Niềm tin vào sứ mệnh cống hiến và niềm vui cuộc sống có thể mở toang đôi mắt khờ dại của con người
Chúng ta có thể nhìn thấy những cuộc trốn chạy ngược xuôi ở khắp mọi nơi, trốn đời, trốn người và trốn cả chính mình
Một lần nữa bác sĩ lại bắt mạch cho người phụ nữ trẻ. “Hôm nay cô không được đi ra ngoài, cô đang có nguy cơ tái phát bệnh. Hãy ở trong ngôi nhà xinh đẹp này. Cô đã trang hoàng nó ấm cúng và thoải mái, bằng khiếu thẩm mĩ rất tốt. Tôi không phản đối cô mời một vài người bạn, bật một chút âm nhạc, tâm sự và tán gẫu, nhưng phải ở nhà!”
Nghe thấy vậy, cô gái trẻ xinh đẹp bĩu môi. Thật dễ hiểu cái vẻ mặt nhăn nhó của cô ấy, nhưng dường như vị bác sĩ già đã phật ý đôi chút. Ông biết cô từ khi còn nhỏ. Có phần khó chịu, ông tiếp tục:
“Tôi không biết cái bĩu môi của cô có ý gì đâu. Tôi có phải nói rõ ra những mối nguy hiểm khi cô bị nhiễm lạnh không? Hay cô nhất định muốn ngày nào cũng là ngày Chủ nhật? Đầu tiên, cô vào quán cà phê, sau đó đến nhà hàng, đi từ một căn phòng ấm áp ra bầu không khí lạnh lẽo, ẩm ướt tối mùa đông?”
“Nhưng ở nhà quá buồn chán và không có lợi.” Người phụ nữ trẻ than vãn. “Nhà! Tôi ở nhà suốt cả tuần dài! Chủ nhật, tôi muốn thay đổi! Tôi muốn gặp mọi người! Hôm nay ông thật khó chịu, thưa bác sĩ!”
Bác sĩ già vuốt nhẹ vào má cô gái trẻ. “Vẫn là một đứa trẻ ngoan cố, bướng bỉnh, thích đâm đầu vào tường. À, có vẻ như cô đã quên mất ngôi nhà của bố mẹ mình dễ chịu và chan hòa như thế nào. Những ngày Chủ nhật không bao giờ quên được đó! Chúng ta thường tụ tập ở đó, những người thân thiết. Đám người trẻ trò chuyện và ca hát trong khi những người lớn chơi bài. Và mỗi Chủ nhật là một ngày nghỉ thật sự. Rồi mọi thứ trở nên sôi động hơn, cả trẻ lẫn già nô đùa cùng nhau. Cô nhớ chứ? Thỉnh thoảng ai đó sẽ đọc cho chúng ta một bài thơ mới, hoặc một cuốn tiểu thuyết mới ra mắt. Chúng ta đã tận hưởng những ngày Chủ nhật đó. Chẳng có áp lực cũng chẳng có luật lệ nào. Chúng ta cùng uống trà hoặc cà phê và vui vẻ nhất có thể. Nhưng dường như với tôi – trong vai trò là một bác sĩ, những thứ đang diễn ra là một chứng rối loạn thần kinh, tôi gọi nó là “chạy trốn khỏi nhà”.
“Nhưng, bác sĩ đáng kính của tôi, nó có nhất thiết phải là một chứng loạn thần kinh không? Có cần phải dán nhãn ‘bệnh tật’ lên mọi thứ không?”
“Nhưng nó đúng là một căn bệnh và đặc tính của nó được thiết lập rất rõ ràng bởi yếu tố này: sự cưỡng bách. Trốn chạy khỏi nhà là một ý tưởng cưỡng bách, bởi vì lí lẽ, lòng tin và khẩn nài không có tác dụng với nó.”
“Tôi nghĩ rằng ông đang đi quá xa rồi.” Cô gái trẻ trả lời. “Nếu tôi cứ nhất định phải đến quán cà phê trong ngày hôm nay, đó không phải vì tôi không thích nhà mình. Không, tôi làm điều đó bởi vì ở quán cà phê tôi cảm nhận được một loại kích thích mà tôi không thấy được ở nhà. Ở đó, tôi có thể xem nhiều loại tạp chí và sách báo mà tôi không thể có ở nhà. Tôi có cơ hội gặp gỡ những bạn bè và người quen mà tôi không thể gặp ở nhà thường xuyên. Và quan trọng là một cô gái trẻ vẫn luôn muốn được làm hài lòng trong bất hoàn cảnh nào. Tôi chắc chắn ông sẽ không bực mình về điều đó, nhà tâm lí học già thân mến! Ở đó tôi thấy những người bạn mới và họ cũng nhìn thấy tôi. Tất nhiên đổi lại, tôi sẽ phải chịu một vài sự khó chịu. Bầu không khí ngột ngạt và khói thuốc, tiếng la hét và sự ồn ào liên tục, vân vân. Nhưng tôi thực sự nghĩ con người hiện đại chúng ta cần những thứ này. Chúng ta không được sinh ra để nghỉ ngơi.”
Vị bác sĩ lắc đầu.
“Không! Không bao giờ! Tôi hi vọng cô tha thứ cho tôi, nhưng đầu óc của cô thật nông cạn và không đi vào trọng tâm của vấn đề. Với con người đô thị, ngôi nhà dường như trở thành một nơi cực kì khó chịu. Họ sống chỉ để chạy trốn khỏi gia đình, chạy trốn khỏi cuộc sống của họ, và vâng, cả chính bản thân họ nữa. Cái cảm giác bất an, bất mãn ở bên trong không thể nào xoa dịu được, căng thẳng thần kinh ngấm vào trong con người thời nay. Những thứ họ có, đối với họ, thật nhạt nhẽo và chẳng có giá trị gì. Những gì họ điên cuồng theo đuổi khiến họ thất vọng một khi đã đạt được. Họ khao khát thay đổi bởi vì họ không biết cách tận dụng hiện tại và những gì mình có. Tại sao người ta lại cảm thấy hạnh phúc khi được thoát ra khỏi nhà? Vì những người không có khả năng chạy trốn mới khao khát làm được như thế. Tôi chắc chắn, nếu cô suy nghĩ sâu hơn, cô sẽ nhận ra rằng chỉ những gì xảy ra với bản thân cô khi không ở nhà, cô mới gọi là ‘trải nghiệm’, còn những ngày ở nhà cô không coi là trải nghiệm, phải thế không?”
“Chỉ đúng một phần thôi, bác sĩ thân yêu của tôi. Bởi vì sự thật là không có gì để trải nghiệm ở nhà. Và tôi sẽ rất hạnh phúc tiếp đón bạn bè đến đây hàng ngày, nếu có thể. Ông có biết rằng đám người hầu muốn làm loạn. Họ muốn phản đối tôi tiếp đón khách khứa? Rằng họ muốn có ngày nghỉ? Rằng tôi không thể đòi hỏi họ phục vụ những vị khách của tôi vào mỗi Chủ nhật? Tại sao ngay cả những ngày trong tuần, mời khách khứa đến chơi cũng làm rối loạn đám người hầu?”
“Vậy tại sao lại phải mời? Người đến thăm hỏi luôn phải là khách sao? Hãy cứ nhìn Paris xem! Ở đó cô có thể ghé thăm bất kì người quen nào sau 9 giờ tối. Cô có thể uống một tách trà hoặc không. Cô nán lại trò chuyện một vài giờ rồi rời đi. Chúng ta không như thế, cái gọi là trà của chúng ta chỉ là gọi cho vui. Cô mời một người đến uống trà cùng, nhưng thay vào đó cô lại phục vụ bữa trưa và tổ chức một bữa tiệc linh đình thật sự. Chắc chắn cô sẽ rất tốn kém và gặp nhiều rắc rối. Ắt có hậu quả xấu.”
“Ông có biết không bác sĩ, tiếp đãi những vị khách là cử chỉ lịch sự thông thường. Ông phải phục vụ bạn bè của mình thứ gì đó khi mời họ ở lại trò chuyện một chút, phải không?”
“Cô lại thế rồi! Mấy câu chuyện phiếm hời hợt đó mới hay làm sao! Không, cô gái thân yêu của tôi! Bây giờ, người ta không còn mời bạn bè đến để dành thời gian vui vẻ với họ nữa, mà chẳng qua chỉ muốn cho họ thấy một chiếc áo choàng mới, hoặc khoe khoang với họ những đồ đạc mới. Tất cả cốt chỉ để đầu độc tâm trí yên bình của những người bạn đó. Nếu vị khách tỏ ra ghen tị, chủ nhà sẽ vui sướng tột cùng. Có thể nói rằng, bởi con người không hài lòng với cuộc sống, nên họ phải khuấy động sự bất mãn trong tâm người khác. Họ tưởng mình làm điều tốt đẹp, nhưng rốt cuộc là gieo trái ác.
Đến lượt mình, vào bữa tiệc trà tiếp theo, người bạn đó hẳn sẽ có một chiếc váy đẹp hơn để khoe, một vài tin giật gân mới, hay biết đâu chồng cô ta đạt được thành tựu cao hơn. Cuối cùng, các vị chủ nhà không còn lá bài nào cao tay hơn và không thể làm gì khác ngoài việc dàn xếp với ‘đối thủ’ ở một nơi trung gian, nhà hàng hay quán cà phê chẳng hạn.”
“Và lí do ông phản đối nơi trung gian này là gì?”
“Lí do phản đối của tôi ư? Chúng ta đánh mất cái niềm vui lớn nhất dành cho nhau. Ở nhà, có khi những bức tường ngăn cách chúng ta sụp đổ, rồi những lớp vỏ bao bọc chúng ta vỡ vụn, và những tâm hồn chạm đến nhau. Ở nhà, cô có thể dành thời gian cho những niềm vui thực sự, hơn là những trò giải trí điên cuồng của cuộc sống. Lúc thì đọc sách, như khi còn ở với cha mẹ, lúc thì ca hát hay nghe nhạc. Những kì nghỉ cùng gia đình, chúng ta cùng hòa làm một, nhìn lại một tuần đã qua hoặc chơi với những đứa trẻ và làm trẻ con một lần nữa. Chả nhẽ đó là một bất hạnh khủng khiếp sao? Cô không thấy rằng cô đang từ bỏ một thứ quý giá sao? Từ bỏ cuộc sống gia đình để theo đuổi thứ vô giá trị bên ngoài. Cô cũng cảm thấy thế, và cô biết tôi đúng. Có một giọng nói thì thầm trong cô, khẩn cầu và van xin: ‘Ở nhà! Ở nhà! Ở đây cô được an toàn và thoải mái!’ Nhưng một động lực khác mạnh mẽ hơn cô, thôi thúc cô đi ra ngoài, ép cô ra khỏi yên bình, đẩy cô đến miền thao thức quay cuồng. Cô gọi dòng lốc xoáy đó là ‘cuộc sống’. Những thú vui vô nghĩa này mang lại cho chúng ta điều gì? Chúng mang đến cảm hứng làm việc nào? Tôi không muốn kể lể những nguy hại của các trò giải trí hay sự nuông chiều bản thân, giận dữ thái quá, tiêu hao quá nhiều năng lượng, những trận cảm cúm, những cơn mất ngủ, v.v. Tất nhiên, chúng ta cũng cần những thú vui. Nhưng thú vui phải lành mạnh, phải tạo động lực, phải truyền cảm hứng mỗi ngày, giống như một chuyến du lịch vậy.”
“Nhưng, bác sĩ thân yêu của tôi, giờ chính ông lại rơi vào cái bẫy của mình rồi. Chuyến du lịch ông vừa nói không phải là chạy trốn khỏi nhà hay sao?”
Cô gái trẻ cười một cách vui vẻ. Nhưng vị bác sĩ – dường như bây giờ ông phải đảm nhận cả vai trò của mục sư – không cho phép mình lảng tránh hay bối rối.
“Tất nhiên, ý tôi không phải là chuyến đi bình thường. Thực ra, một chuyến đi xa nhà sẽ gây ra khủng hoảng thần kinh cho chúng ta. Một cuộc khủng hoảng mà tất cả chúng ta phải trải qua. Bởi vì tất cả chúng ta, gồm cả tôi, đều chịu đựng ý nghĩ cưỡng bách này. Sau mỗi cuộc khủng hoảng thường là khoảng thời gian người ta được hồi phục. Những người đi du lịch cũng sẽ trở nên khỏe mạnh sau mỗi chuyến đi, nhưng chỉ kéo dài được một thời gian ngắn thôi. Sau vài tuần, ý tưởng cưỡng bách thôi thúc con người đi khỏi nhà lại xuất hiện, thế rồi các cuộc chạy trốn khỏi nhà cứ tiếp diễn. Nếu ‘nghiện’ du lịch đến mức không đi không chịu được, đó lại là vấn đề to đấy.”
“Nào, bác sĩ!” Cô gái trẻ ngắt lời. “Đi du lịch là một điều cần thiết. Ông nói rất đúng, chúng ta muốn phá vỡ sự đơn điệu hàng ngày, chúng ta thoát ra khỏi cuộc sống thường nhật.”
“Đó chính là triệu chứng loạn thần kinh của thời đại chúng ta mà tôi muốn nói. Chúng ta đều muốn thoát khỏi hoàn cảnh quen thuộc. Chúng ta đều cố gắng đi đâu đó. Chúng ta có đi được hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Nhưng tại sao cô lại khó chịu với cuộc sống ngày thường?”
“Bởi vì tôi khao khát một sự thay đổi. Tôi không biết tại sao. Nhưng nó giống như một bản năng, tôi có khao khát mãnh liệt đó.”
“Đó đúng là loạn thần kinh rồi, cô gái thân mến. Đó là một ý nghĩ cướng bách, như tôi đã nói. Chạy trốn hoàn cảnh, chạy trốn gia đình, chạy trốn vật chất xung quanh, đều là muốn thoát khỏi ngôi nhà của mình. Với tôi, tất cả những đồ dùng tôi sử dụng một thời gian dài đã trở nên thân thiết và là một phần của bản thân tôi.
Đến nỗi tôi không muốn cho chúng đi và thật khó để rời xa chúng. Kể cả tôi có sở hữu một khối tài sản lớn, tôi cũng không thể từ bỏ những món đồ kỉ niệm đã gắn bó với tôi. Chúng giản dị và cũng có những khiếm khuyết. Nhưng tôi thấy chúng đáng yêu gấp ngàn lần những món đồ nội thất đẹp nhất của Anh. Tôi thừa nhận tôi không phải là người tân tiến đối với chủ đề này. Con người hiện đại cảm thấy vui khi họ có thể thay đổi một cái gì đó. Vì vậy họ thay đổi đồ đạc, thảm sàn của họ, tranh ảnh của họ, v.v. Cứ mười năm một lần lại có sự thay đổi về thời trang. Các bà nội trợ sẽ không thể chịu được phong cách lạc hậu. Một ngày nào đấy, cô bước vào căn nhà của một bà nội trợ và phát hiện ra những căn phòng mới. Giống như đồ đạc trong nhà được thay đổi theo thời gian, nơi cư trú cũng phải thay đổi thường xuyên. Thứ gì có thể thay đổi đều thay đổi: người hầu, bác sĩ gia đình, giáo viên âm nhạc, và thậm chí là thay vợ, thay chồng.”
Người phụ nữ trẻ nghĩ ngợi một chút. “Những gì ông nói đúng là có thật. Chúng ta có thể nhìn thấy những cuộc trốn chạy ngược xuôi ở khắp mọi nơi, trốn đời, trốn người và trốn cả chính mình. Theo cảm nhận cảm nhận của tôi, nó xuất phát từ nhu cầu cuộc sống của chúng ta. Phụ nữ chúng tôi đều có một yếu tố ‘Nora’ rất lớn và luôn chờ đợi những ‘phép lạ’. Chừng nào chúng tôi không thể tìm thấy nó ở nhà, chúng tôi tìm kiếm nó ở nơi khác. Tin tôi đi, bác sĩ, hầu hết phụ nữ không gục ngã vì khao khát nhục dục. Không! Họ ngã vì họ khao khát trải nghiệm. Chúng tôi có quá ít trải nghiệm. Sự đơn điệu hàng ngày khiến chúng tôi ngạt thở. Cái cuộc sống quay cuồng này, cái thói vô cảm chạy theo thay đổi này – như ông gọi thế, tất cả chỉ vì trái tim của chúng tôi không thỏa mãn. Sự đơn điệu và tẻ nhạt của cuộc sống khiến tâm hồn chúng tôi suy sụp. Ông có nghĩ rằng có khi nào mọi chuyện có thể khác đi không?”
“Tại sao không, trời? Một ngày nào đó, một nhà trị liệu vĩ đại, một người truyền đạo từ bi sẽ xuất hiện. Tiếng nói của người đó sẽ xuyên qua cơn lốc xoáy. Người đó có thể mở toang đôi mắt khờ dại của con người. Một sự chữa lành sẽ thỏa mãn tất cả của những mong ước của nhân loại. Một niềm tin vào sứ mệnh cống hiến và niềm vui cuộc sống. Cần một Đấng cứu thế cho thời đại của chúng ta. Phải chăng ngài sẽ đến?”
“À, vị ấy đã đến.” Cô gái nói vẻ yêu kiều, khuôn mặt cô rạng rỡ. “Đối với tôi, ông là vị ấy! Ông đã điều trị chứng loạn thần kinh trốn chạy của tôi. Hôm nay tôi sẽ ở nhà, và thường xuyên hơn nữa.”
Vị bác sĩ già rời đi với những bước chân đầy sinh lực. Bằng sức mạnh từ lời nói của mình, ông đã cải hóa được một con người một lần nữa.
Nhưng niềm vui của ông chỉ ngắn ngủi. Chiều hôm đó, ông đi ngang qua một quán cà phê trên đường phố trung tâm. Ánh mắt ông nhìn vào một nhóm người vui vẻ bên trong quán. Và ở đó ông nhìn thấy cô bệnh nhân ngoan cố của mình. Cô đã đi ra ngoài để có cơ hội thảo luận kĩ lưỡng với đám bạn của cô về chủ đề “trốn chạy khỏi nhà”.
Chúng ta luôn có những lí do “chính đáng” cho thói quen xấu của mình.
Nhưng càng trốn chạy, chúng ta càng lạc lối. Đời sống đau khổ, buồn chán, bấp bênh của chúng ta không vì thế mất đi. Chúng ta vẫn bất lực nhường nào trước thực tại. Chẳng có gì thay đổi nếu chúng ta trốn chạy. Chỉ có đối diện và hành động mới giúp chúng ta thay đổi được thực tại. Và, hãy bắt đầu thay đổi từ chính mình.