Ấn tượng đầu tiên của tôi về Google được định hình bởi Chade-Meng Tan, hay Meng. Meng là nhân viên lễ tân không chính thức của công ty, người bạn tốt luôn vui vẻ của Google (“mà không ai có thể chối từ”, đúng như dòng chữ trên tấm danh thiếp của anh).
Khi bắt đầu tìm hiểu về anh, tôi nhận ra rằng Meng là một người đặc biệt. Bằng chứng là khi tôi tạt qua văn phòng anh và nhìn thấy trên bảng tin gần cửa phòng: hết hàng này đến hàng khác ảnh của Meng với những nhân vật nổi tiếng thế giới. Meng với Al Gore. Meng với Đạt-lai Lạt-ma. Với Muhammad Ali và với Gwyneth Paltrow. Sau này tôi đã biết được, thông qua một bài báo đăng trên trang nhất của tờ New York Times, rằng Meng nổi tiếng là “cái anh chàng Google đó”, người kỹ sư đặc biệt có trí thông minh xã hội đủ cao để khiến bất kỳ vị khách nào cũng ngay lập tức cảm thấy như đang ở nhà – và chụp một tấm ảnh với anh.
Nhưng đó không phải là điều khiến Meng trở nên đặc biệt, mà đó là sự kết hợp diệu kỳ giữa khả năng phân tích hệ thống tuyệt vời và trái tim vàng của anh.
Đầu tiên là khả năng phân tích.
Tôi đã đến diễn thuyết về trí thông minh cảm xúc như một phần trong chuỗi bài giảng Authors@Google. Tôi cảm thấy mình chỉ như một thú vui nữa trong vô số thú vui mà nhân viên ở đây nổi tiếng là được hưởng, một cái gì đó nằm giữa một buổi mát-xa và quyền được uống sô-đa thoải mái.
Trong pháo đài tri thức này – điểm SAT của bạn cần phải nằm trong nhóm đứng đầu thì mới được cân nhắc làm việc tại Google – một công ty công nghệ thông tin toàn những kẻ cứng đầu, tôi không nghĩ sẽ có ai đó thích nghe về kỹ năng mềm. Vì vậy, lúc bước chân vào phòng diễn thuyết, căn phòng lớn nhất khu Googleplex, tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy nơi đây đông nghịt người, hết đám này đến đám khác đang tràn vào trong hội trường. Rõ ràng là có một sự quan tâm rất lớn.
Những khán giả của tôi tại Google có lẽ là những khán giả có IQ cao nhất tôi từng được diễn thuyết. Nhưng trong tất cả những thiên tài lắng nghe tôi ngày hôm đó, chỉ có Meng là người có khả năng đảo ngược trí thông minh cảm xúc của một kỹ sư. Anh tách nó ra rồi ghép nó lại với một sự am hiểu tuyệt vời: anh thấy được rằng hiểu biết bản thân chính là cốt lõi của trí thông minh cảm xúc, và phương pháp tốt nhất để làm điều đó là thiền.
Nhận thức này chính là nền tảng của chương trình mà Meng đã phát triển. Khi Meng công bố khóa học này tại Đại học Google, nó có tên (rất phù hợp với một công ty chuyên về tìm kiếm trên mạng) là Tìm Kiếm Bên Trong Bạn (Search Inside Yourself ). Và bạn sẽ thấy rằng, rất nhiều người tham gia khóa học tại Google đã thay đổi hoàn toàn.
Meng cũng rất khôn ngoan khi chọn cộng sự, ví dụ như thiền sư Norman Fischer, rồi người bạn lâu năm và cũng là đồng nghiệp của tôi, Mirabai Bush, Giám đốc sáng lập Trung tâm Tư duy Thiền trong Xã hội. Ngoài ra, Meng còn thu hút tài năng của một người bạn cũ khác, Jon Kabat-Zinn, người tiên phong trong việc sử dụng thiền để trị bệnh trên khắp thế giới. Meng hiểu về chất lượng. Anh không dừng lại ở đó. Meng và đội của anh cũng chọn lọc những phương pháp hay nhất từ các phương pháp đã được kiểm chứng kỹ càng để tạo ra một cuộc sống đầy ý thức và bình an, tốt đẹp và hạnh phúc.
Giờ đến trái tim vàng.
Khi Meng nhận thấy cuộc tìm kiếm nội tâm này có những lợi ích lớn lao như vậy, bản năng của anh là chia sẻ nó với bất kỳ ai muốn thử chứ không chỉ những người đủ may mắn được tham gia một khóa học của Google. Thực tế, lần đầu tiên tôi gặp Meng, anh đã rất nhiệt tình nói với tôi rằng mục đích sống của anh là đem lại hòa bình thế giới thông qua lan tỏa lòng từ bi và sự an bình nội tại.
Tầm nhìn của anh, được ghi chi tiết trong cuốn sách cực kỳ thú vị này, đã kéo theo việc thử nghiệm một chương trình trí tuệ cảm xúc dựa trên thiền tại Google rồi sau đó đưa nó cho bất kỳ ai có thể thu được lợi ích – như anh nói: “Trao nó đi như một trong những món quà của Google đối với thế giới”.
Khi hiểu rõ Meng hơn, tôi nhận ra anh ấy không phải một kỹ sư bình thường; anh ấy là một vị Bồ Tát ẩn mình. Và với sự xuất hiện của cuốn sách này, tôi nghĩ mình sẽ phải bỏ từ “ẩn mình” đi.
- Daniel Goleman