“T
rước đây khá lâu, có lẽ đã hơn mười lăm năm, một người em họ gọi điện cho tôi khi tôi đang ở một tu viện tại miền Nam Ấn Độ. Em tôi nói rằng một người bạn học cùng trường của cậu ấy đang trải qua căng thẳng và bất an. Em tôi đã hỏi tôi có thể làm gì giúp bạn của cậu ấy hay không. Lúc đó tôi đang bận và đã bảo em nói người bạn hãy đến tìm tôi sau một tháng nữa. Một tuần sau, em tôi gọi điện thông báo cậu bạn ấy đã tự sát. Tôi đã bị sốc và vô cùng buồn bã. Tôi đã có thể giúp cậu ấy nếu tôi có thời gian để gặp cậu ta sớm hơn. Kể từ đó, tôi dành thời gian nghiên cứu về cơ chế của sự căng thẳng diễn ra trong tâm. Tôi đã phát hiện ra một thống kê đáng quan tâm: Trung bình cứ 40 giây trên thế giới có một người chết vì tự sát do căng thẳng và trầm cảm.”
Khangser Rinpoche
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có hơn một triệu người chết vì tự sát. Trung bình cứ 40 giây thì có một người chết vì tự sát, và tỉ lệ người chết vì tự sát đã tăng 60% trong 45 năm qua. Dự báo đến năm 2020, trung bình trên thế giới sau mỗi 20 giây sẽ có một người chết vì tự sát.1 Cũng theo WHO, hơn 90% số người chết vì tự sát đang mắc bệnh rối loạn tinh thần tại thời điểm họ qua đời, và nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tự sát là chứng trầm cảm lâu ngày không được điều trị kịp thời.
1. Theo báo cáo từ WHO: “Suicide and psychiatric diagnosis: a worldwide perspective” https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1489848/(truy cập ngày 18/03/2017)
Trầm cảm không phải là một chứng bệnh bất thình lình xảy đến với chúng ta, mà đó là hệ quả của sự tích tụ lo âu, căng thẳng trong một thời gian dài mà không được giải tỏa. Lo âu và căng thẳng phát sinh vì một số nguyên nhân như: người thân đột ngột qua đời, mối quan hệ bị đổ vỡ, gặp mất mát quá lớn, trải qua bạo bệnh hay tai nạn nghiêm trọng, cảm thấy bản thân luôn thất bại, tuyệt vọng trong cuộc sống... Theo kinh nghiệm của Khangser Rinpoche trong quá trình nghiên cứu và áp dụng các phương pháp trị liệu tinh thần tại một số bệnh viện, sự căng thẳng, phiền muộn phát sinh từ các nguyên nhân kể trên có thể được giải tỏa bằng những phương pháp đơn giản và dễ thực hành. Điều quan trọng là chúng ta cần nhận được hướng dẫn đúng đắn về những phương pháp này và kiên trì áp dụng trong cuộc sống. Khi tâm căng thẳng, bất an được ngăn chặn và giải tỏa kịp thời, chúng ta không những có thể tìm được bình an và hạnh phúc nội tại, mà còn giúp lan tỏa niềm vui sống tới gia đình và cộng đồng xung quanh; và đây là những gì bạn đọc có thể nhận được từ quyển sách này.
Quyển sách SỐNG AN VUI được mở đầu bằng chia sẻ của tác giả về những yếu tố nền tảng tạo nên một đời sống hạnh phúc và an lạc. Các phần tiếp theo của quyển sách trình bày chi tiết phương pháp để giải tỏa căng thẳng, vượt qua sợ hãi và đối trị sân giận. Đồng thời, tác giả còn hướng dẫn chúng ta một số bài tập thật đơn giản để cải thiện đời sống tinh thần lẫn sức khỏe thể chất.
Chúng tôi mong rằng SỐNG AN VUI không chỉ là một “liều thuốc” quý cho bạn đọc, mà còn có thể trở thành món quà yêu thương để chúng ta trao tặng cho người thân và bạn bè, giúp họ tìm lại được niềm an vui mỗi khi gặp căng thẳng, khó khăn trong cuộc sống.
Quá trình dịch thuật và biên tập quyển sách chắc chắn không thể tránh khỏi thiếu sót, và mọi sai sót trong bản dịch này, nếu có, đều là lỗi của dịch giả và ban biên tập Dipkar. Chúng tôi rất mong nhận được sự góp ý tận tình từ quý độc giả và xin nhận mọi phản hồi về quyển sách vào hộp thư điện tử [email protected].
Ban Biên tập DIPKAR
18.03.2017
Bạn phải tìm lại hạnh phúc và an lạc ngay tại nơi bạn mất chúng. Nếu bạn nghĩ rằng mình đã đánh mất hạnh phúc và an lạc trong tâm thì bạn phải tìm lại chúng cũng từ trong tâm.