Càng nghĩ mình tự do, chúng ta lại càng lệ thuộc nhiều hơn
Nếu không còn phải quan tâm đến điều gì nữa, sắc màu đa dạng của cuộc sống sẽ được thay thế bằng màu xám đơn điệu và nặng nề
“Có ai vẫn trả tiền mua vé không?” Một người đàn ông đã hỏi tôi một cách nghiêm túc. Kĩ năng xin vé ra vào của anh ta đã đạt đến trình độ cao nhất, nhờ những mối quan hệ.
Mặc dù câu hỏi có vẻ ngớ ngẩn, song nó cũng ẩn chứa điều gì đó rất sâu sắc. Việc tìm kiếm những tấm vé miễn phí của chúng ta giống như “môn thể thao” được ưa thích của các cư dân thành phố. Với nhiều người, nhà báo hay nhà văn chẳng phải là những nghệ sĩ đang cố gắng thể hiện tư tưởng của mình, cũng chẳng phải những kẻ đang lắng nghe tiếng nói bí mật của nội tâm và viết lên trang giấy mỗi ngày. Với họ, một nhà văn là một triệu phú sở hữu các “tấm vé miễn phí”. Trên bàn làm việc của anh ta chồng chất những chiếc vé màu xanh lá cây, xanh da trời và màu đỏ. Chúng là chìa khóa ma thuật có thể mở cửa tất cả các ngôi đền nghệ thuật.
Chúng giúp anh ta không phải lần sờ vào túi tiền. Và tất nhiên, anh ta chẳng có cái trải nghiệm hứng khởi khi mua tấm vé bằng những đồng xu bóng loáng của mình. Họ sẵn sàng nói xấu kẻ giàu sang đó, rằng anh ta bảo vệ kho báu của mình. Anh ta rất keo kiệt, rất tham lam. Anh ta phân phát vài tấm vé cho những người anh ta tiếp xúc, nhưng cũng chẳng làm họ thấy hạnh phúc. Đối với họ, nhận được một tấm vé miễn phí chẳng khác nào một may mắn lớn, giống như tấm vé số mang lại một giải thưởng nho nhỏ. Đó là một niềm vui thoáng chốc nhưng tuyệt vời trong cuộc sống: Niềm vui mang tên không-tốn-kém.
Với mỗi chiếc vé miễn phí, một người dường như có được tất cả mọi thứ: sự tôn trọng của tầng lớp cao trong xã hội, quyền được thô lỗ và ép buộc người khác cư xử nhã nhặn. Có một số phụ nữ trẻ chỉ vì một chuyến đi, sẵn sàng từ bỏ danh dự của mình. Người ta có thể nói một cách khéo léo rằng: một tấm vé đánh đổi tất cả.
Những con người với những “mối quan hệ tốt” có thể sống một cuộc sống tuyệt vời nhờ những tấm vé miễn phí. Vị bác sĩ luôn tuân lệnh và chịu sự sai khiến suốt cả năm. Bởi những nỗ lực của anh ta đôi khi được bù đắp bằng một ô ghế riêng có đánh số hoặc một cặp chỗ ngồi trong nhà hát. Giới luật sư cũng thế. Cơn thịnh nộ đáng sợ của những người giám sát tòa nhà bỗng tan biến, thành sự khiêm nhường nhẹ nhàng khi được hứa hẹn về một chiếc vé miễn phí. Chúng ta mong đợi cả ngàn thiện ý nho nhỏ từ những người xung quanh chúng ta, từ một tấm vé miễn phí.
Có vài người cảm thấy ngượng ngùng khi đi trên một chuyến tàu mà không mua vé. Những con người đặc biệt này chưa biết rằng ngày nay chỉ người nào trả tiền mua vé mới bị xem thường. Mọi người đều ngả mũ trước người sở hữu chiếc vé miễn phí. Người chỉ huy tàu kính cẩn cúi người vì anh ta không biết liệu “hành khách miễn phí” có phải là viên chức của công ty hay người “tai to mặt lớn” nào không. Người thu vé cũng như vậy. Hành khách miễn phí thường mê đắm với niềm vui sướng “hưởng thụ mà không mất tiền”. Nói ngắn gọn, một tấm vé miễn phí khiến người sở hữu nó mang một sức mạnh lớn lao bí ẩn, thêu dệt trên đầu anh một vầng hào quang, và nâng anh ta lên trên những người khốn khổ phải trả tiền.
Nhưng đừng nghĩ rằng người sở hữu tấm vé vào cửa miễn phí sẽ tạo thành một bộ phận công chúng biết thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật. Ngược lại! Thưởng thức nghệ thuật trong nhà hát cần đến một khả năng tưởng tượng nhất định. Việc chúng ta bỏ tiền mua vé sẽ ảnh hưởng đáng kể đến khả năng này. Tận sâu trong vô thức, có những luồng lực cưỡng ép anh ta vỗ tay. Giá vé càng cao, niềm vui mua được càng nhức nhối, lại càng dễ bằng lòng với các tác phẩm nghệ thuật và nghệ sĩ. Người học sinh nghèo đứng hàng giờ trước nhà hát và đủ may mắn để có một chỗ đứng trong rạp. Anh ta sẽ có khoảng thời gian vui hơn bạn bè giàu có của mình ngồi ở khu trung tâm, và còn vui hơn rất nhiều so với những người sở hữu một chỗ ngồi miễn phí đáng ghen tị. Vì mong đợi của anh ta đã được đẩy lên cao vô cùng. Anh ta căng thẳng hơn, anh ta trông chờ một phần thưởng xứng đáng với những nỗ lực của mình và số tiền mình đã bỏ ra. Anh ta hẳn sẽ rất vui khi cảm giác căng thẳng được giải tỏa.
Chúng ta điên cuồng truy cầu niềm vui, những thứ miễn phí và không thích làm việc. Càng thế chúng ta càng không thấy vui
Người sở hữu chiếc vé miễn phí không cần tưởng tượng. Anh ta không có bổn phận buộc phải cảm thấy được giải trí. Anh ta không trả tiền cho bất cứ thứ gì. Thậm chí anh ta có thể rời khỏi buổi biểu diễn trước khi nó kết thúc nếu anh ta cảm thấy không hài lòng. Anh ta hoài nghi hơn, dễ phê phán và ít biết ơn hơn.
Tại buổi ra mắt tác phẩm mới, bất kì nhà soạn kịch nào cũng sẽ lấp đầy nhà hát với những người bạn tốt của mình bằng những tấm vé mời. Anh ta thật chưa hiểu về bản chất con người. Sự thất bại đang chờ đợi anh ta. Với những người được gọi là bạn tốt, tâm đố kị vô thức đẩy họ vào hàng ngũ những kẻ thù. Còn những kẻ sở hữu tấm vé mời thì vô tình mang theo tâm lí đặc trưng của “hành khách miễn phí”. Họ mất dần khả năng tưởng tượng, họ tự mãn, họ phê phán vô tâm và thiển cận.
Tôi đã từng chứng kiến một người bạn của tôi, một nhà viết kịch trẻ tuổi, mời người thợ may và vợ của anh ta đến xem buổi ra mắt tác phẩm của mình. Anh ta không ngại ngần thể hiện sự chào đón họ. Anh ta đã sắp xếp phần lớn bạn bè của mình ở khu vực ngồi trung tâm. Không có hạng vé rẻ nhất. Dĩ nhiên, anh ta cũng đã gửi hai vé mời cho đối thủ của mình. Thật may mắn tôi được ngồi ở chỗ nhộn nhịp nhất. Tôi rất muốn biết những con người đơn giản kia sẽ cảm nhận như thế nào về tác phẩm. Tôi ngồi ngay phía sau cặp vợ chồng người thợ may gan dạ. Họ không biết tôi. Một vài lần trong buổi biểu diễn, chúng tôi gần như đã gây gổ. Cặp vợ chồng reo hò hết sức, trong khi tôi vỗ tay bằng tất cả sức lực của mình. Chúng tôi văng những lời lẽ bồng bột và thể hiện hành động giận dữ. Vở kịch là một thất bại. Sau đó chúng tôi thảo luận lí do sự thất bại này. Người ta nói rằng vở kịch không đủ sâu sắc trước một tầng lớp khán giả học thức. Tôi không cho là như vậy. Tôi đề cập đến vị khán giả ngồi trước mặt tôi. Lúc đầu bạn tôi đã không tin tôi. Tôi thuyết phục anh bạn bằng một mô tả chi tiết về cặp vợ chồng người thợ may đã nhiều năm may quần áo cho anh ta. Hẳn nhiên họ cảm thấy phải có bổ phận hồi đáp lại tấm vé mời của tác giả, bằng cách góp phần vào thất bại của vở kịch.
Những nghĩa vụ luôn tạo áp lực lên chúng ta
Chúng ta có bản năng bỏ qua chúng. Tấm vé mời là nghĩa vụ phải thừa nhận sự xuất sắc của chương trình giải trí, nghĩa vụ xác nhận rằng nó xứng đáng với giá vé vào cửa. Thêm vào đó là sự thiếu vắng nhu cầu tưởng tượng. Chúng ta cũng nên xem xét đến cả xung lực thúc đẩy một người bỏ qua nghĩa vụ này. Hai yếu tố tâm lí tôi vừa kể đã gây ra phản ứng phòng vệ ở người sở hữu tấm vé miễn phí.
Sự khao khát những tấm vé miễn phí, trước đây là đặc quyền của một số nhân vật đặc biệt. Chúng đang ngày càng phát triển, lây lan sang các tầng lớp xã hội khác. Chúng dễ dàng trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với ban quản lí rạp hát. Nếu họ không tìm ra được một biện pháp khắc phục đầy đủ vấn đề trong việc phân phối những tấm vé miễn phí theo nguyên lí vi lượng đồng căn36. Họ chống lại tình trạng “vé kèm theo vé”. Vào những ngày họ biết lượng mua sẽ ít hoặc các vở kịch không còn thu hút số lượng lớn khán giả, họ sẽ cung cấp vé miễn phí và vé giảm giá một cách hậu hĩnh. Một khoản phí nhỏ người mua buộc phải trả cho tấm vé giảm giá dùng để trang trải một phần chi phí hoạt động. Vậy là rạp hát được lấp đầy và ngọn lửa ham muốn của nhiều người về một tấm vé miễn phí bị dập tắt. Những lần tiếp theo, mọi người sẵn sàng mua vé hơn. Họ nghĩ rằng họ có đủ khả năng để phung phí. Bởi họ đã được xem một hoặc nhiều buổi biểu diễn miễn phí trước đó. Bởi họ bị ảnh hưởng bởi bản năng vô thức rằng cái niềm vui mua bằng tiền chắc chắn mang lại nhiều thú vị hơn.
36 Nguyên tắc cơ bản của vi lượng đồng căn là “quy luật của những mối tương đồng” (law of similars), nghĩa là “hãy để cho những thứ giống nhau chữa cho nhau” (“let like be cured by like”). Định luật do chính bác sĩ người Đức Samuel Hahnemann đưa ra lần đầu tiên vào năm 1796 (ND).
Người ta sẽ phải trở thành con quỷ khập khiễng Mephisto thứ hai, chạy theo dòng chảy vô hình của những chiếc vé mời trong một đô thị lớn. Sự lãng mạn của một tấm vé mời vẫn sẽ được viết tiếp. Nó cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc về cái tâm lí không chịu thua kém ai của con người hiện đại. Nó chứng minh cho một xung lực thôi đẩy quan trọng nhất của thời đại chúng ta. Đó là mong muốn không phải làm việc và chịu phục tùng ý muốn của người khác. Tôi nói “không làm việc cho ý muốn của người khác” thay vì “không trả tiền cho ý muốn của người khác”, bởi vì trong hình dung thông thường của chúng ta, tiền luôn có nghĩa là công sức lao động ta bỏ ra.
Những người siêng năng nhất trên thực tế là những người ghét làm việc nhất. Đằng sau sự nhiệt tình làm việc của họ, có một mong muốn tích trữ thật nhiều tiền bạc, đảm bảo một nguồn thu nhập đủ để hưởng thụ mà không cần thêm làm việc thêm nữa. Trong ngôn ngữ hàng ngày, đây gọi là: một tuổi già không phải lo lắng. Nhưng sự thật là: lo lắng là nguồn vui chính của chúng ta. Nếu không còn phải quan tâm đến điều gì nữa, sắc màu của cuộc sống sẽ được thay thế bằng màu xám đơn điệu nặng nề.
Việc theo đuổi những tấm vé mời chỉ là một mảnh nhỏ của cái tâm điên cuồng, truy cầu “niềm vui mà không phải làm việc” vốn đang diễn ra xung quanh chúng ta. Nhưng để giải thoát khỏi gông xiềng của vật chất và áp lực đời sống, thì đó quả là một cách dại dột, và cũng hoàn toàn phi thực tế.
Chúng ta càng nghĩ mình tự do, chúng ta càng lệ thuộc nhiều hơn