Theo định nghĩa của nhà triết học Bertrand Russell, quyền lực là “khả năng hình thành nên những ảnh hưởng có chủ đích”.
Khả năng này hiện đang nằm trong tầm tay của chúng ta. Ngày nay, chúng ta có khả năng sản xuất phim, kết bạn và kiếm tiền; chúng ta có thể truyền đạt những hoài bão và ý tưởng của mình để xây dựng cộng đồng hoặc để tạo dựng các phong trào; chúng ta cũng có thể truyền bá thông tin sai lệch và tuyên truyền bạo lực – chúng ta có thể làm tất cả những điều kể trên trong một phạm vi rộng lớn hơn cùng với tác động tiềm năng sâu rộng hơn nhiều lần so với những gì chúng ta đã làm trước đó thậm chí một vài năm.
Đúng như vậy, chúng ta làm được điều đó là bởi vì công nghệ đã thay đổi. Tuy nhiên, sự thật sâu xa hơn là chúng ta đang thay đổi. Hành vi và kỳ vọng của chúng ta đang thay đổi. Có những người đã hiểu được cách truyền tải nguồn năng lượng này và khao khát tạo ra “những ảnh hưởng có chủ đích”, như Russell đã đề cập, bằng những cách thức mới mẻ và có tác động mang tính đột phá hơn.
Hãy nghĩ đến những ông trùm mặc áo Hoodie, đứng đằng sau những nền tảng trực tuyến lớn mạnh với hàng tỷ người dùng, đang khiến cho chúng ta thay đổi các thói quen hàng ngày, những cảm xúc và cả ý kiến của chúng ta nữa; những chính trị gia mới nổi, người đã gầy dựng các cộng đồng ủng hộ mình và rồi giành được những chiến thắng tuyệt vời; những cá nhân, tổ chức đang tiến lên phía trước trong cái thế giới đầy hỗn loạn, siêu kết nối này – trong khi những người khác bị bỏ lại phía sau.
Cuốn sách này viết về cách điều chỉnh và phát triển trong một thế giới được định nghĩa bằng cuộc đấu tranh và sự cân bằng giữa hai thế lực lớn mà chúng tôi gọi chúng là quyền lực cũ và quyền lực mới.
Quyền lực cũ hoạt động như một loại tiền tệ (currency). Nó được nắm giữ bởi một số ít người. Một khi có được nó, nó sẽ được bảo vệ thận trọng và người có quyền lực là người tích trữ một khối lượng đáng kể để dùng chúng. Quyền lực cũ mang tính khép kín, không thể tiếp cận, và bị định hướng bởi người đứng đầu. Nó đi theo hướng từ trên xuống, và nó có thể nắm bắt được.
Quyền lực mới hoạt động theo một cách khác, nó giống như một dòng chảy (current). Nó được tạo ra bởi nhiều người. Nó mang tính rộng mở, có sự tham gia và theo định hướng ngang hàng. Nó đi theo hướng từ dưới lên và phân phối rộng khắp. Giống như nước hay điện, nó mạnh nhất khi nó dâng lên. Mục tiêu của quyền lực mới không phải là tích góp lại mà là truyền tải đi.
Để hiểu rõ hơn cách thức hoạt động của quyền lực cũ và quyền lực mới, chúng ta hãy cùng tìm hiểu ba câu chuyện dưới đây.
Phong trào #MeToo và Harvey Weinstein
Những mùa trao giải thưởng từ năm này sang năm khác, nhà sản xuất phim Harvey Weinstein đã thống trị Hollywood như một vị thần.
Trên thực tế, từ năm 1966 đến năm 2016, ông thực sự được so sánh với Đức Chúa Trời vì tổng số lần mọi người cảm ơn ông trong các bài phát biểu nhận thưởng vào đêm Oscar – ba mươi bốn lần. Các bộ phim của ông thu hút hơn 300 đề cử Oscar. Nữ hoàng phong tặng cho ông danh hiệu Tư lệnh danh dự của Vương Quốc Anh.
Weinstein đã tích trữ quyền lực và sử dụng nó như một loại tiền tệ để duy trì vị trí danh dự của mình: ông có quyền sinh sát một ngôi sao, ông cũng có quyền lực cá nhân đủ mạnh để có thể bật đèn xanh cho một dự án hoặc cũng có thể nhấn chìm nó. Ông ta đem đến vận may cho toàn bộ ngành điện ảnh – và bù lại, ngành này cũng đã bảo vệ ông ngay cả khi ông bị cáo buộc quấy rối và tấn công tình dục trong suốt vài thập kỷ. Ông đã kiểm soát được phương tiện truyền thông bằng cách phát triển mối quan hệ thân tình, đôi bên cùng có lợi, dựa trên sự giúp đỡ và quyền tiếp cận mà ông cung cấp. Ông ta thậm chí còn giành được giải thưởng “Người nói sự thật” của Câu lạc bộ truyền thông Los Angeles vào năm 2017.
Ông ta tự mình chống lại bất kỳ một đội luật sư nào, bằng việc trừng phạt các vi phạm “những thỏa thuận không được tiết lộ” đối với những người làm việc với ông ta, và nếu cần thiết, ông ta sẽ hối lộ cả những người tố cáo. Ông thậm chí còn thuê các công ty an ninh tư nhân – đội ngũ nhân viên từng làm điệp viên – để đào bới thông tin về những người phụ nữ và các nhà báo đã cáo buộc chống lại ông ta. Những người phụ nữ từng bị ông ta làm hại hầu như đều im lặng từ bỏ, để thoát khỏi nỗi lo lắng thực sự về những hậu quả cho sự nghiệp về sau của mình, trong khi những người đàn ông có thể đã đứng lên, thì lại tránh sang một bên và không làm gì cả, họ không muốn dành sức lực của mình cho cuộc chiến này.
Nếu Harvey Weinstein và hệ thống khép kín, phân cấp đó đã đưa ông lên, kể cho chúng ta nghe một câu chuyện quen thuộc về quyền lực cũ, thì sự thất bại sau đó của Weinstein và đặc biệt là những gì đã xảy ra tiếp theo, sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về cách thức hoạt động của quyền lực mới, và tại sao nó lại có tầm ảnh hưởng đến như vậy.
Trong những ngày sau khi tin tức về những câu chuyện của Weinstein và những người tố cáo ông ta nổ ra, nữ diễn viên Alyssa Milano đã khởi động hashtag #MeToo để khuyến khích những người phụ nữ kể ra câu chuyện của họ về vấn đề quấy rối và tấn công tình dục trên Twitter. Nữ nghệ sĩ Terri Conn đã chú ý đến phong trào này. Ở độ tuổi hai mươi, cô được biết đến là một nữ diễn viên mới nổi với vai diễn trong một chương trình truyền hình nhiều tập. Đạo diễn James Toback đã tiếp cận Conn và hẹn gặp nhau tại công viên Trung tâm để trao đổi về một tập phim. Và tại đó, ông ta đã tấn công cô, theo như lời kể của cô với kênh truyền hình CNN.
Cô đã chôn giấu ký ức đó trong nhiều năm. Nhưng khi vụ việc của Harvey Weinstein gây được sự chú ý và sự nổi lên của phong trào #MeToo, những ký ức đó lại trỗi dậy. Cô đã bàn bạc với chồng mình, và cuối cùng cô bắt tay vào hành động. Cô khởi động bằng cách tìm kiếm trên Twitter những người phụ nữ đã sử dụng cả hai hashtag là #MeToo và #JamesToback. Cô tìm thấy những người khác có câu chuyện đáng sợ gần giống với câu chuyện của mình. Họ cùng nhau thành lập một nhóm Twitter riêng tư để hỗ trợ lẫn nhau và tìm kiếm những nạn nhân khác. Các thành viên của nhóm này sau đó cung cấp câu chuyện của họ cho một nhà báo của Los Angeles Times. Chỉ trong vòng vài ngày kể từ khi bài viết được xuất bản, hơn ba trăm phụ nữ đã đứng lên với những câu chuyện của chính họ về Toback.
Chiến dịch của Conn là một trong nhiều chiến dịch như vậy. Gần một triệu mẩu tin tweet đã sử dụng hashtag #MeToo trong bốn mưoi tám giờ. Chỉ trong một ngày, mười hai triệu bình luận, bài đăng và phản hồi trên Facebook đã được ghi lại.
Phong trào #MeToo lan rộng trên toàn thế giới như một dòng chảy, các cộng đồng khác đã biến đổi nó để thích ứng với các mục tiêu của riêng họ. Ở Pháp, nó trở thành phong trào #BalanceTonPorc (Tố giác kẻ phạm tội), một chiến dịch nhằm phơi bày và vạch trần những kẻ quấy rối. Ở Ý, phụ nữ kể lại câu chuyện của họ dưới biểu ngữ #QuellaVoltaChe (Khoảng Thời Gian Mà…). Và phong trào này chuyển từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác. Các thành viên của Quốc hội tiết lộ rằng họ cũng bị quấy rối bởi các đồng nghiệp nam. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Anh bị buộc phải từ chức. Nghị viện châu Âu cũng từng có phong trào #MeToo của họ. Các vị lãnh đạo doanh nghiệp bị phơi bày và lật đổ. Các cuộc biểu tình nổ ra ngoài đường phố tại các thành phố trên khắp thế giới, từ Paris đến Vancouver. Ấn Độ đã tranh luận về nỗ lực vạch trần hành vi tội ác của các vị giáo sư nổi tiếng. Một bài báo đăng trên China Daily trước đây từng cho rằng quấy rối và tấn công ở nơi làm việc chỉ là các vấn đề của phương Tây, đã thay đổi quan điểm của mình sau làn sóng tố cáo trực tuyến này.
Không ai là người dẫn đầu trong phong trào này cả, và không ai biết rõ trong tương lai nó sẽ đi về đâu. #MeToo ra đời từ một thập kỷ trước, được biết đến như là công việc của nhà hoạt động tiên phong – Tarana Burke, người đã khuyến khích những phụ nữ da màu từng bị tấn công tình dục chia sẻ trải nghiệm này với những nạn nhân khác. Tuy nhiên, giờ đây phong trào này là vô chủ, và đây cũng là nguồn gốc về sức mạnh của nó. Tất cả mọi người, từ các nhà thiết kế táo bạo – những người tạo ra đồ trang sức “MeToo” – cho đến các chính trị gia đầy tham vọng đã liên kết với #MeToo để tìm kiếm cách thức truyền tải năng lượng của nó.
Điều nổi bật nhất về phong trào #MeToo là ý thức về sức mạnh mà nó trao cho những người tham gia: rất nhiều người từng cảm thấy bất lực trong nhiều năm liền trong việc ngăn chặn những kẻ lạm dụng có thâm niên, hoặc từng lo sợ bị trừng phạt, đột nhiên tìm thấy được sự can đảm để đứng lên chống lại chúng. Câu chuyện của mỗi cá nhân được nhân rộng bởi sự gia tăng của một dòng chảy lớn mạnh. Trên thực tế, mỗi một hành động dũng cảm của từng cá nhân được tạo ra bởi nhiều người.
Bệnh nhân và bác sĩ
Vị bác sĩ ngước nhìn lên từ máy tính, choáng váng hỏi: “Cô đã học điều đó ở đâu thế? Đó là thuật ngữ trong ngành của tôi. Cô học trường y khi nào thế? Tôi không thể xem cô là bệnh nhân được nữa nếu cô cứ truy cập Internet và tìm hiểu nội dung mà cô không nên tìm hiểu”.
Sau đó, vị bác sĩ đã từ chối chữa trị cho bệnh nhân này.
Thuật ngữ chuyên ngành được nhắc đến ở trên là “tonic-clonic” (Hội chứng co giật toàn thân). Vị bác sĩ này đã được bệnh nhân của anh ta cho biết cô ấy nghĩ rằng mình đã trải nghiệm di chứng của một cơn co giật tonic-clonic. (Trong quá khứ, cô và bác sĩ của mình từng gọi những triệu chứng này là “những cơn choáng”, cô đã luôn nghiêm túc theo dõi các cơn co giật thường xuyên này.)
Bệnh nhân này đã tìm hiểu về tình trạng của mình thông qua cộng đồng PatientsLikeMe (Những bệnh nhân giống như tôi), một cộng đồng trực tuyến với hơn 500.000 người sống chung với hơn 2.700 căn bệnh, mỗi người sẽ chia sẻ dữ liệu y tế cá nhân và kinh nghiệm của họ với những người khác trên nền tảng, tạo ra hàng chục triệu điểm dữ liệu. Hãy nghĩ về nó như là một nhóm hỗ trợ lớn mạnh, một cộng đồng cùng học tập, và như một tập hợp dữ liệu, tất cả được kết hợp thành một khối. Bệnh nhân trên nền tảng này thậm chí đã làm việc cùng nhau để tạo ra nguồn lực từ số đông cho những thử nghiệm về thuốc của mình, chẳng hạn như một nhóm bệnh nhân ALS (Hội chứng xơ cứng teo cơ một bên) đã tiến hành xét nghiệm lithium như là một phương pháp điều trị trong khoảng thời gian ngắn trước khi được đưa ra các cơ sở y tế.
Letitia Browne-James, một thành viên khác của cộng đồng này, tình cờ tham gia PatientsLikeMe trong trạng thái “tuyệt vọng”. Cô ấy phải chịu đựng chứng động kinh trong suốt cả cuộc đời, phải hứng chịu những cơn co giật thường xuyên cũng như suy nhược và tình hình trở nên ngày càng tồi tệ. Cô luôn lo sợ lên cơn co giật ở trường học hoặc ở nhà thờ, trong khi cô ấy đang diễn xuất hoặc nhảy múa, hoặc vào một ngày nào đó khi cô lớn tuổi hơn.
Sau khi cô gặp người chồng tương lai của mình, Jonah James Jr., cô lại lo lắng về ngày cưới của họ. “Tôi thực sự rất chăm chỉ cầu nguyện, chỉ cầu xin Chúa cho phép tôi suôn sẻ vượt qua ngày hôm ấy mà không có một cơn co giật nào cả”, cô nói.
Trong khi bác sĩ thần kinh của cô tiếp tục kê toa các loại thuốc cũ, cô bắt đầu trao đổi với các thành viên của cộng đồng trên nền tảng, cô tự tìm hiểu lý do tại sao một số loại thuốc không có tác dụng, và cố gắng tìm kiếm các liệu pháp khả thi khác. Cô theo đuổi bất cứ phương án nào có hy vọng; và trong lúc đấy, cô được cho biết về triển vọng của phương pháp phẫu thuật não, như một liệu pháp điều trị cho những người bị chứng động kinh. Cô khám phá ra rằng 83% các bệnh nhân giống như cô trên nền tảng đã phản hồi tích cực về kết quả của liệu pháp điều trị này, tuy nhiên, cô và bác sĩ của mình chưa bao giờ thảo luận về liệu pháp ấy.
Vì vậy, bệnh nhân này đã từ chối điều trị với bác sĩ của mình. Như một món quà tạm biệt, cô đã yêu cầu được giới thiệu tên của một chuyên gia về bệnh động kinh – một chuyên gia mà cô biết được từ cộng đồng bệnh nhân của mình. Vị bác sĩ đã lật qua các giấy tờ trên bàn và cho cô ấy một cái tên. Cô thật sự rất kinh ngạc. “Anh ta đã biết thông tin này từ trước”, cô nói.
Letitia đã được phẫu thuật. Cô ấy hiện đã sống hơn năm năm mà không hề có thêm một cơn động kinh nào. Và cô ấy đã tư vấn cho nhiều người khác trên cộng đồng PatientsLikeMe, giúp họ kiểm soát sức khỏe của mình.
Các bác sĩ trong những câu chuyện này sống trong thế giới của quyền lực cũ. Họ đã được đào tạo một cách chặt chẽ để phát triển chuyên môn của mình. Và lý do chính đáng là: họ đang đối phó với các vấn đề của sự sống và cái chết. Nhưng khi làm như vậy, họ trở nên quen thuộc với việc mình là người nắm giữ kiến thức y khoa, dần xa rời các bệnh nhân bởi các thuật ngữ có dấu nối cùng các đơn thuốc khó hiểu. Các bệnh nhân đã khám phá ra quyền lực mới. Họ đã hành động để cải thiện tình trạng của mình, được bao quanh – và tập hợp – bởi một đám đông những người có cùng chí hướng. Họ thử nghiệm mọi thứ, họ trao đổi các bài báo, và theo dõi tiến trình của nhau. Họ chia sẻ dữ liệu, ý tưởng và sự cảm thông của mình. Thế giới của họ đã mở rộng ra, và không một vị bác sĩ nào có thể đưa vị thần đó trở lại trong chai được nữa.
Cô nữ sinh và Bộ Ngoại giao
Aqsa Mahmood lớn lên trong một gia đình Hồi giáo ôn hòa ở Scotland. Cô đã theo học tại những ngôi trường tư thục có tiếng và từng thích đọc truyện Harry Potter. Cô được mô tả là một người không biết phải bắt chuyến xe buýt nào để đến trung tâm thị trấn Glasgow.
Tuy nhiên, theo thời gian, cô trở thành một “Kẻ cực đoan trong phòng ngủ”, cô rơi vào một hệ sinh thái trực tuyến đen tối bao vây bởi những nội dung thuyết phục và những người chiêu mộ khôn khéo. Rồi một ngày vào tháng 11, khi cô mới bước vào tuổi mười chín, cô đã biến mất. Bốn ngày sau, cha mẹ cô nghe được tin tức từ cô. Cô đã gọi cho họ từ biên giới Syria.
Nhưng đây không phải là kết thúc của câu chuyện. Sau khi được tuyển vào ISIS (Nhà nước Hồi giáo tự xưng), bây giờ cô đã trở thành chuyên viên chiêu mộ, người nắm vững các công cụ tham gia trực tuyến và lôi kéo những người khác theo gương của cô ấy. Cô đã xây dựng một mạng lưới “các cô gái thân thiết với nhau”, gửi lời động viên và đưa ra lời khuyên thiết thực cho những phụ nữ muốn theo đạo Hồi và đang chuẩn bị cho hành trình đến Syria: “Nếu tôi có thể khuyên bạn nên mang theo một thứ gì đó, thì đó chính là dầu dừa hữu cơ (nếu bạn có thể đem thêm một lọ nữa cho tôi thì càng tốt). Đây là một sản phẩm đa năng, có thể dùng để dưỡng ẩm toàn thân hoặc dùng như một loại dầu chăm sóc tóc…”. Khi ba cô gái trung lưu, được yêu mến đến từ vùng Bethnal Green, thuộc London, lên kế hoạch cho chuyến đi Syria của mình, họ đã liên lạc với Aqsa Mahmood trên Twitter.
Trong khi Aqsa sử dụng các phương thức chia sẻ ngang hàng, gần gũi để chiêu mộ các tân binh, Chính phủ Mỹ đã có một cách tiếp cận rất khác để cố gắng khuyên can họ. Họ in hàng ngàn bức họa hoạt hình các nhân viên ISIS bị đưa vào máy xay thịt và thả những tờ rơi ấy ra khỏi máy bay chiến đấu F-16 khi nó bay qua các pháo đài ISIS ở Syria (một cách tiếp cận được sử dụng phổ biến lần đầu tiên từ một trăm năm trước, trong Thế chiến thứ nhất). Chính quyền cũng đã thử một cách tiếp cận kỹ thuật số khác nữa, trong một nỗ lực để phù hợp với thị hiếu truy cập trực tuyến của Nhà nước Hồi giáo tự xưng này, đó là tạo ra một tài khoản Twitter khá sành điệu – phủ đầy dấu tích đe dọa của Bộ Ngoại giao – để khuyên nhủ các tín đồ Hồi giáo tiềm năng: “Hãy suy nghĩ và quay trở lại!”. Có lẽ đó không phải là thông điệp thuyết phục nhất nếu bạn đang cố gắng kéo những người theo chủ nghĩa cực đoan ra khỏi bờ vực thẳm.
Ở đây, một lần nữa, chúng ta bắt gặp quyền lực cũ đối mặt với quyền lực mới. Chính phủ Mỹ đã làm theo hướng dẫn của một cuốn sách trực tuyến đáng tin cậy về quyền lực cũ, sử dụng quyền lực cao cấp của mình để truyền tải thông điệp của họ từ trên xuống. Ngay cả khi sử dụng phương tiện truyền thông xã hội, mục đích mặc định của họ không phải là để kết nối, mà là để chỉ huy. Aqsa đang làm điều gì đó rất khác biệt. Mạng lưới lan truyền của cô ấy có sự tham gia và được định hướng theo hàng ngang. Nó không được truyền từ trên xuống, mà từ cô gái này đến cô gái kia. Đó là quyền lực mới hiệu quả nhất, và đáng sợ nhất.
CÁC THÀNH PHẦN CỦA QUYỀN LỰC MỚI
Câu chuyện về phong trào #MeToo, các bệnh nhân và nữ sinh Scotland đều có điểm chung là họ đã tìm ra cách sử dụng các công cụ hiện đại để gia tăng khao khát được tham gia.
Con người luôn khao khát được tham gia vào thế giới. Trong suốt chiều dài lịch sử, nhiều phong trào đã nổi lên, người ta đã tổ chức các đoàn thể, cộng đồng xây dựng nên các cấu trúc hợp tác để tạo dựng văn hóa và tiến hành giao thương. Luôn tồn tại một mối quan hệ ảnh hưởng qua lại giữa cấu trúc từ dưới lên và cấu trúc từ trên xuống, giữa các hệ thống phân cấp và các mạng lưới.
Trước đây, cơ hội để chúng ta tham gia và thảo luận vẫn bị giới hạn rất nhiều. Tuy nhiên, nhờ có sự kết nối rộng khắp như hiện nay, chúng ta có thể tìm đến nhau và tự tổ chức theo những cách thức không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý và được lan truyền rộng rãi với vận tốc và phạm vi tiếp cận chưa từng có. Sự siêu kết nối này đã sản sinh ra các mô hình mới và tư duy mới đang định hình nên thời đại của chúng ta, như chúng ta sẽ thấy trong các trang sách tiếp theo đây. Đó chính là “điểm mới” trong quyền lực mới.
Một chủ đề phổ biến trên Reddit – một nền tảng chia sẻ liên kết, những kỷ niệm bắt nguồn từ cộng đồng những người trưởng thành trong những năm 1990, khi mà cuộc sống được cảm nhận theo nhiều cách rất khác nhau. Đối với những người từng sống vào thời kỳ đó, các bài viết mang đến cảm giác hoài niệm ấm áp. Còn đối với những người không được sinh ra vào thời đó, những câu chuyện được kể như về một thế giới xa lạ – chẳng hạn như, cảm giác hồi hộp chờ đợi bức ảnh kỷ yếu của bạn xuất hiện, đó là “lần duy nhất bạn nhìn thấy bức ảnh của mình và bạn bè ở trường”, bạn chỉ có một cơ hội để chụp một bức ảnh hoàn chỉnh, và bạn không bao giờ được biết nó sẽ trông như thế nào; sự khẩn trương của việc gọi đến đài phát thanh địa phương, yêu cầu một bài hát bạn yêu thích, và sau đó chờ đợi, ngón tay bạn sẵn sàng trên nút ghi âm của máy cassette, để kịp thời ghi lại khi bài hát cất lên; sự phấn khích khi dừng chân tại các cửa hàng video Blockbuster để thuê một cuốn phim trên đường về nhà; sự thất vọng khi đi đến thư viện và phát hiện ra rằng cuốn sách bạn cần đã bị người khác mượn hoặc “đáng lẽ phải ở trên ngăn xếp nhưng lại không thể tìm thấy”; làm toán mà không có máy tính vì chúng bị cấm, với lập luận mạnh mẽ được đưa ra là “bạn sẽ không thể lúc nào cũng mang theo bên người một chiếc máy tính bỏ túi khi bạn lớn lên”.
Tất nhiên, bây giờ chúng ta có nhiều hơn một chiếc máy tính trong túi của mình. Trong thế giới ngày nay, chúng ta có tất cả trong tầm tay (theo đúng nghĩa đen) những gì chúng ta có thể nghĩ đến như là một phương thức mới của sự tham gia. Và điều này không chỉ thay đổi những gì chúng ta có thể làm, mà còn là cách chúng ta mong đợi để kết nối.
Những phương thức mới của sự tham gia này – và những nhận thức cao hơn về các doanh nghiệp trung gian đi cùng với chúng – là thành phần quan trọng trong một số mô hình có ảnh hưởng nhất trong thời đại của chúng ta: các doanh nghiệp lớn như Airbnb và Uber, WeChat của Trung Quốc hoặc Facebook; các phong trào phản kháng như Black Lives Matter (Vấn đề về cuộc sống của người da màu), các hệ thống phần mềm mở như GitHub; và các mạng lưới khủng bố như ISIS. Tất cả họ đều đang truyền tải quyền lực mới.
Hãy suy ngẫm về những điều được kể ở trên như là những mô hình quyền lực mới. Các mô hình quyền lực mới được kích hoạt bởi hoạt động của cộng đồng – nếu không có họ, các mô hình này chỉ là những chiếc thuyền rỗng. Ngược lại, các mô hình quyền lực cũ được kích hoạt bởi những cá nhân hoặc tổ chức sở hữu nó, nhận biết nó hoặc kiểm soát nó mà không để một ai khác can thiệp vào – một khi các mô hình quyền lực cũ mất đi tính chất này, nó cũng mất luôn lợi thế của nó. Các mô hình quyền lực cũ chỉ yêu cầu chúng ta tuân thủ theo (như là trả các loại thuế, làm bài tập về nhà) hoặc tiêu thụ một sản phẩm. Còn mô hình quyền lực mới thì đòi hỏi, cũng như cho phép chúng ta thực hiện nhiều điều hơn: chúng ta có thể chia sẻ ý tưởng, tạo ra những nội dung mới (như trên YouTube) hoặc tài sản (như trên Etsy), thậm chí là hình thành một cộng đồng (ví dụ, phong trào kỹ thuật số đang lan rộng nhằm phản đối Tổng thống Trump).
Để nắm bắt sự khác biệt cơ bản giữa các mô hình quyền lực cũ và mới, hãy nghĩ đến sự khác nhau giữa hai trò chơi máy tính lớn nhất mọi thời đại – Tetris và Minecraft.
Bạn có thể sẽ nhớ đến Tetris – trò chơi dựa trên các hình khối, nổ ra với cơn sốt máy chơi game cầm tay vào những năm 1990. Cách hoạt động của nó rất đơn giản. Các khối rơi xuống từ phía trên cùng của màn hình và công việc của người chơi là làm cho chúng ghép thành từng đường thẳng đều, gọn gàng. Các hình khối sẽ rơi xuống ngày càng nhanh và nhanh hơn cho đến khi người chơi bị choáng ngợp. Trong khuynh hướng quyền lực cũ, người chơi đã có một vai trò hạn chế, và bạn không bao giờ có thể đánh bại được hệ thống.
Các mô hình quyền lực mới hoạt động giống như Minecraft, hiện đang là trò chơi lớn thứ hai của mọi thời đại. Giống như Tetris, đây cũng là một trò chơi dựa trên các hình khối không ngay ngắn, nhưng nó hoạt động theo một cách khác. Thay vì một mô hình được xây dựng dựa trên các hình khối rơi từ trên xuống dưới, nó là một trò chơi được xây dựng từ dưới lên, trong đó những người chơi trên khắp thế giới sẽ cùng nhau sáng tạo nên thế giới, từng khối, từng khối một. Nó hoàn toàn dựa vào năng lượng của sự tham gia. Trong thế giới Minecraft, bạn sẽ tìm thấy những ngôi nhà, đền thờ và các cửa hàng Walmart; rồng, hang động, thuyền, các trang trại và tàu lượn; các máy tính phục vụ cho công việc được tạo ra bởi các kỹ sư; các đám cháy rừng, các ngục tối, rạp chiếu phim, máy bay và sân vận động. Người chơi sẽ thiết lập các quy tắc và tự tạo ra các nhiệm vụ cho riêng họ. Sẽ không có “các hướng dẫn”; người chơi học từ các hình mẫu – thường là các video tự tạo – từ những người chơi khác. Một số người chơi (còn được biết đến là “những người biến đổi”) thậm chí còn được giao cho khả năng thay đổi bản chất của trò chơi. Nếu không có những hành động của người chơi, Minecraft sẽ là một vùng đất hoang. Một động lực phát triển chính trong thế giới ngày nay là sự mâu thuẫn qua lại giữa những người lớn lên trong truyền thống Tetris và những người có tư duy Minecraft.
SỨ MỆNH CỦA CUỐN SÁCH
Trong tương lai sẽ có một trận chiến về sự vận động. Những người bình thường, các nhà lãnh đạo và các tổ chức đang trên đà phát triển sẽ là những đối tượng tốt nhất có thể truyền tải nguồn năng lượng có sự tham gia của những người xung quanh – cho cái tốt, cho cái xấu, và cho cả những điều nhỏ nhặt.
Quyền lực mới ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của tất cả chúng ta
Kể từ lần đầu tiên viết về những ý tưởng này trên Harvard Business Review, chúng tôi đã lấy cảm hứng từ việc nhìn nhận con người trong nhiều lĩnh vực khác nhau, sử dụng chúng để liên tưởng đến thế giới của họ, từ nhân viên thư viện cho đến các nhà ngoại giao và các nhân viên y tế. Trong các chương tiếp theo, chúng tôi sẽ đề cập đến những câu chuyện về các tổ chức và các cá nhân đã thấu hiểu động lực mới này. Chúng tôi sẽ làm rõ cách thức mà công ty Lego đã phát triển thương hiệu của mình bằng cách chuyển hướng tới cộng đồng. Chúng ta sẽ xem xét cách TED phát triển từ một hội nghị độc quyền trở thành một trong những cộng đồng ý tưởng lớn mạnh nhất trên thế giới. Chúng ta sẽ xem cách Đức Giáo hoàng Francis đang cố gắng thực hiện để thay đổi bản chất của nhà thờ bằng cách trao quyền lực cho các tín đồ của mình.
Chúng tôi cũng sẽ giới thiệu một số ví dụ ít được biết đến hơn: các y tá cùng nhau cắt giảm sự quan liêu và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân (cũng như sự hài lòng trong công việc của họ); một công ty xe hơi đã trao quyền thiết kế xe cho khách hàng của mình; một công ty truyền thông thành công được xây dựng, được tài trợ và được định hình bởi độc giả của nó.
Cho dù bạn là một sử gia mong muốn chia sẻ kiến thức của mình trong thế giới “phía sau bức màn của sự thực (post-truth)”, một phụ huynh kiên quyết với việc ứng cử vào hội đồng của một trường học địa phương, hoặc một người sáng tạo muốn đưa ra một sản phẩm mới, có hàng loạt các khả năng khác biệt, mới mẻ mà mọi người và các doanh nghiệp cần phải khám phá.
Các kỹ năng được đề cập thường bị hiểu sai, như là khả năng tự quảng bá trên Facebook hoặc Snapchat dành cho người mới bắt đầu. Nhưng quyền lực mới không chỉ là công cụ và công nghệ mới. Trong khi Bộ Ngoại giao cho chúng ta thấy sự thất bại trong cuộc chiến trực tuyến với Nhà nước Hồi giáo tự xưng, nhiều người vẫn đang triển khai các phương tiện mới của sự tham gia này theo các phương thức mang đậm sắc thái của quyền lực cũ. Cuốn sách này nói về một cách tiếp cận khác biệt để kiểm soát quyền lực và một lối tư duy khác, có thể được triển khai ngay cả khi các công cụ và nền tảng cụ thể phát triển hoặc trở nên lạc hậu. Làm thế nào để bạn tạo ra những ý tưởng mà cộng đồng sẽ chung tay cùng bạn, làm cho nó lớn mạnh lên, và giúp lan truyền chúng? Làm thế nào để bạn làm việc hiệu quả trong một tổ chức mà các đồng nghiệp (có lẽ trẻ hơn) của bạn đã tiếp thu các giá trị quyền lực mới như tính minh bạch cấp tiến hoặc phản hồi liên tục? Làm thế nào để bạn tạo ra một tổ chức mà có thể truyền cảm hứng về sự bền vững, một cộng đồng theo sau lớn mạnh trong một kỷ nguyên mà các mối liên hệ trở nên tạm bợ và lỏng lẻo hơn? Làm thế nào để bạn chuyển đổi giữa quyền lực cũ và quyền lực mới? Khi nào bạn nên kết hợp chúng lại với nhau? Và khi nào quyền lực cũ thực sự tạo ra được những kết quả tốt hơn.
Cuốn sách này sẽ trả lời cho những câu hỏi đó – và hơn thế nữa – với những câu chuyện minh họa giàu cảm hứng nhất về thành công của quyền lực mới (cũng như một số câu chuyện mang tính cảnh báo mạnh mẽ) từ khắp nơi trên thế giới.
Quyền lực mới tác động đến xã hội trên diện rộng
Quyền lực mới đang tồn tại trong nhiều lĩnh vực, và cũng đang dần gia tăng. Ở một khía cạnh nào đó, nó đang tạo ra những điều tốt đẹp: các thử nghiệm thuốc được đóng góp từ nguồn lực cộng đồng; các phong trào phát triển nhanh chóng nhân danh tình yêu và sự đồng cảm. Nhưng ở một khía cạnh khác, là trường hợp của ISIS hoặc sự gia tăng của nhóm người ủng hộ thuyết ưu việt của người da trắng, những kỹ năng tương tự như vậy có thể mang tính hủy hoại rất lớn. Các công cụ đưa chúng ta đến gần nhau hơn cũng có thể khiến cho chúng ta ngày càng xa cách hơn.
Những người đang xây dựng và quản lý các nền tảng rộng lớn hoạt động trên quyền lực mới đã trở thành những viên ngọc quý mới của chúng ta. Các nhà lãnh đạo này thường sử dụng ngôn ngữ của đám đông – “chia sẻ”, “mở rộng”, “được kết nối” – nhưng hành động của họ có thể lại là một câu chuyện khác. Hãy nghĩ đến Facebook, nền tảng về quyền lực mới mà hầu hết chúng ta đều biết rõ nhất. Đối với tất cả những biểu tượng thích và mặt cười mà chúng ta đang sử dụng, công ty này gọi đó là “quyền lực của sự chia sẻ”. Tuy nhiên, hai tỷ người dùng Facebook không được chia sẻ bất kỳ giá trị kinh tế nào do nền tảng này tạo ra. Cũng không ai cho chúng ta biết nó được quản lý như thế nào. Và Facebook không tiết lộ về các thuật toán đã được chứng minh rằng đang gây ảnh hưởng đến tâm trạng và lòng tự tôn cá nhân của chúng ta, thậm chí ảnh hưởng đến quyết định của chúng ta trong một số cuộc bầu cử. Khác xa với viễn cảnh tự do dịch chuyển hữu cơ như những người tiên phong về Internet trước đây đã mường tượng, có một cảm giác ngày càng tăng rằng chúng ta đang sống trong một thế giới của các trang trại cùng tham gia (participation farms), nơi mà một số lượng nhỏ các nền tảng lớn được dựng hàng rào bảo vệ và thu hoạch cho lợi ích riêng của người tạo lập, từ hoạt động tham gia hàng ngày của hàng tỷ người dùng.
Đối với nền dân chủ thì thách thức còn cam go hơn nhiều. Nhiều người từng hy vọng rằng sự gia tăng tính độc lập của truyền thông xã hội sẽ lật đổ được các nhà độc tài. Nhưng trên thực tế, một loại thế lực mạnh mẽ mới (strongman) đang gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới, được thực hiện bởi những công cụ mà một số người tin rằng có thể tạo ra tính dân chủ. Như trường hợp của Donald Trump. Tổng thống Trump trở thành thủ lĩnh của một đội quân truyền thông xã hội rộng lớn và phân cấp tới từng địa phương nhận sự điều khiển từ ông ta – và đổi lại những người này cung cấp cho ông những câu chuyện mới và các mẩu tin mang tính công kích. Đó là một mối quan hệ cộng sinh sâu sắc. Ông ta đã phản hồi lại trên Twitter cho những người ủng hộ cực đoan nhất của mình. Ông đề nghị trả chi phí pháp lý cho những người ủng hộ đã tấn công đoàn người biểu tình tại các cuộc diễu hành chống lại ông. Ông ấy đã điều khiển cường độ của đám đông không phải bằng cách khiến cho họ nghe theo những gì ông nói, mà bằng cách trao quyền để họ kích hoạt giá trị xung quanh ông. Hãy nghĩ về ông ấy như là một người nắm quyền trong nền tảng (platform strongman), người nắm vững các nguyên tắc quyền lực mới để đạt được mục đích độc tài.
Trong những chương tiếp theo, chúng tôi sẽ giải thích các động lực tạo ra các trang trại cùng tham gia và những người nắm quyền mạnh mẽ nhất trong nền tảng. Quan trọng hơn hết, chúng tôi cũng sẽ giới thiệu những câu chuyện về phương pháp chống lại các thách thức của chúng: những mô hình mới này thực sự thay đổi và phân phối quyền lực cho nhiều người hơn, cho cả những người có ít quyền lực nhất trong số chúng ta. Chúng ta sẽ tìm hiểu về những người tiên phong đang tạo dựng các phương thức để tái lập lại nền dân chủ, chứ không phải làm suy yếu nó, tìm cách chuyển đổi công dân từ những người đứng bên ngoài thù địch sang người đồng sở hữu và đối tác hữu dụng trong công việc của chính phủ. Chúng ta cũng sẽ khám phá về các tổ chức truyền thống – trong những bộ phận quan trọng của xã hội – đang chuyển đổi từ quyền lực cũ sang quyền lực mới. Chúng tôi hy vọng cuốn sách này sẽ trang bị cho những người đang chiến đấu vì một thế giới mở, dân chủ và đa nguyên hơn với các công cụ thiết yếu mà họ cần phải ưu tiên áp dụng.
Cuốn sách này lấy cơ sở từ những kinh nghiệm của chính chúng tôi trong việc tạo dựng các mô hình quyền lực mới và những nỗ lực để mang lại sự tham gia cho nhiều người hơn. Henry đã khởi xướng phong trào #GivingTuesday, một thông điệp từ thiện trở thành một phong trào, gây quỹ hàng trăm triệu đô-la cho các tổ chức từ thiện trên toàn thế giới. Jeremy đã tạo ra một phong trào chính trị có sự hỗ trợ từ công nghệ tại quê nhà của ông ở Úc, một phong trào địa phương từ vị trí hai mươi trở thành phong trào lớn nhất trong cả nước, và từ đó ông đã giúp khởi động nhiều phong trào hơn trên khắp thế giới thông qua tổ chức Purpose của mình, có trụ sở chính tại New York. Chúng tôi đã nhìn thấy những tiềm năng, cũng như những cạm bẫy của quyền lực mới, và giờ đây chúng tôi muốn chia sẻ những gì chúng tôi đã học được. Chúng tôi đã làm việc cùng nhau, tương tác với các doanh nghiệp và cộng đồng, để tìm hiểu kỹ hơn về những điều đang thay đổi, tại sao lại như thế và tất cả những gì chúng ta có thể làm.
Trong các trang sách tiếp theo, chúng tôi sẽ chia sẻ những gì chúng tôi đã khám phá được.