Năm đó, tôi gặp M – một người đang hoàn toàn mờ mịt trước bước đường sự nghiệp.
M tâm sự với tôi rằng hồi Trung học cô ấy đã cảm thấy học hành rất mệt, nên chọn học nghề, cô học chuyên ngành khá ít người biết tới là luyện kim, tốt nghiệp xong cô vào một doanh nghiệp nhà nước làm nhân viên kiểm định chất lượng đúng với ngành theo học. Công việc này tuy lương không cao nhưng ổn định, M không nghĩ tới chuyện tìm việc khác, cô làm ở đó liền sáu năm, tiếp đó là suốt sáu năm ở nhà làm nội trợ, bây giờ muốn đi làm lại, cô lại thấy hoang mang vô cùng.
Hoang mang bởi vì M phát hiện ra rằng thông báo tuyển dụng của rất nhiều công ty đều quy định các vị trí nhân viên bình thường chỉ tuyển người trẻ, trong khi M không có khả năng nào hơn người, nên không thể mơ mộng tới những chức vụ quản lí, chẳng lẽ cô chưa tới ba mươi đã phải “nghỉ hưu” hay sao?
Tôi nghĩ trường hợp của M tuyệt đối không phải là cá biệt, nó có thể là nỗi niềm chung của một bộ phận người trong xã hội.
1.
Giống như lời mở đầu của một bài viết của tôi trước đây, những chuyện mà bạn chưa từng nghĩ tới sẽ tình cờ tìm đến bạn vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời, khi thời gian trôi đi, mọi sự sớm bằng lòng với thực tại yên ổn của bạn cũng sẽ khiến bạn phải trả giá khó ngờ tới.
Người xưa có câu “ba mươi tuổi lập thân lập nghiệp, bốn mươi tuổi không còn mơ hồ”, thế nhưng trong thời đại hiện nay, vẫn có rất nhiều người ba mươi chưa lập thân lập nghiệp, bốn mươi mà vẫn mơ hồ.
Khi đôi mươi chúng ta phung phí tuổi trẻ mà không chút suy nghĩ rằng nếu cứ thế thì khi ba mươi mình sẽ trở thành người như thế nào, đến khi ba mươi vẫn hoang mang mơ hồ, làm những công việc đơn giản lặp đi lặp lại, cảm thấy có lẽ cuộc đời cũng chỉ như vậy thôi, đồng thời an ủi bản thân rằng cứ như thế cũng tốt, ít nhất thì được cái ổn định; thế nhưng một khi công việc mà bạn tưởng là ổn định đó xảy ra biến động, công ty bạn làm từng ăn nên làm ra giờ thua lỗ, hoặc thậm chí phá sản, sự vững chắc mà bạn tưởng tượng trong đầu sụp đổ trong chớp mắt, để lại bản thân bạn mắc kẹt ở cái tuổi chưa già nhưng không còn trẻ.
Thế là, một nguy cơ lớn bỗng ụp xuống đầu bạn, “người đã có tuổi” là bạn bối rối hốt hoảng, rơi vào nút thắt cổ chai của cuộc đời, so với thế hệ 9X, 10X đã trưởng thành, bạn đã thành lớp già, khả năng học hỏi ngày càng thui chột, tệ hơn là lại còn cậy mình nhiều năm đi làm nên không chịu làm những công việc lương thấp hoặc cấp thấp; thế nhưng so với những người cùng tuổi đã lên làm quản lí, bao nhiêu năm qua bạn không được thăng chức và trưởng thành thêm chút nào. Lúc này bạn mới hối hận, giá như hồi đi học bạn cố gắng hơn, giá như hồi mới đi làm bạn không ngừng rèn giũa bản thân, lập kế hoạch tử tế cho sự nghiệp của mình, giá như bạn không ngừng học hỏi thêm một số kĩ năng và nghiệp vụ, thì cũng không đến nỗi rơi vào tình cảnh nguy khốn ngày hôm nay.
Thế nhưng chuyện xảy ra thì đã xảy ra rồi, sự thật tàn nhẫn là thời gian sẽ không quay ngược lại bởi sự hối hận của bạn, có lẽ chính là ứng với câu “Nhân nào quả ấy”.
2.
Rất nhiều người hỏi tôi tại sao không viết sách về tình yêu, những chuyện tình yêu đau đớn yêu mà chia xa, cầu mà không được đó lay động lòng người biết mấy, tiểu thuyết tình yêu hút fan nhiều thế nào.
Sống đến tuổi này rồi, nếu bảo tôi khuyên thật các bạn một câu thì câu mà tôi muốn nói nhất chính là: Thoát ra khỏi vũng lầy tình cảm càng sớm thì bạn càng có thể nhìn rõ hiện thực.
Tôi cảm thấy con người sống trên đời thì phải làm được việc gì đó có ý nghĩa. Tình yêu chỉ có thể gặp mà không thể cầu hoàn toàn không phải là thứ chúng ta có thể khống chế được, so với việc hao hết tâm lực vào việc bạn không thể khống chế, thì thà sớm thoát ra khỏi nó, nắm bắt những thứ mà bạn có thể nắm bắt được, ví dụ như nghề nghiệp, đồng thời tôi có thể nói với bạn một cách có trách nhiệm rằng, nghề nghiệp mới là thứ đáng tin cậy nhất trong cả cuộc đời bạn, chứ không phải là bất cứ người nào khác.
Lần đầu tôi nhận thức được sự thật rằng đường đời không bằng phẳng là lúc tôi học cấp ba.
Hồi đó hằng ngày tôi đạp xe đến trường, có một lần đi qua ủy ban nhân dân tỉnh, tôi nhìn đám đông biểu tình, nguyên nhân biểu tình chính là phản đối việc bị sa thải hàng loạt. Điều mấu chốt là đa số họ trên có cha mẹ già, dưới có con nhỏ, bây giờ đột ngột mất việc làm, nhất thời đều vô cùng hoảng hốt, họ hi vọng chính phủ tìm ra giải pháp khác.
Đó là thời kì đầu cải cách mở cửa ở Trung Quốc, cũng là lần đầu tiên một số lượng lớn công nhân viên bị cho nghỉ việc.
Xưởng dệt An Phưởng là một trong những doanh nghiệp nhà nước bị phá sản đó.
Sở dĩ nhắc tới doanh nghiệp này là vì nhà tôi có một người họ hàng xa làm việc ở đó, lúc đó đối với rất nhiều gia đình bình thường, có thể vào xưởng dệt làm công nhân là một việc vô cùng vinh hạnh, tôi còn nhớ nhà họ lúc đầu còn tốn tiền chạy vạy để xin cho người họ hàng của tôi tức cô con gái cả của nhà đó vào làm trong xưởng dệt An Phưởng, mong cô ấy có thể yên ổn vô lo hết cuộc đời.
Không ngờ giờ nó lại bị đóng cửa, không ngờ việc “bị sa thải” lại có ngày rơi xuống đầu mình.
Người họ hàng này lúc đó quả thực rất hoảng loạn, con gái chị ta vừa mới học hết Tiểu học, sức khỏe của cha mẹ cũng không tốt lắm, chồng là lái xe chở hàng chạy đường dài, ngày nào cũng bận từ sáng đến khuya, bây giờ đột nhiên lại mất công việc tưởng là có thể ổn định cả đời, thế nhưng khi chị lấy lại dũng khí bước chân vào thị trường tuyển dụng thì phát hiện ngoài các kĩ thuật dệt may cơ bản ra, chị không còn một kĩ năng nào khác đáng kể.
Cho nên, nếu có người nói với bạn, phụ nữ ấy mà, lấy được ông chồng biết kiếm tiền là được rồi, nỗ lực quá làm gì, tôi chỉ có thể nói với bạn đó là tàn dư tư tưởng phong kiến, cũng là lời nói dối độc ác nhất trong thời đại hiện nay, phát triển sự nghiệp không phải là việc ăn may, nó là kết quả tích lũy một cách trung thực mỗi bước phấn đấu của bạn trên con đường sự nghiệp, bạn của ngày hôm nay chính là kết quả và tổng hòa của bạn ngày hôm qua.
3.
Vấn đề thứ nhất, cái gọi là “kinh nghiệm làm việc” hoàn toàn không phải là số năm công tác, điều nó coi trọng là tuổi tác của bạn liệu có tương xứng với năng lực mà bạn cần có không. Nếu một người chỉ già đi mà năng lực và kinh nghiệm không có gì thay đổi, thì sớm muộn gì cũng sẽ bị lớp trẻ đào thải, tuổi tác trở thành trở ngại lớn nhất.
Chúng ta luôn nhầm tưởng rằng mình trẻ trung mãi mãi, thế là đầu óc chúng ta sẽ tự động che giấu và lọc bỏ một số vấn đề, cảm thấy chắc mình sẽ không bao giờ gặp phải những vấn đề này. Thế nhưng điều tàn khốc là thời gian đang không ngừng trôi đi, đợi đến một ngày bạn nhìn đứa con đang ngày càng cao lớn, nhìn mái tóc điểm bạc trong gương, nhìn cha mẹ tóc đã bạc trắng, bạn sẽ đột nhiên ý thức được rằng mình đang nhanh chóng già đi, thật đấy, nhất là khi qua ba mươi tuổi, cảm giác này sẽ ngày càng rõ rệt.
Khi đôi mươi bạn có thể vô lo vô nghĩ làm một công việc hành chính đơn giản, thế nhưng từ ba mươi trở đi, bạn sẽ phát hiện tiền lương rõ ràng không đủ chi tiêu, thế là bạn muốn đổi sang công việc tốt hơn, khi bạn khó khăn lắm mới hạ được quyết tâm rải hồ sơ lên mạng, không biết bạn có cảm thấy có gì đó khó chịu không, không thể nói chính xác đó là cảm giác như thế nào, chỉ biết là rất khó miêu tả bằng lời. Đúng vậy, bạn không đủ tiêu chuẩn để lên làm quản lí hay đảm nhận một vị trí béo bở, vị trí bình thường bạn lại không ưng, hồi trẻ bạn chưa từng nghĩ tới nỗi khó xử này.
Cần phải chỉ ra rằng đừng để tới khi phải đối mặt với nguy cơ “nghỉ hưu sớm” mới tự kiểm điểm bản thân, lúc đó bạn gần như không còn đường lùi nào trong sự nghiệp nữa, độ tuổi thực sự then chốt là tuổi đôi mươi – Ngay khi bạn mới chọn nghề.
Hãy nhìn lại bản thân, khi đôi mươi, bạn đang làm gì? Hoặc bạn định làm gì?
Có bài chuyên luận về kế hoạch nghề nghiệp đã chỉ ra, nếu một người khi đôi mươi mà thiếu sự tích lũy và nâng cao kĩ năng bản thân, vậy thì sự nghiệp sau đó sẽ vô cùng khó có đột phá.
Cho nên nếu bạn không muốn bị đào thải ở tuổi ba mươi, phải bước lên chuyến tàu “nghỉ hưu” trước tuổi, thì bạn phải trả lời rõ ràng một câu hỏi, đó chính là quy hoạch sự nghiệp tuổi đôi mươi như thế nào?
Đi theo lối tư duy này, hãy lập cho mình mục tiêu phấn đấu năm năm hoặc mười năm, sau đó phân chia ra từng năm, kế đó là mỗi nửa năm, mỗi quý, mỗi tháng, cho tới mỗi ngày.
Vấn đề thứ hai, thực ra những gì bạn nhận lại không hề tỉ lệ thuận với nỗ lực bạn bỏ ra, điều then chốt là khả năng cạnh tranh cốt lõi.
Ba mươi rồi bạn vẫn còn định tìm công việc văn thư hoặc kế toán thu chi, thậm chí là hành chính, thu ngân... bạn có từng tự hỏi bản thân, bạn có ưu thế gì so với thế hệ 9X, 10X vô cùng trẻ trung và tràn đầy nhiệt huyết không?
Bạn không thể làm thêm giờ được nữa, bạn phải kèm con học bài; bạn cũng không thể làm xa nhà, vì nếu giao thông quá bất tiện thì có nghĩa là không có người đưa đón con đi học, càng không nói đến chuyện làm cho con một bữa trưa ngon miệng; bạn cũng không thể chịu đựng được một mức lương bèo bọt vì bạn phải sinh tồn, bạn phải chăm cha mẹ già, bạn phải nuôi con nhỏ, bạn có vô số đám ma đám cưới của bạn bè họ hàng cần tham dự, chỉ riêng khoản tiền mừng tiền viếng này thôi là đã đủ khiến cho bạn liêu xiêu rồi.
Vậy thì xin hỏi rốt cuộc ưu thế của bạn so với thế hệ 9X, 10X nằm ở đâu?
Ngoài một cơ thể bị thời gian mài mòn ra, đơn vị tuyển dụng không thấy được nhiệt tình của bạn đối với công việc này, cũng không thấy được ham muốn học hỏi của bạn, càng không thấy được kì vọng của bạn đối với công việc của mình, bạn chỉ có một trái tim già nua mong chờ đến lúc về hưu.
Trong rất nhiều câu chuyện chốn công sở, chúng ta chỉ luôn nhìn thấy mặt tốt đẹp tươi sáng, những góc tối và đau khổ chua xót mà ánh mặt trời không chạm đến được mới là vấn đề cuộc đời mà chúng ta không thể tránh né trong phần lớn thời gian đời người.
Lẽ nào tuổi ba mươi đồng nghĩa với “về hưu sớm” hay sao? Cũng chưa hẳn, trừ phi bạn có một thứ.
Thứ đó gọi là năng lực cạnh tranh cốt lõi.
Cái gọi là năng lực cạnh tranh cốt lõi chính là bạn có năng lực mà người khác không có.
Tầng thứ nhất của năng lực cạnh tranh cốt lõi chính là tầng kĩ thuật.
Bạn có hiểu rõ hay tinh thông lĩnh vực mà bạn làm việc không? Bạn có thể nhanh chóng gánh vác trọng trách, nhanh chóng khai triển nghiệp vụ trong tình thế có bất kì người nào đó vắng mặt không?
Tầng thứ hai của năng lực cạnh tranh cốt lõi chính là tầng chiến lược.
Tuổi ba mươi, nếu tính từ khi bạn bắt đầu đi làm năm hai mươi hai tuổi, bạn đã làm việc đủ tám năm rồi. Tám năm đến kháng chiến cũng thành công rồi, nhưng bạn vẫn chưa từ vị trí kĩ thuật lên vị trí quản lí, phụ trách vận hành một hạng mục cụ thể của doanh nghiệp, thậm chí là tham gia xây dựng chiến lược cho doanh nghiệp ư?
Tầng thứ ba của năng lực cạnh tranh cốt lõi chính là kĩ năng mềm không nhìn thấy được.
Ví dụ khả năng xử lí quan hệ giao tiếp của bạn, khả năng quản lí thời gian và khả năng khống chế cảm xúc của bạn, khả năng học hỏi của bạn, khả năng chuyên nghiệp hóa của bạn, vân vân.
Hãy nhớ là nếu bạn có được ba tầng năng lực trên, tuổi ba mươi sẽ có nhiều cơ hội làm việc tốt hơn tự tìm đến bạn.
Câu hỏi thứ ba, bây giờ bạn định sống như thế nào mỗi ngày? Tôi chỉ có thể nói với bạn một sự thực, đó chính là giống như rất nhiều bài viết đã chỉ ra, phàm những người có thành tích hoặc thành công trong một lĩnh vực, đều có một đặc điểm chung, đó chính là họ làm việc thuộc sở trường của bản thân hoặc hiểu rõ nó ít nhất mười năm trở lên, còn những người thường xuyên nhảy việc, không thể đào sâu tích lũy theo một hướng nhất định thường sẽ mãi mãi làm những công việc cơ bản, mãi mà không tìm được hướng đi.
Tính theo tuổi ba mươi lăm, bắt đầu từ ngày bạn bước chân đi làm, bạn chỉ có hơn mười năm để thực sự phấn đấu.
Nếu bảo tôi cho người mới gia nhập chốn công sở một lời khuyên, đó chính là một khi đã xác định được hướng đi, thì đừng nhảy việc một cách mù quáng, lương bổng không quan trọng đến thế so với mục tiêu cuộc đời, mỗi lần nhảy việc đều phải có sự tiến bộ và nâng cao, chứ không phải là giậm chân tại chỗ, lặp lại chính mính.
Nói đến đây, tiện thể nhắc tới một điểm, đó chính là sở thích thường trở thành cái cớ cho rất nhiều người trốn tránh hiện thực.
Bạn có thể tự hỏi lòng mình, bạn có giấc mơ nào thực sự khiến bạn ăn không ngon ngủ không yên không? Nếu có, thì hãy dũng cảm theo đuổi giấc mơ.
Còn nếu không có, hoặc suy nghĩ của bạn rất đơn giản, đó là muốn sống sung sướng một chút, vậy thì bất kì ngành nghề nào chỉ cần bạn tận tâm làm việc, thì đều sẽ đạt được mục tiêu này, đừng rơi vào cái gọi là “sở thích”, dùng nó để trốn tránh bất cứ phiền phức và những chuyện vặt vãnh nào mà có thể bạn phải đối mặt, đợi tới khi bạn tỉnh lại có thể đã không còn cơ hội thích hợp nữa, mà cơ hội là một đi không trở lại.
Bởi vì thời gian không chờ đợi ai.
Trên đây chính là những lời thật lòng mà tôi – một người đang ở tuổi ba mươi lăm muốn nói với bạn.
Tất nhiên, nếu bạn đã ở trong bế tắc nghề nghiệp rồi, thì cũng có thể đổi cách nghĩ khác, đó chính là nhất định phải đi làm thuê sao? Bạn có thể buôn bán nhỏ, mở cửa hàng, nếu bạn còn có những năng khiếu khác, ví dụ làm thủ công, nấu ăn... thì bạn cũng có thể làm rất nhiều việc. Nếu bạn biết viết văn, muốn làm nhà báo tự do thì đó cũng là một hướng đi.
Mười mấy năm qua bạn không làm nên sự nghiệp gì không phải là điều đáng sợ, chỉ sợ bạn mãi không chịu nỗ lực hết sức mình để thay đổi bản thân.