Chúng ta ăn để sống chứ chúng ta không sống để ăn
Đừng coi ăn uống như một thú vui tiêu khiển, một chất men khoái lạc nhằm khỏa lấp những tổn thương, những dồn nén trong mình. Đừng tự nhấn chìm mình trong cơn mê muội
Tôi đã từng được mời đến nhà của một nhà văn nổi tiếng. Ông làm nên tên tuổi của mình bằng vài cuốn tiểu thuyết tài tình và sở hữu một khối tài sản lớn nhờ xuất bản một tạp chí có danh tiếng. Ông sống trong một điền trang ở làng quê, tránh xa cuộc sống sôi động chốn thành thị, vui những ngày tháng trong sự an bình xa hoa. Ông không có vẻ gì của một người đã có tuổi. Một người đàn ông khoảng năm mươi với đôi mắt nhìn như thách thức thế giới. Cái nhìn của ông không có nét khổ hạnh của người đã mệt mỏi vì cuộc sống. Ồ, không! Ngọn lửa dục vọng ngấm ngầm vẫn đang rực cháy. Người ta vẫn có thể nhận ra quyền lực, tham vọng và ham muốn trong đôi mắt đó.
Những hành vi của ông khiến tôi thấy khó hiểu. Ông trông điềm tĩnh lạnh lùng, di chuyển có chút mệt nhọc. Đó chỉ là những điệu bộ gượng gạo ông cố tình trưng ra hòng che giấu sự bồn chồn bên trong, nhưng ánh mắt của ông lại nói lên tất cả.
Đến lúc ăn, ông ta mới trở nên sống động. Ông nghển cổ lên để thấy rõ món ăn đang được mang vào. Lỗ mũi giãn ra hít hà mùi hương thơm nức. Miệng hơi co giật và cái lưỡi liếm vòng quanh đôi môi mỏng tang. Ông ta trở nên sốt ruột, bồn chồn không yên trên chiếc ghế, và dõi theo người vợ đang bày bàn ăn. Bà là một người phụ nữ béo tốt, nhiều năng lượng và rất mạnh mẽ. Bà phục vụ khách trước tiên, và tất nhiên khiến người chồng âm thầm phiền muộn. Cuối cùng ông cũng nhận được phần ăn của mình. Đầu tiên ông nhìn nó với con mắt của một chuyên gia, lật từ bên này sang bên kia bằng dao và nĩa. Sau đó, ông cắt một miếng nhỏ và cuộn nó trong miệng, nghe thành tiếng chóp chép trên đầu lưỡi. Ông ngừng lại giây lát, ánh mắt như mơ màng. Dường như đối với ông ta, ăn uống đã trở thành nhiệm vụ quan trọng nhất trong ngày. Cả bữa ăn, ông không ngừng ca ngợi sự xuất sắc của các món ăn như một cỗ máy phê bình ẩm thực.
Cuối cùng cũng đến phần cầu nguyện sau bữa ăn, như tôi mong đợi, màn bình phẩm ẩm thực buồn chán và mệt mỏi đã kết thúc. Nhưng có điều này nằm ngoài sự chủ tính của tôi.
“Ngày mai chúng ta sẽ tiếp đãi những vị khách của chúng ta bằng món gì?” Người đàn ông ham ăn hỏi vợ mình.
“Ngày mai? Con ngỗng trắng lớn có đốm đen.”
“Ngỗng trắng lớn có đốm đen! A, nó sẽ có mùi vị rất tuyệt! Anh biết không, nó làm tôi thấy vui vẻ như những đứa trẻ. Hãy đi cùng tôi, tôi sẽ cho anh thấy con ngỗng trắng!”
Không thể kháng cự nổi, tôi phải đi vào sân nuôi gia cầm, vị chủ nhà dừng lại trước một con ngỗng được cho ăn no nê. “Nó sẽ được nướng thật ngon! Tôi rất hài lòng với con ngỗng này.”
Câu chuyện không có gì khác ngoài chủ đề: “Tôi thích nghĩ về món thịt ngỗng!”
Có điều gì đó chợt lóe lên trong đầu tôi. Đằng sau ham thích ăn uống chấp cuồng28 của người đàn ông này là gì? Những cảm xúc nào trong ông ta đã bị dồn nén? Ông ta phải từ bỏ bao nhiêu, để rồi khỏa lấp bằng thú vui ăn uống. Tôi nghĩ, phải có một bí mật to lớn.
28 Chứng chấp cuồng (monomania, monomaniac): Là tình trạng rối loạn tâm thần, trong đó người bệnh có hứng thú hay ám ảnh tột độ với một thứ hay một ý tướng nào đó, đến mức bất thường (ND).
Và quả thực là vậy. Người chủ nhà đáng yêu của tôi thực sự là tù nhân của vợ ông ta. Khi ông còn đang sống trong thành phố, ông đã say mê một thói trụy lạc. Tật xấu của ông ta ngày càng nhiều đến mức ông ta đe dọa hủy hoại mọi thứ, sức khỏe, tài sản, tâm trí, tham vọng, cá tính, tinh thần, mọi thứ. Ông chẳng thể làm gì được nữa ngoại trừ nói với vợ tất cả và cầu xin bà ta cứu ông. Người phụ nữ mạnh mẽ này nhanh chóng thành công bằng biện pháp khắc phục duy nhất. Ông ta trở thành tù nhân. Họ đã cắt đứt tất cả các mối quan hệ xã hội. Hầu như cả năm họ ở trong làng và ra sống ở thành phố hai hoặc ba tháng mùa đông. Một nửa thời gian trong ngày, ông dành cho việc ăn uống và chơi bài. Ông không bao giờ một mình. Ông được phép đi bộ một quãng ngắn trong làng. Người vợ phụ trách tiền bạc của gia đình, nên ông ta chẳng có gì để làm cả. Tất nhiên, điều này không làm mất đi khao khát bệnh hoạn của ông, mà chỉ ngăn không cho nó được thỏa mãn, và dần dần phát triển trong ông thú vui thưởng thức các món ăn tinh tế. Một cách gián tiếp, ông đã được thỏa mãn phần nào đó ham muốn khoái lạc của mình. Vì vậy, ông chuyển đổi niềm đam mê của mình sang chuyện ăn uống. Các bữa ăn của ông thay thế khoảng thời gian dành cho những cô nhân tình. Đối với ông ta, ăn uống là biến thể từ ham muốn tính dục của mình.
Đây là trường hợp ngoại lệ hay là quy luật? Một câu hỏi buộc tôi phải chú ý. Câu trả lời sẽ đưa chúng ta vào sâu bên trong toàn bộ vấn đề tính dục. Nhưng tôi chỉ giới hạn câu trả lời trong những vấn đề quan trọng trước mắt. Giữa cơn đói và tình yêu có vô số các mối liên quan. Điều quan trọng nhất là: Cả hai được tạo ra bởi một xung lực đối lập là cảm giác ghê tởm. Chúng đều là khao khát được chạm vào (hòa nhập hoặc được hòa nhập với đối tượng nó khao khát). Sự ghê tởm là nỗi sợ làm những việc nhơ nhớp.
Nhưng chính cảm giác xấu hổ cũng được biểu hiện trong việc ăn uống của một số người nguyên thủy. Người đảo Cook ở Tahiti, các thành viên trong gia đình ăn cùng, nhưng họ ngồi ăn cách nhau vài mét và quay lưng lại với nhau. Warua, một bộ lạc châu Phi, phải dùng vải che mặt khi họ đang uống rượu. Người Bakairi có thể ở trần truồng với nhau mà không xấu hổ, nhưng họ không bao giờ ăn cùng nhau.
Nhà tâm thần học người Áo – Freud, nhà tâm lí học người Anh – Havelock Ellis29 và nhà xã hội học Tây Ban Nha – Solila coi việc bú mẹ của một đứa trẻ như một hành động tính dục tạo ra mối liên hệ thường trực giữa cơn đói và tình yêu. Và ngôn ngữ mà chúng ta nói đã tạo ra một bước ngoặt trong cách diễn đạt. Đó là những kết nối không thể nhầm lẫn và thú hút sự quan tâm của chúng ta. Chúng như những hóa thạch của các quá trình suy nghĩ nguyên thủy và là bản nguyên của hiện tượng ăn thịt đồng loại. Ví dụ như các lối diễn đạt sau đây: “Tôi có thể cắn cô ấy.” Hoặc “Tôi yêu đứa trẻ đến nỗi tôi có thể ngấu nghiến nó!” Chúng ta cũng có thể bày tỏ sự ghê tởm, ác cảm và hận thù bằng các từ ngữ chỉ sự ăn uống, ví dụ: “Tôi không thể tiêu hóa được tên đó.” Hoặc “Hắn khiến bụng dạ tôi quặn lên.” “Cô ấy không hợp khẩu vị của tôi.” v.v.
29 Henry Havelock Ellis (1859 - 1939) là một bác sĩ, nhà văn, nhà cải cách trí tuệ và tiến bộ xã hội người Anh. Ông người nghiên cứu về xung năng tính dục (sexual impulse) của con người, xuất bản các tác phẩm về khuynh hướng tính dục và tâm lí của người chuyển giới. Ông đưa ra các khái niệm về “tự si” và “thủ dâm” trong phân tâm học.
Mặt khác, tên của một số món ăn biểu hiện cho các cảm xúc khác hơn là niềm vui ăn uống đơn thuần. Có một hệ biểu tượng mà tất cả chúng ta dùng hàng ngày nhưng không thấy biết. Nếu ai đó có hứng thú với chủ đề này, xin mời đọc cuốn sách của Rudolph Kleinpaul – Sprache ohne Worte (Ngôn ngữ không lời). Bản thân hệ biểu tượng này đã đủ để giải thích những cái tên khó hiểu của các món ăn khác nhau trên thực đơn, chẳng hạn: “người Maroc mặc áo Jacket” (Moors in their ‘Jackets’ – một sự trả thù ngọt ngào những kẻ ăn thịt người da vàng!), “những hiệp sĩ nghèo” (poor knights), “bậc thầy đi săn” (master of the chase), “thợ học nghề” (apprentice-locksmith), và nhiều cái tên tương tự. “Cô dâu nướng” (bridal roast) giữ một vị trí quan trọng trong thực đơn của cả thế giới. Cảm giác tự ti xã hội được đền bù bởi nhiều món ăn “hoàng gia”, ví dụ như: “vua bít tết a la” (steak-a-la-king), “vua cốt lết a la” (cutlet-a-la- king), “vua gà a la” (chicken-a-la-king), bánh pudding “hoàng gia”, v.v.
Người nào chịu tìm hiểu như Kleinpaul đã làm trong “Câu chuyện cổ tích ẩm thực” của ông ấy, sẽ khám phá ra nhiều sợi dây liên kết đáng chú ý. Mỗi từ chúng ta nói, mỗi cái tên chúng ta gọi đều có câu chuyện riêng. Nhưng nói về điều này như thế là quá nhiều rồi.
Chúng ta hãy chuyển sự chú ý đến những người sành ăn. Không khó phân chia họ thành năm nhóm dựa vào các giác quan được thỏa mãn nhất trong khi ăn uống.
(i) Đầu tiên là những kẻ hay nhòm ngó (voyeurs – thuật ngữ được người Pháp khéo léo đặt ra để ám chỉ một hiện tượng tính dục). Họ phải “nhìn” trước khi thưởng thức. Cảm quan bằng mắt là điều quan trọng với họ. Các món ăn được phục vụ phải gọn gàng và trông hấp dẫn. Họ yêu thích các món bánh ngọt Pháp được trang trí với nhiều màu sắc, bánh tort, bánh kem, và bánh pudding hình ngôi nhà, nhà thờ, tòa tháp, động vật, chuông đám cưới… Họ coi các sắc thái món ăn là niềm vui của mình. Thực ra vui thú chính của họ là khoái lạc có được qua đôi mắt. (Điều này được ám chỉ rõ ràng trong cụm từ phổ biến “thật đã mắt”).
(ii) Có một số ít những người thiên về thưởng thức bằng tai. Họ lắng nghe và “chìm vào trạng thái ngây ngất bởi tiếng xèo xèo của một món nướng, bởi những mảnh vụn khô vỡ ra, và tiếng xì xèo của mỡ.
(iii) Có vô số người chuyên ngửi có cái mũi nhạy cảm. Họ đắm chìm trong hương thơm của các loại thực phẩm, rồi từ từ thưởng thức món ăn. Những người chuyên ngửi có thể say sưa trong kí ức về một món ăn ngon, và những liên tưởng của của họ liên kết với khứu giác. Cảm giác thích thú ngay cả với những mùi khó chịu, như mùi của một số loại pho mát, tỏi, phô mai chảy và mùi động vật hoang dã,... là bản năng dinh dưỡng lệch lạc. Nó cho thấy mối liên hệ bẩm sinh với những sai lệch tính dục, được lột tả rõ ràng trong một số bài hát ngắn và các ca khúc hội đoàn phổ biến. Các truyền thuyết dân gian của tất cả các quốc gia đều bóng gió ám chỉ những điều như vậy.
(iv) Nhóm thứ tư là một nhóm quan trọng, nhóm của người sờ mó. Như chúng ta biết lưỡi của con người là giác quan quan trọng nhất. Mặc dù nó không ưu việt và quan trọng như của nhiều loài động vật khác. Những “người sờ mó” thấy vui nhất khi chạm vào thức ăn bằng lưỡi. Họ thích những thứ trơn nhẵn như con hàu. Họ có thể hút vào. Họ còn thích cuộn thức ăn trong miệng. Cũng có thể nói rằng những người này là “người chuyên nếm”, quả thực phần lớn người sành ăn đều vậy. Với họ, một cái dạ dày căng đầy là cảm giác tuyệt nhất trong ngày, trong khi nhiều người cảm thấy phát ngấy, khó chịu và làm tăng cảm giác đau đớn.
(v) Cuối cùng là những người phàm ăn (nghĩa đen là “những người có hứng thú ăn uống”). Cả thế giới đều biết họ ra sao. Có nhiều từ và cụm từ mô tả họ, ví dụ: hảo ngọt (thích đồ ngọt), răng mèo, sành ăn, v.v.
Người phàm ăn đích thực ăn với tất cả các giác quan. Hãy bước vào một nhà hàng và quan sát, chúng ta thường bị thu hút bởi những món ăn mà người phục vụ đang mang đến. Chúng ta cũng tò mò xem bàn bên cạnh đang ăn món gì. Và đôi khi, chúng ta trở thành nạn nhân của đôi mắt. Phần ăn của người bên cạnh mình luôn có vẻ lớn hơn phần của chúng ta. Cơn đói và lòng đố kị đã phóng đại phần của người khác và thu gọn phần ăn của bản thân. Chẳng phải chúng ta hay gọi món giống người bên cạnh đang ăn hay sao? “Bồi bàn, món ăn anh phục vụ người đàn ông ở đằng kia là gì thế? Mang cho tôi đi!”
Cách chúng ta ăn uống luôn thể hiện một phần con người chúng ta
Người ta có thể quan sát bầy thú khi chúng được cho ăn: Con sư tử ung dung khoan thai bỗng chốc trở thành con thú đang săn mồi. Một người phụ nữ xinh đẹp cũng dễ trở nên xấu xí, mất đi vẻ quyến rũ, không còn thú vị khi cô ấy đang ăn.
Tâm lí của người phàm ăn phức tạp hơn nhiều. Dường như họ luôn cho rằng mình là một người đặc biệt bằng những cách không ngờ tới. Cuộc sống buộc họ phải từ bỏ nhiều thứ. Giống như người nghiện rượu, họ uống rượu đâu phải vì niềm vui. Họ uống vì muốn chìm đắm trong cơn mê, để quên đi những tổn thương, để kéo bức màn che kín nỗi nhục nhã, cơn mộng mị, sự thất bại hay nỗi thất vọng. Tương tự như vậy, người phàm ăn cũng ăn đề bù đắp cho mất mát của mình.
Ăn uống là nhu cầu thiết yếu của con người, để cung cấp năng lượng cho thể chất và tinh thần, để duy trì sự sống. Nhưng đừng coi ăn uống như một thú vui tiêu khiển, một chất men khoái lạc nhằm khỏa lấp đi những tổn thương, những dồn nén trong mình. Đừng tự nhấn chìm mình trong cơn mê muội.
Hãy thức tỉnh chính mình, nhìn sâu vào tâm hồn mình, nơi đó luôn có những điều tốt đẹp, những hạt mầm tươi xanh cho cuộc sống này.
Chúng ta ăn để “sống”, chứ chúng ta không sống để “ăn”. Vậy nên hãy sống một cuộc sống có ý nghĩa, sống một cuộc đời có giá trị