Từ việc chiến đấu trong những trận chiến tưởng chừng không thể giành chiến thắng, cho đến chứng tỏ cho khí hậu khắc nghiệt biết ai mới là chủ vùng đất này, người Phần Lan vận dụng tinh thần sisu trong rất nhiều hoàn cảnh khác nhau. Hãy khám phá xem chủ nghĩa chấp nhận nghịch cảnh sisu có thể giúp bạn trở thành một người vượt qua nghịch cảnh như thế nào, bất kể thử thách là gì.
KHOẢNH KHẮC SISU
- khi khó khăn cản bước
Có những thời điểm mà tất cả chúng ta đều sẽ trải qua. Nó có thể đến sớm hoặc muộn, với những hình thái khác nhau, nhưng tất cả chúng ta sẽ phải đối mặt với nó – khoảnh khắc mà ta chỉ có thể lựa chọn một trong hai phương án: buông tay để từ bỏ, hay thắt chặt dây an toàn để tiến lên phía trước.
Tôi gọi những thời điểm đó là “khoảnh khắc sisu”. Khoảnh khắc này không xuất hiện với dáng vẻ hùng dũng hay hoành tráng – mà trên thực tế, nó thường mang lại cảm giác sợ hãi. Thiên tai, bệnh tật, bất ngờ thất nghiệp, mất đi người thân yêu: đó là những điều mà chúng ta đơn giản là không cho phép xảy ra trong tâm trí của mình, nhưng lại không thể ngăn nó diễn ra trong thực tế.
Vậy thì, khi những điều không thể tưởng tượng nổi đó xảy ra, bạn làm thế nào để tiếp tục con đường của mình? Đó là lúc tinh thần sisu được phát huy. Theo chuyên gia sisu Emilia Lahti (xem phỏng vấn trang 147), tinh thần sisu bắt đầu trỗi dậy khi chúng ta cảm thấy nguồn sức mạnh mà ta nhận thức được bị cạn kiệt.
Một trong những khó khăn cam go nhất trong cuộc sống là phải đối mặt với một thách thức mà ta không biết khi nào mới chấm dứt. Nó đòi hỏi chúng ta phải có lối tư duy cũng như cách sống hoàn toàn mới. Tinh thần sisu được phát huy trong những tình huống như vậy, khi mà nghịch cảnh dồn dập kéo đến cản lối ta, và ta dường như không còn lối thoát hoặc bất kỳ con đường nào để vượt qua tình cảnh hiện tại. Khác với những chiến công hoặc hành động xuất phát từ sự liều lĩnh hay chủ nghĩa anh hùng cực đoan, những chiến tích của tinh thần sisu luôn diễn ra trong thầm lặng.
“Sisu không phải là nguồn thể lực giúp bạn chạy một mạch lên đỉnh núi cao, mà là sức mạnh giúp bạn có thể đặt bước chân này nối tiếp bước chân kia.”
,
CHIẾN TRANH MÙA ĐÔNG(*)
- khi thế giới biết đến sisu
(*) Chiến tranh Liên Xô – Phần Lan (1939 – 1940) trong bối cảnh thời kỳ đầu của Thế chiến II, diễn ra vào một trong những mùa đông khắc nghiệt nhất thế kỷ 20.
Tinh thần sisu trong thực tế được thế giới biết đến vào thời điểm đất nước Phần Lan phải đối mặt với một thời khắc thử thách mang tính sống còn. Đó là vào mùa thu năm 1939, đất nước này bị quốc gia láng giềng là Liên Xô xâm chiếm.
THỜI KHẮC ĐẸP NHẤT CỦA PHẦN LAN
Liên Xô có số binh lính nhiều gấp 3 lần Phần Lan, máy bay chiến đấu nhiều gấp 30 lần và xe tăng nhiều gấp 100 lần. Kết quả của khoảnh khắc sisu này vô cùng đáng lo ngại, nhưng nó lại trở thành “thời khắc đẹp đẽ nhất” của dân tộc chúng tôi.
Trong cuộc chiến này, Phần Lan còn nhiều mối lo khác bên cạnh việc bị áp đảo về quân số và nguồn tiếp viện lại ít ỏi. Mùa đông năm 1939 - 1940 đặc biệt giá lạnh, ngay cả theo tiêu chuẩn của người dân Bắc Âu. Nhiệt độ xuống đến -43°C ở một số nơi và chỉ những người lính đang chính thức phục vụ trên chiến trường mới có đồng phục và vũ khí. Phần lớn quân dự bị được gọi ra trận đều phải tự trang bị quần áo.
Người Phần Lan có một lợi thế, đó là kỹ năng trượt băng đường dài; họ cũng biết rằng cách tốt nhất để chống chọi với giá rét là giữ ấm cho những căn hầm trú ẩn và mặc quần áo nhiều lớp. Lớp ngoài cùng họ thường mặc là một lớp màu trắng mỏng nhẹ, giúp họ gần như vô hình trên nền tuyết trắng xóa.
Trong suốt cuộc chiến, Phần Lan đã sử dụng tốc độ, chiến thuật du kích và tinh giản lực lượng để tạo lợi thế cho mình, chia tách binh đoàn hùng hậu của Liên Xô thành nhiều nhóm nhỏ hơn. Hồng quân Liên Xô bắt đầu e sợ những “bóng ma Phần Lan” – những người lính di chuyển qua trận địa mà không phát ra một tiếng động và không lãng phí một viên đạn nào.
SISU CHIẾN THẮNG
Trong tác phẩm A Frozen Hell: The Russo- Finnish Winter War of 1939-1940 (tạm dịch: Địa ngục băng giá: Chiến tranh Mùa đông Liên Xô - Phần Lan năm 1939-1940), sử gia William R. Trotter đã nhìn nhận tinh thần sisu là yếu tố làm nên thành công đáng kinh ngạc, nếu không muốn nói là gây sửng sốt, của dân tộc Phần Lan. Ông viết rằng, thứ duy nhất quân đội Phần Lan có được nhiều hơn quân đội Liên Xô chính là tinh thần sisu vượt qua mọi trở ngại.
BÍ MẬT CỦA TINH THẦN SISU
- bài học rút ra từ Chiến tranh Mùa đông
CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT
Có một đài tưởng niệm chiến tranh ở Suomussalmi, Phần Lan, tên là “Open Embrace”. Nơi này treo 105 chiếc chuông (xem hình bên), mỗi chiếc chuông tượng trưng cho một ngày của cuộc Chiến tranh Mùa đông.
Chiến tranh Mùa đông chứa đựng rất nhiều bí mật của tinh thần sisu. Trận chiến này đánh dấu lần đầu tiên tinh thần sisu được giới thiệu ra thế giới và trở thành một ca nghiên cứu tình huống trực quan về “hành động với tinh thần sisu”. Khéo léo, tháo vát, can trường – tập hợp sức mạnh này khiến sisu trở thành một hiện tượng không thể phủ nhận.
ĐỪNG SUY NGHĨ HẠN HẸP
Chúng ta rất dễ so sánh sự nhỏ bé của bản thân với những thử thách to lớn mà mình phải đối mặt. Thế nhưng, thay vì vậy, bạn hãy cố gắng biến điểm yếu của mình thành thế mạnh. Hãy thay đổi cách nhìn nhận. Hãy hiểu sức mạnh không phải lúc nào cũng có thể được cân đo đong đếm hoặc được nhìn thấy từ bên ngoài.
SUY NGHĨ SÁNG TẠO
Trong cái khó thường ló cái khôn. Chiến lược của người Phần Lan trong thời kỳ chiến tranh là đánh du kích và tận dụng tối đa lợi thế sân nhà. Việc thiếu hụt nhân lực đã buộc người dân nơi đây phải nghĩ ra những giải pháp sáng tạo để giải quyết mọi vấn đề, từ nguồn cung cấp thực phẩm cho đến mìn tự chế và các loại bẫy treo.
CỐ GẮNG BÁM TRỤ
Khi nhận ra mình đang bị cuốn vào một cuộc chiến tranh, đa số mọi người không thể suy nghĩ sâu xa về định mệnh hay tương lai. Trong cơn khủng hoảng, chúng ta có xu hướng tập trung vào một mục đích duy nhất và được thúc đẩy bởi nhu cầu ngăn chặn những chuyện tồi tệ xảy ra. Chúng ta cảm thấy sự khổ sở chứ không hề nhận thấy lòng can đảm. Cắn chặt răng và cố gắng bám trụ có vẻ không phải là việc gì to tát nhưng việc này sẽ giúp ta giành chiến thắng.
KHÔNG ĐẦU HÀNG
Khi Thủ tướng Winston Churchill đưa ra lời kêu gọi nổi tiếng: “Chúng ta sẽ không đầu hàng”, ông đã đánh thức tinh thần sisu trong trái tim người Anh. Và sisu chỉ đơn giản như vậy đó – khi gặp nghịch cảnh, hãy dũng cảm đương đầu. Sisu là lòng quả cảm, và cũng là một quyết định mạnh mẽ.
TINH THẦN SISU TRONG THẾ KỶ 21
- lòng can đảm thời hiện đại
Những yêu cầu ở thế giới hiện đại rõ ràng rất khác với những gì bạn phải đáp ứng trong chiến tranh. Thế giới ngày nay đòi hỏi kỹ năng xã hội tốt, hoặc kỹ năng bán hàng xuất sắc chẳng hạn. Cách chúng ta nhìn nhận thử thách có mối liên hệ mật thiết với những trải nghiệm đã qua, cũng như với hệ quy chiếu của riêng mỗi người. Có những thứ đối với tôi là khó khăn nhưng đối với bạn lại là chuyện nhỏ, và ngược lại.
Để tìm được việc, bạn phải vượt qua các buổi phỏng vấn. Đối với một số người, chứng co thắt dạ dày khi căng thẳng sẽ càng trở nên tồi tệ hơn khi biết rằng càng căng thẳng thì lại càng dễ đánh mất cơ hội. Hoặc là, bạn ghét nói chuyện trước đám đông nhưng công việc đòi hỏi bạn phải thuyết trình – điều mà chỉ nghĩ đến thôi cũng khiến bạn chết khiếp. Cũng có thể bạn phải thực hiện cuộc gọi điện thoại khó nhằn hoặc mang vào chiếc mặt nạ tươi cười ở văn phòng cho dù thế giới đời sống riêng của bạn đang vỡ vụn.
Cho dù thử thách đó là gì đi nữa, bạn vẫn có thể thực hiện những bước sau để giải tỏa nỗi lo âu và thật sự sống với tinh thần sisu nhiều hơn.
1. Chuẩn bị kỹ lưỡng
“Hyvin suunniteltu on puoliksi tehty” là một câu nói phổ biến ở Phần Lan, nghĩa là “chuẩn bị tốt là bạn đã hoàn thành một nửa công việc”. Nếu phải thực hiện một việc khiến bạn vô cùng lo lắng, hãy chuẩn bị hết mức có thể, và chuẩn bị thêm chút nữa. Điều đó sẽ cho bạn một điểm tựa khi dây thần kinh của bạn bắt đầu căng lên. Ít nhất bạn cũng không phải lo lắng về việc không hiểu rõ những gì mình đang có.
2. Chăm sóc bản thân
Thường thì trong những tình huống khó khăn, chúng ta hay có xu hướng bỏ bê bản thân, hoặc nhẹ nhất cũng là đặt nhu cầu của bản thân ra sau cùng. Hãy thay đổi cách nghĩ đó, và bạn sẽ thấy những gợn sóng tích cực lan rộng và lan xa. Hãy ngủ đủ giấc, hít thở không khí trong lành, bổ sung dinh dưỡng lành mạnh, dành thời gian cho bản thân – bạn sẽ cảm thấy vui vẻ hơn và làm việc tốt hơn.
3. Tập trung vào bản thân
Để có thể chạm được vào tinh thần sisu, nguồn sức mạnh nội tâm mà bạn hiện có – nhưng có thể chưa nhận ra – đang gạt bỏ các loại nhiễu âm. Hãy thanh lọc tâm trí bằng cách ngồi thiền, cầu nguyện, tập các bài hít thở sâu, hoặc đơn giản hơn là dành thời gian đắm mình vào thiên nhiên (xem trang 49). Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy suy nghĩ của mình trở nên rõ ràng mạch lạc và điềm tĩnh hơn đến mức nào.
KHÍ HẬU PHẦN LAN VÀ TINH THẦN SISU
- bài kiểm tra khí phách
CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT
Người Phần Lan có rất nhiều “bí kíp đối phó với tuyết” – những kỹ năng đương đầu với thời tiết mùa đông khắc nghiệt. Đường phố, trường học, sân bay vẫn hoạt động dù bất cứ chuyện gì xảy ra, và xã hội Phần Lan vẫn tiếp tục hoạt động nhịp nhàng trong bão tuyết hay những lúc cực lạnh.
Các kỹ năng mang tinh thần sisu này cũng được lan truyền đến nhiều nơi trên thế giới.
Khi tôi kể với vài người về quyển sách này, họ đều thốt lên: “Cô sẽ nói về thời tiết chứ, đúng không?”. Thật vậy, không thể viết một quyển sách nói về tinh thần sisu mà lại không lý giải điều đã góp phần trui rèn tính cách Phần Lan của chúng tôi, đó là thời tiết.
Sống ở Phần Lan đồng nghĩa với việc sống với sự tương phản rõ rệt. Vào mùa hè, ánh sáng ban ngày có thể kéo dài trong khoảng 24 giờ ở miền Bắc và 19 giờ ở phía Nam. Trời sáng choang vào lúc giữa đêm làm xáo trộn giờ đi ngủ của bọn trẻ, còn người lớn chúng tôi thì thiếu ngủ do ham chơi (“Mới có nửa đêm thôi, chơi thêm một ván nữa nha?”). Vào mùa đông tối nhất, phía Bắc hoàn toàn không có ánh sáng mặt trời (hiện tượng kaamos – đêm Bắc Cực, xem trang 31), còn ở phía Nam xa xôi thì có được vỏn vẹn 6 giờ đồng hồ sáng sủa. Đó là những mùa đông dài, và trong những ngày hiếm hoi có ánh sáng mặt trời, người ta hay hỏi đùa nhau xem có nhìn thấy “hiện tượng bầu trời sáng lên một cách lạ lùng” hay không.
TINH THẦN SISU THEO MÙA
Những bộ phim Hollywood hiếm hoi có nội dung về Phần Lan thường chiếu khung cảnh mùa đông lạnh giá, nhưng thật ra chúng tôi có bốn mùa rõ rệt. Mùa hè có thể khá ấm áp, ổn định và không nhiều mưa lắm (tôi nhấn mạnh là “có thể” thôi nhé). Theo các ghi chép khí tượng, 25°C là một ngày “nóng”. Điều này hiển nhiên có nghĩa là hầu hết các ngày mùa hè không đạt đến nhiệt độ như vậy. Nhưng tích cực mà nói thì với thời tiết như vậy, sẽ không bao giờ là quá nóng cho các hoạt động ngoài trời.
Nhiệt độ vào mùa đông thì có sự chênh lệch nhiều hơn, từ vài độ C xuống đến -30°C hoặc thấp hơn nữa. Hình ảnh những mùa đông phủ tuyết trắng xóa đẹp như trong mơ, nếu có, thì nó cũng nhanh chóng trở thành những vũng tuyết tan lẫn với bùn bẩn, kèm theo lớp băng trơn trợt nguy hiểm bên dưới. Khó có thể nói điều gì đòi hỏi tinh thần sisu nhiều hơn: vượt qua các cơn bão tuyết để đến chỗ làm, hay vượt qua những tháng ngày u ám với lớp tuyết ẩm ướt.
HÒA HỢP VỚI CÁC THÁI CỰC
Mùa thu Phần Lan đến sớm, còn mùa xuân thì đến trễ. Mùa nào cũng có những nét quyến rũ và thách thức riêng. Thế nhưng cuộc sống của chúng tôi luôn bị tác động bởi các thái cực, chẳng hạn như chuyện phải nghiến răng vận dụng tinh thần sisu khi mùa đông khắc nghiệt về, và sau đó lại háo hức chào đón mùa hè ấm áp trở lại. Bắt đầu vào khoảng tháng Hai, tháng Ba, bạn sẽ thấy người ta tôn sùng Mặt trời giống như một kiểu nghi thức tôn giáo. Khi những tia nắng ấm áp đầu tiên xuất hiện trên những đụn tuyết vẫn còn đọng trên mặt đất, từng nhóm người đã bắt đầu tụ tập ở những nơi khuất gió và ngồi lim dim sưởi nắng với ly cà phê giữ nhiệt trên tay.
Người Phần Lan nói chung khá điềm đạm, nhưng cách chúng tôi tận hưởng mùa xuân và mùa hè không hề dè dặt chút nào. Chúng tôi sẽ tận hưởng từng phút giây trôi qua. Hoạt động ngoài trời rất được ưa chuộng, đến nỗi nếu bạn ở trong nhà vào một ngày đẹp trời thì đó được xem là một loại tội lỗi. Vì luôn ý thức sâu sắc rằng những ngày mùa hè tuyệt diệu sẽ trôi qua rất nhanh, nên chúng tôi sẽ không để một phút giây nào trôi qua vô ích.
CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT
“Kaamos” = “đêm Bắc Cực”, là khoảng thời gian mặt trời không xuất hiện phía trên đường chân trời. Điều này chỉ xuất hiện bên trong vòng cực và ảnh hưởng đến vùng cực bắc Phần Lan, nơi kaamos bắt đầu từ giữa tháng 12 và kéo dài khoảng 50 ngày. Mặc dù những vùng khác của Phần Lan không có kaamos, nhưng ngày mùa đông cũng rất ngắn và mặt trời lên rất thấp ngay cả vào giữa trưa.
ĐÊM TRƯỜNG BẮC ÂU
- làm thế nào để sống sót qua mùa đông mà vẫn tỉnh táo?
Trời trở nên tối đen trong suốt mùa đông ở Phần Lan, và ý tôi là thật sự tối đen. Khoảng thời gian từ giữa tháng Mười Hai đến giữa tháng Hai, đất nước chúng tôi chỉ nhận được ánh sáng mặt trời quý giá trong vài giờ. Có thể bạn sẽ nghĩ chúng tôi đã quen với tình trạng này, nhưng dù ở nơi nào thì con người cũng luôn cần ánh sáng để sinh hoạt, và hội chứng rối loạn cảm xúc theo mùa (seasonal affective disorder - SAD) không chỉ là lý thuyết suông. Bên cạnh việc cắn răng vượt qua giai đoạn u ám đó với tinh thần sisu lên cao, chúng tôi còn có nhiều cách giúp những tháng mùa đông trở nên dễ chịu hơn – thậm chí là khoan khoái hơn.
BỐN BÍ QUYẾT TẬN HƯỞNG MÙA ĐÔNG BẮC ÂU
1. Ngủ đông
Đương nhiên không phải ngủ đông theo đúng nghĩa đen nhé. Mùa đông là thời điểm hoàn hảo để vùi mình trong căn nhà ấm cúng: thắp nến lên, cùng nhau ngồi quanh lò sưởi, cuộn mình trong chăn ấm, thưởng thức những thức uống ấm nóng đầy năng lượng và nói chung là nuông chiều bản thân một chút. Hãy rủ bạn bè đến nhà chơi hoặc xem phim qua đêm. Mùa đông là thời điểm tuyệt vời cho các hoạt động xã hội trong nhà.
2. Ăn
Đây là hoạt động mà người ta thường cố gắng phủ nhận nhất, ví dụ như cô bạn của tôi hay nói thế này, “Mùa đông đến rồi, và chắc chắn mình sẽ không nhồm nhoàm sô-cô-la suốt cả ngày đâu!”. Ăn uống vô độ không phải là một lối sống lành mạnh, vì vậy hãy bổ sung vào không gian ấm cúng trong ngôi nhà của bạn với vài món thực phẩm tốt cho cơ thể thay cho mấy món bánh kẹo linh tinh xem sao. Một nồi thịt hầm với rau củ chẳng hạn, kèm theo một ly rượu vang đỏ nữa. Đừng quên thắp thêm vài ngọn nến nhé!
3. Đi xông hơi
Đúng rồi, sauna – xông hơi! Đây là trái tim của đời sống Phần Lan và là cứu tinh tuyệt vời trong mùa đông, khi hơi ấm của phòng xông hơi có thể làm tan cái lạnh cắt da cắt thịt theo cách mà một nhà tắm thông thường không thể làm được. Người Phần Lan thường đi xông hơi
– một mình, với bạn bè hoặc cả gia đình. Hầu như ngôi nhà hoặc chung cư nào ở đây cũng đều có phòng xông hơi. Các phòng gym và khu văn phòng cũng thế. Hãy tận dụng điều đó – sau khi xông hơi bạn sẽ cảm nhận được sự ấm áp vô cùng dễ chịu, sau đó là một chút buồn ngủ, ngay cả khi chưa uống ly bia vốn vẫn thường đi kèm với hoạt động này.
4. Hoạt động ngoài trời
Sẽ không đúng với tinh thần sisu nếu thỉnh thoảng chúng ta không tự lôi mình ra khỏi chiếc trường kỷ êm ái để tụ tập với nhau và cùng đi ra ngoài trời – dù lúc đó đang là giai đoạn chạng vạng tối kéo dài hàng tháng trời. Việc hít thở không khí trong lành và tận hưởng ánh sáng (dù ít hay nhiều) là rất quan trọng đối với sức khỏe, cả về tinh thần lẫn thể chất. Bạn sẽ biết ơn bản thân sau cuộc đi dạo ngoài trời đấy.
ÁNH SÁNG TRỊ LIỆU
Nếu đến thăm nơi làm việc của người Phần Lan vào mùa đông, thường bạn sẽ tìm thấy một hoặc hai cây đèn trị liệu mà bạn có thể mượn đem về bàn mình. Tắm mình trong nguồn sáng đó chỉ trong nửa giờ đồng hồ vào buổi sáng có thể giúp bạn bổ sung năng lượng cần thiết cho cơ thể. Nhưng để có hiệu quả thì độ rọi của đèn phải đạt mức 10.000 lux(*).
(*) Lux (ký hiệu: lx) là đơn vị đo độ rọi trong hệ đo lường quốc tế.
TAI NGHE TRỊ LIỆU
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Oulu ở phía bắc Phần Lan đã phát minh ra một chiếc tai nghe trị liệu bằng ánh sáng chuyên truyền ánh sáng qua ống tai đến những vùng có khả năng hấp thụ ánh sáng của não. Khi kiểm tra, 75% người được điều trị đã có sự cải thiện trong hội chứng SAD của họ.
XÔNG HƠI CHO TÂM HỒN
Bên cạnh việc giúp chúng ta cảm thấy ấm áp và sạch sẽ, xông hơi còn có tác dụng giảm huyết áp và giảm lượng hóc- môn gây căng thẳng.
SISU TỪ MỘT GÓC NHÌN KHÁC
- tinh thần sisu dưới góc nhìn của một người ngoại quốc
Joel Willans là tác giả của quyển sách 101 Very Finnish Problems (tạm dịch: 101 Vấn Đề Đậm Chất Phần Lan) và là chủ nhân trang Facebook cùng kênh Podcast Very Finnish Problems. Anh là một người Anh sinh sống ở Helsinki với vợ Anna – một người Phần Lan – cùng hai con.
“Tinh thần sisu của người Phần Lan là một khái niệm thật thú vị. Tôi nghĩ đó là kiểu tinh thần kiên cường – một phiên bản ‘stiff upper lip’ (‘không nao núng’) của người Anh nhưng được áp dụng rộng rãi hơn trong đời sống xã hội. Người Phần Lan cần nuôi dưỡng tinh thần bền bỉ để tồn tại. Khí hậu khắc nghiệt khiến họ gặp nhiều bất lợi, các nước láng giềng thì thay phiên nhau thực hiện mưu đồ xâm lược hoặc biến họ thành thuộc địa. Lần cuối nạn đói xảy ra ở Phần Lan là vào những năm 1860, cách đây thật sự không lâu lắm. Nếu bạn phải ăn cá khô để sống trong suốt sáu tháng liền, tôi dám cá là thế giới quan của bạn cũng sẽ thay đổi.
Tôi không chắc mình có tinh thần sisu hay không. Tôi quá yêu thích sự thoải mái! Và cũng vì lý do này mà tôi không chắc ngày nay bạn có thể tìm thấy tinh thần sisu hiện diện nhiều như xưa hay không. Ngày nay, người Phần Lan sử dụng tinh thần sisu của mình để mừng lễ Vappu vào đêm trước ngày 1 tháng Năm (xem thông tin trang bên) và lễ Juhannus vào dịp giữa hè (xem trang 46). Những ngày đó luôn rất lạnh lẽo hoặc ẩm ướt, nhưng điều đó không quan trọng vì dù sao đi nữa thì họ vẫn quyết tâm tổ chức tiệc nướng ngoài trời hoặc đi cắm trại, vì đó là truyền thống!
Người Phần Lan sống thẳng thắn và thực tế. Một phần trong tinh thần sisu của họ được thể hiện ở đạo đức công việc cao đẹp cùng thái độ luôn sẵn sàng xắn tay áo lên làm việc. Căn nhà nghỉ dưỡng mùa hè của họ là một ví dụ hoàn hảo cho điều này. Bạn nghĩ mình sẽ đến đó để thư giãn, nhưng trước khi bạn kịp nhận ra thì nó đã chuyển thành một chuyến lao động cắm trại! Bạn vẫn phải làm việc, chỉ khác ở chỗ thay cho công việc bàn giấy ở văn phòng thì bây giờ bạn sẽ đi đốn củi hoặc khiêng đá chẳng hạn.”
MỪNG XUÂN THEO PHONG CÁCH SISU
Vappu (Valborg trong tiếng Thụy Điển) được tổ chức vào ngày 30 tháng Tư và ngày 1 tháng Năm. Vốn là nghi thức chào xuân từ thời tiền Thiên Chúa giáo, vào thế kỷ 15, Vappu trở thành ngày Thánh Walpurga (nữ tu người Đức được sinh ra ở Anh và được phong thánh vào thế kỷ thứ 8). Vappu được tổ chức rộng rãi ở Bắc Âu với nhiều phong tục khác nhau. Ở vùng nông thôn Phần Lan, người ta thường đốt lửa trại để đánh dấu ngày cuối cùng của mùa đông, trong khi ở khu vực thành thị, Vappu chủ yếu là một lễ hội đường phố náo nhiệt mà thành phần tham gia chủ đạo là sinh viên đại học. Dịp lễ này mang đậm truyền thống địa phương và không thiếu những trò tinh nghịch của các cô cậu sinh viên. Bất kể thời tiết như thế nào, Vappu luôn được tổ chức ngoài trời với vô số bong bóng, xúc xích và kẹo bông gòn vào ngày cuối cùng của tháng Tư, cùng với một chuyến dã ngoại uống rượu sâm-banh truyền thống vào ngày đầu tiên của tháng Năm.
TINH THẦN SISU
- không chỉ dành cho những con sói cô độc
KHI GÁNH NẶNG ĐƯỢC SAN SẺ
Tin tưởng và chia sẻ tâm sự với ai đó không chỉ giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn mà còn giúp thắt chặt mối quan hệ giữa bạn và người đó. Từ đó mở ra nhiều cơ hội để hai bạn đồng cảm với nhau trong tương lai và tạo ra một vòng tròn tích cực hỗ trợ lẫn nhau.
Khi nghĩ về sisu, chúng ta rất dễ hình dung đây là một cuộc chiến trong đơn độc. Điều đó không đúng. Sisu có thể là một phẩm chất cá nhân, nhưng đó là phẩm chất mà chúng ta truyền đạt cho nhau. Và chân lý này cũng đúng đối với tinh thần sisu: đoàn kết giúp chúng ta mạnh mẽ hơn.
Không ai có thể sống mà không cần đến sự trợ giúp của người khác. Điều này được lặp đi lặp lại khiến chúng ta phát ngán, nhưng nó vẫn luôn đúng. Một người không có khả năng nhờ người khác giúp đỡ là một người đáng thương chứ không phải đáng ngưỡng mộ.
Ở Phần Lan cũng thế, tinh thần sisu thường được hiểu là bạn phải cố gắng tự vượt qua khó khăn – đặc biệt khi bạn là đàn ông. Quan niệm xưa của người Phần Lan cho rằng bậc đại trượng phu chỉ cần hai món vũ khí: sự im lặng và con dao puukko truyền thống nhỏ nhắn giắt ở thắt lưng. Thế nhưng quan niệm đó đang chết dần. Cho đến giai đoạn Chiến tranh Thế giới thứ II, Phần Lan vẫn có nền kinh tế nông nghiệp; quốc gia công nghiệp hóa với nhiều phúc lợi của chúng tôi được xây dựng sau cuộc chiến, nhờ vào nỗ lực phi thường của cả nước. Khả năng đoàn kết vì lợi ích chung của chúng tôi đã mang lại thành công cho Phần Lan. Dù sao đi nữa, người nghệ sĩ độc tấu có thể đi được bao xa nếu thiếu dàn nhạc?
MỌI NGƯỜI VÌ MỘT NGƯỜI, MỘT NGƯỜI VÌ MỌI NGƯỜI
Là một khái niệm tâm lý, tinh thần sisu thật sự tự xuất hiện khi chúng ta đang phải chịu đựng áp lực nặng nề. Một cuộc khủng hoảng gia đình thường sẽ là động lực để gia đình đó thay đổi, cho dù là tốt hay xấu. Khi đối mặt với bất kỳ thử thách nào, tư duy tập thể sẽ luôn tạo ra sự khác biệt to lớn. Trong gian nan, chúng ta cần dựa vào nhau và hỗ trợ nhau. Và rồi bạn sẽ thấy, vào những ngày sisu của bạn xuống thấp, sẽ có người nào đó ở quanh bạn có thể giúp bạn vực dậy tinh thần đó.
“Trên tất cả, tinh thần sisu là một sự lựa chọn tập thể. Cùng nhau, chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn.”
Emilia Lahti, chuyên gia sisu
PHÁ VỠ QUAN NIỆM SAI LẦM VỀ ANH HÙNG
- tại sao mạnh và yếu không phải là những thứ đối lập
Tôi nghĩ quan niệm sai lầm phổ biến nhất về tinh thần sisu ở ngay tại Phần Lan là xem sisu tương đương với sự thiếu hụt cảm xúc. Khí hậu, đời sống khó khăn, chiến tranh – bất cứ yếu tố nào đã rèn giũa nên tinh thần sisu của dân tộc chúng tôi đều có chứa tính khủng hoảng. Trong lúc khủng hoảng, chúng ta sống theo những quy tắc khác với giai đoạn bình thường, và chúng ta chỉ quan tâm đến những nhu cầu thiết yếu. Có một điều mà ít ai đề cập đến, đó là những hậu quả – cảm xúc của chúng ta, nỗi đau thương của chúng ta – sẽ được giải quyết sau đó.
Nhưng nếu không có “sau đó” thì sao? Nhìn nhận sisu như một trạng thái tồn tại bất biến là không đúng. Nhà nghiên cứu sisu Emilia Lahti giải thích, tinh thần sisu không phải là mục tiêu thường trực mà là nơi ta thỉnh thoảng dừng chân. Khi kiến thức tâm lý học được phát triển, nhu cầu bày tỏ nỗi đau và chia sẻ những vết thương lòng đã được thừa nhận rộng rãi trong xã hội chúng ta. Thế nhưng mãi cho đến gần đây thì điều đó mới được thực hành.
CÁI GIÁ CỦA SISU
Phần Lan ca ngợi những người hùng chiến tranh và tôn vinh vai trò của từng người lính. Nhưng khi chiến tranh qua đi, mọi sự tập trung đều hướng về việc tái thiết đất nước và tiến lên phía trước. Tổn thương tinh thần của những người trực tiếp tham gia chiến tranh không được chữa lành. Để lại quá khứ phía sau có nghĩa là để những người anh hùng đó tự mình đối phó với áp lực căng thẳng sau chấn thương.
Dĩ nhiên, việc đó là hoàn toàn đúng ở bất kỳ nơi nào lúc bấy giờ, bởi khi đó chúng ta hiểu biết rất ít về những ảnh hưởng to lớn của chấn thương tâm lý đối với đời sống con người. Nhưng ngày nay, chúng ta có khả năng tránh được kiểu tư duy đó.
MẠNH MẼ THỪA NHẬN ĐIỂM YẾU
Thế nào là một anh hùng? Một người có vẻ ngoài mạnh mẽ và một cơ thể khác thường bên trong? Một người chỉ dựa vào sức mạnh của bản thân và không tin tưởng bất kỳ ai khác? Chắc chắn chúng ta có thể làm tốt hơn thế. Ngay cả ở Phần Lan, ý tưởng cô độc chính là sức mạnh cũng dần lung lay. Và chúng tôi bắt đầu nhìn nhận thành công trong cuộc sống là một tổng thể hòa hợp, trong đó cuộc sống gia đình cùng với hạnh phúc cá nhân đóng vai trò quan trọng tương đương với thành công trong sự nghiệp. Đây chính là cách phát triển bền vững.
Suy cho cùng, để đủ mạnh mẽ đến mức có thể thừa nhận điểm yếu của bản thân, bạn sẽ cần có tinh thần sisu.
SỰ HỖ TRỢ TỪ CHUYÊN GIA
Trên thực tế, thỉnh thoảng nhờ đến sự hỗ trợ của các chuyên gia sẽ mang lại lợi ích cho đa số chúng ta. Hoặc đơn giản là lắng nghe quan điểm của một người trung lập cũng có thể rất hữu dụng cho ta. Hãy đặt lịch hẹn với một chuyên gia tư vấn hoặc chuyên gia tâm lý – có thể bạn sẽ thấy việc đến gặp họ định kỳ là hữu ích, hoặc chỉ một, hai buổi tư vấn cũng sẽ giúp bạn tìm được hướng đi mới.