C
ăng thẳng, sợ hãi, và sân giận có mối liên hệ qua lại với nhau. Sợ hãi và sân giận khiến tâm ta căng thẳng. Nỗi sợ trong tâm khiến ta nổi giận, và cơn giận càng khiến ta sợ hãi hơn. Ba loại cảm xúc phiền não này tương tác lẫn nhau.
Con người hoàn toàn có khả năng diệt trừ tâm sân giận. Không những có thể diệt trừ tâm sân giận mà chúng ta còn có khả năng vĩnh viễn loại bỏ tâm sân giận. Trạng thái đó được gọi là Phật quả. Khi bạn đã thành công trong việc từ bỏ vĩnh viễn tâm sận giận thì bạn đã thành Phật. Tuy nhiên, khi chúng ta đề cập đến những vấn đề liên quan đến đức Phật, bạn đừng nghĩ rằng đó là những vấn đề thuộc về tôn giáo. Đức Phật đã dạy rằng tất cả mọi người đều có khả năng trở thành một vị Phật, ai cũng có khả năng diệt trừ tâm sân giận và phiền não. Khi một người thành công trong việc loại bỏ hoàn toàn mọi phiền não thì người đó đã đạt đến trạng thái của một vị Phật.
Có một điều rất thú vị về cuộc đời của nhà bác học Isaac Newton. Ông ấy là một nhà khoa học tài ba lỗi lạc, đã khám phá ra nhiều định luật vật lý. Tuy nhiên, Newton đã sống một cuộc đời đầy thống khổ. Ông rất nóng tính, hay nổi giận, và không có hạnh phúc trong hôn nhân. Đôi lúc tôi có cảm giác kho tàng kiến thức của Newton hoàn toàn không giúp được gì cho ông ấy trong hành trình mưu cầu hạnh phúc. Những vấn đề của Isaac Newton dường như đã có ảnh hưởng đến nhà bác học Albert Einstein sau đó. Nếu đọc quyển Sự Tiến Hóa của Vật Lý (The Evolution of Physics) của Einstein, bạn sẽ thấy một câu nói nổi tiếng, “Nếu có một tôn giáo nào có thể song hành cùng khoa học thì đó chính là đạo Phật.” Thật ra, Einstein không phải là một người theo đạo Phật, nhưng ông ngưỡng mộ nhiều tư tưởng của đạo Phật. Ông không xem đạo Phật là một tôn giáo mà ông có cách nhìn rất khác về đạo Phật. Lời dạy của đức Phật chủ yếu nói về phương pháp luyện tâm và cách diệt trừ phiền não. Đó là điểm cốt lõi trong lời Phật dạy. Đây không chỉ đơn thuần là một đề tài về tôn giáo, vì con người ai cũng cần diệt phiền não nếu họ thật sự muốn mưu cầu hạnh phúc. Tôi thường theo dõi một trang tin tức khoa học trên mạng internet và đã đọc được một bài viết2 nói về 8 tư tưởng của người xưa giúp ích cho sức khỏe con người mà giờ đây khoa học đương đại tìm lại và công nhận. Sáu trong 8 tư tưởng này đến từ các kỹ thuật thiền trong đạo Phật.
Vấn đề kiểm soát sân giận cũng mới phát sinh sau này trong nền khoa học hiện đại. Các nhà khoa học trong giai đoạn đầu thế kỷ XX rất hiếm đề cập đến việc kiểm soát cơn giận hay các loại phiền não, thay vào đó họ chú tâm nhiều hơn vào các thí nghiệm khám phá thế giới bên ngoài. Gần đây, giới khoa học đã có một hướng tiếp cận mới trong việc kiểm soát phiền não nội tâm như sân giận, đố kỵ... Hiện tại, khoa học đương đại có nhiều cách xử lý các cảm xúc giận dữ, nhưng thật ra những phương cách này đã được đức Phật nói đến từ hơn 2500 năm trước. Tuy vậy, các nhà khoa học biết đến những phương cách này thông qua sách vở chứ không phải qua kinh nghiệm bản thân. Trong truyền thống đạo Phật, chúng tôi luôn theo các bước: trước hết học hỏi kiến thức, sau đó chiêm nghiệm và thực hành những gì đã học, tiếp theo trau dồi kinh nghiệm, rồi mới dạy người khác. Đó là điểm khác biệt giữa đạo Phật và khoa học.
Nhiều năm trước tôi đã từng là một tu sĩ rất nóng tính. Với phương pháp thực hành này, tôi đã thành công trong việc loại bỏ 60% cơn giận. Nếu bạn loại bỏ nóng giận 100% thì bạn trở thành một vị a-la-hán. Bạn cần biết rằng bạn cũng có khả năng trở thành một vị a-la-hán. Khi nào bạn đạt được thành quả đó tùy thuộc hoàn toàn vào bạn. Đức Phật dạy rằng là con người ai cũng có khả năng này.
Ở đây, trước hết ta cần hiểu sân giận là gì? Chúng ta có thể cảm nhận được cơn giận, ta trải nghiệm cơn giận, nhưng khi hỏi “Giận là gì?” thì rất khó để giải thích. Einstein đã nói rằng chúng ta biết thời gian, nhưng nếu có người hỏi “Thời gian là gì?” thì chúng ta không thể trả lời. Chúng ta đã trải qua cảm xúc giận dữ nhưng nếu có người hỏi “Giận là gì?” thì rất khó trả lời. Nhiều người hiểu sai và họ cho rằng tức giận là biểu hiện của sức mạnh, tuy nhiên giận dữ hoàn toàn không phải là biểu hiện của sức mạnh. Tôi đã làm việc với một số bác sĩ tâm thần trong vài năm, và cách họ diễn giải cơn giận có đôi chút khác biệt. Tuy nhiên, “Giận là gì?” không phải là một câu hỏi quan trọng. Câu hỏi quan trọng hơn là “Làm thế nào để kiểm soát cơn giận?”
Nguyên nhân của cơn giận
Có một số nguyên nhân khiến chúng ta nổi giận. Nguyên nhân thứ nhất là chúng ta không đạt được những gì mình mong muốn. Khi bạn kỳ vọng vào một điều gì đó và chúng không diễn ra theo ý bạn thì bạn sẽ dễ nổi giận. Nguyên nhân thứ hai khiến bạn nổi giận là bạn bị người khác làm tổn thương qua hành động hay lời nói. Nếu bạn bị gai đâm thì từ từ vết thương sẽ bị sưng, vì mỗi khi các tế bào phát hiện thành phần lạ xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ cố gắng phản ứng để đẩy lui sự xâm nhập đó. Tương tự, khi con người bị tổn thương tinh thần hoặc thể xác, họ sẽ phản ứng lại và nổi giận. Nguyên nhân thứ ba kích hoạt cơn giận là áp lực từ bên ngoài. Có thể có những nguyên nhân khác nữa gây ra cơn giận, tuy nhiên đây là những nguyên nhân chính khiến chúng ta nổi giận.
Tôi có một kinh nghiệm qua một câu chuyện về một học trò người Hàn Quốc. Anh ta là một tu sĩ đã sống khá lâu trong tu viện ở Hàn Quốc. Anh ta nói với tôi rằng anh đã bắt đầu đời sống tu viện từ sau khi tốt nghiệp cao đẳng, và khi ấy anh hành thiền mỗi ngày 16 giờ, rất chăm chỉ. Trước khi gia nhập tu viện, anh ấy là người vui vẻ và chẳng bao giờ nổi giận. Sau khi thực hành thiền chăm chỉ thì dần dần anh ấy lại phát khởi sân giận. Anh ta càng thực hành thiền bao nhiêu thì càng nóng nảy bấy nhiêu. Mỗi khi anh ta đang hành thiền, nếu có người gây tiếng động nhỏ thì anh sẽ nổi giận vì nó quấy nhiễu thời thiền của anh. Thậm chí trong tu viện, một số tu sĩ đến nay vẫn chưa thể kiểm soát được cơn giận của họ. Nếu không thể kiểm soát cơn giận thì bạn không thể giải tỏa căng thẳng trong tâm.
MỘT TRONG NHỮNG NGUYÊN NHÂN KHIẾN CHÚNG TA NỔI GIẬN LÀ DO CHÚNG TA KHÔNG ĐẠT ĐƯỢC NHỮNG GÌ MÌNH MONG MUỐN.
Căn nguyên là chấp ngã
Về căn bản, cơn giận có mối liên hệ mật thiết với bản ngã. Khi bạn có bản ngã quá cao thì bạn sẽ càng hay giận dữ. Bạn có thể xem tâm sân giận là hệ quả của bản ngã. Bản ngã của chúng ta là nguyên nhân cốt lõi của tâm sân giận. Vì vậy, pháp thực hành chính yếu trong đạo Phật là diệt trừ bản ngã. Một trong những mục tiêu chính yếu của đức Phật khi ngài truyền dạy giáo pháp là để chỉ dẫn mọi người cách thức diệt trừ tâm ái ngã, tức là tâm chỉ biết thương yêu bản thân mình. Tuy nhiên, để thực hành được điều này không mấy đơn giản. Nếu quá đơn giản thì thế giới này đã có rất nhiều vị Phật! Mặt khác, đây không phải là một điều bất khả thi, vì thế cũng có thể sẽ có rất nhiều vị Phật trong tương lai.
Đối trị tâm sân giận
Có hai cách đối trị tâm sân giận, cách dễ dàng và cách bền vững, bạn muốn áp dụng cách nào? Tôi hay nói đùa rằng cách dễ dàng nhất để xử lý tâm sân giận là niệm danh hiệu các vị Phật một ngàn lần. Nếu làm như vậy không hiệu quả thì bạn hãy niệm một trăm ngàn lần, và nếu vẫn chưa hiệu quả thì bạn hãy niệm một triệu lần. Đây là cách dễ dàng nhưng không đảm bảo có tác dụng. Tuy nhiên, bạn đừng nghĩ tôi phản đối việc tụng niệm danh hiệu Phật, vì ở tu viện tôi vẫn hàng ngày tụng niệm. Vấn đề ở đây là bạn phải chọn một phương pháp thực tế để điều trị sân giận từ tận gốc rễ.
Người ta nghĩ rằng khi nổi giận, chúng ta cần giải tỏa cơn giận ra ngoài và không nên đè nén cơn giận. Khi bạn cố đè nén cơn giận thì bạn sẽ càng đau khổ. Bạn phải giải tỏa cơn giận. Đây là cách nghĩ của nhiều người, nhưng tôi sẽ không khuyên bạn làm theo cách này!
Có một câu chuyện về một người rất nóng tính. Mỗi khi đến văn phòng, anh ta thường nổi giận với sếp của mình. Anh không thể kiểm soát được cơn giận của bản thân đối với sếp nên sau đó anh ta đến gặp một bác sĩ tâm thần để nhờ tư vấn. Bác sĩ nói, “Anh không nên đè nén cơn giận. Anh phải giải tỏa nó. Anh hãy treo hình của sếp anh gần cửa nhà và hàng ngày, trước khi đi làm anh hãy lấy giầy đánh vào hình ông ta ba lần, buổi chiều khi đi làm về anh hãy cởi giầy đánh vào hình ông ta ba lần.” Thế là anh ta làm theo lời khuyên của bác sĩ trong ba tuần. Mỗi khi đi làm, anh ta cởi giầy và đánh vào tấm hình ông chủ ba lần. Mỗi khi từ văn phòng về đến nhà, anh ta cũng cởi giầy và đánh vào tấm hình ba lần. Ba tuần sau, anh ta đến gặp bác sĩ tâm thần một lần nữa để được tư vấn. Bác sĩ hỏi, “Phương pháp của tôi có hiệu quả không?” Anh ta trả lời, “Hiệu quả, nhưng có một vấn đề khác nảy sinh. Mỗi lần tôi gặp sếp ở văn phòng thì tay tôi lại tự nhiên đưa xuống phía dưới giầy tôi.” Đó là tác dụng phụ. Phương pháp tôi hướng dẫn không có tác dụng phụ. Nếu thực hành theo cách của ông bác sĩ tâm thần kia thì bạn cần một chiếc giầy trong tay. Theo cách của tôi thì bạn không cần giầy trong tay.
VỀ CĂN BẢN, CƠN GIẬN CÓ MỐI LIÊN HỆ MẬT THIẾT VỚI BẢN NGÃ. KHI BẠN CÓ BẢN NGÃ QUÁ CAO THÌ BẠN SẼ CÀNG HAY GIẬN DỮ.
Khi nổi giận, hầu hết mọi người đều cảm thấy vô vọng, họ nghĩ rằng mình không thể kiểm soát cơn giận. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn không vô vọng. Bạn có thể kiểm soát được tình hình. Có một câu chuyện nổi tiếng thời đức Phật còn tại thế. Có người nổi giận và nhổ nước bọt vào mặt đức Phật, nhưng ngài chỉ mỉm cười. Đức Phật đã đạt đến một trạng thái hoàn toàn không nổi giận trong bất cứ hoàn cảnh nào, và chúng ta cũng có thể đạt đến trạng thái đó.
Một lần nọ, tôi nói về kiểm soát nóng giận tại một trại cải tạo vị thành niên. Có một đứa trẻ hỏi tôi, “Nếu có người đấm vào mặt ông thì ông có nổi giận không? Ông sẽ làm gì?” Tôi nói rằng tôi sẽ nghĩ cách tìm một luật sư giỏi để tiến hành kiện người đó! Ý tôi ở đây là chúng ta không nhất thiết phải tức giận khi phản ứng lại những hoàn cảnh không như ý.
Nhận diện cơn giận
Mỗi khi nổi giận, trước hết bạn phải nhận ra mình đang nổi giận. Để làm được điều này, bạn phải luôn tỉnh thức về diễn biến trong tâm mình. Để tỉnh thức, bạn phải quán sát tâm mình trong từng phút giây.
Chuyển tâm ra khỏi đối tượng gây giận
Ngay khi nhận diện được cơn giận đang nổi lên trong tâm, bạn hãy tiến hành đếm hơi thở. Hít vào đếm một, thở ra đếm hai..., và bạn đếm đến mười hoặc hai mươi. Cơn giận cũng như một chứng bệnh. Nếu bạn không kiểm soát cơn giận thì dần dần tâm sân giận sẽ trầm trọng hơn. Khi đó thì chỉ cần một vấn đề nhỏ nhặt cũng khiến bạn nổi giận. Mỗi khi nổi giận, bạn phải nhận diện cơn giận và tiến hành đếm hơi thở từ một đến mười hoặc hai mươi. Nếu quán sát cẩn thận thì bạn sẽ thấy khi nổi giận, bạn thường nghĩ đi nghĩ lại về đối tượng khiến bạn tức giận, và điều đó khiến bạn ngày càng tức giận hơn.
Nhiều năm trước, ở tu viện có một chú tiểu học hành không nghiêm chỉnh nên tôi đã yêu cầu chú đến phòng của tôi và tôi đã mắng chú ta rất dữ dội. Tôi mắng chú “Đồ ngốc nghếch! Đồ con lừa!” trong suốt hai đến ba phút. Sau đó, tôi có hỏi chú tiểu có giận không thì chú nói rằng chú hoàn toàn không giận. Tôi rất ngạc nhiên và hỏi, “Vì sao con không nổi giận? Thầy đã dùng lời lẽ rất nặng nề với con mà...” Chú tiểu trả lời tôi chú đã không nghe những gì tôi nói vì chú đang bận suy nghĩ đến những trò chơi.
BẠN ĐÁNH LẠC HƯỚNG TÂM MÌNH RA KHỎI ĐỐI TƯỢNG GÂY GIẬN BẰNG CÁCH ĐẾM HƠI THỞ. TRONG LÚC BẠN TẬP TRUNG ĐẾM HƠI THỞ, CƠN GIẬN SẼ DẦN NGUÔI NGOAI.
Đây là một bí mật vô cùng đơn giản mà chúng ta không biết! Nếu có người nặng lời với bạn, bạn sẽ nghĩ đi nghĩ lại về những lời lẽ đó. Nếu có chuyện không vui xảy đến với bạn, bạn cũng sẽ nghĩ đi nghĩ lại về chuyện đó ngay cả khi bạn biết rằng suy đi nghĩ lại như thế cũng không có ích lợi gì ngoài việc khiến bạn giận dữ. Trong bước này, bạn cố gắng chuyển tâm mình ra khỏi những sự việc không vui đó, chuyển tâm ra khỏi những lời lẽ nặng nề từ người khác. Bạn đánh lạc hướng tâm mình bằng cách đếm hơi thở. Trong lúc bạn tập trung đếm hơi thở, cơn giận sẽ dần nguôi ngoai.
Tư duy về tác hại của sân giận
Tiếp theo, mỗi khi có thời gian rỗi, bạn hãy suy nghĩ về tác hại của tâm sân giận. Tịch Thiên, một học giả Phật giáo lỗi lạc vào khoảng thế kỷ VII-VIII, đã viết tác phẩm Nhập Bồ Tát Hạnh gồm 10 chương, trong đó chứa đựng rất nhiều tư tưởng quý báu. Trong tác phẩm này, một số chương nói về các tư tưởng trong đạo Phật, và phần lớn nội dung còn lại không liên quan đến tôn giáo mà thật sự đó là khoa học tâm thức. Trong Nhập Bồ Tát Hạnh, ngài Tịch Thiên đã nói, “Vì sân giận nên sống trong an lạc, đây là điều không thể có.” Điều này có nghĩa là hễ ai ôm lòng sân giận thì người đó sẽ không thể có hạnh phúc.
Trong quá khứ tôi từng là một tu sĩ nóng tính. Có một lần tôi rất giận dữ và đấm vào một hộp công tắc điện khiến nó bị vỡ. Hộp công tắc bị vỡ đó vẫn còn nguyên trạng tại tu viện ở miền Nam Ấn Độ trong suốt nhiều năm nay, và tôi không thay công tắc mới. Hiện tại, tôi đã thay đổi rất nhiều. Điểm khởi đầu của sự thay đổi này là khi tôi đọc được câu nói của ngài Tịch Thiên, hễ ai ôm lòng sân giận thì người đó không thể có hạnh phúc. Bạn có đồng ý với tôi về điểm này không? Do đó, bây giờ là thời điểm thích hợp để bạn làm một điều gì đó nhằm điều phục sân giận. Bạn nên suy nghĩ nhiều lần về tác hại của sân giận.
Bạn cũng cần nghĩ rằng tâm sân giận là một dạng tâm điên rồ. Người ta nói rằng cơn giận nhất thời là cơn điên nhất thời, cơn giận thường trực là cơn điên thường trực. Vào những lúc bạn cần ra quyết định, nếu quyết định với tâm sân giận thì bạn không thể nào có quyết định chuẩn xác. Khi bạn nổi giận, cơn giận không chỉ ảnh hưởng đến bạn mà nó còn tác động đến gia đình bạn. Hãy tưởng tượng gia đình bạn đang có thời gian sum họp vui vẻ bên nhau, nếu có một thành viên nổi giận thì cả gia đình sẽ mất vui. Đó là những tác hại của tâm sân giận mà chúng ta cần phải lưu ý. Nếu bạn càng suy nghĩ nhiều về tác hại của cơn giận, mỗi khi nổi giận ngay lập tức bạn sẽ biết rằng mình đang làm một điều không đúng đắn. Khi bạn biết rõ cơn giận của mình là điều sai lầm, bạn sẽ có dũng khí và ý muốn kiểm soát cơn giận. Càng nghĩ nhiều về mặt tiêu cực của sân giận, bạn càng có động lực và quyết tâm điều phục tâm sân giận.
HỄ AI ÔM LÒNG SÂN GIẬN THÌ NGƯỜI ĐÓ SẼ KHÔNG THỂ CÓ HẠNH PHÚC.
Với người nghiện rượu, để từ bỏ uống rượu thì trước hết người đó phải thấy được tác hại của việc uống rượu. Tuy nhiên, bạn cần thấy được tác hại một cách chính xác, chứ không phân tích tác hại một cách sai lầm. Có một nhà trị liệu chuyên cai nghiện cho người nghiện rượu. Vị bác sĩ này phân tích tác hại của rượu, cho rằng rượu rất có hại đến sức khỏe. Ông ấy thử nghiệm với một ly nước và một ly rượu trước mặt những người nghiện rượu. Tiếp theo ông thả một con sâu vào ly nước, con sâu có thể bơi lên mặt nước và bò ra khỏi ly nước. Rồi ông thả con sâu đó vào ly rượu. Vài phút sau, con sâu chết và bị phân hủy trong ly rượu, không để lại dấu vết nào cả. Ông bác sĩ nói, “Các anh hãy nhìn! Đây là tác động của rượu lên cơ thể chúng ta.” Một anh nghiện rượu đứng lên nói, “Tôi hiểu ý bác sĩ rồi. Nếu uống rượu thì trong dạ dày không còn giun sán nữa.” Bạn cần phải hiểu đúng những chỉ dẫn của tôi chứ đừng hiểu lầm ý tôi như anh nghiện rượu kia!
Khi bạn nổi giận với một người nào đó, cơn giận sẽ khiến bạn khổ sở hơn hay khiến người kia khổ hơn? Cơn giận khiến bạn đau khổ nhiều hơn. Mỗi khi nổi giận bạn không thể cảm nhận niềm an lạc trong tâm, không thể có hạnh phúc. Bạn phải nghĩ đi nghĩ lại về những tác hại này của tâm sân giận khi có thời gian rỗi.
Nuôi dưỡng lòng từ bi
Thực hành lòng từ bi là một biện pháp rất mạnh mẽ để đối trị tâm sân giận. Đức Phật là người đầu tiên trên thế giới này nói về việc phát khởi lòng từ bi với tất cả mọi người. Bạn có biết tổ chức PETA không? Đó là tổ chức bảo vệ phúc lợi động vật trên thế giới. Ý tưởng của tổ chức này đã từng được đức Phật nói đến hơn 2500 năm trước. Những dạng tư tưởng này xuất hiện khi nền tảng giáo dục của nhân loại được nâng cao. Đức Phật là người đầu tiên nói về việc phát khởi lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh.
Bây giờ là điều căn bản: Khi thực hành lòng từ bi, bạn được những lợi lạc gì? Đây là câu hỏi quan trọng nhất. Nếu có lợi thì bạn nên thực hành lòng từ bi, nếu không có lợi thì bạn không cần thực hành theo. Nói đến vấn đề này, khoa học đã chứng minh thực hành lòng từ bi có ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của cơ thể. Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến sức khỏe: gen, thức ăn, tập thể dục… Đến nay khoa học đã xác nhận yếu tố quan trọng nhất để có đời sống khỏe mạnh là tâm an lạc. Nếu bạn chỉ ăn thực phẩm sạch, tập thể dục hai giờ mỗi ngày nhưng lại không có tâm an lạc thì những việc làm kia cũng không có nhiều lợi ích. Dù bạn có chạy bộ hai giờ trong phòng tập thì phiền não vẫn cứ phát sinh. Nhiều công trình khoa học với đầy đủ tên tuổi của các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng tâm an lạc là một yếu tố quan trọng đối với sức khỏe thể chất của con người.
THỰC HÀNH LÒNG TỪ BI LÀ MỘT BIỆN PHÁP RẤT MẠNH MẼ ĐỂ ĐỐI TRỊ TÂM SÂN GIẬN.
Câu hỏi được đặt ra là chúng ta cần làm gì để phát triển lòng từ bi và tâm an lạc? Khi nói đến tâm an lạc và lòng từ bi, tôi hoàn toàn không đề cập đến những vấn đề về tôn giáo. Khi đức Phật dạy về tâm an lạc và lòng từ bi, ngài cũng đã đề cập đến sức khỏe thể chất. Tôi vẫn thường hay nói đùa, con thỏ chỉ ăn cỏ cây tự nhiên và nhảy nhót suốt ngày nhưng nó chỉ sống được 5 năm; trong khi đó con rùa không vận động gì nhiều nhưng vẫn sống đến hơn 100 năm. Con cá voi uống nước và ăn nhiều tảo biển nhưng cơ thể nó vẫn đầy mỡ. Tâm an lạc đóng góp rất nhiều vào sức khỏe thể chất. Tâm an lạc cũng giúp chúng ta xử lý cơn giận.
Để có tâm an lạc thì trước hết bạn cần phát khởi lòng từ bi. Mỗi ngày bạn chỉ cần dành khoảng 5 phút để nghĩ về lòng từ bi. Hãy nhìn các loài thú, những con vật đang chịu cảnh bệnh tật và nhiều khó khăn khác. Bạn cũng hãy nhìn vào con người trong cõi này, hàng triệu người đang trong cảnh đói khát. Hãy nghĩ về những hoàn cảnh đó và cố gắng phát khởi lòng từ bi đối với họ. Khi đó bạn sẽ nhận ra mình may mắn đến mức nào. Đôi lúc chúng ta quên mất mình may mắn đến mức nào. Hàng triệu người trên thế giới hiện không có gì để ăn, họ phải khổ cực kiếm từng bữa ăn. Trong số những người có thực phẩm để ăn thì hàng triệu người không được ăn đầy đủ dinh dưỡng. Rất nhiều người không có nước sạch để uống. Nếu có dịp đến Nepal và Ấn Độ, bạn sẽ thấy cảnh hàng triệu người đang sống trong những điều kiện rất khó khăn. Bạn cũng có thể nghĩ về những người chịu hậu quả từ thiên tai. Bạn hãy nghĩ về những tình cảnh này và cố gắng phát khởi và nuôi dưỡng lòng từ bi.
Nhiều người trong số các bạn thường hay đọc những tạp chí như Forbes, trong đó nói về những người giàu nhất trên thế giới, và rồi bạn đếm xem từng người trong số họ đang sở hữu bao nhiêu tài sản. Điều này cũng tốt, tôi không nói làm như vậy là sai. Tuy nhiên, khi bạn đọc những tạp chí như vậy thường xuyên thì bạn sẽ bắt đầu nghĩ mình chẳng có gì cả. Làm như vậy có giúp bạn hạnh phúc không? Nếu làm như vậy giúp bạn hạnh phúc thì rất tốt, hãy tiếp tục làm, không ai quan tâm đến việc làm của bạn. Bên cạnh đó, bạn cũng cần phải dành vài phút để thực hành nuôi dưỡng lòng từ bi. Đôi lúc chúng ta không biết cách giữ cân bằng trong cuộc sống. Khi bạn nghĩ đến những người đang trong hoàn cảnh khốn khó và thực hành phát khởi lòng từ bi đối với họ, dần dần bạn sẽ có được sự an lạc trong tâm mình. Một ngày nào đó, khi bạn có thể cảm nhận được mình thật sự may mắn thì lúc đó niềm vui thực thụ đã đến với bạn.
Tôi muốn chia sẻ với bạn một vài điều về cuộc sống của tôi, về cha mẹ tôi. Cha mẹ tôi đã đầu tư một số tiền vào cổ phiếu dưới tên tôi vì cha mẹ tôi luôn nghĩ cho con cái, bậc cha mẹ nào cũng nghĩ như thế. Tôi đã nói với cha mẹ tôi rằng tôi là tu sĩ và tôi không muốn mang theo bất cứ thứ gì, thậm chí cả tiền. Tôi không muốn cha mẹ đầu tư cổ phiếu dưới tên tôi và tôi đã nói họ bán số cổ phiếu đó. Điều tôi muốn nói ở đây là nếu tôi có thể vui sống mà không có tài sản gì cả, vì sao bạn lại không thể có niềm vui khi đang sở hữu thứ gì đó trong tay? Điều duy nhất bạn cần làm là thay đổi từ trong tâm, chỉ cần như vậy thôi. Thay đổi nội tâm sẽ tạo ra khác biệt lớn. Những gì tôi nói ở đây đều đến từ kinh nghiệm của chính tôi, tôi không lấy thông tin từ nơi khác như sách vở hay tìm trên Google. Nhưng bạn đừng hiểu lầm tôi. Tôi không có ý nói bạn không nên mua cổ phiếu. Tôi cũng không nói rằng nếu bạn bán hết cổ phiếu thì sẽ có được niềm vui. Tôi không có ý như thế.
KHOA HỌC ĐÃ XÁC NHẬN YẾU TỐ QUAN TRỌNG NHẤT ĐỂ CÓ ĐỜI SỐNG KHỎE MẠNH LÀ TÂM AN LẠC.
Bạn cần phải thực hành tâm từ bi từ những bước căn bản. Thực hành căn bản như thế nào? Có một câu chuyện kể về một người nói rằng anh ta bắt đầu thực hành tâm từ bi. Người bạn của anh ta hỏi, “Việc anh thực hành tâm từ bi thật tuyệt! Khi anh đang thực hành tâm từ bi, nếu anh có hai con ngựa thì anh có tặng một con ngựa cho một người không có ngựa không?” Anh trả lời, “Tất nhiên rồi! Tôi đang thực hành tâm từ bi mà!” Người bạn hỏi tiếp, “Nếu anh có hai con bò thì anh có tặng một con bò cho một người không có bò không?” Anh ta cũng trả lời có vì anh đang thực hành tâm từ bi. Rồi người bạn hỏi, “Nếu anh có hai con lừa thì anh sẽ tặng một con lừa cho một người không có lừa chứ?” Bấy giờ anh ta trả lời, “Không, tôi sẽ không tặng.” Người bạn của anh ta rất ngạc nhiên và hỏi, “Các tình huống đều giống nhau: nếu anh có hai con bò thì anh sẵn sàng tặng một con cho người không có bò; nếu anh có hai con ngựa thì anh sẵn sàng tặng một con cho người không có ngựa. Vậy tại sao nếu có hai con lừa thì anh lại không tặng một con cho người không có lừa?” Anh ta trả lời, “Không, các tình huống này không giống nhau! Tôi nói rằng tôi sẽ tặng một con bò nếu tôi có hai con bò, tôi sẽ tặng một con ngựa nếu tôi có hai con ngựa, nhưng tôi sẽ không tặng con lừa nào cả, vì trên thực tế bây giờ tôi không có hai con bò, không có hai con ngựa nhưng tôi lại đang có hai con lừa.” Câu trả lời này rất xác đáng.
Khi tôi nói thực hành tâm từ bi, điều này không có nghĩa là bạn phải trao tặng cho người khác một vật nào đó. Đừng làm như vậy, vì có thể sau đó bạn sẽ hối hận. Trước hết bạn cần nuôi dưỡng từ bi trong tâm, còn hành động cụ thể có thể tiến hành sau. Hiện tại tôi đang đeo một cái đồng hồ với giá chỉ 3 USD, và tôi vui vẻ với điều đó. Nhưng điều này không có nghĩa là hễ ai đeo đồng hồ giá 3 USD thì người đó sẽ hạnh phúc. Bước thứ ba để đối trị tâm sân giận là thực hành lòng từ bi. Bạn hãy nghĩ về hoàn cảnh thống khổ của người khác và cố gắng phát khởi tâm từ bi đối với họ.
Với những bước điều phục sân giận trên đây, bạn phải thực hành liên tục trong thời gian dài. Cơn giận không chỉ phát sinh trong vài tuần hay vài tháng, mà nó hiện diện trong thời gian rất dài. Vì vậy, bạn phải nhớ thực hành liên tục trong một khoảng thời gian nhất định thì mới có hiệu quả.
Hỏi - đáp
Hỏi: Thầy đã giảm được sân giận tới 60% rồi, còn 40% kia thì thầy để ở đâu ạ?
Rinpoche: Bốn mươi phần trăm kia vẫn còn. Ngày nào còn chấp ngã thì ngày đó vẫn có sự hiện diện của 40% sân giận kia. Muốn diệt ngã rất khó, do đó chúng ta phải đặt ra chỉ tiêu là trong vòng ba tháng chúng ta phải giảm sự nóng giận được 10 – 20%.
Hỏi: Chúng ta đã biết rất nhiều về lý thuyết và đã áp dụng trong thời gian dài, dù vậy trên thực tế phần lớn chúng ta vẫn không loại bỏ được những cơn tức giận hay căng thẳng trong cuộc sống. Khi đó chúng ta cần làm những gì?
Rinpoche: Trước hết, tôi không nói rằng khi áp dụng những bước này, bạn hoàn toàn không còn nóng giận nữa. Áp dụng những bước này sẽ giúp bạn giảm thiểu nóng giận. Khi thực hành, bạn phải đặt mục tiêu giảm ít nhất 10% sân giận. Giảm được 10% đã là một thành công rất lớn. Đây là mục tiêu đầu tiên bạn cần đặt ra. Tôi không nói bạn có thể hoàn toàn loại bỏ sân giận khi áp dụng phương pháp này. Nếu bạn loại bỏ được 100% sân giận thì bạn đã thành Phật rồi. Điều đó cần rất nhiều thời gian. Bạn phải đặt mục tiêu giảm được 10%, 20%, rồi 30%. Ít nhất trong một tháng bạn phải đạt được mục tiêu giảm 10% sân giận. Trong cuộc sống hằng ngày có rất nhiều tình huống khiến chúng ta nổi giận. Điều chúng ta cần xem xét lúc này là làm thế nào để giảm bớt sân giận. Đó là tất cả những gì chúng ta cần làm. Nếu không giảm được 100% thì ít nhất hãy cố gắng giảm 10%. Đó là mục tiêu đầu tiên của chúng ta. Với kinh nghiệm của tôi, tôi cảm nhận rằng tôi đã có thể giảm 60% nóng giận. Nếu ai đã hết nóng giận 100% thì người đó đã thành Phật rồi. Tôi cầu chúc bạn thành Phật càng sớm càng tốt.
Hỏi: Nếu chúng ta ở trong nhà hoặc một nơi rất dễ để đối trị với cơn nóng giận thì không sao, nhưng nếu đang đi xe hoặc ở trong cơ quan thì khó hơn. Mỗi ngày chúng ta đều có những cơn nóng giận, chúng ta cố gắng kiểm soát theo các bước thầy vừa dạy nhưng nếu thực hành nhiều lần mà vẫn không kiểm soát được thì phải làm sao?
Rinpoche: Tôi sẽ kể kinh nghiệm của tôi khi đối mặt với cuộc sống. Khi đó, tôi ở Nam Ấn. Ở Nam Ấn có rất ít Phật tử nên chúng tôi phải đối mặt với những khó khăn khi chung sống với nhiều người theo các truyền thống tôn giáo khác nhau. Một số sự việc đã xảy ra trong cuộc sống của tôi. Một ngày nọ, tôi đi ngang qua một quán rượu. Một người đàn ông say rượu đến trước mặt tôi, la hét và yêu cầu tôi vào quán rượu. Tôi chỉ phớt lờ ông ta và đi tiếp. Sau đó, người đó đuổi theo tôi và đến đứng trước mặt tôi. Ông ta la mắng tôi với thái độ rất tức giận, hỏi tại sao tôi lại phớt lờ ông ta. Tôi chỉ chắp tay lại, cúi đầu xuống và nói “Tôi xin lỗi.” Sau đó, người say trở nên bình tĩnh lại và bỏ đi. Bạn thật sự có thể làm những điều tương tự mà không gặp trở ngại nào.
Một dịp nọ, một việc đã xảy ra khi tôi vào thành phố để đến nhà sách. Ở đó, họ phát sách miễn phí. Đặc biệt, họ phát miễn phí sách bắt lỗi những tu sĩ Phật giáo. Các học trò của tôi nói rằng tôi không nên đến đó vì nội dung sách buộc tội tu sĩ Phật giáo. Nhưng tôi đã đến trước quầy phát sách đó và xin họ một quyển sách. Tôi nhận quyển sách, chắp tay lại và cúi đầu trước người đưa sách cho tôi. Lúc đó, sắc mặt của anh ta thay đổi hoàn toàn, cách ứng xử của anh ta đối với tôi cũng thay đổi hoàn toàn. Chúng ta phải biết rằng trong cuộc sống, có rất nhiều người không muốn hợp tác với chúng ta, nhưng ít nhất chúng ta phải cố gắng hợp tác với cảm xúc của chính mình. Đây là điều rất quan trọng.
Thật sự có rất nhiều khó khăn xảy đến trong cuộc sống của chúng ta. Tôi sẽ cho một ví dụ đơn giản. Lần trước, tôi có chuyến đi từ Mông Cổ đến Ấn Độ. Ở Mông Cổ, thủ tục lên máy bay rất suôn sẻ. Bởi Mông Cổ là một quốc gia Phật giáo nên họ cho tôi vào cổng VIP. Nhưng khi tôi đến sân bay Ấn Độ, nhân viên sân bay cư xử với tôi khá gay gắt. Họ hỏi tôi ở lại Ấn Độ bao lâu. Tôi trả lời là tôi không chắc. Khi đó nhân viên hải quan nói với tôi, “Ông không biết ông ở lại bao lâu thì ông đến đây làm gì?” Những lời nói như vậy không làm tổn thương tôi. Tôi vẫn không mất kiên nhẫn và vẫn tôn trọng ông ta. Đó chỉ là một bài tập nhỏ. Nếu lúc đó tôi nổi giận thì tôi không giúp được gì cho mình, và cũng không có ích lợi gì cho ông ta. Thật sự điều này khó, nhưng khi cố gắng thực hành thì càng ngày sẽ càng dễ hơn.
Trong cuộc đời đức Phật, một số người đã nhổ vào mặt Phật nhưng Ngài vẫn mỉm cười. Khi còn nhỏ, tôi nghĩ đến pháp hành này như chuyện thần thoại. Nhưng khi tôi thực hành thì thấy rằng đó không phải là chuyện thần thoại nữa. Tôi đảm bảo rằng nếu bạn thực hành thì càng ngày sẽ càng dễ thực hiện hơn. Đó là kinh nghiệm của tôi. Nếu có thể thay đổi được như vậy thì cuộc sống của bạn sẽ thay đổi rất nhiều, nhất là đời sống nội tâm.
Hỏi: Khi nổi giận, nếu muốn giảm nóng giận thì mình nên ở lại nơi diễn ra sự việc để điều chỉnh cho cơn giận qua đi, hay nên rời khỏi nơi đó để giảm bớt cơn giận? Nếu đi khỏi nơi diễn ra sự việc gây giận thì có phải là thực hành nhẫn nhục không?
Rinpoche: Nếu chúng ta nổi giận và đi chỗ khác thì đây chỉ là biện pháp tạm thời thôi. Trong tương lai, khi nổi giận thì chúng ta phải tìm cách giảm sân giận ngay từ trong tâm. Chúng ta phải thực hành giảm bớt sân giận từ trong tâm chứ không dùng ngoại cảnh để chế ngự cơn giận.
Hỏi: Trong công việc, nếu mình là sếp hay là lãnh đạo, khi dùng những lời khéo léo và ngon ngọt để nói với nhân viên thì họ lại nghĩ là mình dễ dãi và không thực hiện tốt công việc được giao. Khi mình giận dữ la mắng thì họ mới bắt đầu thi hành công việc được giao. Như vậy, có phải là chính mình đang tạo cho mình sự giận dữ hay không? Mình làm vậy có đúng hay không?
Rinpoche: Bạn có thể tỏ thái độ cương quyết, nói những lời gay gắt nhưng trong tâm thì vẫn thư thái an lạc, không nổi giận. Khi trong tâm nổi giận thì chúng ta không thể làm chủ được lời nói, bạn sẽ thốt ra những lời không cần thiết, sẽ quát mắng nhân viên trên mức cần thiết. Nếu tỏ thái độ và nói ra những lời cương quyết, mạnh mẽ nhưng tâm không hề sân giận với mục đích muốn công việc tốt hơn thì điều này không có gì sai.