Cho dù chúng ta suy nghĩ về điều gì, cho dù chúng ta cố gắng hết sức để trở thành người theo chủ nghĩa khắc kỷ (duy trì ý chí hòa hợp với thiên nhiên) và chuyên nghiệp, cảm xúc cũng có khả năng kiểm soát cuộc sống của chúng ta và của thiên tài. Đối với thiên tài, để có thể phát huy tối đa năng lực, trái tim cần phải hòa hợp với khối óc. Nếu trái tim bị bồn chồn, tâm trí sẽ bị xao nhãng và thiếu sáng tạo. Trí tuệ của họ sẽ bị nhốt trong sự hỗn loạn của cảm xúc, không thể tự do rong chơi đi qua những cảnh đẹp của trí tưởng tượng.
Hiểu được điều này, Flexner tỏ ra là người có nhiều lòng trắc ẩn. Có lẽ ví dụ hay nhất là việc ông đã kiên nhẫn theo đuổi nhà vật lý và toán học nổi tiếng người Đức, Hermann Weyl, như đã kể ở những chương trước. Weyl có một người vợ Do Thái mà ông hết mực yêu thương. Mặc dù ông là người rất ái quốc, nhưng ông tỏ ra lo lắng khi Đức Quốc Xã lên nắm quyền. Khi lần đầu tiên Flexner mời ông về IAS năm 1932, Weyl đang là trưởng khoa Toán tại Đại học Göttingen, nơi được xem là trường toán giỏi nhất thế giới. Weyl chấp nhận lời mời của Flexner, nhưng rồi từ chối, rồi lại chấp nhận trở lại.
Flexner rất cảm động, và ban giám đốc IAS cũng đã chấp nhận sự bổ nhiệm này. Năm 1933, ngay trước khi chuẩn bị để sang Mỹ, mẹ vợ của Weyl mất vì bệnh cúm. Weyl gọi cho Flexner nói rằng ông ấy cảm thấy nên ở lại Đức.
Sau đó, Weyl giải thích ông hy vọng mình có thể tác động đến đường lối chính trị mà nước Đức đang theo đuổi. Phe Đức Quốc Xã nhanh chóng lên nắm quyền. Weyl quá ngây thơ khi nghĩ rằng bản thân có thể ngăn cản họ lên nắm quyền bính tại Đức. Bị mắc kẹt giữa một bên là tình yêu quê hương và trường đại học danh tiếng của mình, một bên là tình yêu đối với người vợ Do Thái, ông bị suy sụp tinh thần nặng nề và phải nhập viện tại Zurich, Thụy Sĩ.
Ban giám đốc IAS bị xúc phạm vì lời từ chối của Weyl. Họ hủy bỏ đơn bổ nhiệm trước đó của Weyl tại IAS. Thay vào đó, họ chuyển vị trí của Weyl cho John von Neumann, người đóng vai trò chính trong việc phát triển máy tính.
Trong thời gian Weyl nằm bệnh viện, Đức Quốc Xã đã giải tán khoa Do Thái học tại Đại học Göttingen, và đa số những giảng viên còn lại của trường đã từ chức để phản đối. Trở về Đức khi chương trình toán của Göttingen bị cắt xén khá nhiều, Weyl còn khắc khoải vì sự nguy hiểm chực chờ người vợ Do Thái của ông. Ông đã nhận thấy lẽ ra ông phải rời khỏi Đức để bảo vệ cho vợ mình, nhưng ông đã kéo dài quá lâu.
Ông đã liên lạc đến nhiều trường đại học, nhưng không nơi nào còn chỗ cho ông, bởi vì lúc bấy giờ quá nhiều nhà khoa học giỏi của Đức cũng rời khỏi Đức. Ông còn giữ liên lạc với Veblen, người đã cho Flexner biết Weyl trở nên tuyệt vọng vì sự an nguy của vợ mình.
Flexner tỏ ra rộng lượng giới thiệu cho Weyl một vị trí khác tại IAS, và Weyl chấp nhận ngay. Weyl và gia đình có thể rời Đức mà Đức Quốc Xã không hay biết gì về lời mời của Flexner. Ba năm sau, Weyl viết thư cho Flexner: “Hằng năm, khi chúng tôi rời khỏi Princeton (trong kỳ nghỉ hè), vợ tôi và tôi lại nhớ chúng tôi đã nợ ông rất nhiều, ngài Flexner thân mến”(1).
Flexner không có một ác cảm gì đối với Weyl dù bị ông ấy từ chối. Flexner đã không bị lời từ chối của Weyl trước đây mà làm khó dễ Weyl, ngược lại đã cứu vợ của Weyl khỏi cuộc thảm sát người Do Thái của Đức Quốc Xã. Sự rộng lượng và tha thứ của Flexner đã giúp ông duy trì được mối quan hệ với Weyl cho dù sau khi Weyl thay đổi ý định và từ chối IAS.
Cô đơn trong tối thứ Sáu
Vào một buổi tối muộn thứ Sáu, tôi sửa soạn rời khỏi tòa nhà trung tâm y tế, tôi nhìn thấy một trong những giảng viên nổi tiếng về tim mạch của mình, người góp phần sáng chế ra phương pháp thay thế van tim mới, đứng lóng ngóng ở phòng ER. Tôi biết ông ấy đã làm việc suốt đêm qua. Tôi hỏi vì sao giờ này ông ấy vẫn còn ở đây.
“Tôi vừa có một cuộc cãi vã dữ dội với vợ tôi. Tôi không biết làm sao để bắt chuyện lại với bà ấy, và tôi nghĩ nên ở lại bệnh viện này hơn là về nhà”, ông ấy trả lời.
Trời, đó là câu trả lời quá thật thà. Tôi dừng xe và ngồi xuống bên ông ấy. Tôi cố gắng giải thích cho ông ấy hiểu làm việc ca đêm nhiều quá ông không giúp được gì cho bệnh nhân đâu. Và nếu làm việc lâu quá ở bệnh viện, ông ấy lại càng làm cho khoảng cách giữa ông ấy và vợ thêm xa cách. Ông ấy không thể giải quyết vấn đề này bằng cách tránh gặp vợ. Im lặng chỉ là trì hoãn tranh cãi, chứ không giải quyết được vấn đề.
Chúng tôi nói về sự mệt mỏi có thể khiến ông mất đi tính sáng tạo. Bệnh nhân đến tìm ông bởi vì ông có những phương pháp sáng tạo để chữa bệnh tim cho họ. Nếu ông ấy gặp vấn đề ở nhà và ở lại bệnh viện để trốn tránh nỗi đau do những xung đột trong đời sống hôn nhân, ông ấy sẽ bị xao nhãng và mệt mỏi, không còn là một bác sĩ mà bệnh nhân trông đợi nữa. Bệnh nhân cần sự thông thái của ông để sống sót, và ông lại không đủ tập trung để giúp họ. Ông ấy thở dài và quyết định trở về nhà đêm hôm đó. Sau đó, họ đồng ý tìm sự tư vấn để giải quyết vấn đề hôn nhân, và để khôi phục lại sự hòa hợp giữa con tim và khối óc của ông ấy.
Thiên tài cần một nhóm làm việc
Những thành tựu lớn ngày nay hầu hết được thực hiện bởi một nhóm nhiều thiên tài và được nhiều người khác hỗ trợ. Hình ảnh một thiên tài nhốt mình đằng sau cánh cửa dưới một tầng hầm tăm tối làm ra những thành tựu công nghệ hầu như không còn được nghe nhắc đến thời nay nữa. Ngày xưa, một thiên tài có thể che giấu những cá tính bất thường, bởi vì ông ấy hầu như làm việc một mình. Newton, theo nhiều người mô tả, là một người khó chịu và hay giận dữ, nhưng do ông ấy chỉ làm việc một mình với hệ thống toán học nên có thể chấp nhận được.
Ngày nay, những thành tựu trong ngành vật lý được những nhóm khá đông các thiên tài thực hiện, mỗi người phụ trách một phần nhỏ nhưng cực kỳ sâu. Thái độ giận dữ, bắt nạt và ích kỷ không thể che giấu được với cách làm việc như vậy, và bất cứ ai có tính khí như thế đều có thể làm cho nhóm sụp đổ. Vì ngày nay, đa số thiên tài phải làm việc chặt chẽ với nhau để tạo ra những thành tựu thật sự, việc giao tiếp, thành thật và quan tâm đến nhóm làm việc của mình là quan trọng hơn bao giờ hết. Tất cả những đặc tính này đều xuất phát từ trái tim nhiều hơn từ lý trí.
Một thiên tài phải mang trong người niềm đam mê có thể được khơi dậy trong công việc. Nhiệm vụ của lãnh đạo là tạo ra mồi lửa giúp đốt ngọn lửa đam mê đó. Để thành công, thiên tài phải có cá tính, và lãnh đạo phải có khả năng chạm đến bên trong để đánh thức cá tính đó.
Để thiên tài có thể thực hiện một cú nhảy vọt, họ phải quan tâm đến vấn đề của mình một cách sâu sắc và đầy cảm xúc. Thiên tài cần có sự tự do trong tư duy, cho dù tư duy đó ngớ ngẩn và nguy hiểm đến nhường nào. Sự tự do này chỉ có được khi họ làm việc trong một môi trường ấm áp và tương trợ, ở đó chấp nhận những lối suy nghĩ cấp tiến.
Galileo đã mất đi nhiều sự sáng tạo sau khi bị đe dọa sẽ bị tra tấn nếu ông ấy tiếp tục nghiên cứu quỹ đạo xoay của Trái Đất quanh Mặt Trời. Sức sáng tạo mạnh mẽ của Einstein bùng nổ, gần như là bất thường nhất trong lịch sử, khi ông ấy làm việc ở văn phòng sáng chế tại Zurich, Thụy Sĩ, có bạn bè xung quanh, và trong không khí làm việc thân tình, ấm áp và tình yêu nồng nàn của người vợ đầu tiên, bà Mileva.
Lắng nghe Mary
Robert Cade, người sáng chế ra Gatorade, một loại nước uống mùi trái cây dành cho vận động viên giúp bổ sung carbohydrate cho cơ thể, là một ví dụ về một thiên tài hạnh phúc. Ông ấy là người đầu tiên thừa nhận những phát hiện hay nhất của ông đến từ những cuộc trò chuyện với vợ mình, bà Mary, người không hề biết gì về chức năng của thận, chuyên ngành của ông.
Khi ông nghỉ giải lao ở văn phòng, ông tản bộ đến sân tập để xem các vận động viên Đại học Florida Gators tập luyện bóng bầu dục. Mùa hè ở Florida khiến người ta có cảm giác như ai trùm một tấm mền nhúng nước nóng lên đầu mình vậy. Rất khó thở và vã mồ hôi đầm đìa, nhưng mồ hôi lại không bao giờ bốc hơi. Các cầu thủ uống rất nhiều nước mỗi lần tập luyện, nhưng Cade để ý thấy họ không hề đi tiểu sau đó. Ông ấy đã hỏi một câu mà nổi tiếng đến bây giờ: “Tại sao các cầu thủ không đi ‘đái’ sau khi tập luyện?”(2).
Sau khi lấy mồ hôi của các cầu thủ và phân tích xem họ bị mất loại muối nào, Cade đã phát hiện các cầu thủ mất gần chín ký chất lỏng mỗi trận đấu, và họ không chỉ mất muối sodium mà còn mất muối kali. Bởi vì chỉ uống nước không thì chưa đủ duy trì lượng máu và sức bền trong trận đấu, Cade nhận thấy cầu thủ cần phải bổ sung sodium và cả muối kali, và họ cần đường glucose để hấp thu các loại muối đó.
Hứng thú với viễn cảnh cung cấp cho các cầu thủ đội Florida một nguồn năng lượng mới, Cade và nhóm của mình đã tạo ra loại nước uống thể thao đầu tiên, và thử nghiệm với các cầu thủ sinh viên năm thứ nhất. Mặc dù loại nước uống này duy trì sức bền cho cầu thủ, nhưng không một ai chịu uống, bởi vì “nước này có vị như nước rửa bồn cầu”, Dana Shires, một trong những thành viên của nhóm làm việc nói.
Một buổi chiều, Cade đề cập với vợ mình, bà Mary, về chuyện các cầu thủ không chịu uống thứ nước ông sáng chế để bù muối khoáng bởi vì vị của nước đó kinh tởm quá. Bà ấy đưa ra một ý tưởng là pha thêm loại nước chanh bán ở các cửa hàng bách hóa vào, và thế là Gatorade ra đời!
Gatorade đã tạo ra sự khác biệt vào năm 1965 trong mùa giải Florida đấu với LSU. Thi đấu dưới nhiệt độ 38,8oC, đội LSU gần như kiệt sức trong hiệp hai, nhưng đội Florida thì vẫn sung sức. Họ quay trở lại hiệp hai và thắng trận đó. Huấn luyện viên của Florida tin rằng Gatorade đã tạo ra sự khác biệt, ông ấy yêu cầu Cade và nhóm của ông ấy sản xuất thêm đủ nước khoáng này cho toàn đội trong suốt mùa giải.
Đội Florida Gators củng cố danh tiếng trên toàn quốc như một đội không bao giờ biết mệt khi họ vượt lên để thắng trận chung kết năm 1967 ở giải Orange Bowl với đội Georgia Tech. Bobby Dodd, huấn luyện viên của Georgia Tech, bị yêu cầu giải thích về trận thua này tại một buổi họp báo sau trận đấu, ông nói: “Chúng tôi đã không uống Gatorade”(3).
Khoa cũ của tôi và Đại học Florida vẫn còn hưởng lợi từ tài năng của Cade. Tiền bản quyền cho Gatorade lên đến hàng tỷ đô-la. Tiền này được Cade đem tài trợ cho việc nghiên cứu sinh học và đào tạo những nhà khoa học trẻ nghiên cứu về bệnh thận.
Mặc dù tiến sĩ Cade qua đời năm 2007, nhưng vợ của ông, bà Mary, vẫn tham dự hầu hết những hoạt động xã hội của Đại học Florida. Tại một buổi tiệc lớn kỷ niệm sự ra đời của Gatorade, tôi chồm lên hỏi Mary: “Không có bà, sẽ không có điều này”.
Bà ấy cười và nói: “Tất nhiên, Gatorade vẫn tồn tại. Một người nào đó khác sẽ làm điều đó thôi mà”.
Tôi không đồng ý. Hầu hết thiên tài làm những điều không hiển nhiên thấy được. Mary cũng đóng góp không kém vào công ty tỷ đô-la này như Bob đã làm. Ông ấy leo lên gần đỉnh núi, nhưng chính bà đã đẩy ông lên tới đỉnh núi. Tôi cảm thấy bị thuyết phục bởi mối quan hệ của Bob Cade với bà Mary, đã tạo điều kiện cho ông đạt được nhiều hơn những gì ông có thể làm nếu ở một mình. Mary đã đem đến sự tương trợ và sự tự do để sáng tạo. Bà đã chú ý nghe Bob nói về khó khăn trong công việc. Bà đã thực hành kiểu lắng nghe tích cực mà không hề hay biết. Bob đã “phát tiết” bởi vì ông được sống và làm việc trong một môi trường tương trợ và đầy cảm xúc.
Tôi thường tự hỏi có bao nhiêu thiên tài mà lãnh đạo bỏ sót bởi vì họ không được làm việc trong một môi trường đầy cảm xúc. Một lãnh đạo xuất sắc sẽ nhận biết ai là thiên tài, sau đó tạo ra môi trường an toàn và đầy cảm xúc cho thiên tài đó làm việc. Một lãnh đạo xuất sắc sẽ phát hiện và phát triển thiên tài.
Mối tình của Einstein
Ngay cả Einstein cũng dễ bị ảnh hưởng bởi những cảm xúc, khiến ông có những hành vi bất thường và hạn chế sức sáng tạo của mình. Năm 1905, Einstein đưa ra thuyết lượng tử về tác động của quang điện, đã dẫn đến giải Nobel cho thuyết Tương đối nổi tiếng E = mc2. Ông gọi khoảng thời gian đó là Annus Mirabilis, những năm tháng tuyệt vời trong tiếng Latinh, bởi vì ông có quá nhiều kiến thức đến nỗi không thể viết ra tất cả.
Những ý tưởng tuyệt vời cứ nảy nở trong bộ não của ông, hết cái này đến cái khác, nhanh đến nỗi ông chỉ có thể kịp viết nguệch ngoạc xuống những tờ giấy nháp trên bàn làm việc tại văn phòng sáng chế ở Bern. Einstein sở hữu một lượng kiến thức lớn kinh khủng. Ông say mê vẻ đẹp của những phương trình toán học, và yêu thích cách toán học mở đường vào vũ trụ. Năm tháng tuyệt vời đó xảy ra khi ông đang yêu say đắm bà Mileva Maric, một sinh viên vật lý ông gặp ở Đại học Bern.
Khi Einstein mơ màng và viết nguệch ngoạc lên những tờ giấy nháp trên bàn làm việc, ông đang ở trong tâm trạng mà sau đó ông gọi là “khoảnh khắc may mắn nhất của cuộc đời”(4). Einstein hình dung một người đàn ông rơi xuống từ một tòa nhà, và mối quan hệ giữa người đó với vật thể mà người đó thả rớt sau khi rơi xuống. Einstein đã dùng hình ảnh này để xây dựng thuyết Tương đối áp dụng cho trọng lượng.
Đối lập với sự bùng nổ sáng tạo đáng kinh ngạc, mười năm sau đó, khi ông và cuộc hôn nhân với bà Mileva bị đổ vỡ. Họ thường hay cãi nhau, khi ông trở nên quá nổi tiếng. Nhu cầu công việc đã lấy hết thời gian dành cho gia đình. Mỗi lần giao tiếp giữa ông và vợ chỉ là những căng thẳng và đắng cay.
Einstein đồng ý duy trì cuộc hôn nhân vì những đứa con. Mãi mãi là một nhà khoa học, ông đã liệt kê ra một danh sách những yêu cầu chi tiết để duy trì cuộc hôn nhân. Ông quy định bà ấy phải lau nhà, phục vụ ba bữa ăn cho ông, khước từ mọi cuộc nói chuyện riêng tư và hành vi thân mật. Bà ấy không được kỳ vọng Einstein dành thời gian cho bà hay phụ giúp bất kỳ việc vặt nào trong nhà. Bà ấy phải ngưng nói khi ông yêu cầu.
Đôi khi Einstein cũng hối hận vì những yêu cầu của mình. “Những người đàn ông chúng ta thật đáng trách, như một loài sinh vật phụ thuộc”, ông viết thư cho người bạn Michele Besso(5).
Khi Mileva và Einstein ly thân, Besso cố gắng can dự để cứu vãn cuộc hôn nhân này. Sau khi ghé thăm Mileva tại Zurich năm 1916, ông đã viết thư cho Einstein, yêu cầu ông thử hàn gắn cuộc hôn nhân vào kỳ nghỉ hè này. Einstein đã không làm gì cả.
“Tôi dường như đã suy sụp tinh thần cũng như thể xác nếu cuối cùng tôi không tìm được sức mạnh để giữ cô ấy trong tầm tay”, Einstein hồi âm(6).
Cuối cùng, Einstein cũng ly dị Mileva bằng một lời hứa sẽ để lại toàn bộ tiền thưởng giải Nobel cho bà ấy. Ông lại lập gia đình với một người em họ xa, Elsa Lowenthal năm 1919. Bà ấy chăm sóc nhà cửa, thanh toán các thứ tiền trong nhà, giữ cho ông đúng thời khóa biểu làm việc, và trên hết là không bao giờ phàn nàn. Bà ấy không bao giờ đòi hỏi bất cứ một điều gì ở ông và đồng ý được che chở bởi cái bóng của ông.
Sau một vài năm đầu tiên, cuộc hôn nhân này được cho là rất thuần khiết, không có yếu tố tình dục. Nhiều ý kiến tin rằng Einstein có nhiều mối tình khác trong thời gian hôn nhân này. Có thể ông có dan díu với người thư ký của mình, Betty Neumann. Einstein là một biểu tượng của sự lôi cuốn phụ nữ, không chỉ đối với các nhà khoa học đồng nghiệp. Trong một quyển sách về những lá thư của mình, Einstein đã mô tả sáu người phụ nữ mà ông có thể đã dan díu(7).
Elsa rõ ràng là không để tâm đến việc này. Bà ấy giữ ngôi nhà số 112 đường Mercer ở Princeton cho ông. Bà để cho ông có sự tự do y như hồi còn làm việc ở IAS.
Khi Einstein càng lớn tuổi, ông càng trở nên nổi tiếng về sự rộng lượng và hòa nhã. Những biểu hiện trong cuộc hôn nhân với Mileva không phải là bản tính của Einstein. Những hành vi của ông cho thấy áp lực và sự căng thẳng của trái tim có khả năng làm cho một trí tuệ xuất chúng như Einstein cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Cho dù một thiên tài có những đức tính tốt cũng có thể bị giày vò bởi cảm xúc và dẫn đến những hành vi hung bạo. Trái tim tác động đến những gì bộ não suy nghĩ, và không ai trong chúng ta có thể vượt qua được quy luật đó, ngay cả Einstein.
Môi trường cảm xúc hình thành nên thiên tài
Khi còn làm việc ở văn phòng sáng chế, Einstein có nhiều bạn bè và khá tích cực, chấp nhận môi trường làm việc ở Bern. Người quản lý ông ở Bern là ông Friedrich Haller tốt bụng, để cho Einstein vùi đầu vào những tờ giấy nháp mà không hề can dự. Sau này, Einstein có nói: “Tôi đã ấp ủ được những ý tưởng tuyệt vời” ở đó(8). Một trong những người bạn của ông ở Bern, Marcel Grossman, một người bạn học thời đại học giàu có, để cho Einstein ôn thi bằng tài liệu ghi chép của mình vì Einstein thường xuyên bỏ tiết. Khi Einstein hoàn thành chương trình đại học ở Bern và cần việc làm, Grossman đã tìm một công việc cho Einstein ở văn phòng sáng chế.
Michel Besso, người mà Einstein xem như bạn thân, đã ủng hộ về mặt cảm xúc cho ông. Ông ấy thúc giục Einstein tìm đọc về nhà triết học theo chủ nghĩa kinh nghiệm, Ernst Mach, người cho rằng chỉ có những đúc kết dựa trên thí nghiệm hoặc phân tích toán học là đáng tin cậy.
Einstein ngưỡng mộ “chủ nghĩa hoài nghi kiên định”của Mach. Einstein đặt ra cách hoài nghi không miễn cuỡng của riêng mình về triết lý coi trọng kinh nghiệm của Mach, và không bao giờ để cho cái tôi của mình thừa nhận bản thân ông sai. Ông luôn kiểm chứng những giả thiết của mình khá cẩn thận.
Làm việc ở văn phòng sáng chế đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển sự thiên tài của Einstein. Mặc dù công việc có hơi buồn chán, nhưng đòi hỏi sự tập trung cao vào những chi tiết và có trí nhớ phi thường, bởi vì các bằng sáng chế không thể xâm phạm cái của người khác. Công việc này cũng đòi hỏi kiến thức về máy móc và toán học. Làm việc ở đây đã giúp cho bộ não của Einstein suy nghĩ cẩn thận và logic.
Sự đánh giá bằng sáng chế duy nhất còn “sống sót” của Einstein nằm trong hồ sơ của tòa án năm 1907. Văn phòng sáng chế Bern tiêu hủy các hồ sơ còn lại của Einstein sau khi ông đạt được sự nổi danh trên toàn thế giới. Trong hồ sơ duy nhất còn lại đó, Einstein đã từ chối cấp bằng sáng chế cho công ty AEG tại Berlin, Đức, cho chiếc máy biến đổi dòng điện, bởi vì “không chính xác, không đúng cách và chưa được chuẩn bị rõ ràng”(10). Sự chính xác trở thành một thương hiệu của Einstein.
Bằng cách giải quyết nhanh chóng những công việc ở văn phòng sáng chế, Einstein có thể dành nhiều thời gian trong ngày để tạo ra các phương trình toán học trên những tờ giấy nháp nhỏ mà ông dễ dàng giấu kín trong bàn mỗi khi người quản lý đi ngang qua. Văn phòng sáng chế không chỉ giúp cho ông suy nghĩ một cách chặt chẽ, giúp cải thiện lối sống ủy mị của ông phần nào, mà còn giúp cho ông có cơ hội suy nghĩ một cách tự do và không đứt quãng.
Do Einstein chưa hoàn thành chương trình tiến sĩ, nên những định kiến và mô hình giáo dục áp đặt lên ngành vật lý thời bấy giờ vẫn không làm hạn chế được ông. Về cơ bản, ông đã có được một vị trí nghiên cứu được trả lương trước khi ông trở thành giảng viên của trường đại học. Có lẽ vào thời gian tại văn phòng sáng chế ở Bern, Einstein ít bị gián đoạn hơn bất kỳ giai đoạn nào khác trong sự nghiệp của mình.
Một môi trường tương trợ như vậy đã cho phép tài năng của Einstein nở rộ. Chúng ta đồng ý rằng một thiên tài sinh ra với trí thông minh bẩm sinh vượt xa những người còn lại, nhưng lại không chú ý đến vai trò của môi trường sống và làm việc để thiên tài được lộ diện.
Sự nhất quán nội tại
Mục tiêu sau cùng của việc chăm sóc trái tim cho thiên tài là hướng họ đến sự nhất quán nội tại. Con tim và khối óc của họ phải được cân chỉnh cân bằng. Không một ai, kể cả thiên tài, có thể làm việc tốt khi cảm xúc và trí tuệ không hòa hợp. Sự lạc điệu về nhận thức có thể là một trở lực mạnh mẽ và đau đớn – mạnh mẽ bởi vì có thể làm thay đổi hành vi của những bộ óc vĩ đại nhất, và đau đớn bởi vì có thể làm tổn thương thiên tài tệ đến mức họ sợ đối mặt với những thách thức mà công việc đòi hỏi họ phải có.
Sự lạc điệu về nhận thức có thể khiến một thiên tài hành xử một cách kỳ lạ, làm hủy hoại cả nhóm làm việc. Chăm sóc trái tim cho thiên tài cũng có nghĩa là giúp họ tiến đến một trạng thái nhất quán nội tại, ở đó cảm xúc và trí tuệ của họ phải được cân chỉnh chính xác, hợp lý. Đó chính là “điểm ngọt” của sự sáng tạo.
Con người đã nỗ lực rất nhiều để duy trì sự nhất quán giữa môi trường bên trong và bên ngoài. Khi khối óc hoặc con tim không thoải mái với điều gì, chúng ta cố gắng buộc cái còn lại phải chiều theo. Nếu cảm xúc nói cho ta biết chúng ta muốn cái gì đó mà ta biết là không thể có, thì chúng ta sẽ đưa ra những lý do giải thích tại sao chúng ta thật sự không muốn điều đó ngay từ lúc đầu.
Một thí nghiệm nổi tiếng để kiểm tra sự lạc điệu trong nhận thức cho thấy chúng ta đã dối lòng. Thí nghiệm chia ra hai nhóm người và giao cho họ một nhiệm vụ chán ngắt(11). Nhóm thứ nhất được trả 20 đô-la, nhóm thứ hai chỉ được trả 1 đô-la. Cả hai nhóm phải thuyết phục một người khác nữa ngoài nhóm rằng đây là một nhiệm vụ rất hấp dẫn sau khi họ đã làm xong và biết rằng công việc đó rất buồn tẻ. Sau khi cố gắng thuyết phục người khác, cả hai nhóm được yêu cầu đánh giá công việc của họ thật sự là hấp dẫn hay chán ngắt. Nhóm được trả 20 đô-la xếp công việc vào loại buồn tẻ, trong khi nhóm được trả 1 đô-la lại đánh giá công việc là vui vẻ.
Những nhà tâm lý học thực hiện thí nghiệm cho rằng nhóm được trả ít hơn làm vậy bởi vì họ cần có sự nhất quán nội tại để thuyết phục người khác công việc đó vui vẻ. Sự không thoải mái vì không có được sự hòa hợp giữa con tim và khối óc buộc họ phải nói dối chính mình và dẫn đến nói dối người khác. Trong khi đó, bởi vì nhóm được trả cao hơn được trả một cách hậu hĩnh để nói dối, nên họ không cần bất kỳ lý do nội tại nào để nói dối.
Sự lạc điệu về nhận thức là một vấn đề đối với thiên tài. Một thiên tài sẽ tìm kiếm sự hòa hợp nội tại, ngay cả nếu điều đó đồng nghĩa với việc thuyết phục bản thân tin vào một điều không đúng. Một thiên tài phải điều chỉnh cách nhìn hiện thực của bản thân để duy trì sự hòa hợp nội tại. Làm như vậy sẽ tạo ra thêm một lỗ hổng cơ bản, một con sâu máy tính, vào quá trình tư duy của thiên tài.
Không hòa hợp giữa con tim và khối óc của thiên tài sẽ sản sinh ra một sự lạc điệu nội tại làm hủy hoại khả năng trí tuệ của họ. Để chịu đựng sự lạc điệu đó, họ sẽ tự thuyết phục bản thân tin vào những điều không đúng. Cho phép những cảm xúc yếu mềm đó tồn tại dù chỉ một góc nhỏ trong tâm trí cũng sẽ làm giảm sức mạnh của sức sáng tạo.
Một sự thiếu hòa hợp giữa con tim và khối óc, giữa cảm xúc và trí tuệ, có thể xảy đến từ một cuộc tình không hạnh phúc, hoặc sự thiếu tương trợ từ lãnh đạo. Sự lạc điệu trong nhận thức có thể xảy ra nếu trái tim của thiên tài bị cám dỗ bởi quyền lực hoặc sự giàu có, khiến thiên tài có những cư xử sai lệch. Trong trường hợp đó, trái tim của thiên tài dẫn dắt trí tuệ của họ làm những điều mà trí tuệ biết rằng điều đó phản tác dụng.
Cho dù thiên tài có nhận biết rằng những hành động này sẽ tổn hại đến mình về lâu về dài, họ vẫn không thể dừng lại, bởi vì họ đã cho phép sự lừa dối tồn tại trong tâm trí của mình. Họ chấp nhận sự sai lầm để duy trì sự hòa hợp của nhận thức.
Những phương pháp giải quyết sự lạc điệu nội tại
Giải quyết sự lạc điệu xuất phát từ sự mất cân bằng trong cảm xúc so với trí tuệ cần nhiều thời gian và kiên nhẫn, bởi vì đầu tiên phải tạo cho được một mối quan hệ với thiên tài để có thể xác định được họ bị bất hòa hợp ở vấn đề nào. Những cách để xây dựng mối quan hệ tin tưởng như sau:
• Quy trình tự đánh giá bản thân là bước quan trọng đầu tiên để tránh cho mình trở thành trung tâm của mọi vấn đề, để lãnh đạo có đủ tinh nhạy nhận biết vấn đề gì đang diễn ra bên trong thiên tài. Tự đánh giá làm cho lãnh đạo có thể thâm nhập vào cảm xúc của thiên tài.
• Lắng nghe một cách tích cực cho phép lãnh đạo trao đổi những vấn đề làm thiên tài phân tâm trước khi chúng trở nên trầm trọng. Bởi vì thiên tài khá bận rộn, việc lên lịch để làm việc với họ là một ý tưởng hay. Tôi luôn pha một loại thức uống nào đó cho họ – cà phê hay nước có gas không đường – bởi vì những hoạt động sinh lý như nuốt từ từ sẽ làm chậm nhịp tim và giảm căng thẳng.
Tôi thường đặt những câu hỏi “xa gần” để tránh tạo nên tâm lý phòng vệ. Thay vì hỏi một thiên tài về mối quan hệ của họ với người bạn đời, tôi thường hỏi họ những ngày cuối tuần có lãng mạn hay không. Thay vì hỏi về con cái của họ ra sao, tôi hỏi họ có hài lòng với trường học mà con họ đang học hay không. Hãy mở đầu chủ đề trao đổi bằng một câu hỏi không quá tọc mạch, và sau đó sử dụng cách đọc ngược thái độ của người trả lời và bám đuôi câu trả lời theo cách lắng nghe tích cực để thăm dò sâu hơn.
• Sự minh bạch của lãnh đạo rất quan trọng trong việc thiết lập lòng tin từ một thiên tài để họ có thể cởi trói về vấn đề mà mình đang băn khoăn. Trừ khi thiên tài tin rằng lãnh đạo không giấu giếm một động cơ gì ngoài việc quan tâm họ, họ sẽ không cởi mở với lãnh đạo những vấn đề làm giảm sự sáng tạo của bản thân.
• Khuyến khích tạo ra mối quan hệ nhóm sẽ giúp thiên tài không cảm thấy cô đơn. Bằng việc sắp xếp trộn lẫn một cách hợp lý những tính cách khác nhau ở cạnh nhau, lãnh đạo có thể tạo ra nhiều cơ hội cho thiên tài nói về những căng thẳng mà họ đang đối mặt.
Hãy dành thời gian để quan sát cuộc sống của thiên tài. Nhiều lãnh đạo tránh làm việc này, bởi vì họ nghĩ đây sẽ là một lỗ đen trong quỹ thời gian và năng lượng của mình. Tôi cam đoan nếu không làm thế, lãnh đạo sẽ trả giá còn đắt hơn khi thiên tài bị sụt giảm sáng tạo.
Hãy quan sát những dấu hiệu về sự lạc điệu ở thiên tài, để ý những khi họ xao nhãng hay bực mình cáu gắt. Lúc nào họ cũng dễ dàng trở nên dễ giận dữ hay bực mình? Họ trở nên hay cãi lý và bế tắc một cách bất thường? Đó là những dấu hiệu mất cân bằng giữa trái tim và tâm trí. Tôi gọi đây là sự phân tán cảm xúc, được mô tả bằng Hình 10.1 bên dưới. Nếu trái tim và tâm trí không được cân chỉnh hợp lý, thì cảm xúc sẽ trở nên mâu thuẫn với những gì thiên tài đang suy nghĩ.
Khi đó, giống như trái tim và tâm trí đang nói chuyện bằng hai ngôn ngữ khác nhau. Trái tim và tâm trí không hiểu được nhau, dẫn đến sự phân tán. Trong nhiều trường hợp, thiên tài có khả năng không chấp nhận sự phân tán này đang diễn ra trong bản thân họ, bởi vì nỗi đau từ sự lạc điệu trong nhận thức. Công việc của lãnh đạo là giúp cho thiên tài nhìn thấy được sự lừa dối trong bản thân mình.
Kế đến, thiên tài sẽ tự cô lập mình khỏi nhóm làm việc. Sức sáng tạo của họ cũng sẽ bị giảm sút, bởi vì không thể tập trung vào công việc. Chỉ có những thiên tài tập trung cảm xúc bản thân, với trái tim và tâm trí được cân chỉnh cân bằng, mới có khả năng tích hợp được với nhóm làm việc.
Lãnh đạo nên xem thời gian dành cho việc cung cấp những công cụ cho thiên tài để họ tích hợp trái tim và tâm trí của họ như một sự đầu tư cho nhóm làm việc, bởi vì kết quả thu được sẽ là gia tăng sáng tạo. Cảm xúc sẽ thúc đẩy tâm trí và có khả năng dẫn đường đến sự khám phá tuyệt vời. Sự quyến rũ của một thành tựu có thể hấp dẫn trái tim đầu tiên. Bản thân Einstein cảm nhận được vẻ đẹp của những phương trình toán học mời gọi ông từ sự mờ ảo của những đám mây vô định.
Đôi khi người lãnh đạo không thể giúp đỡ được nhiều. Thiên tài đôi lúc gặp những vấn đề khó giải quyết được, ví dụ như một đứa con bị mắc bệnh ung thư. Vào lúc đó, việc duy nhất lãnh đạo có thể làm là đứng bên cạnh và chia sẻ nỗi đau với họ. Điều này không giúp được gì nhiều cho thiên tài, nhưng ít nhất cũng làm họ đỡ cô đơn.
Một trong những người trưởng khoa dưới quyền tôi đã mất đứa con gái vì bệnh bạch cầu cách đây nhiều năm. Khoa của ông ấy đã đảm đương giúp ông những lần trực đêm và trực cuối tuần, để ông có thể ở nhà nhiều hơn. Khoa cũng đã giúp ông thành lập một quỹ từ thiện để chữa trị những trẻ em bị ung thư ở Dominica, mang tên Keira Grace Foundation theo tên con gái ông. Ông mãi nhớ ơn những thành viên trong khoa, và từ đó thắt chặt công việc sáng tạo với khoa nhiều hơn bao giờ hết.
Tương trợ cho thiên tài khi họ gặp bất hạnh trong cuộc đời sẽ tạo ra mối quan hệ rất khó bị phá vỡ. Trước khi người ta được trả lương cho những ngày nghỉ bệnh, vào năm tôi mới lên năm, cha tôi lên cơn sốt vì thấp khớp và phải nghỉ làm trong sáu tháng. Ông chủ của cha tôi vẫn đảm bảo cha tôi nhận đầy đủ lương và cho phép ông quay lại làm việc từ từ, để ông ấy có thể phục hồi lại sức lực. Sự rộng lượng của ông chủ đã tạo ra lòng trung thành bền bỉ, và cha tôi đã làm việc cho ông chủ đó đến khi về hưu.
Quan tâm đến trái tim của thiên tài cũng có thể làm được như vậy. Sự rộng lượng nuôi dưỡng lòng trung thành, và lòng trung thành là chìa khóa để duy trì sự ổn định của nhóm làm việc.
BÍ KÍP
Thiên tài sáng tạo bằng trái tim cũng nhiều như bằng cái đầu của họ.