1
Từ ngày về nhà mới, mình có thú vui tận hưởng những điều bình dị. Ví như, đêm khuya khoắt, sau khi mờ mắt vì đọc sách, mỏi tay vì viết lách, mình khẽ khàng vén tấm rèm nhìn ra ngoài cửa sổ. Trong ánh sáng lờ mờ, cuộc sống ngoài kia trôi đi thật chậm. Chỉ có ánh đèn đường vàng vọt, tiếng lá cây xào xạc và tiếng côn trùng hát tình ca rỉ rả. Sáng ra trước khi đi làm thì mướt mải chăm hoa, tưới cây. Ngây ngất trước một nụ hồng âm thầm khai nhụy hay lấm tấm hoa chanh, nồng nàn hoa bưởi. Mới thấm thía hơn câu “hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người”.
Thi thoảng, mình có cảm giác khó thở, ngột ngạt với những điều xấu xí dội đến từ xã hội bên ngoài. Đôi khi là sự ấm ách phải chứng kiến những gã thanh niên rú ga ầm ĩ lao vút về phía trước để lại sau lưng cột khói đen ngòm. Lúc lại là sự bực bội khi rõ ràng đèn đỏ mà vẫn có xe vụt lao qua, rồi xe đứng chờ thì bấm còi inh ỏi như một thông điệp cho những người đằng trước rằng “Sao lại phải chờ”. Cảm giác thương thương, tiêng tiếc khi thấy tất cả phụ nữ ra đường đều trùm kín từ đầu đến chân. Cả thành phố như bệnh viện phụ sản di động. Cảm giác xót xa, buồn thắt lòng khi còn đâu đó những vụ cưỡng dâm phụ nữ và trẻ em, rồi thầy giáo lạm dụng học sinh. Cảm giác lo sợ, hoang mang khi thấy nhà hàng dùng nước tẩy bồn cầu nấu bánh phở, rau quả ngâm trong cả thùng hóa chất…
2
Những cảm giác tiêu cực ấy như con bạch tuộc có nhiều vòi cứ len lỏi vào trong tâm trí mình, bóp nghẹt trái tim khốn khổ, thặc thèo…
Những khi ấy, mình thường tìm đến với những niềm vui giản đơn, bình dị như một sự bù trừ.
Mình nhớ về thế giới tuổi thơ của con trai. Miền nhớ tinh khôi ấy không có gì mà không thành hiện thực. Nơi hạt mưa lóng lánh như những nụ cười từ trời cao gửi xuống. Nơi bông hoa là đứa con thảo thơm của đất. Nơi đụn cát là lâu đài. Trong mắt con trai bé nhỏ, một mầm cây hay một chiếc lá cũng chứa vô khối điều kinh ngạc. Và mình cứ cố gắng nuôi dưỡng những điều ấy, như ru hời hời hỡi cả tuổi thơ mình.
Bởi ngày nhỏ, mình không có may mắn được sống lâu trong thế giới thần tiên. Lặn lội đồng sâu ruộng cạn, vật vã với những cơn đói triền miên khiến mình sớm nhận ra hạt thóc là hạt thóc và đụn cát chỉ là đụn cát. Mãi sau này, mình vẫn còn tiếc nuối về điều đó. Rằng, lẽ ra mình phải ở lại tuổi thơ lâu hơn để hát cùng dế, để nghe gió sương tâm tình thủ thỉ. Đằng này mình lại “sớm khôn”. Quá đỗi thiệt thòi khi buộc phải thành người lớn, cuộc sống chẳng còn lộng lẫy trong chiều kích của trí tưởng tượng mà hiện nguyên hình ở một mặt phẳng với đầy rẫy những hạt sạn. Như nàng Lọ Lem trở về sau buổi tiệc quá giờ, cỗ kiệu hoa chỉ là quả bí ngô - không có phép màu nào nữa. Và mình giã từ thơ ngây rất sớm để không còn tin vào những điều hoang đường phi lý. Nhìn lại, thấy vừa tiếc nuối, vừa tủi thân lại vừa buồn.
Thế mới thấy, tuổi thơ để lại dấu ấn đậm sâu đến mức nào trong cuộc đời mỗi người.
Mình khôn sớm là bởi cuộc sống của mình cần như thế. Như một đứa bé bị giằng ra khỏi tay món đồ chơi nó yêu thích, mình bơ vơ và phức hợp trong cảm xúc hỗn độn. Vừa đa cảm, yếu mềm lại vừa góc cạnh toan tính. Thì không toan tính sao được khi gánh nặng cứ oằn trĩu cả hai vai. Mình thèm khát sự sẻ chia, lời hỏi thăm ân cần dịu lành nhưng cũng dễ dàng rút vào thế “cố thủ”. Trong cuộc sống mình ngại giao tiếp, kiệm lời trước đám đông. Muôn nỗi tơ vò mình thường trút lên, rút ra, vắt kiệt rồi đổ lên từng trang viết. Có trang viết thì public cùng bạn bè sẻ chia. Có trang viết như những dòng nhật ký “sống để dạ, thác mang theo”...
Viết đến đây mình bỗng nhớ đến câu chuyện của một người-già-quyền-lực. Ông ấy nói rằng, nếu được quay lại tuổi trẻ, ông sẽ không dành cả 7 ngày trong tuần vuốt ve “cái ghế”, không đấu đá, ganh đua, không mua bán chức quyền, không vén vun ngoại tệ… Bởi sau tất cả những cố gắng ấy, rút cuộc cuối đời, ông vẫn ngồi một mình trong căn phòng lộng lẫy với bệnh tiểu đường và gout. Ông làm bạn đêm ngày với cái ti vi. Ông không thể quay lại bù đắp cho người bạn đời thương mến khi người ấy đã lặng lẽ rời bỏ ông khi ông đang hân hoan trong chức tước, tiền của và nịnh phỉnh, bợ đỡ. Gia sản khổng lồ không khiến ông có thể đi lặn biển. Gia sản khổng lồ không đem lại cho ông những tháng ngày thanh xuân bên gia đình. Ông âm thầm kêu than trong nỗi tuyệt vọng: Mãi mãi là bao lâu? Mình đã bỏ lỡ những điều gì?
3
Mình đã có những đêm thức trắng để trăn trở trước việc nhận hay không nhận những lời mời, những hợp đồng làm việc đầy thiện ý nhưng không kém phần hấp dẫn về mức lương và sự ưu đãi. Và rồi câu trả lời là “không”. Phần vì sức khỏe của bản thân và gia đình. Phần vì mình chỉ mong muốn sớm được đến ngày “Trong sương khói, chốn quê nhà / Lấy câu lục bát uống trà sớm mai”...
Mình rất tâm đắc với đúc kết của Nguyễn Công Trứ: “Trí túc tiện túc, đãi túc hà thời túc. Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn hà thời nhàn” (Biết đủ là đủ, đợi đủ bao giờ mới đủ. Biết nhàn là nhàn, đợi nhàn bao giờ mới nhàn?).
Bởi “tri túc” cũng là để “thường lạc” mà...
... Nên mình yêu lắm những khoảng không gian thinh lặng như đêm nay. Lòng lắng lại khi ngắm khóm hoa sử quân tử thanh mảnh dịu dàng ảo diệu trong cõi tâm linh vô nhiễm, vô ưu.
Và để được thả hồn trong rười rượi những cơn gió nồm nam mát dịu ngọt ngào...