Người rộng lượng chăm chú lắng nghe.
Người nhỏ mọn chỉ chăm chăm nói.
- David Schwartz
Một trong những cách tốt nhất để thuyết phục người khác chính là dùng đôi tai của bạn – bằng cách lắng nghe họ.
- Dean Rusk
Hãy lắng nghe lời thì thầm và bạn sẽ không phải nghe những tiếng thét.
- Ngạn ngữ Cherokee
Tai của người lãnh đạo phải vang lên tiếng nói của mọi người.
- Woodrow Wilson
Tôi tự nhắc nhở mình mỗi sáng:
Những gì tôi nói ngày hôm nay sẽ không dạy tôi bất cứ điều gì.
Vì vậy, nếu tôi muốn học, thì tôi phải học bằng cách lắng nghe.
- Larry King
LÃNH ĐẠO PHẢI LÀ NGƯỜI BIẾT LẮNG NGHE
Chúng ta thường hình dung người lãnh đạo là những người giao thiệp giỏi. Họ có khả năng hun đúc nên tầm nhìn, truyền cảm hứng, và dạy bảo. Nhưng cũng quan trọng không kém là người lãnh đạo cần phải là người biết nói chuyện thuyết phục. Và càng quan trọng hơn, họ phải là người biết lắng nghe. Khi người lãnh đạo không biết lắng nghe, họ tạo ra sự hờ hững, thù nghịch, và thông tin sai lệch giữa những người thuộc cấp của mình.
Lãnh đạo không biết lắng nghe sẽ gánh chịu nhiều sự thất bại. Dưới đây là một trong số những thất bại có tác động nhiều nhất:
Bổn phận đầu tiên của tình yêu là lắng nghe.
- Paul Tillich
1. Thất bại trong việc gia tăng kiến thức.
2. Thuộc cấp của họ không giao thiệp với họ nữa.
3. Thất bại trong việc “lắng nghe” những điều không được nói ra.
4. Thất bại trong lắng nghe của họ lan truyền khắp nơi, dẫn đến thất bại ở những lĩnh vực khác trong quá trình lãnh đạo của họ.
Nếu bạn điều hành một công ty, làm chủ một gia đình, hoặc lãnh đạo những người tình nguyện, hãy khiến việc lắng nghe trở thành ưu tiên. Nếu bạn chọn không lắng nghe, bạn có thể nhận thấy mình gặp nhiều rắc rối.
Thiên tài là khả năng giảm những gì phức tạp xuống tới mức đơn giản.
- C. W. Ceran
Điều quan trọng nhất trong giao thiệp là nghe những gì không được nói ra.
- Peter Drucker
Món quà to lớn nhất bạn có thể trao cho người khác là sự chú ý trọn vẹn nhất của mình.
- Richard Moss
4 PHONG CÁCH GIAO THIỆP
Một cách tự nhiên, con người sẽ hướng tới một trong bốn phong cách giao thiệp khi quan hệ với người khác. Hãy xem liệu bạn có nhận ra chính mình trong những mô tả dưới đây không:
1. Phong cách trả đũa
Những người sử dụng phong cách này thường chống đối người khác. Họ cảm thấy mình có quyền gây ra đau đớn cho người khác vì chính họ đã phải hứng nhận nỗi đau.
2. Phong cách chi phối
Những người sử dụng phong cách này vượt lên trên người khác, ép buộc hoặc thao túng họ. Những người chi phối này hủy hoại con người và những giá trị tự thân của người khác.
Lắng nghe có lẽ là dạng tâng bốc chân thành nhất.
- Joyce Brothers
3. Phong cách cô lập
Những người sử dụng phong cách này tránh xa khỏi người khác. Họ tìm sự tách biệt, và không bao giờ phát triển ý thức cộng đồng với mọi người. Những người cô lập phá hủy bất cứ niềm hy vọng nào về sự phát triển hay lớn mạnh cá nhân.
4. Phong cách hợp tác
Những người sử dụng phong cách này có cùng một hướng với người khác. Họ nhận biết giá trị và sự đóng góp của mình, và họ tìm kiếm những điểm chung. Người hợp tác biết xây dựng lòng tin, đưa thêm giá trị vào cho chính mình và cho người khác.
MỌI THỨ ĐỀU BẮT ĐẦU TỪ CHÍNH BẠN
Bạn không thể nói điều mà bạn không biết.
Bạn không thể chia sẻ những cảm giác mà bạn không cảm thấy.
Bạn không thể dịch những gì bạn không hiểu.
Bạn không thể chuyển giao những gì bạn không mang theo.
Bạn không thể cho đi những gì bạn không sở hữu.
Bạn không thể lãnh đạo những công việc mà bạn chưa từng sống chết vì chúng.
Hãy là người tiên phong với những điều bạn nói ra.
- John C. Maxwell
Cuộc giao thiệp thực sự chỉ diễn ra khi người ta cảm thấy an toàn.
- Ken Blanchard
Những ngôn từ chuẩn xác bạn sử dụng thì ít quan trọng hơn nhiều so với sinh lực, sức mạnh và niềm tin mà bạn truyền đạt cùng.
- Jules Rose
Hãy suy nghĩ như một người khôn ngoan nhưng hãy giao thiệp bằng ngôn ngữ của mọi người.
- William Butler Yeats
Nếu bạn muốn biết điều gì đang diễn ra trong hầu hết các công ty, hãy nói chuyện với người lao công.
Có tới 9 trong số 10 lần cô này biết nhiều điều hơn ông chủ tịch.
Vì vậy, tôi cố gắng tìm hiểu những gì người lao công của tôi biết – cho dù đó là việc lao công.
- Kenneth A. Hendricks
Chân lý vĩ đại nhất là những gì đơn giản nhất – những con người vĩ đại cũng vậy.
- Julius Charles Hare
Khoảng trống được tạo ra bởi thất bại trong giao thiệp chẳng bao lâu sẽ bị lấp đầy bằng những độc tố, lời nói ngớ ngẩn, và sự bóp méo, xuyên tạc.
- C. Northcote Parkinson
Khả năng giao thiệp của bạn được xác định không bởi bạn nói lời hay ý đẹp ra sao mà bởi bạn được hiểu đúng tới mức nào.
- Andrew S. Grove
SỰ KHÁC BIỆT CỦA MỘT NGƯỜI TRUYỀN ĐẠT
Những người truyền đạt thì…
Tin vào những gì họ nói – có niềm tin.
Tin vào những người họ chia sẻ niềm tin đó – có sự kỳ vọng.
Sống trọn với những gì họ nói – đáng tin.
Biết khi nào nên nói – biết chọn thời điểm.
Biết cách nói – sáng tạo.
Biết tại sao mình nói điều đó – biết áp dụng.
Vui vẻ với việc nói ra điều đó – tự do.
Chứng tỏ được điều mình nói – cụ thể.
Nói ra và mọi người đều công nhận – có sự đồng nhất.
Người ta truyền đạt cảm giác và thái độ của họ…
7% thông qua lời nói, 38% thông qua giọng nói, và 55% thông qua những dấu hiệu phi ngôn từ.
Nếu tôi phải kể tên một công cụ toàn năng của người lãnh đạo thì đó sẽ là kỹ năng giao thiệp.
- John W. Gardner
Khi chuẩn bị tranh luận với một người, tôi dành ra 1/3 thời gian để suy nghĩ về chính mình và những gì mình sẽ nói, 2/3 thời gian kia để suy nghĩ về anh ta và những gì anh ta sẽ nói.
- Abraham Lincoln
Hãy có sự cảm thông để bạn không hiểu lầm.
- Charles Blair