Hãy để tôi đề xuất một đạo lý duy nhất để thống nhất tất cả các giá trị đằng sau các nguyên tắc, đó là động lực quan trọng nhất để áp dụng những nguyên tắc này. Đạo lý cơ bản đó chính là sự đồng cảm – đặt mình vào vị trí của người khác.
Chúng ta muốn thiên tài tìm thấy được niềm vui khi khám phá, vì chúng ta muốn chia sẻ niềm vui đó. Chúng ta chia sẻ cả nỗi đau, bởi vì chúng ta cũng muốn chia sẻ hy vọng và ước mơ của họ. Mặc dù chúng ta có thể không hiểu quá trình tư duy của một thiên tài là như thế nào, nhưng chúng ta hiểu được niềm hân hoan của họ.
Thiếu sự đồng cảm, thiếu sự công bằng đối với nhóm làm việc, chúng ta cũng sẽ từ chối chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Chúng ta sẽ biện minh cho bất kỳ tổn hại nào do bản thân gây ra, vì chúng ta nghĩ không ai có giá trị bằng mình. Chúng ta bắt đầu tin rằng bản thân chính là lý do cho nhóm làm việc tồn tại.
Khi không thể nhìn thấy mình qua một người khác, chúng ta sẽ rơi vào cái bẫy quỷ quyệt. Chúng ta sẽ đánh giá bản thân theo ý định của mình chứ không phải bởi những gì chúng ta đã làm. Chúng ta sẽ đánh giá người khác qua hành động của họ chứ không phải từ ý định của họ. Chúng ta sẽ đo lường đức hạnh của mình bằng những gì mình muốn làm, và đánh giá đức hạnh của người khác bằng hành động của họ.
Sự thiếu kết nối giữa cách chúng ta đánh giá bản thân và cách chúng ta đánh giá người khác có thể dẫn đến sự ngờ vực lẫn nhau. Điều này khiến mọi người có xu hướng đánh giá quá cao đức tính của mình và đánh giá thấp giá trị của người khác, đặc biệt là trong một cuộc khủng hoảng. Tôi biết tôi sẵn sàng tha thứ cho bản thân vì những lỗi nhỏ nhặt, thường làm cho tôi trông đẹp đẽ hơn trong một số hoàn cảnh, nhưng tôi khắt khe một cách tàn nhẫn đối với những người đang cặm cụi sửa sai từng chút một.
Mặc dù chúng ta muốn có giá trị khi nào đó là lợi thế của chúng ta và loại bỏ những giá trị đó khi gặp khủng hoảng, nhưng khi phải trả giá để duy trì những giá trị đó, chúng ta cứ khăng khăng rằng tất cả mọi người phải giữ những giá trị đó bằng bất kỳ giá nào. Khi cảm thấy áy náy vì thỏa hiệp để loại bỏ giá trị, chúng ta tự trao cho mình những lý do hợp lý, làm như thế là tạo ra khoảng cách tâm lý giữa mình và người khác.
Trừ khi chúng ta cảm nhận được tổn thương hay niềm vui như người khác cảm nhận, không thì chúng ta không thể là người nhún nhường và không ích kỷ. Chúng ta sẽ là những lãnh đạo kém hiệu quả. Chúng ta có thể không hiểu được bộ não của thiên tài tư duy như thế nào, nhưng phải hiểu rõ hơn về trái tim của họ. Nếu có thể chỉ cần nhìn thoáng qua mà hiểu được những gì xảy ra bên trong trái tim của thiên tài, chúng ta sẽ dễ dàng hơn trong việc đưa ra những quyết định nào là tốt nhất cho họ. Chúng ta trở thành một phần của nhóm làm việc với thiên tài, hoàn toàn khác với việc thiên tài trở thành cánh tay nối dài của chúng ta.
Chia sẻ cả niềm vui lẫn đau khổ với thiên tài có nghĩa là chúng ta hiểu được lý do tại sao những nguyên tắc này nên được áp dụng vào thực tế. Chúng ta muốn thiên tài đạt được bước đột phá mạnh mẽ để họ có thể trải nghiệm được niềm vui của sự khám phá. Chúng ta sẽ chia sẻ niềm vui đó, và phần thưởng lớn nhất của chúng ta chính là sự thành công của thiên tài. Bằng cách cảm nhận được niềm vui dành cho thiên tài, người đã có một khám phá siêu việt, chúng ta đã trở thành thiên tài của chính mình trong một giây phút ngắn ngủi.