T
rong chương này tôi sẽ chia sẻ một số phương pháp giải tỏa căng thẳng trong tâm. Khi tôi gặp gỡ mọi người, họ thường nghĩ tôi sắp nói về những vấn đề liên quan đến tôn giáo. Tôi luôn nói rằng tôn giáo hay tín ngưỡng là những vấn đề cá nhân. Bạn có thể quyết định mình theo tôn giáo nào, không ai quan tâm cả. Bạn có phải là Phật tử hay không, điều này ai quan tâm? Tuy nhiên, ta cần biết rằng chúng ta đã được sinh ra làm người, và ngay từ khi chào đời ta đã có quyền được sống hạnh phúc. Đó là quyền của tất cả mọi người. Tôi biết có nhiều người đã theo một tôn giáo trong nhiều năm, nhưng họ vẫn không thể sống hạnh phúc. Nếu vậy thì đâu là lợi ích của việc theo một tôn giáo? Những phương pháp mà tôi sắp chia sẻ dưới đây hoàn toàn không liên quan đến bất cứ tôn giáo nào. Ai cũng có thể thực hành dù bạn có tín ngưỡng hoặc có theo tôn giáo hay không.
Trước đây tôi đã đến nhiều nơi, gặp nhiều người, và họ thường hỏi tôi, “Đâu là ý nghĩa của cuộc đời này? Mục đích của cuộc sống này là gì?” Tôi thường trả lời rất đơn giản: Mục đích và ý nghĩa của cuộc đời là sống hạnh phúc. Tôi biết rằng ai cũng muốn sống hạnh phúc nhưng cuộc sống đôi lúc có nhiều khó khăn, thử thách khiến chúng ta đau khổ và làm phát sinh trong tâm ta sự căng thẳng, bất an.
Bạn cần biết căng thẳng rất có hại đến sức khỏe. Càng lớn tuổi thì tác hại của căng thẳng lên sức khỏe sẽ càng rõ rệt. Hiện tại, căng thẳng và trầm cảm đang xảy ra ở độ tuổi rất trẻ. Từ trước đến nay, có bao giờ bạn cảm thấy tuyệt vọng? Có bao giờ bạn cảm thấy mình sẽ không thể làm được những gì mình khao khát? Có bao giờ bạn cảm thấy để sinh tồn thật quá khó khăn? Có bao giờ bạn cảm thấy lối sống của mình hoàn toàn vô dụng? Nếu có một trong bốn tư tưởng này, bạn nên thận trọng. Đó chính là những dấu hiệu bắt đầu của chứng trầm cảm. Tôi không dọa bạn. Hiện có rất nhiều người đang bị trầm cảm.
Bằng một vài thay đổi trong cách suy nghĩ, bạn có thể vượt qua căng thẳng và trầm cảm. Dùng thuốc chữa trầm cảm mang đến rất nhiều tác dụng phụ không tốt cho sức khỏe. Chúng tôi đã tiến hành nhiều nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực cận tâm lý học, về cơ chế vận hành của tâm nên tôi biết khá rõ. Tôi vừa đưa ra bốn câu hỏi. Nếu gặp một trong bốn vấn đề này thì bạn cần hết sức thận trọng. Chúng là dấu hiệu cho thấy bạn bắt đầu bị trầm cảm. Tuy nhiên, bạn không cần phải sợ hãi vì chúng có thể được chữa lành.
CHÚNG TA ĐÃ ĐƯỢC SINH RA LÀM NGƯỜI, VÀ NGAY TỪ KHI CHÀO ĐỜI TA ĐÃ CÓ QUYỀN ĐƯỢC SỐNG HẠNH PHÚC.
Những phương pháp giải tỏa căng thẳng mà tôi sắp giới thiệu rất đơn giản. Tôi đã áp dụng những phương pháp này tại một số bệnh viện, đặc biệt là những nơi bệnh nhân đang bị căng thẳng và trầm cảm. Tôi đã thực hiện chương trình này với sự trợ giúp từ một bác sĩ tâm thần, cũng là học trò của tôi. Chương trình đã được áp dụng lần đầu ở Đài Loan và đạt được kết quả tích cực, nhất là đối với những người đang trải qua căng thẳng, bất an, và trầm cảm.
Nếu tìm trên Google cách sống hạnh phúc và giải tỏa căng thẳng, bạn sẽ có được hàng ngàn câu trả lời. Có một công ty chế tạo ra một siêu máy tính, và công ty đó tuyên bố nếu ai đặt câu hỏi khiến cho siêu máy tính không thể trả lời thì người đó sẽ nhận được giải thưởng rất lớn. Nhiều người đã hỏi những câu hỏi khác nhau và siêu máy tính luôn đưa ra câu trả lời chính xác cho từng câu hỏi chỉ trong vài giây. Cuối cùng có một người đến đặt một câu hỏi khiến cho siêu máy tính dù đã phân tích hàng giờ nhưng vẫn không có câu trả lời. Người đó đã hỏi rất đơn giản, “Bạn cảm thấy thế nào khi bản thân là một cái máy tính?” Các cỗ máy tìm kiếm có thể đưa ra hàng ngàn phương pháp sống hạnh phúc, nhưng chúng hoàn toàn không có kinh nghiệm trong việc áp dụng các phương pháp đó. Những gì tôi sắp hướng dẫn đều đến từ kinh nghiệm của chính tôi. Đạo Phật gọi quá trình này là “thực hành và thiền quán,” và theo ngôn ngữ đời thường là “thực hành và trải nghiệm.” Đây chính là sự khác biệt nhỏ giữa kết quả tìm kiếm trên mạng và chỉ dẫn của tôi.
Nghịch lý trong tâm con người
Tâm con người rất kỳ lạ và phức tạp. Tôi vẫn thường lấy một ví dụ đơn giản. Nếu bạn có được một món đồ mình ưa thích thì chắc rằng bạn sẽ rất vui. Vài ngày sau, nếu không may bạn làm mất món đồ đó thì bạn sẽ rất buồn. Câu hỏi được đặt ra ở đây là giữa niềm vui có được món đồ mình ưa thích và nỗi buồn bị mất món đồ đó, cảm xúc nào tồn tại lâu hơn? Nỗi buồn sẽ hiện diện lâu hơn. Nếu phân tích thì bạn sẽ thấy rất vô lý, bạn đạt được một vật và đánh mất cũng chính vật đó, tại sao nỗi buồn lại tồn tại lâu hơn niềm vui? Vậy mà tình huống này luôn diễn ra trong cuộc sống của chúng ta. Sự việc này không tự nhiên diễn ra mà do chính chúng ta khiến nó diễn ra như vậy.
Vì sao nỗi buồn bị mất một món đồ lại kéo dài hơn so với niềm vui có được chính món đồ ấy? Nguyên nhân rất đơn giản, và tôi sẽ nói về nguyên nhân này qua một câu chuyện. Có một người đàn ông nhờ tôi cầu nguyện cho đời sống hôn nhân của anh ta. Anh ta dự định sẽ kết hôn trong tuần sau đó. Tôi hỏi anh ta, “Tại sao anh muốn cưới cô gái ấy?” Anh ta nói rằng nếu cưới người bạn đó thì anh sẽ hạnh phúc. Tôi đã nói với anh ta, “Anh nghĩ như vậy rất sai lầm. Anh không nên suy nghĩ như vậy khi cưới cô ấy. Anh nên cưới cô ấy với suy nghĩ sẽ làm cô ấy hạnh phúc hơn.” Đôi khi chúng ta chỉ biết nghĩ cho bản thân mình. Nếu tập trung quá nhiều vào bản thân, khi đánh mất những gì gần gũi với mình, chúng ta sẽ đau khổ hơn, và khi đạt được thành quả nào đó, hạnh phúc sẽ ngắn ngủi hơn. Khi quá tập trung vào bản thân, bạn sẽ không thấy những gì mình đã đạt được và đang sở hữu, bạn chỉ thấy những gì mình đã đánh mất và hiện không có. Đó là vấn đề về cách nhìn nhận, vấn đề không nằm ở hoàn cảnh bên ngoài. Nếu bạn không biết cách nhìn nhận hoàn cảnh một cách đúng đắn thì căng thẳng sẽ trỗi dậy trong tâm.
KHI QUÁ TẬP TRUNG VÀO BẢN THÂN, BẠN SẼ KHÔNG THẤY NHỮNG GÌ MÌNH ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC VÀ ĐANG SỞ HỮU, BẠN CHỈ THẤY NHỮNG GÌ MÌNH ĐÃ ĐÁNH MẤT VÀ HIỆN KHÔNG CÓ.
Tôi sẽ đưa ra một ví dụ nữa cho thấy tâm con người phức tạp ra sao. Có một người đệ tử đến chỗ của thầy mình và xin thầy dạy cho ông ta vài phương pháp thiền. Vị thầy nói với ông rằng thiền rất đơn giản, ông có thể thiền về bất cứ điều gì, ngoại trừ con khỉ. Bây giờ chắc chắn bạn đã biết cái gì hiện lên trong tâm người đệ tử khi ông ta hành thiền, tôi không cần phải nói ra nữa. Khi Chúa dặn dò Adam không được ăn trái táo, ông Adam lại nghĩ “Có lẽ mình nên ăn trái táo.” Nếu Chúa dặn “Ông phải ăn trái táo! Ông phải ăn!” thì có lẽ Adam đã không ăn trái táo!
Ở thế kỷ XXI này, chúng ta thường phải làm việc rất chăm chỉ. Là con người nhưng chúng ta hay phải làm việc như một cỗ máy. Với một chiếc ôtô, nếu bạn tháo rời động cơ, bánh xe… rồi yêu cầu một người thợ máy giỏi nhất lắp ráp chúng lại, bạn nghĩ chiếc xe có thể hoạt động trở lại hay không? Có thể, cơ hội là 50—50. Bây giờ hãy xem xét cơ thể con người. Nếu bạn cắt rời tim, phổi… và yêu cầu một bác sĩ phẫu thuật giỏi nhất ghép lại, người đó có thể trò chuyện trở lại hay không? Hoàn toàn không! Đây là điểm khác biệt giữa con người và máy móc. Con người chúng ta không phải là máy móc, ta có cảm xúc. Đôi khi chúng ta không thể giữ cân bằng cảm xúc của bản thân, điều này khiến tâm ta căng thẳng, lo âu, và làm cho nhiều vấn đề khác nảy sinh.
Bây giờ chúng ta đã hiểu tâm con người rất phức tạp và ta cần biết cách kiểm soát tâm, kiểm soát cường độ của các loại cảm xúc như căng thẳng, lo âu... Với những phương pháp mà tôi sắp chia sẻ, tôi đã áp dụng chúng khá lâu. Theo cách nói hàng ngày thì chúng ta gọi là “áp dụng” hay “thực hành,” còn theo thuật ngữ đạo Phật thì chúng tôi gọi là “thiền.” Bạn có thể gọi bằng tên gì cũng được, nhưng dù bạn gọi thế nào thì những phương pháp này cũng không liên hệ đến bất cứ tôn giáo nào. Với những phương pháp này, bạn cần thực hành 20-30 phút mỗi ngày trong suốt hai tuần. Điều quan trọng nhất là bạn phải theo dõi tâm mình sau hai tuần để xem phương pháp này có hiệu quả với bạn hay không. Nếu sau hai tuần bạn thấy có hiệu quả thì nên tiếp tục thực hành, nếu bạn thấy không có tác dụng thì nên bỏ qua.
Tôi sẽ hướng dẫn những gì bạn cần làm trong 20-30 phút mỗi ngày. Nhiều người nói với tôi họ không có nhiều thời gian rỗi để thực hành. Tôi khuyên họ hãy bớt xem TV, bớt dùng Facebook. Tôi nghĩ nhiều người trong số các bạn đang phí phạm nhiều thời gian của mình vào những việc không cần thiết như xem TV, lướt Facebook, chơi điện thoại... Nhưng bạn đừng hiểu lầm tôi. Tôi không phản đối việc xem TV, dùng Facebook hay điện thoại, nhưng bạn cần giữ chừng mực.
ĐÔI KHI CHÚNG TA KHÔNG THỂ GIỮ CÂN BẰNG CẢM XÚC CỦA BẢN THÂN, ĐIỀU NÀY KHIẾN TÂM TA CĂNG THẲNG, LO ÂU, VÀ LÀM CHO NHIỀU VẤN ĐỀ KHÁC NẢY SINH.
Chuyển hướng tâm và buông bỏ
Có một câu chuyện kể về một người mẹ bị mất đứa con trai duy nhất trong một tai nạn. Người mẹ nghĩ rằng bà không thể sống thiếu con mình và bà quyết định tự sát. Mọi người nói với bà, “Tại sao bà phải tìm đến cái chết? Bà không cần phải làm như vậy.” Người mẹ nói, “Tôi không thể sống thiếu con tôi dù chỉ trong một ngày. Tôi muốn chết.” Có người khuyên bà đến gặp một vị thầy, nhưng bà từ chối. Tuy nhiên, vị thầy đó bất ngờ đến thăm bà. Người mẹ nói rằng hiện tại bà không sẵn sàng đón nhận bất cứ lời giảng nào và đã quyết định tìm đến cái chết. Nhưng điều kỳ lạ đã xảy ra. Vị thầy nói rằng ông đến đó không phải để thuyết giảng; ông chỉ đến để mang con trai của bà trở về từ cõi chết. Người mẹ rất kinh ngạc và bà hỏi vị thầy, “Thầy có làm được như vậy không?” Vị thầy đáp, “Được chứ, nếu bà có thể đưa ra lời giải cho câu hỏi của tôi, tôi sẽ mang con trai bà trở về từ cõi chết. Câu hỏi rất đơn giản. Thông thường, khi muốn tạo ra tiếng vỗ tay thì bà cần cả hai bàn tay. Vậy làm cách nào để tạo ra tiếng vỗ tay chỉ với một bàn tay?” Vị thầy nói với người mẹ, “Nếu bà có thể trả lời câu hỏi của tôi, tôi sẽ mang con trai bà trở về,’’ rồi vị thầy rời khỏi nơi đó. Người mẹ bắt đầu suy nghĩ ngày qua ngày, tuần qua tuần… Nhiều ngày trôi qua, nhiều tuần trôi qua, và nhiều tháng cũng đã trôi qua… Ba năm sau, người mẹ đến nơi vị thầy và nói, “Tôi nghĩ thầy không thể nào mang con trai tôi trở về vì tôi không thể nào tìm ra lời giải cho câu hỏi của thầy.” Vị thầy đáp, “Bà đã có câu trả lời cho mình. Lúc đầu khi tôi đến thăm, bà đã nói không thể sống thiếu con trai dù chỉ trong một ngày. Đến nay bà đã sống mà không có con mình trong suốt ba năm.” Khi người mẹ liên tục nghĩ về cái chết của con trai thì bà ta vô cùng tuyệt vọng và cảm thấy mình không thể tiếp tục sống. Khi tâm của người mẹ được chuyển hướng tập trung vào việc tìm lời giải cho câu hỏi của vị thầy, tâm trạng của bà ngay lập tức thay đổi.
Khi đối mặt với căng thẳng, trước hết bạn phải biết cách đánh lạc hướng tâm mình ra khỏi đối tượng gây căng thẳng. Bạn sẽ cảm thấy để làm được điều này thật là khó. Khi một hoàn cảnh khó khăn xảy đến trong cuộc sống thì bạn sẽ liên tục nghĩ đến những sự việc đó, và điều đó khiến bạn rất căng thẳng. Bạn sẽ cảm thấy rất khó để chuyển tâm mình sang một đối tượng khác. Tôi sẽ cho một ví dụ. Nếu tôi cầm một cái bình nước trong 5 phút, điều gì sẽ xảy ra? Tôi nghĩ sẽ không có gì xảy ra. Nếu tôi cầm cái bình suốt hai giờ thì chuyện gì xảy ra? Có thể là tay tôi sẽ đau. Nếu tôi cầm cái bình liên tục trong sáu giờ thì chuyện gì xảy ra? Rất có thể tôi sẽ phải vào bệnh viện! Điều tương tự đang diễn ra trong tâm ta. Chúng ta đang bám víu vào những tư tưởng mà lẽ ra ta không nên nghĩ đến. Ta bám víu vào chúng quá lâu mà không thể buông bỏ. Trước đây, khi tôi nói về vấn đề này, một người đã nói với tôi, “Tôi biết là mình đang bám víu vào những suy nghĩ không cần thiết, nhưng tôi vẫn không thể nào ngừng suy nghĩ về những vấn đề đó.” Bạn biết rằng buông bỏ những suy nghĩ không cần thiết là điều quan trọng, nhưng bạn không biết làm cách nào để buông bỏ. Tôi sẽ hướng dẫn bạn cách buông bỏ những điều không cần thiết trong tâm.
KHI ĐỐI MẶT VỚI CĂNG THẲNG, TRƯỚC HẾT BẠN PHẢI BIẾT CÁCH ĐÁNH LẠC HƯỚNG TÂM MÌNH RA KHỎI ĐỐI TƯỢNG GÂY CĂNG THẲNG.
Gửi thông điệp tích cực cho bản thân (tự kỷ ám thị)
Mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống, bạn phải suy nghĩ như thế nào? Khi gặp khó khăn, tự nhiên con người sẽ cảm thấy căng thẳng và buồn khổ. Đó là một dạng thói quen mà ta đã tạo ra cho tâm mình, đó không phải là cơ chế phản ứng vốn có của cơ thể. Khi gặp nghịch cảnh, trước hết, bạn cần hỏi bản thân rằng mình có giải pháp cho khó khăn hiện tại không. Nếu bạn có giải pháp thì không cần phải lo lắng. Nếu bạn không có giải pháp thì lo lắng có ích gì? Khi gặp khó khăn, bạn phải tự gửi cho tâm mình thông điệp như vậy. Hiện tại, khi gặp khó khăn thì tâm bạn chứa đầy những thông điệp sai lầm. Những thông điệp sai lầm đó tự nảy sinh trong tâm bạn vì bạn không chủ động gửi vào tâm mình những thông điệp đúng đắn.
Trong cuộc sống, tôi cũng đã gặp nhiều khó khăn. Những lúc gặp khó khăn, tôi tự nhủ “Đây là cõi luân hồi, chắc chắn sẽ có thử thách và khổ đau.” Suy nghĩ như thế thật sự giúp tôi rất nhiều. Nếu nhìn nhận sâu sắc thì bạn sẽ thấy rằng mọi khó khăn, nghịch cảnh và khổ đau đều do tâm phóng chiếu ra. Tôi rất thích một câu nói, “Vấn đề khó khăn không gây khó. Cách chúng ta nhìn nhận vấn đề mới là yếu tố gây khó.” Tôi nghĩ nếu bạn sống theo cách sống hiện tại của tôi thì bạn sẽ gặp vô vàn gian nan. Tôi sống rất đơn giản. Tôi không dùng vật dụng cá nhân có giá hơn 10 USD. Tôi không dùng điện thoại thông minh. Tôi nghĩ với bạn thì cách sống này quả là thử thách lớn, nhưng với tôi đó là niềm vui. Tôi kể một chuyện có thật. Một lần nọ, ở châu Âu, chúng tôi phải dừng trên đường cao tốc để đi vệ sinh. Để dùng nhà vệ sinh mỗi người phải trả 1 euro, và chúng tôi chỉ có đúng 1 euro. Các học trò dành tiền cho tôi đi vệ sinh và họ không thể dùng nhà vệ sinh nữa. Tôi vẫn có thể tìm thấy niềm vui với lối sống như thế, vậy thì tại sao con người không có hạnh phúc dù họ có đầy đủ tiện nghi?
Hạnh phúc là điều mà bạn có thể tự tạo ra, hạnh phúc không phải là thứ bạn phải tìm cầu từ bên ngoài. Tôi vẫn luôn nói rằng hạnh phúc của tôi rất rẻ, nhưng con người thường khiến cho hạnh phúc của họ trở nên rất đắt đỏ. Một đứa trẻ nghĩ rằng khi lớn lên nó sẽ được hạnh phúc. Cậu thiếu niên nghĩ rằng khi tốt nghiệp đại học cậu sẽ có hạnh phúc. Khi đã tốt nghiệp thì chàng thanh niên nghĩ mình sẽ hạnh phúc khi kết hôn. Sau khi kết hôn, anh ta nghĩ mình sẽ hạnh phúc khi con cái trưởng thành. Đến khi con cái trưởng thành thì ông ta đã nghỉ hưu rồi. Nếu nhìn lại thì chúng ta sẽ thấy quãng thời gian quá khứ của mình trôi qua trong nháy mắt. Trong quãng đời đó, đâu là thời điểm ta sống hạnh phúc? Tôi luôn nói chúng ta phải sống với hạnh phúc và niềm vui trong mọi khoảnh khắc. Người ta thường hay nghĩ “Nếu tôi có được điều này hay điều kia thì tôi sẽ hạnh phúc”, nhưng với lối suy nghĩ này bạn đang khiến cho hạnh phúc của mình trở nên đắt đỏ hơn. Nếu bạn khiến cho hạnh phúc của mình trở nên đắt đỏ thì bạn không thể nào sống hạnh phúc vì luôn lo lắng và bị áp lực. Bạn hãy học cách hạnh phúc với những điều nhỏ nhoi, như vậy thì lúc nào bạn cũng sẽ thấy hạnh phúc.
VẤN ĐỀ KHÓ KHĂN KHÔNG GÂY KHÓ. CÁCH CHÚNG TA NHÌN NHẬN VẤN ĐỀ MỚI LÀ YẾU TỐ GÂY KHÓ.
Tôi có hai thông điệp gửi đến bạn. Thông điệp thứ nhất:
Nếu có thể giải quyết vấn đề, cần gì phải lo lắng?
Nếu không thể giải quyết vấn đề, lo lắng có ích gì?
Tịch Thiên
Mỗi khi có chuyện rắc rối xảy ra, trước hết bạn phải suy nghĩ xem bản thân có giải quyết vấn đề được hay không. Nếu bạn có thể giải quyết thì không cần phải lo lắng. Nếu bạn không thể giải quyết thì lo lắng để làm gì? Nếu tâm niệm như vậy thì mỗi khi gặp khó khăn, bạn sẽ có cách tiếp cận rất khác biệt. Bạn hãy khắc ghi những lời này vào tâm, nhẩm đi nhẩm lại, cố gắng ghi thật sâu vào tâm đến nỗi trong giấc mơ những lời này cũng hiện lên. Có thể những lời này không thể giải quyết vấn đề của bạn, nhưng tôi chắc chắn rằng chúng sẽ thay đổi cách bạn nhìn nhận vấn đề. Khi có thể thay đổi cách nhìn nhận vấn đề, bạn sẽ có thể giảm thiểu căng thẳng và áp lực. Căng thẳng và áp lực không khởi nguồn từ hoàn cảnh, chúng đến từ cách bạn nhìn nhận hoàn cảnh đó.
Thông điệp thứ hai:
Tôi là chủ nhân của số phận tôi.
Tôi là chỉ huy của tâm hồn tôi.
William Ernest Henley
Mỗi khi gặp khó khăn, thử thách, chúng ta thường mất tự tin. Nếu mất tự tin thì bạn sẽ mất hy vọng. Khi mất hy vọng thì bạn mất tất cả. Khi mất tự tin, bạn thường tự đánh giá thấp bản thân và nghĩ “Tôi không thể làm chuyện đó!” Theo thông điệp này, bạn hãy nghĩ rằng chính bạn là chủ nhân số phận của mình, và chính bạn là chủ tướng của tâm hồn mình, chứ không phải ai khác. Bạn phải khắc ghi thông điệp này vào tâm mình. Tôi đã tìm thấy thông điệp này trong một quyển sách của Nelson Mandela. Ông ấy rất thích câu nói này và nó giúp ông ấy rất nhiều trong cuộc sống. Thông điệp này cũng đã giúp tôi rất nhiều. Bạn phải luôn nghĩ rằng chính bạn là chủ nhân, là chỉ huy của số phận và tâm hồn mình. Bạn hãy nhẩm đọc thông điệp này nhiều lần và tự nhắc bản thân, rồi bạn sẽ có thể tự tin đương đầu với khó khăn. Khi thực hành theo cách này, khó khăn của bạn có được giải quyết hay không, đó là một vấn đề khác; tuy nhiên, ít nhất bạn sẽ không còn căng thẳng khi đối diện với khó khăn.
Có một câu nói, “Nếu mất tiền thì thật sự bạn không mất gì cả. Nếu mất sức khỏe thì thật sự bạn đã mất một điều gì đó. Nếu mất hy vọng thì bạn mất tất cả.” Bạn không nên đánh mất hy vọng. Có nhiều loại hy vọng. Tôi sống giản dị như hiện tại với hy vọng tôi sẽ sớm thành Phật. Với hy vọng này tôi đang sống với hạnh phúc, niềm vui và sức mạnh tinh thần, vì thế tôi không băn khoăn hy vọng của tôi là thực tế hay hão huyền. Nếu bạn yêu cầu một ai đó sống thiếu điện thoại thông minh và không dùng vật dụng cá nhân có giá hơn 10 USD, tôi không nghĩ người đó sẽ chấp nhận. Họ sẽ nghĩ đây là một yêu cầu ngu ngốc. Với tôi thì tôi vẫn có niềm vui, đó là nhờ tôi có hy vọng. Nếu có hy vọng thì bạn sẽ tự tin, nếu tự tin thì bạn sẽ dễ dàng đương đầu với thử thách. Hy vọng và sự tự tin giống như con gà và quả trứng gà. Nếu có hy vọng thì bạn sẽ tự tin, nếu tự tin thì bạn sẽ có hy vọng. Nhưng bạn đừng hỏi tôi con gà có trước hay quả trứng gà có trước. Nếu bạn hỏi thì tôi nghĩ không ai có thể trả lời chính xác. Bạn có biết vì sao không thể có lời giải chính xác không? Vì bản thân câu hỏi đã là một câu hỏi sai. Nếu bạn đặt một câu hỏi sai thì làm sao có thể có câu trả lời đúng được?
CĂNG THẲNG VÀ ÁP LỰC KHÔNG KHỞI NGUỒN TỪ HOÀN CẢNH, CHÚNG ĐẾN TỪ CÁCH BẠN NHÌN NHẬN HOÀN CẢNH ĐÓ.
Khi có thời gian rỗi, bạn hãy nhẩm đọc những thông điệp này nhiều lần. Khi những thông điệp này đã thấm sâu vào tâm bạn thì những lúc khó khăn, thử thách ập đến, chúng sẽ tự nhiên hiện lên trong tâm. Bước này được gọi là thay đổi cách nhìn nhận nghịch cảnh. Bạn đừng cố gắng thay đổi hoàn cảnh khó khăn, trước hết bạn hãy cố gắng thay đổi cách nhìn nhận hoàn cảnh đó.
Từ bỏ tâm so sánh
Bạn phải luôn nhớ rằng mỗi khi gặp khó khăn, bạn đừng bao giờ so sánh bản thân với người khác. Tôi biết một người vừa lấy vợ. Sau khi lấy vợ anh ta trở về trường học cũ, trường Phật học nơi tôi từng học, và anh ta hỏi tất cả bạn bè cùng một câu hỏi rất buồn cười. Anh ta hỏi, “Vợ tôi trông như thế nào? Cô ấy có đẹp không?” Người ta không chỉ so sánh những món đồ mình đang có mà họ còn so sánh cả vợ mình với người khác! Nếu bạn so sánh như vậy thì làm sao lòng tin và tình yêu chân thật có thể hiện diện? Đây là một lỗi lầm trong tâm con người. Tôi có thể nói đây là một vấn nạn toàn cầu. Đó dường như là lối sống của con người thời nay. Bạn có đẹp hay không, bạn không cần phải hỏi ý người khác mà bạn phải có cái nhìn của riêng mình. Bạn không nên so sánh trên mức cần thiết.
Gia đình tôi có một người hàng xóm. Mỗi lần cha tôi phạm lỗi, mẹ tôi lại nói, “Ông hãy nhìn chồng của bà hàng xóm đi!” Tôi hiểu rằng điều này khiến cha tôi rất khó chịu. Các bậc cha mẹ thường so sánh con mình với con của hàng xóm. Tôi chắc rằng, với nhiều vị phụ huynh, khi con mình đạt điểm A, họ sẽ tìm hiểu xem con của hàng xóm được điểm gì. Nếu con của hàng xóm đạt A+ thì các vị phụ huynh sẽ không vui. Nếu đứa trẻ bên nhà hàng xóm chỉ đạt điểm B thì họ sẽ cảm thấy vui sướng. Có lẽ việc so sánh như vậy là văn hóa của thế kỷ XXI, nhưng điều này chỉ khiến cho cuộc sống của chúng ta thêm căng thẳng.
MỖI KHI GẶP KHÓ KHĂN, BẠN ĐỪNG BAO GIỜ SO SÁNH BẢN THÂN VỚI NGƯỜI KHÁC.
Mỗi khi gặp chuyện không như ý muốn, bạn thường so sánh bản thân với người khác. Bạn nhìn sang bè bạn, nếu họ không gặp phải những chuyện như bạn đang trải qua thì bạn lại tự hỏi “Tại sao tôi gặp phải những chuyện này? Tại sao?” Điều buồn cười là giả sử khi bạn trúng số, bạn không bao giờ tự hỏi “Tại sao tôi được trúng số?” Khi thất bại bạn luôn tự hỏi “Tại sao tôi phải chịu thất bại?”, nhưng khi thành công bạn không bao giờ hỏi “Sao tôi lại thành công?” mà bạn tự nhiên nghĩ rằng mình xứng đáng với thành công đó. Trong bước này, bạn phải từ bỏ tư tưởng so sánh bản thân với người khác. Càng so sánh như vậy thì tâm bạn sẽ càng căng thẳng.
Làm thế nào để từ bỏ tư tưởng so sánh này? Khi gặp khó khăn, trước hết bạn phải nghĩ rằng không chỉ riêng bạn mà hàng triệu người cũng đang gặp khó khăn. Một lần nọ tôi đến một thị trấn gần tu viện nơi tôi cư ngụ ở miền Nam Ấn Độ. Trước đó tôi vừa mua một đôi giầy nhưng đôi giầy đó hơi chật và nó bó sát vào chân tôi. Tôi cảm thấy hơi khó chịu với đôi giầy mới. Khi đến thị trấn, tôi đã thấy một người rất nghèo, ông ta không có giầy nên phải đi chân trần. Lúc đó tôi cảm thấy mình thật may mắn vì có giầy để đi. Đôi khi chúng ta thật sự quên mình may mắn ra sao. Chúng ta quên vì ta so sánh bản thân với người khác quá nhiều.
Tôi vẫn thường nói rằng vấn đề lớn nhất của tâm con người là chúng ta chỉ nhìn vào những gì mình không có, ta không bao giờ nhìn vào những gì mình đang sở hữu. Thời xưa, Alexander Đại Đế và Thành Cát Tư Hãn đã đánh chiếm được vô số lãnh thổ nhưng vẫn không mãn nguyện vì các vị ấy luôn nhìn vào những gì họ chưa có. Tôi đeo một cái đồng hồ chỉ đáng giá 3 USD và tôi chỉ nhìn vào những người không có đồng hồ đeo tay, điều đó làm tôi hạnh phúc khi đeo đồng hồ 3 USD. Có một người học trò muốn thay đồng hồ cho tôi. Ban đầu tôi hỏi anh ta giá tiền của đồng hồ mới nhưng anh ta không muốn nói vì anh biết nguyên tắc của tôi. Sau cùng, anh ta tiết lộ giá của đồng hồ mới là 11 USD và nói rằng thời nay không thể tìm được một cái đồng hồ giá 10 USD nữa. Tôi nghe như vậy và cảm thấy rất vui vì tôi đang có một cái đồng hồ chỉ 3 USD. Bây giờ thì bạn không thể tìm ra đồng hồ giá 3 USD nữa rồi! Tất cả chỉ là một trò chơi của tâm thức. Chỉ cần một thay đổi nhỏ trong cách suy nghĩ có thể giúp bạn hạnh phúc, và chỉ một suy nghĩ nhỏ cũng có thể khiến bạn đau khổ. Bạn đừng so sánh bản thân với người khác, bạn chỉ cần nhìn vào những gì mình đang có và cảm nhận đó thật sự là ân phước.
Bài tập thanh lọc và rèn luyện cơ thể
Người ta thường nghĩ sự căng thẳng chỉ là vấn đề của tâm, tuy nhiên nó cũng có liên hệ đến cơ thể vật lý. Khoa học hiện đại cũng đã chứng minh căng thẳng không chỉ là vấn đề của tâm mà còn liên quan đến rất nhiều tế bào trong thân thể. Nói về sự căng thẳng, có một mối liên hệ mật thiết giữa thân và tâm.
KHI PHIỀN NÃO PHÁT SINH TRONG TÂM, CHÚNG CŨNG ĐỒNG THỜI TẠO RA NHIỀU NĂNG LƯỢNG TIÊU CỰC TRONG CƠ THỂ CHÚNG TA.
NĂNG LƯỢNG TIÊU CỰC NÀY SAU ĐÓ SẼ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỨC KHỎE THỂ CHẤT.
Cơ thể của chúng ta mang đầy năng lượng. Khi ta hít vào, hơi thở mang theo năng lượng vào cơ thể. Khi năng lượng đi vào cơ thể, nó được chuyển hóa thành một trong hai dạng: năng lượng tích cực và năng lượng tiêu cực. Khi phiền não phát sinh trong tâm, chúng cũng đồng thời tạo ra nhiều năng lượng tiêu cực trong cơ thể chúng ta. Năng lượng tiêu cực này sau đó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất. Trong phần này, tôi sẽ hướng dẫn bạn một phương pháp đơn giản để có thể tiếp thêm năng lượng tích cực cho cơ thể.
Bài tập 1: Tiếp năng lượng tích cực cho cơ thể
Tư thế ngồi: Lưng và cột sống thẳng, đầu ngẩng mắt nhìn thẳng về phía trước (không cúi đầu).
Tư thế tay: Hai tay đặt phía trước bụng, ngang rốn, bàn tay phải đặt ngửa lên lòng bàn tay trái, hai đầu ngón cái chạm nhau như hình dưới đây. Ưỡn căng ngực về phía trước và thả lỏng khi cảm thấy mỏi. Động tác ưỡn ngực/thả lỏng giúp thư giãn các tế bào trong cơ thể.
Nếu ở văn phòng hay một nơi không thuận tiện thực hiện tư thế tay như trên thì bạn có thể đặt hai tay lên đùi, lòng bàn tay úp xuống chạm vào phần đùi dưới (gần đầu gối). Bạn vẫn phải giữ lưng và cột sống thẳng, đầu thẳng.
Cách thở: Sau khi ngồi đúng tư thế, bạn hãy cố gắng hoàn toàn tập trung vào hơi thở khi bạn hít vào hoặc thở ra. Khi hít vào, bạn nghĩ rằng có luồng ánh sáng trắng theo hơi thở đi vào cơ thể bạn và ánh sáng trắng đó lan tỏa khắp cơ thể bạn. Khi bạn thở ra, hãy nghĩ rằng tất cả năng lượng tiêu cực trong cơ thể đi ra ngoài theo hơi thở dưới dạng luồng ánh sáng đen. Trong bước này, chúng ta đang đẩy năng lượng tiêu cực hiện có trong cơ thể ra ngoài và cung cấp năng lượng tích cực cho cơ thể.
Điều quan trọng nhất là bạn phải hoàn toàn tập trung vào hơi thở. Khi bạn cảm thấy cơ thể bị mỏi thì bạn có thể chùng vai xuống. Động tác này cũng có tác động thư giãn cho các tế bào trong cơ thể. Khi hít vào, bạn hãy hít vào thật sâu. Nếu bạn đang bị nghẹt mũi thì hãy thở bằng miệng. Bạn hãy dành 30 phút mỗi ngày để thực hành thở theo cách này. Bạn có thể chia nhỏ thời gian, thực hành 10 phút vào buổi sáng, 10 phút buổi trưa... Nếu có lúc nào bạn bị khó ngủ thì hãy thực hành tập trung vào hơi thở, bởi nếu trong tâm bạn chất chứa quá nhiều suy nghĩ thì bạn sẽ khó ngủ. Nếu bạn cảm thấy buồn ngủ trong lúc thực hành thì rất tốt, vì điều đó cho thấy cơ thể bạn đã bắt đầu thư giãn. Nhiều người nói với tôi họ cảm thấy buồn ngủ khi thực hành bước này, tôi đã nói điều đó rất tốt vì mất ngủ mới là vấn đề, buồn ngủ không phải là vấn đề.
Bài tập 2: Hỗ trợ các cơ quan nội tạng
Trong cơ thể chúng ta, đôi lúc vài cơ quan nội tạng không hoạt động suôn sẻ. Những lúc đó chúng ta luôn dùng thuốc mà không cố gắng tìm những giải pháp khác. Tôi sẽ giới thiệu với bạn một bài tập đơn giản để hỗ trợ các cơ quan nội tạng trong cơ thể.
Tư thế ngồi: Giống Bài tập 1.
Tư thế tay: Đặt hai tay lên đùi, lòng bàn tay hướng lên trên. Ngón trỏ và ngón út duỗi thẳng, ngón giữa và ngón áp út co lại, ngón cái chạm lên trên ngón giữa và ngón áp út như hình dưới đây.
Cách thở: Hít vào bơm phồng bụng lên và thở ra làm bụng xẹp xuống. Khi thở ra, bạn nghĩ rằng mình đang tống hết năng lượng xấu ra khỏi cơ thể.
Bạn nên thực hành bài tập 2 trước khi ăn sáng. Nếu thực hành sau khi ăn thì bạn phải thực hành sau bữa ăn ít nhất một giờ rưỡi. Khi thực hành bạn sẽ thấy bài tập này hỗ trợ cải thiện chứng khó tiêu và chứng rối loạn axit trong dạ dày. Vào buổi sáng, trước khi ăn sáng, bạn có thể thực hành trong 30 giây, sau đó dần tăng lên 1 phút, rồi đến 2 phút.
Bạn có thể kết hợp hai bài tập trên bằng cách thực hành bài tập 2 trong khoảng 30 giây, sau đó thực hành bài tập 1 trong khoảng 30 phút. Bạn có thể chia nhỏ thời gian thực hành bài tập 1: thực hành 10-15 phút buổi sáng và 10-15 phút buổi tối. Để có hiệu quả, ít nhất bạn phải thực hành 30 phút mỗi ngày trong 2 tuần.
Hỏi - đáp
Hỏi: Ở công ty con có một đồng nghiệp đang phải trải qua giai đoạn khó khăn. Anh ấy mất hết sức sống và niềm tin vào bản thân mình. Đôi lúc, anh ấy đưa ra ý tưởng nhưng không ai lắng nghe, hoặc có nhiều vấn đề quá sức đối với anh ta. Vậy, làm sao để giúp người này có thêm năng lượng, sự tự tin để có thể giải quyết được công việc tốt hơn?
Rinpoche: Trường hợp này phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Việc đầu tiên, bất cứ khi nào anh ta nói chuyện, bạn phải lắng nghe với thái độ đầy hứng khởi. Khi anh ta nói chuyện hay chia sẻ ý tưởng, bạn phải lắng nghe một cách say mê, hứng thú. Khi một người chia sẻ ý tưởng nhưng bị người khác bác bỏ thì họ sẽ mất tự tin. Nếu bạn thật sự muốn giúp anh ta, bạn không cần phải thực hiện tất cả những gì anh ta nói, nhưng tối thiểu hãy lắng nghe với thái độ hào hứng hoặc có thể đặt câu hỏi về những gì anh ta đã chia sẻ. Đây là điều đầu tiên bạn có thể thực hiện.
Điều thứ hai, khi nhận xét những ý tưởng của anh ta, bạn không nên nói rằng “Như vậy không đúng,” đừng dùng những từ ngữ tiêu cực với anh ta. Hãy quan sát một đứa trẻ đang cầm một ly nước nóng. Chúng ta không nên nói với đứa trẻ “Đừng làm vỡ ly!”, chúng ta phải nói “Hãy cầm ly nước cẩn thận!” Hai cách nói này có ý nghĩa gần như nhau, nhưng chúng để lại dấu ấn rất khác nhau trong tâm đứa trẻ. Do đó, khi giao tiếp với người đồng nghiệp đó, bạn đừng nói “Không được làm như vậy!”, thay vào đó hãy bảo anh ta cẩn thận. Nếu bạn thật sự tin vào đạo Phật thì sẽ có những phương pháp cầu nguyện. Nếu không tin đạo Phật thì bạn không cần phải quan tâm đến những phương pháp cầu nguyện đó.
Hỏi: Trong môi trường làm việc, mỗi người có một tiêu chí làm việc, công ty dựa vào đó để tăng lương, giảm lương, hoặc đuổi việc. Nếu không so sánh và phấn đấu lên những tiêu chí khác cao hơn, con bị đuổi việc thì sao? Chúng con còn vợ con ở nhà nữa. Chúng con phải cân bằng giữa hoài bão, công việc, và gia đình như thế nào?
Rinpoche: Đây là một câu hỏi rất hay. Thăng tiến rất quan trọng. Tăng lương để có lương cao cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, nếu bạn nghĩ rằng thăng tiến là tất cả, điều đó là sai lầm. Nếu bạn nghĩ thăng tiến chẳng là gì cả, suy nghĩ này cũng không đúng. Thăng tiến là một mặt, và còn những mặt khác nữa. Bạn phải cân bằng. Đôi khi các bạn nghĩ quá nhiều về thăng tiến và cho rằng nó là tất cả; đó là suy nghĩ sai. Tôi thường nói rằng tiền không phải là tất cả, nhưng tiền cũng không phải không là gì cả. Do đó, thăng tiến quan trọng nhưng bạn đừng chỉ tập trung vào thăng tiến. Khi bạn phấn đấu để được thăng tiến, đừng kỳ vọng quá nhiều. Hãy cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình và đừng kỳ vọng quá cao. Cân bằng có nghĩa là bạn làm việc đúng đắn để được thăng tiến, nhưng đừng nghĩ rằng chỉ có thăng tiến mới có thể mang lại hạnh phúc. Đó là toan tính sai lầm.
Tôi thấy có một điều sai trái ở những người đang đi làm. Khi làm việc cật lực, đôi khi bạn bỏ quên một điều: chia sẻ thời gian cùng gia đình. Bạn dùng thời gian với máy tính nhiều hơn hay với gia đình nhiều hơn? Ở thời hiện đại này, tôi nghĩ trẻ con dành nhiều thời gian hơn với đồ chơi, và thanh thiếu niên dành nhiều thời gian hơn với điện thoại thông minh. Tôi không bao giờ phản đối việc dùng điện thoại thông minh, nhưng tôi không dùng. Ở nhà tôi, tôi khuyên cha mẹ mình không nên xem tivi. Trong vài năm, cha mẹ tôi không xem tivi. Khi không có tivi thì gia đình tôi trò chuyện cùng nhau. Rồi một hôm, anh tôi mua một chiếc tivi. Tôi hỏi, “Tại sao anh lại mua tivi?” Anh tôi nói rằng anh ấy muốn xem Cúp Bóng Đá Thế Giới. Thời gian dành cho gia đình rất quan trọng. Khi bạn tập trung quá mức vào công việc, khi bạn nghĩ rằng công việc là tất cả, thăng tiến là tất cả, bạn sẽ bỏ lỡ rất nhiều thứ quan trọng khác trong cuộc sống.
Hỏi: (Một người đang muốn tự sát) Bản thân tôi đã từng kêu cứu rất nhiều, đã từng hy vọng rất nhiều nhưng mà vẫn không có lối thoát. Bây giờ tôi chỉ biết kêu cứu thôi chứ không biết làm cách nào nữa!
Rinpoche: Tự sát không phải là một biện pháp! Hiện tại bạn đang bị bế tắc nhưng trong tương lai bạn sẽ không còn bế tắc nữa. Ở Ấn Độ có rất nhiều người không có gì để ăn, rất nhiều người phải ăn xin nhưng họ vẫn sống rất vui tươi, hạnh phúc. Ở đó có hàng triệu người rất nghèo nhưng họ vẫn không có ý định tự sát. Muốn chết có nghĩa là chúng ta nghĩ có nhiều người khác tốt hơn mình, do đó mình bị căng thẳng tinh thần. Bạn nghĩ về bản thân quá nhiều nên mới có ý nghĩ tìm đến cái chết. Bây giờ bạn hãy nghĩ có rất nhiều người đang khổ hơn bạn nhiều lần, nghĩ đi nghĩ lại như thế thì bạn sẽ không còn ý định muốn chết nữa.
Thương yêu là bản chất của chúng ta. Chúng ta được sinh ra đời cùng với tình thương chứ không phải với nỗi sợ hãi. Điều này cho thấy chắc chắn bạn có thể vượt qua mọi nỗi sợ hãi trong tâm.