Thế rồi tôi dần dần lớn, mạnh, đẹp ở trong lòng ấm áp của người vú em mũm mĩm, hồng hào, có duyên. Các chị tôi bảo tôi từa tựa có khuôn mặt người vú nuôi tôi, thì tôi cũng biết vậy. Tôi chỉ nhớ một điều (trí nhớ tôi kể cũng khá đấy chứ) là khi đùa bỡn với tôi, u em thường hôn tôi ở hai bên má mà bảo tôi rằng:
- Nao ôi! Em tôi xấu như con chó!
Đó là một cách khen ngợi tôi lắm lắm đấy.
Ngoài những cái hôn kêu chùn chụt làm cho tôi sung sướng cười chảy nước mắt, tôi lại còn ham mê nghe lời hát du đều đều, trong trẻo của u em nữa. Hễ tôi khóc là u em bế tôi ngồi võng đưa kẽo kẹt và cất tiếng hát liền. Không lần nào nghe được nửa bài hát mà cặp mắt thơ ấu của tôi không nhắm nghiền lại. Ngày nay, tôi thường nghe người ta nói mấy cái tờ báo kia có cái mãnh lực ru ngủ độc giả thì tôi không biết đó là lời khen hay lời chê. Song, đối với tôi thì những bài hát của u em nuôi là những áng văn thơ tuyệt tác, đầy những lời dịu dàng, êm ấm của ái tình.
U em quả thực là người đã dạy tôi yêu. Nếu có thể gọi được là ái tình, thì thực đó là ái tình thứ nhất của tôi, ái tình ngây thơ, thành thực nồng nàn, đằm thắm. Chẳng thế mà khi tôi được ba năm, cha mẹ tôi cho vú em về, tôi lăn lộn, tôi khóc lóc, tôi kêu gào! Rồi tôi bỏ cơm đến hai bữa, mất ngủ đến hai đêm.
Thiết tưởng không bao giờ con người lại biểu lộ được sự thương yêu, nhớ tiếc một cách mạnh mẽ được đến như thế.
NHƯNG NGƯỜI VỢ HIỀN THỨ NHẤT CỦA TÔI LÀ MỘT ĐỨA CON GÁI CHĂN BÒ
Năm tôi chín tuổi thời vì một chuyện bất hòa trong gia đình, mẹ tôi rời huyện lỵ đem tôi về nhà quê ở với bà tôi. Cha tôi giữ thế nào cũng không được, đành phải đón cho tôi một ông thầy giáo tây, nghĩa là một người học trò lớp nhất trường Pháp Việt.
Muốn cho trường được đông đúc, ông giáo xin phép mẹ tôi dạy thêm hai người học trò ngoài nữa. Trong hai người ấy, thì một người lớn tuổi hơn thầy, mà có lẽ cũng giỏi hơn thầy. Sự hơn kém ấy, tôi nhận thấy một cách rõ rệt vì câu chuyện một bài tính đố mà thầy giáo không làm nổi và người học trò lớn lên bảng làm xong trong năm phút đồng hồ.
Biết sức học của thầy giáo còn xoàng lắm, lập tức tôi sinh ra lười biếng, luôn luôn bỏ sách đi thả diều và nô đùa với lũ trẻ chăn trâu.
Nếu cứ kể riêng về một khoa Toán Pháp, thì tôi dám quả quyết rằng bọn trẻ chăn trâu giỏi hơn thầy giáo tôi nhiều. Trong một bàn ‘‘luyến’’ có những ô đầy một đống gạch vụn, thế mà chỉ đếm nhầm trong mồm một phút, chúng nó đã biết bốc cửa nào mà đi thì ăn cửa nhà giàu, bốc nhà nào thì ăn cửa quan, bốc cửa nào thì trúng hay gặp ao cá: Bao giờ chúng nó cũng tính đúng như thần, không hề lúng túng, không hề phải làm lại như thầy giáo tôi hí hoáy viết viết, lau lau trên bảng đen.
Vì thế tôi thích món tính luyến đầy thú vị hơn những phép tính cộng, trừ lạt lẽo, và chẳng bao lâu cái trường học thứ hai mà không mấy khi tôi đến trễ đã là nơi cánh đồng cỏ khoáng đãng với những gò đống và những bãi tha ma, với những bạn bè nghèo đói, rách rưới, tục tằn, bẩn thỉu.
Người dạy tôi đánh luyến, đánh chắt, đánh chuyền là một đứa con gái chăn bò: cái Tôm con.
Cái Tôm con tuy già hơn tôi những năm, sáu tuổi, nhưng nó thấp lắm, chỉ đứng cao hơn tôi có một cái đầu, mà người nó thì lại mảnh dẻ, nhỏ nhắn.
Nó yêu tôi ngay từ buổi đầu gặp gỡ. Nó thoáng thấy bóng tôi là nó chạy vội lại rủ tôi đánh luyến. Mà đánh luyến thì bao giờ nó cũng được tôi ít ra là ba, bốn thửa ruộng và ao cá. Vì thế, mỗi lần xong một bàn, tôi lại phải đưa tay ra cho nó búng. Nó nhẹ nhàng nắm bàn tay nhỏ xíu của tôi và se sẽ ‘‘búng yêu’’ vài cái lấy lệ mà thôi. Rồi nó giữ mãi tay tôi trong tay nó, mỉm cười âu yếm nhìn tôi mà bảo cho tôi biết rằng, tôi xinh đẹp, hay xoa đầu tôi, mà khen tóc tơ của tôi mềm và óng ả như tóc con gái vậy. Ngước mắt ngắm mớ tóc rối tung của nó ở dưới cái khăn vuông vải nâu đã rách, tôi không sao nhịn được cười, vì tôi thấy tóc cô con gái chăn bò, bạn tôi, chẳng tơ mà cũng chẳng óng,
Trong các cuộc chơi nghịch với cái Tôm con, tôi sợ nhất là chơi khăng cõng. Vì tôi bé và yếu quá, cõng sao nổi cô bạn gái của tôi. Cái Tôm con thì lại chỉ hay rủ tôi đánh khăng. Tôi nể nó quá cũng phải bằng lòng gượng. Nhưng rồi xét ra, ván nào nó cũng cố để thua tôi: Hình như nó thích cõng tôi lắm. Hễ không may ra nó được tôi, thì nó chỉ ôm lấy cổ tôi để đi mà thôi: Nó vui sướng cười khanh khách và thở hơi nóng vào bên tai tôi làm cho tôi buồn buồn khó chịu.
Thấy cái Tôm con và tôi yêu nhau như thế, bọn trẻ chăn trâu, chăn bò tinh quái gọi đùa là cặp vợ chồng. Tôi tức quá đến phát khóc. Cái Tôm con thì bẽn lẽn, đỏ hây hai má. Lúc bấy giờ, tôi trông thấy nó đẹp lắm.
Đó, người ‘‘vợ hiền’’ thứ nhất của tôi. Nhưng cuộc xum họp ngắn ngủi của chúng tôi chỉ được có ba tháng. Mẹ tôi thấy tôi lười biếng quá, và cả ngày nghịch ngợm, bẩn thỉu, liền gửi cho tôi trọ học ở nhà một thầy giáo dạy trường Pháp Việt tại tỉnh lỵ.
Tôi buồn rầu, thương nhớ người bạn hiền ở lại một mình. Nhưng hai tháng sau, tôi đã quên hẳn cái Tôm con. Được luôn luôn gần gũi với những cô sạch sẽ, xinh đẹp, thơm tho trong các gia đình giàu có, nên khi tưởng đến người bạn xưa, tôi chỉ thấy hiện ra hình ảnh môt kẻ nghèo nàn, rách rưới, ghê tởm.