Tom gọi điện cho ông Greenleaf từ nhà của Peter Smith-Kingsley vào khoảng bảy giờ. Ông Greenleaf có vẻ thân thiện hơn mong đợi và có vẻ thèm khát mọi chi tiết vụn vặt mà Tom kể về Dickie đến mức tội nghiệp. Peter, Marge và những người nhà Franchetti – một cặp anh em hấp dẫn từ Trieste mà Tom cũng chỉ mới gặp gần đây – đang ở trong phòng bên cạnh và có thể nghe hầu hết những gì mà anh nói, nên Tom cảm thấy anh còn biểu hiện tốt hơn so với lúc ở một mình.
“Cháu đã kể cho Marge tất cả những gì cháu biết,” anh nói, “nên cô ấy có thể kể lại cho chú bất kỳ điều gì mà cháu quên. Cháu chỉ tiếc là không thể đóng góp điều gì thật sự quan trọng cho cảnh sát điều tra.”
“Bọn cảnh sát đó!” Ông Greenleaf nói một cách thô lỗ. “Tôi bắt đầu nghĩ rằng Richard đã chết rồi. Vì lý do nào đó mà lũ người Ý do dự không dám thừa nhận điều đó. Bọn chúng hành động như dân nghiệp dư – hay mấy bà già chơi trò thám tử.”
Tom sốc trước câu nói thẳng tuột của ông Greenleaf về khả năng Dickie đã chết. “Chú có nghĩ là Dickie đã tự tử không, chú Greenleaf?” Tom hỏi nhỏ.
Ông Greenleaf thở dài. “Tôi không biết. Tôi nghĩ đúng là có khả năng đấy. Tôi chưa bao giờ đánh giá cao tính ổn định của con trai tôi, Tom.”
“Cháu e là cháu cũng đồng ý với chú,” Tom nói. “Chú có muốn nói chuyện với Marge không? Cô ấy ở ngay phòng bên thôi.”
“Không, không cần, cảm ơn cậu. Khi nào thì con bé quay lại?”
“Cháu nghĩ cô ấy đã bảo sẽ quay lại Rome vào ngày mai. Nếu chú định ghé Venice để nghỉ ngơi vài ngày thì cháu mời chú tới ở lại nhà cháu, chú Greenleaf.”
Nhưng ông Greenleaf cũng từ chối lời mời đó. Tom nhận ra anh cũng chẳng cần cố quá làm gì. Chẳng khác gì anh đang tự mời gọi rắc rối và không thể ngăn mình lại. Ông Greenleaf cảm ơn anh vì cuộc điện thoại và chúc buổi tối tốt lành một cách lịch thiệp.
Tom quay lại căn phòng bên cạnh. “Không có tin mới từ Rome,” anh nói một cách chán nản với cả nhóm người.
“Ồ.” Peter trông có vẻ thất vọng.
“Đây là tiền gọi điện, Peter,” Tom nói, đặt một nghìn hai trăm lia lên mặt cây đàn piano của Peter. “Cảm ơn anh rất nhiều.”
“Tôi có ý nghĩ này,” Pietro Franchetti cất giọng với thứ tiếng Anh đậm chất Anh. “Dickie Greenleaf đã đổi hộ chiếu với một người đánh cá ở Naples hoặc có thể là một người La Mã buôn thuốc lá lậu để có thể sống cuộc đời yên bình mà anh ta vẫn hằng mong muốn. Tình cờ thay người giữ hộ chiếu của Dickie Greenleaf lại không giỏi đóng giả như anh ta nghĩ và phải biến mất đột ngột. Cảnh sát nên tìm một người đàn ông không thể trình đúng chứng minh thư của mình, xem hắn là ai, rồi tìm đúng người đang mang tên của hắn, đó chính là Dickie Greenleaf!”
Tất cả mọi người đều bật cười và Tom cười vang nhất. “Vấn đề với ý tưởng đó,” Tom nói, “là có rất nhiều người quen của Dickie đã gặp anh ấy vào tháng Một và tháng Hai -”
“Ai?” Pietro ngắt lời với vẻ thù hằn kiểu Ý rất khó chịu trong các cuộc đối thoại và còn khó chịu gấp đôi khi anh ta nói bằng tiếng Anh.
“Tôi là một này. Dẫu sao đi nữa, như tôi định nói, theo ngân hàng nói thì sự giả mạo bắt đầu từ tháng Mười hai.”
“Tuy nhiên đó cũng là một ý kiến,” Marge tặc lưỡi, cảm thấy ngà ngà với ly rượu thứ ba, ngả người dựa vào cái ghế dài rõ to của Peter. “Một ý nghĩ rất giống Dickie đấy. Chắc hẳn anh ấy đã làm thế ngay sau khi rời Palermo, khi anh ấy phải ưu tiên xử lý vụ giả mạo ở ngân hàng trước. Tôi không tin vụ đó lấy một phút. Tôi nghĩ Dickie đã thay đổi quá nhiều khiến chữ viết tay của anh ấy cũng thay đổi theo.”
“Tôi cũng nghĩ vậy,” Tom nói. “Dẫu sao thì ngân hàng cũng không nhất trí với điều đó khi nói tất cả đều đã bị giả mạo. Bên Mỹ cũng chia ra hai luồng ý kiến, còn bên Naples thì nghe theo bên Mỹ. Bên Naples sẽ chẳng bao giờ chú ý đến sự giả mạo nếu không phải phía Mỹ báo cho họ biết.”
“Tôi tự hỏi tối nay trên báo sẽ có gì?” Peter hỏi một cách tươi vui, đi lại đôi sục mà anh ta đã cởi ra chắc vì đau. “Tôi có nên ra ngoài mua không?”
Nhưng một người nhà Franchetti tình nguyện đi mua và lao ra khỏi phòng. Lorenzo Franchetti đang mặc một cái áo gi-lê thêu màu hồng, đậm chất Anh và một bộ vest may ở Anh, giày đế nặng kiểu Anh. Em trai anh ta cũng ăn mặc hệt như vậy. Peter, mặt khác, lại mặc quần áo Ý từ đầu tới chân. Tom đã nhận ra ở các bữa tiệc và rạp hát, nếu một người mặc đồ Anh thì anh ta nhất định là người Ý và ngược lại.
Có thêm vài người đến đúng lúc Lorenzo mang báo về - hai người Ý và hai người Mỹ. Các tờ báo được truyền tay nhau. Lại thảo luận, lại trao đổi những nghi ngờ ngu ngốc, lại phấn khích trước tin tức ngày hôm này: Căn nhà của Dickie ở Mongibello đã được bán cho một người Mỹ với số tiền gấp đôi cái giá anh ta rao ban đầu. Số tiền sẽ được một ngân hàng Naples giữ cho tới khi Greenleaf đến nhận lại.
Chính tờ báo đó có tranh biếm họa một người đàn ông quỳ gối, tìm kiếm thứ gì đó dưới bàn làm việc. Vợ ông ta hỏi, “Khuy cổ à?” Và câu trả lời của ông ta là, “Không, tôi đang tìm Dickie Greenleaf.”
Tom nghe đâu các thính phòng ở Rome cũng đang đẩy mạnh vụ truy tìm bằng các bài thơ trào phúng.
Một trong số hai người Mỹ vừa đi vào, có tên Rudy gì đó, mời Tom và Marge tới một bữa tiệc cocktail ở khách sạn của anh ta vào ngày mai. Anh đã dợm từ chối nhưng Marge lại nói rất vui được tới dự. Tom không nghĩ ngày mai cô ta vẫn còn ở đây vì trưa nay cô ta đã nói gì đó về việc ra về. Tom chắc chắn bữa tiệc sẽ chán chết. Rudy là một gã to mồm, thô lỗ, ăn mặc bảnh chọe, tự giới thiệu là người buôn đồ cổ. Tom khéo léo đưa mình và Marge rời khỏi ngôi nhà đó trước khi cô ta nhận thêm một lời mời nào trong tương lai.
Marge vẫn giữ vẻ chuếnh choáng khiến Tom cáu điên suốt bữa tối năm món của họ, nhưng anh nỗ lực hết sức và phản ứng lại với sự tốt bụng – như một con ếch bất lực co giật trên mũi kim điện, anh nghĩ – và khi cô ta làm rơi quả bóng, anh nhặt nó lên và nghịch nó trong chốc lát. Anh nói những câu như là, “Có thể Dickie đột nhiên tìm ra bản thân trong hội họa và bắt chước Gauguin tới các hòn đảo ở biển Nam.” Nó khiến anh phát ốm. Rồi Marge lại mơ màng về Dickie và các hòn đảo ở biển Nam, lấy tay ra dấu một cách biếng nhác. Điều tồi tệ nhất còn chưa tới, Tom nghĩ: đi thuyền gondola. Nếu cô ta nhúng đôi bàn tay đó vào nước thì anh hy vọng cá mập sẽ gặm nó đi. Anh gọi một món tráng miệng mà không còn bụng để ăn, nhưng Marge thì ăn sạch.
Tất nhiên, cô ta muốn một con thuyền gondola riêng chứ không phải thuyền dịch vụ thông thường vẫn chở hơn mười người một lúc từ San Marco tới các bậc thềm của Santa Maria vùng Salute, nên họ thuê một con thuyền gondola tư. Lúc ấy là một rưỡi sáng. Miệng Tom đắng ngắt do uống quá nhiều espresso, tim đập thình thịch như cánh chim và anh không nghĩ mình có thể ngủ được cho tới bình minh. Anh cảm thấy kiệt quệ, nằm ườn ra trên ghế của con thuyền, giống hệt Marge, cẩn thận không chạm vào đùi cô ta. Marge vẫn có tâm trạng hăng hái, đang tự giải trí bằng các tràng độc thoại về bình minh ở Venice, rõ ràng là cô ta đã thấy cảnh đó trong một chuyến đi khác. Con thuyền đung đưa nhè nhẹ theo tay chèo nhịp nhàng khiến Tom cảm thấy hơi buồn nôn. Vùng nước giữa bến thuyền San Marco và thềm nhà anh dường như rộng bất tận.
Giờ chỉ còn hai bậc thềm lộ ra và mặt nước dập dềnh trên mặt bậc thềm thứ ba, các cọng rêu đung đưa một cách ghê tởm. Tom máy móc trả tiền cho người lái gondola và khi đã đứng trước cánh cổng khổng lồ thì anh mới nhận ra là mình không mang chìa khóa. Anh liếc nhìn xung quanh xem có thể trèo vào đâu đó hay không, nhưng anh thậm chí còn chả chạm vào nổi rìa cửa sổ từ bậc thềm này. Trước khi anh kịp nói gì đó thì Marge đã phá ra cười.
“Anh không mang chìa khóa! Kẹt trên bậc cửa với mặt nước dập dềnh xung quanh mà lại không có chìa khóa!”
Tom cố cười. Vì cái quái gì mà anh lại nghĩ đến việc mang theo hai cái chìa khóa dài đến ba mươi centimet và nặng gần bằng hai khẩu súng lục cơ chứ? Anh quay người, hét lên gọi người lái thuyền quay lại.
“À!” Người lái đò cười khẽ qua mặt nước. “Tôi xin lỗi, thưa ngài! Tôi phải trở lại San Marco! Có một cuộc hẹn!” Ông ta vẫn chèo đều tay.
“Chúng tôi không có chìa khóa!” Tom hét lên bằng tiếng Ý.
“Tôi xin lỗi thưa ngài!” Người chèo thuyền đáp lại. “Tôi sẽ nhờ một gondolier khác!”
Marge lại cười. “Ôi, sẽ có một người chèo thuyền khác đến đón chúng ta ngay thôi. Nơi này không đẹp sao?” Cô ta kiễng chân.
Đêm nay hoàn toàn không phải một đêm đẹp. Trời lạnh căm căm và một trận mưa phùn đã bắt đầu đổ xuống. Anh có thể gọi một cái thuyền công cộng đi qua nhưng lại chẳng thấy cái thuyền nào, Tom nghĩ. Con thuyền duy nhất anh thấy là chiếc xuồng máy đang lại gần cầu cảng San Marco. Ít có cơ hội con xuồng ấy sẽ thèm đón họ, nhưng Tom vẫn hét gọi nó. Con xuồng tràn ngập ánh sáng và lúc nhúc người nhắm mắt đi tiếp và chĩa mũi thuyền vào cầu cảng bằng gỗ bên kia kênh. Marge đang ngồi ở bậc thang trên cùng, hai cánh tay ôm lấy đầu gối, không làm gì hết. Cuối cùng, một chiếc ca-nô trông như tàu đánh cá chầm chậm tiến lại và có người hét lên bằng tiếng Ý: “Bị nhốt bên ngoài à?”
“Chúng tôi quên đem chìa khóa!” Marge giải thích một cách hăm hở.
Nhưng cô ta không muốn lên thuyền. Cô ta bảo sẽ đợi trên các bậc thềm trong lúc Tom đi vòng lại và mở cánh cửa ở mặt đường. Tom nói việc đó có thể phải mất hơn mười lăm phút và cô ta có thể bị cảm nên cuối cùng cô ta đành chui vào. Người Ý đưa họ tới bến đỗ gần nhất ở thềm của nhà thờ Santa Maria xứ Salute. Anh ta từ chối nhận tiền công cho phiền toái vừa rước về, nhưng nhận hộp thuốc lá Mỹ hút dở của Tom. Tom không biết lý do, nhưng tối hôm đó anh còn cảm thấy sợ sệt khi đi qua San Spiridione với Marge hơn cả khi đi một mình. Marge, tất nhiên, hoàn toàn không bị con hẻm ảnh hưởng và ríu rít suốt dọc đường.