Đúng hôm dậy trễ lại có khách đến tận buồng. Mà khách nào, chứ ông Chín Đại này, nghe tên đã rầy rà rồi chưa nói tới nhìn thấy mặt. Cả Công an phường ớn ông ta chứ chẳng riêng gì Kỳ. Ớn không phải vì tính đao búa mà ớn vì tính công thần, bệnh hoang tưởng và chủ yếu là bệnh nói dai. Tuy vậy ông ta gặp ai, người đó cũng khó bề mà không tiếp được. Cứ thử không tiếp xem, ngày mai thế nào cũng có thư phê bình “thái độ quan liêu hách dịch, ức hiếp quần chúng” với những lời gay gắt thống thiết, nằm chềnh ềnh trên văn phòng Công an cấp trên, chính quyền, cấp ủy quận, thành phố, nếu cần gởi luôn trung ương! Có một bận, không rõ chuyện gì, à, con ổng đánh lộn với mấy đứa con nhà bên, bố chúng đang đi học tập cải tạo, mất trật tự lối phố, cảnh sát khu vực túm cả bọn gom về trụ sở. Giam một đêm truy xét, sáng mai tha, đám lau nhau này ngỡ giáo dục răn đe mấy câu là xong. Ai dè con vừa về, lục vấn vội vã ổng bươn bả lên Công an phường la lối ào ào: “Sao lại giam chung con cái cách mạng với con cái ngụy quân. Các anh ăn hối lộ của chúng nên không còn biết cóc khô gì lập trường giai cấp hết trọi”! Trưởng Công an phường, Đại úy Nghi, một ông già gầy yếu, nói năng chậm chạp, không thể nào giải thích để ổng nghe được, đúng hơn là ổng đếch chịu nghe mà bám cớ gây chuyện. Hôm sau ổng nhờ người viết thư tố giác hay khiếu nại gì đó, đánh máy mười bản, lại photocopy thêm năm bản gửi đi khắp nơi. Tất nhiên với nội dung xuyên tạc, bịa đặt. Trời đất, cả tháng Ban chỉ huy thay nhau đi hầu chuyện cũng đủ mệt.
Bữa nay ông ta đến vì việc gì Kỳ đã đoán được.
- Bông-giua chú Kỳ! - Chín Đại tỏ vẻ sởi lởi - Khỏe luôn chớ, chú Hai?
- Cám ơn bác Chín. Có việc gì không bác?
Chín Đại xua tay:
- Bận đồ đi cà phê.
Kỳ lắc đầu từ chối và khéo léo giải thích lý do dậy trễ của mình:
- Hết phiên tuần tra bốn giờ sáng. Về đặt lưng là thiếp. Tôi ngủ ghê quá!
Ông Chín liền đến sát anh, nghển chân (vì ông ta lùn) ghé miệng vào sát tai anh (dù nhà chỉ có hai người):
- Hủ tíu. Ăn sáng mà! Bồi bổ sức khỏe!
Kỳ lại từ chối và bước vào phòng tắm:
- Bác ngồi chơi, tôi xin phép làm vệ sinh chút.
Chín Đại ngồi xuống ghế, lấy thuốc rê ra vấn rồi lải nhải:
- Các chú bây giờ sướng quá. Cách mạng thành công rồi, làm cách mạng có nhà lầu ở... Tụi tui hồi xưa, chà, nhớ lại ớn chết luôn. Ngủ bụi ngủ bờ, mà đâu đủ giấc, đang mơ màng thì cà bụp cà bụp... moọc-chê nó quất, cán gáo nó rè rè... Ờ mà sốt rét nữa chớ. Chú Kỳ bị sốt rét lần nào chưa cà?
Cứ để ổng huyên thuyên, Kỳ không nhập chuyện. Tuy vậy anh vẫn phải bỏ thói quen tắm sáng, nhanh tay đánh răng, rửa mặt, chải tóc, bận sắc phục để ra tiếp khách.
- Bác thông cảm nhé - Vừa rót ly nước lọc mời khách, Kỳ vừa nói - tôi hết trà rồi.
Chủ nhà rất thật, nhưng Chín Đại trong bụng nghĩ khác. Nếu không có “công chuyện” ông ta chả lại nói khía: “Chú đưa tụi nhỏ hai đồng bạc chúng chạy ra chợ xách bịch trà thơm bông lài về uống chơi”. Nghĩ vậy, Chín Đại tủm tỉm cười.
Chìa cái đồng hồ ORIENT ba chữ A xước mặt về phía khách, Kỳ nói:
- Sáng nay tôi có hẹn người ta lên phường làm việc, đến giờ rồi, bác Chín thông cảm cho nhé. Hay có chuyện gì cần, bác trao đổi nhanh cho.
Chín Đại quậy đầu lia lịa:
- Tui tác phong quân sự lắm chú Kỳ. Lẹ thôi. Lẹ thôi...
- Bác cứ nói.
Chủ nhà nói vậy nhưng Chín Đại cứ làm ra vẻ dềnh dang gãi đầu gãi tai mãi. Rồi bỗng dưng bản mặt ông ta chuyển tối sầm, điệu bộ đau khổ, lời nói lâm ly:
- Thật nhục nhã cho tui quá, chú Hai.
Bất ngờ ổng khóc. Trông ổng mếu máo, Kỳ thấy buồn cười hơn là thương cảm.
- Đêm qua có súng là tui bắn vào đầu một phát cho khỏi khổ rồi đó chú Hai à - Ông nấc lên mùi mẫn như tuồng cải lương - thằng Khỏe nhà tui làm ô nhục cố nội nó. Làm ô nhục truyền thống oai hùng của dòng họ Trương nhà tui.
Mặt Chín Đại ráo hoảnh, sạch bách không còn giọt nước mắt nào nữa. Trông ông ta lúc này mới hảo hớn làm sao. Kỳ thấy cần phải chấm dứt màn cải lương ở đây, anh nói:
- Chắc bác biết chuyện thằng Khỏe rồi. Nó đã dối bác, gạt tôi và bà con khu phố là nó đã diệt được ba thằng Pôn Pốt nên được thưởng phép. Phép gì mà ở lâu vậy, bữa nọ tôi nhắc, nó cười cười. Đúng, chiều qua, có lệnh truy nã của đơn vị báo cho địa phương biết việc nó lợi dụng tình huống chiến sự để đào ngũ.
- Tui biết, tui biết. Mấy hôm trước, tui đã nghi - ông ta nói dối một cách dẻo quẹo và lại chuyển giọng đầy van lơn - Vì vậy tui đến chú sớm thế này để chú thương tui, thằng Chín Đại ba - lẻ - bảy(1) này, chú đừng công bố cái lệnh truy nã đó cho mọi người biết. Họ cười gia đình tui là họ cười cách mạng!
(1) Tiểu đoàn 307 nổi tiếng chiến trường Nam Bộ hồi chống Pháp
- Thôi, bác về bảo thằng Khỏe trở lại đơn vị đi - Kỳ muốn dứt chuyện với ông ta - Nếu nó đi, tôi sẽ không công bố lệnh truy nã nữa.
Nói xong Kỳ đứng dậy chủ động bước ra khỏi nhà. Vội vàng quá, anh quên mất việc nhìn xem cái coóng cho con chim câu ăn có còn gạo còn nước không. Vậy mà Chín Đại còn lạch xạch đi theo anh mấy chục bước nữa, vẻ nấn ná.
... Gần tới trụ sở Công an phường, Kỳ mới giật mình, thái độ biểu hiện trên nét mặt sẽ như thế nào? Sẽ dùng câu gì, chữ gì để nói với cô ta cho đúng với danh nghĩa chính quyền gọi lên giáo dục, nhắc nhở? Suốt đêm qua anh đã tính đi suy lại, chưa tìm ra, thì những ký ức về những ngày xưa đẹp đẽ trong quan hệ giữa hai người cứ túa đến. Chính những ký ức đó dằn vặt anh, đau buồn, day dứt, cảm giác có lỗi... mệt nhoài người, để sau đó ngủ thiếp đi chứ không phải vì phiên tuần đêm như anh vừa viện cớ với Chín Đại.
Sáng qua, biết chuyện, bàn bạc với tổ dân phố, anh đã bảo chị Thy, tổ phó an ninh làm việc này. Thy từ chối: “Người ta nổi tiếng vậy Thy làm sao nói thấu?”.
Kỳ định bác cái lý do “nổi tiếng” đó nhưng cái nhìn của Thy, hình như cái nguýt rất con gái của người thiếu phụ trẻ, đã quy phục anh. Kỳ lại quay sang Thứ. Anh chàng trung sĩ trẻ, tổ viên, lắc đầu quầy quậy, giọng giỡn: -“Tôi trước người đẹp chỉ có ngây bản mặt để chiêm ngưỡng. Làm sao đảm được vai nhà chức trách răn đe nàng”. Thế thì anh phải làm, cái việc như Thứ nói của nhà chức trách, với nàng, người bạn gái cũ, thực ra phải gọi là người tình xưa mới đúng.
Đã ba năm họ không còn quan hệ với nhau. Thời gian chưa dài lắm nhưng Huyền đã thay đổi đến không thể tin được. Mới ngày nào, hồi anh về phường, Huyền là cô bé nhà nghèo, một trong những đội viên thiếu niên tiền phong đầu tiên của khu phố, ngây thơ trong trắng nhận giải nhất cuộc thi hát “Hoa phượng đỏ” do Đài phát thanh thành phố tổ chức. Rồi thành cô thợ may duyên dáng của Xí nghiệp may mặc quận và lại chiếm giải nhất cuộc thi đơn ca nghiệp dư thành phố. Rồi bỏ nghề may để tham gia nhóm ca khúc chính trị của quận. Từ đấy hai người xa nhau vì một lí do khó giải thích được. Rồi trở thành Huyền Diệu, một ca sĩ thời danh, ăn khách và đầy rẫy những chuyện tình phiếm. Kỳ nhớ, dịp tháng Tư, năm Bảy bảy, khi đó anh cùng Huyền (cô ta đã thành chị phụ trách) dẫn các em thiếu nhi của phường đi nghỉ mát Vũng Tàu. Lần đầu tiên tắm biển, cô gái mười sáu tuổi, thân hình khá phát triển ngượng nghịu với bộ đồ tắm kín đáo. Thế mà... bây giờ, cô ta làm đủ chuyện với cái thân thể của mình. Có dư luận nào là bán trinh cho một gã Chệt già Chợ Lớn lấy mười bốn chỉ vàng. Nào là sống như vợ chồng hết với ông nhạc sĩ này, cha tổ hợp kia, gã giám đốc nọ... Nào là hát một bài lấy hai ngàn, chỉ để cho năm ông khách Chợ Lớn coi (kèm nhảy xếch-xi)... Những dư luận đó có thể có, có thể không hoặc có ít vẽ nhiều, nhưng cách sống của cô ta dễ làm mọi người tin điều đó. Từ khi bỏ Xí nghiệp may, cô ta không thuộc diện cơ quan nào quản lý. Nay hát với nhóm này, mai đi với tốp kia, một dạo lên truyền hình liên tục. Khi biểu diễn thì ăn mặc thật gợi, nếu không gọi là hở hang, hễ bước lên sân khấu là nhảy, lắc mông, lắc thân điệu nghệ. Cũng từ ngày nổi tiếng, nay thấy đi với cha đàn ông này, mai đi với gã đàn ông khác. Già có, trẻ có. Toàn những đám bụng bự, vẻ giàu hú, sang trọng. Những chuyện đó phường không quan tâm lắm vì nghĩ có cơ quan chức năng là ngành văn hóa. Chuyện phải gọi lên phường để giáo dục là như thế này: Gần đây cứ khoảng mười một, mười hai giờ đêm là đám nam thanh niên, nam thiếu nhi lớn (cả một số đàn ông có tuổi nữa) cứ đứng quây quanh bờ rào nhà bà Tư Hiên để ngắm cô Huyền Diệu, lúc đó vừa đi biểu diễn về. Sau năm bảy “show” nhảy nhót hò hét ở các sân khấu cà phê - nhạc khắp nội thành, nóng nực mệt mỏi quá, nàng thả mình với thiên nhiên. Trong căn nhà nhỏ bé của bà Tư có một góc làm chỗ tắm nhưng cô ca sĩ thời danh chắc cảm thấy ngột ngạt nên không thích. Cô cứ nghễu nghện từ trong nhà bước ra sân sau với hai mảnh đồ lót nhỏ xíu, vừa đi vừa hát. Ra cái vòi nước cạnh hàng rào, cô trút bỏ hết đồ, dưới ánh điện sáng trưng, hứng từng lon nhựa nước dội lên người, túng tởn như con trẻ. Cô vừa tắm lại như vừa tập dợt biểu diễn nên thời gian khá lâu. Bọn con trai, bọn đàn ông hư ở khu phố quá mê tiết mục này, nửa đêm mà cứ chen chúc nhau đứng coi, nhiều kẻ còn leo lên cây cao gần đó ngó xuống. Tranh nhau chỗ đứng sinh ra đánh chửi nhau làm ầm khu phố. Tệ nhất là đêm hôm kia mấy bà vợ đánh ghen ra đập chửi chồng ngay tại chỗ... Mất trật tự vì một chuyện đồi bại. Dư luận khu phố la ó quá trời. Cô ta không còn là người Việt nữa!
Huyền Diệu đã có mặt ở phòng tiếp tân trước anh. Thấy anh, cô ca sĩ nở nụ cười duyên quá thành thục và sáp gần lại bên anh, nhõng nhẽo:
- Em đến đúng giờ.
Kỳ gạt tay một cái vào khoảng không giữa hai người:
- Tôi có chút việc. Mời cô ngồi.
Cô ca sĩ vừa lựa thế ngồi vừa nói, làm như cô không nhận thấy sự bực bội trong lời nói của anh:
- Có việc gì sao anh Kỳ không gọi em tới nhà?
“Tới nhà... à... à?”. Cô ta lăng mạ mình! Không làm chủ được nữa, anh gắt lên:
- Cô có còn là người Việt Nam nữa không?
Cô ôm mặt, nước mắt giàn giụa, tuôn ra quá nhanh, thấm qua các kẽ ngón tay. Cô khóc rưng rức, hai vai rung rung, giọng lu loa:
- Anh tệ quá anh Kỳ ơi! Anh trả thù em hèn hạ thế?
- Cô im đi... i...
Lưỡi anh tự dưng cứng lại. Anh không thể nói ra được một lời nào nữa. Đột ngột cô ca sĩ đưa hai tay vuốt mạnh mặt mình, lớp son phấn nhòe nhoẹt, cô nói như hét:
- Vâng, tôi là người Mỹ!... Mỹ... ỹ...
*
Rõ ràng là anh bị cơn sốc cả trong lý trí và tình cảm suốt đêm qua tới sáng nay. Quẫn quá hóa rồ, thế là hỏng việc! Cô ta đã về rồi anh vẫn ngồi nguyên cái ghế đó tự rủa mình. Té ra mình cũng hèn hạ thật. Đáng lẽ mình phải kiềm chế được con người mình để làm cái phận sự của nhà chức trách.
Cũng không có thời gian đâu mà ngồi tự căn vặn mình nữa. Trước cổng Công an phường bỗng ồn ào lên có tiếng ai như Thứ gọi anh. Kỳ chạy ra. Giữa một đám đông nhốn nháo là thằng Ly “xỉa” vừa bị Thứ chộp được dẫn về. Tay bị còng nhưng bản mặt thì nghênh nghênh. Nhìn giận không chịu được. “Ông trùm” băng du đãng hiện đang nổi tiếng khắp mấy phường này mới có mười sáu tuổi. Thế mà năm năm qua Ly đã liên tục bị đưa vào các trường, trại cải tạo trẻ em hư của trung ương và thành phố như: Bố Lá, Xuân An, Long Khánh, Duyên Hải. Cứ giao cho trường, trại một thời gian lại thấy nó trốn mò về. Và hễ về là lại tụ tập băng nhóm làm ăn, loạn khu chợ Đường Rầy.
Kỳ lệnh cho Thứ đưa nó vào trụ sở và khoát tay ra hiệu cho đám đông giải tán. Trong đám đông này anh nhận ra một số đệ tử ruột của Ly như thằng Thành “đen”, anh em Hòa, Hiệp... bọn này nấn ná, nhùng nhằng. Cuối cùng Kỳ phải dùng đến còi, toét lên một tiếng thật đanh chúng nó mới re chạy.
Cùng lúc đó Trung úy Liễn, cũng tầm tuổi Kỳ, độ ba tư, ba lăm, nhưng mập lùn, cụp cái Sprint sáng loáng trước cửa. Vừa dựng xe, phó phường hỏi ngay, miệng phà ra hơi men:
- Chuyện gì mà tụm đông vậy?
- Bắt được thằng Ly! - Kỳ đáp.
- Nó lại mò về hồi nào cà?
- Giao ban vừa rồi chính anh đọc thông báo của nhà trường gửi...
À, à... nhớ rồi - Phó phường rút cái mùi - xoa ở túi quần sau, lau khuôn mặt căng tròn đang nhễ nhại mồ hôi. Rồi anh ta phán: - Lần này khai tăng cho đủ tuổi nhập trại người lớn chứ vô trại trẻ con nó trốn hoài.
- Đâu được! - Kỳ phản ứng ngay.
- Vậy cậu chơi trò bắt cóc bỏ đĩa đến bao giờ?
Kỳ im lặng. Cả hai cùng bước vào buồng đang giữ thằng Ly. Nó đã được Thứ mở còng, đang hút một điếu thuốc lá ngoại, thả khói từ từ, vẻ đàng hoàng. Thấy vậy Trung úy Liễn cảm giác như bị chọc tức, anh điên tiết nhào tới giật điếu thuốc đang cháy trên môi nó vứt xuống đất. Rất bất ngờ, anh vung tay tát thằng Ly một cái nhưng nó tránh được. Ly “xỉa” nhìn trung úy một cách hằn học rồi gục đầu xuống áp đầu gối. Hai cánh tay rắn chắc của nó khuỳnh ra hai bên làm cho tấm lưng vạm vỡ như cũng căng ra và có thể làm nứt cái áo pull lổn nhổn những dòng chữ Anh.
Trung úy Liễn hầm hừ vì cú tránh né của thằng Ly. Nhưng gặp cái nhìn phản đối của Thiếu úy Kỳ, anh ta bực bội chửi tục một câu rồi đi ra hẳn. Kỳ khó chịu nhìn theo và liền chợt nhớ lúc nãy mình cũng vừa sỗ sàng như vậy. Anh tự xấu hổ với mình. Dẫu sao thì cũng đã muộn...
Trung sĩ Thứ tủm tỉm cười không rõ nghĩa. Một lát anh chàng hứng lên đọc dòng chữ trên lưng áo Ly:
- I-ven dơ bot-xơ ken mêch mit-têch(1).
(1) Even the boss can make mistake
Kỳ hỏi:
- Nghĩa là gì?
Thứ dịch:
- Ngay cả ông chủ cũng có thể lầm lẫn.
Và anh lính trẻ lại cười cười.
“Ngay cả ông chủ cũng có thể lầm lẫn”. Kỳ nhẩm lại. Thằng Ly mù chữ, làm sao biết được nghĩa của dòng chữ này. Có khi nó thấy cái áo vẽ nhiều chữ thì mua? Đang là mốt mà, thiếu gì thanh niên như vậy. Nhưng nếu qua ai đó nó biết được nghĩa của dòng chữ này và đây là một câu tâm đắc của nó thì sao?
- Khi mua áo này mày biết nghĩa của dòng chữ này không? - Thiếu úy Kỳ hỏi thằng Ly.
Nó đáp gọn lỏn:
- Biết.
- Vì sao mày thích?
- Thấy hay hay... có ý răn đời.
- Mày hiểu ông chủ là như thế nào?
- Là người có quyền, như ông hoặc... tôi.
Kỳ cáu lên định quát “mày cũng có quyền a?”. Nhưng anh liền nhận thấy nó nói có lý. Trong phạm vi băng đảng của nó, nó là kẻ có quyền. Anh ngước nhìn Thứ, đôi mắt cậu ta ánh lên: Anh thấy chưa, thằng Ly là như vậy đấy, các anh cứ đánh giá nó giản đơn.
Lại một vấn đề nữa bộn lên trong cái đầu cả nghĩ của anh tổ trưởng cảnh sát khu vực.
Ngay lúc đó thằng Tèo, con chị Thy chạy xộc vào, hổn hển gọi Kỳ:
- Chú Hai, chú Hai về ngay, về ngay... Bà Trinh và ông Chánh đang oánh nhau.
Kỳ chỉ kịp ra hiệu cho Thứ để ý canh chừng Ly “xỉa” rồi nhao về khu phố 4, khu phố mà anh phụ trách.