Đừng nhìn vào khiếm khuyết của người khác mà đánh giá quá cao giá trị của bản thân
Chúng ta luôn cần đến cái lí trí phán định trong bất kì hoàn cảnh nào
Không có sự phân biệt rõ ràng giữa khỏe mạnh và bệnh tật. Cái này từ từ chuyển đổi sắc thái thành cái kia và mắt thường không thể nhìn thấy. Bệnh tật tích trong thân thể trong cả một quá trình. Ngay cả các bác sĩ giỏi nhất cũng không thể xác định đâu là điểm trạng thái khỏe mạnh chấm dứt và là lúc bệnh tật bắt đầu. Như Feuchtersleben30 nói, không có quãng cách trữ tình nào trong thiên sử ca cuộc đời. Cũng chẳng phải hoang tưởng bất ngờ xuất hiện trong cuộc sống tinh thần vốn rất trật tự của chúng ta. Sự hoang tưởng vốn ngủ yên trong tất cả chúng ta và chờ ngày thức giấc. Kẻ điềm tĩnh bình thường cũng mắc phải hoang tưởng giống như người điên cuồng với đôi mắt đỏ ngầu. Chúng ta chỉ cần mở to mắt, thấu biết cái sự xô bồ và u ám của cuộc sống để có thể kêu lên với Hans Sachs31: “Điên loạn! Điên loạn ở mọi nơi!”
30 Ernst Maria Johann Karl Freiherr von Feuchtersleben (1806 - 1849) là một bác sĩ, nhà thơ và nhà triết học người Áo.
31 Hans Sachs (1494 - 1576) là một nhà thơ, nhà viết kịch người Đức.
Có thể nói, mọi kiểu điên loạn đều có một nguyên mẫu sinh lí. Chứng trầm uất32 chính là do các cơn trầm cảm nhỏ trong cuộc sống hàng ngày tích tụ thành. Hưng cảm (chứng cuồng33) có nguyên mẫu là sự cuồng nhiệt không kiềm chế nổi của những ”người hâm mộ” bóng chày. Thậm chí các dạng hoang tưởng khác, chứng điên loạn thực sự cũng xuất hiện ở những người bình thường. Chứng hoang tưởng tự đại là ví dụ cho mối liên hệ mật thiết này. Nó ràng buộc chặt chẽ với các nhu cầu tâm lí, với bản ngã của mỗi người. Nó tạo ra một yếu tố không thể thiếu trong ý thức phẩm hạnh - đạo đức của chúng ta.
Chúng ta đều nghĩ rằng mình là người thông minh nhất, tốt nhất, tận tâm nhất và là người không thể thiếu
32 Chứng trầm uất (melancholia): Tình trạng luôn cảm thấy không vui hoặc buồn tủi không vì lí do nào (ND).
33 Hưng cảm (chứng cuồng – mania): Một tâm trạng hứng khởi cao bất thường hoặc dễ bị kích động, cáu kỉnh, khuấy động và/hoặc đầy năng lựợng. Xét về một mặt nào đó, nó có nghĩa trái ngược với trầm cảm (ND).
Chính cái huyễn tưởng về sự vĩ đại này làm cho cuộc sống dễ chịu hơn, ngay cả trong những điều kiện khắc nghiệt nhất. Nó giúp chúng ta trốn tránh tất cả những sỉ nhục, thất vọng, thất bại của chúng ta, “những cái tát và sự khinh miệt của cuộc đời”.
Tất nhiên chúng ta rất cẩn thận che giấu sự hoang tưởng tự đại này trước thế giới. Tất cả chúng ta đều có những nhà nguyện bí mật trong nội tâm. Ở đó chúng ta cầu nguyện hàng ngày và thậm chí người thân nhất cũng không biết đến. Trong nhà nguyện bí mật, thần tượng của chúng ta được tôn phong lên ngai vàng. Nguyên mẫu của đức vua chính là bản ngã của chúng ta. Chúng ta quỳ gối cầu khẩn khiêm nhường trước thần tượng.
Nhưng trong thế giới không có nhà nguyện ngoài kia, mọi thứ lại khác. Chúng ta đóng vai người anh em khiêm tốn, lễ phép và khép nép. Chúng ta thề nguyện trung thành với các vị thần ngoại lai và chế nhạo bản ngã cũng như năng lực của nó. Chúng ta phải giấu mình, hòa bước cùng với đám đông, ngày qua ngày. Có thế mọi chuyện mới ổn. Hành động của chúng ta không thể thoát khỏi ánh mắt của những người quan sát. Hành động của chúng ta thể hiện suy nghĩ của chúng ta. Vận mệnh cũng không nâng ta lên được. Đôi khi chứng hoang tưởng tự đại bùng phát bằng sức mạnh của bệnh lí.
Chúng ta luôn cần đến cái lí trí phán định trong bất kì hoàn cảnh nào. Đừng u mê đắm chìm trong thành công
Thành công không làm nguôi tiếng la hét của chứng hoang tưởng tự đại trong chúng ta. Thành công có thể như chiếc roi da kích thích huyễn tưởng về sự vĩ đại này. Chúng không thể dịu đi và thoát khỏi lãnh địa trong tâm hồn. Đây có phải là biểu hiện lành mạnh không? Hay chúng ta đã mắc bệnh rồi? Nó là hoang tưởng hay là trí tuệ tối thượng?
Hoang tưởng tự đại thấm nhập vào các tầng lớp của nhân loại, như một chất độc lây nhiễm. Chúng ta hầu như không có khả năng đề kháng. Chúng ta hãy nhìn vào “vấn đề” của các nhóm nghệ sĩ. Nghệ sĩ thường hoang tưởng về sự vĩ đại của bản thân vào lúc đồng môn hay đối thủ của họ bộc phát cơn hưng cảm khiến ảnh hưởng của họ giảm sút. Chúng ta muồn đề cao bản thân, chúng ta cũng muốn hạ thấp người khác. Đó là lí do các nghệ sĩ thường đắm chìm trong bản ngã của mình. Họ mất đi sự công bằng khi đánh giá tác phẩm của người khác bằng một tiêu chuẩn vị kỉ. Bất kì ai mạo hiểm lột trần chứng hoang tưởng tự đại này qua tấm gương vô tư điềm tĩnh, người đó sẽ bị coi là một kẻ thù ác hiểm. Trong cuộc đấu tranh để duy trì ý thức bản ngã phì đại, hoang tưởng tự đại có một người đầy tớ tận tụy là ảo tưởng bị truy hại34.
34 Hoang tưởng bị truy hại (delusion of persecution): Bệnh nhân tin rằng họ bị hành hạ, bị tra tấn, đầu độc và sẽ bị giết bởi một người hoặc một thế lực nào đó (ND).
Cùng với tầng lớp nghệ sĩ, có rất nhiều người khác thích thỏa mãn cái hoang tưởng tự đại của họ. Trong một số ngành nghề, đây là một cách bù đắp lí tưởng cho nguồn thu vật chất nghèo nàn.
Chứng hoang tưởng tự đại có nguồn gốc duy nhất từ sự bù trữ quá mức35 khi chúng ta buộc phải hạ thấp ý thức về bản ngã.
35 Sự bù trữ quá mức (over-compensation): Sự cố gắng sửa chữa (sai lầm, khuyết điểm…) nhưng đi quá xa đã gây ra những ảnh hưởng xấu (ND).
Chúng ta có thể thấy chúng ngay trong cuộc sống hàng ngày. Người dễ mắc chứng hoang tưởng tự đại thường là những người có khiếm khuyết nào đó, những người phải chịu đựng những lời chỉ trích, nhạo báng, khinh bỉ, bị tổn thương, bị hạ thấp. Họ tập tễnh, què quặt, mù màu, nói lắp, gù lưng, tóc đỏ, ốm yếu, v.v… Họ có dấu hiệu của bệnh tật. Bởi cơ chế bù trữ quá mức, họ nảy sinh những tham vọng quá đáng. Có ngẫu nhiên đâu khi rất nhiều vị tướng nổi tiếng – Caesar, Napoléon, Hoàng tử Eugene, Radetzky – có vóc người nhỏ thó.
Chẳng phải chính tầm vóc bé nhỏ là động lực khiến họ trở nên “vĩ đại” sao? Một cơ chế kì lạ điều hướng năng lượng tinh thần một cách lệch lạc.
Một giả thuyết lỗi lạc và gợi mở của Tiến sĩ Alfred Adler giải thích rằng tài năng siêu phàm của con người là sự bù đắp cho những khiếm khuyết bẩm sinh. Nguyên lí này không đúng trong mọi trường hợp, nó đúng với những trường hợp phát triển tài năng vượt trội trong một số lĩnh vực cần nhiều trí óc. Những giai thoại chân thực về những học giả xuất chúng, họ phải xoay sở để vượt qua các bài kiểm tra chuyên môn cuối kì. Qua cơ chế đền bù hư ảo, niềm tin vào sự thấp kém của chính mình khiến họ có hứng thú cao với công việc và sau đó trở thành cố định vĩnh viễn.
Chúng ta vô tình đi lang thang từ hoang tưởng vĩ đại đến vĩ đại thực sự. Nhưng thế nào là vĩ đại thực sự và thế nào là hoang tưởng? Có bao nhiêu nhà phát minh, nhà sáng chế phải chịu đựng sự nhạo báng và sự vĩ đại của họ bị gắn mác hoang tưởng? Có bao nhiêu kẻ trí tuệ tầm thường nhưng lại kiêu hãnh đi giữa những tràng pháo tay và sự sùng bái của người đương thời? Một người hoang tưởng tự đại coi lời góp ý của những người xung quanh như gió thoảng qua tai. Nếu câu “mọi sự vĩ đại đều bị lờ đi” không đúng, vậy thì điều ngược lại hẳn phải đúng “mỗi người bị phớt lờ là một người vĩ đại” – ít nhất đối với bản thân anh ta là vậy. Chứng hoang tưởng tự đại thâu nhận cả sự chỉ trích và công nhận trong một phức cảm bản ngã.
Gốc rễ của chứng hoang tưởng này, cũng như các chứng tâm thần khác, xuất phát từ thời con trẻ. Chúng ta có thể là nạn nhân của một chứng hoang tưởng tự đại bệnh hoạn thực sự. Thời thơ ấu, chúng ta gặm nhấm một khao khát được “lớn”. Ban đầu, đó chỉ là mong muốn trở thành “người lớn”, được trưởng thành. Không lâu sau, những khao khát của chúng ta lênh đênh trong biển suy nghĩ như cánh chim hải âu bay vào khoảng không vô định. Khi đó, chúng ta muốn là vua, là bộ trưởng, là hoàng tử, đại sứ, tướng lĩnh, diễn viên nhào lộn, nhạc trưởng, lính cứu hỏa, hoặc thậm chí là quản gia, v.v.
Ấy vậy mà chúng ta đều ngạc nhiên khi một vị quản gia đứng ngay ngắn trước cửa và coi mình là chủ nhân của ngôi nhà. Ngài sẽ bảo vệ ngôi nhà bằng tất cả sự tử tế. Nếu thế, liệu chúng ta có tốt hơn, có biết điều hơn, hay thoát khỏi thành kiến về họ? Chúng ta cũng đứng trước cánh cửa của những ham muốn của bản thân. Chúng ta hành động như thể chúng là những thực tại mà chúng ta có nghĩa vụ phải bảo vệ.
Chúng ta đều coi mình là những cá thể đặc biệt Nhưng đừng chỉ nhìn vào khiếm khuyết của người khác mà đánh giá quá cao giá trị của bản thân.
Hãy làm thật tốt, thật trọn vẹn những điều tốt nhất cho hiện tại bằng khả năng và sự nỗ lực của mình. Bạn sẽ rạng rỡ hơn bao giờ hết và có được quyền năng của cuộc sống này.