Tom hy vọng Marge đã quên lời mời tới dự bữa tiệc cocktail của gã buôn đồ cổ ở Danieli, nhưng không.
Tầm bốn giờ, ông Greenleaf về khách sạn nghỉ ngơi, ngay khi ông vừa rời đi Marge đã nhắc Tom về bữa tiệc lúc năm giờ.
“Cô thật sự muốn đi à?” Tom hỏi. “Tôi thậm chí còn chẳng nhớ nổi tên hắn ta.”
“Maloof. M-a-l-o-o-f,” Marge nói. “Tôi muốn đi lắm. Chúng ta không cần ở lại lâu đâu.”
Thế đấy. Điều Tom ghét là cảnh tượng mà họ tự đưa mình vào. Không chỉ một mà tận hai nhân chứng quan trọng trong vụ án Greenleaf, xuất hiện nổi bật ở nơi công cộng, như cặp nghệ sĩ nhào lộn được ánh đèn rạp xiếc chiếu vào. Anh cảm thấy – anh biết – họ chẳng là gì ngoài hai cái tên mà gã Maloof đó vớ được, các vị khách danh dự đã đến tham gia, vì chắc chắn hôm nay Maloof sẽ báo với tất cả mọi người là
Marge Sherwood và Tom Ripley sẽ dự tiệc của hắn. Tom thấy thế thật không lịch sự. Và Marge cũng chẳng thể bao biện cho trạng thái choáng váng của mình chỉ đơn giản bằng cách nói cô ta chẳng lo lắng gì về việc Dickie đang mất tích. Tom thậm chí còn cho rằng Marge nốc martini vì chúng miễn phí, như thể cô ta vẫn uống chưa đủ ở nhà anh hay anh sẽ không mua thêm cho cô ta khi họ gặp ông Greenleaf để ăn tối.
Tom chậm rãi nhấp một cốc rượu và cố gắng tránh xa Marge. Anh là bạn của Dickie Greenleaf, khi ai đó bắt đầu một cuộc tán gẫu bằng cách hỏi xem có đúng vậy không, nhưng anh chỉ biết sơ về Marge.
“Cô Sherwood đây là khách của tôi,” anh nói với nụ cười bối rối.
“Ông Greenleaf đâu? Sao anh không đưa ông ta đến đây chứ,” Maloof nói, đi lại khép nép như một con voi cầm ly cocktail Manhattan khổng lồ. Gã mặc bộ vét caro may bằng vải tweed sặc sỡ của Anh, Tom nghĩ đó là loại họa tiết mà người Anh miễn cưỡng làm cho những gã người Mỹ như Rudy Maloof.
“Tôi nghĩ chú Greenleaf đang nghỉ ngơi,” Tom nói. “Lát nữa chúng tôi sẽ đi ăn tối với chú ấy.”
“À, anh đã đọc báo tối nay chưa?” Maloof nói một cách lịch sự, khuôn mặt trang nghiêm kính cẩn.
“Tôi đọc rồi,” Tom đáp.
Maloof gật đầu mà không nói gì thêm. Tom tự hỏi anh sẽ phải kể lại câu chuyện tầm phào nào nếu nói mình chưa đọc báo. Tờ báo tối hôm nay viết rằng ông Greenleaf đã đến Venice và đang ở cung điện Gritti. Nó không đề cập tới việc một thám tử tư từ Mỹ sẽ tới Rome ngày hôm nay và cũng hoàn toàn không nhắc tới việc có một người sẽ đến, khiến Tom phải nghi vấn những gì ông Greenleaf nói về tay thám tử tư ấy. Nó giống như một câu chuyện do người khác kể, hoặc do nỗi sợ hãi tưởng tượng của anh bịa ra mà chẳng dựa trên một sự kiện có thực nào và vài tuần sau, anh mới thấy xấu hổ vì đã từng tin vào nó. Giống như chuyện Marge và Dickie có quan hệ tình cảm ở Mongibello vậy, thậm chí họ còn chẳng sắp sửa phát sinh chuyện gì hết. Hay chuyện giấy tờ giả hồi tháng Hai sẽ hủy diệt và lật mặt anh nếu anh tiếp tục đóng vai Dickie Greenleaf. Thật ra thì vụ giả mạo giấy tờ đã chấm dứt. Tin tức mới nhất anh nhận được là bảy trong số mười chuyên gia ở Mỹ tuyên bố là họ không tin tờ séc bị giả mạo. Anh có thể ký thêm giấy nhận tiền từ ngân hàng Mỹ và đóng giả Dickie Greenleaf đến cuối đời, nếu anh không để nỗi sợ hãi vô cớ điều khiển mình. Tom bạnh quai hàm. Anh vẫn dành một phần não bộ chú ý lắng nghe Maloof nói, gã đang cố ra chiều thông minh và nghiêm túc bằng cách mô tả cuộc thám hiểm đảo Murano và Burano của gã sáng nay. Tom lại bạnh quai hàm, cau mày, lắng nghe, nhưng mải miết tập trung vào cuộc đời của mình. Có lẽ anh nên tin câu chuyện có một gã thám tử tư sắp tới của ông Greenleaf cho tới khi nó bị bác bỏ, nhưng không nên vì nó mà hoảng hốt và sợ hãi để rồi manh động.
Tom lơ đễnh trả lời chuyện gì đó mà Maloof vừa nói và anh ta cười hân hoan một cách ngớ ngẩn rồi bước đi. Tom theo dõi tấm lưng rộng của anh ta một cách khinh bỉ, nhận ra anh đã cư xử thật thô lỗ, vẫn đang thô lỗ, anh nên trấn tĩnh lại, vì cư xử lịch thiệp cả với những gã buôn đồ cổ hạng hai, buôn đồ lạ và buôn gạt tàn thuốc này – Tom đã từng thấy một số mẫu hàng của họ trải ra trên giường trong căn phòng mà họ cất áo khoác – là một phần công việc đóng vai quý ông lịch lãm. Nhưng họ gợi nhớ quá nhiều tới những người mà anh đã chào tạm biệt ở New York, đó là lý do họ làm cả người anh ngứa ngáy và muốn bỏ trốn.
Sau cùng thì Marge mới là lý do anh ở đây, lý do duy nhất. Anh oán trách cô ta. Tom nhấp một ngụm martini, nhìn lên trần nhà và nghĩ thầm chỉ vài tháng nữa thôi là tinh thần của anh, sự kiên nhẫn của anh có thể chịu đựng được cả mấy gã như thế này, nếu có ngày còn phải ở cùng họ. Ít nhất anh đã cải thiện nhiều từ khi rời New York và anh sẽ còn cải thiện nữa. Anh nhìn chằm chằm lên trần nhà và nghĩ đến cảnh dong thuyền tới Hy Lạp, qua biển Adriatic từ Venice, vào biển Ionia tới Crete. Anh sẽ làm điều đó vào mùa hè này. Tháng Sáu. Tháng Sáu. Từ đó mới ngọt ngào, êm ái làm sao, trong veo, biếng nhác, tràn ngập ánh nắng! Nhưng trạng thái mơ màng của anh chỉ kéo dài được vài giây. Các giọng nói ồn ào, chói tai của người Mỹ lại xộc thẳng vào tai anh, như những móng vuốt bấu chặt xuống vai và lưng anh. Anh miễn cưỡng đi từ nơi đang đứng tới chỗ Marge. Chỉ còn hai người phụ nữ khác trong căn phòng này, hai người vợ khủng khiếp của một cặp doanh nhân khủng khiếp và Marge, anh phải thừa nhận, là trông xinh xắn hơn họ, nhưng giọng cô ta thì chán hơn, cũng giống như họ nhưng chán hơn nhiều, anh nghĩ thầm.
Anh đã chực mở mồm yêu cầu ra về, nhưng vì một người đàn ông mà lại yêu cầu ra về trước là chuyện không thể tưởng tượng được, anh lại không nói gì nữa, chỉ nhập hội với Marge và mỉm cười. Có người rót đầy cốc cho anh. Marge đang kể lể về Mongibello, về quyển sách của mình và ba người đàn ông mặt đê tiện, đầu trọc lốc chỉ trừ nhúm tóc bạc ở thái dương, có vẻ mê mẩn cô ta.
Vài phút sau khi Marge tự đề nghị ra về, họ đã trải qua một đoạn thời gian kinh khiếp mới xua đuổi được Maloof và bè lũ của gã, những kẻ đã ngà ngà say và khăng khăng ép họ ở lại cùng ăn tối, mời cả ông Greenleaf nữa.
“Venice dành cho mục đích đó – vui vẻ!” Maloof liên tục lặp lại câu nói đó một cách ngớ ngẩn, nhân cơ hội đó để vòng tay qua người Marge, vần vò cô ta một chút khi cố nài cô ta ở lại và Tom thầm nghĩ may là anh chưa ăn, không thì chắc sẽ nôn hết ra đây ngay lập tức mất. “Số của ông Greenleaf là bao nhiêu? Gọi cho ông ấy nhé!” Maloof len lỏi tới chỗ điện thoại.
“Tôi nghĩ chúng ta nên chuồn ra khỏi đây thôi!” Tom dứt khoát nói vào tai Marge. Anh nắm chặt lấy khuỷu tay của cô ta và hướng cô ta ra cửa, cả hai cùng gật đầu lia lịa và cười chào tạm biệt trên đường ra.
“Có vấn đề gì cơ chứ?” Marge hỏi khi họ ra hành lang.
“Không có gì. Tôi chỉ nghĩ là bữa tiệc này bắt đầu mất kiểm soát rồi,” Tom nói, cố mỉm cười để khiến mọi chuyện nhẹ nhàng hơn. Marge có phần lâng lâng nhưng không quá say để không nhận ra anh có vấn đề gì đó. Anh đang đổ mồ hôi hột. Nó sáng bóng trên trán anh và anh quệt nó đi. “Những người như thế làm tâm trạng tôi đi xuống,” anh nói, “lúc nào cũng nói về Dickie, chúng ta thậm chí còn chẳng quen biết họ và tôi cũng không muốn quen. Họ khiến tôi phát ốm.”
“Buồn cười thật. Không một ai nói với tôi về Dickie hay thậm chí là nhắc đến tên anh ấy. Tôi nghĩ hôm nay còn đỡ hơn hôm qua ở nhà Peter nhiều.”
Tom ngẩng cao đầu khi bước đi và không nói gì. Đó là những người ở tầng lớp mà anh chán ghét và sao phải giải thích với Marge, khi cô ta cũng ở tầng lớp ấy?
Họ gọi ông Greenleaf ở khách sạn của ông. Vẫn còn quá sớm để ăn tối nên họ ăn nhẹ ở một quán cà phê trên một con phố gần Gritti. Tom cố gắng bù đắp cho trạng thái giận dữ ở bữa tiệc bằng cách tỏ ra hài hước và nói liên mồm suốt bữa tối. Ông Greenleaf cũng giữ tâm trạng vui vẻ vì vừa gọi điện cho vợ mình và thấy bà đang có tinh thần rất tốt, đã khỏe hơn nhiều. Ông Greenleaf kể bác sĩ của bà đã thử một liệu trình tiêm mới trong vòng mười ngày qua và có vẻ bà phản ứng tốt với liệu trình này hơn hẳn những gì họ đã từng thử trước đây.
Bữa tối khá yên tĩnh. Tom kể một chuyện đùa có phần hài hước, không quá trớn, vậy mà Marge vẫn cười như nắc nẻ. Ông Greenleaf khăng khăng đòi trả tiền bữa tối, rồi nói ông sẽ về khách sạn vì cảm thấy không khỏe lắm. Từ việc ông cẩn thận chọn món mỳ và không ăn salad, Tom nghĩ có thể ông đang bị bệnh ngã nước và muốn gợi ý cho ông một phương thuốc tuyệt vời có thể mua được ở mọi tiệm dược phẩm, nhưng ông Greenleaf không phải là mẫu người mà người ta có thể thoải mái nói một chuyện như vậy, dù họ có ở riêng với nhau đi nữa.
Ông Greenleaf báo là ngày mai ông sẽ về Rome và Tom hứa sẽ gọi cho ông vào khoảng chín giờ sáng mai để xem ông quyết định đi chuyến tàu nào. Marge sẽ quay lại Rome với ông Greenleaf và với cô ta thì chuyến nào cũng được. Họ đi bộ về Gritti – ông Greenleaf vẫn giữ vẻ mặt nghiêm trọng đúng kiểu nhà tư bản công nghiệp dưới chiếc mũ mềm màu xám, trông như một người đi bộ trên Đại lộ Madison qua những con hẻm hẹp, ngoằn nghèo – và họ chào tạm biệt nhau.
“Cháu rất tiếc vì không thể dành nhiều thời gian hơn bên cạnh chú,” Tom nói.
“Tôi cũng vậy, con trai. Có lẽ để lúc khác.” Ông Greenleaf vỗ vai anh.
Tom đi bộ về nhà cùng Marge với tâm trạng khá thoải mái. Tất cả đều diễn biến hết sức tốt đẹp, Tom nghĩ. Marge tám nhảm với anh trong lúc đi bộ, cười khúc khích vì đã làm tuột một bên quai áo lót và phải lấy một tay giữ nó, cô ta kể. Tom đang nghĩ đến bức thư mà anh nhận được từ Bob Delancey chiều nay, tin tức đầu tiên anh nhận từ anh ta, trừ một tấm bưu thiếp từ rất lâu trước đó, trong đó kể rằng cảnh sát đã thẩm vấn tất cả mọi người trong nhà Bob về một vụ lừa đảo thuế thu nhập cá nhân cách đây vài tháng. Có vẻ gã lừa đảo đã dùng địa chỉ nhà anh ta để nhận séc và lấy lại các tấm séc một cách đơn giản bằng cách lấy thư ra khỏi mép thùng nơi người đưa thư đút chúng vào. Người đưa thư cũng bị thẩm vấn, theo lời Bob và nhớ ra cái tên George McAlpin trên các bức thư. Có vẻ Bob thấy chuyện đó khá buồn cười. Anh ta miêu tả lại phản ứng của vài người trong căn nhà đó khi họ bị cảnh sát thẩm vấn. Bí ẩn ở đây là ai nhận các bức thư được gửi cho George McAlpin? Anh thấy được trấn an. Vụ thuế thu nhập đó đã treo lơ lửng trên đầu anh một cách mơ hồ, vì anh luôn biết một lúc nào đó sẽ bị điều tra. Anh mừng vì nó đã đi tới nước này và dừng lại. Anh không nghĩ ra nổi cách nào để cảnh sát có thể liên hệ Tom Ripley với George McAlpin. Bên cạnh đó, như Bob đã nói, gã lừa đảo thậm chí còn không thèm thử đổi các tấm séc sang tiền mặt.
Anh ngồi trong phòng khách để đọc lại thư của Bob khi về đến nhà. Marge đã lên trên tầng đóng gói đồ đạc và ngủ một giấc. Tom cũng mệt mỏi, nhưng cảm giác mong đợi đến ngày mai tự do, khi cả Marge và ông Greenleaf đều đã đi, dễ chịu đến mức anh không ngại thức trắng đêm. Anh cởi giày ra để gác chân lên ghế sô-pha, nằm dựa vào gối và tiếp tục đọc thư của Bob. “Cảnh sát nghi ngờ có một kẻ sống ở ngoài thỉnh thoảng ghé qua nhận thư, vì đám ngu ngốc sống trong căn nhà này không có đứa nào trông giống tội phạm hết…” Thật lạ khi đọc về những người anh quen ở New York, Ed và Lorraine, cô nàng não nhỏ đã cố đi lậu vé trong buồng của anh ngày anh khởi hành từ New York. Lạ lẫm nhưng không có gì hấp dẫn. Cuộc sống của họ thật ảm đạm, lê la khắp New York, ra vào các con tàu điện ngầm, ngồi trong một quán rượu dơ dáy trên Đại lộ Số Ba để giải trí, xem ti-vi. Dù thậm chí một ngày nào đó họ có đủ tiền tới một quán rượu trên Đại lộ Madison hay một nhà hàng sang chảnh nào đó, thì nó vẫn thật vô vị khi so sánh với nhà hàng Ý tệ nhất Venice với những dãy bàn đầy salad tươi ngon, các khay phô mai hảo hạng, những người bồi bàn thân thiện mang đến những ly rượu vang tuyệt vời nhất trên thế giới! “Chắc chắn là tôi cũng ghen tị với anh khi được ngồi ở Venice trong một cung điện cũ!” Bob viết. “Anh có hay đi thuyền gondola không? Bọn con gái ở đó thế nào? Anh bây giờ có văn hóa rồi nên sẽ không nói chuyện với ai trong số chúng tôi khi quay lại đây đúng không? Mà anh định sẽ ở đó bao lâu?”
Cả đời, Tom nghĩ. Có lẽ anh sẽ chẳng bao giờ quay lại Mỹ nữa. Chẳng phải do châu Âu mà chủ yếu là do những buổi tối mà anh ở một mình, cả ở đây lẫn ở Rome, khiến anh cảm thấy như vậy. Những tối cô đơn chỉ ngồi nhìn bản đồ, hoặc nằm trên sô-pha lật giở sách hướng dẫn du lịch. Những tối nhìn đống quần áo của anh và Dickie – cảm nhận đôi nhẫn của Dickie trong lòng bàn tay, rê tay trên chiếc vali da hoẵng mà anh đã mua ở Gucci. Anh đã đánh bóng nó với một loại sáp dành cho đồ da đặc biệt của Anh, dù nó cũng chẳng cần được đánh bóng vì anh chăm chút nó quá cẩn thận, chủ yếu là để bảo vệ nó. Anh yêu các món đồ thuộc sở hữu của mình, không dồn đống mà chỉ một số ít có chọn lọc. Chúng mang lại cho người đàn ông cảm giác tự trọng. Không phải sự phô trương mà là sự chất lượng và tình yêu với sự chất lượng. Tài sản khiến anh nhớ rằng mình còn sống, khiến anh tận hưởng sự tồn tại của bản thân. Đơn giản có thế. Điều đó không giá trị sao? Anh đang sống chứ không chỉ vật vờ tồn tại. Không nhiều người trên thế giới này biết cách sống dù họ có tiền đi nữa. Vấn đề không nằm ở việc có nhiều tiền, mà ở cảm giác an toàn nhất định. Anh đã đi trên hành trình tìm tới nó, kể cả với Marc Priminger. Anh đã tán thưởng tài sản của Marc và chính chúng lôi kéo anh tới nhà ông ta, nhưng chúng không phải của anh và bắt đầu mua sắm bất kỳ một món đồ gì đấy cho mình với chỉ bốn mươi đô la một tuần là việc bất khả thi. Anh sẽ phải bỏ ra những năm tháng đẹp nhất cuộc đời, tiêu xài tiết kiệm mới có thể mua được những món đồ mình muốn. Tiền của Dickie chỉ giúp anh tăng tốc trên hành trình mà anh đang đi. Khoản tiền giúp anh nhàn nhã ngắm Hy Lạp, sưu tập đồ gốm Etruria nếu muốn (mới đây anh đã đọc được một quyển sách thú vị về đề tài đó do một người Mỹ sống ở Rome viết), gia nhập các hiệp hội nghệ thuật nếu anh quan tâm và quyên góp cho các tác phẩm của họ. Chẳng hạn, nó cho anh thời gian rỗi rãi để đọc Malraux đến đêm muộn tùy thích, vì sáng mai anh không phải đi làm. Anh vừa mua một ấn bản hai tập của tác phẩm Tâm lý học nghệ thuật của Malraux mà anh đang đọc đây, với cảm giác sung sướng thỏa mãn, đọc bằng tiếng Pháp với sự trợ giúp của từ điển. Anh nghĩ mình có thể chợp mắt một chút, rồi tiếp tục đọc sách, bất kể giờ nào. Anh cảm thấy ấm cúng và uể oải, dù đã uống espresso. Độ cong của góc sô-pha vừa vặn với vai anh như vòng tay của một người, mà thậm chí còn vừa vặn hơn vòng tay của bất kỳ ai. Anh quyết định sẽ ngủ đêm ở đây. Nó thoải mái hơn chiếc sô-pha trên gác. Vài phút nữa anh có thể lên nhà và lấy chăn.
“Tom à?”
Anh mở mắt. Marge đang đi xuống gác, chân trần. Tom ngồi dậy. Cô ta đang cầm cái hộp da màu nâu của anh trong tay.
“Tôi vừa thấy cặp nhẫn của Dickie ở trong này,” cô ta hổn hển nói.
“À. Anh ấy đã đưa nó cho tôi. Để bảo quản.” Tom đứng dậy.
“Khi nào?”
“Tôi nghĩ là ở Rome.” Anh bước lùi lại một bước, dẫm vào một chiếc giày của anh và nhặt nó lên, chủ yếu để cố ra vẻ bình tĩnh.
“Anh ấy định làm gì? Vì sao lại đưa chúng cho anh?”
Cô ta vừa tìm chỉ để khâu áo lót, Tom nghĩ. Thế quái nào mà anh lại không cất cái nhẫn ở chỗ khác, như trong lớp lót của cái vali chẳng hạn? “Tôi thật tình không biết,” Tom nói. “Chắc là do một ý nghĩ bất chợt thôi. Cô hiểu anh ấy mà. Anh ấy nói nếu có bất kỳ chuyện gì xảy ra với anh ấy thì anh ấy muốn tôi giữ cặp nhẫn này.”
Marge trông bối rối. “Anh ấy định đi đâu chứ?”
“Tới Palermo. Sicily.” Anh đang dùng cả hai tay để giữ chiếc giầy, ở tư thế dùng gót gỗ của nó làm vũ khí. Một ý nghĩ lướt nhanh qua đầu anh: lấy giầy đập cô ta, rồi lôi cô ta qua cửa trước và thả xuống kênh. Anh sẽ nói cô ta trượt chân trên rêu. Vì cô ta bơi rất giỏi nên anh cứ nghĩ cô ta có thể nổi được.
Marge nhìn chằm chằm vào cái hộp. “Vậy thì anh ấy đã định tử tử rồi.”
“Phải – nếu cô muốn nhìn nhận theo cách đó, cặp nhẫn – Chúng khiến khả năng điều đó xảy ra là rất cao.” “Vì sao trước đây anh không kể về nó?”
“Tôi nghĩ mình đã quên béng về chúng. Tôi đã cất chúng vào đó để khỏi mất và chưa bao giờ nhìn đến chúng kể từ ngày anh ấy đưa cho tôi.”
“Hoặc anh ấy tự tử hoặc đã đổi danh tính, đúng không?” “Đúng.” Tom nói một cách quả quyết và buồn bã.
“Anh nên kể chuyện này cho chú Greenleaf.” “Có chứ. Cả chú Greenleaf và cảnh sát.”
“Điều này gần như xác nhận mọi chuyện,” Marge nói. Tom quăng chiếc giầy trong tay như một đôi găng tay, nhưng vẫn giữ tư thế, vì Marge đang nhìn anh chằm chằm một cách ngộ nghĩnh. Cô ta vẫn đang suy nghĩ. Cô ta đang đùa anh chắc? Có phải giờ cô ta hiểu ra rồi không?
Marge thành thật nói, “Tôi không thể hình dung ra Dickie sống thiếu cặp nhẫn của anh ấy,” và Tom biết cô ta chưa đoán ra đáp án, tâm trí cô ta đã lang thang cả dặm trên một hướng khác.
Đến lúc đó anh mới thả lỏng, người mềm oặt, ngồi phịch xuống ghế sô-pha và giả vờ đang xỏ giày. “Không,” anh tán đồng, một cách vô thức.
“Nếu không phải bây giờ đã quá muộn rồi thì tôi sẽ gọi cho chú Greenleaf ngay. Chắc chú ấy đã đi ngủ và tôi biết nếu tôi mà kể chuyện này thì chắc chú ấy sẽ mất ngủ cả đêm mất.”
Tom cố gắng xỏ chân vào nốt chiếc giày còn lại, dù giờ các ngón tay anh mềm oặt, cạn kiệt sức lực. Anh động não tìm một câu lý trí để nói. “Tôi xin lỗi vì đã không đề cập tới nó sớm hơn,” anh thốt ra bằng giọng trầm trầm. “Chỉ là một trong những -”
“Phải, đến thời điểm này thì việc chú Greenleaf đưa một thám tử tư đến đây khá là ngớ ngẩn rồi, đúng không?” Giọng cô ta run run.
Tom nhìn cô ta. Cô ta sắp khóc. Tom nhận ra, đây là lần đầu tiên cô ta chịu thừa nhận với bản thân rằng Dickie có thể đã chết, chắc đã chết. Tom chậm rãi tiến lại gần cô ta. “Tôi rất tiếc, Marge. Tôi tiếc hơn tất cả vì đã không nói với cô về cặp nhẫn này sớm hơn.” Anh vòng tay ôm lấy cô ta. Anh hầu như không cần làm vậy vì cô ta đã dựa vào anh rồi. Anh ngửi mùi nước hoa của cô ta. Chắc là Stradivari. “Đó là một trong những lý do khiến tôi cảm thấy chắc chắn về việc anh ấy đã tự tử - ít nhất là có khả năng đó.”
“Đúng thế,” cô ta nói bằng giọng khổ sở, rền rĩ.
Thật ra thì cô ta không khóc mà chỉ dựa vào anh, đầu cứng đờ, cúi gập xuống. Như một người vừa nghe tin có người mất, Tom nghĩ. Đúng với trường hợp của cô ta.
“Uống brandy không?” Anh ân cần nói. “Không.”
“Lại đây ngồi xuống ghế sô-pha đi.” Anh dẫn cô ta về phía ghế.
Cô ta ngồi xuống và anh băng qua phòng để lấy brandy, rót vào hai cái ly tròn. Khi anh quay lại thì cô ta đã bỏ đi mất. Anh chỉ kịp nhìn thấy mép áo choàng và đôi chân trần của cô ta biến mất ở đầu cầu thang.
Cô ta thích ở một mình, anh nghĩ. Anh đã định mang brandy lên cho cô ta nhưng rồi lại quyết định thôi. Chắc đến rượu cũng không giúp ích gì được cho cô ta. Anh hiểu cảm giác của cô ta. Anh nghiêm nghị mang hai ly brandy về tủ đựng rượu. Anh chỉ định đổ một ly ngược vào chai nhưng lại đổ hết cả hai ly rồi xếp chai rượu về cạnh các chai khác.
Anh lại ngồi chìm xuống sô-pha, duỗi một chân ra, chân ngoe nguẩy, quá mệt mỏi ngay cả với việc cởi giầy. Cảm giác hệt như sau khi giết Freddie Miles, anh bất chợt nghĩ, hay sau khi giết Dickie ở San Remo. Một pha hú hồn! Anh nhớ lại những suy nghĩ lạnh lùng của mình về việc đánh ngất cô ta bằng gót giầy, nhưng không thô bạo đến mức làm trầy da, rồi lôi cô ta qua hành lang để ra cửa, tắt hết đèn để không ai nhìn thấy họ, câu chuyện bịa đặt nhanh chóng được vẽ ra: cô ta đã bị trượt chân, anh nghĩ rằng chắc chắn cô ta có thể bơi trở về các bậc thềm, nên đã không nhảy xuống hay kêu lên cầu cứu cho tới khi – Theo một cách nào đó, anh thậm chí còn hình dung ra chính xác từng từ một mà anh và ông Greenleaf sẽ nói với nhau sau đó, ông Greenleaf sốc và bàng hoàng và bản thân anh cũng chấn động thấy rõ, nhưng chỉ bề ngoài thôi. Sâu bên dưới, anh sẽ bình thản và chắc chắn về bản thân như sau khi giết Freddie, vì câu chuyện của anh không có gì để nghi ngờ. Cũng như câu chuyện ở San Remo. Các câu chuyện của anh đều chân thực vì anh đã mường tượng nó một cách sống động, đến mức ngay bản thân anh cũng dần tin vào nó.
Trong khoảnh khắc anh nghe giọng mình vang lên: “… tôi đã đứng trên bậc thềm và gọi cô ấy, cứ ngỡ cô ấy sẽ nổi lên ngay hay chỉ đang trêu tôi thôi… Nhưng tôi không rõ cô ấy bị thương, vì lúc đứng trên bờ cô ấy còn đang vui vẻ…” Anh căng ra. Cứ như có một cái máy quay đĩa bật lên trong đầu anh, một vở kịch nhỏ diễn ra ngay trong căn phòng khách mà anh không thể ngăn lại. Anh có thể thấy cảnh mình đứng với cảnh sát Ý và ông Greenleaf cạnh cánh cổng lớn dẫn vào sảnh trước. Anh có thể nhìn và nghe thấy bản thân đang nói hết sức chân thành. Và được họ tin tưởng.
Nhưng điều khiến anh khiếp hãi không phải là cuộc đối thoại hay niềm tin ảo giác về việc mình đã thực hiện điều đó (anh biết mình chưa làm gì cả), mà là ký ức về cảnh anh đứng trước mặt Marge, tay cầm giầy, hình dung ra toàn bộ vụ việc một cách lạnh lùng, lý trí. Và việc anh còn từng hai lần gây án như thế. Hai lần trước là thực tế đã xảy ra chứ không phải trong tưởng tượng. Anh có thể tự nhủ là mình không muốn gây ra những việc đó, nhưng thực tế là anh đã làm. Anh không muốn thành kẻ sát nhân. Anh nhận ra thỉnh thoảng mình có thể quên sạch việc đã từng giết người. Nhưng thỉnh thoảng – như lúc này chẳng hạn – thì không thể. Chắc chắn tối nay anh đã quên được trong một khoảng thời gian, khi ngẫm nghĩ về ý nghĩa của tài sản và lý do anh thích sống ở châu Âu.
Anh quay người sang một bên, chân co lên ghế sô-pha. Anh đổ mồ hôi và run rẩy. Điều gì đang xảy ra với anh vậy? Chuyện gì đã xảy ra vậy? Liệu ngày mai khi gặp ông Greenleaf anh có thể lải nhải những chuyện ngớ ngẩn như là Marge rơi xuống kênh, anh gào lên cầu cứu, nhảy xuống mà không tìm được cô ta không? Dù Marge đang đứng ngay cạnh họ, liệu anh có nổi khùng, tuôn câu chuyện ra và tự để lộ mình là người điên không?
Ngày mai anh phải đối mặt với ông Greenleaf về chuyện cặp nhẫn. Anh sẽ phải thuật lại câu chuyện đã kể cho Marge. Anh phải thêm thắt chi tiết để nghe thật hơn. Anh bắt đầu sáng tạo. Trí óc anh vững vàng trở lại. Anh hình dung ra một phòng khách sạn La Mã, Dickie và anh đang đứng tán gẫu trong đó và Dickie đột nhiên cởi cả hai chiếc nhẫn ra đưa cho anh. Anh ta nói: “Tốt nhất anh đừng kể cho ai về chuyện này…”