T
rước hết, tôi không chắc là bạn đã biết nhiều về tôi hay chưa. Tôi là một tu sĩ và tôi có lối sống rất đơn giản. Tôi có rất ít mong muốn trong cuộc sống và sống với rất ít nhu cầu. Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng có những lúc tôi đi đó đây mà không có tiền trong túi, từ châu Á đến châu Âu, từ Tây sang Đông. Nhiều người đã rất ngạc nhiên khi biết điều đó. Một vài học trò đề nghị mở tài khoản ngân hàng cho tôi, tôi có thể mang theo thẻ tín dụng và tiêu tiền khi cần, nhưng tôi đã từ chối. Đó là nguyên tắc của tôi. Tôi là một tu sĩ và tôi lựa chọn sống với ít mong cầu. Đây là vài điều tóm lược về bản thân tôi.
Trước đây khá lâu, có lẽ đã hơn mười lăm năm, một người em họ gọi điện cho tôi khi tôi đang ở một tu viện tại miền Nam Ấn Độ. Em tôi nói rằng một người bạn học cùng trường của cậu ấy đang trải qua căng thẳng và bất an. Em tôi đã hỏi tôi có thể làm gì giúp bạn của cậu ấy hay không. Lúc đó tôi đang bận và đã bảo em nói người bạn hãy đến tìm tôi sau một tháng nữa. Một tuần sau, em tôi gọi điện thông báo cậu bạn ấy đã tự sát. Tôi đã bị sốc và vô cùng buồn bã. Tôi đã có thể giúp cậu ấy nếu tôi có thời gian để gặp cậu ta sớm hơn.
Kể từ đó, tôi dành thời gian nghiên cứu về cơ chế của sự căng thẳng diễn ra trong tâm. Tôi đã phát hiện ra một thống kê đáng quan tâm: Trung bình cứ 40 giây trên thế giới có một người chết vì tự sát do căng thẳng và trầm cảm. Sau đó tôi cố gắng tìm ra một vài giải pháp. Tôi đã phối hợp với một bác sĩ tâm thần, cũng là học trò của tôi, thiết kế chương trình kiểm soát căng thẳng. Tiếp theo, tôi đã áp dụng chương trình ở các bệnh viện và chương trình đã phát huy hiệu quả. Tôi cũng đã cho xuất bản một quyển sách nói về kiểm soát căng thẳng và quyển sách đó đã trở thành sách bán chạy nhất ở Đài Loan hồi tháng 9/2016.
Trước khi đi vào chi tiết các phương pháp kiểm soát căng thẳng và đạt được bình an trong tâm, tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm của bản thân tôi về những yếu tố nền tảng của một đời sống hạnh phúc. Nói về vấn đề này, chúng ta cần tự hỏi bản thân: Ta phải sống như thế nào? Đây là một câu hỏi rất quan trọng. Trong tiếng Anh, “sống” có nghĩa là “LIVE.” Nếu bạn ghi chữ LIVE theo chiều ngược lại thì chuyện gì sẽ xảy ra? Nó trở thành chữ EVIL, nghĩa là xấu ác. Nếu ghi thuận thì nó trở thành LIVE. Trong cuộc đời, điều quan trọng trước tiên là chúng ta phải biết mình nên sống như thế nào. Tôi vẫn thường hay lấy một ví dụ. Khi mua máy tính hoặc điện thoại di động, bạn sẽ nhận được sách hướng dẫn kèm theo máy. Tuy nhiên, khi được sinh ra đời, chúng ta đã không nhận được một quyển cẩm nang để sống hạnh phúc. Ta cần một quyển cẩm nang như thế. Tôi thấy điều này vô cùng quan trọng. Nếu bạn hỏi mọi người “Nên sống như thế nào?” thì bạn sẽ nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Ai cũng có thể trả lời câu hỏi này. Nếu bạn hỏi một thầy giáo, một doanh nhân, hay một bác sĩ…, chắc chắn họ sẽ trả lời bạn, và tôi thấy mọi người có những quan điểm về cuộc sống rất khác nhau.
TRONG CUỘC ĐỜI, ĐIỀU QUAN TRỌNG TRƯỚC TIÊN LÀ CHÚNG TA PHẢI BIẾT MÌNH NÊN SỐNG NHƯ THẾ NÀO.
Một lần nọ, tôi có buổi nói chuyện với tù nhân trong một nhà tù về đề tài lối sống. Một tù nhân đã nói với tôi, “Thầy đến đây nói về những điều rất đẹp đẽ. Với thầy thì nói những điều đẹp đẽ như vậy rất dễ, nhưng với chúng tôi thì không. Chúng tôi phải ở trong nhà tù này trong suốt quãng đời còn lại, còn với thầy thì thật dễ để đến đây nói chuyện rồi ra về.” Tuy nhiên, người tù đó đã không biết một điều. Anh ấy không hiểu rằng tôi là một tu sĩ, và bạn có biết tu sĩ như tôi phải tuân thủ bao nhiêu điều luật không? Bạn có biết gì về những điều luật này không? Tôi phải tuân thủ 253 điều luật. Tuy vậy, việc tuân thủ 253 điều này giúp tôi hạnh phúc hơn. Những điều luật này không hề là áp lực đối với tôi, vì tôi rất vui khi tuân thủ chúng. Khi tôi đến Washington DC nói chuyện về kiểm soát căng thẳng, một người đàn ông đã hỏi tôi về đời sống tu sĩ. Tôi đã nói đùa, “Anh đừng nghĩ đến đời sống của tu sĩ làm gì. Đó thật sự là bi kịch khi phải tuân thủ 253 điều luật.” Từ một góc nhìn thì đó là bi kịch, nhưng theo một góc nhìn khác thì đó lại là niềm vui.
Cần có động lực sống
Trước hết, dù làm gì trong cuộc sống, bạn cũng cần có động lực, hay động cơ. Từ “động cơ” này có thể được diễn giải theo nhiều nghĩa. Tôi nghĩ tất cả mọi người đều có thể làm việc tốt hơn những gì họ đang làm hiện nay. Bạn có tin như vậy không? Hầu hết con người biết rằng họ có thể cải thiện đời sống của mình, và họ biết phải làm gì để cải thiện cuộc sống. Bạn có tin vào điều này không? Nếu mọi người biết rằng họ có thể làm tốt hơn những gì họ đang làm, tại sao họ không làm tốt như thế? Họ biết những phương pháp để cải thiện bản thân, nhưng tại sao họ không tiến hành? Bởi vì họ thiếu động lực.
Khi chúng tôi mới vào tu viện lúc còn nhỏ, thầy tôi dạy rằng chúng tôi phải có động cơ tu thành Phật quả. Tôi đã hỏi một vị thầy lớn “Mất bao lâu để có thể thành Phật?” và vị ấy nói rằng phải mất hàng triệu năm. Lúc đó, tôi nghĩ như vậy lâu quá và tôi không thể thực hiện được. Nhưng bây giờ tôi lại nghĩ mình có thể làm được. Bạn có thể nghĩ tôi bị điên, nhưng tôi vẫn vui với điều đó.
DÙ LÀM GÌ TRONG CUỘC SỐNG, BẠN CŨNG CẦN CÓ ĐỘNG LỰC, HAY ĐỘNG CƠ.
Tôi rất thích một câu chuyện kể về một cậu bé thích đá bóng. Khi cậu bé đi đá bóng, cha cậu thường đi theo và ngồi cạnh sân bóng. Khi đội bóng của cậu chuẩn bị tham gia một giải đấu lớn, cậu bé lại không xuất hiện. Huấn luyện viên ngóng chờ cậu trong suốt nhiều tuần nhưng cậu bé vẫn biệt tăm. Huấn luyện viên không thể chờ lâu hơn nữa và ông đưa đội bóng đến giải đấu. Một hôm, cậu bé đột nhiên xuất hiện và xin huấn luyện viên cho cậu vào thi đấu. Huấn luyện viên nói, “Cậu không tập luyện gần một tháng qua thì làm sao có thể thi đấu được?” Cậu bé nói, “Con không tập luyện trong một tháng nhưng con tin là mình vẫn thi đấu được, và con còn có thể đá tốt hơn trước.” Huấn luyện viên nói, “Trận đấu này rất quan trọng, con không được để đội nhà thua!” và ông cho phép cậu vào sân. Cậu bé đã chơi bóng rất khác thường. Bất cứ đường bóng nào nhận từ đồng đội, cậu bé đều ghi bàn. Sau trận đấu, huấn luyện viên rất kinh ngạc và hỏi, “Thầy chưa từng thấy con chơi hay như thế. Chuyện gì đã xảy ra vậy?” Cậu bé đáp, “Hôm nay rất khác. Hôm nay cha con xem con thi đấu nên con chơi hay hơn.” Huấn luyện viên ngạc nhiên, “Nhưng trước đây lúc nào ông ấy cũng đến sân xem con luyện tập mà!” Cậu bé nói, “Có một bí mật nhỏ. Thật ra thì cha con bị mù và ông ấy không nhìn thấy gì. Cha con mới mất bốn ngày trước và hôm nay ông ấy đang xem con chơi bóng từ thiên đường.” Đó là động lực chơi bóng của cậu bé: cậu tin rằng cha cậu đang theo dõi cậu đá bóng.
Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta thiếu động lực sống, vì vậy ta không thể tiến lên phía trước. Dù chúng ta đang cố gắng làm việc gì, ta nên phát khởi một động cơ rõ ràng là làm việc vì lợi ích của người khác. Thuật ngữ triết học Phật giáo gọi động cơ này là bồ đề tâm. Thuật ngữ bồ đề tâm có gốc từ tiếng Phạn, có thể được diễn giải là tâm luôn nghĩ đến việc làm lợi ích cho người khác. Có hai lối sống: sống cho bản thân và sống vì tha nhân. Bồ đề tâm nghĩa là sống vì mọi người. Đôi lúc chúng ta chỉ sống vì bản thân mình.
Thấu hiểu quy luật tự nhiên
Để có thể sống đúng đắn và hạnh phúc, chúng ta phải thấu hiểu quy luật của tự nhiên. Ở đây, quy luật của tự nhiên chính là luật nhân quả. Luật nhân quả là một quy luật rất đơn giản: mọi sự việc đều có nguyên nhân của chúng. Nếu bạn thấy một hiện tượng thì bạn biết chắc rằng hiện tượng đó có nguyên nhân. Luật nhân quả cũng giống một định luật vật lý: lực nào cũng có phản lực của nó. Bạn phải gieo trước khi bạn gặt. Nếu bạn gieo hạt táo thì sẽ được quả táo, nếu gieo hạt cà thì được quả cà. Trong tâm ta, nếu bạn gieo hạt giống của những tư tưởng thiện lành thì tư tưởng thiện lành sẽ sinh sôi. Nếu bạn gieo hạt giống của tư tưởng tiêu cực thì tư tưởng tiêu cực sẽ xâm chiếm tâm bạn.
Tâm con người giống một mảnh vườn. Nếu bạn không gieo bất cứ hạt giống nào trong vườn thì điều gì sẽ xảy ra? Rêu phong và cỏ dại sẽ sinh sôi. Nếu bạn gieo vào tâm hạt giống của thiện niệm thì thiện niệm sẽ sinh sôi. Nếu bạn gieo hạt giống ác niệm thì ác niệm sẽ phát sinh. Bạn hãy thử nhìn lại bản thân, khi có thời gian rỗi thì những dạng tư tưởng nào phát sinh trong tâm bạn? Tích cực hay tiêu cực, thiện niệm hay ác niệm? Tôi nghĩ đến hơn 70% là tư tưởng tiêu cực sẽ nảy sinh trong tâm con người. Tôi nói đúng không?
QUY LUẬT CỦA TỰ NHIÊN CHÍNH LÀ LUẬT NHÂN QUẢ. LUẬT NHÂN QUẢ LÀ MỘT QUY LUẬT RẤT ĐƠN GIẢN: MỌI SỰ VIỆC ĐỀU CÓ NGUYÊN NHÂN CỦA CHÚNG.
Khi có thể làm phát sinh nhiều suy nghĩ tích cực hơn trong tâm thì chúng ta sẽ hạnh phúc hơn. Hạnh phúc và đau khổ là những cảm xúc rất lạ. Tôi luôn đưa ra một ví dụ. Mỗi khi bạn đạt được một điều gì đó mà bạn rất muốn có, tôi chắc rằng bạn sẽ thấy hạnh phúc. Sau mười ngày, nếu đánh mất điều đó thì bạn sẽ thấy buồn bã hoặc đau khổ. Đây là những điều thường thấy ở con người. Câu hỏi được đặt ra là, niềm vui khi đạt được điều bạn mong muốn, và nỗi khổ vì mất chúng, cảm xúc nào hiện diện lâu hơn? Nỗi đau tồn tại lâu hơn. Vì sao? Có điều gì đó sai trái ở tâm con người. Nếu bạn muốn có câu trả lời theo quan điểm tâm lý học hoặc khoa học, tôi không nghĩ bạn sẽ tìm được lời giải thỏa đáng. Đây không phải là bản tính của tâm con người, vì đối với một số người, niềm vui hiện diện lâu hơn nỗi buồn. Tuy nhiên, tôi chắc rằng với hầu hết mọi người, dù không phải tất cả, nỗi buồn sẽ kéo dài lâu hơn so với niềm vui. Tại sao nó lại diễn ra như vậy?
Giữ kỷ luật cá nhân
Trong đạo Phật có một thuật ngữ là “giới luật.” Nói một cách thông thường thì tôi gọi đó là chuẩn mực đạo đức. Thuật ngữ tiếng Phạn là sila. Tôi không rõ bạn dịch từ này ra tiếng Việt có chính xác hay không. Tôi không thấy có cách dịch chính xác từ này trong tiếng Anh. Từ này cũng tương tự với kỷ luật hay chuẩn mực đạo đức. Tính kỷ luật là một yếu tố quan trọng trong cuộc sống.
Khi tôi tuân thủ 253 điều luật, có những lúc tôi quên luật. Bạn có biết món lẩu không? Một lần nọ tôi có dự một buổi cầu nguyện. Sau buổi cầu nguyện ban tổ chức phục vụ món lẩu. Lúc đó tôi đói bụng và tôi đã lấy rau sống cho vào nồi lẩu. Thật ra, theo giới luật, tu sĩ không được nấu hay luộc rau sống. Sau khi luộc rau và đã ăn rồi thì tôi mới nhớ mình vừa phạm luật.
Giới luật trong đạo Phật có ý nghĩa thật sự là gì? Có phải giới luật là thứ lấy mất tự do của chúng ta hay không? Hay giới luật là thứ có thể sửa chữa những việc làm sai trái của ta? Không, giới luật không mang ý nghĩa như vậy. Có những người hiểu lầm về giới luật và họ cảm thấy giới luật đang lấy mất tự do của họ. Thật sự thì không phải như vậy. Khi một đoàn tàu bị chệch khỏi đường ray thì nó sẽ có tự do, nhưng chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo? Chỉ có thể là tai nạn. Thật ra, giới luật là một trong những điểm chính yếu giúp ta làm chủ bản thân. Giới luật chính là một hướng đi. Tôi nghĩ bạn đã từng nghe nói rằng hướng đi quan trọng hơn tốc độ. Vậy, giới luật là một hướng đi. Khi bước lên máy bay, bạn mong chờ điều gì: một người phi công có tính kỷ luật cao hay một viên phi công chỉ thích làm theo ý riêng của ông ấy? Chắc chắn bạn muốn người phi công có tinh thần kỷ luật cao độ. Điều này rất quan trọng.
Tôi cảm thấy mình rất may mắn khi có cơ hội tuân thủ giới luật. Tuy nhiên, khi tôi du hành đó đây, người dân địa phương hay cảm thấy buồn cười khi nhìn thấy tôi mặc y phục tu sĩ này. Đôi lúc khá khó xử khi mọi người đổ dồn nhìn bạn trong bộ y phục này. Về phần mình, tôi luôn nghĩ trong tâm nguyện cho những ai thấy tôi mặc y phục này sẽ đều nhận được gia trì từ chư Phật. Tôi luôn nguyện cầu như thế. Đó là cách tôi suy nghĩ.
GIỚI LUẬT LÀ MỘT TRONG NHỮNG ĐIỂM CHÍNH YẾU GIÚP TA LÀM CHỦ BẢN THÂN. GIỚI LUẬT CHÍNH LÀ MỘT HƯỚNG ĐI.
Luyện tâm nhẫn nhục
Đức tính nhẫn nhục cũng là một yếu tố quan trọng khác. Một trong những quyển sách yêu thích của tôi là Binh Pháp Tôn Tử. Trong quyển sách đó, Tôn Tử nói rằng khi một vị tướng đem quân ra trận, ông ta phải hết sức nhẫn nhục và không được nổi giận. Ông ta phải vô cùng nhẫn nhục, và đây là một phẩm tính rất quan trọng của một vị tướng.
Khi tôi còn nhỏ, thầy tôi đã kể cho tôi một câu chuyện về đức tính nhẫn nhục. Câu chuyện này rất nổi tiếng trong Phật giáo Tây Tạng. Có một thiền giả dành 9 năm ròng để tu thiền trong một hang động. Ông ta rất chú tâm tu thiền và không biết rằng tóc của ông đã mọc rất dài. Sau 9 năm, ông thoát khỏi trạng thái thiền và thấy tóc mình đã rất dài, tuy nhiên phần tóc bên trái đã bị chuột gặm. Khi thấy tóc mình bị chuột gặm, ông đã hét lên, “Ta sẽ giết con chuột nào gặm tóc ta!” Như vậy thì đâu là lợi ích của 9 năm tu thiền trong hang núi?
Nhẫn nhục là điều rất quan trọng. Khi phải giải quyết vấn đề nào đó, nếu nổi giận thì bạn không thể ra quyết định chính xác. Do bị tác động bởi hoàn cảnh và môi trường xung quanh, nhiều người trở nên rất căng thẳng và dễ nổi giận. Từ đó họ dễ trở thành người nóng tính. Theo tôi, kỷ luật và nhẫn nhục là những đức tính rất quan trọng trong cuộc sống, nhất là với những người giữ vai trò lãnh đạo. Bạn cần phải có tinh thần kỷ luật cao độ và biết nhẫn nhịn.
Tôi thường chia sẻ một câu chuyện về bản thân tôi. Nhiều năm về trước tôi là một tu sĩ nóng tính. Bằng cách thực hành nhẫn nhục, tôi đã thật sự thay đổi nhiều. Tôi trở nên điềm tĩnh hơn. Tôi có thể nói rằng tôi đã thành công trong việc kiểm soát cơn giận. Trong đạo Phật, sự thực hành này được gọi là “nhẫn nhục.” Có một mẩu chuyện nổi tiếng ở thời đức Phật về nhẫn nhục. Có người đến tranh luận với đức Phật và trong lúc tranh luận, người đó đã nổi giận và nhục mạ Phật. Không những vậy, ông ta còn nhổ vào mặt Phật. Khi bị người đối diện nhổ vào mặt, đức Phật vẫn mỉm cười. Tối hôm đó, người nhổ vào mặt Phật đã không thể nào chợp mắt vì ông ta thắc mắc tại sao đức Phật vẫn có thể điềm tĩnh đến như vậy khi bị người khác nhổ vào mặt. Đây là một mẩu chuyện chúng tôi thường được nghe khi còn nhỏ.
Kiểm soát lòng tham
Căng thẳng trong tâm có liên hệ mật thiết đến lòng tham. Ở đây, bạn cần biết rằng lòng tham và khát vọng là hai điều rất khác nhau. Khát vọng là yếu tố then chốt đưa đến thành công, chứ không phải lòng tham. Chúng ta phân biệt giữa lòng tham và khát vọng như thế nào? Có một câu nói, “Khát vọng có thể được thỏa mãn nhưng lòng tham thì không.” Khát vọng có thể được thỏa mãn, nhưng hoàn toàn không thể thỏa mãn lòng tham. Có một câu chuyện kể về một vị vua gặp một nông dân nghèo. Vị vua nói rằng ngài sẽ ban cho người nông dân nghèo một mảnh đất rộng lớn. Người nông dân nghèo sửng sốt hỏi vua, “Ngài ban cho tôi mảnh đất lớn cỡ nào?” Vua đáp, “Sáng mai ông chỉ cần đi liên tục, ông đi được bao xa thì trẫm sẽ ban cho ông bấy nhiêu đất. Nhưng trẫm có một điều kiện là ông phải trở về nơi xuất phát trước khi mặt trời lặn.” Người nông dân mừng rỡ và nghĩ rằng ông ấy có thể lấy được một vùng đất rộng lớn. Sáng hôm sau, ông ấy bắt đầu đi, và ông cứ đi mãi, nhưng ông đã quên điều kiện của vua. Chỉ khi mặt trời đã lặn thì ông mới sực nhớ đến điều kiện. Đó chính là lòng tham. Lòng tham khiến bạn mù quáng, còn khát vọng không khiến bạn mù quáng.
KHÁT VỌNG CÓ THỂ ĐƯỢC THỎA MÃN, NHƯNG HOÀN TOÀN KHÔNG THỂ THỎA MÃN LÒNG THAM.
Tôi nghĩ bạn đã nghe chuyện kể về một ông vua vô cùng tham lam. Ông đã xin Thượng Đế ban cho ông quyền năng để biến tất cả những thứ ông chạm vào thành vàng. Thượng Đế đồng ý và ban cho vua phép màu như ông ta mong ước. Thế là, khi nhà vua chạm tay vào lâu đài, thành quách…, tất cả đều ngay lập tức biến thành vàng! Nhà vua lúc ấy cảm thấy quá đỗi vui mừng. Và rồi sau đó, khi vua ngồi vào bàn ăn thì tất cả những món ăn mà ông chạm tay vào cũng đều biến thành vàng nốt. Vô tình, nhà vua chạm tay vào con gái của mình và ngay lập tức, nàng công chúa biến thành một pho tượng bằng vàng. Lúc ấy nhà vua mới bắt đầu cảm thấy hối hận. Vua khóc lóc thảm thiết, thỉnh cầu Thượng Đế hãy lấy lại quyền năng đó và trả lại cho ông cô công chúa như xưa. Lòng tham thường khiến chúng ta mù quáng. Chúng ta chỉ có thể đối trị lòng tham bằng một cách duy nhất, đó là rèn luyện tâm biết đủ (tri túc).
Một nguyên nhân khiến lòng tham phát sinh là chúng ta không cảm nhận được giá trị của những gì mình đang sở hữu. Chúng ta không thể nhìn thấy những gì mình đang có vì ta chỉ nhìn vào những người đang sở hữu những thứ mình không có, ta không nhìn vào những người không thể có những gì mình đang sở hữu. Tôi được sinh ra ở Nepal và sau đó được đưa đến Ấn Độ. Nepal là một nước rất nghèo, có rất nhiều người nghèo. Cuộc sống rất vất vả và gian nan. Tôi tận mắt chứng kiến cảnh khổ của họ, vì vậy tôi cảm nhận được nỗi đau rất mãnh liệt. Vấn đề lớn nhất ở Nepal là rất khó để người dân có được nước sạch để uống. Để có nước sạch họ phải xếp hàng rất dài, đặc biệt là trong mùa đông. Do vậy, khi tôi được mời đi ăn ở nhà hàng, tôi thường chỉ dùng một cái đĩa duy nhất suốt bữa ăn. Tôi không đổi đĩa ăn vì tôi nghĩ làm như vậy có thể tiết kiệm nước rửa bát đĩa. Tôi chắc rằng không đổi đĩa ăn có thể tiết kiệm được khoảng một, hai lít nước. Tôi tin rằng nếu tôi cố gắng thực hiện điều này trong suốt cuộc đời mình thì khoảng 30-40 năm sau, tôi hy vọng sẽ có nhiều người hơn hưởng ứng cùng tôi. Hiện tại thì tôi vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc này. Ở vài nơi, khi tôi không thay đĩa ăn, người phục vụ nhà hàng đề nghị tôi thay đĩa, nếu không thì khi tôi chạm thìa lấy thức ăn chung vào cái đĩa đã dùng, người khác sẽ cảm thấy cái thìa bị làm bẩn. Tôi gặp những khó khăn như vậy, nhưng đó không phải là vấn đề lớn. Ý tôi là ở Nepal, người dân đang gặp rất nhiều khó khăn, và nếu bạn có thể chứng kiến những khó khăn đó thì bạn sẽ cảm thấy mình thật sự may mắn. Đôi lúc chúng ta không nhớ mình đã và đang may mắn ra sao. Khi có thể nhìn thấu những khó khăn mà người khác phải đối mặt thì bạn sẽ thấy cuộc đời mình thật sự là một ân phước.
MỘT NGUYÊN NHÂN KHIẾN LÒNG THAM PHÁT SINH LÀ CHÚNG TA KHÔNG CẢM NHẬN ĐƯỢC GIÁ TRỊ CỦA NHỮNG GÌ MÌNH ĐANG SỞ HỮU.
Bớt kỳ vọng vào kết quả
Trong cuộc sống, chúng ta thường kỳ vọng rất cao vào kết quả của những việc mình đang làm; đây là điều tệ hại nhất. Dù bạn làm bất cứ việc gì, hãy làm thật đúng đắn và đừng kỳ vọng quá nhiều vào kết quả. Khi mua vé số bạn luôn kỳ vọng thắng giải nhất, có phải vậy không? Một triệu đô-la! Bạn kỳ vọng quá cao. Khi mua vé số, bạn chỉ nên mua thôi và đừng kỳ vọng quá nhiều. Nhiều lúc bạn kỳ vọng quá nhiều, thậm chí kỳ vọng vào những điều không thực tế. Chúng ta thật sự đang sai lầm. Dù bạn làm bất cứ điều gì, hãy chỉ làm hết sức mà thôi, đừng quá kỳ vọng vào kết quả, vì đôi khi những kết quả như bạn kỳ vọng sẽ không đến.
Tại nơi tôi đang sống, khi không có nắng thì trời rất lạnh. Có lúc nhiệt độ xuống đến 5-6 độ C, và những lúc đó tôi ước gì có nắng ấm. Nhưng mặt trời sẽ không tỏa nắng theo ước muốn của tôi, vì vậy tôi phải điều chỉnh cách suy nghĩ của mình. Khi tôi muốn có nắng nhưng trời không có nắng, tôi phải thay đổi suy nghĩ của bản thân và nghĩ “Được thôi! Tôi chấp nhận.” Đôi khi bạn quá kỳ vọng vào kết quả và khi nó không đến thì bạn cảm thấy rất khó chấp nhận. Nếu bạn không thể chấp nhận thì nó trở thành khó khăn. Với mọi vấn đề, nếu bạn biết chấp nhận thì nó sẽ không trở thành khó khăn, nếu không thể chấp nhận thì điều đó sẽ trở thành khó khăn.
Thế giới này và vũ trụ này vận hành theo quy luật của riêng chúng, quy luật về nghiệp; chúng không vận hành theo mong ước của ta. Bạn phải hiểu rõ điều này. Vì vậy, dù bạn làm bất cứ điều gì, hãy làm thật đúng đắn và chỉn chu, đừng kỳ vọng quá mức vào kết quả. Nếu bạn không quá kỳ vọng vào kết quả thì khi đạt được thành quả lớn, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn. Nếu bạn kỳ vọng quá cao thì dù có đạt được kết quả tốt, bạn sẽ cảm thấy không mấy hạnh phúc.
Không nuông chiều bản ngã
Nếu bạn biết thức ăn có độc thì bạn có ăn không? Khi chuẩn bị làm bất cứ điều gì, trước hết bạn phải suy xét xem hành động đó có giống thức ăn có độc hay không. Đôi lúc, khi hành động hoặc ra quyết định, chúng ta không thấy được bức tranh toàn cảnh, mà bạn hành động hay quyết định chỉ để thỏa mãn bản ngã. Điều này giống như bạn đang ăn thức ăn có độc. Trước khi ra bất cứ quyết định nào, bạn phải thấy được bức tranh toàn cảnh. Đôi lúc chúng ta quyết định chỉ để thỏa mãn bản ngã. Ví dụ, nếu có người nặng lời với bạn, vì bản ngã nên bạn không thể chấp nhận những lời lẽ đó, và rồi bạn đáp trả họ bằng lời nói thô lỗ. Bạn nói nặng với người khác vì làm như vậy thỏa mãn bản ngã của bạn. Bạn không thấy bức tranh toàn cảnh, bạn không suy xét xem làm như vậy có giúp bạn hay giúp người kia hay không.
DÙ BẠN LÀM BẤT CỨ ĐIỀU GÌ, HÃY LÀM THẬT ĐÚNG ĐẮN VÀ CHỈN CHU, ĐỪNG KỲ VỌNG QUÁ MỨC VÀO KẾT QUẢ.
Tương tự, khi bạn có xích mích với ai đó, thường thì bạn và người đó sẽ không nói chuyện với nhau nữa. Các bạn ngừng trò chuyện chỉ để thỏa mãn bản ngã mà không có cái nhìn toàn cảnh. Khi bạn ngừng nói chuyện thì sẽ nảy sinh nhiều sự hiểu lầm hơn nữa, và bạn khiến cho mối quan hệ với người kia trở nên tệ hơn. Điều này hay xảy ra trong xã hội.
Dù bạn làm gì hay quyết định điều gì, trước hết bạn phải có cái nhìn toàn cảnh. Khi bạn hành động với tâm phiền não hoặc chỉ để thỏa mãn bản ngã, điều đó giống như bạn đang ăn thức ăn có độc. Mỗi khi phải ra quyết định, bạn phải có bức tranh toàn cảnh trong tâm, đừng làm chỉ để thỏa mãn cơn giận hay bản ngã. Điều này có nghĩa là hành động hay quyết định của bạn không nên dựa trên bản ngã, lòng ganh tị hay sự tức giận… Bạn phải luôn nghĩ đến bức tranh toàn cảnh. Khi hành động của bạn được thôi thúc bởi bản ngã, sân giận…, dù làm gì thì bạn cũng cảm thấy mình đúng, nhưng điều đó giống như bạn đang ăn thức ăn có độc.
Liên tục đối trị phiền não
Mỗi khi nhận ra mình nổi giận, ganh tị…, bạn phải luôn áp dụng biện pháp đối trị. Khi bạn nhận ra phiền não nảy sinh trong tâm, bạn không nên ngồi yên mà không làm gì. Hầu hết mọi người không làm gì cả khi họ nhận ra phiền não phát sinh. Bạn không nên ngồi yên. Tâm bạn phải tỉnh táo hơn, phải chủ động hơn trong việc áp dụng các biện pháp đối trị nhằm loại bỏ phiền não. Khi các phiền não như đau khổ, ganh tị, sân giận… phát sinh trong tâm, trước hết bạn hãy tự hỏi bản thân vì sao bạn phải sống khổ như thế. Tiếp theo, hãy hỏi bản thân “Đau khổ có giúp cải thiện vấn đề hay không?” Không, nó không giúp gì cả. Và bạn nghĩ “Vậy thì tại sao mình phải đau khổ?” Khi phiền não phát sinh trong tâm, bạn không nên để yên mà phải cố gắng áp dụng các biện pháp đối trị các phiền não đó.
Biện pháp đối trị phiền não phải được áp dụng từ trong tâm, bạn đừng cố gắng tìm cách giải quyết từ bên ngoài. Tôi kể một câu chuyện đã có từ xưa. Một buổi nọ khi trời đã khuya, một người phụ nữ liên tục tìm kiếm một vật gì đó trên đường bên ngoài ngôi nhà của bà ấy. Một người đàn ông thấy vậy và đến hỏi, “Bà đang tìm cái gì vậy?” Người phụ nữ nói, “Tôi làm rơi một cây kim và tôi đang tìm cây kim.” Người đàn ông hỏi, “Bà làm rơi cây kim ở đâu?” Bà ấy đáp, “Tôi làm rơi cây kim trong nhà tôi.” Người đàn ông rất ngạc nhiên hỏi, “Bà làm rơi cây kim trong nhà, tại sao bà lại tìm ở ngoài đường?” Người phụ nữ đáp, “Tôi không thể tìm trong nhà vì nhà tôi bị mất điện, trong đó rất tối. Ở ngoài đây có đèn đường, mặt đường rất sáng nên tôi nghĩ dễ tìm hơn.” Đây là một mẩu chuyện vui đã có từ rất lâu. Điều đáng quan tâm trong mẩu chuyện này là câu hỏi của người đàn ông: Bà đánh rơi cây kim ở đâu? Chúng ta cũng phải tự hỏi bản thân “Tôi đã đánh rơi hạnh phúc và an lạc nội tâm ở đâu?” Bạn phải tìm lại hạnh phúc và an lạc ngay tại nơi bạn mất chúng. Nếu bạn nghĩ rằng mình đã đánh mất hạnh phúc và an lạc trong tâm thì bạn phải tìm lại chúng cũng từ trong tâm. Bạn đừng như người phụ nữ kia: đánh rơi cây kim trong nhà nhưng lại tìm kim ngoài đường. Mọi thứ đều phát sinh trong tâm bạn, vì vậy bạn phải tìm phương án từ trong tâm, phải thay đổi đường lối tư duy.
TÂM BẠN PHẢI TỈNH TÁO HƠN, PHẢI CHỦ ĐỘNG HƠN TRONG VIỆC ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP LOẠI BỎ PHIỀN NÃO.
Nếu quan sát những đứa trẻ, bạn sẽ thấy tâm của trẻ nhỏ mang nhiều suy nghĩ tích cực hơn. Chỉ khi những đứa trẻ lớn lên, tư tưởng tiêu cực sẽ xâm chiếm hầu hết tâm trí họ. Tại sao? Vì họ hoàn toàn không cưỡng lại các tư tưởng tiêu cực trong tâm mình. Tư tưởng tiêu cực như một chứng bệnh, nó sinh sôi mà không cần đến một lý lẽ thích đáng nào. Nếu bạn nhìn các tế bào ung thư trong cơ thể, chúng phát triển mà không có nguyên nhân rõ ràng nào. Tư tưởng tích cực không bao giờ tăng trưởng mà không cần nguyên nhân phù hợp, vì tư tưởng tích cực không phải là một chứng bệnh. Bạn phải nuôi dưỡng tư tưởng tích cực thì nó mới có thể tăng trưởng. Bạn không cần nuôi dưỡng tư tưởng tiêu cực, nó sẽ tự nhiên sinh sôi mà không cần lý lẽ thích hợp, vì tư tưởng tiêu cực là một chứng bệnh.
Hỏi - đáp
Hỏi: Khi đi làm mình vẫn cố làm tốt để mong được thưởng. Như vậy có phải là tham hay không?
Rinpoche: Khi chúng ta làm việc chăm chỉ, cố gắng để có nhiều tiền lương hơn thì đó không phải là tham lam. Nếu bạn nói “Tôi sẽ mua điện thoại cho tôi, mua xe cho tôi” thì đó là tham. Tuy nhiên, nếu với số tiền lương đó, bạn nói rằng mình sẽ mua điện thoại cho các con, mua một chiếc máy vi tính cho chồng thì đó là quyết định đúng đắn. Chỉ có bạn mới biết cách mình sử dụng tiền lương đó có phải là tham hay không. Cố gắng làm việc để kiếm được nhiều tiền hơn là một điều tốt. Tuy nhiên, chính bạn phải suy nghĩ mình sẽ sử dụng số tiền đó như thế nào. Khi chi tiêu cho bản thân ít lại, đóng góp cho gia đình nhiều hơn thì không phải là tham, đó là một cách sống đầy ý nghĩa.
Thông thường, với tiền lương ít ỏi ban đầu, bạn sẽ mua những loại nước hoa bình thường. Khi lương cao hơn, bạn sẽ nghĩ đến việc mua các loại nước hoa phương Tây đắt tiền như Gucci, Armani… Đó mới thật sự là tham. Khi bạn đang sử dụng nước hoa thông thường nhưng nghĩ rằng nước hoa Armani sẽ hợp với chồng mình, hoặc nước hoa Gucci sẽ hợp với vợ mình thì đó không phải là tham, đó là nghĩ cho người khác. Làm việc chăm chỉ để có nhiều tiền là một điều đúng đắn. Khi đã có tiền, bạn nên chi tiêu cho người khác hoặc cho các thành viên gia đình nhiều hơn. Khi đó, hành động của bạn sẽ trở thành chân chính, mang lại lợi lạc cho người khác.
Tôi sẽ nói một điều từ kinh nghiệm của tôi, tuy không liên quan nhiều đến vấn đề này. Tôi sinh ra ở Nepal, một đất nước rất nghèo. Một lần nọ, tôi về Nepal để làm lại hộ chiếu. Văn phòng làm hộ chiếu mở cửa khoảng 8 giờ sáng, nhưng mọi người đã đứng xếp hàng từ 5 giờ sáng. Tôi rất may mắn vì có học trò đứng xếp hàng thay tôi, cho đến khoảng 8 giờ thì họ gọi tôi ra để lấy hộ chiếu. Lúc đó có đến bốn trăm đến năm trăm người đứng xếp hàng, nhưng chỉ có một người phát số và vé để đi vào làm hộ chiếu. Chúng tôi có đến bốn, năm trăm người đang đứng xếp hàng, vậy mà chỉ có một nhân viên giải quyết công việc! Trong khi đứng đợi, tôi đã hỏi mọi người cảm giác của họ như thế nào. Có người kể với tôi rằng, họ từ một làng quê lên thủ đô Kathmandu trước đó ba ngày để làm hộ chiếu. Họ không có người thân ở Kathmandu nên phải đứng xếp hàng từ hôm trước, nhưng vẫn chưa đến lượt họ. Hôm đó đã là ngày xếp hàng thứ hai của họ. Thật sự tôi gần như bật khóc khi nghe như vậy. Tôi nghĩ rằng nếu chính phủ có thể bổ nhiệm thêm một nhân viên ở quầy làm hộ chiếu thì sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề. Tôi đã nói chuyện với một trong những học trò của mình, anh ta làm việc trong văn phòng chính phủ. Tôi nói với anh ta hãy phân công thêm một nhân viên nữa, và tôi sẽ tìm được nguồn tài trợ để trả lương cho nhân viên đó. Số tiền đó không lớn, chỉ khoảng 60 đến 70 USD một tháng. Tôi đã hỏi anh ta có thể bổ nhiệm thêm một nhân viên nữa hay không, việc này sẽ giúp cho rất nhiều người. Tôi đã đề nghị như vậy nhưng cho đến nay tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời rõ ràng từ phía họ. Câu chuyện này không mấy liên quan ở đây, nhưng ý tôi là nếu bạn có thể dùng tiền lương để hỗ trợ cho người nghèo hoặc hỗ trợ giáo dục cho trẻ em nghèo thì thật sự rất tốt.
Hỏi: Mong muốn con mình học giỏi nhất lớp có phải là tham hay không?
Rinpoche: Khi chúng ta muốn con cái đạt vị trí đầu lớp thì đó không phải là tham. Nhưng bạn phải cẩn thận trong việc áp dụng thực tế. Thông thường, khi các em mang bảng điểm về nhà, phụ huynh sẽ chỉ so sánh điểm của con mình với điểm của con nhà hàng xóm. Bạn không nên làm như vậy. Bạn chỉ nên động viên con mình cố gắng đạt điểm tốt nhất trong khả năng các em, đừng yêu cầu các em phải đạt điểm cao nhất ở trường. Nếu con bạn đạt điểm 6 thì hãy bảo các em cố gắng đạt được điểm 8. Khi con bạn đạt điểm 8, hãy động viên để chúng được điểm 9. Đừng khuyên con mình phải vượt qua đứa trẻ này hay đứa trẻ khác, nếu làm như vậy thì bạn bè sẽ trở thành mục tiêu ganh đua của con bạn, và những vấn đề rắc rối khác sẽ phát sinh. Việc bạn cần làm là hãy khuyến khích các em đạt điểm cao hơn. Khi con mình đạt điểm 9 thì động viên chúng đạt điểm 10. Khi con bạn đạt điểm 10 thì bạn phải giữ im lặng. Sự im lặng này gọi là sự im lặng cao quý. Khi đức Phật giác ngộ, ngài đã giữ im lặng suốt 49 ngày. Một số người gọi đó là sự im lặng cao quý. Khi con bạn đạt được điểm 10 thì hãy giữ sự im lặng cao quý.
* * *
Nhiều người thường hỏi tôi, “Đâu là ý nghĩa của cuộc đời này? Mục đích của cuộc sống này là gì?” Tôi thường trả lời rất đơn giản: Mục đích và ý nghĩa của cuộc đời là sống hạnh phúc. Tôi biết rằng ai cũng muốn sống hạnh phúc nhưng cuộc sống đôi lúc có nhiều khó khăn, thử thách khiến chúng ta đau khổ và làm phát sinh trong tâm ta sự căng thẳng, bất an.