.
Tôi nói không có tiền có thể nghĩ cách, bây giờ mua ô tô có thể trả góp, ngoài ra anh tìm một công ty xa bình thường nhưng có thể phát triển lâu dài, có thể đảm bảo trong năm đến mười năm tới anh không cần lo lắng cho sinh kế, đợi sau này anh thành thạo nghiệp vụ rồi có thể tận dụng thời gian ngoài giờ làm việc để làm thêm, có xe rồi có làm ngoài cũng tiện hơn nhiều.
Sau đó tôi tính cho anh ta xem, anh ta phát hiện quả đúng là như vậy, tuy bây giờ có vẻ hơi cấn tiền một chút, nhưng tình trạng này chỉ là tạm thời, khoảng nửa năm sau, tình hình tài chính của anh ta sẽ khá lên rõ rệt.
5.
Tôi rất hay nghe thấy những người làm công sở kêu ca là, ôi tôi cũng cố gắng lắm rồi, nhưng tại sao lại không có được thứ tôi muốn chứ?
Nhưng sau khi thực sự trò chuyện với đối phương, tôi phát hiện, hóa ra đối phương đã bị hạn chế bởi mô thức tư duy vốn có của bản thân.
Nếu bạn chỉ muốn một món đồ, không bỏ ra nỗ lực thì hiển nhiên là không thể đạt được nguyện vọng, nhưng nỗ lực một cách mù quáng thì có thể thực hiện được nguyện vọng sao?
Không hẳn là như vậy.
Giống như tất cả các ca tư vấn ở trên, nếu bạn chỉ cắm đầu cố gắng, thiếu khả năng tư duy hệ thống, thì rất dễ đầu hàng khó khăn trước mắt, để đến nỗi không dám thử cái này cũng chẳng dám thử cái kia, cuối cùng sống hoài sống phí cả một đời.