Nghe nói 80% trong số chúng ta không có kế hoạch phát triển sự nghiệp.
Đó không phải là một thống kê vô căn cứ.
Phải biết rằng nơi công sở, cấp trên và trưởng bộ phận của bạn hoàn toàn không có thời gian và sức lực để khai thác tiềm lực của bạn, cân nhắc tới tài năng của bạn. Cho nên, chúng ta cần tự mình nắm bắt việc phát triển sự nghiệp, từ đó đảm bảo cho sự nghiệp của bản thân tiến xa hơn.
Trong thực tế, chính vì nhân tố khách quan này, cộng thêm các nhân tố chủ quan, có không ít người làm việc lâu năm nhưng lại không định kì đánh giá lại bản thân, vậy thì rất có thể cuối cùng bạn sẽ nhận được kết quả không mong muốn.
1.
Khi nhận lời tư vấn cho A Lam (tên nhân vật đã được thay đổi), tôi cảm nhận được một cách rõ ràng sự bồn chồn lo lắng của cô ấy.
A Lam, ba mươi hai tuổi, tốt nghiệp cao đẳng, chuyên ngành quản lí du lịch, năm năm trước học liên thông đại học, chuyên ngành tiếng Anh.
Con đường nghề nghiệp của A Lam có thể nói là vô cùng trắc trở, tốt nghiệp ra trường cô vào làm ở bộ phận điều hành tour trong một công ty du lịch, sau đó được chuyển sang làm việc ở bộ phận quản lí hướng dẫn viên, hai năm sau xin nghỉ việc, vào làm nhân viên chăm sóc khách hàng cho một công ty, hai năm sau xin nghỉ, từng thử làm sale nhưng cảm thấy mình thiếu kinh nghiệm, lương cứng cũng thấp, nên đã nhanh chóng bỏ việc, sau đó người nhà giới thiệu vào một công ty mới mở, lúc đầu làm trợ lí giám đốc, tranh thủ thi lấy chứng chỉ kế toán xong liền kiêm thêm vị trí thủ quỹ và hành chính nhân sự, một thời gian A Lam cảm thấy rất hài lòng với công việc, dù là ngày ngày bận rộn, nhưng lâu dần, cô ngày càng cảm thấy không ổn, từng ấy năm trôi qua, cô đã ở tuổi ba mươi nhưng thu nhập và vị trí đều không khác nào người mới đi làm, cảm thấy triển vọng nghề nghiệp của mình rất mù mịt, quá lo lắng, cô nghĩ tới việc xin tư vấn nghề nghiệp.
Đọc bản tự thuật hơn bốn nghìn chữ A Lam gửi tới, tôi biết đây thực sự là một khách hàng cần để tâm nhiều.
Tôi và nhóm chuyên gia tư vấn nhanh chóng hội chẩn sơ bộ về trường hợp của A Lam, cuối cùng chọn ra tiến trình tư vấn dưới đây:
Đầu tiên, cần tìm hiểu băn khoăn lớn nhất của A Lam hiện nay và kì vọng của cô về một nghề nghiệp lí tưởng, xem xem khác biệt giữa lí tưởng và thực tế rốt cuộc là gì?
Kế đó, tìm hiểu xem đó là vấn đề thích ứng hay vấn đề phù hợp, nếu là vấn đề thích ứng, tiến hành điều chỉnh nhận thức; nếu là vấn đề phù hợp, sàng lọc lại giá trị quan, tiến hành phân tích năng lực sâu hơn.
Tiếp đó, thông qua việc đánh giá quá trình làm việc trong quá khứ của A Lam, tôi cần xem xem có phương hướng nghề nghiệp mới nào không, hoặc có những lựa chọn nào phù hợp? Đánh giá điều kiện khả thi.
Cuối cùng, thông qua phương thức phù hợp kiểm tra lại kế hoạch ban đầu và đưa ra quyết định, tiến hành thực hiện.
2.
Trong lần tư vấn đầu tiên, tôi dẫn dắt A Lam cùng nhìn lại quá trình làm việc trong quá khứ, muốn tìm kiếm chút manh mối nào đó từ mỗi lựa chọn nghề nghiệp của cô.
Tôi nhanh chóng phát hiện ra lựa chọn của A Lam lần nào cũng là trốn tránh.
A Lam nói với tôi hồi đi học cô rất sợ môn toán, để tránh phải học môn toán cô mới chọn chuyên ngành không cần học toán là du lịch, sau này học liên thông lên đại học cô cũng chọn chuyên ngành không cần thi toán là tiếng Anh, khi chọn hai chuyên ngành này bản thân cô không hề suy nghĩ một cách thấu đáo, mà chỉ là để tránh môn toán mà thôi.
Điều tôi cần làm rõ là cô ấy ghét bản thân môn toán hay là ghét giáo viên dạy toán.
Qua tìm hiểu, A Lam nói với tôi, cô ấy ghét môn toán, cũng có nghĩa là, từ nhỏ cô ấy đã không có cảm giác với các con số, mỗi lần đối diện với các con số, đầu óc cô đều trống rỗng.
“Hồi điền nguyện vọng đại học, thực ra có rất nhiều chuyên ngành không cần học toán, ví dụ các chuyên ngành xã hội như văn, tiếng Anh đều không cần học toán, lúc đó tại sao cô lại chọn ngành quản lí du lịch?”. Tôi hỏi.
“Vì lúc đó tôi cho rằng làm du lịch rất oách lại nhàn hạ, có thể vừa du sơn ngoạn thủy vừa kiếm tiền, thực sự nghĩ không ra trên đời này còn nghề nào tốt hơn nghề đó nữa”. A Lam trả lời.
“Thế nhưng sau đó, điều gì đã khiến cô thay đổi cách nhìn về ngành du lịch?”.
“Sau đó làm ngành này mới phát hiện ngành du lịch thật là quá khốc liệt. Tôi đã suy nghĩ quá đơn giản, tưởng rằng khách tour đều là những người vui vẻ đi chơi ngắm cảnh, sau đó mới phát hiện, khách hàng có đủ loại người, có những người rất nóng tính, hống hách, trước kia tôi có một người bạn đã gặp phải một vị khách như vậy lúc dẫn đoàn, sau còn bị khách khiếu nại, tôi rất sợ xảy ra xung đột với người khác, cho nên đáng lẽ tôi nên thi lấy chứng chỉ hướng dẫn viên, nhưng chính vì lo lắng này nên mãi mà tôi không thi, đồng thời làm việc trong công ty du lịch hai năm, tôi phát hiện mức lương cứng của ngành này đặc biệt thấp, hơn nữa còn không được tôn trọng, có cảm giác hễ không cẩn thận là sẽ xảy ra vấn đề, tôi cảm thấy mình thực sự không chịu nổi nữa nên mới bỏ việc”. A Lam nói.
Tôi hỏi: “Cho dù lúc đó cô bắt đầu có dấu hiệu được thăng tiến trong nghề nghiệp cô cũng dứt khoát xin nghỉ sao?”.
“Dấu hiện thăng tiến?”. A Lam tỏ ra hơi bất ngờ.
Tôi phân tích sâu hơn, thực ra nhìn từ nội dung công việc mà cô ấy kể lại, công việc của bộ phận điều phối tour liên quan đến các nghiệp vụ du lịch cơ bản, nhưng bộ phận quản lí hướng dẫn viên liên quan đến việc quản lí chung các hướng dẫn viên, bao gồm các công việc có hệ thống hơn và cũng rèn luyện được nhiều hơn như đào tạo hướng dẫn viên, xử lí khiếu nại, so ra thì trong công việc này có dấu hiệu thăng tiến, nhưng rất đáng tiếc, vì sợ xung đột với người khác A Lam đã vội vàng từ chức.
Không nắm bắt được cơ hội thăng tiến này, từ đó về sau quá trình sự nghiệp của A Lam trắc trở cho đến bây giờ.
Sau khi kết thúc lần tư vấn thứ nhất, A Lam cũng nhận thức sâu sắc được rằng chính vì mình luôn lí tưởng hóa một nghề nghiệp, cho nên mới có chuyện khi vừa vào ngành này thì tràn đầy niềm tin, vô cùng nhiệt tình, nhưng đến khi chân tướng nghề nghiệp vừa mới hé lộ thì lại hoảng loạn vì nó không phù hợp với lí tưởng trong đầu mà chọn trốn tránh theo quán tính.
3.
Lần tư vấn thứ hai, tôi và một chuyên gia tư vấn khác cùng dẫn dắt A Lam nhìn lại quá trình tư vấn thứ nhất, từ phản hồi của A Lam, tôi cũng có thể cảm nhận được lần này A Lam đã hạ quyết tâm, để tôi giúp cô tìm kiếm một hướng đi, sau khi đã quyết định thì sẽ không thay đổi nữa.
Tôi nói với A Lam, thông thường mà nói, một lựa chọn nghề nghiệp đúng đắn buộc phải đồng thời phù hợp với yêu cầu về hứng thú, năng lực, giá trị quan.
Rất nhanh, chúng tôi dẫn dắt A Lam sắp xếp lại hứng thú của cô ấy, sàng lọc và kiểm tra năng lực của cô ấy và tìm ra giá trị quan cốt lõi của cô ấy, thông qua so sánh chúng tôi phát hiện sở dĩ A Lam cảm thấy đau khổ với vị trí công việc kế toán hiện tại là bởi vì công việc này hoàn toàn không phù hợp với hứng thú, năng lực và giá trị quan cốt lõi của cô ấy.
Trong lĩnh vực tư vấn nghề nghiệp, có hai nhóm công thức sau:
Một là: Tinh lực = Ưu thế + Giá trị
Rất nhiều người cảm thấy không đủ tinh lực trong khi làm việc, nguyên nhân thường là hoặc, nghề nghiệp này không thể phát huy năng lực ưu thế của anh/cô ta, hoặc, tuy nghề nghiệp này có thể phát huy năng lực ưu thế nhưng lại không thể thỏa mãn giá trị cốt lõi của anh/cô ta.
Ví dụ, A Lam là một người từ nhỏ đã không nhạy cảm thậm chí là vô cảm với các con số, cô đi làm kế toán, do việc xử lí các con số chính là điểm mù năng lực của cô, cho nên tất nhiên là rất khó tìm thấy niềm vui trong công việc, lúc này nếu lãnh đạo và cấp trên không hài lòng lắm với hiệu quả làm việc của cô, có một số phản hồi tiêu cực, tự nhiên cô sẽ cảm thấy vô cùng bất an với công việc hiện nay, cảm thấy mình hoàn toàn thất bại.
Hai là: Chuyên tâm = Hứng thú + Năng lực
Một người có thể luôn chuyên tâm vào một nghề nghiệp, không phải cứ ngày ngày uống thuốc tăng lực, thuốc kích thích là có thể chuyên tâm được, mà đầu tiên phải có hứng thú, đồng thời năng lực bản thân lại phù hợp với sự hứng thú này.
Ví dụ mọi người thường thích ca hát, nhưng đại đa số chúng ta chỉ là đọc lời bài hát, hoàn toàn không thể gọi là ca hát, đồng thời cũng có một số ít người có tài năng ca hát, có thể đi theo sự nghiệp ca hát.
Nếu một người chỉ thích ca hát nhưng chuyên hát lệch tông, sự chuyên tâm của anh/cô ta rất dễ bị sự lo lắng đánh bại; nếu một người không thích ca hát, thì sẽ hoàn toàn không muốn chuyên tâm.
Qua phân tích, A Lam bắt đầu nhìn lại những “thời khắc quên mình” hiếm có cô từng trải qua, cô phát hiện, mình rất thích tổ chức và lên kế hoạch các hoạt động, đồng thời trong quá trình làm việc trước đó, từng mấy lần tổ chức thành công các loại sự kiện, so sánh với giá trị quan cốt lõi và năng lực của bản thân, cô vui mừng phát hiện, hóa ra cô có thể thử làm công việc này, có thể thử và cũng muốn thử.
4.
Sau lần tư vấn thứ hai, A Lam nhìn nhận tỉnh táo hơn rất nhiều, chúng tôi cũng giao cho cô một nhiệm vụ, đó là tìm kiếm và trò chuyện với những người làm các công việc liên quan đến tổ chức sự kiện, tìm hiểu yêu cầu cơ bản của nhân sự làm công việc này, khó khăn lớn nhất nằm ở đâu, phiền phức lớn nhất có thể phải đối mặt trong tương lai là gì, vân vân, một tháng sau, trao đổi lại với chúng tôi kết quả hành động.
Hơn một tháng sau, A Lam phản hồi với chúng tôi đúng như lịch hẹn.
Khi chúng tôi đọc văn bản A Lam gửi đến chúng tôi đã không khỏi bất ngờ trước “bước tiến” của A Lam, đồng thời, chúng tôi cũng vui mừng bởi A Lam đã lập ra cho mình một kế hoạch khả thi, bao gồm các vấn đề như có thể gửi hồ sơ ứng tuyển cho những công ty nào, năng lực bản thân còn thiếu sót là gì, sau này cần nâng cao như thế nào...
“Lựa chọn lần này khác với những lần trước ở chỗ nó là kết quả suy nghĩ thấu đáo nghiêm túc của tôi; so với sự bồng bột và mù quáng các lần trước, quá trình tư vấn mấy lần liên tục đã khiến tôi có cái nhìn toàn diện và khách quan hơn về năng lực và hoàn cảnh của bản thân, tuy rằng sự tỉnh ngộ này có hơi muộn, nhưng tôi mới ở tuổi ba mươi, tôi tin rằng tương lai chắc chắn sẽ ngày càng tốt đẹp”. A Lam nói như vậy.
TỔNG KẾT
Nhiều khi, mọi người tìm tới sự trợ giúp của những chuyên gia tư vấn nghề nghiệp như chúng tôi là vì họ mong có thể khám phá bản thân thông qua việc tư vấn nghề nghiệp, đồng thời thông qua nghề nghiệp trở thành người mà bản thân họ muốn trở thành.
Trong quá trình này, từ nhận thức của người xin tư vấn về chính bản thân mình, chuyên gia tư vấn thường đào sâu tìm hiểu phân tích, đồng thời kết hợp hứng thú và năng lực của người đó, tiếp cận đồng thời mở rộng tầm nhìn nghề nghiệp của người xin tư vấn một cách chuẩn xác, khiến cho người xin tư vấn nhìn thấy nhiều hướng đi hơn, đồng thời học được cách tư duy này, biết làm thế nào để đi đến đích, đây mới là giá trị lớn nhất mà việc tư vấn mang lại cho người xin tư vấn.