Chảy trong tâm hồn con người là một chuỗi vô số các đồng nhất khác nhau
Ảo tưởng chỉ là sự đồng nhất hóa hoàn toàn với một thực tại khác, bởi mong muốn thoát khỏi những thực tại khổ đau của đời sống
Tôi sẽ kể cho các bạn một câu chuyện để thấy cơ chế đồng nhất hóa diễn ra như thế nào?
Một người đàn ông đã chịu đựng tâm trạng của vợ mình rất nhiều. Dù anh cố gắng bao nhiêu cũng không thể làm cô hài lòng. Nếu anh ta hạnh phúc và mãn nguyện, cô ấy gọi anh ta là “quý ông vô tích sự”. Cô ta sẽ nói anh thật hợp với chương trình “Punch và Judy”. Nếu ngược lại, anh lo lắng và khuôn mặt anh tỏ vẻ băn khoăn, cô ấy gọi anh là “ông già hay cằn nhằn” và chửi rủa om sòm rằng anh làm cho cuộc đời cô cay đắng. Nếu anh ta muốn đến nhà hát, cô bảo rằng họ nên ở nhà. Nếu anh khao khát sự yên bình trong ngôi nhà, cô lại thôi thúc anh tham gia vào tất cả các trò tiêu khiển vô nghĩa. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi người đàn ông tội nghiệp trở nên “lo lắng”. Anh ta mất đi sự yên bình trong chính mình, và mất luôn cả cái khí chất điềm tĩnh của anh.
Trong những ngày tháng đau khổ đó, anh có thể tìm thấy sự thoải mái với cô con gái hiền lành. Cô bé dường như đối lập với người mẹ ủ rũ ở mọi khía cạnh. Anh đã tìm đến ẩn náu ở chỗ con gái, và hết lần này đến lần khác cô gái phải lắng nghe cha mình than khóc đòi yên bình.
Cuối cùng tình trạng lo lắng bồn chồn của anh trở nên tồi tệ. Anh cần một bác sĩ tư vấn. Vị bác sĩ trị liệu hoàn toàn nắm bắt được tình trạng quan hệ gia đình của bệnh nhân. Ông không cần xem xét quá lâu và đề nghị anh ta đi du ngoạn một chuyến. Kê đơn thì dễ hơn là uống thuốc. Bệnh nhân này có một thói quen rất xấu: Anh ta không thể ở một mình. Tự chăm sóc những nhu cầu nhỏ hàng ngày trong lúc xa nhà như một hình phạt đối với anh. Anh ta phải làm gì? Vợ anh hẳn sẽ vui vẻ đi cùng anh. Nhưng có rất nhiều sự ngăn trở. Bên cạnh đó, vị bác sĩ sáng suốt sẽ không chấp thuận điều đó. Trong tình trạng khó khăn này, người đàn ông đau khổ nghĩ đến cô con gái dịu dàng, trìu mến của mình. Mọi người vui mừng vì giải pháp hạnh phúc này. Nhưng bác sĩ của chúng ta lại đầy lo âu. Một người vợ ghen tuông, và không kém phần quan trọng, cô con gái nhạy cảm chưa từng quen với thế giới bên ngoài. Cô con gái với những giấc mơ bí mật của tuổi trẻ, bị gián đoạn bởi lối giáo dục thất thường của mẹ, trong đó tình yêu thương quá trớn trộn lẫn với sự lạnh lùng tàn nhẫn thành một hỗn hợp kì dị.
Càng gần đến lúc khởi hành, niềm phấn khích càng lớn. Người mẹ đã thay đổi kế hoạch của mình trên mười lần. Đầu tiên cô muốn bỏ mọi thứ và đi cùng chồng. Sau đó cô ấy muốn khuyên người chồng phiền muộn từ bỏ chuyến đi, và cứ thế... Cuối cùng giờ khởi hành cũng đã đến. Họ ở trong nhà ga và nói những lời chào tạm biệt. Người mẹ không ngừng gợi ý và nói đủ thứ. Người chỉ huy thông báo tàu bắt đầu lăn bánh và không còn thời gian để nói chuyện. Qua cửa sổ nhỏ, người cha trông thật hạnh phúc, và cô con gái cũng đang hạnh phúc. Cô còn nhìn ra ngọn nguồn của những thống khổ họ đang mang. Người mẹ đột nhiên không ngừng nhỏ nước mắt. Liệu cô ấy có cảm thấy thật sự đau buồn không? Hay chỉ vì người chồng mà cô vẫn thường trút lên sự bất mãn trong trái tim bất ổn của cô đã đi mất? Cô nhanh tay gạt nước mắt và lớn giọng gọi theo con gái: “Freda, hãy thay mẹ chăm sóc cha! Nhớ nhé!” Tiếng của cô dần lạc mất trong âm thanh chói tai của chuyến tàu đang chuyển động. Trong vài giây, họ vẫy chào lần cuối cùng. Dường như tất cả đau đớn đã kết thúc.
Hai cha con nhìn nhau, khuôn mặt rạng rỡ. Trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, ở một mức độ nào đấy, họ sẽ được tự do và tận hưởng cuộc sống. Những lời cuối cùng của người mẹ vang lên trong tai họ. Bất giác, người đàn ông mỉm cười và dịu dàng nói với con gái mình: “À, ta rất hiếu kì muốn xem cô gái bé bỏng sẽ thay mẹ như thế nào.” Cô bé nhìn cha cô nghiêm túc và trả lời: “Cha, con sẽ cố gắng hết sức mình, chắc chắn đấy.” Và sâu bên trong cô, cô vui mừng trước ý nghĩ rằng những người xa lạ có thể nghĩ cô thực sự là người vợ trẻ của người đàn ông đẹp trai này.
Sau một vài phút, Freda bắt đầu phàn nàn rằng trời rất lạnh. “Có gió lùa! Lạnh quá!” Người cha lo lắng ngay lập tức đóng cửa sổ lại. Sau một lúc cô ấy phàn nàn rằng toa xe lửa này không thể chịu đựng được. Tại sao người trưởng tàu không sắp xếp cho chúng ta một toa rộng rãi hơn? Cha có đưa cho anh ta chút tiền không? Một người bạn của cô vừa mới trở về từ một chuyến đi đám cưới ở Ý đã nói rằng những trưởng tàu rất tôn kính và sẵn lòng giúp đỡ những người boa tiền hào phóng. Cô không quá thiếu kinh nghiệm như người cha đã nghĩ. Nếu cha cô boa cho người đó chút tiền, họ chắc chắn sẽ được chuyển sang một toa thoải mái hơn. Người cha tuân theo mong muốn của con gái mình dù phần nào thấy khó chịu. Sau vài khó khăn, họ cũng được chuyển từ khoang nhỏ ấm cúng mà ở đó họ có thể ngồi một mình, đến một gian lớn hơn, ngồi với một người đàn ông cao tuổi mập mạp. Ông ta bước lên từ nhà ga kế tiếp và đổ mình xuống bên cạnh họ. Freda có một ác cảm không thể vượt qua đối với những quý ông già béo phì. Cô trách cha mình rằng cha đã không cho trưởng tàu tiền boa đủ nhiều.
Chẳng còn lời nào để nói! Sau vài giờ, người đàn ông tội nghiệp đã thấy rõ ràng hình ảnh người vợ trong cô con gái của mình, cô đã thay thế vị trí của người mẹ theo đúng nghĩa. Cô làm phiền anh bằng tâm trạng của cô và không cho anh một phút nghỉ ngơi. Anh cố gắng tự an ủi mình với ý nghĩ rằng Freda đang không phải là chính mình. Bởi cô quá phấn khích trong vài ngày qua, và rằng cô sẽ sớm trở lại là chính mình. Hi vọng vô ích! Cô gái như thể thay đổi thành một người khác. Từ một đứa trẻ yên lặng, đáng yêu, cô trở thành một người buồn rầu và hay cau có. Chuyến đi với mục đích để chữa trị đã trở thành một sự tra tấn không thể chối cãi. Ở nhà, anh tự biết thích ứng một cách lặng lẽ với sự bạo ngược của vợ mình. Nhưng ở đây, xa nhà, anh liên tục rơi vào mọi tình huống khó chịu. Cuối cùng, anh giả vờ “quá ốm và không thể tiếp tục chuyến đi”. Sau vài ngày họ trở về nhà.
Tôi kể lại câu chuyện bi hài kịch này chi tiết như vậy để làm rõ ý nghĩa của sự đồng nhất hóa. Chuyện gì đã xảy ra với cô gái trẻ khiến cô biến đổi nhanh thế? Người mẹ đã sai khiến cô để cô thay thế bà ấy? Cô đã “âm thầm” chịu trách nhiệm về nhiệm vụ của mẹ mình đến một mức độ nào đó, cô tự đồng nhất mình với mẹ. Cô đóng vai trò của mẹ chính xác như những gì cô đã thấy ở nhà trong nhiều năm. Mặc dù âm thầm, cô không tán thành hành vi của mẹ mình. Sự đồng nhất hóa này đã vô hiệu hóa tính cách của chính cô và thay thế nó bằng cái khác.
Đây là một hiện tượng có những biểu hiện đáng ngạc nhiên nhất trong số các chứng cuồng loạn. Nhưng sẽ là sai lầm khi nghĩ rằng nó chỉ xảy ra trong số những người cuồng loạn. Hầu như tất cả mọi người, đặc biệt là phụ nữ, không chống lại nổi sức mạnh của đồng nhất hóa. Tôi tự hỏi liệu có phải vì điều này mà tất cả chúng ta, ở một mức độ nào đấy, đều âm thầm chịu đựng chứng loạn thần kinh trong suốt cuộc đời?! Ở nhà, Freda có thể đã che giấu sự cuồng loạn của cô như một phản ứng với hành vi của mẹ cô. Chỉ khi cô phải đóng vai trò của người mẹ, chứng loạn thần kinh – hậu quả của một ảnh hưởng vô thức – mới được bộc lộ. Chúng lan truyền như một dịch bệnh theo cách đó. Nếu chứng loạn thần kinh có khả năng lan truyền một ảnh hưởng, nó có thể khơi dậy một chứng loạn thần kinh khác vốn luôn ngủ say. Bởi từ nghiên cứu của Bleuser, chúng ta biết rằng lời ám thị đó không phải là sự chuyển giao ý tưởng, mà là một ảnh hưởng đã tác động trong suốt thời gian dài.
Những trường hợp như trên đây, chúng ta chắc chắn có thể bắt gặp thường xuyên trong đời sống hàng ngày, và cả đằng sau nhiều động cơ, khẩu hiệu, xu hướng, phong trào, đấu tranh. Dù ngụy trang ra sao, không khó để đôi mắt của những nhà quan sát nhận ra cơ chế đồng nhất hóa và yếu tố của chứng loạn thần kinh ở người bình thường. Nhưng nếu đúng là thế, tất cả chúng đều có điểm gì đó bất thương. Sự thực là như thế. Không có ai là bình thường cả. Cái chúng ta gọi là bệnh tật và bất thường chỉ là các đỉnh trong một dãy núi mấp mô của sự bình thường mà thôi.
Mỗi người đều có điểm yếu trong thể chất và tinh thần của mình
Có nhiều ví dụ cho quá trình đồng nhất hóa trong người bình thường. Chẳng hạn, người đầy tớ của nhà quý tộc. Ông ta hoàn toàn thấm nhuần niềm tự hào của chủ nhân về tổ tiên. Ông điềm tĩnh khinh miệt nhìn xuống đám đông ồn ào tầm thường. Ông không bao giờ cho rằng mình là một trong đám đông ấy. Ông không có chút ý niệm mơ hồ nào về sự lố bịch trong thái độ của mình. Bởi cơ chế đồng nhất hóa đã làm mờ tâm trí của ông. Bởi một cảm xúc đã bóp nghẹt lí trí của chính ông. Ông ta thậm chí còn mô tả bằng lời cái cảm giác đồng nhất hóa của mình. Ông dường như đã trở nên hợp nhất thành một với chủ nhân của mình. Ông nhấn chìm tính cách cá nhân của mình, bản ngã của mình trong mọi dịp nói về “chúng tôi” và “của chúng tôi”.
“Hôm nay chúng tôi sẽ đi về hướng Nam.” Ông thông báo với những người hàng xóm.
“Chúng tôi sẽ ở nhà.” Ông tuyên bố một cách hùng hồn với những vị khách.
Chúng tôi thấy điều tương tự ở đứa trẻ đang tuổi đi học. Phải rất lâu sau đó, chúng mới có thể tự giải thoát khỏi ảnh hưởng của giáo viên và trường học. Hoặc có khi, vô thức của chúng đã mãi mãi khắc ghi ảnh hưởng đó, bởi trong một thời gian dài chúng buộc phải đồng nhất hóa mình với nhà trường và các thiết chế của nó.
“Lợi thế dựa trên chủ nhân của mình” (ví dụ, bắt chước ý chí của chủ nhân) là kết quả của việc đồng nhất hóa thành công. Chúng ta không bao giờ hi vọng có một cá tính độc lập. Trừ khi, chúng ta tự giải thoát khỏi ảnh hưởng này. Trừ khi chúng ta thay thế lối nhân xưng đầy tự tin “chúng tôi” trong nhà trường bằng lối nhân xưng “tôi” không chắc chắn của tính cách cá nhân.
Những cảm xúc như tinh thần phe phái, niềm tự hào tổ tiên, tinh thần đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, v.v. chỉ là những sự đồng nhất hóa.
Người Đức đồng nhất mình với các vĩ nhân của dân tộc như Schiller, Goethe, Bismarck,… Họ tự hào đến mức cho rằng bản thân mình đã chịu trách nhiệm cho những thành tựu to lớn ấy.
Lòng kiêu hãnh nổi tiếng lố bịch của người Anh là sản phẩm của đồng nhất hóa cực đoan. Trong thực tế, chính phủ Anh cũng tự đồng nhất với những công dân thấp cổ bé họng trong xã hội và bảo vệ họ ở bất cứ nơi đâu trên thế giới.
Viên sĩ quan tự hào về trung đoàn của mình.
Tất cả học sinh đều nhiệt tình với màu sắc, đồng phục của trường mình.
Những công dân bình thường chỉ thấy đảng phái chính trị của mình là tốt đẹp.
Tất cả đều đều chịu ảnh hướng to lớn của sự đồng nhất hóa. Theo cách này, chủ nghĩa xã hội đã trở thành một sức mạnh to lớn. Không phải vì nó mang đến cho giai cấp vô sản một giấc mơ về một tương lai hạnh phúc hơn. Không phải vì nó mang đến cho họ một tôn giáo. (Nhà thờ còn đáp ứng mong muốn này của họ tốt hơn). Mà chỉ vì nó cho phép các cá nhân, người yếu đuối, kẻ thất thế cảm thấy hòa làm một với đám đông dữ dội.
Chủ nghĩa xã hội là niềm vui chiến thắng của sự đồng nhất hóa và là cái chết của chủ nghĩa cá nhân
Ví dụ đẹp nhất về đồng nhất hóa được bộc lộ trong tình yêu. Một người đang yêu hoàn toàn tự đồng nhất mình với người mình yêu. “Hai tâm hồn chung suy nghĩ, hai trái tim chung nhịp đập”. Chẳng phải Ruckert đã gọi người yêu của mình là “bản sao tốt hơn” của anh ta hay sao?! Hay như bài hát rất nổi tiếng của Kletke: “Cái gì là của anh và cái gì là của em?” Một người đang yêu gần như chuyển toàn bộ bản ngã của mình sang người khác. Anh ta phóng chiếu tất cả mong muốn của mình lên đối tượng. Anh ta không biết những sai lầm của mình cho đến khi việc đồng nhất hóa kết thúc. Và rồi cái giấc mơ tình yêu lãng mạn cũng kết thúc theo.
Với sự trợ giúp của quá trình đồng nhất hóa, một người có thể truyền cảm hứng của mình vào bất kì ai thân thiết với người yêu của mình. Đôi khi, bằng cách đó bái vật giáo xuất hiện. Nó giải thích tại sao tình yêu dành cho một người phụ nữ dễ dàng dẫn đến tình yêu dành cho những người thân thích của cô. Có một câu tục ngữ của Slavic nói rằng: “Người yêu vợ mình cũng yêu mến mẹ vợ của mình.” Mặt khác, đằng sau sự bất mãn với người vợ thường là một hận thù ngoan cố dai dẳng với người thân của cô ấy. Trong nhiều trường hợp, cảm giác chống đối lại mẹ vợ không thể diễn giải theo bất kì cách nào khác, ngoài sự đồng nhất hóa này.
Chảy trong tâm hồn con người là một chuỗi vô số những đồng nhất khác nhau, từ bình thường đến bệnh lí. Đứa trẻ đặt chiếc mũ của cha mình lên đầu, tự đồng nhất mình với bố mình. Chắc chắn cũng giống người điên cuồng nghĩ mình là Napoléon. Cả hai đã hiện thực hóa mong muốn của họ trong một người khác. Nhưng có sự khác biệt giữa họ. Ở người bình thường, việc đồng nhất hóa được kiểm soát bởi thực tế. Trong khi ở người mất ý thức, việc đồng nhất hóa đã được định hình.
Ảo tưởng chỉ là sự đồng nhất hóa hoàn toàn với một thực tại “khác”, bởi mong muốn thoát khỏi những thực tại khổ đau của đời sống
Ảo tưởng và chân lí là những quan niệm dễ uốn nắn. Ai có thể định đoán được nơi sự thật chấm dứt và ảo tưởng bắt đầu? Từ quan điểm của Schopenhauer, toàn bộ triết lí của thế giới chúng ta có được coi là một quá trình đồng nhất hóa. Đó chỉ là sự lan truyền những kiến thức hạn hẹp của chúng ta ra thế giới bên ngoài.