Bước đi theo tốc độ của riêng mình
Có một hạng mục thể thao gọi là đi bộ điền kinh 1. Đây là môn vận động mà thắng thua được quyết định bởi việc đi nhanh hơn trong một quãng đường đã định. Có hai nguyên tắc quan trọng trong môn đi bộ điền kinh, không được đồng thời đặt hai chân xuống mặt đất, và chân trụ chống đỡ cơ thể không được gập mà phải luôn duỗi thẳng.
1 Đi bộ điền kinh là một phân môn cự ly dài thuộc môn điền kinh, quãng đường đi bộ có thể dài từ 3km tới 100km. - ND
Do đó, khi nhìn những vận động viên đi bộ sải bước, bạn sẽ thấy mông họ đánh sang trái, phải và họ tiến về phía trước giống như đang nhảy múa.
Việc vất vả nhất trong đi bộ điền kinh không phải là lập các kỷ lục xuất sắc, cũng không phải là vượt qua giới hạn của thể chất, mà là chịu đựng ham muốn được chạy nhảy. Nếu chạy thì hai đầu gối có thể gập duỗi một cách tự do, và dĩ nhiên càng có thể đến đích nhanh hơn. Thế nhưng, ngay khi các vận động viên đi bộ bắt đầu chạy, họ sẽ bị tước quyền thi đấu, bởi họ đã phạm vào nguyên tắc quan trọng nhất của trận đấu. Nguyên tắc nhẫn nại bước đi bằng sải chân của riêng mình dù kết quả lẫn đích đến đang hiển hiện trước mắt. Nguyên tắc chịu đựng sự nôn nóng muốn đốt cháy giai đoạn và ngay lập tức đi đến kết quả.
Cuộc sống cũng hệt như một cuộc thi đi bộ điền kinh vậy.
Những khi thấy như người khác đang chạy, đang bay, chỉ riêng mình vẫn giậm chân tại chỗ, bạn chỉ cần có thể tự nhủ rằng nguyên tắc cuộc đua mà mình tham gia có sự khác biệt, rằng bạn đang sử dụng cơ bắp trong chừng mực thích hợp và vui với từng bước đi của mình, thì bạn hẳn là một người hoàn toàn lý trí và đầy can đảm.
Không phải tất cả mọi người đều phải chạy như một vận động viên điền kinh hay một vận động viên ma-ra-tông.
Tôi chỉ cần đi bằng sải chân hợp với mình, bằng nhịp bước hợp với cơ bắp mình. Trên đường đi, nếu có bắt gặp những phong cảnh khiến tôi muốn rơi nước mắt, hay những con người tốt đẹp đến mức không thể bỏ lỡ, tôi sẽ cảm động, hân hoan ngỡ ngàng vì được tiếp xúc với những diệu kỳ của cuộc sống…
Tại sao chúng ta không thể nghỉ ngơi với trái tim thanh thản?
Tôi có lần được nghe kể chuyện về việc Trí Quang Đại sư (Pomnyun Sunim) 1, người dẫn dắt Hội Tịnh Độ (Jungdo) từng bị áp giải đến Cục Công an và chịu tra tấn tại đây vào thời chính quyền độc tài quân sự.
1 Pomnyun Sunim là một tu sĩ Phật giáo Hàn Quốc.
“Cô có biết đâu là lúc đáng sợ nhất khi bị tra tấn không? Tra tấn bằng điện? Tra tấn bằng nước? Tất cả đều không phải. So với khi bị tra tấn, khoảnh khắc nghỉ giải lao đáng sợ hơn nhiều, đến mức da thịt cũng run rẩy. Giải lao là lúc những người tra tấn tôi ngồi nói chuyện phiếm với nhau. Nào là lo lắng vì thành tích học tập của con họ không đi lên, nào là rủ nhau tan ca đi làm chén rượu… trong khi tôi đang đông cứng người vì nỗi sợ một đợt tra tấn mới lại bắt đầu khi giờ giải lao kết thúc.”
Lời của Trí Quang Đại sư thỉnh thoảng lại hiện lên những khi tôi được nghỉ giải lao giữa cuộc sống bộn bề công việc. Cơ hội hiếm hoi có thể nghỉ ngơi thường đến khi bản thân đã chạy đua đến kiệt quệ. Thế nhưng càng quen dần với việc chỉ có chạy, tôi càng chật vật trong nỗi bất an thay vì nghỉ ngơi cho tốt. Giống một người đang khổ não: “Đợt tra tấn tiếp theo sẽ đau đớn đến mức nào đây? Liệu mình có vượt qua được không?”.
Mỗi khi viết sách, bán kính sinh hoạt của tôi thu hẹp lại vừa bằng khoảng không của những con thú cưng được nuôi trong căn hộ chung cư. Như những chú chó sống đời nuôi nhốt, luôn đợi chờ thời khắc được dắt đi dạo, việc ra ngoài vào lúc mặt trời lặn cũng trở thành lạc thú to lớn với tôi. Chỉ có điều, tôi còn làm những việc mà những chú chó không bao giờ làm. Tạm bỏ lại phía sau những thể loại mạng có hay không có dây đã từng thân thuộc, tôi làm những việc như viết thư tay, nghe radio, hoặc chầm chậm theo dõi nhịp hít vào thở ra lên xuống giữa bụng và xương sống.
Từng ngày, từng ngày trôi qua một cách có nguyên tắc. Những hôm có mưa hoặc gió to, tôi sẽ không ra ngoài đi dạo. Qua ô cửa sổ, tôi dõi theo sự phai mòn chầm chậm của những mái nhà hàng xóm vốn đã cũ kỹ. Tôi để lên dĩa túi lưới lọc cà phê bên trong có lớp bã hạt còn sót lại sau khi nước cà phê đã nhỏ hết, rồi ngửi mùi của đám bã ấy. Và tôi hay mường tượng về một chuyến hành trình cho đến khi mùi đất mơ hồ của đại lục xa xôi, mùi nắng hong khô hạt cà phê đến được với tôi.
Hễ mà thời kỳ viết lách rơi vào những ngày xuân hoa nở trắng rợp như cốm rang nổ, hay những ngày thu lá phong phủ kín núi đồi là tôi lại thấy khổ sở. Bởi tôi muốn được là một người thưởng thức thay vì chỉ là người quan sát bốn mùa. Nhưng thay vì thật sự làm vậy, chỉ có những quyết tâm trong tôi ngày càng dâng cao. Tôi tự nhủ mình sẽ nghỉ ngơi thật tốt. Chỉ cần hoàn thành đợt sáng tác này, chỉ cần kết thúc tốt đẹp công việc này thôi, tôi nhất định sẽ nghỉ ngơi thật tốt. Tôi sẽ sống vui vẻ đến mức đủ để ghi vào sách kỷ lục Guinness. Tôi quyết tâm, rồi lại quyết tâm.
Thế nhưng, là một người đã đôi lần vướng phải quá trình này, tôi biết rõ rằng tôi không thể nào thật sự nghỉ ngơi một cách tử tế được khi việc phải làm chỉ mới ở giai đoạn nghỉ giữa giờ. Rằng việc tôi dễ để mặc thời gian trôi trong trạng thái lưng chừng không đồng nghĩa với việc mình đang nghỉ ngơi vì không làm việc.
Tôi có một người quen là giáo viên trung học phổ thông. Sau suốt một năm chăm chỉ chuẩn bị, năm nay người bạn ấy đã được chọn vào một dự án nghiên cứu do Sở Giáo dục làm chủ quản, được trải qua một năm tự do nhàn rỗi. Người bạn này đã từng rất ghen tỵ với tôi, một trường hợp ngoại lệ có nhiều thời gian ngủ nướng vào buổi sáng và không bị trói buộc bởi việc đi làm mỗi ngày. Nay vừa đúng lúc ước nguyện của bạn trở thành sự thật, niềm vui ấy không biết lớn đến nhường nào. Vào ngày khai giảng sau khi kết thúc kỳ nghỉ đông, người bạn ấy đã gọi điện cho tôi và tuyên bố.
“Mình hôm nay sẽ đi bộ chậm thôi. Rất chậm. Có việc cần đi xa mình cũng sẽ không lái ô tô đâu. Mình sẽ phải đi chầm chậm bằng tàu điện và xe buýt thôi. Cậu hỏi tại sao à? Hôm nay là ngày tất cả mọi người đều đi làm mà. Và là ngày đầu tiên mình không cần phải đi làm. Ha ha ha!”
Trong giọng nói của người bạn ấy tràn ngập sự nôn nao lẫn hoạt khí chào đón một buổi sáng tự do sau hàng chục năm sống đời giáo viên. Tôi đã thử tưởng tượng cảnh người bạn vừa chầm chậm bước đi trên con đường buổi sáng thường ngày và tận hưởng sự tự do. Bạn ngồi trong quán cà phê tỏa đầy mùi bánh mì mới ra lò và nhâm nhi một tách cà phê nóng. Trên đường, đông đúc những người qua lại đang bận rộn đi đến một nơi nào đó. Một buổi sáng bầu trời trong veo nhiều mây trắng như vừa đổ đầy nước vo gạo, với những chú chim đậu trên dây điện tận hưởng ánh mặt trời. Nghĩ đến một buổi sáng không cần làm gì khiến tim tôi đập rộn ràng.
Những người thật lòng khao khát một sự giải lao và chuẩn bị cho điều này sẽ biết cách toàn tâm tận hưởng quãng thời gian đó. Nghỉ ngơi là việc thật tốt. Chúng ta biết rõ cần có dũng khí và trí tuệ cho công việc đơn giản này. Vì sự chán nản triền miên mà cuộc sống thường nhật mang lại sẽ không nhẹ nhàng rời đi chỉ bởi giờ giải lao đã đến.
Đảo Yoron thuộc tỉnh Kagoshima, Nhật Bản là một nơi hẻo lánh khó bắt được sóng điện thoại. Có hai người phụ nữ đến đây, xuất hiện tại sảnh chờ sân bay và kéo theo vali du lịch. Một người là bà Sakura, một bà lão nhưng trông vẫn còn trẻ trung cứ định kỳ lại tìm đến với hòn đảo này, người còn lại là một giáo sư trung niên, vì tìm kiếm một nơi nghỉ ngơi yên tĩnh mà lần đầu tìm đến hòn đảo. Bộ phim Nhật Bản Đời qua đôi kính đã bắt đầu như thế. Chủ nhà nghỉ trên hòn đảo này nói: “Nếu tôi treo bảng hiệu lớn, khách sẽ đến đầy ra đấy. Thế này là vừa đủ”, và ông treo, nửa như muốn giấu đi, một tấm bảng hiệu bé cỡ lòng bàn tay. Không biết có phải nhờ thế mà hai người phụ nữ này đã là toàn bộ khách trọ. Chủ nhà nghỉ nói với giáo sư rằng cô là vị khách đầu tiên trong ba năm nay tìm đến nhà nghỉ này lần đầu tiên mà không bị lạc đường.
“Cô quả là có tư chất. Tư chất để ở lại nơi này...”
Nhưng không lâu sau đó, “tư chất” của vị khách trọ nữ này đã được bộc lộ. Đặt chỗ ở một hòn đảo không nhiều người tìm đến, và tại một nhà nghỉ đặc biệt, đến cả việc chọn thời điểm du lịch là đầu xuân không quá đông người thì rõ ràng là có đầu óc, cũng là may mắn của cô. Thế nhưng, người phụ nữ này hoàn toàn không thể hiểu được những người dân trên đảo. Mỗi buổi sáng, họ ngồi với tư thế quỳ gối vô cùng nhã nhặn và đợi đến khi khách trọ thức giấc để gửi lời chào buổi sáng. Sự tử tế này khiến cô khó xử. Cô cũng không thoải mái với việc cùng dân làng tập các bài thể dục trên bãi biển, hay việc bà Sakura không ngừng mời cô ăn đá bào đậu đỏ bà ấy tự tay làm.
“Tôi no rồi ạ.”
“Không cần đâu ạ.”
Người phụ nữ này luôn thể hiện thái độ muốn vạch rõ ranh giới và trịnh trọng từ chối mỗi khi nhận một lời rủ rê cùng làm gì đó.
Một buổi sáng, trong lúc dùng bữa trên bàn ăn sáng được chuẩn bị khá tươm tất, người phụ nữ hỏi:
“Tôi định hôm nay sẽ đi tham quan một chút, không biết có chỗ nào hay hay không?”
Chủ nhà nghỉ và bà Sakura nhìn nhau, biểu cảm có chút bất lực.
“Tham quan à? Nhưng ở đây không có chỗ nào đáng để tham quan.”
“Vậy những người đến đây chơi, rốt cuộc họ làm gì?”
Chủ nhà nghỉ trầm tư một lúc rồi trả lời.
“Ừm… họ đến để suy ngẫm?”
Người phụ nữ nghiêng nghiêng đầu, dù có tự đắm mình vào sự suy ngẫm thì cũng chỉ một hai ngày thôi. Cuộc sống thường nhật quả thật quá đỗi đơn điệu khi chỉ tới lui giữa bãi biển và nhà nghỉ. Cô định ra khỏi nhà nghỉ nhạt nhẽo và thiếu sinh khí ấy, chuyển đến một chỗ trọ khác. Chủ nhà nghỉ tiễn cô đi với thái độ lãnh đạm và lôi ra một tấm lược đồ mang đậm dấu ấn cá nhân.
“Hãy đi đến khi xuất hiện một ngã rẽ khiến cô băn khoăn do dự thì đi tiếp hai phút nữa. Chỗ cô muốn đến nằm phía bên phải”, kiểu như thế. Người dân đảo, một cách khác thường, lại rất giỏi tìm đường chỉ với tấm lược đồ sơ sài như thế. Đi mãi đến lúc xuất hiện một ngã rẽ khiến mình do dự, người phụ nữ đi thêm một đoạn nữa thì quả thật xuất hiện một ngã ba đường, ngay khi vừa rẽ vào con đường bên phải, cô đã gặp được nơi cần đến. Tấm lược đồ ấy là một bản chỉ dẫn đã vượt khỏi khuôn mẫu sáo rỗng của tính hiệu quả, hợp lý và các phép toán để lay động trái tim con người.
Sau một hành trình tả xung hữu đột và quay lại với nhà nghỉ ban đầu, người phụ nữ ấy sau cùng đã nắm bắt được cách tận hưởng hòn đảo này. Cô ra bãi biển mỗi sáng, vừa ngắm biển cũng vừa để tham gia bài thể dục được dẫn dắt bởi bà Sakura. Cô vừa nghe chủ nhà nghỉ kéo đàn mandolin, vừa ăn món đá bào đậu đỏ ngon lành, ngắm mặt biển màu xanh ngọc và đắm mình vào hòn đảo. Cứ thế, ngay khi cô mở lòng mình hòa vào tự nhiên và con người ở đây, hoạt khí và tự do bỗng ngập tràn trong cuộc sống tưởng chừng chỉ có sự vô vị trên hòn đảo.
Bộ phim lặng lẽ cho người xem thấy rằng việc có thể đắm mình trong sự tạm nghỉ chân chính là bất khả thi nếu không có luyện tập, một tấm lòng rộng mở và dũng khí dẹp đi cái tôi. Tạm nghỉ ngơi không phải là cứ giữ nguyên bản thân mình, mà là cơ hội có thể dấn thân vào một thế giới hoàn toàn khác so với những gì tồn tại trước đây.
Thỉnh thoảng, tôi lại nghĩ đến lời thoại của chủ nhà nghỉ trong phim.
“Cô quả là có tư chất ở lại nơi này.”
Tôi quả nhiên có tư chất để lưu lại hành tinh này chăng? Tư chất ấy, không biết chừng được đánh giá bằng “có thể hay không, việc từ bỏ phương thức cố hữu của mình và đắm mình trong vẻ đẹp của thế giới” thay vì “có thể hay không, việc kiên trì và bền bỉ tiến về mục tiêu, quả cảm, quyết đoán để thành công”. Không phải sự thành bại trong công việc, mà là việc tôi có thể nghỉ ngơi hoàn toàn hay không mới là đáng giá. Nếu cứ đứng yên, tâm trí tôi sẽ dao động như thể tôi sắp đẩy mình về một thế giới của các kế hoạch và lo âu. Tôi cần học cách nghỉ ngơi một cách tử tế, để có thể gắn chặt hạnh phúc vào giây phút hiện tại này.
Nhà kinh tế học người Áo Joseph Schumpeter đã từng nói “trong xã hội tư bản chủ nghĩa, đối thủ duy nhất mà các doanh nghiệp phải khơi màu cạnh tranh chính là thời gian”. Ôi chao, phải xem thời gian như đối tượng cạnh tranh! Con người quả là một tồn tại vô minh và bất hạnh xiết bao. Bởi vì chỉ đến lúc hối hận, buồn bã và mệt mỏi cực hạn, họ mới đành miễn cưỡng tiếp nhận sự nghỉ ngơi ập đến với mình.
Tôi cũng từng một thời cố gắng hạ mình trong tiếng hô hào “Nhanh lên, nhanh lên nữa!” của thế giới đầy rẫy giày vò, để giảm bớt, dù chỉ đôi chút, quãng thời gian trôi qua một cách vô ích. Tôi lên thời gian biểu sít sao đến từng phút, thậm chí còn dè sẻn cả thời gian ăn, thời gian ngủ của mình. Dường như tôi phải sống như thế nếu muốn nhận được sự tán dương từ con quái vật mang tên “quản lý cá nhân” hay “quản lý thời gian”, thứ bắt đầu thịnh hành từ thời Benjamin Franklin. Có đôi khi tôi cứ ra sức chạy, vờ như không nghe thấy tiếng gào thét bên trong cơ thể đang kiệt quệ của mình. Sau khi đã gắng hết sức để sống đa dạng, đầy kịch tính như thể mấy cuộc đời đã trôi qua trong một thời gian ngắn, cũng là lúc sự u uẩn, nản lòng và bất mãn tìm đến tôi. Đó là những ngày bất an, cứ như tôi đang bước trên mặt sông vừa kịp đóng một lớp băng mỏng. Cảm giác rằng tôi đang sống một cách đúng nghĩa không thể được tìm thấy trong những phút giây của sự chăm chỉ và mệt mỏi miễn cưỡng ấy.
Đôi khi, lắng tai nghe những tín hiệu báo dừng đang vang lên trong nội tâm chúng ta được xem là việc xa xỉ. Đó là khi ta phải miễn cưỡng nghỉ ngơi do đột ngột bị cho thôi việc hay bị bệnh. Chúng ta bất an, sợ rằng đây lẽ nào là một sự đảo ngược cuộc đời mãi mãi, lẽ nào bản thân sẽ trở thành một sự tồn tại không được mọi người chào đón. Thậm chí, ta còn cảm thấy có lỗi nếu bản thân không làm gì. Đó là bởi ngay từ bé, chúng ta đã lớn lên trong sự thấm nhuần quan điểm thành kiến rằng rảnh rỗi, quanh quẩn ra vào hay không làm gì đều là chuyện xấu.
Nhiệt tâm (熱心), giải nghĩa theo đúng câu chữ có nghĩa là dốc lòng một cách say mê cho đến khi phát nhiệt. Từ lâu, từ nhiệt tâm, hay có thể hiểu là chăm chỉ này, đã trở thành hệ tư tưởng và văn hóa trói chặt ý thức chúng ta. Không ai bị bắt giữ vì chống đối lại nền văn hóa này cả, thế nhưng, cảm giác bất an không biết chừng bản thân đã trở thành một người ngoài lề còn đáng sợ hơn cả ngục tù.
Chúng ta đã sống cũng quá chăm chỉ, nhiệt tình rồi. Có lần tôi từng nghĩ, có hai loại người dám đi ngược lại văn hóa “chăm chỉ” trong xã hội cạnh tranh của Chủ nghĩa Tân tự do lạnh lẽo. Hoặc là những người Bohemian không quan tâm đến tập quán thế tục; hoặc là những người có sẵn trong tay sự giàu có và thời gian đủ để tận hưởng thỏa thích quyền không làm gì. Giờ thì tôi đã biết, rằng cánh cửa để có thể đi vào thế giới của quyền không làm gì cả rất gần, khi ta có sự quyết đoán và dũng khí.
Tôi thường mở sách Trang Tử ra và đọc một chương bất kỳ, mỗi khi muốn đạp phanh cuộc sống thường nhật đang phi nước đại này. Từ lâu tôi đã yêu vị triết gia này, người từng nói một cách nghịch thuyết về triết học vô vi, tính hiệu quả của vô vi.
“Nếu biết đâu là điều bản thân không thể khống chế, biết cách thuận theo lý lẽ không thể khác của tự nhiên và nếu biết cách sống hòa bình, thì bạn đã đạt tới cái đức (德).
Hãy cứ làm điều bạn có thể làm.
Bất cứ điều gì xảy đến đều là chuyện tốt.”
Trang Tử từng nói đại ý như thế. Rằng khát vọng một cuộc sống hoàn hảo và dồn ép bản thân tự nó là một việc phản lại nguyên tắc sinh mệnh hài hòa của vũ trụ. “Hãy cứ làm điều bạn có thể làm. Bất cứ điều gì xảy đến đều là chuyện tốt”. Mỗi khi đọc đến đoạn này, tôi đều cảm nhận được một nguồn năng lượng tốt đẹp và mạnh mẽ. Cứ thế, tôi tồn tại vẹn nguyên không toan tính điều chi, bỏ gánh nặng khỏi cơ thể lẫn trái tim và để mọi thứ đi theo lẽ tự nhiên. Chỉ cần làm được điều này, chẳng khác gì tôi đã thụ lĩnh được thiên tư lưu lại trên hành tinh mang tên Trái đất này.
Không đặt mục tiêu 100 điểm
Tôi bắt đầu mất tự tin một cách kinh khủng khi bước qua tuổi 30. Có một giai đoạn, lý do cho điều này được tôi lý giải bằng việc bản thân đã không thể nhận được đầy đủ sự khích lệ từ thuở bé. Ngay cả khi tôi mang về giải thưởng hay bảng điểm không đến nỗi nào ở trường, người lớn cũng chỉ thoáng cười lạnh nhạt. Bấy nhiêu đã là toàn bộ cái gọi là phản ứng. Thế nên, tôi thậm chí đã cảm thấy như bị phản bội, khi biết được những lúc không có tôi, họ thật sự đã lấy những kết quả tôi đạt được để tự hào, hãnh diện với hàng xóm. Thời điểm những chuyện như vậy, sau quá trình đi vòng quanh và truyền đến tai tôi, đã là sau khi tôi không còn quan tâm đến việc nuôi dưỡng lòng tự tôn thông qua phản ứng của người khác.
Có lẽ vì thế chăng mà tôi đã sống ngược ngạo qua thời tuổi trẻ. Ở độ tuổi ngập tràn sinh khí lẫn tinh thần chinh phục đến mức có thể gây ra một tai nạn nào đó, tôi đã chỉ sống phủ phục. Có người sẽ đánh giá đó là bộ dạng thận trọng và khôn ngoan, nhưng chính tôi không hiểu sao mình lại có cảm giác túng quẫn và ngột ngạt, như thể tôi đang sống mà bỏ lỡ điều quan trọng nào đó.
Cứ thế, trong thời kỳ mà những người khác tùy ý ước định giá trị của bản thân và phân rõ những gì phải chấp nhận, những gì cần thoát ra khỏi, thì tôi, trái lại, đã sống một cách nguy kịch như thể bùng cháy tất cả nguồn năng lượng dồn nén bấy lâu. Nhưng có lẽ nhờ vậy mà tôi đã cân bằng được cuộc sống của mình theo cách này hay cách khác.
Cạo trọc đầu vào năm 29 tuổi là toàn bộ những việc tôi đã làm để thể hiện bản thân theo phương thức mãnh liệt nhất. Nếu tôi có một lý do hoành tráng mang tính chính trị, kinh tế xã hội nào thì những sợi tóc rơi lả tả xuống sàn nhà tiệm hớt tóc chắc sẽ bóng loáng như lòng tự hào của tôi, đáng tiếc là không có chuyện như thế. Chỉ là, có lẽ sau khi bước qua tuổi 30, tôi dường như không thể làm lại những chuyện như thế nữa. Dự cảm này đã được chứng minh là đúng. Những nhu cầu như thế thật sự không đến hai lần, chỉ vì tôi đã qua tuổi 30. Mùa đông năm ấy, tôi đã đội mũ len suốt vì không đủ tự nhiên, đường hoàng với quả đầu trọc ấy. Đó là một tuổi trẻ hoàn toàn không có lòng dũng cảm…
Những năm đôi mươi, tôi đã nghe vô số lời khích lệ mỗi khi bản thân trưng ra bộ dạng thiếu tự tin.
“Em có thể làm được. Em có thể làm bất cứ việc gì, chỉ cần em quyết tâm.”
“Em tự kiểm soát bản thân mình thái quá rồi đó. Gì thì gì, cứ thử trước đã.”
Nhưng vào thời điểm đó, tôi đeo một cái bịt tai chất liệu còn dày hơn cả sắt thép. Những lời nói đó sớm đã rớt xuống chân trước khi chạm đến tim tôi.
“Mình cũng sẽ nói những lời như thế.”
Nó nghe như một âm thanh sáo rỗng bởi với tuổi trẻ – hãy xem đây chính là tài sản, cũng là động lực – những lời nói ấy đã quá hiển nhiên. Tôi đã mong đợi một lời khuyên đáng giá 100 điểm, cho phép tôi một lần nhìn thấu cốt lõi cuộc đời. Giống như trong khi các bạn đồng trang lứa vẫn đang đi qua lại trước lối vào con đường leo núi, đâu đó sẽ có một cao thủ cuộc đời chỉ cho bạn lối đi tắt, ít dùng sức hơn và rút ngắn thời gian hơn. “Cứ thử một lần đi”, những lời này phải sau khi tôi đã lao đầu vào cuộc sống, đã vất vả đến trầy trụa thì mới bắt đầu có sức lay chuyển hơn.
Phải qua nhiều năm tháng tôi mới hiểu, cao thủ cuộc đời thật sự là một người biết được nhân sinh đáng giá 100 điểm chẳng qua chỉ là ảo tưởng. Và đến giờ tôi mới biết, rằng cao thủ thật sự còn tin tưởng sắt đá khi nghe ai đó nói bản thân anh ta có khả năng. Vì tin tưởng mình là một tài năng cũng là may mắn.
Những người đã có từ 12 đến 20 năm lớn lên cùng việc thi cử trong một hệ thống giáo dục chế độ hóa như chúng ta đã luôn sống và theo đuổi một cuộc đời đáng giá 100 điểm. Thời học sinh, sau khi thi xong, các giáo viên thường trả lại bài thi đã chấm điểm và nói.
“Các bạn 100 điểm đứng lên nào.”
Khoảng hai ba bạn sẽ đẩy ghế ra sau, đường hoàng đứng dậy.
“Vỗ tay nào các em!”
Những học sinh đang ngồi vỗ tay với tâm trạng ngổn ngang pha lẫn giữa cảm thán và tự hổ thẹn. Tiếp đó là đến phần chỉ trích những thành phần cá biệt đã làm giảm điểm thi đua trung bình toàn cấp. Những học sinh đứng lên lần này đã phải cúi gằm mặt, nín lặng nghe những lời chỉ trích có thể đánh gục lòng tự tôn của con người. Tôi đã chứng kiến cảnh tượng này trong nhiều thập niên.
Sau khi tốt nghiệp ra trường, khát vọng về tờ giấy thi 100 điểm được thay thế một cách tự nhiên bằng cuộc đời đáng giá 100 điểm. Vào một trường đại học tốt, có được công việc ở một công ty tốt, gặp một người bạn đời sáng sủa, lịch sự, sống trong một căn nhà yên tĩnh, tiện nghi và thỏa sức tận hưởng sự sung túc vật chất. Đây là tiêu chí của một cuộc đời đáng giá 100 điểm. Bức tranh viễn cảnh cuộc đời được vẽ nên trong lòng mỗi người quá đỗi giống một chiếc hộp sắt không kẽ hở, nó khiến chúng ta bị đè bẹp ngay trước khi kịp sống đúng nghĩa. Giống những chiến sĩ chưa một lần tham chiến đã tự mình thua trận.
Điểm số 60 tương ứng với “lương” (tốt) nếu xét theo hệ đánh giá Tú Ưu Mỹ Lương Khả 1. Thông thường, từ 60~69 điểm sẽ được xếp vào “lương”. 60 điểm giống như tuyến phòng thủ Maginot 2 giúp ta được an lòng về mặt tâm lý. Khảo thí kiểm định, một bài thi công nhận học lực cũng có điểm cutline là 60. Dĩ nhiên đây là điểm số không khiến các học sinh gương mẫu hài lòng. Thế nhưng, nhận điểm số tương ứng với “lương” phải chăng là một việc buồn cười và tầm thường? Trong từ điển quốc ngữ Hàn - Trung, nghĩa của từ “Lương -良” đã được diễn giải thế này.
1 秀優美良可 (tương ứng với: xuất sắc, vượt trội, rất giỏi, giỏi, khá) là một phương pháp đánh giá thành tích học tập của từng học sinh tại các trường Trung học ở Hàn Quốc, bằng cách chấm điểm cho từng môn học theo 5 cấp. Phương pháp này đã bị bãi bỏ khỏi tất cả các môn học từ năm 2014, và thay bằng A-B-C-D-E-F.
2 Tuyến phòng thủ Maginot được đặt theo tên của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp André Maginot, là một công trình quân sự xây dựng dọc biên giới Pháp-Đức và Pháp-Ý với mục đích bảo vệ lãnh thổ Pháp.
Lương 良 [ danh từ] là một trong số các điểm đánh giá (評點) thành tích, phân cấp bậc. Kém hơn “Mỹ 美 “ và tốt hơn “Khả 可 ”.
Và ngạc nhiên là trong từ tiếng Hán, “Lương -良” còn hàm ý cả nghĩa khen ngợi.
“Lương - 良: tốt, hiền từ, nổi bật, đẹp, đáng chúc mừng, tỉ mỉ, thanh thản, trong sáng, giỏi, có khả năng, thành thật, chân thật.”
Chỉ cần đạt được mức “lương” cũng có nghĩa là tốt, là nổi bật, thậm chí là tốt đẹp. Chỉ cần vậy thôi. Nó còn có thể được lý giải đến cả mức đáng chúc mừng và thanh thản. Càng sống, bạn sẽ càng biết tiết giảm tiêu chuẩn. Giữ mọi thứ ở mức trung bình, tạo dựng một cuộc sống bình thường và phẳng lặng là một việc khó biết chừng nào. Thế nhưng, chúng ta đã được giáo dục để chỉ hài lòng khi bằng mọi giá đạt được “Tú - 秀” và 100 điểm cho tất cả các môn học của cuộc đời.
Lúc đầu, chúng ta có lẽ đã rụt rè thử phản kháng và cự tuyệt trước phương thức đánh giá tương đối này. Tuy nhiên, nếu ở trong một hệ thống như thế gần 20 năm thì đạo lý của chế độ đó sẽ được nội hóa thành thứ thuộc về bản thân ta, như câu nói ta vẫn hay nghe nhiều “trở thành thứ mình chán ghét”. Vì vậy, ngay cả khi bạn là người đã trải qua thời học sinh như ác mộng với gánh nặng thành tích, thì khi trở thành bố mẹ, bạn cũng dễ trở thành kiểu người lớn mong muốn có một đứa con đáng giá 100 điểm.
Một học sinh tiểu học đã tò mò xem thử bộ câu hỏi toán của học sinh trung học phổ thông năm nhất. Một lát sau, học sinh tiểu học này tròn miệng ngạc nhiên:
“Chao ôi, làm sao con giải được những câu này. Đều là tiếng của chúng ta, nhưng con xem không hiểu chút nào hết.”
Đó là nỗi sợ của đứa trẻ khi xem một thứ đầy những ký hiệu không thể hiểu trong khi chỉ cần các phép cộng, trừ, chia thôi cũng đã khiến nó đau đầu. Nhìn thấy con mình trong bộ dáng đó, người mẹ nói:
“Đừng lo. Con có thể giải được khi trở thành học sinh trung học phổ thông.”
Đứa con với biểu cảm không mấy tin tưởng, trong khi người mẹ tủm tỉm cười.
Đây là một cách ví von về cuộc đời. Bạn không cần phải lo trước. Đa phần những điều chúng ta lo sợ, khi đến một độ tuổi nào đó, ta sẽ có đủ sức để đảm đương nó. Một người đặc biệt có nhiều nỗi sợ về cuộc sống và nhạy cảm với những nỗi đau bé nhỏ như tôi đã từng bước qua cây cầu được lát bằng vô số vấn đề. Với tôi, có một thứ khó buông bỏ hơn cả một ngôi nhà tiện nghi, một người bạn đời sâu sắc thú vị, hay những chuyến du lịch nhàn rỗi. Đó chính là mong muốn viết một tác phẩm hay. Mỗi lần như vậy, tôi thường nghĩ đến câu nói của một tiểu thuyết gia là thầy Choi In Hoon:
“Con người chỉ có thể cúng tế bằng những gì mình có.”
Một sự thật giản đơn và rõ ràng biết bao. Đúng vậy, chúng ta không có lựa chọn nào ngoài việc chỉ cúng tế với những gì mình có. Dĩ nhiên, một bàn tiệc bày biện thịnh soạn sẽ là tuyệt nhất. Thế nhưng, nếu một con khô cá minh thái 3 còm cõi, một quả táo và một ly rượu là toàn bộ những gì ta có, thì ta chỉ có thể chuẩn bị một bàn cúng với bằng ấy thứ. Chúng ta không thể tự ý bỏ qua việc chuẩn bị một bàn cúng thành tâm chỉ vì bận tâm đến những thiếu thốn, không phải thế sao! Đây đích thị là tinh thần phù hợp với cuộc đời đáng giá 60 điểm.
3 Pollocks.
Trong số người quen của tôi, có một tiền bối được biết đến như người khai vấn cho các bạn trẻ và không ngừng nhận được lời mời thuyết giảng khắp nơi. Vị tiền bối này nổi tiếng với cách nói chuyện mạch lạc, thẳng thắn nên mỗi nơi anh đi đến đều thu hút khá nhiều thính giả. Anh nói rằng khi nhìn thấy những người trẻ tuổi tập trung tai mắt để không bỏ lỡ dù chỉ một lời của mình, thì dù cơ thể có mệt mỏi đến mấy lòng anh cũng nở đầy hoa nhiệt huyết. Những người trẻ thường hỏi anh về mục đích của cuộc đời, về việc làm sao để tìm được điều bản thân mong muốn. Seoul hay tỉnh lẻ, dù ở đâu thì các câu hỏi đưa ra cũng đều giống nhau. Điều đó đồng nghĩa với việc có ngần ấy người trẻ tuổi khắp mọi nơi đều đang mông lung, mất phương hướng trong cùng một vấn đề.
Một ngày nọ, trong lúc kể cho tôi nghe về các buổi thuyết giảng của mình, anh bỗng cao giọng với vẻ trẻ trung bông đùa:
“Sẽ thật tuyệt nếu bây giờ các bạn không hỏi anh như thế nữa. Việc đặt câu hỏi rất tốt, thế nhưng việc thực hiện còn quan trọng hơn chứ. Anh đã thử hỏi các bạn học sinh, những người hay hỏi anh rằng ước mơ này phải làm sao mới đạt được. Anh hỏi rằng mỗi ngày các bạn dành ra bao nhiêu giờ đồng hồ cho ước mơ đó. Phải nói là hiếm có bạn nào trả lời một cách cụ thể được mấy giờ, mấy phút. Thật sự hiếm có bạn nào đang làm công việc đó đều đặn không sót một ngày, thay vì kiểu nhồi nhét vội vội vàng vàng, mấy ngày hay mấy tháng mới đột nhiên nhớ đến. Tất cả các bạn đều ôm ấp đầy những câu hỏi trừu tượng nhưng lại không thật sự động thân mình. Giống như các bạn đã giải quyết hết việc cần làm chỉ bằng cách lo lắng.”
Dù nói thế, nhưng tôi biết anh đã trả lời hết sức chân thành với bất cứ câu hỏi nào nhận được tại các buổi thuyết giảng. Bởi vì, tình yêu và sự chân thành dành cho con người chính xác là những phẩm chất cơ bản của anh.
Cũng có khi tôi nhận được câu trả lời không ngờ tới khi hỏi những người được công nhận trong lĩnh vực của họ về bí quyết đạt được vị trí đó:
“Ngẫu nhiên thế nào tôi lại đi được đến đây thôi.”
Nghe hệt như họ đã đạt đến vị trí đó bằng cách sống thuận theo tự nhiên, để mọi thứ tự trôi chảy mà không đặt một mục tiêu rõ ràng nào cả. Với một người hỏi và mong đợi một bí quyết đặc biệt nào đó, đây quả là một câu trả lời đáng thất vọng. Thế nhưng, đó không phải là một sự tự hạ thấp mình hay khiêm tốn. Sẽ có những người định sẵn mục tiêu rồi lao về mục tiêu đó, nhưng cũng sẽ có những người vừa đi vừa tìm ra phương hướng, sắp xếp lại các nhánh cây rườm rà của cuộc đời mình để rồi sinh trưởng như một cái cây hoàn hảo từ gốc tới ngọn. Ngoài dự đoán, có khá nhiều người đã tìm thấy niềm vui bất ngờ và được sống chân thành sau khi rẽ theo một con đường mà họ chưa từng nghĩ đến khi còn bé, lại cũng khác với chuyên ngành đại học. Vì vậy, điều cần làm không phải là sợ hãi, mà là đặt bước chân đầu tiên trên con đường bạn đi. Có một số câu hỏi hiển nhiên sẽ tự động được hóa giải khi bạn vận động thân mình.
Dù nói thế, bản thân tôi cũng chật vật trong nỗi sợ mỗi khi viết một quyển sách mới. Những người trông thấy tôi ngay trước khi bắt tay vào viết đều bảo họ cảm thấy rất thú vị, vì tôi trông hệt một người sắp sửa nhập ngũ. Phải là một vẻ mặt phức tạp thế nào thì mới trông như thế nhỉ. Nếu không thể rũ bỏ sợ hãi, chi bằng cứ ôm nỗi sợ đó vào lòng và xem nó như một người bạn.
Tuổi trẻ có đặc quyền đặt câu hỏi mà không gặp bất cứ chướng ngại nào. Có thể hỏi không cần nhìn sắc mặt người khác là một quyền lợi đặc biệt của tuổi trẻ. Bởi vì, vẫn còn tò mò chính là bằng chứng cho việc vẫn còn có sức trẻ. Tuy nhiên, đến một thời điểm, khi bạn phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cho bản thân, sẽ có những nghi vấn bạn phải tự mình giải quyết. Và một điều quan trọng trong cuộc sống chính là thái độ với cuộc đời sau mỗi câu hỏi.
Sau khi trải qua khoảng thời gian đầy những câu hỏi của vô số nghi thức chuyển đổi, giờ tôi đã biết rằng, tôi sẽ mất rất nhiều thứ nếu không hòa giải với bản thân.
“Tôi có đang nắm trong tay toàn bộ cuộc đời mình không?”
“Có điều gì rất quan trọng nhưng tôi lại đang giao phó cho người khác không?”
Một câu hỏi mà dù có đi tìm người hướng dẫn nào, tôi cũng không thể nghe được câu trả lời thống khoái như mong muốn. Ngày hôm nay tôi sẽ cố gắng tự hỏi mình để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi đó. Và tôi tự nhủ sẽ không quên rằng, đạt được 60 điểm, đạt được “Lương” thôi cũng là một điều tốt đẹp.
Những điều không thể biết nếu không dừng lại
Một ngày, có người bạn nói với tôi:
“Tôi luôn chờ đợi một điều gì đó mỗi ngày, mỗi ngày. Tôi không biết đó là gì. Là đợi chờ sự dâng trào một nhiệt huyết mới chăng? Nếu không thì là mau có tuổi, để trở nên an bình hơn? Hoặc không thì là tâm trạng mong chờ sự xuất hiện của một thế giới khác hoàn toàn so với hiện tại? Thỉnh thoảng lại giống như tôi đang đợi chờ chính bản thân sự chờ đợi. Dẫu sao tôi đang chờ đợi mỗi ngày. Chờ những điều sẽ đến với tôi...”
Người bạn ấy đã không thể giải thích chính xác những gì mình đang chờ đợi. Thế nhưng, ngay khi vừa nghe vậy, tôi đã có thể hiểu, và đồng cảm sâu sắc với bạn. Không biết chừng, con người chính là một tồn tại cần có một mối chờ đợi vô định thì mới có thể sống mà không nhạt nhẽo. Đoạn thời gian không có đợi chờ, đoạn thời gian trôi qua ngăn nắp như thể tất cả mọi thứ đã được ấn định đôi khi lại là nỗi đau đớn đến choáng váng, và lẽ dĩ nhiên nó sẽ gây ra một nỗi buồn chán tàn nhẫn.
Đoạn thời gian đợi chờ tha thiết một điều gì đó, hay sự chờ đợi mà định thể của nó chỉ xuất hiện khi mọi sự đã qua, hay thời gian tạm dừng lại để tìm ra đâu là nơi bản thân thuộc về, đâu là con người bản thân mơ ước trở thành, nhà xã hội học Norbert Elias đã nói về kiểu chờ đợi này:
“Để hiểu một con người, chúng ta cần biết mong muốn mà anh ta tha thiết đạt được là gì.”
Hãy hình dung một khung cảnh thế này. Một người trẻ tuổi đang rảo bước trong công viên giữa trưa. Ánh nắng dịu dàng, ấm áp chảy qua tán cây, đổ xuống băng ghế dài và bãi cỏ. Vắng bóng người. Một người có thể rảo bước trong công viên gần nhà vào buổi trưa một ngày giữa tuần thì chỉ có thể là người đã nghỉ hưu, làm nghề tự do, nội trợ toàn thời gian, hay trẻ nhỏ chưa đủ tuổi đến trường.
Người trẻ tuổi nghĩ rằng cô có thể tận hưởng sự nhàn rỗi này vì cô có một công việc viết lách. Nhưng không có mấy nơi giao việc cho cô làm. Chuyên mục người bạn học cùng trường, nhờ quen biết mà giao cho cô bỗng nhiên bị ngừng xuất bản, liên lạc cũng dừng từ đó. Những người phụ trách nhân sự ở công ty thậm chí còn không biết đến sự tồn tại của người trẻ ấy trên địa cầu này. Cô nghĩ, không phải chính bản thân đôi khi cũng không hoan nghênh sự tồn tại của mình hay sao.
Người trẻ ấy rẽ vào con đường núi nối với mặt sau công viên. Nếu bước theo lối mòn này thì có thể đi đến tận khu phố cách xa nhà. Cô đi đến dưới bóng cây thông và hít một hơi thật sâu. Đồng thời hét to câu thần chú.
“Phytoncide 1 à, hãy thanh lọc tôi đi.”
1 Chất kháng sinh tự nhiên mà cây và thực vật tỏa vào không khí để tự bảo vệ mình khỏi những côn trùng độc hại hoặc vi sinh vật.
Quay lưng về phía có gió, người trẻ ấy leo lên tường thành và nhìn xuống thành phố. Cửa kính các căn hộ chung cư và các tòa nhà cao tầng phản chiếu ánh mặt trời. Thế giới trông nhỏ đến mức lọt thỏm trong lòng bàn tay. Nói thế không có nghĩa là khi đứng trên núi, cảm giác tồn tại của người trẻ tuổi trở nên to lớn hơn. Cô cảm thấy mình càng bị thu nhỏ hơn so với thế giới dưới chân núi, càng bị bao phủ trong sự tĩnh lặng mênh mông.
Thỉnh thoảng lướt qua cô là một vài người lên núi đi dạo vào buổi sớm đang trên đường quay xuống. Đi đến một tảng đá ở lưng chừng núi, người trẻ tuổi ngồi xuống hít thở. Ngọn núi giữa trưa thật tĩnh lặng. Thế giới ngỡ như dừng lại bởi sự đẹp đẽ và tĩnh mịch quá đỗi này. Người trẻ tuổi sung sướng và chăm chú dõi mắt theo từng động tĩnh xung quanh dù chỉ là một chú chim rời cành. Rồi cô lấy tay ôm đầu và nghĩ:
“Đây gọi là cuộc đời mình từng mơ ước sao?”
Một câu hỏi từng được rất nhiều người ném vào bản thân của quá khứ, cũng có một số trường hợp đi hết đời người vẫn không thể tìm thấy câu trả lời, cuối cùng câu hỏi ấy lại bật trào ra. Đó chính là câu hỏi mà có người trong lúc đợi món bữa trưa, có người đang lái xe thì gặp tắc đường, hay người gục ngã vì một căn bệnh bất ngờ, thường gặp phải.
Hẳn các bạn đã đoán ra, người trẻ tuổi từng ngồi trên tảng đá, ôm đầu nhìn xuống thành phố đó chính là tôi 10 năm trước. 10 năm trước, cũng là cảnh tượng một màn hỏi đáp lặp lại từng chặp trong hiện tại. Nhìn lại, dường như tôi đã trải qua quãng thời gian vô vi, không ai phải chứng minh sự tồn tại của mình thì mới hoàn thiện được bản thân. Nói suông thì là thế, nhưng tôi không thể nói rằng sức nặng của sự cô độc cuộn từng lớp trong tấm lưới thời gian khi đó hoàn toàn chẳng là gì.
Tôi tin đây sẽ không phải là toàn bộ cuộc đời mình. Tuy nhiên, tôi lại không nắm ngay trong tay một bằng chứng thực tế nào. Tôi biết một vận mệnh nào đó đã xuất phát từ một nơi xa đang trên đường đến gặp tôi. Chỉ là tôi không có chút manh mối gì về việc vận mệnh đó đã đi được bao xa, hay tôi có thể nhận ra nó hay không. Trong lúc đó, thế giới vẫn không ngừng chuyển động theo trình tự của riêng nó. Đó là một thời kỳ cô đơn, mệt mỏi và dễ bị tổn thương. Thế nhưng, nhìn lại thì đó đã là một giai đoạn tạm nghỉ cần thiết, ngay cả khi đó là sự ngừng nghỉ bắt buộc bất chấp ý chí của tôi. Nhờ những khoảng thời gian đó, tôi đã có thể thoát khỏi sự giày vò của cơn thấp thỏm không biết chừng mình sẽ đánh mất hết cả hạnh phúc nếu không tiến về phía trước.
Tôi có quen biết một vị tiền bối cũng là tác giả, mỗi ngày ông đều đến phòng làm việc để viết, dù chỉ một dòng. Sau khi dùng bữa sáng kiêm bữa trưa, ông đến phòng làm việc và ở lại đó cho đến trước giờ ăn tối. Sau đó, ông mời những người hàng xóm cùng đi ăn một bữa ngon để bù đắp cho khoảng thời gian nửa ngày trời phải cô độc đối mặt với bản thân. Tôi nhớ lời ông nói trong một bữa tối như thế:
“Các cô cậu có biết khi nào là thời điểm nguy hiểm nhất không? Không phải là lúc không thể viết được gì đâu. Ngược lại, đó chính là lúc câu chữ tuôn trào đến mức tay không thể theo kịp suy nghĩ trong đầu đấy. Khi công việc suôn sẻ, mọi người dễ vượt quá giới hạn mà cơ thể có thể đảm trách.”
Sẽ có cảm giác lâng lâng bay bổng mỗi khi ta viết đến hứng khởi, nhưng nếu quá sức trong một ngày như thế thì dư âm sẽ kéo dài tận mấy ngày. Sau đó lại mất thêm một khoảng thời gian để hồi phục khí lực cho cơ thể lẫn tâm hồn và tìm lại nhịp điệu làm việc. Ông cũng nói rằng sau nhiều năm kinh nghiệm, ông đã học được rằng chúng tôi, ngược lại, sẽ phải trả một cái giá đắt hơn khi không thể chế ngự tham vọng muốn viết hay hơn và cứ đâm đầu vào viết. Nếu muốn đi theo nghiệp viết dài lâu, tôi phải giống như một vận động viên marathon, di chuyển với sải chân ổn định, cùng sự tiết chế. Do đó, sau khi làm việc đủ khoảng thời gian đã định trong một ngày, tôi tự nói với mình “Giờ thì nghỉ ngơi thôi!”, dù là một cách miễn cưỡng. Khi khó có thể tự mình dừng lại, tôi đã quyết định sẽ nhờ sự giúp đỡ từ gia đình. Ví dụ thế này:
“Hôm nay làm đến đây thôi chứ nhỉ!”
Ai đó trong gia đình tôi có thể nói bóng gió như vậy. Khi đó, dù có tiếc thế nào tôi cũng phải dừng lại. Không thể nào tôi có thể trải nghiệm tất cả trong một lần, dù đó có là việc nhất định cần và có lợi cho bản thân. Bởi vậy tiết chế những điều tốt cũng cần có sự rèn luyện. Một ngày nọ, tôi tình cờ có cơ hội đảm trách vai trò nhấn nút dừng. Hôm đó, càng nhìn sâu vào mắt vị tiền bối kia, tôi càng trông thấy sự mệt mỏi.
“Sao bác không nghỉ một chốc rồi hẵng tiếp tục ạ?”
Theo lời tôi, ông hấp háy mắt rồi ngay lập tức rời khỏi bàn làm việc.
“Đúng vậy. Như thế mới tốt. Tôi nghe lời cô lắm, phải không?”
Tôi bật cười trước biểu cảm nghịch ngợm như một đứa trẻ mong được khen của người bạn vong niên. Biết được khi nào nên quả cảm dừng lại cũng tuyệt vời không kém bộ dạng dồn hết nhiệt huyết để viết.
Sự dừng lại mà David J. Kundtz, một người Mỹ từng trải nghiệm thậm chí còn kịch tính hơn. Ông là một cha xứ đã hoạt động tại giáo xứ suốt 19 năm sau khi được thụ phong linh mục. Tuy nhiên, sự khủng hoảng tinh thần đột nhiên tìm đến năm ông bước sang tuổi 40. Ông phát hiện bản thân không còn cảm nhận được hạnh phúc từ những việc như cử hành thánh lễ, hay những gì trước đây ông từng nghĩ là có ý nghĩa. Sự thay đổi đó quá đỗi đột ngột khiến ông tự cảm thấy hỗn loạn. Đôi lúc, đến cả việc cầu nguyện cũng trở thành một công việc. Như một người đang đứng ở điểm ngoặt, ông tự hỏi bản thân:
“Đây lẽ nào là tất cả cuộc đời mình?”
Giả sử, sâu thẳm trong tim ta hiện lên câu trả lời “đúng thế”, thì đó chỉ có thể là dấu hiệu cho thấy bản thân cần một sự tạm nghỉ và nạp năng lượng mới. Trong tình huống như thế, bạn chỉ cần theo một cách xử trí phù hợp là được. Nhưng tình cảnh sẽ khác đi nếu câu trả lời vọng lại là “không”. Đó là dấu hiệu cho thấy rằng có một cuộc sống khác đang réo gọi chúng ta. David J. Kundtz thuộc về trường hợp sau. Chỉ ra kinh nghiệm của giai đoạn này, ông gọi đó là thời điểm cần thiết để “dừng lại”.
“Đây lẽ nào là tất cả cuộc đời tôi?”, lời tự vấn nội tâm này hàm ý rằng chắc chắn có những lĩnh vực khác mà tôi phải khám phá về cuộc đời mình. Tôi nhận thức rõ ràng một sự thật rằng những điều mà cho đến trước đó tôi vẫn xem là ý nghĩa và là giá trị của cuộc đời mình, thì giờ đây lại không thể cho tôi thêm bất kỳ sự xúc động nào. […] Tôi đã dùng toàn bộ ý chí của mình để có được một khoảng thời gian tạm nghỉ khá dài trong suốt một tháng. Tôi tìm đến và theo học một khóa Mỹ thuật tại một ngôi làng tách biệt nọ trên bãi biển phía Bắc California. Việc theo học khóa Mỹ thuật đó đối với tôi mà nói là một phương thức mới của hành động vô vi, không làm gì cả. Nghe giảng là tất cả những gì tôi đã làm. Tôi không kết thêm bạn mà chỉ dành thời gian ở một mình. Liền sau đó, những câu hỏi cuộc đời mà tôi từng đặt ra trước đó không còn bị xem như những nỗi thống khổ, chúng đã bước lùi về sau cuộc đời tôi.
Sau khi trải qua quãng thời gian tạm nghỉ đó, David cuối cùng cũng quyết tâm rời bỏ vị trí linh mục của mình. Và sau khi lấy bằng tiến sĩ Tâm lý học, ông đã trở thành một tác giả kiêm nhà tư vấn, bắt đầu màn hai của cuộc đời mình.
Dừng lại. Đó là một quá trình chuẩn bị để giao tiếp với cuộc sống theo một phương thức mới. Nếu không thể dừng lại đúng lúc bằng ý chí của chính mình, thì di chứng về sau là điều không tránh khỏi. Giả như David đã không trải qua khoảng thời gian dừng lại ấy mà cứ bàng quan trong sự thiếu quyết đoán với tình cảnh của mình, ông có lẽ đã làm tổn thương chính mình, hẳn nhiên rồi, và cả những người xung quanh nữa. Hãy nghĩ về những tín đồ luôn phải dõi theo một cha xứ không còn có thể cảm nhận hạnh phúc trong những việc như làm lễ Misa hay cầu nguyện. Thật hoang mang biết dường nào.
Dừng lại, chính là đặt câu hỏi cho giá trị làm nên dòng chảy chính “Có thật vậy không?”, cũng là lắng nghe tiếng nói của bản thân về quyền uy giả tạo đang ngụy trang nghiêm túc. Vì vậy, dừng lại hiển nhiên là một thử thách khó chịu cho những người vốn đang nắm đặc quyền. Họ mong thế giới cứ thế quay đều trong trạng thái này. Đối với những thế lực nắm quyền độc tôn, không có gì đáng sợ bằng việc người ta tạm dừng lại và nghĩ về những điều họ thật sự ước ao.
Trong thời gian viết quyển sách này, tôi đã có những khoảng dừng mỗi khi cần. Những lúc đó, tôi đều cố gắng cảm nhận thực thể của những thứ tìm đến với mình. Thi thoảng tôi nằm trên giường và nhắm mắt, tay trái đặt lên tim, tay phải đặt trên đan điền, hít vào thở ra thật sâu từng ngụm khí rồi ngủ thiếp đi. Lệ thường, tôi vẫn hay chậm rãi thả bước trên con đường đi dạo dọc con suối vắt ngang thị trấn.
Có những buổi sáng, tôi không làm gì mà chỉ rẽ vào một quán cà phê vừa mở cửa để uống ly cà phê đầu tiên của ngày hôm ấy. Tôi chỉ mang vừa đủ tiền cà phê, không sách, không điện thoại thông minh, không máy tính xách tay – những thứ sẽ chiếm lấy tầm nhìn tôi. Quán cà phê buổi sớm tĩnh lặng. Tôi chỉ việc tồn tại ở nơi đó. Tựa như nằm trên một con thuyền nổi giữa hồ và ngắm mây bay qua, đó là khoảng thời gian phó mặc mọi thứ cho mộng tưởng tùy ý trong không gian lẫn thời gian. Sau mỗi lần trải qua khoảng thời gian tạm dừng như thế, tôi đều có được nguồn năng lượng mới để có thể quay trở về vai trò của mình.
Sau này, khi leo lên núi rồi nhìn xuống thế giới, không biết chừng tôi sẽ tự hỏi bản thân thế này:
“Đây có phải là cuộc đời mình từng mơ ước?”
Lúc đó, tôi ước mình có thể trả lời thế này:
“Đúng vậy. Nhưng cũng chẳng sai khi nói một cuộc sống khác hẳn đã xảy ra. Tôi đã nhiều lần dừng lại, cố gắng nhìn xem bản thân có đang đi trên con đường mình thật sự ước ao không. Tôi sẽ chấp nhận con người hiện tại của mình. Và cảm thấy biết ơn về chính con người đó của tôi.”
Hạnh phúc hôm nay hơn là nỗi sợ ngày mai
Triết gia gốc Rumani Emil Cioran, nếu không tính đoạn thời gian làm giáo viên triết học tại một trường cấp ba thì ông không theo một nghề nghiệp trọn đời nào. Ông đến Paris năm 26 tuổi, ở phòng gác mái trên tầng 7 một khách sạn rẻ tiền. Và tiếp tục công việc viết lách cô độc của mình. Niên biểu cuộc đời ông kết thúc thế này:
Đến tận khi trút hơi thở cuối cùng tại Paris vào tháng 6 năm 1995, ông ấy vẫn sống, suy nghĩ, và viết trong cực hạn của tuyệt vọng và hư vô.
Emil Cioran đã cố gắng hết sức để không đạt được bất cứ điều gì. Đó quả thật là một cuộc đời lạ lùng. Tuy nhiên, đến cuối đời, những nỗ lực của ông đã thất bại. Bởi giới tinh hoa phương Tây đã tán thưởng, đến cả quần chúng cũng tung hô, cho những tư tưởng ông nuôi dưỡng trong nỗi cô đơn của một kẻ ngoại bang. Những bài viết đẩy các điều kiện khắc nghiệt của sự tồn tại con người đến cực đoan của ông, nghịch lý thay, đã thu hút được sự chú ý của thế giới. Emil Cioran đã vùi sâu cuộc đời mình vào vực thẳm của việc cố không đạt được điều gì ngoài tồn tại giản đơn. Nhưng cuối cùng thì đời ông lại vẫn đạt được một điều gì đó. Cuộc sống người khác, cuộc sống của tôi, hay mọi sự trên thế giới này, tất thảy thật không theo ý mình.
Thú thật thì cho đến hiện tại tôi chỉ có hai lần chính thức làm việc trong một tổ chức gọi là công ty. Cộng tất thảy thì thời gian cũng không quá hai năm. Toàn bộ thời gian còn lại tôi đều làm việc bên ngoài các tổ chức. Suốt hai năm sống đời công sở, tôi rời đi không phải với suy nghĩ “Chà, từng này đã đủ để biết cuộc sống công sở không phù hợp với mình rồi, từ từ bày trận khác thôi”. Trái lại, không chỉ một hai lần tôi ngạc nhiên khi nhận ra mình, ngoài ý muốn, lại là một người khá hợp với tổ chức. Dù là trong hay ngoài tổ chức đều thế, thứ khiến tôi hứng khởi chính là con người và hành động của họ.
Những năm đầu tuổi 20, khi vẫn còn là một nhân viên ngân hàng, dù không ai giao việc nhưng cứ sau giờ tan làm, tôi lại mang theo pamphlet 1 giới thiệu các gói gửi tiết kiệm để nhét vào hòm thư các hộ trong khu chung cư. Tôi làm việc này không phải vì mong ai đó sẽ nhìn nhận, lại còn là việc quá sức mình, nên giờ nghĩ lại vẫn có chút ngượng ngùng. Dư thừa là một tên gọi khác của sự thiếu hụt. Ý tôi là thời ấy tôi không cần làm đến mức đó cũng được. Tôi đã từng nhờ vả người thân nộp thuế tài sản tại chi nhánh ngân hàng nơi tôi làm việc, nhờ vậy mà tôi nhận được giải nhân viên ưu tú trong bài kiểm tra đánh giá nội bộ của công ty. Tôi ngày ấy vẫn là một người trẻ chưa thể tìm ra điểm đến để cống hiến hết tâm huyết mình. Thời đó, nếu có ai đó bảo tôi bóc vỏ tỏi cả ngày thì có lẽ tôi cũng sẽ bóc đến mức gãy cả móng tay. Giống một con búp bê, nếu được gắn lò xo rồi đính vào một chỗ nào đó thì sẽ động đậy không ngừng cho đến khi được nhấn nút dừng lại.
1 Ấn phẩm quảng cáo độc quyền của doanh nghiệp.
Sau khi tốt nghiệp đại học và làm việc tại một nhà xuất bản, tôi đã đi làm rất vui vẻ với suy nghĩ mình vừa nhận lương tháng vừa được học. Tôi nhiệt tình đọc những quyển sách do nhà xuất bản tôi làm việc phát hành. Đọc bản thảo gốc của tác giả trước nhất, hay đi tìm những chí sĩ ẩn mình đâu đó đều là những công việc rất thú vị. Tuy tôi đã có những ký ức ngọt bùi lẫn đau đớn trong đời sống tổ chức của mình, những năm tháng đó tự nó đã là một niềm hạnh phúc đúc kết từ gian khổ. Và dù không định trước, nhưng tôi chỉ làm với hết nhiệt tình trong khoảng thời gian duy trì hạnh phúc của một người mới, rồi nghỉ việc trước khi bước vào thời kỳ bắt đầu xung đột với những cuộc họp. Thế nên, nhận định rằng tôi, ngoài dự kiến, là típ người phù hợp với tổ chức có thể là một trong vô số hiểu lầm của tôi về bản thân mình, khi nó đã không được kiểm chứng đủ lâu.
Dù sao thì sau khi rời khỏi tổ chức, tôi đã không chết đói, tôi vẫn sống sót. Có những lúc tôi chỉ thở và sống qua ngày, cũng có lúc tôi trở về từ một chuyến du lịch dài. Thỉnh thoảng, tôi đi máy bay, rồi ngồi xe kéo để đến hang động dưới chân núi Himalaya, ngồi đó nếm trải sự tịch liêu cổ xưa. Tôi ngủ trên một cái nệm đầy bụi, bị lây bọ chét từ đàn cừu gặp trên núi và chịu khổ mấy tháng trời sau đó vì gãi đến tróc da. (Tuy hơi ngoài chủ đề, nhưng có những người đáng bị trừng phạt. Một trong các biện pháp trừng phạt là đẩy họ đến gần đàn cừu. Đàn cừu và bọ chét sẽ tự biết cách xử lý phần việc còn lại.)
Những khi lang thang trong thế giới này, tôi không trở thành miếng mồi của sự bất an. Những người dân du mục Mông Cổ chỉ cần hai giờ đồng hồ để nhổ lều trại, cuốn chúng sau yên ngựa và không chút do dự rời đi, đến đồng cỏ tiếp theo. Thế nhưng, trong khoảnh khắc họ xuống ngựa và lưu lại, nỗi lo âu bắt đầu. Nguồn nước suối có dồi dào không, cỏ mọc có tốt không, gia súc có bị chết rét giữa làn gió đông bẻ gãy sừng bò không… xung đột và lo âu không ngừng phát sinh. Tôi cũng như thế mỗi lần trở về sau một chuyến du lịch.
Tôi không tin bất cứ ai nói “Tôi chưa từng một lần sợ hãi tương lai”. Tôi không phủ nhận khả năng việc đó có thể xảy ra. Chỉ là, nếu không lo sợ về ngày sau thì làm sao người ta có thể đồng cảm sâu sắc với kiếp người và thấu hiểu người khác. Người có quyền lực tối cao, các tài phiệt hay lãnh tụ cũng đều lo sợ về ngày sau. Khác chăng ở chỗ, điều họ lo sợ là sẽ mất đi những gì đang có, trong khi người bình dân lại sợ đến cuối đời họ sẽ kết thúc trong bất hạnh mà không có được những gì bản thân muốn. Sự bất an rằng chỉ mỗi bản thân mình bị tuột lại phía sau trong khi người khác không ngừng vượt qua lại mạnh mẽ ngoài sức tưởng tượng. Vì bận hỗn chiến với nó, chúng ta không dám sống tiến lên mà chỉ duy trì hiện thực sẵn có.
Gần đây, tôi có gặp lại một người chị đã lâu không gặp. Trong tất thảy những người tôi quen, chị là người cười nhiều nhất, lạc quan và luôn tin vào tính thiện trên đời. Dù là gặp lại sau một thời gian dài bặt tin vì chị đã kết hôn rồi nuôi con, mọi thứ vẫn như mới hôm qua. Chị nói:
“Chị ở nhà vẫn hay đọc báo, có một trang mỗi tuần đều có một mục tư vấn kỹ nghệ tài chính cho mình. Sau khi làm rõ thông tin của người nhờ tư vấn như tuổi tác, bất động sản, tài sản tiết kiệm, bảo hiểm người đó sở hữu, thì trang đó sẽ làm cho họ một bản thiết kế tài chính. Ban đầu chị chỉ có chút chán nản khi so sánh với độ tuổi của mình, nhưng cứ xem liên tục mấy năm lại dần trở thành bất an. Người ta sớm đã thành đạt vậy mà bản thân chị sống thế này cũng được sao, cứ nghĩ đến là lòng thấy rối bời.”
Mãi sau này chị ấy mới nhận ra đó chỉ là một sản phẩm marketing bất an do truyền thông và các công ty tài chính hợp tác làm ra. Thế nhưng, giống như chị, chúng ta dù có nhận ra được rằng có một hệ thống khổng lồ đang trói buộc mình thì cũng không thể ngay lập tức thoát khỏi nỗi bất an. Ta chỉ có thể, hoặc chăm chỉ học tập kỹ thuật tài chính để tương lai trở thành một phần của hệ thống đó, hoặc nuôi dưỡng giá trị bên trong đủ mạnh đến mức vô hiệu hóa hệ thống đó. Cả hai đều là những con đường khó đi. Chị lại nói tiếp:
“Người ta hay bảo phải sống trong căn nhà có số pyeong 2 bằng với số tuổi bản thân mà. Cứ nghĩ đến thời gian qua mình đã làm gì là chị cảm thấy sức lực cạn kiệt.”
2 Pyeong là đơn vị tính diện tích, 1 pyeong = 3,305785 m2
À há, thế giới đã thuần phục một người từng vô cùng lạc quan đến thành mức này đây. Cuộc đời khiến con người trở thành khối đại đoàn kết trong tuyệt vọng thế này đây. Thật quá thê lương.
Tôi thật sự tiếc cho sự đánh mất vùng đất cổ xưa của người Cao Câu Ly 3 và Bột Hải 4. Điều đáng tiếc hơn nữa là ngay cả phần đất còn lại cũng đã bị chia làm hai mảnh. Sự nuối tiếc này không phải nằm ở tham vọng về chinh phục và lãnh thổ. Mà bởi, nếu còn lại cho chúng ta một đồng cỏ bạt ngàn, một vùng đất hoang dã, khô cằn, nguy hiểm, thì có lẽ trong ta sẽ còn sót lại chút thư thả của những người dân du mục. Ít nhất là có thể tự do đôi chút khỏi dục vọng bức bách về một nơi an cư lẫn sự sở hữu. Ngay cả khi sự thư thả này không được nhẹ nhàng và phóng khoáng như những người dân du mục có thể thu dọn xong đồ đạc trong đôi giờ đồng hồ và rời đến nơi khác. Nếu nói diện tích nhà phải bằng với độ tuổi, chẳng phải người 80 tuổi cần đến 80 pyeong, 100 tuổi cần đến 100 pyeong để sống sao? Nếu vậy, e rằng con người sống càng lâu thì diện tích cần thiết trên địa cầu phải càng mở rộng ra, tuổi càng cao thì càng trở thành gánh nặng chung. Đại Hàn Dân Quốc thật sự là một đất nước có tiêu chuẩn lạ lùng.
3 Cao Câu Ly, cùng với Bách Tế và Tân La là 3 vương quốc thuộc Tam Quốc Triều Tiên cổ đại, thống trị bán đảo Triều Tiên và một phần Mãn Châu.
4 Bột Hải là vương quốc được thành lập sau khi nhà nước Cao Câu Ly sụp đổ, tồn tại từ năm 698 đến 926. Phạm vi lãnh thổ của vương quốc này tương ứng với phần lãnh thổ thuộc hai tỉnh Cát Lâm, Liêu Ninh của Trung Quốc và một phần vùng Viễn Đông của Nga ngày nay. Bột Hải được cho là đã sụp đổ do ảnh hưởng của núi lửa Baekdu phun trào, làm suy yếu kinh tế, chính trị, xã hội, và cuối cùng chịu thua trước Khiết Đan.
Nhân tiện, chúng ta có một tin đáng tiếc khác. Rất nhiều người trong chúng ta đều không thể thành công trong việc kiếm được một tỷ won khi còn trẻ, không thể nghỉ việc ở chỗ làm hiện tại, không thể chuẩn bị khoản tiết kiệm một đến hai tỷ won cần thiết cho cuộc sống về già dài đằng đẵng sau khi nghỉ hưu. Tôi không chắc đây có phải là một phán quyết lạnh lùng hay không, nhưng hiện thực là vậy. Chỉ một số ít người tự mình có được tất cả những thứ này mà không nhận sự giúp đỡ của ai khác. Tuy nhiên, xã hội của chúng ta đang bị thúc ép và tẩy não như thể tất cả mọi người đều có thể đạt tới tiêu chuẩn mà chỉ thiểu số mới đạt được này. Những quy chuẩn khiến phần lớn mọi người trở thành kẻ thất bại đó giống như hồn ma đang ăn mòn linh hồn chúng ta, ngay cả việc thoát ra khỏi chiếc khung đó cũng không dễ dàng gì.
Gần đây, nghe nói trong công sở không còn ai thấy ghen tỵ với những đồng nghiệp rời công ty để kinh doanh riêng. Trước mặt thì khích lệ người đó cố làm tốt nhé, nhưng sau lưng thì tặc lưỡi “chậc chậc”. Việc rời khỏi bóng râm của công sở được xem như một hành động thiếu suy nghĩ đến mức đó. Vì vậy, nhảy việc hay thử sức ở một lĩnh vực hoàn toàn mới đã trở thành một sự mạo hiểm cho cả cuộc đời, một việc cần nhiều dũng khí và sự quyết đoán. Kết quả, xã hội chúng ta trở thành một nơi không thể mơ mộng gì ngoài việc duy trì hiện trạng. Một xã hội tin chắc bạn sẽ sa vào vũng lầy nếu đi chệch hướng dù chỉ một lần, một xã hội khiến bạn mang vết thương trí mạng đến mức khó lòng đứng lên một lần nữa, chỉ nghĩ thôi cũng đã thấy ảm đạm.
Cách đây rất lâu, một trong những người quen của tôi vì công việc mà đã có dịp gặp luật sư Park Won-soon. Đó là trước khi ông ấy trở thành Thị trưởng Seoul. Thỉnh thoảng, tôi lại nghĩ đến câu chuyện được bảo là do luật sư Park Won-soon kể khi đó:
“Tôi đã không tham gia bất cứ gói bảo hiểm nào. Chuẩn bị cho những rủi ro có thể xảy ra trong tương lai là một việc tốt. Nhưng tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu chúng ta đối tốt với những người xung quanh và sống thật vui vẻ ở hiện tại bằng số tiền đóng bảo hiểm đó. Tôi nghĩ chia sẻ chính là thứ bảo hiểm đáng tin cậy nhất. Nếu tôi sống trung thực và tích cực sẻ chia trong hiện tại, lý nào tôi lại phải chết như một người vô gia cư, phải không nào?”
Như mọi người đều biết, Thị trưởng Park Won-soon đã thành lập một tổ chức gây quỹ và mở rộng văn hóa quyên góp cho nền tảng xã hội. Khi thế giới đang phi nước đại với bài toán tối thượng chỉ là sự tăng tưởng và phát triển, ông lại tin rằng đã đến lúc xã hội chúng ta nên xem sẻ chia là một trục khác của cuộc sống. Không chỉ vậy, ông còn thực hiện nhiều nỗ lực khác nhau nhằm vực dậy tinh thần cộng đồng, bao gồm cả Viện Ươm mầm Hy vọng (The Hope Institute).
Tôi không rõ hiện giờ Thị trưởng Park Won-soon vẫn trong tình trạng không có bất cứ bảo hiểm hay trợ cấp gì không. Thêm nữa, có một khác biệt lớn giữa ông ấy và tôi trong tất cả các khía cạnh như nghề nghiệp, địa vị xã hội, đoạn đời đã đi qua. Tuy nhiên, trong lời nói của ông, tôi tìm thấy manh mối của khả năng thoát khỏi sự bất an về tương lai. Chia sẻ chính là sự thấu suốt về kỹ nghệ tài chính rõ ràng nhất, ngay trong nó còn chứa đựng ánh nhìn sắc sảo, xuyên thấu thời đại của sự bất an.
Có một cậu bé 12 tuổi tên là Trevor. Một ngày nọ, lớp của Trevor nhận được bài tập đặc biệt từ giáo viên xã hội Reuben: “Hãy nghĩ ra một ý tưởng có thể thay đổi thế giới và biến nó thành hành động”. Sau khi suy nghĩ, cậu bé Trevor đã nảy ra ý tưởng “Cuộc vận động trao tặng cho người khác”. Cuộc vận động này là một sự kết hợp giữa thiện ý con người và phép tính đơn giản.
“Em sẽ làm một việc rất tốt cho 3 người. Vậy thì họ sẽ hỏi làm thế nào để trả ơn đúng không ạ. Vậy thì em sẽ yêu cầu họ ‘đền đáp bằng chuyển tiếp’ 5”, tức là trao tặng lại cho những người khác. Nếu mỗi người trong 3 người đó giúp đỡ lại 3 người khác, vậy sẽ có 9 người được giúp đỡ phải không ạ? Nếu 9 người đó lại giúp đỡ lại 3 người khác, vậy sẽ trở thành 27 người. Tiếp tục bằng cách này, số lượng người được giúp đỡ sẽ tăng lên rất nhiều.”
5 Pay it forward!
Cậu bé tin rằng nếu phong trào giúp đỡ nối tiếp lan rộng ra khắp nơi thì đến một lúc nào đó chính bản thân cậu sẽ nhận lại sự giúp đỡ, và thế giới này sẽ thay đổi, trở thành một nơi đáng sống hơn. Để thực hành niềm tin đó, Trevor đã lần lượt gửi tặng 3 người bạn của mình những món đồ cậu quý nhất. Đây là câu chuyện trong tiểu thuyết Trevor của Catherine Ryan Hyde. Liệu những nỗ lực này có thể làm cho thế giới trở nên tốt hơn không? Tôi có khi còn nghĩ rằng đó chẳng qua chỉ là ý nghĩ ngây thơ của một cậu bé 12 tuổi. Thế nhưng, đôi khi một ý nghĩ nhỏ bé đơn thuần thế này, hay một ý tưởng lãng mạn cao siêu lại làm thay đổi cả thế giới. Càng tìm hiểu tôi càng biết được phần lớn những gì chúng ta đang hiển nhiên tận hưởng ngày nay đều bắt đầu từ những ý tưởng có vẻ điên rồ và vô căn cứ.
Tôi đã không còn sợ hãi tương lai nhiều như khi ở tuổi đôi mươi. Thời điểm mà cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á phá vỡ tuổi thanh xuân của mình, tôi đã trùm kín chăn và khóc trong nỗi sợ mưu sinh. Đây không phải ẩn dụ, đây là thực tế. Chỉ cần bật tin tức lên là tràn ngập danh sách những doanh nghiệp phá sản hay tin những người tự tử. Giá nhà lao dốc, hàng loạt người thất nghiệp chỉ sau một buổi sáng. Tôi đột nhiên biết được một từ vô cùng xa lạ là moratorium - lệnh hoãn trả nợ 6 và còn có tin đồn gây hoang mang lan truyền khắp nơi rằng nếu lệnh hoãn trả nợ đó được phát ra thì lạm phát sẽ ở mức giống như nước nào đó ở châu Phi, có chất đầy một xe cút kít tiền cũng không mua nổi một bao gạo. Sống, tự bản thân nó là chuỗi ngày của những tin đồn ác tính. Đối với thế hệ chưa từng trải qua chiến tranh, thì khủng hoảng tiền tệ đã mang đến một hình thái trải nghiệm chiến tranh mới, trong đó con người chết bởi súng đạn của thứ mang tên tư bản.
6 Tạm đình chỉ việc chi trả nợ nước ngoài của một quốc gia do các lý do chính trị hay kinh tế.
Điều đó không có nghĩa là vì hoàn cảnh hiện tại của tôi đã tốt hơn nhiều so với những ngày đó nên tôi không còn sợ tương lai. Cũng không phải do hào khí của tôi đã dâng trào đến mức đủ để hét to “Cuộc sống này có gì đáng sợ đâu?”. Đó là vì ít ra giờ đây tôi đã biết cách sử dụng hạnh phúc mà mình cảm nhận được, thay vì coi hạnh phúc trong mắt người khác như một tiêu chuẩn cho cuộc sống bản thân. (Lạy Chúa, xin cảm ơn!)
Và một điều nữa khiến tôi không còn sợ hãi tương lai là vì tôi tin rằng nếu một người đi vào ngõ cụt, anh ta chắc chắn sẽ tìm được đường ra. Cho đến nay, nền văn minh của loài người không phải đã đi đến nhiều bước đột phá theo cách đó sao. Trong suốt khoảng thời gian đó, chúng ta đã mưu cầu hạnh phúc bằng cách giẫm lên người khác và đứng lên. Vì vậy, tất thảy chúng ta, không trừ một ai, đều trở nên bất hạnh. Nhưng nếu như ngày càng nhiều người tự ngộ ra được vòng lẩn quẩn này, ngày càng nhiều người mong muốn tận hưởng sự sung túc không có đau thương, thì thế giới này có lẽ sẽ khác đi đôi chút. Dù có người bảo tôi sẽ là người đầu tiên không bất an về tương lai nếu thật sự tin rằng một thế giới như thế sẽ đến thì cũng có làm sao... Tôi sẽ vui lòng trở thành người phụ nữ số 1 tận hưởng quyền không sợ hãi tương lai. (Tôi nói thế, nhưng sự thật tôi nghĩ mình có lẽ ở thứ 107.205).
Vui sống đường hoàng, quẳng đi gánh nặng tuổi tác
Thỉnh thoảng trên internet lại lan truyền các bài thi có đáp án độc đáo khác thường từ các học sinh tiểu học. Trong số đó, có một đáp án đến tận giờ tôi vẫn không quên. Đó là một bài kiểm tra ngữ văn điền vào chỗ trống để hoàn thành câu tục ngữ.
“Anh em họ mua đất thì__________“
Đáp án chúng ta vẫn biết là “Anh em họ mua đất thì ta nhói lòng” 1. Thế nhưng, một học sinh tiểu học đã trả lời thế này, bằng nét bút nguệch ngoạc.
1 Một thành ngữ phổ biến ở Hàn Quốc, nói về lòng đố kị. Khi nghe tin vui từ người khác, đặc biệt là người thân, thì thay vì chúc mừng, chung vui, những người đố kị sẽ sinh lòng ghen ghét, khó chịu.
Anh em họ mua đất thì em sẽ đi xem.
Ngay khi đọc câu trả lời này, tôi đã bật cười sảng khoái. Và rồi cảm thán. Con người nhất định phải nên sống thế này. Nếu chúng ta sống với tấm lòng ấy, thì thế giới hôm nay đã không biến thành tình cảnh hiện tại. Vì những đứa trẻ vốn trong sáng và giản dị, nên chúng mới có thể trả lời mà không hề vương chút tự ái hay đố kị nào. Nếu anh em họ mua đất thì em sẽ đi xem đó là một nơi thế nào, thay vì nghe nhói lòng một cách không cần thiết. Nghĩ lại thì những phiền toái của người lớn như lòng đố kỵ và ghen tức, hoặc thứ độc tố hay so sánh với người khác đều là kết quả được luyện thành dưới quá trình xã hội hóa, nào phải bẩm sinh vốn có.
Không lâu trước đây tôi có xem một bộ phim cũ, tựa đề là Goodbye My Friend 2, trong phim có một cảnh khiến tôi cứ cười tủm tỉm một mình. Dexter, một cậu bé bị nhiễm AIDS sau khi được truyền máu, và người bạn hàng xóm Erik đã có một tình bạn có một không hai, vượt qua định kiến thế giới. Erik tuyên bố sẽ tìm ra loại thảo dược cứu sống bạn mình, và cậu đã đi tìm tất cả hoa và lá ở bờ sông gần nhà. Dưới đây là cuộc đối thoại trong lúc lộn tung mọi ngóc ngách trong một bụi cỏ của hai cậu bé.
2 Goodbye My Friend là tên được phát hành tại Hàn Quốc, tựa phim gốc là The Cured, phát hành năm 1995.
Dexter: Mình có một tò mò, không biết nhà vệ sinh của lũ bọ ở đâu nhỉ?
Erik: Không phải trên lá cây đâu.
Dexter: Sao cậu tin chắc như thế?
Erik: Lá cây là thức ăn của lũ bọ mà. Có con bọ nào ngớ ngẩn đến mức ị ra trên thức ăn của mình đâu?
Một đáp án không thể đáng yêu và dễ thương hơn. Nếu theo lời Erik, thì không ai ngớ ngẩn bằng lũ bọ cả. Bởi sự thật đúng là chúng ị ra trên lá cây. Không chỉ ị ra, chúng còn chen chúc di chuyển trên đó. Cho đến nay vẫn chưa xảy ra cuộc cách mạng nào tạo nên thay đổi trong xã hội của lũ bọ về việc chúng ở bẩn chết đi được và rằng chúng cần làm riêng nhà vệ sinh. Trong hàng ngàn năm, những chú bọ này đã gặm lá trước mặt và ị phân ở phía sau.
Nhà tâm lý học Daniel Gilbert đã từng để lại lời phê bình gay gắt về việc tại sao con người không thể thỏa mãn với bản thân của hiện tại và buộc phải mang một linh hồn đói khát mọi lúc:
Con người là loài động vật duy nhất lo nghĩ về tương lai. Không có chú chuột chũi nào để tâm đến việc mình sẽ béo khi ăn, cũng không có chú voi nào lo đến nếp nhăn quanh mắt hay chú gấu trúc nào nghĩ về lương thực của năm sau.
Đúng thế. Ở loài người tồn tại một quan niệm về thời gian, đại loại như tương lai, quá khứ, hiện tại. Không biết chừng chúng ta đã trở thành những người lớn bị xâm chiếm bởi nỗi bất an ngay khoảnh khắc ta bắt đầu nhận thức về thời gian.
Tôi từng đọc qua một tình huống trong một quyển tiểu thuyết nào đó, tả cảnh nhân vật chính giật mình hoảng hốt và rơi vào tuyệt vọng trước bản thân vì bước sang tuổi 25. Trùng hợp là thời điểm đọc quyển tiểu thuyết đó, tôi 25 tuổi. Tôi đã đọc đi đọc lại đoạn đó mấy lần, sau đó thì lại trùm kín chăn và nằm dài như người thất tình. Không hiểu sao tôi lại giống nhân vật chính trong tiểu thuyết ấy, cảm thấy bản thân cần phải lo nghĩ cho hiện thực ảm đạm thay vì đốt cháy tinh thần để chiến đấu cho cuộc sống này.
“25 tuổi như thế đã gọi là có tuổi rồi. Mình phải làm sao đây...”
Giờ nghĩ lại tôi chỉ thấy buồn cười. 25, tuổi ấy thật tươi trẻ và mơn mởn biết chừng nào. 30 cũng thế, 40 cũng vậy. Khi tuổi thọ trung bình tăng lên, tuổi đời ngày nay phải giảm đi 20% của tuổi thực để cân bằng so với độ tuổi thực của người thời trước.
Tuy nhiên, chúng ta phản ứng đặc biệt nhạy cảm khi tuổi tác bước sang một đơn vị 10 năm khác. 30 là thế, 40, 50 cũng vậy. Phải sau một thời gian kéo dài sự đau lòng, chúng ta mới miễn cưỡng chấp nhận tuổi tác của mình. Tôi cũng không ngoại lệ. Khi tuổi 30 ở ngay trước mắt, tôi đã khó chịu với tuổi tác của mình như thể đang bị mắc gai ở cổ họng, và ném vô vàn câu hỏi vào những người đi trước trên trường đời. Tôi cũng sưu tầm sách và thơ đề cập đến tuổi 30. Trong đó, có một đoạn trong bài thơ Tuổi 30 của nhà thơ Jin Eun-young mà mỗi lần nghĩ đến tôi đều nổi da gà.
Ác đức phạm phải từ lúc này
Khắc ghi mãi đến khi chết.
Trên trời, ngay cả khi nguyền rủa cũng không có lời nguyền nào thế này. Lời này ngụ ý rằng ác đức con người thực sự phạm phải sẽ tích tụ quá mức sau tuổi 30. Sự tự nhận thức lạnh lùng về tuổi tác, nỗi ám ảnh tuổi trẻ, áp lực phải trưởng thành, gánh nặng phải chín chắn đúng tuổi... Tất cả những điều này có lẽ đã xuất hiện từ khi chúng ta hiến dâng bản tính ngây thơ và tâm hồn trong sáng của một đứa trẻ cho thế giới nhân danh xã hội hóa.
Tôi từng có lần du lịch đến Gyeong-ju bằng xe buýt trong một chuyến đi tập họp một nhóm người ở nhiều lứa tuổi. Trong lần họp mặt đó, tuổi trung bình của người tham gia cao đến mức tôi được xếp vào nhóm trẻ tuổi. Ngày kết thúc hành trình và rời đi, cũng là lúc xe buýt rời khỏi Gyeong-ju, vừa khéo là mùa hoa anh đào nở, du khách thưởng ngoạn nhiều đến nỗi xe ô tô đông nghịt đường.
Xe buýt đi chầm chậm khi chạy qua cửa hàng bánh Gyeong-ju Hwangnam nổi tiếng. Tôi đã luôn nhìn ra ngoài cửa sổ, bỗng buột miệng như thể đang lẩm bẩm một mình “Wow! Bánh nhà đó nghe nói rất ngon...”. Nếu không phải bị mắc kẹt trong xe buýt, tôi có lẽ đã mua để nếm thử, thậm chí là mua về làm quà tặng. Đó chỉ là lời tôi thốt ra một cách vô thức trong sự tiếc nuối, nhưng có lẽ âm thanh ấy đã truyền đến tai một người lớn tuổi ngồi ghế trước. Mái đầu luôn hướng về phía trước của bác bỗng chuyển hướng sang cửa sổ rồi dừng lại ở đó một lúc lâu.
Vừa đúng lúc xe buýt đang kẹt ngay gần tiệm bánh. Tôi thấy bác vụt đứng dậy và đi về phía tài xế. Hai người trao đổi qua lại mấy câu thì cửa xe buýt mở ra, bác ấy biến mất như thể đã bị hút vào phía trong cửa tiệm. Không lâu sau đó, khi trở lại xe buýt, trong tay bác đang cầm một túi bánh nặng trĩu. Bác ấy bắt đầu chia bánh cho tất cả mọi người trên xe buýt. Ngay khi nghe thấy những lời cảm ơn chỗ này chỗ kia vọng lại, bác tươi cười rạng rỡ nói:
“Đã đến Gyeong-ju rồi thì phải ăn thử bánh này rồi mới đi chứ mọi người nhỉ!”
Nhìn phần bánh mì màu nâu trông ngon lành trên tay mình, tôi nhận ra một sự thật ập về như sấm chớp, khiến tôi đỏ bừng mặt. Bác gái, người mua bánh về ấy, là người lớn tuổi nhất trên xe buýt ngày hôm đó và cũng là con gái cả trong nhà. Hơn nữa, từ khi còn bé bác đã như là chủ gia đình thật sự, đảm nhận cả vai trò của mẹ. Cuộc đời luôn quan tâm chăm sóc các em, các cháu của bác suốt bao năm qua đã được tiếp tục bằng túi bánh hôm đó.
Một hậu bối vẫn còn trẻ, ngồi ở ghế sau, chỉ nuốt nước bọt nhìn hàng bánh là tôi đây, bỗng chìm trong một nỗi tự trách nho nhỏ. Nếu một người bề dưới thốt ra những câu như “Em muốn ăn gì đó”, “Em muốn có món đồ đó”, thì phản xạ muốn đáp ứng hết mức chỉ có thể là lập trường của “người lớn”. Nhờ lời nói buột miệng của mình mà tôi đã có thể nếm thử vị bánh Hwangnam, thế nhưng để có thể chia cho số hội viên ở đó mỗi người vài cái bánh, bác gái hẳn đã phải chi một số tiền không nhỏ. Vì đối với người lớn, ưu tiên “nuôi ăn” người nhỏ hơn là một việc quan trọng. Bất cứ khi nào nghĩ về chiếc bánh ngày mùa xuân đó, lòng biết ơn và hối lỗi mơ hồ lại thay nhau nảy nở trong lòng tôi tựa những đóa anh đào.
“Em mua chút bánh cho mọi người cùng ăn thử nhé? Nhanh chạy đi mua về nào.”
Tôi không thể tưởng tượng được dáng vẻ của tiền bối nói những lời như thế. Không chỉ bác gái ấy, những người lớn khác xung quanh tôi cũng đều vậy. Dù thường ngày có thoải mái và tháo vát đến mức nào nhưng khi có việc phải vào vai người lớn, thì họ đều trở nên thận trọng và nghiêm túc trong mọi việc. Tương tự như vậy, khi ở cùng những người nhỏ hơn mình thì tôi cũng không dễ gì hành xử nhẹ nhàng, dễ dãi.
Làm thế nào để chúng ta làm được công việc của người lớn? Trở thành người lớn, cư xử, sống đúng theo tuổi tác đôi khi lại là một công việc đẫm nước mắt. Điều này càng đúng hơn mỗi lúc tôi nghĩ về thói quen rất mâu thuẫn của xã hội chúng ta, khi chúng ta cảm thấy người lớn tuổi như gánh nặng và có xu hướng chống lại phong tục Nho giáo bắt phải cung kính người lớn tuổi, nhưng lại tìm đến họ khi có việc cần dựa dẫm, nhờ vả.
Đôi khi, tôi muốn tận hưởng quyền không trở thành người lớn. Tôi không có ý muốn chối bỏ trách nhiệm. Tôi muốn nói về quyền sống một cách trong sáng thuần khiết, để không chút tư tâm đi xem mảnh đất anh em họ vừa mua, để tò mò tự hỏi xem lũ côn trùng đi đại tiện ở đâu, để cười hết mình như chú voi con mà không để tâm những nếp nhăn quanh mắt. Tôi chính là muốn sống với tấm lòng của một đứa trẻ, một tấm lòng mà bất cứ ai đều sở hữu, bất cứ ai cũng có thể tận hưởng nhưng lại sớm từ bỏ bởi sự ràng buộc trong khuôn khổ mang tên tuổi tác. Tôi muốn sống như một người trưởng thành lưu giữ nét hồn nhiên trẻ thơ trong khi vẫn không đánh mất phẩm vị, có thể hô to: “Không đâu, có muộn thì cũng muộn bao nhiêu đâu!” và mạnh mẽ tiến về phía trước mỗi khi chuẩn bị bắt đầu một điều gì đó nhưng lại do dự bởi tuổi tác, có thể tản bộ trong một chiếc áo hoodie ngay cả khi đã bước sang tuổi 70, 80, trăn trở và cổ vũ cho thế giới nơi những người trẻ sau này sẽ sống thay vì chỉ trăn trở và cổ vũ lợi ích của thời đại mình. Tôi ôm giấc mộng trở thành một người trưởng thành như thế.
Những khoảnh khắc nhắc tôi về ý nghĩa cuộc sống
Bạn đã bao giờ nhìn thấy bọ nước khổng lồ chưa?
Khi còn là một đứa trẻ, tôi thường bắt gặp bọ nước khổng lồ trong ao, trên bờ suối hay trong chuôm có cỏ nước. Tuy nhiên, do ô nhiễm nguồn nước nên ngày nay chúng đã trở thành loài có thân phận cao quý, được quy định là chủng cần được bảo tồn. Tôi vẫn còn nhớ mình từng bao lần giật bắn mình lùi lại khi tình cờ gặp bọ nước khổng lồ trong lúc đang chơi bên bờ nước. Bọ nước khổng lồ là loài to nhất trong số các côn trùng sống dưới nước. Tôi bị chứng khiếp sợ bọ nước khổng lồ bởi một cảnh tượng vô tình trông thấy vào một ngày nọ.
Hồi còn học lớp 4, 5 tiểu học, tại vùng quê tôi sống có một hồ nước khổng lồ. Bọn trẻ con không ai bảo ai, cứ đến giờ tan trường là tụ tập ở hồ nước đó. Hồ nước khá sâu, cứ vài năm lại có người gặp tai nạn nên không thể nói đó là một nơi vui chơi an toàn. Nhưng dù người lớn có lấy chuyện người té chết trong hồ ra để dọa thì chúng tôi cũng không mấy để tâm. Cái chết hẳn nhiên là một sự uy hiếp quá đỗi trừu tượng với bọn trẻ con chúng tôi. Có một hòn đảo nhỏ ở giữa hồ, bọn trẻ con thường bơi đến tận đó, hong khô người rồi leo lên cây chơi đến tận khi trời chạng vạng mới quay trở lại bờ đê.
Tôi nhớ ngày mà một cậu bạn nghịch ngợm bắt được một con rắn trong bụi cỏ gần hồ nước. Những loài như rắn chỉ 1 vốn phổ biến đến mức dễ vô ý giẫm phải lúc đi trên bờ ruộng, nhưng rắn là một loài bất cứ khi nào gặp phải đều khiến người ta rùng mình. Bọn con gái bắt đầu la hét thất thanh. Bọn con trai thì chạy vòng quanh, nắm cổ con rắn quay vòng vòng rồi ném bẹp xuống đất. Cuối cùng, khi con rắn đã nhũn ra thì bọn trẻ chạy đi tìm mấy ông chú đang làm việc tại công trường xây dựng trong làng. Và màn mặc cả diễn ra một cách ngắn gọn, đơn giản:
1 Spinalis.
“Đây. 300 won. Hơn nữa không được nhé.”
300 won. Đó là giá trị con rắn mà tôi nhớ. Mấy ông chú thành thạo lột da rắn, cắt thành từng đoạn và bỏ lên vỉ nướng ăn. Lúc đó, thế giới của người lớn hiện lên trong mắt một đứa trẻ con như tôi tự bản thân nó đã là một kỳ quan. Tôi chưa bao giờ tưởng tượng rằng một ngày nào đó tôi sẽ trở thành một thành viên của thế giới đó, hoặc có ngày tôi sẽ hiểu được những người lớn đó. Người lớn luôn mua rắn bọn trẻ con mang đến, và giá mua thường khác nhau tùy theo kích cỡ và chủng loại rắn. Bọn con gái vừa sợ dựng gai ốc lại vừa không thắng nổi tính hiếu kỳ, nên thỉnh thoảng lại đi theo đến tận nơi bán rắn.
Một ngày nọ, tôi nhìn thấy một cảnh tượng còn gây sốc hơn cả hình ảnh con rắn vặn vẹo cố liều mạng bò đi mỗi khi bị bọn con trai ném xuống đất. Địa điểm vẫn là hồ chứa nước đó, nhưng nhân vật chính lại là một con bọ nước khổng lồ. Không, ban đầu tôi đã không biết rằng con bọ nước khổng lồ là nhân vật chính.
Trong mắt tôi chỉ nhìn thấy mỗi một chú ếch bằng ngón trỏ đang lơ lửng nửa mình trên mặt nước. Có lẽ nó đang bơi trong nước và đợi để nhảy lên bờ đê. Tôi cách chú ếch khoảng 40cm. Ở khoảng cách mà chỉ cần quẫy chân thêm vài lần là có thể chạm được bờ, kỳ lạ thay chú ếch lại không tiến về phía trước mà chững lại đó. Ban đầu tôi cứ tưởng đó là do mình. Tôi nghĩ sau khi chạm mắt mình, chú ếch đã trở nên đề phòng và không tiến lên thêm nữa. Tuy nhiên, sau một thời gian mắt chú ếch sụp xuống như thể buồn ngủ, nét sáng bóng trên người chú bắt đầu mất dần như thể bị tiêm thuốc độc.
Một điều gì đó không bình thường bắt đầu diễn ra. Giống một quả bóng bay căng tràn không khí vừa bị đục cho một lỗ rất bé, cơ thể chú ếch dần thu nhỏ lại. Sự biến hóa diễn ra tuy chậm chạp, nhưng rất rõ ràng. Qua một lúc, thật ngạc nhiên là lớp da của chú ếch đổ sụp xuống như một chiếc lều bị gãy chân đỡ. Làn da xanh lá cây nhăn rúm lại và mỏng như giấy, phần đầu cũng méo bẹp đi. Tôi có nên nói là nó giống hình ảnh bịch sữa tam giác bằng nhựa dẻo quắn quéo lại sau khi bị người ta è cổ hút hết sữa bên trong không nhỉ? Tuy nhiên, ở lớp da của chú ếch không thể tìm thấy sự đàn hồi bóng bẩy của nhựa dẻo, nó chỉ giống một mẩu vải màu xanh đã trở nên nhàu nát.
Bao lâu đã trôi qua? Cuối cùng, trên mặt nước chỉ còn nổi lềnh bềnh lớp da của chú ếch. Phải đến lúc ấy, tôi mới nhìn thấy hình ảnh một con bọ nước khổng lồ trốn phía sau chú ếch. Bọ nước khổng lồ, kẻ đã đạt được mục đích, thong thả rẽ làn nước và biến mất vào đó. Ngay lúc ấy, tôi cảm nhận một nỗi mất mát hòa lẫn sợ hãi rằng mình sẽ không thể quay lại với thế giới trước kia, toàn thân tôi nổi gai ốc.
Tôi từng thấy một con mèo bắt chuột dưới sàn nhà, rồi lấy chân lăn qua lăn lại chơi đùa. Mèo vờ như bỏ mặc không nhìn, như thể bảo chú chuột trốn đi đâu tùy ý, nhưng chỉ cần chú chuột nhúc nhích một chút thôi thì mèo sẽ trong nháy mắt dùng chân trấn áp ngay. Vậy là, chú chuột đúng như câu nói “đóng băng cứng ngắc”, không thể nhúc nhích. Tôi từng thấy một con rắn thè chiếc lưỡi như pháo hoa và bò lên cây có tổ chim con. Chim mẹ đã cất tiếng kêu hung tợn và dùng mỏ mổ tấn công con rắn để bảo vệ đàn chim con.
Bất cứ khi nào nhìn thấy một khung cảnh mà hai sự tồn tại đối đầu nhau trong sinh tử, trong cơ thể tôi lại tuôn trào một dòng điện lưu mạnh mẽ. Khi ấy, nếu nối một sợi dây điện vào cơ thể tôi, thì không biết chừng có thể thắp sáng được một bóng đèn con con. Tôi đã dựng tóc gáy và bị kích động. Tim tôi đập nhanh đến mức mất kiểm soát, thế giới quanh tôi cứ thế dừng lại.
Thế nhưng, đối diện một chuỗi thức ăn tàn nhẫn nào đó cũng không khiến tôi sốc bằng cảnh chú ếch bị hạ gục một cách thê thảm trước mắt vào hôm đó. Đến tận giờ tôi vẫn không thể quên lớp da xập xệ trôi lềnh bềnh của chú ếch. Bọ nước khổng lồ, đúng như biệt danh “bạo chúa dưới nước”, đã ẩn mình trong nước và làm tê dại trái tim một đứa trẻ con, để lại trong tâm trí nó tàn ảnh về một cuộc chiến quá khốc liệt.
Bọ nước khổng lồ săn thịt không chỉ ếch mà còn cả cá, chúng dùng cặp chân trước cứng cáp để bắt con mồi, sau đó cắn chặt. Lúc này, enzim được tiết ra làm tê liệt con mồi. Đó cũng là lý do cho việc chú ếch trông có vẻ buồn ngủ trong một lúc. Enzim còn có tác dụng hóa lỏng tất cả mọi thứ trên cơ thể con mồi, để nó có thể hút lấy tất cả mọi thứ, trừ lớp da. Làm thế, chúng sẽ một hơi hút sạch toàn bộ con mồi như thể uống sạch chén thuốc bắc. Phải đến sau này tôi mới biết người lớn thường gọi bọ nước khổng lồ là “quỷ của ếch”. Không chỉ với ếch, loài quỷ của ếch này còn hút ngay tại chỗ các loài cá nhỏ và nòng nọc khác, chỉ chừa lại lớp da.
Có lúc trái tim tôi cứ liên hồi bộc phát “những cơn hắt xì”. Đó là khi tham vọng được dán chặt vào và kích thích trái tim tôi. Khoảnh khắc khi tôi cử động các ngón tay tìm vé máy bay trong vô thức, hay rẽ vào một văn phòng chuyển nhượng vô tình nhìn thấy trên đường, tôi phát hiện bản thân mình rơi vào trạng thái đờ đẫn như buồn ngủ, mắt và tay chân làm thay hết các công việc của não.
Ngôi nhà hiện giờ tôi đang sống cứ mỗi khi mưa xuống thì tường ngoài ban công sẽ rỉ nước, giấy dán tường cũng phai màu dần. Không biết có phải do cách nhiệt cẩu thả không mà mùa đông thì rất lạnh, còn hè thì nóng như nồi hấp hơi. Bồn rửa mặt trong phòng tắm hỏng từ lúc tôi mới chuyển đến nên cũng bị bỏ hoang. Ngoại trừ những điều kể trên thì ngôi nhà rất tốt. Tôi hài lòng với nó. Tôi thích việc có thể lờ mờ trông thấy ngọn núi trước nhà, thích ánh nắng rọi vào từ bốn hướng, thích cấu trúc có thể sinh hoạt một cách độc lập. Khi ta muốn kêu ca thì những điểm thiếu sót kể mãi cũng không hết, tương tự, khi muốn biết ơn cũng thế.
Thật dễ dàng trở thành tù binh của dục vọng nếu ta tạm xa rời những khoảnh khắc nhắc nhở bản thân về ý nghĩa thật sự của cuộc sống. Nếu tôi tình cờ bước vào một căn nhà mẫu khi đang đi trên đường, các nhà môi giới sẽ tiếp đón tôi rất tử tế. Nhà bếp sạch sẽ, phòng tắm sáng lấp lánh với lớp gạch men mới, cửa sổ hai lớp sáng sủa gọn gàng và ban công rộng thênh thang. Trong nhà mẫu chỉ bài trí những nội thất thật sự cần thiết mà hoàn toàn không có thứ gọi là dấu vết của cuộc sống. Dấu vết của cuộc sống vặt vãnh hằng ngày đã được xóa bỏ và ngôi nhà trở thành một sản phẩm đầy vẻ đẹp nhân tạo. Tôi nhìn xung quanh với tâm trí mông lung gần như nửa tỉnh nửa mê.
Ồ, mọi thứ hẳn sẽ rất sảng khoái để tôi bắt đầu một cuộc sống mới ở đây. Có thật thế không? Tôi sẽ phải sống tất bật trong một thời gian để sắm sửa nhiều thứ lấp đầy ngôi nhà mới. Tôi sẽ thải ra rất nhiều rác chỉ với lý do đồ đạc đã cũ, và tôi sẽ sống cả đời vừa trả nợ vay, vừa mẫn cảm căng “cột ăng ten” của mình mỗi khi nghe tin tức liên quan đến giá nhà.
Dấu hiệu của sự đổ vỡ vẫn hiển hiện từng chút một ngay cả trong những ngày mọi thứ dường như đang lặng lẽ quay đúng theo quỹ đạo của nó. Cuộc sống là vậy. Nếu không phải tình yêu thì là tiền. Tôi đã thấy một, hai mối nhân duyên mất đi sau khi bị nói xấu sau lưng về một trong hai điều này. Ngày càng nhiều người thấp thỏm chờ đợi kết quả xét nghiệm sinh thiết sau khi kiểm tra sức khỏe. Có những ngày tôi nghĩ tình yêu này liệu là chất xúc tác khiến bản thân trưởng thành, hay chỉ là cái bẫy khiến mình vùng vẫy thoát ra khỏi lớp da của linh hồn. Bọ nước khổng lồ có mặt khắp mọi nơi. Đó là biểu tượng lạnh lẽo về cuộc sống này.
Tôi sẽ không thể thoát ra dù chỉ một tấc khỏi hồ nước ngày thơ?
Tôi hay tự hỏi như vậy.
Tôi đang bị cuốn chặt vào thứ gì đây?
Đâu là nguyên hình của thứ đang ngoạm đầy mồm và hút dần xương cốt tôi?
Đâu là bọ nước khổng lồ của đời bạn?
Thử một ngày sống trọn con tim
Heidemarie là một phụ nữ người Đức đang thử nghiệm lối sống từ bỏ sở hữu vật chất hoàn toàn, bao gồm nhà cửa cho đến bảo hiểm y tế. “Ngày sa mạc” là cách Heidemarie đặt tên cho một ngày mà bà thành thật trong từng khoảnh khắc mà không có bất kỳ kế hoạch hay sự chuẩn bị nào, hay nói gọn một câu là một ngày thử sống trọn con tim. Bà ra khỏi nhà một cách vô định và để đôi chân dẫn lối, nhìn thấy trạm tàu hỏa thì lên tàu, gặp xe buýt thì lên xe đi và xuống ở nơi bà muốn. Bà cũng đến vườn thú, tìm đến hồ bơi và thong thả ngả mình trên ghế dài. Bà mua một chậu hoa xinh xắn rồi ghé thăm ai đó để tặng món quà bất ngờ này. Bà trục xuất xa khỏi mình những thứ như ánh nhìn của người khác, sự e dè, nỗi rụt rè và để bản thân tự do hết mức có thể. Dành tặng bản thân “ngày sa mạc” giống như cho mình quyền tự do sử dụng ngày hôm đó, là một trong số những niềm vui của cuộc sống. Heidemarie nói thế này:
Thông qua ngày sa mạc, tôi có thể có một cuộc gặp gỡ quý giá, tôi cũng có thể nhận được một thông điệp quan trọng rất cần thiết với mình. Theo sau đó là may mắn được thực hiện một chuyến quan sát tuyệt vời. Đây xem như là cơ hội với riêng bản thân tôi để có thể thoát khỏi đời thường nhàm chán, với mỗi ngày đều trôi qua giống nhau.
Sự thật là vào những ngày căng thẳng đến nghẹt thở, ai cũng theo bản năng mơ về “ngày sa mạc” ngay cả khi bản thân không ý thức được điều đó. Chỉ là, họ không gán cho khoảng thời gian đó một cái tên đẹp đẽ như “ngày sa mạc” của Heidemarie. Ngày sa mạc cũng là tên gọi khác cho quyền được thỏa lòng lang thang đây đó.
Ở sa mạc, bạn không có cách nào khác ngoài việc liên tục đi bộ hoặc ngồi nghỉ trên cát. Bất chấp những điều kiện khắc nghiệt để con người sinh sống, sa mạc luôn có một sức mạnh huyền bí thu hút mọi người. Những nhà sáng lập tôn giáo phải sau một khoảng thời gian nhất định ở trong sa mạc mới truyền được những thông điệp trọng đại đến nhân loại. Không riêng thánh nhân, những nhà lãnh đạo tinh thần vĩ đại trong lịch sử đã dành phần nhiều thời gian cuộc đời sống lùi lại, xa cách mọi người để sống một mình trong cảnh tịch mịch như sa mạc. Những du khách muốn tìm lại ánh sáng trong bản thân, để sống một cuộc đời ngập tràn sinh lực cũng từng hướng về sa mạc. Sa mạc là một vùng đất cằn cỗi, bi ai nhưng cũng đầy dấu hiệu của sự tái sinh và sáng tạo.
Những việc tôi muốn làm vào “ngày sa mạc”
Ngoài ra, tôi có thể làm được nhiều việc khác. Tôi sẽ có thể tự do tận hưởng những việc vẫn làm hằng ngày mà không bị ràng buộc bởi bất cứ một quy tắc nào. Tắm khi muốn tắm, ăn khi bụng đói, dọn bàn ăn đàng hoàng khi muốn dọn, ăn qua loa nếu muốn qua loa… Điều quan trọng nhất là chầm chậm cảm nhận và ý thức đầy đủ từng động tác một trong lúc làm.
“Ngày sa mạc ư? Nếu được cho một ngày như thế, mình thật sự không muốn làm gì cả. Thật sự không làm gì cả.”
Đó là lời một người bạn của tôi. Tôi cũng muốn bỏ một phiếu ủng hộ cho ý kiến này. Có vô vàn những hành động, lời hứa hay việc muốn làm sẽ hiện lên trước câu hỏi bạn muốn làm gì nếu ngày tận thế thật sự đến. Nhưng vào ngày sa mạc, điều chúng ta muốn làm chỉ là yên tĩnh tận hưởng cuộc sống hằng ngày, hay nhẹ nhàng buông bỏ một bản thân luôn bị trói buộc trong nghĩa vụ.
Một người em tôi quen bình thường vẫn hay bày những trò đùa có phần “hoang dã” cùng chồng. Có một việc cô ấy muốn thử làm vào ngày sa mạc:
“Khi chồng em sắp đi làm về, em sẽ diện hanbok, đeo tạp dề, và ngoan ngoãn ngồi chờ trong phòng khách. Điểm quan trọng ở đây là em sẽ không mặc jeogori 1 của hanbok đâu. Em sẽ đeo tạp dề, ngồi theo tư thế của Ư Vũ Đồng 2 và nói đúng một câu ‘Ông xã, đã về rồi sao?’.”
1 Jeogori: áo khoác ngoài.
2 Ư Vũ Đồng là một nhà thơ, nghệ sĩ, vũ công của Triều Tiên thế kỷ 15. Bà là ái nữ của Phác tiên sinh Tri Thừa Văn, là một thiếu nữ xinh đẹp nhưng tính tình lẳng lơ và hay làm điều sai quấy.
Hy vọng là chồng của em ấy có một trái tim mạnh mẽ, để cùng nhau tận hưởng ngày sa mạc.
Không có việc tốt hoàn hảo, cũng không có việc xấu tuyệt đối
Chim tiêu liêu 3 và bạc má khoang lâu ngày mới gặp lại nhau trên một cành cây.
3 Chim hồng tước (Troglodytes troglodyes).
“Cậu dạo này thế nào?”, chim tiêu liêu hỏi.
“Tớ vẫn thế thôi. Vẫn còn chưa nhặt đủ lượng lương thực dự trữ cho mùa đông. Cậu thì sao?”, chim bạc má khoang đáp và hỏi ngược lại.
“Tớ vẫn ổn!”, chim tiêu liêu đáp.
“Thế à?”, chim bạc má khoang ngạc nhiên hỏi lại, như thể đây là lần đầu tiên chú nghe được một đáp án rõ ràng đến vậy.
“Mọi thứ đều tốt bởi vì nó không tệ. Nếu phải có chuyện tốt thì mới tốt, mới hạnh phúc thì chính là tham lam quá đấy”, chim tiêu liêu đáp.
“Nhưng tiêu chuẩn của ‘xấu’ là gì nhỉ? Phải là chuyện cỡ nào xảy ra mới có thể thật sự coi đó là ‘xấu’ nhỉ?”, chim bạc má khoang hỏi.
Chim tiêu liêu bỗng chốc chìm vào suy tư.
Tồi tệ, tốt đẹp, hạnh phúc, bất hạnh. Không ai có thể định được tiêu chuẩn cho những điều này.
Tiêu chuẩn đó chỉ có thể do bản thân mỗi người tự quyết định.
Hạ thấp hết mức có thể thước đo của hạnh phúc, nâng lên hết mức có thể thước đo những điều tồi tệ.
Đan khít hết mức có thể mắt lưới của hạnh phúc để không bỏ sót bất cứ niềm vui bé nhỏ nào, đan thưa và rộng hết mức mắt lưới của bất hạnh để cho qua những gì có thể.
Sự thật mà chim tiêu liêu biết chỉ có duy nhất điều này.
Chim tiêu liêu đã nói lên suy nghĩ của mình.
“Buổi nói chuyện hôm nay vui quá. Gặp cậu sau nhé”, chim bạc má khoang hót líu lo, líu lo rồi vỗ cánh phần phật và bay đi.
“Thế nhé. Chúc cậu may mắn”, chim tiêu liêu chào. Và rời đi nhặt cành cây về xây tổ.
Đó là một câu chuyện ngụ ngôn về hạnh phúc tôi từng viết nhiều năm trước.
Năm tháng theo phấn hoa đã thổi qua nhiều mùa kể từ lúc tôi viết câu chuyện này.
Dù đã nhận ra chân lý trên trong một khoảnh khắc mà trái tim tôi trở nên trong trẻo như kỳ tích, thì cũng thật khó để dư âm đó kéo dài mãi mãi.
Đây là lý do cho việc phải không ngừng ghi nhớ và làm mới các ý nghĩa, dù đó có là thứ do chính bản thân nói và viết ra.
Có những đoạn thời gian ngập chìm trong thử thách và mất mát, trong phù phiếm của cuộc sống, câu chuyện ngụ ngôn này lại hiện lên trong tâm trí tôi.
Tôi đã phải thừa nhận rằng con người, bao gồm cả tôi, có một thói quen dai dẳng khiến hạnh phúc của mình bị trì hoãn.
Thêm vào đó, chúng ta ngày càng khó phân định đâu là điểm tốt, xấu của bất kỳ một hoàn cảnh nào.
Những sự tồn tại xứng đáng và có ý nghĩa trên thế giới dẫu có dần tan biến thì đã sao, nếu nhờ vậy, chúng ta có thể học được một điều gì đó, dù cái giá phải trả khá đắt?
Việc kết thúc một cuộc tình từng nồng nhiệt đến thế thì đã sao, nếu nhờ vậy, chúng ta biết được không có gì là mãi mãi?
Vậy, rơi nước mắt một sáng vừa thức dậy, thấy bản thân dường như quá đỗi nhỏ bé và không có giá trị thì đã sao, nếu nhờ vậy, chúng ta biết được trên thế giới này, người có thể làm đau mình chỉ có duy nhất chính mình, và rằng việc yêu chính bản thân mình cũng khó như việc vượt qua ngọn Himalaya?
“Không có việc nào tốt hoàn hảo, cũng không có việc nào tuyệt đối xấu.”
Ngay khi câu nói bình dị này trở thành một phần của tôi sau khi đi hết quá trình kiểm chứng trong một thời gian dài, tôi bỗng cảm thấy tự do.
Và tôi lại lắng nghe một lần nữa câu chuyện ngụ ngôn về hạnh phúc mình từng viết rất lâu trước đây.
Hạ thấp hết mức có thể thước đo của hạnh phúc, nâng lên hết mức có thể thước đo những điều tồi tệ.
Đan khít hết mức có thể mắt lưới của hạnh phúc để không bỏ sót bất cứ niềm vui bé nhỏ nào.
Đan thưa và rộng hết mức mắt lưới của bất hạnh để cho qua những gì có thể.