Muốn TRẺ HÓA, trước tiên chúng ta phải thay đổi nhiều thói quen. Chỉ với một tâm trí rộng mở và một niềm khát khao cháy bỏng được chứng kiến điều này trở thành hiện thực, chúng ta mới có đủ động lực để thay đổi thói quen của mình theo chiều hướng tích cực.
Một tâm trí khép chặt luôn nhao theo những đợt sóng do dự và dè dặt, tâm trí đó đã quá quen chối bỏ những thay đổi triệt để trong tư duy, thói quen và hành động, chính là rào cản lớn nhất trên mọi con đường dẫn tới TRẺ HÓA.
Nếu không thể chấp nhận một cách cởi mở, hoặc ít nhất một lần dám thử những điều vẫn bị phần lớn mọi người coi là phi chính thống (nếu không muốn nói là cực đoan), thì có lẽ tốt hơn là hãy cứ buông xuôi cho dòng đời xô đẩy, để cho những lối mòn và những đợt sóng ngầm quen thuộc dẫn dắt phần đời còn lại của bạn tới sự già yếu và kiệt quệ.
Khi đại đa số mọi người cùng có thói quen tuân theo một lối sống nào đó, cùng tiêu thụ những thực phẩm được gọi là “thực phẩm chính”, cùng thảo luận và tư duy theo những quy tắc được vạch sẵn, không có nghĩa là những thói quen ấy, hay chính xác hơn là những con người ấy, đã đúng. Chỉ cần nhìn ra xung quanh, bạn sẽ thấy những cảnh ngộ khốn khổ ở cả người già lẫn người trẻ của thời đại và thế hệ hiện tại, đó chính là những bằng chứng khó lòng chối cãi. Chỉ cần một bữa ăn nào đó được quảng cáo tung hô, họ sẽ sẵn sàng nghe theo mà không một chút băn khoăn do dự.
Trong cuốn sách Man, the unknown (Con người, những điều chưa biết), nhà khoa học lừng danh Alexis Carrel có nói, việc tiêm vào cơ thể người một số loại vắc-xin hoặc huyết thanh nhất định cho mỗi loại bệnh chưa chắc đã là cách thức hiệu quả nhất để ngăn chặn bệnh tật.
Các biện pháp tiêm chủng và vắc-xin này đôi khi kéo theo các vấn đề ở a-mi-đan, gây viêm xương chũm, nẻ da, viêm ruột thừa và bệnh tim. Thi thoảng, chúng còn dẫn tới sốt thấp khớp, bạch cầu, bại liệt, và thường gặp nhất là viêm não.
Trước những vấn đề như thế, nếu không dốc sức nỗ lực, nhẫn nại và kiên gan bền chí, liệu có người nào còn dám mơ tới việc TRẺ HÓA?
Hãy nhìn cái cách mà trẻ em và thanh thiếu niên đang đổ đầy những “thực phẩm” độc hại vào cơ thể non trẻ, đang phát triển và chưa đi vào quy củ của chúng mà xem. Khi lớn lên, chúng sẽ trở thành những cá thể mà tinh thần và thần kinh đã bị tàn phá thảm hại và là gánh nặng cho hệ thống bệnh viện và xã hội.
Vòng đời đang bị rút ngắn của quá nhiều người xung quanh hẳn sẽ cho chúng ta đủ lý do để suy ngẫm rằng chắc chắn có điều gì đó sai lầm đã diễn ra trong lối sống của họ. Còn khi nhìn lại bản thân mình, chúng ta nhất định sẽ phát hiện ra những vấn đề rõ ràng cần xử lý. Chúng ta không thể sống thay người khác, và họ cũng không thể sống thay ta. Cuộc sống này nhất định chỉ là của riêng mình ta, là vật sở hữu tối quan trọng thực sự và duy nhất của ta, và cơ thể mà chúng ta đang nương náu là phương tiện vật lý duy nhất để ta biểu hiện ý chí của mình theo chiều hướng tốt hoặc xấu.
Câu ngạn ngữ nói rằng con người có thể buồn khổ nhưng không bao giờ gục ngã mang đầy tính thực tế. Quả vậy, con người sẽ không bao giờ đầu hàng, trừ khi bản thân anh ta lựa chọn điều đó. Trên thực tế, không có thứ gọi là “tình huống tuyệt vọng” mà chỉ có những cá nhân cảm thấy tuyệt vọng trước tình huống ấy.
Sau tất cả, chỉ có một công thức duy nhất mà chúng ta PHẢI thực hành nếu muốn tự tái cấu trúc bản thân, đó là KỶ LUẬT. Chỉ khi nào hiểu rằng kỷ luật phải bắt đầu từ những việc nhỏ, chúng ta mới có thể đưa mình vào khuôn phép trong những việc hệ trọng lớn lao của cuộc sống. Bạn có bao giờ hình dung được cảm giác tuyệt diệu khi nhận ra chính sự tự kỷ luật trong những việc nhỏ đã biến những nhiệm vụ lớn trước đây từng là gánh nặng trở thành niềm vui thú?
Khi nghiền ngẫm những trang tiếp theo của cuốn sách này, bạn sẽ hiểu cặn kẽ hơn về “công thức kỷ luật”. Thậm chí, bạn có thể sẽ khám phá ra rằng, những thứ từng đè nặng tâm trí bạn, những thứ từng khiến bạn phải khổ sở và phiền não, hóa ra lại là một niềm vui hoặc lợi thế cho bạn. Mọi gánh nặng hoặc nỗi thống khổ tinh thần mà chúng ta cứ khăng khăng nuôi giữ trong lòng hoặc gồng mình gánh vác đều góp phần khiến cho mọi đặc điểm trên cơ thể ta phô bày lồ lộ thông điệp của sự lão hóa nhanh chóng.
Khi một vị bác sĩ hỏi một chú bé con, “Lớn lên cháu sẽ làm gì?” chú bé đáp, “Cháu muốn sống.” Đó quả là một câu trả lời đầy triết lý.
Nhưng có lẽ chú bé con chưa thể hiểu rằng, từ “SỐNG” mang ý nghĩa lớn lao hơn nhiều so với sự tồn tại đơn thuần.
Sống có nghĩa là chế ngự mọi điều kiện tiêu cực, vượt lên những lo âu, sợ hãi, phiền muộn và cảm giác thấp kém về bản thân. Nếu không có sự đồng lõa của bạn, chẳng ai có thể khiến bạn thấy mình thấp kém. Một khi kỷ luật đã dạy cho chúng ta biết tự lực cánh sinh, thì dù trong hoàn cảnh nào, chẳng gì có thể khiến chúng ta sợ hãi. Nhân nói đến sự phiền muộn, tôi bỗng nhớ lại một câu thành ngữ Trung Quốc: “Khi những chú chim u sầu đang bay lượn trên đầu, bạn không thể xua chúng đi nhưng CÓ THỂ ngăn không để chúng làm tổ trên tóc.”
So với những khía cạnh tinh thần trừu tượng trên, đồ ăn thức uống hằng ngày cũng tác động không kém phần sâu sắc tới thể trạng của chúng ta.
Chẳng có gì để lăn tăn về chuyện bạn ăn thế nào, bạn sẽ trở thành thế ấy. Những thực phẩm mà chúng ta ăn và uống hằng ngày chính là con đường duy nhất để bồi đắp cho các tế bào và mô trong cơ thể chúng ta. BỒI ĐẮP là quy luật vĩ đại của cuộc sống.
Trong từng phút giây chúng ta tồn tại, chừng nào cơ thể ta còn mang hơi ấm của sự sống, mỗi khi các mô và tế bào được sử dụng hết cũng là lúc các tế bào mới được tạo ra một cách hết sức kì diệu để bổ sung vào chỗ khuyết. Những tế bào mới này chỉ có thể được hình thành từ những nguyên liệu mà chúng ta đã đưa vào cơ thể mình, từ những nguyên tử và phân tử của thực phẩm mà chúng ta ăn, chất lỏng mà chúng ta uống và không khí mà chúng ta thở.
Như vậy, những vấn đề xoay quanh quá trình BỒI ĐẮP này chính là những vấn đề tối quan trọng, bởi vì kết quả của nó hiển hiện rõ ràng trên từng đường nét, hình dáng, đặc điểm của mọi người đàn ông, phụ nữ và trẻ con. Cũng chính vì vậy, đó là vấn đề cần được suy xét cực kì nghiêm túc khi chúng ta nghiên cứu những điều cần thực hiện để TRẺ HÓA.
Da tái, cổ và mặt có nhiều nếp nhăn, mắt mờ đục hoặc mất màu, đều không phải là những thuộc tính của sự trẻ trung. Chúng là chỉ dấu cho thấy thực phẩm được đưa vào cơ thể trước đó chưa đáp ứng đủ CHẤT LƯỢNG dinh dưỡng cho nhu cầu bổ sung tế bào và mô mới ở các vùng bị suy yếu.
Sự lắng đọng mô mỡ ở những vùng không nên hoặc không được phép xuất hiện mỡ thừa cũng là chỉ dấu cho thấy chất lượng kém của thực phẩm được tiêu thụ trước đó, dù các quảng cáo về chúng vẫn ra rả những điều ngược lại. Các thực phẩm này không hề tái sản xuất tế bào cho cơ thể mà chỉ làm mô nhanh chóng bị thoái hóa và khiến mỡ bắt đầu hình thành. Dù với trẻ còn ẵm ngửa hay người già, thì tình trạng này dứt khoát đều có hại cho sức khỏe. Nếu muốn TRẺ HOÁ, nhất định chúng ta phải điều chỉnh vấn đề này.
Song song với việc chọn sai loại và nhóm thực phẩm để nuôi dưỡng cơ thể, sự tồn đọng chất thải cũng tạo điều kiện cho bệnh tật hoành hành và những dấu hiệu của tuổi già nhanh chóng xuất hiện.
Chất thải trong cơ thể không chỉ bao gồm các sản phẩm cuối cùng của quá trình tiêu hóa (hoặc không tiêu hóa hết) thức ăn. Nội những sản phẩm này thôi cũng đã đủ gây ra vô số rắc rối và xáo trộn, từ những cơn đau đầu tới ung thư. Nhưng thủ phạm gây ra nhiều rắc rối nghiêm trọng hơn chính là những chất thải hình thành từ các mô và tế bào đã được khai thác triệt để cho hoạt động của cơ thể song vẫn chưa được đào thải ra khỏi hệ thống.
Hiện tượng tồn đọng chất thải này cực kỳ quan trọng đối với toàn bộ nỗ lực TRẺ HOÁ của chúng ta, bởi vậy vấn đề này sẽ được phân tích toàn diện và cực kì tỉ mỉ ở những phần sau. Tôi phát hiện ra rằng, chúng ta hầu như không thể TRẺ HOÁ nếu không giải quyết triệt để “đống” rác thải lẽ ra đã phải bị trục xuất khỏi cơ thể mình từ cách đây nhiều năm.
Xuyên suốt toàn bộ quá trình nghiên cứu về phương thức TRẺ HÓA, tôi cần khắc sâu vào tâm trí bạn tầm quan trọng của việc theo sát tiến trình này với một tâm trí và mục đích duy nhất. Như thế có nghĩa là từng từ, từng câu và từng dữ kiện được nhắc tới từ đây trở về sau cần được nghiên cứu kỹ lưỡng mà không có bất kỳ một sự liên tưởng hoặc liên hệ nào với tất cả những quan điểm hoặc giả thuyết mà bản thân bạn hoặc người khác từng đặt ra trước đó. Cho dù bạn có cảm thấy những cách trình bày khác về chủ đề này hợp lý tới đâu chăng nữa, hãy hoàn toàn loại bỏ chúng ra khỏi tâm trí một khi bạn đã quyết định tìm hiểu cuốn sách này. Hãy nhớ rằng chủ đề nào cũng luôn luôn có rất nhiều người viết và giảng dạy về nó, và có những quan điểm còn hoàn toàn trái ngược nhau, thế nhưng ai cũng cho rằng quan điểm của mình mới là đáng tin cậy nhất. Đừng cố gắng thử quá nhiều giả thuyết để rồi bị rối trí, hãy bình tâm nghiên cứu cho đến khi chứng minh được tính ĐÚNG ĐẮN của giả thuyết sẽ đem lại cho bạn những kết quả hoàn chỉnh và VĨNH VIỄN.
Chỉ khi dành toàn tâm toàn ý cho một hướng nghiên cứu, bạn mới có sự hiểu biết và nhận thức đầy đủ để nắm bắt ý nghĩa sâu xa trong những quy luật của Tự nhiên. Tất cả những gì không tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc của luật Tự nhiên chắc chắn đều sẽ cản trở tiến trình của chúng ta.
Vì lý do đó, tôi muốn nhắc lại rằng bạn cần nghiền ngẫm cuốn sách này thật kỹ lưỡng để hiểu điều gì đã giúp một lượng người đông đảo tới vậy giành lại được sức khỏe, năng lượng và sinh khí – những con người ở mọi lứa tuổi, từ trẻ sơ sinh tới ông lão tám, chín mươi tuổi đã gặt hái được thành công. Một khi đã nắm bắt được bí quyết thành công của họ, bạn có thể thử áp dụng những nguyên tắc ấy và dùng lý trí để phán đoán khả năng thành công của mình.
Ai cũng muốn TRẺ HÓA, nhưng thay vì chỉ mơ mộng suông, không phải ai cũng chịu nỗ lực để đạt được điều đó. Nếu bạn muốn TRẺ HÓA, bạn phải HÀNH ĐỘNG.
Và bạn CÓ THỂ thành công nếu hiểu rõ Sức mạnh bên trong chính mình.