Venice,
Ngày 28 tháng 2, năm 19-
Chú Greenleaf kính mến,
Cháu nghĩ trong tình huống này chú sẽ không hiểu sai nếu cháu viết thư báo cho chú mọi thông tin cá nhân mà cháu biết liên quan đến Richard – có vẻ như cháu là một trong những người cuối cùng gặp anh ấy.
Cháu đã gặp anh ấy ở Rome vào tầm ngày mùng 2 tháng 2 ở khách sạn Inghilterra. Như chú biết, lúc đó mới là hai đến ba ngày sau khi Freddie Miles chết. Cháu thấy Dickie buồn bực và lo lắng. Anh ấy đã nói sẽ tới Palermo ngay khi cảnh sát thẩm vấn xong các vấn đề liên quan tới cái chết của Freddie và có vẻ anh ấy rất nóng lòng muốn rời đi, một điều cũng dễ hiểu, nhưng cháu muốn báo với chú là anh ấy có một thái độ tuyệt vọng nhất định ẩn sâu bên trong khiến cháu thấy lo lắng còn hơn cả sự lo âu hiển hiện ra bên ngoài của anh ấy. Cháu có cảm giác anh ấy sẽ thử làm điều gì đó bạo lực – có lẽ là với chính mình. Cháu cũng biết là anh ấy không muốn gặp lại người bạn Marjorie Sherwood nữa và anh ấy cũng nói sẽ cố trốn tránh cô ấy nếu cô từ Mongibello lên gặp anh ấy vì vụ Miles. Cháu đã cố thuyết phục anh ấy gặp Marge. Cháu không biết sau đó anh ấy có nghe theo không. Cô ấy khiến người ta thấy được an ủi, như có lẽ chú đã biết.
Điều cháu muốn nói là cháu cảm thấy Richard có thể đã tự tử. Đến thời điểm bức thư này được viết, người ta vẫn chưa tìm ra anh ấy. Cháu hy vọng anh ấy sẽ xuất hiện trước khi bức thư này tới tay chú. Không cần nghi ngờ gì nữa, cháu chắc chắn Richard chẳng hề dính líu, dù trực tiếp hay gián tiếp, tới cái chết của Freddie, nhưng cháu nghĩ sự chấn động mà nó gây ra cùng tràng thẩm vấn sau đó đã có ảnh hưởng làm thay đổi sự cân bằng của anh ấy. Đây là một bức thư phiền muộn, không nên gửi tới chú và cháu cũng đã thấy hối hận. Có thể nó hoàn toàn không cần thiết và Dickie có lẽ (một lần nữa cũng có thể hiểu được, xét đến tính khí của anh ấy) chỉ đơn giản đang trốn tránh đâu đó cho tới khi tình huống khó chịu này trôi qua. Nhưng khi thời gian trôi đi, cháu bắt đầu cảm thấy cắn rứt. Cháu nghĩ mình có trách nhiệm viết bức thư này, chỉ đơn giản là báo cho chú biết…
Munich
Ngày 3 tháng 3, năm 19 –
Tom thân mến:
Cảm ơn bức thư của anh. Anh thật tử tế. Tôi đã viết thư trả lời cảnh sát và một người đã tới gặp tôi. Tôi sẽ không ghé qua Venice, nhưng cảm ơn lời mời của anh. Ngày kia tôi sẽ tới Rome để gặp bố của Dickie, người đang trên đường bay tới. Phải, tôi đồng ý là anh nên viết thư báo cho ông ấy.
Tôi quá sửng sốt bởi toàn bộ chuyện này, tôi đã bắt đầu bị một cơn sốt gần giống sốt nhiễm khuẩn hành hạ, hoặc cũng có thể như người Đức vẫn nói là do gió Phơn, nhưng mang theo virus nào đó. Không thể rời khỏi giường suốt bốn ngày, theo đúng nghĩa đen, không thì tôi đã tới Rome từ trước rồi. Nên vui lòng bỏ qua cho bức thư thiếu mạch lạc và có phần ngớ ngẩn này, nó đúng là một lời hồi đáp quá tệ so với bức thư vô cùng tử tế của anh. Nhưng tôi vẫn muốn nói rằng tôi hoàn toàn không đồng ý với anh về chuyện Dickie có thể đã tự sát. Anh ấy không phải kiểu người như vậy, dù tôi biết anh sẽ nói rằng người ta chẳng bao giờ tỏ ra là mình sẽ làm vậy, vân vân. Không, với Dickie thì gì cũng được trừ việc này. Anh ấy có thể đã bị giết trong một con hẻm nào đó ở Naples – hoặc thậm chí là Rome, vì ai mà biết liệu anh ấy có tới Rome sau khi rời Sicily không? Tôi cũng có thể hình dung anh ấy đang thoái thác trách nhiệm tới mức gần như đang lẩn trốn. Tôi nghĩ đó chính là những gì anh ấy đang làm đấy.
Tôi mừng vì anh nghĩ việc giả mạo giấy tờ chỉ là chuyện nhầm lẫn. Ý tôi là về phía ngân hàng. Tôi cũng nghĩ vậy. Dickie đã thay đổi quá nhiều kể từ tháng Mười một, anh ấy có thể dễ dàng thay đổi cả chữ viết tay của mình. Hãy hy vọng sự việc có tiến triển khi anh nhận được bức thư này. Tôi đã nhận được điện tín từ bác Greenleaf về Rome – nên phải dành năng lượng cho chuyện đó.
Mừng là cuối cùng cũng biết được địa chỉ của anh. Một lần nữa cảm ơn vì bức thư, lời khuyên và cả lời mời của anh.
Trân trọng,
Marge
Tái bút: Tôi chưa kể cho anh tin tốt lành của tôi nhỉ. Có một nhà xuất bản đã thể hiện sự quan tâm với “Mongibello!” Họ nói muốn xem toàn bộ cuốn sách trước khi bàn chuyện ký hợp đồng với tôi, chỉ nhiêu đó cũng đã tràn trề hy vọng! Giá mà giờ tôi có thể hoàn thành xong thứ chết tiệt này!
M.
Tom đoán cô ta đã quyết định giữ quan hệ tốt với anh. Cô ta chắc cũng đã đổi giọng về anh với cảnh sát.
Sự biến mất của Dickie khuấy lên sự kích động trong giới báo chí Ý. Marge, hoặc ai đó, đã cung cấp ảnh cho phóng viên. Có các bức ảnh Dickie đi thuyền ở Mongibello trên tờ Epoca, trên tờ Oggi thì có hình Dickie ngồi trên bãi biển ở Mongibello, ngồi ngoài hiên quán Giorgio, hình Dickie và Marge – “bạn gái của cả Dickie đã biến mất và Freddie đã bị giết” – đang mỉm cười, hai tay khoác lên vai nhau và còn có cả một bức chân dung đạo mạo của ông Herbert Greenleaf. Tom đã lấy địa chỉ ở Munich của Marge từ trên báo. Tờ Oggi đã lên chuyên đề về câu chuyện cuộc đời Dickie suốt hai tuần qua, miêu tả những năm tháng học sinh của anh ta là “nổi loạn” và thêu dệt nhiều điều về cuộc sống xã hội của anh ta ở Mỹ và hành trình tới châu Âu vì mục đích nghệ thuật, đến mức Dickie có vẻ như là sự kết hợp giữa Errol Flynn và Paul Gauguin. Tờ báo tuần có hình minh họa cập nhật từ các báo cáo mới nhất của cảnh sát, hầu như là vô dụng, xen đầy những giả thiết mà tác giả thích bịa ra trong tuần đó. Một giả thiết yêu thích là anh ta đã bỏ trốn cùng một cô nàng khác – người có thể đã giả mạo chữ ký trên các tấm séc – và đang vui vẻ, không để lộ tung tích, ở Tahiti, hoặc Nam Mỹ hoặc Mexico chẳng hạn. Cảnh sát vẫn đang lùng sục khắp Rome, Naples và Paris, chỉ có thế. Không có chút manh mối gì về kẻ đã giết Freddie Miles và không một tin tức nào về việc Dickie Greenleaf đã bị bắt gặp chở Freddie Miles, hay ngược lại, trước nhà của Dickie. Tom tự hỏi vì sao họ lại giữ bí mật điều đó với báo giới. Có thể là nếu đăng tin đó lên, họ sẽ bị kiện vì tội phỉ báng với Dickie. Tom hài lòng khi thấy mình được miêu tả như “một người bạn trung thành” của Dickie Greenleaf mất tích, người đã tình nguyện cung cấp tất cả những gì mình biết về thói quen và tính cách của Dickie, người cũng thấy hốt hoảng về sự biến mất của anh ta như bất kỳ ai khác. “Anh Ripley, một trong những du khách Mỹ giàu có ở Ý,” tờ Oggi viết, “giờ đang sống trong một cung điện nhìn ra San Marco ở Venice.” Điều đó làm Tom hài lòng hơn hết. Anh cắt đoạn báo đó ra.
Tom chưa từng xem nó là một “cung điện,” nhưng tất nhiên đó là cách người Ý gọi một tòa nhà hai tầng có thiết kế nguy nga hơn hai trăm tuổi, với cổng chính nằm trên kênh đào trung tâm, chỉ có thể vào được bằng thuyền gondola, với các bậc thềm đá rộng rãi dẫn xuống nước, cánh cửa sắt phải được mở bằng một chiếc chìa khóa dài hai mươi centimet, bên cạnh còn có các cánh cổng thường phía sau cánh cổng sắt đó, cũng phải mở bằng một chìa khóa khổng lồ. Tom thường hay dùng “cửa sau” ít trang trọng hơn, nó nằm trên hẻm San Spiridione, chỉ trừ những lúc anh muốn gây ấn tượng với các vị khách của mình bằng cách đưa họ vào nhà bằng thuyền gondola. Cửa sau – bản thân nó đã cao bốn mét, ngang với bức tường đá bao trọn căn nhà khỏi đường – dẫn vào một khu vườn bị bỏ hoang nhưng cây cối vẫn xanh tốt, có hai thân cây ô-liu xương xẩu và một cái bể nước cho chim tắm là một bức tượng trông có vẻ lâu đời hình một bé trai trần truồng đang cầm một cái bát nông rộng. Nó đúng là khu vườn dành cho một cung điện ở Ý, dù hơi xuống cấp và cần tu sửa, điều mà khó xảy ra, nhưng vẫn đẹp không thể xóa nhòa vì nó đã sinh ra trên thế giới này một cách quá đỗi xinh đẹp cách đây hai trăm năm. Thiết kế bên trong ngôi nhà đúng như lý tưởng về nơi ở của một chàng trai độc thân lịch lãm, ít nhất là khi ở Venice: sàn tầng một lát đá cẩm thạch hai màu đen trắng như bàn cờ vua, từ sảnh chính tỏa vào từng phòng, trên tầng thì sàn nhà lát bằng đá cẩm thạch màu trắng và hồng, các món đồ nội thất giống như là hiện thân âm nhạc của Cinquecento được chơi bằng kèn ô-boa, máy phát đĩa và đàn vi-ô-lông cổ. Anh đã lệnh cho hai người giúp việc của mình - Anna và Ugo, một cặp đôi trẻ người Ý đã từng làm cho người Mỹ ở Ý, nên họ cũng biết sự khác nhau giữa Bloody Mary và si-rô bạc hà xanh - đánh bóng bề mặt trạm trổ của tủ đứng, tủ ngăn kéo và ghế cho tới khi chúng dường như sống dậy với ánh sáng lờ mờ rực rỡ lấp lóa khi người ta đi vòng quanh chúng. Thứ duy nhất có phần hiện đại là phòng tắm. Trong phòng ngủ của Tom có một cái giường khổng lồ, chiều rộng còn dài hơn cả chiều dài. Tom trang trí phòng ngủ của mình với một loạt tranh toàn cảnh Naples từ năm 1540 tới 1880 mà anh mua được ở một tiệm đồ cổ. Anh đã dồn toàn tâm toàn ý vào việc trang trí ngôi nhà trong hơn một tuần lễ. Thẩm mỹ của anh giờ có một vẻ chắc chắn mà anh đã không hề cảm nhận được ở Rome và căn hộ của anh ở Rome hoàn toàn không thể hiện được điều đó. Giờ anh cảm thấy chắc chắn về bản thân mình hơn bao giờ hết.
Sự tự tin của anh thậm chí còn tạo cảm hứng cho anh viết thư cho cô Dottie bằng một giọng bình tĩnh, yêu thương và nhẫn nại mà trước đây anh chưa bao giờ muốn dùng, hoặc chưa bao giờ có thể dùng. Anh hỏi thăm sức khỏe của bà, nhóm bạn xấu xa của bà ở Boston và đã giải thích cho bà biết vì sao anh mê mẩn châu Âu và có ý định sống ở đó một thời gian, giải thích hùng hồn tới mức anh đã phải sao chép phần thư đó và đặt lên bàn mình. Anh đã viết bức thư đầy cảm hứng này vào một buổi sáng sau khi dùng bữa, ngồi trong phòng ngủ với cái áo ngủ bằng lụa mới toanh được đặt làm riêng ở Venice, nhìn ra ngoài cửa sổ, ngắm kênh đào trung tâm và tháp Đồng hồ của thánh đường San Marco bên kia mặt nước. Sau khi viết xong bức thư, anh pha thêm cà phê và dùng máy đánh chữ Hermes của chính Dickie để viết di chúc của chính anh ta, để lại cho anh thu nhập và các khoản tiền trong nhiều ngân hàng khác nhau, ký tên Herbert Richard Greenleaf con. Tom nghĩ tốt hơn hết là không để thêm người làm chứng vào, vì sợ rằng ngân hàng hoặc ông Greenleaf sẽ thách thức đòi biết người làm chứng là ai, dù Tom đã nghĩ hay là bịa ra một cái tên Ý, giả như Dickie đã gọi ai đó vào căn hộ của anh ta ở Rome với mục đích chứng nhận cho tờ di chúc. Anh phải mạo hiểm với một tờ di chúc không nhân chứng thôi, anh nghĩ, nhưng trước hết cần sửa ngay máy đánh chữ của Dickie vì các lỗi gõ của nó giờ dễ nhận ra vô cùng và anh đã nghe nói rằng di chúc viết tay không cần nhân chứng. Nhưng chữ ký quá hoàn hảo, giống hệt chữ ký mảnh và rối trên cuốn hộ chiếu của Dickie. Tom tập luyện suốt nửa tiếng đồng hồ trước khi ký vào tờ di chúc, anh thả lỏng tay, ký trước vào một mẩu giấy nháp, rồi gấp rút ký luôn vào tờ di chúc. Anh sẽ thách thức bất kỳ ai dám chứng minh chữ ký trên tờ di chúc không phải của Dickie. Tom đặt một phong bì vào máy đánh chữ và gửi tới Những Người Có Liên Quan, với ghi chú rằng không được mở nó cho tới tháng Sáu năm nay. Anh đút nó vào trong vali, như thể đã mang nó theo một thời gian và không thèm mở nó ra khi chuyển vào trong căn nhà này. Rồi anh mang chiếc Hermes Baby để trong bao xuống gác và thả nó xuống một cái lạch nhỏ, quá hẹp để thuyền đi qua, chạy từ trước nhà anh tới bức tường quanh vườn. Anh mừng khi vứt được cái máy đánh chữ, dù anh vẫn chưa sẵn sàng để bỏ nó cho tới lúc này. Trong vô thức, anh biết mình sẽ viết di chúc hoặc một thứ gì đó vô cùng quan trọng với nó và đó cũng là lý do anh đã giữ nó lại.
Tom theo dõi báo Ý và ấn bản Paris của tờ Herald-Tribune về vụ án của Miles và Greenleaf với vẻ quan tâm lo lắng phù hợp với tư cách một người bạn của cả Dickie lẫn Freddie. Đến cuối tháng Ba, các tờ báo bắt đầu đồn đoán rằng Dickie có thể đã chết, bị giết bởi chính người hoặc những người được hưởng lợi khi giả mạo chữ ký của anh ta. Một tờ báo Rome viết rằng một người ở Naples tuyên bố chữ ký trên bức thư gửi từ Palermo xác nhận mình không bị lừa cũng là giả mạo. Tuy nhiên, những tờ báo khác không tán thành. Một người nào đó trong lực lượng cảnh sát, không phải ông Roverini, nghĩ rằng tên du côn hay lũ du côn đó có quan hệ mật thiết với Greenleaf đến mức có thể tiếp cận bức thư từ ngân hàng và còn cả gan tự hồi âm bức thư đó. “Bí ẩn,” trích lời viên sĩ quan, “không chỉ là tìm ra gã giả mạo mà còn cả cách hắn tiếp cận được bức thư, vì người đưa thư của khách sạn vẫn nhớ đã trao tận tay bức thư của ngân hàng cho Greenleaf. Người này cũng nhớ là Greenleaf luôn luôn chỉ có một mình ở Palermo…”
Ngày càng nhiều người tiệm cận chân tướng nhưng không bao giờ chạm được vào nó. Mặc dù vậy Tom vẫn run rẩy mất vài phút sau khi đọc nó. Họ chỉ cần tiến thêm một bước nữa mà thôi, liệu có ai đó sẽ khám phá ra sự thật ngay hôm nay, ngày mai, hoặc ngày kia không? Hay họ đã biết câu trả lời rồi và chỉ đang cố làm anh mất cảnh giác – cứ vài ngày sĩ quan Roverini lại gửi tin nhắn riêng cho anh để cập nhật những gì đang diễn ra trong cuộc tìm kiếm Dickie – liệu họ có sớm vồ lấy anh một ngày nào đó với mọi bằng chứng mà họ cần không?
Điều đó khiến Tom có cảm giác mình đang bị theo dõi, đặc biệt là khi anh đi bộ trên con đường dài, chật hẹp dẫn tới cửa nhà mình. Hẻm San Spiridione chẳng qua chỉ là một đường xẻ tiện lợi giữa các bức tường cao vút, không có lấy một cửa hàng trên đường, ánh sáng chỉ vừa đủ để anh nhận ra mình đang đi đâu, chẳng có gì ngoài các mặt tiền còn nguyên vẹn và những cánh cửa cao được khóa kín, giống như mọi cổng nhà Ý khác, có tường bao quanh. Không có chỗ nào để chạy trốn nếu chẳng may bị tấn công, cũng không có cửa nhà nào để nép vào. Tom không biết ai sẽ tấn công mình nếu thực sự chuyện đó xảy ra. Anh không nghĩ nhất thiết phải là cảnh sát. Anh sợ những thứ vô hình, vô dạng đang săn đuổi tâm trí mình như những nữ thần báo thù. Anh chỉ có thể thoải mái đi trên San Spiridione sau khi đã uống vài ly cocktail để xóa sạch nỗi sợ. Rồi anh huýt sáo và bước loạng choạng về nhà.
Anh có thể tùy ý chọn tiệc cocktail mình muốn, dù trong hai tuần đầu tiên ở căn nhà này, anh chỉ mới tới dự hai chỗ. Anh có thể tùy ý chọn người tiệc tùng vì một tai nạn nhỏ xảy ra trong ngày đầu tiên anh bắt đầu tìm nhà. Một đại lý môi giới, được trang bị ba cái chìa khóa khổng lồ, đã đưa anh tới xem một căn nhà ở xứ đạo San Stefano, vì nghĩ rằng nó còn trống. Thực tế ở đó không chỉ có người mà người ta còn đang tổ chức tiệc cocktail và nữ chủ nhà đã quả quyết bắt Tom và người môi giới cũng phải uống vài ly để đền bù cho sự bất tiện mà họ phải chịu cũng như thói đểnh đoảng của cô ta. Cô ta đã rao cho thuê nhà cách đây khoảng một tháng, rồi đổi ý về quyết định rời đi và quên không báo cho đại lý môi giới. Tom ở lại qua một chầu, ra vẻ lịch lãm nhưng xa cách, gặp gỡ toàn bộ khách khứa của cô ta, mà anh đoán phần lớn bọn họ đã trú ngụ ở Venice suốt mùa đông, đang khao khát một điều gì đó mới mẻ, xét qua cái cách họ đón chào anh và đề nghị giúp anh tìm nhà. Tất nhiên, họ nhận ra tên anh và việc anh quen Dickie Greenleaf nâng giá trị giao thiệp của anh lên một mức độ khiến chính Tom cũng ngạc nhiên. Rõ ràng là họ sắp mời anh tới mọi nơi, tra hỏi anh và moi sạch mọi chi tiết nhỏ nhặt nhất từ anh để thêm gia vị cho cuộc sống tẻ nhạt của họ. Tom cư xử một cách dè dặt nhưng thân thiện, phù hợp với một người ở địa vị của anh – một thanh niên mẫn cảm, không quen với chỗ đông người phù phiếm, với cảm xúc hàng đầu về Dickie là lo lắng không biết chuyện gì đã xảy ra với bạn mình.
Anh rời bữa tiệc đầu tiên với địa chỉ của ba ngôi nhà khác mà anh có thể tới xem (một trong số đó chính là căn anh đã lấy) cùng lời mời tới hai bữa tiệc khác. Anh tới dự bữa tiệc mà chủ tiệc có tước vị, nữ Bá tước Roberta (Titi) xứ Latta-Cacciaguerra. Anh hoàn toàn không có tâm trạng để tham dự tiệc tùng. Dường như anh nhìn mọi người qua một lớp sương mù, việc giao tiếp thật chậm chạp và khó khăn. Anh thường hỏi người ta nhắc lại điều họ vừa nói. Anh thấy chán ngán khủng khiếp. Nhưng anh vẫn có thể dùng họ để luyện tập, anh nghĩ. Những câu hỏi ngây thơ mà họ hỏi anh (“Dickie có uống nhiều rượu không?” hay “Anh ấy yêu Marge phải không?” và “Anh nghĩ thật sự thì anh ấy đã đi đâu?”) là những bài tập tốt để đối phó với những câu hỏi chi tiết hơn từ ông Greenleaf, nếu có ngày ông tới gặp anh. Tom bắt đầu thấy bứt rứt khoảng mười ngày sau bức thư của Marge, vì ông Greenleaf không hề viết thư hay gọi điện cho anh từ Rome. Trong một vài khoảnh khắc khiếp sợ, Tom tưởng tượng cảnh sát đã báo cho ông biết rằng họ đang chơi đùa với Tom Ripley và đề nghị ông đừng nói chuyện với anh.
Hàng ngày anh đều hăm hở tìm trong thùng thư xem có thư của Marge hay ông Greenleaf không. Nhà của anh đã sẵn sàng đón họ. Câu trả lời cho các câu hỏi của họ đã ở sẵn trong đầu anh. Cảm giác như đang chờ đợi một màn diễn bắt đầu, chờ rèm được kéo lên, trong vô tận. Hoặc có thể ông Greenleaf vô cùng căm ghét anh (chưa kể đến việc có thể đang nghi ngờ anh) đến mức sẽ lờ tịt anh đi. Có thể Marge đang xúi ông ấy làm vậy. Dẫu sao đi nữa, anh không thể đi du lịch ở đâu cả cho tới khi một chuyện gì đó xảy ra. Tom muốn đi du lịch, chuyến du lịch huy hoàng tới Hy Lạp. Anh đã mua một quyển sách hướng dẫn về Hy Lạp và cũng đã lên lịch trình đi lại giữa các hòn đảo.
Sau đó, vào một buổi sáng ngày mùng 4 tháng 4, anh nhận được cuộc điện thoại từ Marge. Cô ta đang ở Venice, ga tàu.
“Tôi sẽ tới đón cô!” Tom nói một cách hào hứng. “Chú Greenleaf có đi cùng cô không?”
“Không, chú ấy ở Rome. Tôi đi một mình. Anh không phải tới đón tôi đâu. Tôi chỉ có một cái túi du lịch thôi.”
“Vớ vẩn!” Tom nói, khao khát muốn được làm gì đó. “Cô sẽ chẳng bao giờ tự tìm được căn nhà này đâu.”
“Có chứ. Nó nằm cạnh Salute phải không? Tôi sẽ đi xuồng máy tới San Marco, rồi đi thuyền gondola qua.”
Được rồi, cô ta biết rõ đấy. “Nếu cô quả quyết như vậy thì tùy cô đấy.” Anh vừa nghĩ ra là mình nên quan sát khắp căn nhà thật kỹ càng một lần nữa trước khi cô ta tới. “Cô đã ăn trưa chưa?”
“Chưa.”
“Tốt! Chúng ta sẽ cùng ăn trưa ở đâu đó. Cẩn thận khi đi xuống xuồng máy nhé!”
Họ ngắt máy. Anh nghiêm túc và chậm rãi một vòng quanh nhà, vào cả các căn phòng lớn trên gác, xuống dưới tầng một, đi qua phòng khách. Không có gì thuộc về Dickie ở bất kỳ đâu hết. Anh hy vọng căn nhà trông không quá xa hoa. Anh lấy một cái hộp thuốc lá bằng bạc có khắc tên mình, mới mua hai ngày trước, từ bàn tiếp khách để cất lại vào ngăn dưới cùng của một cái tủ kéo trong phòng ăn.
Anna đang ở trong bếp, chuẩn bị bữa trưa.
“Anna, sẽ có thêm một người tới ăn trưa,” Tom nói. “Một cô gái.”
Mặt Anna nở nụ cười trước viễn cảnh có khách. “Một cô gái Mỹ à?”
“Phải. Một người bạn cũ. Khi bữa trưa đã sẵn sàng thì cô và Ugo có thể nghỉ hết chiều. Chúng tôi sẽ tự phục vụ.”
“Được rồi,” Anna đáp.
Anna và Ugo thường đến lúc mười giờ và ở lại tới hai giờ. Tom không muốn họ có mặt khi anh trò chuyện với Marge. Họ hiểu một ít tiếng Anh, không đủ để theo dõi trọn vẹn cuộc nói chuyện, nhưng anh biết cả hai sẽ vểnh tai lên nghe nếu anh và Marge nói về Dickie và điều đó làm anh khó chịu.
Tom pha một ít martini, sắp xếp các ly rượu và đặt một đĩa bánh lên cái khay trong phòng khách. Khi nghe thấy tiếng gõ cửa, anh nhanh chóng ra mở.
“Marge! Thật vui được gặp cô! Mời vào!” Anh lấy vali từ tay cô ta.
“Anh thế nào, Tom? Trời ơi! – Đây là của anh hết ư?” Cô ta nhìn xung quanh, ngẩng lên nhìn trần nhà với mái vòm cao vút.
“Tôi thuê nó đấy. Để sáng tác,” Tom nói một cách khiêm tốn. “Vào uống chút gì đấy đi. Kể cho tôi xem có gì mới không. Cô vẫn liên lạc với cảnh sát ở Rome chứ?” Anh mang áo khoác và áo mưa của cô ta ra một cái ghế.
“Phải và tôi cũng liên lạc với chú Greenleaf nữa. Chú ấy rất buồn – cũng là lẽ tự nhiên.” Cô ta ngồi xuống ghế sô-pha.
Tom ngồi vào cái ghế đối diện. “Thế họ đã tìm được gì mới chưa? Một sĩ quan cảnh sát ở đó vẫn cập nhật thông tin cho tôi nhưng không nói được gì hữu dụng hết.”
“À, họ phát hiện ra Dickie đã đổi hơn một nghìn đô la từ séc du lịch sang tiền mặt trước khi rời Palermo. Ngay trước đó. Nên anh ấy hẳn đã đi đâu đó với số tiền ấy, như Hy Lạp hoặc châu Phi chẳng hạn. Dẫu sao thì anh ấy cũng không thể đi tự tử ngay sau khi đổi một nghìn đô la được.”
“Đúng là không,” Tom đồng tình. “Nghe có vẻ có hy vọng đấy. Tôi không hề đọc được điều đó trên báo.”
“Tôi không nghĩ là họ đã đăng tin đó.”
“Không. Chỉ đăng toàn tin vớ vẩn về những món Dickie hay ăn sáng ở Mongibello thôi,” Tom vừa nói vừa rót martini.
“Vậy mới khủng khiếp làm sao! Bây giờ mọi chuyện đỡ hơn một chút rồi, nhưng khi chú Greenleaf tới đây thì báo chí kinh tởm thật. Ôi, cảm ơn!” Cô ta nhận lấy ly rượu một cách biết ơn.
“Chú ấy thế nào rồi?”
Marge lắc đầu. “Tôi cảm thấy buồn thay cho chú ấy. Chú ấy toàn nói cảnh sát Mỹ giỏi hơn nhiều này nọ và chú ấy cũng không biết tí tiếng Ý nào, nên điều đó khiến mọi chuyện tồi tệ gấp đôi.”
“Chú ấy đang làm gì ở Rome?”
“Chờ đợi. Chúng ta còn có thể làm gì nữa? Tôi lại hoãn chuyến tàu của mình rồi – Chú Greenleaf và tôi đã tới Mongibello và tôi đã hỏi tất cả mọi người ở đó, chủ yếu là giúp chú Greenleaf, tất nhiên, nhưng họ không biết gì hết. Dickie không hề quay lại đó từ hồi tháng Mười một.”
“Không.” Tom trầm ngâm nhấp ly martini của mình. Anh có thể thấy Marge đang lạc quan. Đến tận bây giờ cô ta vẫn giữ vẻ sôi nổi hăng hái khiến Tom nghĩ đến các nữ hướng đạo sinh điển hình, cái vẻ choán rất nhiều không gian, có khả năng làm đổ vỡ thứ gì đó với một chuyển động bất cẩn, vẻ khỏe mạnh và sự lộn xộn mơ hồ. Đột nhiên cô ta khiến anh tức giận ghê gớm, nhưng anh vẫn diễn kịch, đứng dậy và vỗ vào vai cô ta, hôn nhẹ lên má cô ta đầy trìu mến. “Có thể anh ấy đang ngồi ở Tangier hoặc đâu đó, sống cuộc đời của Riley và chờ tất cả lắng xuống.”
“Nếu thế thật thì anh ấy đúng là thiếu suy nghĩ!” Marge nói, bật cười.
“Chắc chắn là tôi không có ý làm mọi người hoảng hốt khi nói về trạng thái tuyệt vọng của anh ấy. Tôi chỉ cảm thấy mình có trách nhiệm báo lại cho cô và chú Greenleaf biết thôi.”
“Tôi hiểu. Không, tôi nghĩ việc anh kể cho bọn tôi là đúng. Tôi chỉ không nghĩ đó là sự thật.” Cô ta cười rạng rỡ, đôi mắt sáng lên vẻ lạc quan mà Tom thấy hoàn toàn điên rồ.
Anh bắt đầu hỏi cô ta những câu hỏi thực tế, lý trí về ý kiến của cảnh sát Rome, về những đầu mối mà họ có (họ không nắm được gì đáng kể) và những gì cô ta nghe ngóng được về vụ Miles. Vụ Miles cũng chẳng có tin gì mới nhưng Marge biết về việc có người nhìn thấy Freddie và Dickie trước cửa nhà Dickie vào tầm tám giờ tối hôm đó. Cô ta nghĩ câu chuyện đã bị phóng đại.
“Có thể Freddie đã say, hoặc có thể Dickie chỉ đang đỡ lấy anh ta. Ai mà biết được chuyện gì xảy ra trong bóng tối chứ? Đừng có vội nói là Dickie đã giết anh ta!”
“Họ có manh mối cụ thể nào để tin Dickie đã giết anh ta chưa?”
“Tất nhiên là chưa!”
“Vậy thì sao mấy người đó không tập trung tìm ra kẻ đã thật sự giết anh ta đi? Và Dickie ở đâu nữa?”
“Ecco!” Marge nói một cách mạnh mẽ. “Dẫu sao đi nữa, giờ cảnh sát chắc chắn là Dickie ít nhất đã di chuyển từ Palermo tới Naples. Một người phục vụ trên tàu nhớ đã mang hành lý từ buồng của anh ấy xuống bến Naples.”
“Thật sao?” Tom nói. Anh cũng nhớ người phục vụ đó, một gã vụng về đã đánh rơi chiếc vali bằng vải dù của anh khi cố kẹp nó dưới cánh tay. “Không phải Freddie đã bị giết vài tiếng sau khi rời khỏi nhà của Dickie sao?” Tom đột nhiên hỏi.
“Không. Các bác sĩ không xác định được. Và có vẻ Dickie cũng không có bằng chứng ngoại phạm, tất nhiên, vì anh ấy rõ ràng chỉ ở một mình. Đúng là đen đủi cho Dickie.”
“Họ không thật sự tin là Dickie đã giết Freddie chứ?” “Họ không nói thế. Nhưng nó cứ lơ lửng ở trong không khí vậy đó. Theo lẽ tự nhiên, họ không thể đưa ra những kết luận bừa bãi về một công dân Mỹ, nhưng chừng nào họ còn chưa có nghi phạm nào khác và Dickie còn biến mất – Mà cả bà chủ nhà ở Rome của anh ấy cũng nói là Freddie đã xuống hỏi bà ta xem ai đang sống trong căn hộ của Dickie hay điều gì đó tương tự thế. Bà ta nói trông Freddie rất giận dữ, như thể họ vừa cãi cọ. Bà ta còn nói anh ta đã hỏi có phải Dickie sống một mình không.”
Tom cau mày. “Tôi không hiểu là vì sao?”
“Tôi cũng không hiểu nổi. Tiếng Ý của Freddie không giỏi cho lắm nên có thể bà chủ nhà đã hiểu sai. Dẫu sao đi nữa, chỉ nội việc Freddie giận dữ về điều gì đó cũng không có lợi cho Dickie rồi.”
Tom nhướn lông mày lên. “Tôi thì nghĩ điều đó bất lợi với Freddie. Có thể Dickie hoàn toàn không tức giận.” Anh cảm thấy hoàn toàn bình tĩnh, vì anh có thể thấy rõ là Marge chưa đánh hơi được gì hết. “Tôi sẽ không lo lắng về điều đó trừ phi có bằng chứng xác thực từ nó. Đối với tôi thì nó vô nghĩa.” Anh rót thêm rượu cho cô ta. “Nói đến châu Phi, họ đã tìm kiếm quanh Tangier chưa? Dickie hay nói về việc tới Tangier lắm.”
“Tôi nghĩ họ đã báo động cho cảnh sát khắp nơi rồi. Đáng ra họ nên mời cảnh sát Pháp tới đây. Người Pháp siêu giỏi trong những chuyện như thế này. Nhưng tất nhiên là họ không thể làm vậy. Đây là nước Ý mà,” cô ta nói, giọng lần đầu thấy run rẩy.
“Chúng ta ăn trưa ở đây nhé?” Tom hỏi. “Cô giúp việc làm việc qua giờ ăn trưa và chúng ta nên tận dụng điều đó.” Anh nói đúng lúc Anna bước vào phòng, thông báo bữa trưa đã sẵn sàng.
“Tuyệt vời!” Marge nói. “Đằng nào thì trời cũng đang mưa phùn.”
“Bữa ăn đã sẵn sàng, thưa ông,” Anna mỉm cười nói, nhìn Marge chằm chằm.
Tom thấy là Anna đã nhận ra cô ta qua các bức ảnh trên báo. “Cô và Ugo có thể đi bây giờ nếu muốn, Anna. Cảm ơn.”
Anna quay vào bếp – có một cánh cửa từ bếp dẫn ra một con hẻm nhỏ ở phía hông nhà mà các người hầu vẫn sử dụng – nhưng Tom nghe thấy cô ta lọ mọ với máy pha cà phê, chắc là đang trì hoãn để hóng hớt thêm.
“Và Ugo?” Marge nói. “Tận hai người giúp việc cơ à?” “À, ở đây họ toàn đi theo cặp thôi. Cô có thể không tin, nhưng tôi thuê chỗ này chỉ với năm mươi đô một tháng, chưa tính tiền sưởi.”
“Tôi không tin đâu! Thế thì nó ngang với giá ở Mongibello rồi còn gì!”
“Đúng thế. Tất nhiên, lò sưởi xịn lắm, nhưng bình thường tôi sẽ không sưởi ấm bất kỳ phòng nào trừ phòng ngủ của tôi.”
“Ở đây thoải mái thật đấy.”
“À, hôm nay tôi bật toàn bộ lò sưởi là vì cô đấy,” Tom nói, mỉm cười.
“Chuyện gì đã xảy ra vậy? Một người cô của anh mất và để lại cả gia tài cho anh à?” Marge hỏi, vẫn đang giả vờ choáng váng.
“Không, chỉ là một quyết định của tôi thôi. Tôi sẽ tận hưởng những gì mình có đến chừng nào hay chừng ấy. Tôi đã kể với cô là công việc tôi theo đuổi ở Rome không đi đến đâu rồi đấy và tôi ở trên đất châu Âu này mà chỉ có khoảng hai nghìn đô trong túi, nên tôi đã quyết định tận hưởng tới bến rồi về nhà – rỗng túi – và bắt đầu lại từ đầu.” Tom đã giải thích với cô ta qua thư là công việc mà anh ứng tuyển là bán máy trợ thính cho một công ty Mỹ ở châu Âu và anh đã không thể đối diện với điều đó, người đã phỏng vấn anh cũng nghĩ anh không phù hợp. Tom cũng kể với cô ta là người đàn ông ấy đã xuất hiện đúng một phút sau khi anh nói chuyện với cô ta, đó là lý do anh không thể giữ đúng hẹn ở Angelo ngày hôm đó ở Rome.
“Nếu cứ sống thế này thì hai nghìn đô la cũng sẽ sớm hết thôi.”
Cô ta đang dò hỏi để xem Dickie có cho anh cái gì không, Tom biết. “Nó sẽ đủ sống tới mùa hè,” Tom nói thản nhiên. “Dẫu sao đi nữa, tôi cảm thấy mình xứng đáng được hưởng. Tôi đã dành phần lớn mùa đông để du lịch khắp nước Ý như dân du mục với số tiền tiêu ít ỏi và tôi thấy thế là đủ lắm rồi.”
“Anh đã ở đâu trong mùa đông cơ?”
“À thì, không ở với Tom. Ý tôi là, không ở với Dickie,” anh cười nói, bối rối vì lỡ mồm. “Tôi biết chắc cô đã nghĩ vậy. Nhưng thực ra số lần tôi gặp Dickie cũng chỉ ngang với cô thôi.”
“Ôi, thôi nào,” Marge dài giọng. Cô ta có vẻ đang ngấm dần rượu rồi.
Tom pha thêm hai đến ba ly maritini nữa vào bình. “Trừ chuyến du lịch tới Cannes và hai ngày ở Rome trong tháng Hai, tôi hoàn toàn không gặp Dickie.” Nó không đúng lắm, vì anh đã viết thư báo với cô ta là “Tom sẽ ở” với Dickie ở Rome vài ngày sau chuyến du lịch tới Cannes, nhưng giờ khi đối mặt với Marge, anh thấy xấu hổ khi cô ta biết, hoặc nghĩ rằng anh dành nhiều thời gian đến vậy với Dickie, nghĩ anh và Dickie đúng như những gì cô ta đã buộc tội Dickie trong thư. Anh cắn môi khi rót rượu cho cả hai, tự ghét bản thân vì sự hèn nhát ấy.
Trong bữa trưa – Tom hối hận rất nhiều khi món chính lại là thịt bò nướng để lạnh, một món ăn đắt đỏ có tiếng trên thị trường Ý – Marge chất vấn anh sắc bén hơn bất kỳ sĩ quan cảnh sát nào về trạng thái tinh thần của Dickie khi anh ở Rome. Tom bị đóng đinh vào mười ngày ở Rome với Dickie sau chuyến du lịch tới Cannes và bị tra hỏi về mọi thứ, từ Di Massimo, người họa sĩ mà Dickie đã làm việc cùng cho tới khẩu vị của Dickie và mấy giờ sáng anh ta thức dậy.
“Anh nghĩ anh ấy cảm thấy thế nào về tôi? Nói thật với tôi đi. Tôi có thể chịu được.”
“Tôi nghĩ anh ấy lo cho cô lắm đấy,” Tom nói một cách thành khẩn. “Tôi nghĩ – à, đó là một trong những tình huống vẫn thường xảy ra, một người đàn ông sợ kết hôn - ”
“Nhưng tôi có bao giờ bắt anh ấy cưới tôi đâu!” Marge phản đối.
“Tôi biết, nhưng -” Tom ép mình tiếp tục, dù anh thấy miệng đắng ngắt. “Cứ cho là Dickie không thể đối diện với trách nhiệm khi cô quá quan tâm tới anh ấy như vậy. Tôi nghĩ anh ấy muốn có một mối quan hệ bình thường hơn với cô.” Điều đó cho cô ta biết tất cả và cũng không có gì cả.
Marge nhìn anh chằm chằm với vẻ lạc lối quen thuộc trong giây lát, rồi lấy lại tinh thần và nói, “Đến giờ thì nó cũng là chuyện đã rồi. Tôi chỉ muốn biết Dickie đã làm gì với bản thân anh ấy thôi.”
Nỗi giận dữ của cô ta với việc anh đã ở bên Dickie suốt mùa đông rõ ràng cũng đã qua, Tom nghĩ, vì ngay từ đầu cô ta đã không muốn tin vào điều đó và giờ cô ta không cần tin nữa. Tom hỏi một cách cẩn trọng, “Anh ấy không tình cờ viết thư cho cô khi ở Palermo à?”
Marge lắc đầu. “Không. Vì sao?”
“Tôi chỉ muốn biết cô nghĩ sao về trạng thái của anh ấy lúc ở đó thôi. Cô có viết thư cho anh ấy không?”
Cô ta ngập ngừng. “Có – dĩ nhiên là có.”
“Thư kiểu gì thế? Tôi chỉ hỏi vì một bức thư không thiện chí có thể ảnh hưởng xấu tới anh ấy vào thời điểm đó.”
“À – khó mà nói được là kiểu thế nào. Một bức thư khá thiện chí. Tôi đã báo với anh ấy là tôi sẽ quay lại Mỹ.” Cô ta mở to mắt nhìn anh.
Tom thích thú quan sát khuôn mặt của cô ta, ngắm nghía một người co rúm lại khi họ nói dối. Đó hẳn là bức thư bẩn thỉu mà cô ta kể đã khai với cảnh sát là anh và Dickie luôn đồng hành với nhau. “Vậy thì tôi không nghĩ là nó quan trọng,” Tom nói với vẻ dịu dàng ngọt ngào và ngồi tựa lưng ra sau.
Họ im lặng trong chốc lát rồi Tom hỏi thăm về quyển sách của cô ta, nhà xuất bản nào và cô ta còn phải viết thêm bao nhiêu nữa. Marge trả lời tất cả một cách nhiệt tình. Tom có cảm giác rằng nếu đến mùa đông tới mà Dickie quay lại với cô ta và cuốn sách của cô ta cũng được xuất bản thì chắc cô ta sẽ nổ tung vì hạnh phúc, phát ra một tiếng bùm ầm ĩ, khó nghe và rồi xong đời.
“Cô có nghĩ là tôi có nên đề nghị nói chuyện với chú Greenleaf không?” Tom hỏi. “Tôi rất vui lòng tới Rome -” Có điều anh cũng sẽ chẳng vui lắm, đơn giản vì anh nhớ ra là ở Rome có quá nhiều người đã từng thấy anh dưới vai Dickie Greenleaf. “Hay cô nghĩ chú ấy muốn tới đây hơn? Tôi có thể đề nghị chú ấy. Chú ấy đang ở đâu tại Rome vậy?”
“Chú ấy đang ở cùng người bạn Mỹ nào đó có một căn hộ rộng rãi. Một người tên là Northup ở đường Quattro Novembre. Tôi nghĩ nếu anh gọi cho chú ấy thì tốt quá, tôi sẽ viết địa chỉ ra cho anh.”
“Ý kiến hay đấy. Chú ấy không thích tôi phải không?” Marge khẽ cười. “Thẳng thắn mà nói thì không. Tôi nghĩ chú ấy có hơi khắt khe với anh. Chắc chú ấy nghĩ anh ăn bám Dickie.”
“Không có chuyện đó. Tôi rất tiếc vì ý tưởng tôi đưa Dickie về nhà không đi đến đâu, nhưng tôi đã giải thích cả rồi. Tôi đã viết bức thư tử tế nhất có thể về Dickie khi nghe nói anh ấy mất tích. Điều đó không giúp ích gì sao?”
“Tôi nghĩ là có, nhưng - Ôi, tôi rất tiếc, Tom! Đổ hết ra cái khăn trải bàn tuyệt đẹp này rồi!” Marge đã gạt đổ ly martini của cô ta. Cô ta vụng về dùng khăn ăn chấm chấm tấm khăn trải bàn bằng len móc.
Tom chạy vào bếp lấy một cái khăn ướt ra. “Hoàn toàn không có vấn đề gì đâu,” anh nói, nhìn mặt bàn gỗ trắng bệch ra bất chấp anh đang lau lấy lau để. Anh chẳng quan tâm đến khăn trải bàn mà chỉ lo cho chiếc bàn đẹp đẽ thôi.
“Tôi vô cùng xin lỗi,” Marge vẫn tiếp tục rên rỉ.
Tom ghét cô ta. Đột nhiên anh nhớ lại cảnh áo lót của cô ta treo trên bục cửa sổ ở Mongibello. Đồ lót của cô ta sẽ vắt lên mấy cái ghế của anh tối nay, nếu anh mời cô ta ở lại đây. Ý nghĩ đấy khiến anh ghê tởm. Anh mỉm cười với cô ta ở bên kia bàn. “Tôi hy vọng cô sẽ cho tôi vinh dự bằng cách nghỉ lại ở đây đêm nay. Không phải trên giường của tôi,” anh nói thêm, cười, “nhưng tôi có hai phòng trên gác và cô có thể chọn một trong hai tùy thích.”
“Cảm ơn nhiều. Được rồi, tôi sẽ ở lại.” Cô ta mỉm cười với anh.
Tom đưa cô ta vào phòng anh – cái giường trong căn phòng còn lại chỉ là một cái tràng kỷ quá khổ và không thoải mái bằng cái giường đôi của anh – và Marge đóng cửa lại để nghỉ trưa sau bữa ăn. Tom đi lang thang không ngừng nghỉ khắp căn nhà, tự hỏi liệu có còn gì trong phòng anh mà anh chưa cất đi không. Hộ chiếu của Dickie nằm trong mép vali trong tủ đồ của anh. Anh không thể nghĩ ra được cái gì nữa.
Nhưng phụ nữ thường có con mắt sắc sảo lắm, kể cả Marge đi nữa, Tom nghĩ. Cô ta có thể rình mò khắp nơi. Cuối cùng anh vào phòng trong khi cô ta vẫn đang ngủ và lấy vali ra khỏi tủ áo. Sàn nhà kêu cót két và mắt Marge hấp háy mở ra.
“Chỉ muốn lấy một thứ ra khỏi đây thôi,” Tom thì thào. “Xin lỗi.” Anh tiếp tục nhón chân đi ra ngoài. Chắc Marge sẽ không nhớ gì hết vì cô ta chưa tỉnh hẳn, anh nghĩ.
Sau giờ nghỉ trưa, anh dẫn Marge đi quanh nhà, khoe với cô ta cái giá đựng toàn sách bọc bìa da trong căn phòng cạnh phòng ngủ của anh, những cuốn sách mà anh nói là có sẵn trong nhà, dù chúng là của anh, được mua ở Rome, Palermo và Venice. Anh nhận ra là mình có khoảng mười cuốn ở Rome, một trong số hai cảnh sát trẻ đi cùng Roverini đã dí sát vào chúng, rõ ràng đang đọc các tiêu đề. Nhưng thật sự thì nó chẳng phải vấn đề đáng quan tâm, cho dù chính viên cảnh sát đó quay lại đây đi nữa. Anh dẫn Marge ra cửa trước có các bậc thang bằng đá rộng rãi. Thủy triều vẫn còn thấp và giờ có bốn bậc thang lộ ra, hai bậc dưới phủ kín rêu ẩm ướt. Rêu trơn tuột, dài, phủ trên mép thang như một búi tóc màu xanh lục rối bời. Tom thấy chúng thật ghê tởm, trong khi Marge lại nghĩ chúng thật lãng mạn. Cô ta cúi xuống nhìn chúng, nhìn chằm chằm vào mặt nước sâu thăm thẳm của kênh đào. Tom cảm thấy thôi thúc muốn đẩy cô ta xuống.
“Tối nay chúng ta có thể dùng thuyền gondola đi vào nhà qua lối này không?” Cô ta hỏi.
“Chắc chắn rồi.” Tất nhiên là họ sẽ ra ngoài ăn tối. Tom ghét buổi tối Ý dài dằng dặc trước mặt, vì họ sẽ không dùng bữa cho tới mười giờ, sau đó chắc cô ta sẽ muốn ngồi ở San Marco nhâm nhi espresso cho tới hai giờ sáng.
Tom nhìn lên bầu trời Venice mù sương, không một tia nắng, nhìn một con mòng biển sà xuống chỗ thềm cửa nhà ai đó ở bên kia kênh đào. Anh đang suy nghĩ xem nên gọi điện cho người bạn Venice mới quen nào để hỏi xem có thể đưa Marge tới uống rượu lúc năm giờ được không, họ hẳn sẽ rất vui được gặp cô. Anh quyết định chọn anh chàng người Anh Peter Smith-Kingsley. Peter có một con chó Afghan, một cái đàn piano và một quầy bar đầy đủ. Tom nghĩ Peter là nhất vì anh ta chẳng bao giờ muốn ai ra về hết. Họ có thể ở đó cho tới giờ ăn tối.