Tựu chung lại, tôi muốn cảnh báo với bạn rằng TRẺ HÓA là một quá trình diễn ra từ từ, đòi hỏi ở người thực hiện một sự kiên gan bền chí. Bạn có thể già đi chỉ sau một đêm, nhưng bạn không thể TRẺ HÓA chừng nào chưa đảo ngược được tất cả những tổn hại đã tích tụ trong cơ thể bạn do những sai lầm trong ăn uống, lối sống và tư duy suốt chừng đó năm cuộc đời.
Ăn uống sai lầm tức là đưa vào cơ thể những chất không có khả năng cung cấp SỰ SỐNG cho các mô và tế bào. Trạng thái sống và chết không thể tồn tại cùng một lúc, trong khi đó, sự gia nhiệt quá mức, tức nhiệt độ lớn hơn 98 – 105oF (khoảng 37 – 41oC) sẽ phá hủy sự sống trong thực phẩm. Như vậy, nếu ta dùng loại thực phẩm đã bị nấu quá chín hoặc xử lý nhiệt quá mức để duy trì cuộc sống, thì cái giá mà chúng ta phải trả sẽ là một cơ thể hoàn toàn bị thoái hóa. Những thực phẩm như vậy không thể cung cấp SỰ SỐNG cho cơ thể. Sự sống chỉ có thể được tìm thấy trong rau quả tươi sống và nước ép của chúng.
Sẽ phải mất một quãng thời gian dài để cơ thể của chúng ta lấy lại sự trẻ trung, và chúng tôi nhận thấy loại nước ép được chiết xuất đúng cách từ rau quả tươi sống và chất lượng tốt có thể giúp đẩy nhanh quá trình này. Tuy nhiên, quá trình tái tạo cơ thể diễn ra càng nhanh bao nhiêu, thì những phản ứng mà nó đem đến sẽ càng mạnh bấy nhiêu. Bởi vậy, chúng ta phải hiểu thật rõ những diễn biến có thể xảy ra, và trên hết, đừng bao giờ nản lòng, thoái chí. Tự nhiên vận hành theo những phương cách hết sức bí hiểm. Khi chúng ta trao cho Tự nhiên đủ phương tiện và giao phó sự sống của mình vào bàn tay cứu vớt của Người, chắc chắn Người sẽ không làm chúng ta phải thất vọng. Tự nhiên sẽ giúp ta chữa lành cả những tổn thương mà bản thân ta không thể ngờ tới, và nếu ta tin tưởng để Người điều chỉnh cơ thể ta từng chút một, Người sẽ đem tới cho ta những kết quả diệu kỳ và giúp ta TRẺ HÓA.
Hãy khắc cốt ghi tâm một điều: việc chiều theo những khát khao và ham muốn của bản thân mà không cần quan tâm tới hậu quả cuối cùng sẽ luôn đẩy chúng ta thụt lùi trong hành trình TRẺ HÓA. Liệu chúng ta có muốn được thỏa mãn trong giây lát để rồi sau đó phải trả giá bằng nỗi đau đớn, sầu muộn và niềm ân hận? Đó là câu hỏi mà tất cả chúng ta phải luôn tự truy vấn bản thân trong mọi khoảnh khắc.
Sống sai lầm tức là sống, hay chỉ tồn tại, trong suốt cuộc đời mà không xây dựng cho bản thân một mục đích thông minh. Đúng, “cái tôi” là yếu tố quan trọng hàng đầu trong sự tồn tại của chúng ta, nhưng chúng ta không thể chỉ sống cho riêng mình. Nếu không đặt việc chăm sóc bản thân lên hàng đầu, chúng ta sẽ chẳng thể mang đến bất kỳ điều tốt đẹp hoặc giá trị nào cho ngay chính bản thân ta và cho mọi người xung quanh. Bởi vậy, mọi suy nghĩ của chúng ta trước hết PHẢI hướng tới bản thân ta. Sự quan tâm chăm sóc mà ta dành cho cơ thể, tâm hồn và tinh thần mình sẽ là tấm gương phản chiếu những giá trị của ta tới thế giới xung quanh. Nếu chúng ta bê trễ trong việc chăm sóc và phát triển bộ ba thể chất – tâm hồn – tinh thần của mình, chúng ta sẽ sớm trở nên vô dụng với chính bản thân mình và cả thế giới. Đó là con đường dẫn chúng ta tới sự kiệt quệ, khiến chúng ta nhanh chóng bị thải loại. Chúng ta phải học cách sống thật đúng đắn, đồng thời cống hiến tất cả mọi thành quả mà ta đã đạt được cả về thể chất, tâm hồn và tinh thần để mang lại lợi ích cho những người xung quanh. Chỉ bằng cách trao đi, chúng ta mới có thể phát triển. Khi chúng ta biết tìm tòi nghiên cứu một cách thông minh, vốn kiến thức của chúng ta sẽ được bồi đắp. Và khi biết lan tỏa những kiến thức ấy một cách khôn ngoan, chúng ta sẽ ngạc nhiên khi thấy lượng kiến thức mà mình thu nhận được thậm chí còn nhiều và lớn hơn trước.
Kiến thức cũng giống như những hạt giống vậy. Nếu bạn cất nó đi, nó sẽ trở nên vô giá trị. Nhưng nếu bạn gieo nó xuống đất, chăm sóc, tưới bón cho nó, thì tất cả mọi người xung quanh sẽ cùng được trầm trồ tán thưởng những đóa hoa diễm lệ của nó. Và bởi vì bạn đã biết sử dụng hạt giống đầu tiên một cách thật thông minh, bạn sẽ nhận được thêm nhiều hạt giống mới. Do đó, hãy luôn ghi nhớ một điều: kiến thức cũng như tất cả mọi thứ khác, muốn nhận được trước hết chúng ta phải TRAO ĐI.
Tư duy sai lầm có nghĩa là luôn nuôi dưỡng và phát triển những ý nghĩ tiêu cực, không mang tính xây dựng. Có lẽ không một câu tục ngữ nào mô tả con người chí lí hơn câu châm ngôn: Suy nghĩ làm sao người chiêm bao làm vậy.
Nếu chúng ta có thể giữ cho bản thân không nhìn thấy, không nghĩ đến và không thực hiện những điều xấu xa trong suốt cuộc đời, thì khi đó mọi rắc rối của chúng ta cũng sẽ tan biến.
Vào giờ phút chia tay này, xin hãy để tôi lưu lại nơi tâm trí bạn những ý niệm tốt đẹp dưới đây:
Xin đừng dùng kiến thức về đồ ăn thức uống của bản thân bạn để đánh giá nội dung của cuốn sách này. Xuyên suốt tất cả những trang sách, tôi chỉ cung cấp cho bạn những kiến thức, trải nghiệm và quan sát của cá nhân tôi. Dù chủ động hay vô thức thì những nội dung mà tôi trình bày trên đây đều đã được con người biết đến kể từ thuở hồng hoang. Từ những nghiên cứu của mình, tôi đã hiểu rằng tất cả mọi hành động đi ngược lại những điều đó đều sẽ dẫn con người đến sự dại dột và nhu nhược. Cuốn sách này mới chỉ trình bày một phần nhỏ trong khối kiến thức của con người về quy luật của Tự nhiên. Và những quy luật ấy là bất diệt.
Đừng đọc cuốn sách này rồi lại cất nó vào một xó xỉnh nào đó để biến nó thành mồi cho lũ chuột. Ngoài cách đó ra, chẳng thứ gì khác có thể hủy hoại nó. Những câu chữ trong đó là bất diệt. Có thể sẽ có những lúc bạn muốn ôn lại những kiến thức ấy, vậy hãy đặt nó ở một nơi dễ thấy, sao cho bất kỳ lúc nào bạn, người thân trong gia đình hoặc bạn bè của bạn đều có thể cầm nó lên và thu nạp chút lợi ích từ vài câu chữ trong cuốn sách mà tôi đã gửi gắm tới bạn.
Hãy nhớ rằng khi bạn nói tức là bạn đang lặp lại những điều mình đã biết. Nhưng nếu bạn chịu khó đọc và lắng nghe, chắc chắn bạn sẽ học hỏi được những điều mới mẻ.
Khối óc của con người cũng giống như một chiếc hộp vậy. Nếu bạn lắc một chiếc hộp chỉ chứa một viên sỏi, nó sẽ kêu rất to. Nhưng nếu chiếc hộp ấy được chất đầy sỏi, nó sẽ mang sức nặng và trở nên tĩnh lặng.
Tôi luôn ghi nhớ một câu nói từng nghe được hồi còn là một thiếu niên mới độ mười tám đôi mươi. Đó chính là một trong những dấu mốc quan trọng của sự nghiệp đời tôi:
“Càng nghĩ mình hiểu biết bao nhiêu, bạn càng nên lắng nghe nhiều bấy nhiêu.”