Không phải gió trên bề mặt tạo ra những con sóng
Trong những ma sát khó chịu của cuộc sống hàng ngày, con thuyền của hiểu biết chỉ đi trên các gợn sóng dễ dàng bị kích động
Một cặp vợ chồng hạnh phúc vui vẻ khẳng định với tôi rằng thiên đường hôn nhân của họ luôn không có mây mù, không có bão giông và không có sấm chớp. Tôi chấp nhận điều đó, nhưng bản thân tôi nghĩ họ đang nói dối. Hai người bạn thân thiết đảm bảo với tôi rằng họ chưa bao giờ cãi nhau, tôi cũng nghĩ như vậy. Tôi biết rằng họ đã không nói thật. Họ nói dối mà không có ý thức rằng mình đang nói dối. Bởi họ đã “dồn nén” cái khó chịu, cái đau đớn, cái chướng tai gai mắt. Thế mới có chuyện những người yêu nhau quên tất cả những “trận cãi lộn” đã xảy ra giữa họ. Bạn bè lãng quên chút khó chịu đã gây ra cho họ nhiều đau khổ. Và họ có thể khẳng định, với niềm tin tuyệt đối, rằng họ chưa bao giờ cãi nhau. Chúng ta không uống cạn một hơi hết chất độc quên lãng vào cuối cuộc đời. Chúng ta nhâm nhi nó hàng ngày. Nó giúp chúng ta duy trì sự lạc quan.
Chúng ta nhâm nhi sự lãng quên hàng ngày, điều đó cho phép chúng ta duy trì sự lạc quan, coi đây là hi vọng vào tương lai, và mong đợi hoa hồng không có gai
Có những người luôn luôn muốn cãi nhau. Có những năng lượng dư thừa phải được xả thoát theo cách này. Cuộc sống dường như không có giá trị khi chảy trôi suôn sẻ. Họ là người sống liên miên trong sự không hài lòng. Họ đã không tìm thấy những lí tưởng cho tuổi trẻ của mình, không chạm được tới ước mơ của mình. Họ phóng chiếu sự bất mãn, sự hỗn loạn nội tâm vào tất cả những trải nghiệm hàng ngày của họ. Đó là lí do tại sao họ thường có vẻ quá tải cảm xúc. Đó là lí do tại sao chúng ta không thể hiểu được mức độ phấn khích của họ. Họ hay nổi xung về các vấn đề tầm thường. Nhưng chính cảm xúc này cho thấy có nhiều điều ẩn sau những trận cãi vã to nhỏ hơn là những gì họ thừa nhận. Cuộc cãi vã lấy nhiên liệu từ một nguồn sâu xa hơn những thể hiện ở bề mặt.
Nhiều nhà quan sát thấy rằng yếu tố bên ngoài kích động những cuộc cãi vã thường không quan trọng.
Chúng ta cũng thường nghe một người đàn ông hoặc vợ của anh ta tuyên bố rằng, họ sẽ sẵn sàng tránh một cuộc tranh cãi nếu có thể làm như vậy. Hoặc là một người nói điều gì đó khá ngây thơ. Nhưng nó sẽ là cơ hội cho một cuộc ẩu đả nóng bỏng, một trận cãi vã trong nhà với kết quả không mấy dễ chịu.
Điều này do thực tế là hầu hết chúng ta không phân biệt được giữa nguyên nhân và sự khiêu khích (châm ngòi). Rất dễ tìm thấy yếu tố châm ngòi một cuộc tranh cãi, nếu các lực lượng vô thức tiềm ẩn thúc đẩy, nếu một nguyên nhân sâu xa hơn – một động lực thôi đẩy – khiến những bánh xe giận dữ chuyển động.
Một cuộc nghiên cứu kĩ lưỡng về mọi cuộc cãi vã cho thấy rằng những cảm xúc bí mật trong vô thức luôn là nguyên nhân gây ra xung đột ý kiến. Ở đâu thiếu đi sự cộng hưởng sâu sắc này của vô thức, ở đó chúng ta sẽ vui vẻ bỏ qua những khác biệt. Thật không may, có lẽ không có hai con người nào mà tâm hồn rung động hài hòa đến mức không bao giờ xảy ra bất hòa. Hiện tượng này đã ăn quá sâu vào bản chất con người nên không có ngoại lệ từ trước đến nay. Dù có vẻ nghịch lí, những người yêu thương nhau nhất gây ra cho nhau nỗi đau lớn nhất. Cảm xúc quá lớn của chúng ta là do chúng ta đã dồn nén các trải nghiệm và cảm nhận. Chúng ta nhắm mắt trước những lỗi lầm của người yêu dấu vì ta không muốn thấy chúng. Nhưng những cảm xúc bị dồn nén đó không mất đi sức mạnh kiểm soát tâm hồn. Nó gây ra tranh cãi, thậm chí chỉ trong vài giây biến tình yêu thành thù hận.
Một vài ví dụ thực tế sẽ làm sáng tỏ chủ đề này hơn.
Ông N. S. là một người đàn ông sùng đạo, thẳng thắn. Ông khẳng định rằng bệnh tật hiện tại của ông xuất hiện từ một cuộc cãi vã khiến ông buồn bã trong nhiều tháng. Ông đã thừa kế từ cha mình một thư viện lớn đầy bản thảo, và cũng kế nhiệm vị trí của cha. Một ngày nọ, em trai ông đến và giận dữ yêu cầu ông trả lại những cuốn sách. Nhưng bởi vì ông lớn tuổi hơn, ông ấy cảm thấy mình được hưởng quyền thừa kế độc nhất. Một cuộc cãi vã dữ dội xảy ra sau đó. Ông kêu lên: “Tôi thà chết chứ không từ bỏ bất kì cuốn sách nào trong số những cuốn sách này!” Sau khi cãi nhau, thần kinh ông trở nên hoảng loạn. Ông tự trách móc dằn vặt bản thân. Ông tin rằng khi nói ra điều đó, ông đã phạm phải một hành vi nghịch đạo bất kính. Ông cảm thấy không hạnh phúc, không thanh thản hay yên bình, không chỉ ở nhà mà cả trong văn phòng của ông.
Nhiều người có thể hài lòng với lời giải thích hời hợt từ chính bệnh nhân. Rằng ông là một người ham mê sách vở và là nhà sưu tập các bản thảo cổ xưa. Nhưng nhà trị liệu tâm lí không được phép thỏa mãn dễ dàng như vậy.
Mỗi nhà sưu tập giống như một Don Juan hào hoa phong nhã nhưng lại không ý thức được điều đó. Họ chuyển niềm đam mê tình dục của mình sang lĩnh vực phi-tình- dục. Chúng ta cũng biết rằng niềm đam mê dành cho các món đồ sưu tập xuất phát ra từ miền tính dục. Và quá trình phân tâm học của chúng ta về trường hợp trên mang lại điều gì?
(i) Có một sự ganh đua giữa hai anh em từ thời thiếu niên của họ. Người anh có những đặc quyền của đứa con cả và là một người bất tài. Người em là một đứa trẻ kiểu mẫu cho mọi đứa trẻ. Từ thời thơ ấu, họ đã tranh nhau, chiếm tình cảm của cha mẹ họ, đặc biệt là người mẹ. Chúng ta bắt gặp ở đây cái gọi là “phức cảm Oedipus” – tình yêu của một đứa con trai dành cho mẹ. Động lực và sự thôi thúc hành vi này vẫn chưa được đánh giá đầy đủ. Hai người đã là đối thủ. Người anh ghen tị vì bố mẹ yêu chiều người em hơn, và người em ghen tị với những đặc quyền của người anh. Vậy là chúng ta đã có động cơ sâu xa đầu tiên gây ra tranh cãi.
Việc nghiên cứu thêm đã làm sáng tỏ động cơ thứ hai và thứ ba.
(ii) Người anh kết hôn trước, và liên tục khoe khoang về sự quyến rũ, đức hạnh của vợ mình trước mặt người em trai trẻ tuổi độc thân. Thậm chí, người anh đã dẫn người em vào phòng ngủ của vợ ông ta, để người em có thể nhìn thấy cái kho báu mà ông anh sở hữu. (Bạn hẳn thấy những câu chuyện như Gyges and the Ring và King Candaules48 đang diễn ra ngay cả ngày nay). Vào thời điểm đó, một niềm say mê lớn đối với chị dâu bùng lên trong ngực người em. Ở đây chúng ta có nguyên nhân thứ hai cho sự bất đồng.
48 Gyges là một vị vua sáng lập vương triều Mermnad của Lydia. Nhiều tác phẩm cổ kể lại rằng ban đầu ông là người dưới quyền của vua Candaules. Gyges giết Candaules và chiếm giữ ngai vàng, ông đã quyến rũ Nữ hoàng của Candaules trước khi giết ông ta.
Nhưng vẫn còn nguyên nhân khác.
(iii) Người em trẻ tuổi ngoan đạo của chúng ta kết hôn với một phụ nữ xinh đẹp. Sẽ thật hạnh phúc nếu ông không phải là nạn nhân của tâm đố kị. Đố kị luôn có nguồn gốc từ việc một người thấy bản thân mình thấp kém. Ông nghĩ rằng anh trai của mình quá tận tụy với vợ anh ấy. Trong một chuyến du ngoạn đến một miền quê, họ đã ở trong rừng hơi lâu một chút. Chợt ông nảy ra ý nghĩ cám dỗ chị dâu của mình.
(iv) Và đây là động cơ thứ tư. Ông em là Don Juan hào hoa phong nhã, chạy theo đàn bà và muốn uống cạn cuộc sống bằng những ngụm lớn. N. S. là một người ngoan đạo. Ông biết cách xoay chuyển những ham muốn tội lỗi của mình thành chuyện tốt cho công việc kinh doanh, nhưng lại là chuyện xấu cho sức khỏe ông ta. Người em trai mà ông ta khinh thường công khai cũng là người ông âm thầm đố kị.
Chúng ta có thể đề cập đến những động cơ khác cho cuộc cãi vã của họ…
Động cơ tính dục vô thức ẩn nấp đằng sau nhiều cuộc cãi vã, có thể nói đằng sau hầu hết các cuộc cãi vã. Chúng ta đã gợi mở rằng sự bất đồng giữa anh chị em là do sự cạnh tranh. Nhưng ngay cả trong những cuộc cãi vã giữa cha mẹ và con cái, chúng ta cũng có thể chứng minh động cơ ngầm ẩn tương tự tạo ra bất hòa. Đứa con nhìn cha như đối thủ tranh giành tình yêu của mẹ. Điều ngược lại cũng xảy ra, mặc dù không thường xuyên như vậy. Tôi đã từng là chứng kiến một cuộc cãi vã kịch liệt giữa người cha và con trai. Tôi thấy người cha chẳng có lí do gì bất bình với đứa con trai. Nhưng chỉ một chút chuyện vặn vãnh cũng dẫn một cuộc cãi vã dữ dội đến kết thúc bi thảm. Ở đỉnh cao bất hòa, người cha hét lên với vợ mình: “Tất cả tội lỗi là do cô! Cô cướp đi tình yêu của con trai dành cho tôi!”
Một cách rất tự nhiên, người ta sẽ nghĩ rằng dòng dung nham cảm xúc này phun trào từ một ngọn núi lửa chứa đựng cả sự thật kinh khủng của nó. Đúng là vậy, nhưng trong một hình thức trá hình. Lời trách cứ nên được hướng đến người con trai: “Con đã cướp đi tình yêu của mẹ dành cho bố!”
Chúng ta thấy một sự chuyển dịch cảm xúc đau đớn từ người này sang người khác. Những sự chuyển dịch hay hoán vị như vậy rất phổ biến trong cuộc sống hàng ngày. Nhờ đó chúng ta mới có thể giải thích nhiều cuộc xung đột gia đình.
Một người đàn ông hiếm khi thừa nhận mình chọn sai vợ. Anh ta chuyển cảm giác hận thù mà người vợ ta tạo ra trong anh sang người khác. Anh trút sang người thân của cô. Trút sang mẹ cô thường xuyên nhất, nguyên nhân trực tiếp nhất cho sự tồn tại của cô. Đây là bí mật cho nhiều câu chuyện cười của mẹ chồng. Một chủ đề không bao giờ lo thiếu, không bao giờ cạn kiệt và luôn thuộc về những con người lắm mưu nhiều kế.
Nếu chúng ta nghe một phụ nữ trẻ phàn nàn rằng cô ấy không thể chịu được gia đình chồng, nhưng cô ấy quá yêu anh ta, chúng ta có thể hoàn toàn diễn giải lời của cô bằng ngôn ngữ của vô thức: “Nếu tôi không yêu anh ta, tôi sẽ chẳng thèm quan tâm gia đình anh ta.”
Những cuộc cãi vã với người hầu, chuyện hàng ngày ai cũng biết, trở nên dễ hiểu chỉ khi chúng ta biết quy luật chuyển dịch. Một người vợ không chung thủy, bị chồng phản bội và bỏ rơi, đột nhiên bắt đầu quan sát những cô hầu gái của mình một cách đáng ngờ. Cô tấn công họ bằng những lời khiêu khích nhỏ nhất. Cô đã nhiều năm thuê “người giúp việc” và cùng lắm chỉ cãi vã lặt vặt với họ. Sau một thời gian ngắn ngủi, cô hẳn có thể đã quên người chồng phụ bạc. Nhưng cơn thịnh nộ của người phụ nữ bị bỏ rơi được trút vào những người hầu của cô. Và chính xác như thế, sự oán giận của nhiều bà nội trợ ít nhiều được giải phóng qua những thanh thu sét vô tội này. Do đó có một hiện tượng rất phổ biến ở các thành phố lớn hiện đại được gọi là “chứng rối loạn thần kinh những cô hầu gái”.
Rõ ràng là những động cơ sâu hơn đang im lìm trong vô ý thức. Nếu chúng được ý thức, chúng bị coi là tội lỗi và khiến tính khí trở nên nóng nảy. Freud là người khai sáng một nền tâm lí học hoàn toàn mới, nhờ vào sự khám phá của ông về quy luật dồn nén và chuyển dịch. Đây là một nền tảng tâm lí không thể thiếu đối với nhà tội phạm học trong tương lai. Ngày nay những gì được coi là các “động cơ tâm lí gây ra xung đột” được nói đến trong các tòa án thường chỉ là tâm lí bề mặt.
Điều này được minh họa bằng một vụ kiện tụng đáng buồn nhất của năm ngoái. Hậu quả là một nạn nhân vô tội (tôi tin như vậy) – Nữ bá tước Linda Boumartini đang trong nhà tù. Anh trai cô Tullio đã giết em rể của mình. Anh bị buộc tội có quan hệ bất chính với em gái mình. Nếu không lí giải theo cách này thì không thể giải thích được vụ giết người này.
Nếu đã đọc kĩ nhật kí của Linda và những lá thư của cô, cũng như lời thú tội của Tullio, chúng ta chắc chắn sẽ cười vào lời cáo buộc cho rằng tội ác đó bắt nguồn từ một âm mưu. Điều thực sự đã xảy ra là, tình yêu anh em từ sâu thẳm vô thức có cội nguồn tính dục, nhưng nở rộ trên bề mặt của ý thức thành cảm giác luân thường đạo lí. Anh chỉ thấy em gái mình đau khổ và vụn vỡ thành từng mảnh vì sự ngu ngốc tàn bạo của em rể. Song, động cơ nguyên thủy sâu bên dưới kia đã đẩy con dao vào tay Tullio Murri. Bản thân anh chưa bao giờ ý thức được những gì nằm ẩn sâu dưới tình anh em thuần khiết.
Ồ, thật không may mắn, chúng ta phải chịu đựng sự mù quáng vĩnh cửu. Những gì chúng ta thấy về động cơ của những xung đột lớn thường chỉ là bề mặt, ngay cả trong những cuộc cãi vã nhỏ của gia đình. Trong những ma sát khó chịu của cuộc sống hàng ngày, hiểu biết chỉ như con thuyền đi lướt trên các gợn sóng dễ dàng bị kích động.
Chúng ta là những con người thiển cận và nông cạn, khi nghĩ rằng gió trên bề mặt đã sinh ra những con sóng
Sự thực là, dưới đáy tâm hồn chúng ta có những con quái vật xấu xí biến dạng. Bản năng và ham muốn của chúng ta xuất hiện từ buổi đầu của lịch sử loài người. Khi chúng cựa quậy cơ thể thô thiển của mình, biển sâu cảm xúc cũng rúng động và dậy sóng.