Sợ hãi
Có nhiều nỗi sợ thường phát sinh trong tâm con người: sợ thất bại, sợ quyết định sai, sợ những điều bất trắc, sợ bệnh, sợ chết… Sợ hãi và sân giận có liên hệ mật thiết đến căng thẳng trong tâm. Nếu căng thẳng thì bạn sẽ sợ hãi và dễ nổi giận, nếu sợ hãi thì bạn sẽ căng thẳng. Những cảm xúc này phụ thuộc lẫn nhau. Khi nỗi sợ phát sinh trong tâm thì nó khiến tâm bạn rất trì trệ và đau khổ.
Sợ hãi là một cảm xúc rất lạ thường. Có một câu chuyện về một người sống gần nghĩa địa. Anh ta rất sợ ma nên không dám ra khỏi nhà sau khi mặt trời lặn. Anh ta tìm đến một vị thầy và vị thầy nói, “Anh sẽ không còn sợ ma nữa. Tôi sẽ trao cho anh một tấm bùa hộ mạng. Nếu anh giữ tấm bùa hộ mạng này bên mình thì sẽ không có gì xảy ra. Nhưng anh cần lưu ý rằng anh không được mở tấm bùa hộ mạng này ra, nếu không thì nó sẽ mất tác dụng. Anh chỉ cần nhớ rõ điều này thì tất cả mọi chuyện sẽ đều ổn thỏa.” Anh ta trở về nhà và không còn sợ ma nữa. Giờ đây anh có thể thoải mái đi ngang nghĩa địa lúc trời tối mà vẫn không sợ. Nhưng vấn đề phát sinh khi anh về nhà. Đứa con nhỏ của anh rất tò mò về tấm bùa và nó luôn cố chạm vào tấm bùa. Một tháng sau, anh trở lại gặp vị thầy. Vị thầy hỏi, “Mọi chuyện ra sao rồi? Anh còn sợ ma không?” Anh ta nói, “Con hết sợ ma nhưng con sợ một điều khác khiến con không ngủ được.” Vị thầy rất ngạc nhiên và hỏi anh ta sợ điều gì khác. Anh ta nói, “Mỗi lần con đi ngủ con rất sợ bọn trẻ sẽ mở tấm bùa hộ mạng của con.”
Trong tâm ta, khi nỗi sợ này đi thì nỗi sợ khác lại đến. Nếu bạn hết sợ điều này thì lại chuyển sang sợ một điều khác. Nỗi sợ cứ luôn ám ảnh bạn. Với những đứa trẻ mới được sinh ra đời, chúng không hề có nỗi sợ nào cả. Nỗi sợ chỉ phát sinh thời gian dài sau đó. Khi bạn dần trưởng thành người khác đặt vào tâm bạn nhiều nỗi sợ: sợ ma, sợ địa ngục..., và dần dần bạn bắt đầu sợ hãi thật sự.
KHI NỖI SỢ PHÁT SINH TRONG TÂM THÌ NÓ KHIẾN TÂM BẠN RẤT TRÌ TRỆ VÀ ĐAU KHỔ.
Khi trẻ con vừa được sinh ra đời, chúng đã biết cách thương yêu. Tôi đã rất ngạc nhiên khi một ngày nọ, sau một buổi giảng, có một người mẹ ẵm đứa con nhỏ đến gặp tôi. Tôi nghĩ đứa bé chỉ mới vài tháng tuổi. Tôi chỉ nựng vào má của em bé nhưng em bé đã cố gắng chạm vào tay tôi và cố ôm lấy tôi. Điều này cho thấy thương yêu là bản chất của chúng ta. Chúng ta được sinh ra đời cùng với tình thương chứ không phải với nỗi sợ hãi. Điều này cho thấy chắc chắn bạn có thể vượt qua mọi nỗi sợ hãi trong tâm.
Nguyên nhân của sợ hãi
Nguyên nhân thứ nhất của sợ hãi là những suy nghĩ không cần thiết. Suy nghĩ không cần thiết là những suy nghĩ như “điều này có thể xảy ra, điều kia có thể xảy ra...” Ví dụ, bây giờ bạn phải ra khỏi nhà, nếu bạn nghĩ rằng có thể bên ngoài có chó, rắn, và chúng sẽ cắn mình, thì những suy nghĩ như vậy sẽ khiến bạn lo sợ. Khi bạn có một suy nghĩ không cần thiết thì tự động tâm sẽ nghĩ đến điều thứ hai, và hai điều sẽ khơi dậy bốn điều… Các tư tưởng không cần thiết rất lạ thường. Nếu bạn đang lái xe và cứ nghĩ mình có thể gặp tai nạn, xe khác có thể đụng mình, nếu cứ nghĩ như vậy thì bạn sẽ sợ lái xe. Do đó, suy nghĩ không cần thiết sẽ tạo ra nỗi sợ hãi. Trong quá khứ bạn từng nghĩ rằng “chuyện này sẽ đến, chuyện kia sẽ đến ...”, nhưng nếu chú tâm nhìn lại thì bạn sẽ thấy 90% những chuyện đó đã không xảy ra. Chính những suy nghĩ không cần thiết này là một nguyên nhân của sợ hãi.
Trong các nỗi sợ, sợ chết là nỗi sợ tồi tệ nhất của con người. Bạn sợ chết vì quá bám chấp. Khi quá bám chấp vào một điều gì đó, bạn sẽ sợ mất đi điều đó. Nếu quá bám chấp vào cái đồng hồ thì bạn sợ mất nó. Một dịp nọ, trong một chuyến du hành, máy bay của tôi chuẩn bị đáp xuống sân bay Delhi. Trên máy bay không có nhiều hành khách. Lúc đó, đột ngột có một tia sét đánh gần máy bay và tôi đã thấy tia sét qua cửa sổ. Mọi người trên máy bay đã la hét trong hoảng loạn. Thậm chí tiếp viên hàng không cũng đã vô cùng hoảng hốt. Tôi nghĩ nếu có thêm một tia sét thứ hai đánh trúng động cơ thì mọi chuyện đã kết thúc. Trong vài giây tôi đã rất sợ hãi. Tức thì, tôi nhớ đến pháp thực hành về cõi Tịnh Độ. Tôi đã bắt đầu thực hành chuẩn bị cho đời sau. Khi tôi bắt đầu thực hành thì mọi nỗi sợ hãi đều đã tan biến. Thật sự lúc đó chiếc máy bay bay loạng choạng như đường zig-zag, nhưng tâm tôi hoàn toàn không sợ hãi. Tôi không sợ hãi vì khi đó tôi không còn bám chấp vào đời này; tôi đang chuẩn bị cho đời sau. Khoảng 10 đến 15 phút sau, cơ trưởng thông báo máy bay chuẩn bị hạ cánh. Sau khi máy bay đáp xuống mặt đất, tôi cảm thấy sợ hãi trở lại, vì tôi không còn nghĩ đến đời sau nữa mà đã bám chấp trở lại vào đời này. Nỗi sợ là như vậy. Quá bám chấp vào điều gì đó là một nguyên nhân gây ra sợ hãi.
Một nguyên nhân khác gây sợ hãi là thiếu hiểu biết về thực tại. Có một ca sĩ đã làm một bộ phim tài liệu về cái chết. Anh ta đã phỏng vấn nhiều vị thầy tâm linh về cái chết, kể cả quan điểm của đạo Phật về vấn đề này. Anh ấy đã đến gặp tôi để hỏi quan điểm của tôi. Tôi đã nói rằng theo quan điểm của đạo Phật thì cái chết có một số mặt tích cực, bởi vì đạo Phật không chỉ xem cái chết là sự kết thúc mà còn xem đó là sự khởi đầu, khởi đầu của một kiếp sống mới. Khi bạn chỉ nhìn vào mặt tiêu cực nhất của cái chết thì bạn sẽ vô cùng sợ hãi. Nếu bạn thấy vài mặt tích cực thì bạn có thể bớt sợ. Nhiều nỗi sợ trong tâm ta đến từ sự thiếu hiểu biết về thực tại.
QUÁ BÁM CHẤP VÀO ĐIỀU GÌ ĐÓ LÀ MỘT NGUYÊN NHÂN GÂY RA SỢ HÃI.
Tâm ích kỷ hay tư tưởng chỉ suy nghĩ cho bản thân cũng là một nguyên nhân gây sợ hãi. Bạn sợ vì những suy nghĩ “Tôi sẽ thất bại” hay “Điều gì sẽ xảy đến với tôi?” Một lần nọ tôi có buổi nói chuyện ở một trường đại học. Có một sinh viên hỏi tôi về tin đồn ngày tận thế trong năm 2012. Tôi cảm thấy cậu sinh viên đó rất sợ ngày tận thế sẽ đến. Nỗi sợ có thể xâm chiếm tâm ta theo những cách rất khác nhau. Bây giờ bạn có thể nhìn lại tâm mình xem bạn có đang sợ hãi hay không, và nỗi sợ của bạn có liên quan đến một trong những nguyên nhân kể trên hay không.
Vượt qua sợ hãi
Chấp nhận mọi hoàn cảnh
Mỗi khi có một nỗi sợ nảy sinh trong tâm, bạn cần nghĩ rằng “Tôi sẽ chấp nhận bất cứ chuyện gì sẽ xảy ra. Tôi sẽ chấp nhận bất cứ hệ quả nào sẽ đến.” Suy nghĩ đó được gọi là tâm chấp nhận. Trong cuộc sống có rất nhiều khó khăn, thử thách, và trước hết chúng ta phải chấp nhận thực tại đó. Không thể chấp nhận rằng thực tại chứa đựng nhiều khó khăn, thử thách chính là một trong những điều tồi tệ nhất. Đức Phật đã dạy một điều, “Nếu đã tạo ác nghiệp trong đời quá khứ thì bạn phải gánh chịu hậu quả; nếu không làm gì sai trái thì bạn không phải gánh chịu bất cứ điều gì.” Vì vậy, bạn phải nghĩ rằng sợ hãi không có ích lợi gì, lo lắng cũng không có ích lợi gì. Bạn hãy nghĩ “Nếu trong đời quá khứ tôi đã tạo ác nghiệp thì giờ đây tôi không thể trốn thoát; nếu tôi không làm gì sai thì chẳng có gì xấu xảy ra với tôi.” Bạn cần nhìn nhận theo cách này. Nếu nghĩ được như vậy một lần, hai lần, dần dần bạn sẽ thấy tâm lý của mình thay đổi rất khác biệt.
Tôi là người sợ độ cao. Khi ở trên nhà cao tầng, tôi không dám nhìn xuống phía dưới dù có hàng rào hay tường chắn. Tôi đã áp dụng phương pháp này và nó có ích với tôi. Tôi sẽ chấp nhận bất cứ hệ quả nào sẽ xảy đến, và tôi cứ nhìn xuống. Nhưng bạn đừng hiểu lầm ý tôi, chấp nhận như vậy không có nghĩa là tôi sẽ nhảy xuống dưới. Chúng ta thường sợ vì nghĩ đến kết quả, và điều đó càng khiến ta sợ hãi hơn. Bạn sẽ rất ngạc nhiên rằng tôi cũng sợ các loài chim. Mẹ tôi kể rằng hồi còn nhỏ tôi đã bị một con chim cắn, có lẽ vì vậy mà tôi sợ các loài chim. Tôi nhớ một lần nọ ở Thụy Sĩ, họ tổ chức chương trình cầu nguyện cho các chú chim trong một công viên chim. Họ muốn tôi cầu nguyện cho các chú chim được nuôi dưỡng ở đó. Họ mang các con chim đến trước mặt tôi và tôi buộc phải chạm tay vào chúng khi làm lễ cầu nguyện. Lúc đó, tôi không thể nói là tôi sợ các con chim và tôi đã phải áp dụng phương pháp này, chấp nhận tất cả những hệ quả sẽ xảy đến. Đó chính là lần đầu tiên tôi chạm vào các con chim sau gần 20 năm. Phương pháp này thật sự đã giúp tôi giảm bớt nỗi sợ chạm vào các chú chim. Tôi có thể chạy ra chỗ khác nhưng làm như thế thì rất kỳ lạ. Tôi luôn có suy nghĩ nếu chạm vào một con chim thì tôi sẽ bị nó cắn, ý nghĩ đó khiến tôi sợ chạm vào các con chim. Phần lớn các loài chim sẽ không cắn người, nhưng người khác lại không thể thuyết phục tôi như thế vì trong tâm tôi luôn có suy nghĩ sợ bị chim cắn. Vậy, bước thứ nhất để vượt qua sợ hãi là chấp nhận mọi kết quả sẽ diễn ra.
MỖI KHI CÓ MỘT NỖI SỢ NẢY SINH TRONG TÂM, BẠN CẦN NGHĨ RẰNG “TÔI SẼ CHẤP NHẬN BẤT CỨ CHUYỆN GÌ SẼ XẢY RA. TÔI SẼ CHẤP NHẬN BẤT CỨ HỆ QUẢ NÀO SẼ ĐẾN.”
Có một câu chuyện có thật về một vị thầy hồi thế kỷ XIV ở Tây Tạng. Mọi người thường hỏi vị thầy về ước nguyện của vị ấy. Vị thầy thường nói rằng ông muốn tái sinh vào địa ngục để có thể giúp đỡ những chúng sinh ở đó. Với chúng ta thì điều đó nghe có vẻ buồn cười, nhưng điều đáng nói ở đây là vị thầy này hoàn toàn không sợ hãi địa ngục. Trạng thái tâm đó được gọi là vô úy (không sợ hãi). Nhờ tâm từ bi muốn giúp đỡ chúng sinh nơi địa ngục mà vị thầy sẵn sàng chấp nhận sinh vào địa ngục.
Truy tìm nỗi sợ
Khi nhận ra tâm mình đang sợ hãi, bạn cần phải cố gắng tìm xem nỗi sợ đó hiện hữu ở đâu. Đây là một thủ thuật rất đơn giản. Trong quá trình tìm kiếm nỗi sợ, cảm giác sợ hãi sẽ dần tan biến. Khi bạn đang tiến hành truy tìm nỗi sợ thì bạn dần không còn cảm nhận được nỗi sợ nữa. Đây được gọi là tánh không trong đạo Phật, nhưng tôi không muốn nói về điểm này ở đây. Ở bước thứ hai này, bạn chỉ cần cố gắng truy tìm xem nỗi sợ hiện diện nơi đâu; nó ở tim, ở phổi, hay ở nơi đâu? Bạn hãy cố gắng truy tìm. Khi bạn rất chú tâm truy tìm nỗi sợ, cảm giác lo sợ sẽ dần dần tan biến. Con người sợ chết vì họ nghĩ về cái chết. Mỗi khi hình ảnh về cái chết xuất hiện trong tâm thì họ sẽ lo sợ. Điều ta cần làm là phải đánh lạc hướng tâm mình ra khỏi đối tượng khiến ta sợ. Để chuyển tâm ra khỏi đối tượng gây sợ, bạn tiến hành truy tìm xem nỗi sợ hiện diện ở đâu. Trong tiến trình bạn truy tìm nơi nỗi sợ hiện hữu, tâm bạn sẽ bị phân tán và bạn sẽ bớt sợ.
Rèn luyện sự tự tin
Con người thường cầu nguyện để vượt qua sợ hãi. Khi bạn tìm cầu một sự trợ giúp từ bên ngoài, đó cũng là một dạng cầu nguyện. Tôi không phản đối việc tìm cầu trợ giúp từ bên ngoài, nhưng nhiều lúc con người hiểu sai ý nghĩa của việc cầu nguyện. Bài cầu nguyện hữu hiệu nhất để vượt qua sợ hãi là rèn luyện sự tự tin, là tâm tin tưởng vào chính mình. Để có thể tin tưởng vào bản thân, bạn cần gửi cho chính mình thông điệp “Tôi có thể làm được! Tôi có thể làm được!” Khi có một tiếng vọng mãnh liệt từ con tim, chắc chắn bạn sẽ tin rằng mình có thể làm được. Bằng cách này bạn có thể dần dần vượt qua nỗi sợ thất bại trong cuộc sống.
Thực hành vượt qua sợ hãi
Bạn hãy chuẩn bị một mẩu giấy trắng. Trước hết, bạn viết vào giấy nỗi sợ của mình. Tiếp theo, bạn hãy viết những nguyên nhân khiến bạn sợ hãi và lo âu. Khi con người sợ hãi hay bất an, họ thường không nhìn sâu vào những cảm xúc đó. Nếu cần viết ra giấy thì bạn sẽ phải suy nghĩ tường tận hơn về nỗi sợ của mình. Sau cùng, bạn hãy viết những cách bạn chọn để vượt qua sợ hãi. Bạn hãy nhắm mắt lại, suy nghĩ thật sâu và viết vào mẩu giấy những điều trên.
KHI BẠN RẤT CHÚ TÂM TRUY TÌM NỖI SỢ, CẢM GIÁC LO SỢ SẼ DẦN DẦN TAN BIẾN.
Thông thường, con người có nhiều nỗi sợ khác nhau. Tôi là một tu sĩ, tôi đang thất nghiệp nên tôi không sợ mất việc. Tôi cũng không sợ các vấn đề về gia đình. Có lẽ tôi sẽ không có gì để viết vào giấy của mình.
Bây giờ bạn hãy nhìn vào điểm thứ nhất trong mẩu giấy của mình và nghĩ rằng bạn sẽ chấp nhận bất cứ hệ quả nào sẽ xảy ra. Bạn hãy dành hai đến ba phút để nhắm mắt và suy nghĩ thật sâu sắc về những nỗi sợ của bản thân, và tự nhắn nhủ rằng bạn sẽ chấp nhận bất cứ hoàn cảnh nào sẽ xảy ra trong tương lai.
Khi bắt đầu suy nghĩ mãnh liệt rằng mình sẽ chấp nhận mọi tình huống, bạn sẽ có được dũng khí hay sự can đảm trong tâm. Dũng khí này là biện pháp tốt nhất để vượt qua sợ hãi. Nỗi sợ hủy diệt sự can đảm và tự tin trong ta, vì vậy chúng ta rất đau khổ khi sợ hãi. Để vượt qua sợ hãi, bạn cần phát khởi sự tự tin và lòng can đảm. Làm thế nào để ta gây dựng sự tự tin và nuôi dưỡng lòng can đảm? Để làm được điều này bạn cần thay đổi một chút trong đường lối tư duy. Trước hết bạn phải có tâm chấp nhận, bạn cần chấp nhận mọi hoàn cảnh sẽ diễn ra. Bạn phải suy nghĩ như thế nhiều lần. Thông điệp này phải thấm sâu vào tâm bạn.
Khi mới được sinh ra, chúng ta hoàn toàn không có tên. Sau đó cha mẹ đặt tên cho bạn, ví dụ như Bình, và dần dần bạn nghĩ rằng “tôi là Bình.” Cái tên này đã ăn sâu vào tâm trí bạn, thậm chí trong mơ bạn cũng không quên tên mình. Tuy nhiên, nếu bạn thấy mình đang bay trong mơ, bạn không bao giờ thắc mắc vì sao mình có được khả năng đặc biệt đó. Nếu trong mơ bạn thấy một con chó đang bay, bạn cũng không nghi ngờ hay thắc mắc “Tại sao con chó lại bay được?” Khi thấy mình bay trong mơ, bạn không bao giờ tự hỏi “Làm sao tôi có thể bay được?” Trong giấc mơ, bạn đã hoàn toàn quên bản thân mình là ai, nhưng bạn lại không bao giờ quên tên mình. Nếu có ai gọi “Bình” trong giấc mơ, bạn ngay lập tức biết rằng có người gọi bạn, vì cái tên này đã ăn sâu vào tâm bạn.
Tương tự, có hai thông điệp mà bạn phải ghi sâu vào tâm: “Tôi có thể làm được!” và “Tôi sẽ chấp nhận tất cả!” Để những thông điệp này đi sâu vào tâm, bạn cần phải nghĩ đi nghĩ lại thật mãnh liệt về chúng. Chỉ bạn mới có thể gửi những thông điệp này vào tâm mình, không ai khác có thể làm được việc này. Khi những thông điệp này đã đi sâu vào tâm thì mỗi khi khó khăn, thử thách xảy đến, sự tự tin và lòng can đảm sẽ tự nhiên trỗi dậy trong tâm bạn, từ đó bạn sẽ có thể dần dần vượt qua nỗi sợ trong tâm.
Để có hạnh phúc trong cuộc sống, trước hết ta phải cố gắng giảm bớt những cảm xúc có hại như căng thẳng, sợ hãi, sân giận. Sau đó, bạn sẽ tiến đến diệt trừ hoàn toàn những loại phiền não này. Hiện tại chúng ta đang trong giai đoạn đầu tiên của việc cố gắng giảm bớt những cảm xúc phiền não.
BÀI CẦU NGUYỆN HỮU HIỆU NHẤT ĐỂ VƯỢT QUA SỢ HÃI LÀ RÈN LUYỆN SỰ TỰ TIN, LÀ TÂM TIN TƯỞNG VÀO CHÍNH MÌNH.
Chúng ta đã trải qua cảm xúc giận dữ nhưng nếu có người hỏi “Giận là gì?” thì rất khó trả lời. Tuy nhiên, “Giận là gì?” không phải là một câu hỏi quan trọng. Câu hỏi quan trọng hơn là “Làm thế nào để kiểm soát cơn giận?”