Lí tưởng của chúng ta sống trong tâm hồn chúng ta, không phải ở thế giới bên ngoài
Giữ cho ham muốn của bản thân trong giới hạn nghĩa là đảm bảo sức khỏe tinh thần cho chính mình
Than ôi! Nghiên cứu tâm lí về bệnh tật vẫn còn là một nền khoa học rất trẻ và chưa trưởng thành.
Chúng ta đã bị giam giữ quá lâu trong cái ảo tưởng vật chất. Chúng ta cứ tìm kiếm trực khuẩn và các vi sinh vật khác đằng sau tất cả các bệnh lí. Để rồi chúng ta gần như bỏ qua hoàn toàn yếu tố tinh thần gây ra bệnh tật. Ngày nay những yếu tố tinh thần này đóng vai trò chính trong cái gọi là bệnh “thần kinh”. Trong khi tất cả “nguyên nhân” khác như bẩm chất37, di truyền, nhiễm trùng, v.v. giờ không còn quan trọng nữa. Sự thật là nó chỉ đóng vai trò thứ cấp. Ảnh hưởng của rối loạn cảm xúc đối với những căn bệnh này mới được nghiên cứu một cách cẩn thận trong thời gian gần đây.
37 Bẩm chất (predisposition): Đặc tính riêng của mỗi người, do tự nhiên mà có.
Nguyên nhân tinh thần có thể đóng một vai trò lớn trong sự phát tác và phòng ngừa bệnh tật. Chúng ta có thể khẳng định rằng, nếu không có yếu tố tinh thần, sẽ chẳng có một ca bệnh thần kinh nào xảy ra. Dù nghe có vẻ nghịch lí, nhưng điều này gần với sự thật hơn là những giáo điều chính thống của thời đại chúng ta.
Nương náu trong bệnh tật: Trốn tránh tổn thương tâm lí
Bạn còn nhớ không, thời thơ ấu, chúng ta thường mong bị ốm để được nghỉ học, và cũng có thể được cha mẹ nâng niu và chiều chuộng. Mong muốn trẻ con này ở lại trong vô thức chúng ta suốt cuộc đời. Chúng ta có thể nhận ra, người mắc chứng cuồng loạn có những suy nghĩ, cảm xúc và ý tưởng rất đặc trưng trẻ con kiểu thế. Nếu là như vậy, Bleuler đã đúng. Ông khẳng định rằng nguyên nhân phổ biến nhất của chứng cuồng loạn là mong muốn được nương náu trong bệnh tật. Nghe có vẻ nghịch lí, nhưng quả thật trong sâu thẳm con người có mong muốn đó, hòng trốn tránh các áp lực của đời sống. Tốt hơn hết nên trích dẫn báo cáo của Bleuler38 về một số ca bệnh của ông39:
38 Paul Eugen Bleuler (1857 - 1939) là một bác sĩ tâm thần và nhà sinh học người Thụy Sĩ. Ông đặt ra nhiều thuật ngữ tâm thần như “tâm thần phân liệt”, “tự ki”…
39 Từ cuốn sách Affectivity, Suggestibility and Paranoia (Cảm xúc, Ám thị và Hoang tưởng), Karl Marhold phát hành năm 1906.
Một người đàn ông trụ cột trong gia đình bị chấn thương trong một tai nạn đường sắt. Thật khủng khiếp nếu anh ta tàn tật đến mức không thể gánh vác gia đình mình nữa. Anh ta không thể làm việc, cứ sống trong đau khổ như thế. Sẽ tốt biết mấy nếu anh chết đi hoặc hoàn toàn tàn tật. Luật sư của anh thông báo rằng, nếu như vậy anh có thể sử dụng lãi suất hàng năm từ số tiền trợ cấp 80.000 franc để đảm bảo cho nhu cầu của gia đình trong phần đời còn lại. Nhưng lại không có đủ “bằng chứng” về sức khỏe cho thấy anh ta có thể nhận được số tiền này. Chẳng phải thực tế là anh ta đang bị chứng mất ngủ? Công việc khiến anh ta kiệt sức, đầu anh ta đau? Các chuyến tàu khiến anh ta sợ hãi và thậm chí gây ra các cơn lo âu hay sao?! Các triệu chứng này sẽ thật hữu ích, thật cần thiết để chứng minh rằng anh ta rất ốm yếu và đáng nhận được 80.000 franc! Và giờ đây, chứng loạn thần kinh do chấn thương hoặc rối loạn tâm thần được dựng lên. Cho đến khi vụ kiện được giải quyết thỏa đáng thì bệnh tật của anh sẽ không có khả năng chữa khỏi. Bởi chúng nằm trong anh, trong mong muốn của anh, hòng kiếm được số tiền kia.
Bleuler không nói thẳng ra vấn đề nhưng ông xác nhận chung rằng, trong trường hợp này, chính mong muốn có số tiền trợ cấp gây ra chứng loạn thần kinh. Liệu có nên gọi những người này là người giả ốm để không phải làm việc? Chẳng có nghĩa gì cả! Vì những cá nhân này không nhận thức được mong muốn sâu thẳm của họ. Họ trải qua bệnh tật với một niềm tin tốt đẹp. Mong muốn này xuất phát từ các tầng vô thức. Trong khi ý thức vô cùng phẫn nộ và kịch liệt phản đối trước bất kì lời đổ tội nào cho rằng mình đang giả bộ. Những người như vậy thường quả quyết rằng mong muốn của họ là tốt. “Tôi sẽ hạnh phúc thế nào nếu tôi còn khỏe mạnh! Lúc ấy tôi sẽ sẵn sàng bỏ qua những tổn hại. (Còn bây giờ thì không!)”
Tôi muốn chỉ ra hai trường hợp từ trải nghiệm của riêng tôi để minh họa cho hiện tượng nương náu trong bệnh tật.
Người đầu tiên là một người phụ nữ ốm yếu, cô đã nằm liệt giường trong sáu năm. Không thể phát hiện ra căn nguyên của bệnh. Bác sĩ chẩn đoán đây là chứng cuồng loạn và chỉ ra nguyên nhân sâu xa của căn bệnh. Chồng cô là một người thô lỗ, tàn bạo, liên tục làm cô bực bội vì điều này điều khác. Hai người nảy sinh những cuộc cãi vã om sòm và đáng sợ. Nhưng khi cô ấy bị bệnh, anh ta thay đổi đến kinh ngạc. Anh trở nên tử tế, thương yêu và chu đáo. Ngay sau khi cô ấy khỏe mạnh, anh ta trở lại như trước. Một kẻ không thể chịu đựng nổi. Một kẻ bạo ngược trong gia đình. Cuối cùng, không còn cách nào khác, người phụ nữ yếu đuối này phải nương náu trong bệnh tật. Chân tay cô run rẩy và không dám cử động. Cô nằm trên giường hoặc lăn lộn trên chiếc ghế dành cho người tàn tật. Bác sĩ giỏi cũng vô ích.
Đương nhiên việc chữa trị một trường hợp như vậy rất khó thành công. Trừ khi chính người đấy có thể loại bỏ nguyên nhân gây ra sự nương náu trong bệnh tật, tức là chính cô hiểu ra rằng, động cơ tâm lí đằng sau bệnh tật của cô là mong muốn “bị” ốm yếu để “được” chồng chăm sóc, yêu chiều. Trong trường hợp này, người phụ nữ cứ tiếp tục tận hưởng trái ngọt nhờ tình trạng ốm bệnh của mình, cô không có ý muốn thoát ra. Cô oán thán nhưng không thấy mình bất hạnh. Cô khốn khổ bên ngoài nhưng mừng rỡ bên trong.
Cuộc sống hàng ngày của chúng ta không thiếu những ví dụ nho nhỏ về hiện tượng nương náu trong bệnh tật. Người vợ dễ bị kích động sẽ lên cơn cuồng loạn nếu chồng cô ấy quở trách cô ấy. Cậu học sinh kêu than đau đầu khi cậu không thể làm xong bài. Người chồng bị đau dạ dày mỗi khi vợ anh ta làm cho cuộc sống không thể chịu đựng được, v.v.
Nương náu trong bệnh tật như một phương cách thoát khỏi những tổn thương trong tâm hồn và các áp lực đời sống
Hay với những người lính, một vài ngày ốm bệnh sẽ mang đến cho họ những thay đổi thú vị. Trong trường hợp này, ngay cả những bác sĩ quân y có kinh nghiệm nhất cũng không thể phân biệt giữa ước muốn sâu thẳm của bệnh nhân và thực tế.
Một bác sĩ không biết về hiện tượng chúng ta đã gọi là nương náu trong bệnh tật sẽ bất lực trong việc xử lí hầu hết các ca cuồng loạn.
Một cô gái trẻ đương ở thời kì thanh xuân tươi đẹp. Trong hai năm, cô đã tham khảo ý kiến các chuyên gia có danh tiếng nhất về những cơn đau đầu dữ dội mà cô trải qua. Tất cả các phương thuốc thông thường như antipyrin, phenacetin, pyramidon, thậm chí morphine, cũng không cho cô ấy một chút nhẹ nhõm tạm thời. Các chuyên gia đã nghĩ đến một khối u trong não và các bệnh ác tính nguy hiểm khác là nguyên nhân gây ra những cơn đau đầu bướng bỉnh này. Nhưng hóa ra, cơn đau đầu này cũng chỉ là một sự nương náu trong bệnh tật. Một lời nói vô tình của người cha đã bộc lộ căn nguyên thực sự của bệnh: “Con gái tôi sắp kết hôn, con bé đã đính hôn được hai năm, và chàng trai trẻ đang lo lắng chờ đợi một đám cưới. Nhưng tôi không thể để con bé kết hôn trong khi đang mang bệnh như vậy được.”
Đau đầu rõ ràng là phương cách để thoát ra khỏi một cuộc hôn nhân đáng ghét. Tất nhiên, những người bằng lòng với câu chuyện của cô sẽ không bao giờ phát hiện ra sự thật. Những câu chuyện về tình yêu từ lời kể của cô thật tuyệt vời. Cô yêu thương nhiệt thành vị hôn phu của mình. Cô mong chờ đến đám cưới. Sẽ không có hạnh phúc nếu cô tuột mất anh ấy. Nhưng một cuộc phân tích tâm lí kĩ lưỡng đã đưa ra vô số khẳng định thuyết phục về nghi ngờ trên: Cô gái đã từng đính hôn một lần trước đó. Và thực tế là cô chưa hoàn toàn phá vỡ quan hệ với người yêu cũ của mình. Ngoài ra, có những lời thú nhận về sự tan vỡ trong cảm xúc tình ái của lần đính hôn thứ hai mà chúng tôi không thể đi vào chi tiết. Rõ ràng là cô đang nương náu trong bệnh tật.
Tôi khuyên cô ấy nên chấm dứt cuộc hôn nhân đó, nhưng bọn họ không nghe. Ngược lại, gia đình hi vọng đám cưới đó có thể giúp chữa trị tình trạng cuồng loạn của cô. Nhưng người phụ nữ trẻ vẫn tiếp tục phàn nàn và rên rỉ với bệnh tật của cô. Từ đó chồng cô, bất chấp sự kiên nhẫn vô hạn của anh, phải chịu khổ hơn nhiều. Nếu cô ấy học cách yêu chồng mình, cô ấy có thể hồi phục không? Phải nói là, thật khó để chống lại một khuynh hướng đã nắm giữ hoàn toàn tâm hồn, khi những xung lực vô thức đối lập như vậy, khi những bản năng mạnh mẽ như vậy.
Ảo tưởng: Chạy trốn các áp lực đời sống
Những gì chúng ta vừa nói về chứng loạn thần kinh cũng đúng với những ảo tưởng tâm thần.
Chúng ta luôn muốn chạy trốn từ thế giới này sang một thế giới khác, từ thực tế sang ảo tưởng
Trong đó một số ý tưởng cụ thể được coi trọng quá mức kìm nén tất cả các ý tưởng khác và thống trị tâm trí. Sẽ không lâu nữa, quan niệm này sẽ là một học thuyết được tất cả các bác sĩ tâm thần chấp nhận. Hiện tại, nó là đặc tính chung của các nghệ sĩ văn chương sáng tạo. Cái nhìn trực quan của họ về bản chất con người thường biểu hiện cho ý tưởng này. Georges Rodenbach40 đã nói trong một cuốn tiểu thuyết của mình:
40 Georges Raymond Constantin Rodenbach (1855 - 1898) là một nhà thơ và tiểu thuyết gia người Bỉ. Tiểu thuyết Die Erfullung (Dresden, 1905) được xuất bản sau khi ông chết.
Người điên không có gì để phàn nàn. Thường thì họ đạt được mục đích của mình chỉ theo cách này. Họ trở thành những gì họ mong đợi, và có những gì họ không bao giờ đạt được nếu không bị điên. Họ có mục tiêu đích đáng và kế hoạch của họ được hoàn thành. Họ sống với những gì họ mơ ước. Thực tế là, ảo tưởng của họ đơm hoa kết trái bên trong chính họ. Đó là những mong muốn mãnh liệt nhất và khao khát bí mật nhất của họ. Vì vậy, một người tham vọng luôn muốn vươn tới những tầm cao trong ảo tưởng của mình. Anh ta sở hữu những kho báu vô tận, lèo lái số phận của các vương quốc rộng lớn. Anh biến hình giữa những anh hùng trị vì trái đất. Ảo tưởng tôn giáo mang nạn nhân của nó đến với ngai vàng của Chúa. Nó làm cho cuộc sống ở thiên đường trở thành hiện thực hữu hình. Ảo tưởng luôn hiện thực hóa mục tiêu mà chúng ta mong đợi trong chính chúng ta. Nó thỏa mãn tối đa ham muốn của chúng ta. Nó nhúng tay vào công việc của chúng ta và giúp tô son trát phấn lên số mệnh của chúng ta – những kẻ yếu thế, thất bại trong đời.
Ảo tưởng là một cơ chế thỏa mãn ước nguyện, giống hệt như giấc mơ.
Thật là một ý tưởng tuyệt vời! Nhà thương điên là thiên đường của những ý tưởng. Ở đó mong muốn được đáp ứng một cách trọn vẹn không giới hạn. Hóa ra con người thường xuyên chấp nhận bệnh tật, sự điên rồ tăng nhanh một cách kì lạ. Bởi trong thực tế, đa phần những điều ước bí mật nhất của chúng ta không bao giờ được thỏa mãn. Bởi trong thời đại nhàm chán này, điều kì diệu dường như đã chết. Và bởi cuộc sống đòi hỏi rất nhiều sự từ bỏ và mang lại rất ít hạnh phúc.
Chúng ta hãy rút ra những bài học từ những nhận xét đã nói ở trên, rằng: Giữ cho ham muốn của bản thân trong giới hạn, nghĩa là đảm bảo sức khỏe tinh thần cho chính mình.
Tham vọng thái quá của cha mẹ nhen nhóm trong tâm hồn con trẻ những nguyên nhân sâu xa của sự thất bại sau này
Chúng ta phải nhắc nhở chính mình và con cái của chúng ta: Hãy mong ước những gì có thể đạt được, và hãy bằng hành động thực tế để đạt được ước muốn đó.
Lí tưởng của chúng ta sống trong tâm hồn của chúng ta, không phải ở thế giới bên ngoài. Sau đó, chúng ta có thể tìm thấy trong chính mình những gì thế giới phủ nhận ở chúng ta. Ai có thể tìm được điểm tựa trong sự tốt đẹp của mình, sẽ không còn phải nương náu trong bệnh tật.