… Xanh trên đời chốc lát
Mà tình cờ gặp nhau
Vừa ngắn ngủi vừa dài lâu
Lúc tan xuống, lại mỗi người mỗi ngả…
1
Những lúc rảnh rỗi, mình thường hùi hụi cuốc đất trồng rau.
Rồi bê mấy cái chậu cây, chậu hoa từ chỗ này sang chỗ kia. Sắp sắp đặt đặt. Ngắm ngắm nghía nghía…
Rồi tưới cây tưới hoa từ sân thượng, ra ban công tầng hai, xuống tầng một. Mướt mướt mải mải. Tảo tảo, tần tần…
Vợ làu bàu bảo, rõ dở hơi, sao lại tốn công thế chứ, cứ xối nước ào ào vào gốc thế, cây không thối gốc mới là lạ, hàng tháng lại tốn thêm ối tiền nước nữa. Rõ thân làm tội đời. Ngồi mà nghỉ có sướng cái thân không.
Mình nài nỉ, em đừng “bình loạn” nữa có được không, để “mua” những niềm vui bé mọn này, anh cũng phải căn cơ lắm đấy…
Nói vậy, chứ thực ra mình tham công tiếc việc như thế còn là để nhớ về… ký ức những giọt mồ hôi của một thời thương mến.
2
Thật lòng. Mình sướng cu ti củ tỉ cái cảm giác mồ hôi chảy long tong trên mặt, chảy nôn nao, thầm thĩ trong người.
Nó làm mình nhớ tuổi thơ của mình đầm đìa, dài dãi.
Hồi nhỏ chẳng mấy khi người mình ráo mồ hôi.
Buổi sáng đi học thì phải chạy tướt bơ đến lớp để khỏi muộn giờ vì trước đó còn mải đem lúa ra sân phơi giúp mẹ, tranh thủ ra chợ sớm bán mớ chè mớ tép... Đến lớp rồi thì mồ hôi long tong chảy ướt nhượt nhòe cả trang vở.
Giờ ra chơi thì huỳnh huỵch chơi trốn tìm, chơi khăng, đánh đáo... Nhớ nhất là cái trò huých gối vào bụng nhau cùng đám bạn. Thằng nào buông tay trước là thằng ấy thua. Trò chơi nguy hiểm thế nhưng mà vui. Mình chuyên là đứa thắng vì mình vừa nhanh vừa khéo. Hết giờ chơi, mồ hôi mồ kê thi nhau thánh thót...
Và hết giờ học lại càng bướt bải. Hôm thì nhào ra bờ ruộng tuốt đòng đòng lúa nhai ngấu nghiến vì đói. Hôm nào nắng to thì tranh thủ bắt lũ cá cua say nắng. Đặt túi sách vở trên bờ, tụt quần dài rồi lội ào xuống ruộng bươi móc con cá, con cua. Nắng gắt mấy cũng chẳng hề gì. Được con nào thì túm cái quần dài rồi bỏ đầy hai ống quần. Nhiều khi trưa trật mới về đến nhà. Đổ cá cua ra chậu, ngồi duỗi chân cho đỉa rơi ra và tay thì vơ lấy cái nón quạt lia lịa cho mồ hôi giọt mẹ giọt con thi nhau tuôn ra thành dòng như suối…
Buổi chiều mới thật là kinh. Mình lên núi vơ lá, kiếm củi, hái chè, đội phân hoặc gánh phân trồng sắn. Núi cao, lối đi thì ngúc ngoắc khúc khuỷu. Nhiều khi thúng phân trên đầu nghiêng ngả. Mùi phân người ngào lẫn trấu và gio múc lên từ hố xí thùng (gọi cho sang mồm là “phân bắc” để phân biệt với “phân chuồng” làm từ phân lợn) rỉ từ thúng phân trên đầu xuống trộn quánh quện với mồ hôi nhão nhoẹt thành thứ mùi “lẩu thập cẩm”. Cái thứ mùi ám ảnh ấy chỉ những đứa trẻ con cái bần cố nông thời bao cấp khốn khổ tận cùng mới cảm và thấm. Rồi chiều nào cũng chỉ lặc lè trở về nhà khi mặt trời đã xuống núi, cảnh vật tối thẫm không còn nhìn rõ lối đi. Mồ hôi nhua nhúa như vừa chui ra từ lò bát quái.
Và buổi tối thì ngồi học bên ngọn đèn tù mù. Muỗi, trời ơi là muỗi bay ràn rạt. Và nóng. Cái ngọn đèn dầu mazut như hun, hai lỗ mũi đầy than đen xì nhặm nhọ. Hồi ấy sách Tập đọc có bài Buổi tối nhà em với hình vẽ minh họa cảnh người mẹ đứng cạnh phe phẩy quạt cho con học bài. Nhìn cái hình minh họa ấy, mình cứ tưởng chuyện ấy xảy ra ở hành tinh nào. Bởi với mình, điều ấy xa vời vợi. Bố còn mải đập lúa hoặc chuẩn bị cho chuyến đò đêm chở chè xanh xuôi chợ huyện. Mẹ thì xay lúa, giã gạo hoặc ngủ vùi sau một ngày mệt nhọc với đồng sâu ruộng cạn. Bố mẹ nào biết đàn con đứa nào làm gì, học hành ra sao, nóng bức thế nào. Nên học bài xong rồi mình thùi thũi chui vào xó bếp hoặc lên gác chuồng lợn lăn quay ra ngủ. Giấc ngủ tuổi thơ cơ hàn nhặm nhuội cùng mồ hôi, eo óc cùng tiếng gà gáy canh khuya và khăm khẳm mùi phân lợn, mùi rơm, mùi phân gà hoai hoải.
3
Nhưng mình vẫn chưa nhiều mồ hôi bằng bố.
Nhiều lúc nhìn bố làm việc quần quật, mình có cảm giác ông sẽ tan ra thành nước hoặc bay lên trong trùng điệp những giọt mồ hôi.
Lưng áo bố luôn đầm đẫm, ướt sũng những nước là nước. Thi thoảng ông cởi ra, vắt cho khô kiệt rồi mặc vào. Một lúc sau mồ hôi lại tứa ra, áo lại đầm nước. Cứ thế một ngày không biết bao nhiêu lần bố vắt áo. Nhiều khi cái áo bết lại trắng xóa những muối…
Viết đến đây, mình bỗng nhớ lời bài hát của Sơn Tùng:
… Mồ hôi tuôn rơi những tháng năm hao gầy.
Tình yêu thương con cha đánh đổi…
Suốt cả tuổi thơ cho đến tận bây giờ, mình chưa thấy ai rổn rảng với những mồ hôi ngạt ngào như bố. Vậy mà bố luôn cười. Nụ cười hiền từ lấp lánh mồ hôi. Vừa mặn mòi. Vừa ngọt ngào. Vừa nhưng nhức ám ảnh…
Sau này nhiều khi thi thố được giải cao, rồi đi đây đi đó, rồi làm được cái này cái kia, mỗi lúc như thế mình cũng hay toát mồ hôi vì lo lắng hay sung sướng, tay chân ướt nhèm ướt nhẹp.
Và mình lại thao thiết nhớ nụ cười ướt đẫm mồ hôi của bố…
4
Nhưng rồi đến lúc, muốn ra mồ hôi cũng khó.
Cả ngày ngồi trong phòng điều hòa, vùi đầu với đống sách vở, công văn giấy tờ… mồ hôi rủ nhau trốn tiệt.
Thành ra bứt rứt. Thành ra ngộp thở. Thành ra khó tính, cáu bẳn.
Nên có cơ hội làm công việc chân tay là mình sướng âm sướng ỉ. Mình thích làm vườn tược, thích dọn dẹp, lau chùi… luôn chân luôn tay. Phần vì mình vốn hay lam hay làm. Phần vì muốn được sống lại những trải nghiệm cảm giác mồ hôi nối nhau rơi từng giọt nhóng nhánh…
Ấy cũng là điều thú vị mà mình… phát hiện ra từ khi ý thức rõ hơn về buông bỏ.
Mình chăm chút từng mầm cây, từng cái lá sâu, từng nụ hoa...
Rồi mơ màng nghĩ đến trận mưa rào đầu mùa, khi ấy nhìn ra vạt sân rực rỡ với lá mồng tơi xanh mướt kiêu hãnh vươn lên cùng bụi hành cũng đang mải miết xanh. Bỗng thấy lòng bừng lên xao xuyến.
Và mình thầm thì đọc cho đám rau xanh nghe những câu thơ của Lưu Quang Vũ.
… Xanh trên đời chốc lát
Mà tình cờ gặp nhau
Vừa ngắn ngủi vừa dài lâu
Lúc tan xuống, lại mỗi người mỗi ngả…
5
Những câu thơ ấy cứ như “vận” vào với đời rau, đời hoa; với cái duyên nợ mong manh giữa cõi người và tạo vật.
Nên mình lại nhưng nhức nhớ BỐ…
Thoáng chốc, mắt mình, mặt mình lại đầm đìa những giọt mồ hôi trộn nước mắt…