NGÀY, GIỜ mà tôi ra đời thì hẳn là tôi không biết: sự cố đó vẫn là một sự cố nhiên. Song, thường được nghe mẹ tôi và những người thân yêu tôi thuật lại nên tôi tưởng như có trông thấy tôi cất tiếng khóc oe oe khi mới bước ra chào ánh sáng mặt trời. (Tôi nói thế cho có văn vẻ, chứ kỳ thực, cái ánh sáng thứ nhất được tôi chào là ánh sáng một ngọn đèn dầu tây, vì tôi ra đời vào hồi nửa đêm), Độc giả quý mến của tôi đã nhận rõ điều ấy rồi, thì tôi có thể kể chuyện tôi như một người kỳ dị, mà vẫn không sợ độc giả cho là một kẻ khoe khoang, hay khoác lác.
Tôi sinh về thời vua Thành Thái. Tôi nhớ rành mạch rằng năm ấy là năm Dần, vì tôi tuổi Dần, cái tuổi mà người ta bảo sẽ được sung sướng và gặp nhiều điều may mắn lạ thường.
Một nếp nhà năm gian hai chái, lủng củng những cột, ở một huyện lỵ, vì cha tôi hồi ấy trị nhậm một huyện ở vùng bể. Một cái rèm vải tây đỏ ngăn hẳn hai gian ra làm buồng ngủ. Một cái giường lát tre kêu kẽo kẹt khi ta hơi se mình. Một cái màn the cũ màu hồng điều. Đó là nơi sinh trưởng của tôi.
Nếu nơi sinh trưởng có ảnh hưởng đến tính tình của con người, thì tính tình tôi hẳn là buồn rầu, ủ rũ. Còn gì buồn tẻ cho bằng một huyện lỵ nhỏ vùi trong một cát làng không có một tính cách gì riêng gọi là hơi phân biệt nó với những làng bao bọc trong lũy tre xanh, và soi bóng xuống mặt nước phẳng lặng của những thửa ruộng lầy bùn! Mà thực vậy, ngày nay ngắm lại quãng đời dĩ vãng của tôi, tôi thấy nó giống cảnh bùn lầy, nước đọng quá, nghĩa là nó phẳng lỳ, chẳng có một sự dị thường xảy ra.
Đối với con mắt và khối óc tôi thì đời tôi rất tầm thường- mà tầm thường thật. Nhưng đối với con mắt và khối óc kẻ bàng quang, đối với những người đã trông thấy tôi sống thì trái hẳn, đời tôi là một đời náo động, đầy rẫy những sự biến cố phi thường, nhất là về đường tình ái. Họ ao ước được như tôi, họ kết tôi vào tội làm bại hoại phong hóa...
Còn điều gì, còn nết xấu gì mà tôi không có nữa? Nhưng kỳ thực, có gì đâu: Những sự giả dối đã làm cho đời tôi có cái bóng hào nhoáng và khiến tôi đã chịu những nỗi oan ‘‘Thị Kính’’ * đó mà thôi.
Nỗi oan thứ nhất của tôi, tôi gặp ngay khi mới ra đời được một giây. Tôi vừa cất tiếng khóc thứ nhất thì cái đồng hồ treo trên tường bắt đầu đánh chuông, dè dè buông mười một lần. Tôi không biết tôi có khóc đủ mười một tiếng oe oe không, nhưng mẹ tôi quả quyết bảo tôi rằng, đồng hồ im đánh chuông thì tôi cũng im tiếng khóc.
Bà tắm vừa lấy mảnh nứa cắt rốn cho tôi xong thì bà ta nâng tôi lên mà vui mừng reo lớn: ‘‘Con giai’’. Mẹ tôi cảm động quá, ngất đi, và cha tôi sung sướng, tất tả ở nhà ngoài chạy vào: Cậu con trai cả của cha mẹ tôi đã ra đời.
Bà tắm bảo cha tôi:
- Bẩm quan lớn đánh giờ cho cậu cả.
- Giờ gì thế?
- Bẩm đồng hồ vừa đánh mười một giờ.
Cha tôi hơi lúng túng, vì từ mười một giờ đến một giờ thì về giờ Tý, mà từ mười một giờ trở lên thì lại thuộc giờ Hợi. Vậy tôi sinh vào giờ Hợi hay giờ Tý? Trong lúc khó nghĩ, cha tôi liền sai lính đóng ngựa phi vào làng sở tại tìm ông cử Khôi có tiếng giỏi khoa dịch số đến để bàn bạc cho cẩn thận. Nào phải việc tầm thường! Tuổi cậu con trai cả nối nghiệp tông đường mai sau, tính hồ đồ sao được?
Ông cử cưỡi ngựa tức tốc tới ngay, song tuy thế ông ta vẫn còn ngái ngủ, vừa ngáp vừa hỏi cha tôi:
- Thưa, sinh cậu cả đúng mười một giờ?
Bà tắm nói tôi vừa khóc oe thì bà ta nghe đồng hồ bắt đầu đánh chuông. Ông cử liền cất giọng thông thái bảo cha tôi:
- Có tiếng khóc rồi mới có tiếng đồng hồ, vậy thì sinh trước mười một giờ, nghĩa là giờ Hợi.
Cha tôi cũng đành cho là tôi sinh vào giờ Hợi, tuy trong lòng phân vân và phàn nàn thầm rằng tôi thực oái oăm, ra đời chẳng chọn giờ cho dứt khoát.
Nhưng lúc ông cử đánh giờ, thì không may cho tôi quá, giờ Hợi lại là giờ quan sát, nghĩa là một giờ rất xấu. Gặp giờ ấy thì tôi khó mà sống được đến ngày nay.
Cha tôi buồn rầu lo sự, bảo ông cử:
- Hay là ta cứ tính vào giờ Tý?
- Thế sao được.
Cha tôi ngẫm nghĩ:
- Biết đâu cái đồng hồ ấy đã đúng... Phải, biết đâu! Tôi còn cái đồng hồ quả quít nữa kia.
Quả thực cha tôi lên buồng giấy lấy cái đồng hồ bỏ túi xem giờ lại thì nó nhanh hơn cái đồng hồ treo những quá một khắc.
- Đấy, tôi đã bảo đồng hồ treo không đúng mà.
Thế là tôi sinh vào giờ Tý và như vậy, tôi đã tránh được cái giờ quan sát gớm ghê. Ngày nay, tôi thường nghĩ tới sự cheo leo đó mà còn thấy rùng mình, khiếp sợ. Nếu cái đồng hồ nhỏ của cha tôi không chịu khó chạy mau hơn cái đồng hồ treo một khắc thì còn gì là chuỗi ngày xanh mỏng manh của tôi ! Tôi đã chết ngoẻo từ đời tam hoàng ngũ đế nào rồi còn gì. Nhưng giá cứ thế có lẽ cũng xong, tôi càng khỏi mang cái tiếng hão huyền, cái tiếng có số ‘‘đào hoa’’.