Những người không nắm rõ thói quen ăn uống của tôi khi được biết tôi không hề động tới thịt, cá hay gia cầm đều đặt câu hỏi: thế anh nạp PROTEIN bằng cách nào? Tôi nghĩ đây chính là một trong những câu hỏi thường gặp nhất mỗi khi vấn đề ăn chay được đem ra thảo luận. Nó không những cho thấy người hỏi thiếu kiến thức trầm trọng về quá trình tái xây dựng mô và tế bào trong cơ thể, mà còn chứng tỏ họ không có chút ý niệm nào về những tác hại của việc tiêu hóa các loại protein tập trung, chẳng hạn như thịt, đối với sức khỏe và tuổi thọ của một con người.
Đề tài này đã trở nên quan trọng tới nỗi, trong lần phát hành cuốn Diet & Salad Suggestions – bản tái bản và mở rộng – vào năm 1947, tôi đã phân tích khá toàn diện về vấn đề PROTEIN và các AMINO AXIT. Để tránh phải lặp lại 12 – 13 trang trong cuốn sách ấy ở đây, tôi sẽ rất vui mừng nếu bạn cố gắng kiếm cho mình một cuốn để tự tìm hiểu. Bên cạnh đó, nhằm tiết kiệm thời gian cho cả bạn và tôi và tránh lãng phí không gian cho sự lặp lại không cần thiết, sau đây tôi sẽ chỉ góp thêm những ý bổ sung.
Trước tiên, các loại protein hoàn chỉnh, chẳng hạn như thịt động vật, cá hoặc thịt chim, đều chưa phải là sản phẩm hoàn hảo để cơ thể con người sử dụng. Chúng cần được bẻ gãy và phân giải thành các nguyên tử và phân tử. Tùy nhu cầu của cơ thể ở từng thời điểm, các nguyên tử này sau đó sẽ được tái kết hợp nhằm tạo ra các amino axit phù hợp. Các amino axit này có thể khác hoàn toàn so với loại có trong những miếng thịt mà chúng ta ăn.
Trong suốt quá trình bẻ gãy và phân giải, hệ tiêu hóa thực sự phải làm việc quá tải, hậu quả là làm sản sinh ra một lượng axit uric dư thừa. Theo quy trình thông thường, lượng axit uric này sẽ đi vào cơ thể và được cơ bắp hấp thu ở quy mô lớn. Đến một lúc nào đó, dung dịch axit trong một số cơ bắp sẽ đạt tới điểm bão hòa, axit sẽ kết tinh thành những tinh thể axit uric tí hon dưới hình dạng những vi mảnh cứng và sắc. Kể từ đây mọi rắc rối mới thực sự bắt đầu: cử động của cơ bắp khiến những điểm sắc này chọc thủng lớp vỏ bọc của các dây thần kinh, tạo ra những cơn đau đớn tột cùng được chúng ta gọi bằng những cái tên như bệnh thấp khớp, viêm dây thần kinh hoặc đau thần kinh tọa, v.v..
Liên quan đến vấn đề này, tôi đã từng có một trải nghiệm vô cùng thú vị sau một cuộc tranh luận với một người bạn vừa là bác sĩ vừa là đồng môn của mình. Một bệnh nhân mắc bệnh thiếu máu đã tìm đến anh và được anh kê cho uống cao gan cùng một chế độ ăn nhiều thịt. Vừa nghe xong câu chuyện của anh, tôi đã quên khuấy mọi phép xã giao mà thốt lên: “Trời ơi, cao gan sẽ đem đến cho cô ta bệnh Bright (hội chứng viêm thận) còn thịt sẽ làm chứng viêm dây thần kinh hoặc đau thần kinh tọa phát tác.” Có lẽ không cần nói bạn cũng hình dung ra thái độ nhạo báng của anh bạn tôi trước ý nghĩ này bởi anh đang hết sức hài lòng khi công thức máu của bệnh nhân đang được cải thiện. Tôi liền yêu cầu anh ghi chép cẩn thận bệnh án của bệnh nhân nọ trong ít nhất 5 năm, và anh hứa sẽ thực hiện việc đó.
Trong vòng chưa đầy 3 năm, những cơn đau thần kinh tọa đã xuất đầu lộ diện; trong năm tiếp theo, ở bệnh nhân bắt đầu xuất hiện những biểu hiện của bệnh Bright, tức sự suy sụp của thận. Hẳn nhiên, đó là những bằng chứng không thể chối cãi bởi người phụ nữ này là bệnh nhân của bạn tôi và tôi chưa bao giờ gặp cô ta. Tuy nhiên, anh đã chấp thuận “thí nghiệm” của tôi: tẩy sạch cơ thể bệnh nhân bằng thụt phân và rửa ruột. Chúng tôi cũng làm việc cùng người bệnh để vạch ra một chế độ ăn phù hợp nhất với môi trường và lối sống của cô. Cô sẽ phải uống nước cốt của một quả chanh vàng hòa với một cốc nước nóng ba lần mỗi ngày: một lần ngay sau khi thức dậy vào buổi sáng; hai lần còn lại vào giữa buổi trưa và giữa buổi chiều xen kẽ với các bữa ăn. Bên cạnh đó, hằng ngày cô còn được khuyến khích uống nước ép rau củ tươi sống ở mức nhiều nhất có thể. Cô uống 1 – 2 pint hỗn hợp nước ép cà rốt, củ dền và dưa chuột, 1 pint nước ép cà rốt và cải bó xôi, bất cứ khi nào có thể, cộng thêm 1 pint nước ép cà rốt, cần tây, mùi tây và cải bó xôi theo tỷ lệ đúng như các công thức trong cuốn Raw Vegetable Juices: What’s Missing In Your Body? (Nước ép rau củ tươi sống: Cơ thể bạn đang thiếu những gì?)1
1 Thaihabooks phát hành phiên bản cập nhật của cuốn sách này năm 2019 với nhan đề Ăn xanh để khỏe (Chú thích của biên tập viên, từ nay ký hiệu là BTV).
Chỉ sau vài tuần, bạn tôi đã liên hệ với tôi để thông báo về những phục hồi mà theo anh là diệu kỳ và đáng sửng sốt của người bệnh.
Tuổi già hầu như đồng nghĩa với sự yếu ớt. Trên thực tế, những người không đủ sức lực để hoàn thành một nhiệm vụ nào đó thường sẽ nhận được câu hỏi: liệu có phải anh đang già đi? Hẳn bạn sẽ ngạc nhiên khi biết, trong số các thực phẩm hằng ngày của chúng ta, tinh bột và thịt là hai loại khiến cơ thể bị suy yếu nhiều nhất. Quan niệm cho rằng những người làm việc nặng nhọc cần phải ăn nhiều thịt là một quan niệm đã bị đập tan hoàn toàn.
Bạn đã bao giờ để ý thấy mọi người thường cảm thấy mệt mỏi ra sao sau khi ăn bữa tối vào lễ Tạ ơn hoặc lễ Giáng sinh? Họ không hề thấy khỏe khoắn, năng động và tràn đầy năng lượng mà trái lại, đa số chỉ muốn đi ngủ. Nếu thịt và tinh bột quả đúng là thực phẩm cung cấp năng lượng, hiện tượng này sẽ không thể xảy ra.
Ngược lại, những người chỉ ăn rau quả tươi sống và uống thật nhiều nước ép rau tươi thường cảm thấy khỏe hơn sau khi kết thúc bữa ăn. Khi được chúng tôi mời tham gia những bữa ăn kiểu như vậy, những vị khách đã tỏ ra hết sức kinh ngạc trước cảm giác thỏa mãn trọn vẹn sau khi họ ăn xong, và họ rất ngạc nhiên khi thấy mình vẫn tràn đầy năng lượng và tỉnh táo trong nhiều giờ sau đó.
Lý do thực ra rất đơn giản và hợp lô-gic. Những “bữa tiệc” chỉ gồm toàn tinh bột và thịt không hề NUÔI DƯỠNG cơ thể bởi những thực phẩm đó không sống và không mang sinh khí. Yếu tố căn bản sự sống chứa đựng trong thực phẩm đã bị quá trình nấu nướng hủy hoại, do đó thức ăn chỉ có tác dụng làm đầy thuần túy và thường tạo ra một lượng khí dư thừa không mấy dễ chịu trong cơ thể.
Ngược lại, những bữa ăn gồm toàn thực phẩm tươi sống của chúng tôi lại tràn đầy sinh khí, vì thế chúng nuôi dưỡng cơ thể và mang đến cho chúng ta nguồn năng lượng và sức lực bền lâu.
Đôi khi chúng ta nghe thấy đâu đó những lời nhận xét rằng những người ăn chay thường không phải là tấm gương sáng về SỨC KHỎE và SINH KHÍ. Lý do là những trường hợp như thế chỉ thuần túy loại bỏ thịt, cá và đạm động vật ra khỏi chế độ ăn, nhưng lại tiêu thụ thế vào đó một lượng lớn ngũ cốc và các thực phẩm chứa tinh bột. Phần lớn hoặc toàn bộ lượng rau trong bữa ăn của họ thường được nấu chín; còn về việc uống nước ép rau quả, nếu có thì có lẽ họ cũng không uống đủ lượng cần thiết. Với một chế độ ăn như vậy, việc sở hữu một cơ thể luôn đầy ắp năng lượng và sinh khí là điều hầu như không thể, bởi vì dự định tốt đẹp ấy của họ đã bị những phân tử tinh bột tí hon ngấm ngầm phá hoại.
Cứ theo lập luận trên mà xét, thì sẽ là chưa chính xác nếu ta đem xếp tất cả những người ăn chay vào cùng một nhóm mà không có sự phân loại cụ thể. Bởi vì hầu như tất cả những người ăn chay tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn gồm thực phẩm tươi sống và uống thật nhiều nước ép rau củ tươi đều là những cá nhân nổi bật đang TRẺ HÓA mỗi ngày.
Một quan sát thú vị cho thấy ngay cả khi những người ăn thịt thực hiện thụt phân hoặc rửa ruột thường xuyên, trong hơi thở của họ vẫn phảng phất mùi hôi của sự thối rữa. Đây là điều khó tránh khỏi, bởi vì với lượng adrenalin sản xuất ồ ạt từ tuyến Thượng thận khi con vật bị giết, hầu như tất cả mọi loại thịt sẽ đều bị thối rữa. Tuyến Thượng thận là một cơ quan nhỏ có hình như chiếc mũ “chụp” trên đỉnh của hai quả thận. Chất adrenalin mà chúng tiết ra mang sức mạnh cực kì khủng khiếp, tới nỗi hiệu ứng của một quả bom nguyên tử bỗng trở nên mờ nhạt nếu đem so với thứ chất cực mạnh này.
Khi tuyến Thượng thận tiết ra một giọt adrenalin vào trong máu, nồng độ của nó có thể được hòa loãng từ 1 tỷ đến 2 tỷ lần. Có thể so sánh hiện tượng này giống với khi ta nhỏ đúng một giọt mực vào 6 triệu gallon (khoảng 22,7 triệu lít) nước. Để dễ hình dung về tỷ lệ này, bạn hãy tưởng tượng mối tương quan giữa khoảng cách một dặm giữa hai cọc trên đường cao tốc với tổng khoảng cách mà bạn sẽ phải di chuyển khi thực hiện 5.000 chuyến chu du từ Trái Đất đến Mặt Trăng rồi lại trở về Trái Đất.
Giờ thì bạn đã hiểu khi chất độc adrenalin trở nên mất kiểm soát, tác hại mà chúng gây ra sẽ khủng khiếp tới mức nào. Mỗi khi chúng ta cảm thấy tức giận hoặc sợ hãi, tuyến Thượng thận sẽ hoạt động mạnh hơn mức bình thường và sẽ tiết thêm nhiều adrenalin vào máu tùy vào mức độ giận dữ hoặc sợ hãi của chúng ta.
Khi một con vật bị đưa đi giết thịt, nó sẽ trở nên vô cùng hoảng loạn (bất kỳ ai trong chúng ta cũng sẽ cảm thấy hệt như vậy nếu bị đặt vào tình cảnh ấy). Khi đó, tuyến Thượng thận của nó sản xuất adrenalin ồ ạt tới mức khiến toàn bộ cơ thể bị thối rữa. Thêm vào đó, chỉ vài phút sau khi con vật chết, mọi tế bào và mô trong cơ thể nó sẽ bắt đầu phân rã.
Trải qua hàng nghìn năm, việc ăn thịt đã trở thành một tập tục trao truyền qua nhiều thế hệ mà không hề dựa trên một cơ sở lý luận nào. Sở thích ăn thịt động vật đã trở thành một phong tục của con người; họ thích thịt, muốn có thịt, họ ăn thịt mà không cần cố gắng lý giải xem những miếng thịt đó có tác dụng kiến tạo hay phá hủy đối với cơ thể mình, và đến cuối cùng rất có thể họ sẽ phải trả giá cho hành động đó.
Từ kinh nghiệm cá nhân mình, tôi chưa bao giờ gặp ai trong suốt khoảng thời gian từ 5 – 10 năm (hoặc lâu hơn nữa) chỉ ăn toàn rau quả tươi và uống một lượng nước ép rau quả tươi hợp lý mà lại phải chịu đau đớn khổ sở do tích tụ axit uric trong cơ thể.
Ngược lại, trong số tất cả các ca bị thấp khớp, viêm dây thần kinh hoặc đau thần kinh tọa mà tôi từng được tiếp xúc và có điều kiện để kiểm tra chế độ ăn của người bệnh, tôi cũng chưa bao giờ gặp một trường hợp nào không dùng thịt làm thực phẩm hằng ngày.
Bởi vậy, từ cách đây rất lâu tôi đã rút ra một kết luận: nếu tôi từng có thói quen ăn thịt và muốn TRẺ HÓA, tôi sẽ phải từ bỏ thịt.
Tất nhiên, tôi không có ý định thúc giục hoặc khuyên bảo ai đó phải thay đổi lối sống và thói quen ăn uống của họ. Mỗi người đều có quyền lựa chọn cách ăn và sống của riêng mình. Tôi chỉ có thể chỉ cho họ một con đường. Bản thân tôi đã phải trải qua bao gian khó mới ngộ ra được con đường đó, và đây cũng là quy luật chung đối với hầu hết tất cả mọi người. Tôi không bao giờ thỏa mãn với kinh nghiệm, thí nghiệm hoặc lời khuyên của bất kỳ ai cho đến khi và trừ phi tôi tự mình thử nghiệm và chứng minh tính đúng đắn của chúng. Đến lúc đó, tôi biết rằng mình đã đúng.