Nuôi dưỡng tình yêu cho con trẻ như ngọn lửa kiên định, ấm áp nhưng không bức bối, phát sáng nhưng không đốt cháy
Những bông hoa hồng người mẹ đã trải trên con đường của đứa trẻ, sẽ chỉ còn lại đầy gai nhọn khi chúng trưởng thành
Vài năm trở lại đây, trẻ em đã trở thành trung tâm của sự quan tâm. Có một điều thú vị là chúng ta vừa mới khám phá lại những đứa trẻ. Trong một đại hội, các nghệ sĩ cống hiến tài năng của mình để miêu tả cuộc sống của những đứa trẻ. Các cuộc triển lãm giúp chúng ta quen với nhiều khía cạnh của những tiến bộ đã đạt được trong kiến thức mới này. Vậy chẳng ngạc nhiên khi chúng ta đột nhiên được làm quen với hành vi lạm dụng trẻ em. Chẳng ngạc nhiên khi chúng ta rùng mình biết được rằng có những đứa trẻ bị cha mẹ mình hành hạ. Những tiếng la hét khiếp sợ. Nhân loại đã trở thành một dòng chảy lớn, thúc đẩy các cỗ máy tổ chức xã hội mới hoạt động vì lợi ích của những đứa trẻ không có khả năng tự vệ. Ai lại không ủng hộ phong trào này? Ai lại chống đối nó? Thực sự, không có cảnh tượng nào buồn hơn một đứa trẻ bị tra tấn đến chết bởi cha mẹ của mình. Toàn bộ bản năng bảo vệ nòi giống kêu gào chúng ta chống lại nó.
Nhưng chủ đề này cũng có thể được nhìn từ một góc độ khác. Tôi muốn đề xuất xem xét nó từ góc nhìn của các bác sĩ và những người làm giáo dục. Rằng phía đối lập của sự ngược đãi, chính là tình cảm quá mức. Nó cũng có mặt tối của nó. Nó có khả năng hủy hoại cuộc sống của một đứa trẻ và khiến một con người vô tội đau khổ suốt đời.
Tại một buổi gặp riêng tư của các bác sĩ cách đây không lâu, chủ đề của đại hội cuối cùng về bảo vệ trẻ em đã được thảo luận từ những khía cạnh nghiêm túc hơn và nhẹ nhàng hơn. Một nhà thần kinh học người Viên (Áo) đã mạo hiểm nhận xét như sau: “Thật là bất hạnh nếu một người phụ nữ dồn hết tình cảm dành cho chồng sang đứa con của cô ấy. Một bất hạnh cho nhân loại. Nó sẽ làm gia tăng vô số những ca bệnh thần kinh.”
Mọi người trước tiên có xu hướng công kích dữ dội ý kiến này. Một sự nuôi dưỡng đầy yêu thương lại làm một đứa trẻ loạn thần kinh hay sao? Ai có thể chứng minh rằng một tuổi thơ hạnh phúc đem đến một cuộc sống không hạnh phúc? Liệu cha mẹ có sợ thể hiện tình cảm với con mình không? Sợ ôm chúng, hôn chúng, âu yếm chúng? Có phải trạng thái âu lo là hậu quả của sự lạnh lùng khắc nghiệt, cưỡng ép bạo lực?
Tôi sẽ cố gắng trả lời những câu hỏi khó nhằn này. Nhưng trước tiên, một thực tế đáng chú ý phải được nhìn nhận. Cha mẹ thực sự đang ngày càng trở nên nặng tình. Những bậc cha mẹ yêu thương cuồng nhiệt khá phổ biến như hiện nay, trước đây là ngoại lệ. Ngày nay suy nghĩ của cha mẹ tập trung xung quanh đứa trẻ nhiều hơn. Làm thế nào để nuôi dưỡng nó, dạy dỗ nó, mặc cho nó đúng cách, làm nó vững vàng? Làm thế nào để hướng dẫn nó trong các vấn đề tình dục?… Một đống sách vở và tạp chí gần như không đủ để đáp ứng mối quan tâm to lớn về những vấn đề này. Do được giải phóng phần nào, nên có phải phụ nữ đã chuyển dịch sự quan tâm của họ từ người chồng sang đứa trẻ hay không? Tôi nghĩ rằng đó không phải là nguyên nhân duy nhất.
Nguyên nhân của tình yêu phì đại với đứa trẻ
Có thể viện dẫn những ví dụ từ thời trước về tình cảm cha mẹ phóng đại thành tình thương yêu mê mẩn. Đứa trẻ quá được cưng chiều. Gần như lúc nào cũng chỉ là một đứa trẻ với “niềm vui run rẩy”.
Thật đáng tiếc là hầu hết các gia đình hiện đại được tạo thành từ những “niềm vui run rẩy” như vậy. “Chủ nghĩa Neo-Malthus”46 đã lây nhiễm toàn thế giới. Do sử dụng vô số phương pháp tránh thai, tỉ lệ sinh đang giảm đều. “Gia đình hai con” là quy định. Đặc biệt các gia đình giàu có là ngoại lệ. Sự mắn đẻ của người Đức luôn được được coi là một kiểu mẫu cho người Pháp. Nhưng điều đó sớm trở thành quá khứ. Trong những thập kỉ trước, 1.000 phụ nữ đã lập gia đình ở Berlin sinh 220 trẻ em. Từ năm 1873 đến năm 1877, con số này tăng lên 231. Sau đó, tỉ lệ sinh giảm dần từng năm. Năm 1907, trong 1.000 phụ nữ chỉ có 111 trẻ em. Ở các thành phố lớn khác, vấn đề này còn tồi tệ hơn ở Berlin.
46 Neo-mathusianism: Quan điểm cho rằng tỉ lệ dân số cần được kiểm soát, đặc biệt bằng phương pháp tránh thụ thai.
Liệu có phải do sự suy giảm về số lượng hôn nhân. Không phải như vậy. Ở Phổ, số lượng hôn nhân từ năm 1901 đến năm 1904 ở mức 8 trên 1.000, trong khi năm 1850, con số ít hơn đôi chút, 7,8 trên 1.000. Các nhà xã hội học đã phát hiện từ tình trạng này một mối nguy hiểm lớn cho triển vọng tinh thần của chủng tộc. Vấn đề này ở nông thôn tốt hơn nhiều. Họ nói rằng, trong thời gian không xa, thế hệ con cháu của tầng lớp nông dân sẽ vượt qua đám con cháu thông minh của người thành thị về số lượng. Nông thôn sẽ nhận được những thứ tốt nhất của thành thị, chứ không phải ngược lại.
Quay trở lại chủ đề của chúng ta. Hãy coi thực tế này là đương nhiên: “Chính sách hai con” là nguyên nhân cho tình thương vô độ của cha mẹ như chúng tôi đã mô tả. Nhưng nó nguy hiểm đến đâu?
Hệ quả của tình yêu vô độ đến tâm hồn trẻ thơ
Tôi sẽ không cố gắng đưa ra chi tiết về những mối nguy hiểm phổ biến ở đây. Chúng ta đều biết rằng những đứa trẻ được chiều chuộng thường trở thành những người phụ thuộc bất lực. Chúng không thể tìm thấy vị trí của mình trong cuộc sống. Dường như chúng không được trang bị để đương đầu với nghịch cảnh. Tình cảm nuông chiều dành cho đứa trẻ sẽ tạo ra một nhu cầu tình cảm lớn tương ứng. Nhu cầu tình cảm dữ dội này luôn đòi hỏi được thỏa mãn. Chừng nào chúng vẫn là trẻ con, nhu cầu của chúng sẽ được đáp ứng. Các bậc cha mẹ, đặc biệt là các bà mẹ, vui mừng khôn xiết trước những biểu hiện tình yêu của con cái họ. Đến nỗi, từ trái tim chứa chan của họ, họ thưởng cho chúng bằng cách vuốt ve âu yếm tới tấp. Mức độ bày tỏ yêu thương dần tăng lên.
Và giờ đã tới lúc đứa trẻ đi học. Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời, nó đứng trước ý chí của một người lạ, họ không vuốt ve yêu thương, chỉ yêu cầu nó làm việc mà không càu nhàu. Tình trạng này dễ dàng làm tăng xung đột. Đứa trẻ nghĩ rằng thầy cô không yêu thương nó. Một lời nói gay gắt cũng làm nó sợ hãi và bắt đầu khóc. Trường học trở nên đáng ghét với nó. Nó đi học một cách miễn cưỡng. Nó yêu cầu chuyển sang trường khác và các giáo viên khác. Nếu mong muốn của nó được thỏa mãn thì điều tương tự sẽ sớm được lặp lại.
Vấn đề trở nên tồi tệ hơn nhiều khi những đứa trẻ này lớn lên. Chúng có một sự thèm muốn không thể cưỡng lại với cử chỉ quan tâm. Chúng phát triển thành những người phụ nữ giết chết tình yêu dành cho chồng mình. Thay vào đó là tình yêu thái quá của chính mình. Mỗi ngày họ muốn được nghe rằng chồng mình vẫn yêu thương mình. Không phải hàng ngày mà là hàng giờ, họ muốn nhận được những lời ngọt ngào, những lời yêu thương, cái tên thân mật và vô số nụ hôn. Mặt khác, những người đàn ông khi được quá nuông chiều trong thời thơ ấu, sẽ rất hiếm khi cảm thấy hài lòng với vợ mình. Sớm muộn gì họ cũng sẽ tìm cách bù đắp ở bên ngoài, vì tình cảm của người vợ là không đủ với họ. Hoặc họ chuyển đòi hỏi đó sang những đứa con. Từ đó chúng phải chịu đựng một gánh nặng hết sức nặng nề. Song ngay cả điều này cũng chưa phải là tồi tệ nhất.
Những mối nguy hiểm lớn nhất của yêu thương quá mức chỉ được rất ít người biết đến. Chúng kích thích sớm những cảm xúc tình dục. Chúng ta rất dễ quên đi những trải nghiệm không mấy vui vẻ. Do đó hầu hết người trưởng thành không có hồi ức gì về những trải nghiệm tình dục thời trẻ của mình. Đặc biệt cha mẹ rất dễ quên mất vấn đề này. Đến nỗi sự quên của họ có thể dẫn đến một tình trạng bệnh lí rất gần với chứng quên cuồng loạn. Hầu hết các bà mẹ tuyên thệ về sự ngây thơ của con gái họ và ông bố thề rằng con trai mình trong sạch. Họ tự nói với bản thân rằng con cái của họ là ngoại lệ, rằng chúng vô cùng đơn thuần, rằng chúng vẫn tin vào chuyện cổ tích và những điều ngu ngốc tương tự khác.
Sự minh bạch tính dục của đứa trẻ là một vấn đề quan trọng và có ý nghĩa sâu rộng. Đây là chủ đề được chứng minh trong rất nhiều sách vở và bài viết suốt cuộc đời nó. Chúng ta được bảo rằng kiến thức khoa học mở nên thay thế kiến thức bí mật thu được từ các nguồn lộn xộn không rõ ràng. Tốt thôi! Nhưng thế giới không được tin rằng hiểu biết tình dục đầu tiên của đứa trẻ được đánh thức là do kiến thức khoa học mở kia. Đó là một niềm tin phổ biến. Đời sống tính dục của đứa trẻ không bắt đầu với tuổi dậy thì, mà nó bắt đầu từ lúc sinh ra.
Có một cuộc xét xử tội phạm thương tâm, trong đó trẻ em bị buộc tội làm gái mại dâm. Dư luận đã kinh hoàng trước sự đồi bại của những sinh linh tội nghiệp này. Hầu hết chúng đều là nạn nhân của môi trường xung quanh. Có ai thực sự tin rằng chuyện xảy ra như vậy là ngoại lệ hiếm hoi? Đó là một chuyện hoang đường. Chúng ta tự thuyết phục chính mình rằng đứa trẻ nhỏ chưa biết nói không tiếp nhận được những ấn tượng tình dục. Làm sao chúng ta chắc chắn được chuyện này?
Não của một đứa trẻ giống như một đĩa ảnh tham lam chụp bắt những ấn tượng. Bất kể chúng có thể hiểu được hay không, những ấn tượng có tầm ảnh hưởng có thể tác động suốt cuộc đời của chúng. Có một nhóm lớn những nhà nghiên cứu truy hồi nguồn gốc các biểu hiện ngoan cố của các xung lực tính dục trong một trải nghiệm tình dục từ thời sơ khai nhất. Sự kích thích tình- dục sau đó có thể được tạo ra chỉ bằng cách liên tưởng tới ấn tượng ban đầu này. Lời giải thích có vẻ phù hợp với hiện tượng kì lạ được gọi là bái vật giáo47. Theo đó, trải nghiệm của trẻ em ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống của chúng. Trong các vấn đề tính dục, con người hành xử ngây thơ đáng kinh ngạc. Họ nhắm mắt lại và không thấy gì. Frank Wedekind hoàn toàn đúng khi giễu cợt một thế giới có bí mật ngay cả với chính nó. Vì vậy, tính dục trẻ con là một bí mật mà mọi người thông minh đều biết.
47 Bái vật giáo là niềm tin vào năng lực siêu nhiên của vật thể nào đó, đặc biệt là những vật do con người làm ra. Về cơ bản, bái vật giáo là việc nội bộ cộng đồng gán các quyền lực và giá trị cố hữu cho một vật thể.
Giá như cha mẹ lưu tâm điều này! Vậy sẽ không xảy ra chuyện trẻ em mười tuổi trở lên được phép ngủ trong phòng của cha mẹ, vì cha và mẹ muốn quan sát hơi thở nhẹ nhàng của những đứa con yêu quý của họ. Đứa con có thể tiếp nhận những ấn tượng nguy hiểm đối với chúng. Nhiều trường hợp mất ngủ bẩm sinh trong thời thơ ấu hoặc các cơn sợ hãi về đêm được giải thích theo cách này. Tôi đã nhiều lần chữa trị cho những đứa trẻ mất ngủ bằng phương pháp đơn giản là yêu cầu họ ngủ trong phòng riêng.
Chúng ta hãy giả định rằng tất cả trẻ em đều dễ bị kích thích tình dục và kích thích như vậy có thể gây hại cho chúng. Vì đời sống tình dục có ý thức của một người bắt đầu càng muộn, người đó càng có triển vọng trở thành một cá nhân khỏe mạnh, tinh thần cân bằng. Trong số các yếu tố có khả năng thường trực kích thích những cảm xúc tính dục, bao gồm tình yêu thương quá mức. Tình cảm của một người đang yêu và tình cảm của một người mẹ thực sự không có sự khác biệt. Cả nụ hôn, âu yếm, vuốt ve, cái siết chặt, ôm ấp, v.v. Những kích thích đó đều được truyền đến cùng cơ quan thần kinh trung ương.
Bằng cách này, đứa trẻ nhận được cảm giác tínhdục đầu tiên là từ bảo mẫu của nó. Ta có thể diễn giải rằng bảo mẫu, người hầu, người mẹ, người cha là tình yêu đầu tiên của đứa trẻ, cũng là tình yêu mang tính tình dục đầu tiên. Phân tâm học của chúng ta đã chứng minh điều này một cách thuyết phục. Đừng hiểu lầm rằng tôi muốn lên án việc quản lí tình cảm của trẻ em. Ngược lại, một lượng tình cảm nhất định là cần thiết cho sự phát triển bình thường của cá nhân. Nhưng tình cảm không được thái quá.
Nếu yêu thương quá mức, đứa trẻ sẽ sớm rơi vào tình trạng kích thích tình dục quá mức. Nó lớn lên và bắt đầu cảm thấy sức mạnh của giáo dục. Để chế ngự và kiềm chế sức mạnh của các xung lực tự nhiên, sự ước chế mạnh mẽ được dựng lên. Như một phản ứng với kích thích tình dục sớm, bắt đầu một quá trình đáng chú ý được gọi là dồn nén tính dục. Dồn nén có thể thành công đến nỗi ngay cả đứa trẻ cũng quên đi những trải nghiệm ban đầu của nó. Hoặc dồn nén thất bại và các đòi hỏi tình dục của cá nhân lớn dần theo thời gian. Trong trường hợp thứ hai, một xung đột tâm lí nghiêm trọng giữa khao khát tính dục và từ bỏ tính dục phát triển ở trẻ. Đó là mảnh đất để chứng rối loạn thần kinh nảy nở. Có lẽ chính xung đột đó là chứng rối loạn thần kinh.
Tình cảm phì đại như vậy có thể gây ra ở trẻ thói quen giữ cho mình một số các cảm giác khoái lạc bằng những hành động tình dục tự động. Không thể và cũng không cần thiết tham gia vào một cuộc thảo luận chi tiết về vấn đề này ở đây. Trải nghiệm của chúng ta trong thời thơ ấu ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống của chúng ta. Đây là một lời bình luận về nỗ lực bi thảm của con người. Tình yêu thương quá mức của cha mẹ có thể mang đến bệnh tật cho đứa trẻ. Hiện tại hạnh phúc được thay thế bằng một tương lai bất hạnh.
Những bông hồng người mẹ trải trên con đường của con trẻ hôm nay, sẽ chỉ còn lại những gai nhọn cho ngày mai
Tình cảm quá mức của chúng ta tạo cho ta rất nhiều niềm vui, nhưng sự thực là chúng ta đang làm tổn thương những đứa trẻ.
Đừng ngăn cản người mẹ yêu thương con cái của mình. Đừng ngăn cản người mẹ bày tỏ sự quan tâm đến chúng, mang lại cho tuổi thơ của chúng trở những tình cảm ấm áp, dễ chịu nhất. Nhưng cũng đừng bao giờ thái quá, đừng trút lên chúng cả tổn thương lần tình yêu vô độ của bản thân.
Hãy để lại cho chúng thời thơ ấu yên bình, với những trò chơi vui vẻ, những tác phẩm kì diệu của trí tưởng tượng không biết mệt mỏi.