Sáng hôm sau, cha mẹ tôi bàn nhau để tìm cho tôi một cái tên xứng đáng, Mẹ tôi muốn đặt tên tôi là Đá, hoặc Sắt, vì mẹ tôi bảo những tên ấy rắn rỏi, chắc chắn, vững vàng, khỏe mạnh. Nhưng cha tôi mỉm cười nói rằng: "Con nhà văn tự không thể có cái tên quá nôm na, mách qué như thế được."
Ấy vì thế mà tên tôi là Văn, Nguyễn Văn.
Ngày nay, tôi thấy tên tôi như thiếu một chữ, thì tôi lại phải chịu rằng mẹ tôi có lý hơn cha tôi. Thà là Đá, là Sắt còn hơn, chứ ai lại là Nguyễn - Văn bao giờ, vì tôi thường nghe đọc những tên Nguyễn Văn nọ Nguyễn Văn kia mà thôi.
Nhưng khi tôi tò mò tra trong tự điền thì tôi thấy chữ Văn có nhiều nghĩa đẹp lắm. Văn là bức tranh, là đồ trang sức, là ỏng ả, là dịu dàng, trong trẻo, sáng sủa. Còn có một nghĩa gì thuộc về nhan sắc mà chữ Văn không có?
Có lẽ tên hoa mỹ ấy đã khiến tôi trở nên trang niên thiếu diễm lệ chẳng? Nếu quả vậy thì quả thực cha tôi gây cho một đời tôi biết bao tai ách: Cái diện mạo tráng lệ của tôi đã gặp toàn những sự chua chát ngoắt ngoéo đến tức cười. Không trách những bà mẹ nhà quê An Nam chỉ tìm những chữ nôm na, xấu xí để đặt tên cho thằng cu, cái đĩ, nghĩ cũng phải.
Người thứ nhất trông thấy tương lai khe khắt của tôi là ông cử Khôi, với cái tài đoán số mệnh như thần của ông.
Hai hôm, sau ngày tôi ra đời, ông cử đã soạn xong lá số Tử vi của tôi, biên cẩn thận giờ nào ngày nào, tháng nào, năm nào, những sự hay, sự dở sẽ xảy ra trong đời tôi một cách chắc chắn, chắc không thế nào tránh được.
Lá sổ ấy (một quyển vở lệnh đóng bìa đỏ), hiện tôi còn âu yếm trịnh trọng cất trong tủ sách. Thỉnh thoảng tôi cũng có mở ra xem, song tôi võ vẽ biết đọc ít nhiều chữ nho, mà khi nhìn những trang giấy đầy chữ mực, chữ son, và khuyên phẩm loè loẹt, tôi vẫn coi như đứng trước một bức vách vậy.
Tôi chỉ nhớ mang máng rằng năm tôi mười tuổi mẹ tôi ngỏ lời muốn hỏi vợ cho tôi, thì cha tôi gạt đi mà rằng:
- Chà! Về đường vợ con thằng cả, bà không vội lo Số Tử vì nó có sao Đào hoa chiếu mệnh thì rồi ngày sau nó chán vợ. Và cung thê thiếp nó có hai sao Nhất, Đồng, thì thế nào mà nó chẳng lấy được vợ hiền.
Sợ mẹ tôi không tin tài dịch toán của mình, cha tôi đọc luôn câu ca lập thành mà cổ nhân đã đặt sẵn để dạy cách đoán mười hai cung Tử vi.
‘‘Nhất, Đồng nhiều vợ mà hiền’’.
Giá những bậc mỹ nhân tôi gặp trên đường đời, mà cứ theo số Tử vi đã định đều trở nên những ‘‘người vợ hiền" của tôi cả, thì đâu đến nỗi ngày nay, ngoài ba mươi tuổi đầu, tôi còn long đong chiếc thân trơ trọi. Hay ít ra, dù chẳng nên bậc vợ hiền đi nữa, những người ấy đã làm cho quãng ngày xanh vô vị của tôi được thêm chút vui tươi êm ấm, dịu dàng, thì tôi cũng cam lòng nhận lời mai mỉa của thế gian.
Nhưng, trời ơi! Nỗi oan uổng của tôi chỉ có một tôi thấu rõ, còn người đời, họ đều tin lá số Tử vi của tôi hơn tin tôi: Họ nhất định cho rằng những người con gái hiền kia, quả thực, trong một thời gian hoặc dài hoặc ngắn, đã bí mật là những người vợ hiền của tôi ở nơi ẩn dật.
Vậy mục đích tôi chép thiên sử ký này là để tỏ nỗi oan uổng độc địa buộc cho tôi mà thôi.
Ai tin tôi thì tôi cám ơn.
Mà ai muốn mãi mãi tin số Tử vi của tôi hơn tôi, tôi cũng đành chịu, chứ biết sao. Chứng cớ rành rành của khoa dịch số, còn ai mà cãi nổi được?