Tôi biết tự do là gì
Ngôi nhà tôi sống ở triền cao của một thị trấn nằm trên con dốc đứng. Đứng ngoài hiên, tôi có thể lờ mờ trông thấy phía dưới là mái nhà và sân thượng của những nhà lân cận. Sân thượng của ngôi nhà bên dưới được phủ một lớp sơn chống thấm màu xanh lục, thường khi đong đưa những dây phơi quần áo, cũng có khi chỉ là khoảng trống.
Mùa xuân rồi, trên sân thượng nhà bên dưới ấy xuất hiện một chiếc ghế gỗ. Và một thanh niên cởi trần bắt đầu ngồi phơi nắng trên chiếc ghế gỗ ấy. Để trở thành một đóa hướng dương cần phải có nhiều thời gian. Và cần cả một trái tim nhàn rỗi. Một người trẻ tuổi ngồi trên chiếc ghế gỗ đặt ở sân thượng vào một ngày giữa tuần, thả mắt về phía Tây Nam, không phải là một cảnh tượng thường thấy. Từ phía tôi chỉ thấy mỗi tấm lưng của cậu thanh niên, da thịt được giấu dưới những lớp áo quần suốt mùa đông ấy trắng tinh như bánh gạo hấp.
Mùa hạ sang, cậu thanh niên vẫn đều đặn ra ngồi trên chiếc ghế ấy, ngay cả vào những ngày ánh mặt trời bỏng rát. Cậu giống một người khách lữ hành đến từ vùng khí hậu quanh năm âm u nào đó. Nào ai biết trong lúc để cho ánh nắng phủ từng lớp lên người, trong tâm trí người thanh niên ấy đã lướt qua những gì. Tôi chỉ là một người lặng lẽ ngắm nhìn phong cảnh ấy từ một nơi cao hơn ngôi nhà cậu. Có nhiều thứ đã từng thời, từng khắc lướt qua tâm trí tôi trong khi ngắm nhìn những ngôi nhà liền kề, sân thượng, và cả bầu trời ở xa kia. Ví như, có nỗi nhớ đột nhiên ập đến như thể ai đó nhét đá lạnh vào lưng, hoặc những thứ tương tự cảm giác hoa mắt khi người ta nhận ra những điểm đến không thể nào đi tới. Với chàng thanh niên đó, có lẽ cũng có những chất chứa trong lòng hóa thành nỗi đau, có những điều mãi bị thờ ơ nên cuộc sống hóa thành vô vị.
Nhìn bóng lưng cậu thanh niên, trong tôi bỗng hiện lên một khung cảnh trong bộ phim Đời qua đôi kính 1. Những vị khách du lịch gặp nhau trên một hòn đảo không bắt được sóng điện thoại, đang tụ tập bên bãi biển. Và một thanh niên ngồi trên chiếc ghế được đặt hướng về phía biển, ngâm thơ.
1 Megane (hay Glasses) là một bộ phim hài Nhật Bản (2007), do Naoko Ogigami biên kịch và đạo diễn. Bối cảnh phim đặt tại một hòn đảo không tên của Nhật Bản, kể về một giáo sư đại học, trong kỳ nghỉ đã đến đảo và tiếp xúc với một số cư dân địa phương lập dị. - ND
Tôi biết tự do là gì
Hãy thẳng bước đi theo con đường
Đừng đến gần biển sâu
Tôi đã để lại phía sau những lời khuyên kia
Ánh trăng soi sáng con đường đã qua
Chú cá ngụp lặn trong bóng tối, ngời sáng như bảo thạch
Tôi ở đây, ngẫu nhiên được gọi là người
Tôi đã lo sợ điều gì
Tôi đã vật lộn với điều chi
Giờ là lúc bỏ đi gánh nặng oằn trĩu trên vai
Xin hãy cho tôi dũng khí
Dũng khí có thể nhớ về em
Tôi biết tự do là gì
Tôi biết tự do là gì.
“Tôi ở đây, ngẫu nhiên được gọi là người…”
Bài thơ ấy từng khiến tôi buồn nao lòng mỗi khi đọc đến đoạn này. Cậu thanh niên có làn da không dễ gì cháy nắng ở ngôi nhà bên dưới đó, hẳn cũng có những khoảnh khắc xa xăm lo sợ, hay tranh đấu với một điều gì đó. Ý tôi là, khoảnh khắc khi mà sự tồn tại mang tên “bất kể thế nào con người luôn phải tiến về phía trước” cay đắng tìm đến. Một người đang ngắm tấm lưng trắng ngần như nỗi buồn trong veo của cậu thanh niên dẫu không thể hiểu lòng cậu, là tôi, đã từng như thế.
Tôi biết ý nghĩa của việc sống những tháng ngày tuổi trẻ dường như không làm việc gì. Đó chính là trải qua những trận huyết chiến vô hình. Ngày qua ngày với ý nghĩ mình đã sống mà không làm gì, tự bản thân nó là một chuỗi kéo dài của những tranh đấu gian nan. Đánh nhau với tên quái vật không có mặt mang tên đời thường, kiên trì không đầu hàng trước những giá trị tôi không đồng ý... Đêm về, cả thân thể lẫn trái tim tôi đều buốt nhói, như thể vừa bị một kẻ nào đó choảng cho nát bét. Không biết chừng đáng ra tôi phải viết quyển sách về thời kỳ đó trước tiên. Vì những chuyện tôi muốn kể về khoảng thời gian đó nhiều không kém ai.
Nghĩ lại thì nhờ đã đi qua những tháng ngày dường như không làm gì đó mới có được tôi của giờ phút này. Vì từng có lúc tự mình nhụt chí khi nghĩ đến bản thân về hưu ngay trước khi thật sự sống một cách chân chính, nên hôm nay tôi mới có thể sống và viết những dòng này. Không hoàn toàn là một cái gì, nên có thể là tất cả mọi thứ, không nắm thứ gì trong tay, nên có thể mơ được về nhiều thứ hơn. Nhờ đã trải qua khoảng thời gian từng cảm thán vì một sợi tơ nhện đẫm sương trong khu rừng buổi sớm, nên tôi đã không thể trì hoãn việc tận hưởng sự đẹp đẽ của thế giới ngay sau khi về hưu.
Đúng thế. Không làm gì không có nghĩa là thu mình hoàn toàn khỏi cuộc sống nhộn nhịp ngoài kia. Tôi lẽ ra đã phải hiên ngang, đường hoàng hơn, tuyên bố “Tôi đang nghe thấy một thanh âm thúc giục khác”, thay vì than vãn rằng mình đã chẳng làm được gì nên cơm cháo.
Thật ra, không tồn tại một ngày nào mà ta không làm gì cả. Dù ngày đó có vẻ như chẳng làm gì, thì con người vẫn chầm chậm hướng về một đích đến nào đó. Không có quãng thời gian nào bị trôi qua một cách phí hoài. Chỉ là chúng ta đã không thật sự cảm nhận được, bởi sự nóng vội và tham vọng, hai điểm yếu chí mạng của con người.
Những thứ đến sau quãng thời gian không làm gì
Quyển sách này là ấn phẩm tái bản của quyển Quyền không làm gì phát hành mùa hè năm 2012. Tương tự việc giữ nguyên vẹn tựa sách, nội dung lần tái bản này không có nhiều khác biệt so với ấn phẩm đầu tiên. Tôi đã lược đi một số đoạn không còn phù hợp với tình hình thực tại, thay đổi cách trình bày và các đề mục nhỏ. Tôi cũng thay đổi một vài cách diễn đạt, nhưng đều trong phạm vi cho phép của chủ đề. Dù vậy, tôi nghĩ việc thay đổi thiết kế và ảnh minh họa để tạo ra một diện mạo mới sẽ giúp những câu chuyện trong quyển sách này của tôi vẫn còn giá trị, bất chấp thời gian trôi qua.
Có nhiều phản ứng khác nhau sau khi ấn bản này phát hành. Có người gọi đây là “một quyển sách nguy hiểm”, cũng có nơi nhờ tôi giảng về nội dung sách, nhưng sau đó lại thông báo hủy vì bị cấp trên phản đối. Nếu cuốn sách này có gây ra hiểu lầm hay tranh cãi, thì tôi cho rằng đó là vì cuốn sách đã chạm vào điểm không thoải mái của xã hội chúng ta. Trong một bầu không khí, nơi mà lý luận về hiệu quả, năng suất và cạnh tranh áp đảo tất cả mọi thứ, tôi biết việc nói về quyền không làm gì dễ bị bóng gió là một sự kích động nguy hiểm, một lời biện minh của kẻ thua cuộc.
Nói thì nói vậy, nhưng khi đọc những bình luận như dưới đây, tim tôi vẫn đập rộn ràng.
“Tôi chọn quyển sách này vì không muốn làm gì cả. Nhưng lạ lùng thay là sau khi đọc xong, tôi lại muốn làm một điều gì đó. Ví như đi một cách vô định, hay đọc cuốn Walden 2 của Thoreau...”
2 Quyển sách về đề tài chiêm nghiệm sống của tác giả Henry David Thoreau, đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam với tựa Walden - Một mình sống trong rừng.
Những phản ứng thế này không phải chính là sự thấu hiểu sâu sắc lời của nhà thơ Fukuda Minoru sao.
“Nếu nói sự lười nhác đang nở rộ, điều đó cũng chỉ đúng với những giá trị do xã hội xem trọng chứ không phải với bản thân mỗi người.”
Mặt khác, tôi cũng thận trọng hơn bởi sợ rằng những lời lẽ như quyền không làm gì sẽ chỉ là lời sáo rỗng với những người muốn làm điều gì đó cũng đều không có cơ hội. Vì lẽ đó, tôi muốn làm rõ thêm một lần nữa chí hướng của quyền không làm gì. Quyền không làm gì ở đây muốn nói đến quyền được tự do khỏi những xu thế, khuynh hướng mà xã hội này xem trọng, những thứ không thuộc về giá trị hay tín niệm của bản thân. Đây cũng chính là bản tuyên ngôn quyền lợi cần thiết cho những người đã bị tổn thương vì trót yêu cuộc sống này quá nhiều.
Đoạn thời gian không làm gì đó chính là để nuôi dưỡng sự thong thả và sáng tạo, để có thể chống chọi lại một cuộc sống luôn bắt con người phải làm một điều gì đó. Trong lịch sử nhân loại có đầy những ví dụ dẫn chứng cho điều này đến mức khiến tôi khó mà chọn lựa.
Đầu tiên là giai thoại về Vương Mông, một trí thức tiêu biểu của Trung Quốc từng bốn lần được đề cử giải Nobel Văn học. Ông là người gặp thời, sớm nổi lên trong phong trào cách mạng khi mới 14 tuổi. Chỉ vì một tiểu thuyết ngắn mà Vương Mông bị quy vào phe cánh hữu, bị đưa lên Khu tự trị Tân Cương từ năm 29 tuổi, 16 năm ròng sống đời lưu đày. Điều này chẳng khác gì từ lúc 29 tuổi, độ tuổi tràn đầy sinh khí nhất đời người, cho đến năm 45 tuổi, ông đã nhìn đời bằng đôi mắt của xã hội loạn lạc và sống phần đời không làm gì. Vương Mông đã sống sót qua quãng đời đó như thế nào. Ông đã học ngôn ngữ của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, ăn ngủ và làm việc cùng với những người nông dân vùng biên cương đó. Học ngôn ngữ của một dân tộc thiểu số là một việc khá hy hữu thời đó, nhưng để có những lợi ích thực tế thì phải làm vậy. Mãi năm 46 tuổi ông mới được phục chức và quay về Bắc Kinh. Không phải là ngẫu nhiên mà tác phẩm tiêu biểu nhất của Vương Mông chỉ được viết khi ông đã bước sang những năm cuối độ tuổi 40.
Và không thể bỏ qua trường hợp của Henry David Thoreau. Tác phẩm nổi tiếng Walden được phát hành tận 10 năm sau khi ông rời khỏi khu rừng ven đầm Walden. Không cần nhấn mạnh rằng đến tận khi ra mắt sách và trong suốt đời người, quãng thời gian 2 năm 2 tháng sống ở vùng Concord là một tài sản tinh thần vô cùng lớn với Thoreau. Walden là một trong số những quyển sách quan trọng nhất đếm trên đầu ngón tay được viết vào thế kỷ 19. Những quyển sách thế này có thể ra đời được là nhờ vào những tháng ngày có vẻ như không làm gì cả, nếu xét theo hệ giá trị vốn có.
Yêu một tôi-nhàn-rỗi
Khi thời đại ngày càng có xu hướng muốn cả thế giới phải thông minh hơn, và chỉ cần lộ ra chút khí sắc mệt mỏi cũng sẽ được xem như một dấu hiệu của sự đào thải, thì việc thực thi quyền không làm gì hay làm theo những điều mình mong muốn cần một dũng khí rất lớn. Chủ nghĩa Tân tự do luôn phô trương sự tồn tại của bản thân bằng sự uy hiếp theo kiểu nếu không đuổi theo những huyền thoại của hiệu suất và tăng trưởng, ắt sẽ bị tụt lại phía sau. Nếu không có niềm tin riêng để có thể đường hoàng đối mặt với những kích động như thế, con người chỉ có thể sống chật vật trong sự bất an, thấp thỏm và bất mãn.
Chúng ta, dù biết rõ cuộc đời nhìn chung sẽ hướng theo một sự cân bằng nào đó, thì thỉnh thoảng vẫn có những mong muốn mâu thuẫn. Vừa muốn tận hưởng sự ổn định, lại không muốn bỏ lỡ những thử thách và mạo hiểm, thứ mang lại cảm giác tồn tại thật sự. Vừa muốn có những thứ người khác có, lại mong được nếm thử hương vị của những niềm vui đạo đức đến từ một cuộc sống thuần khiết, giản đơn và đúng đắn về mặt sinh thái. Dù thừa nhận bản thân của hiện tại, nhưng khi trông thấy một ai đó sống cuộc đời tuyệt vời và kịch tính hơn thì lại trở nên lo lắng rằng hình như chỉ mỗi mình là sẽ kết thúc cuộc đời với một vai trò đã được định sẵn. Với những người như vậy, thông điệp quyển sách này muốn nói rất đơn giản. Đó là:
“Không sao đâu. Những mong muốn đó chẳng gây ra bất cứ trở ngại nào cho cuộc đời cả.”
Càng sống tôi càng thấy quả là thế thật. Cuộc đời thật sẽ không gặp bất cứ trở ngại nào vì những mong muốn đó, ngay cả khi chúng ta bỏ lỡ mất những điều mình vẫn tưởng là “không có điều đó thì đời mình chấm hết” – những điều vẫn đang kiềm tỏa chúng ta. Chúng ta, vẫn cứ là chính mình, như cũ.
Người chưa từng suy ngẫm về những điều bản thân thật sự muốn làm trong khoảng thời gian không làm gì đó, sẽ không biết cách thật tâm thấu hiểu người khác. Thật khó để một người chưa từng lo nghĩ về sự tồn tại của bản thân trong vũ trụ và tự nhiên bao la này hình dung được những khó khăn, tâm tình tuyệt vọng người khác phải đối mặt, như thể chính mình cũng trải qua những điều đó. Vượt khỏi phạm trù con người, năng lực đồng cảm với vết thương của một gốc cây, một con chim như thể nỗi đau của chính mình, cũng tương tự vậy.
Người chưa trải qua quãng thời gian nhàn rỗi thường không quen chờ đợi. Tất cả mọi việc đều có thời điểm, nên chúng ta chỉ cần sống tận tâm từng phút một với hiện tại. Điều “chẳng là gì” vào buổi sáng có thể trở thành hạt giống khởi nguồn cho điều “vô cùng lớn lao” sẽ xảy ra vào đêm tối. Những cơ hội quý giá mang lại cảm giác thực rằng bản thân đang sống chân thành rồi sẽ tìm đến, khoảnh khắc mà chúng ta buông bỏ hết những suy nghĩ rằng ta phải trở thành một người nào đó, phải làm một điều gì đó. Quyển sách này chính là câu chuyện về những khoảnh khắc như thế.