1
Theo Đuổi Lối Sống Tối Giản
Ngày lễ Tưởng niệm Chiến sĩ Trận vong Hoa Kỳ năm 2008 rơi vào dịp cuối tuần và được dự báo sẽ là một ngày đẹp trời, điều hiếm hoi ở bang Vermont vào thời điểm đó trong năm. Thế nên tôi và Kim, vợ tôi, quyết định dành ngày thứ Bảy đó để đi mua sắm, làm mấy việc lặt vặt và xử lý nốt vài việc nhà còn tồn đọng. Mục tiêu chính của vợ chồng tôi trong ngày nghỉ cuối tuần là tổng dọn dẹp nhà cửa, bắt đầu từ nhà để xe.
Sáng thứ Bảy ấy, khi Kim và con gái mới sinh của chúng tôi còn đang say ngủ, tôi gọi con trai Salem dậy để ăn sáng. Bữa sáng có trứng và thịt xông khói. Tôi nghĩ có lẽ sau một bữa sáng ngon lành thì thằng bé sẽ vui vẻ giúp cha nó vài việc. Giờ ngẫm lại, tôi không biết sao lúc đó mình lại cho rằng một đứa trẻ năm tuổi sẽ thấy hào hứng với việc dọn dẹp nhà để xe, nhưng dù sao thì tôi cũng đã mong thế. Ăn sáng xong, cha con tôi đi ra nhà để xe.
Nhà để xe có sức chứa hai chiếc ô-tô của chúng tôi lúc nào cũng chất đầy đồ đạc. Những chiếc thùng chồng chất lên nhau như đang chực chờ ngã khỏi kệ. Mấy chiếc xe đạp dựng lộn xộn thành một đống sát tường. Bộ ống nước tưới vườn nằm cuộn trong góc. Cào, xẻng và chổi dựng ngổn ngang. Có những lúc chúng tôi phải cố len lỏi qua đống bừa bộn chất đầy trong đó để lấy xe.
Tôi nói với con về việc dọn dẹp nhà để xe: “Salem, làm sạch chỗ này là nhiệm vụ của cha con mình. Qua một mùa đông, cái nhà xe này đã trở nên bẩn và lộn xộn rồi, vậy nên chúng ta sẽ chuyển hết đồ đạc ra ngoài sân rồi xịt nước để lau rửa toàn bộ chỗ sàn này. Rồi mình đợi cho sàn khô thì xếp đồ đạc vào lại cho gọn gàng hơn. Vậy nhé?”.
Thằng bé gật đầu, ra vẻ hiểu hết những lời tôi vừa nói.
Tôi ra hiệu cho Salem kéo chiếc thùng rác nhựa nằm trong góc ra. Xui xẻo thay, chiếc thùng rác này chứa đầy những món đồ chơi của Salem mà tôi đã cất từ mùa hè. Bạn có thể tưởng tượng rồi đấy, ngay khi con trai tôi vừa “đoàn tụ” với mớ đồ chơi biệt tích suốt mấy tháng trời, nó không mảy may muốn giúp tôi dọn nhà xe nữa. Nó vớ lấy quả bóng Wiffle và cây gậy bóng chày rồi tót ra sân sau.
Đang chạy, nó dừng lại. “Cha chơi với con nhé?”, nó hỏi, mặt đầy hy vọng.
“Xin lỗi nhé con trai. Bây giờ thì cha không thể chơi với con được”, tôi trả lời. “Nhưng cha con mình có thể chơi ngay sau khi cha xong việc. Cha hứa đấy.”
Tôi nhìn theo mái tóc nâu của Salem khuất dần sau góc nhà để xe, cảm thấy có chút dằn vặt.
Buổi sáng chầm chậm trôi qua, việc nọ nối tiếp việc kia, và khả năng tôi có thể cùng chơi với con trai càng lúc càng thấp. Đến lúc Kim gọi tôi và Salem vào nhà ăn trưa thì tôi mới biết mình đã cặm cụi trong nhà xe hàng giờ liền.
Sau bữa ăn trưa, khi quay lại để hoàn thành nốt phần việc dang dở, tôi thấy bà June hàng xóm đang tưới cây bên sân nhà bà ấy. Bà June là một bà lão tóc muối tiêu có nụ cười hiền lành và rất quan tâm đến gia đình tôi. Tôi vẫy tay chào bà và tiếp tục công việc của mình.
Lúc đó tôi đang cố dọn dẹp và sắp xếp cho xong mớ đồ đạc đã lôi ra từ nhà để xe hồi sáng. Việc này vất vả và mất nhiều thời gian hơn dự tính. Tôi vừa làm vừa nghĩ dạo này mình hay cảm thấy bất mãn và ngán ngẩm khi phải dọn dẹp đồ đạc trong nhà. Lần này cũng không phải ngoại lệ. Tệ hơn nữa là Salem cứ từ sân sau chạy ra để hỏi cái nọ cái kia hoặc cố nài nỉ tôi chơi với nó. Lần nào tôi cũng bảo thằng bé: “Con chờ một chút, cha sắp xong rồi”.
Qua cử chỉ và giọng điệu của tôi, bà June có thể nhận thấy tâm trạng tôi đang rất bực bội. Có lần, khi tôi đi ngang qua nhà bà, bà nói với tôi bằng giọng trêu đùa: “À, niềm vui của chủ nhà đấy!”. Bà đã dành gần cả ngày để chăm chút cho căn nhà của mình.
Tôi đáp: “Chà, bác biết người ta hay nói gì mà. Càng sở hữu nhiều đồ đạc, ta càng bị đồ đạc sở hữu”.
Và những lời sau đó của bà June đã thay đổi cuộc đời tôi. “Đúng vậy, thế nên con gái bác mới theo đuổi lối sống tối giản đấy. Nó vẫn thường nói là bác không cần giữ hết đống đồ đạc này.”
Tôi không cần giữ hết đống đồ đạc này.
Câu nói ấy vang vọng trong tâm trí khi tôi quay lại nhìn thành quả lao động sáng nay của mình: một đống đồ đạc dơ bẩn, bụi bặm nằm chồng chất và ngổn ngang trên lối đi. Và ngay khi ấy, tôi thấy con trai tôi vẫn đang chơi một mình ở sân sau. Hai cảnh tượng ấy khắc sâu vào tim tôi, và đó là lần đầu tiên tôi nhận ra nguồn cơn của cảm giác bất mãn bên trong mình.
Lối đi vào nhà để xe của chúng tôi ngày càng ngổn ngang đồ đạc.
Sở hữu đồ đạc không đồng nghĩa với có được hạnh phúc. Ai cũng biết điều này rồi đúng không? Chí ít hầu hết chúng ta đều có thể thừa nhận rằng việc sở hữu đồ đạc không mang lại cho ta cảm giác mãn nguyện thật sự. Rồi khi nhìn lại đống đồ đạc nằm ngổn ngang trên lối đi, tôi còn nhận ra một điều khác nữa: Đồ đạc mà tôi sở hữu chẳng những không mang lại hạnh phúc cho tôi, mà tệ hơn, chúng còn khiến tôi xao nhãng những điều thật sự làm tôi hạnh phúc!
Tôi chạy vào nhà và thấy vợ tôi đang chà rửa bồn tắm. Tôi vừa thở lấy hơi vừa nói với vợ: “Kim này, em không đoán được vừa mới xảy ra chuyện gì đâu. Bác June nói chúng ta không cần phải giữ hết mớ đồ đạc này!”.
Và ngay trong khoảnh khắc ấy, cả gia đình tôi trở thành một gia đình theo đuổi lối sống tối giản.
Tối Giản Là Xu Hướng Sống Mới
Cuối tuần đó, tôi và Kim bắt đầu nói về những thứ chúng tôi có thể bỏ đi để giúp cuộc sống của mình trở nên đơn giản hơn, và nhờ đó, chúng tôi có thể chú tâm trở lại vào những điều thật sự quan trọng đối với mình. Vợ chồng tôi bắt đầu bán, đem cho hoặc bỏ đi những món đồ không còn cần thiết. Trong vòng sáu tháng, chúng tôi đã bỏ được một nửa số đồ đạc của mình. Chúng tôi nhanh chóng thấy được lợi ích mà lối sống tối giản mang lại, đồng thời bắt đầu phát triển một triết lý sống giúp mọi người hiểu được sống đơn giản và có mục đích rõ ràng hơn sẽ mang lại lợi ích thế nào.
Tôi phấn khích với chuyện này đến mức trước khi lễ Tưởng niệm Chiến sĩ Trận vong vào cuối tuần đó kết thúc, tôi đã lập hẳn một trang blog mang tên Becoming Minimalist (tạm dịch: Trở thành người sống tối giản) để đại gia đình chúng tôi, những người muốn sống theo lối tối giản có thể cập nhật về hành trình của gia đình tôi. Ban đầu, tôi chỉ xem đây là một trang nhật ký online, không hơn. Nhưng rồi điều kỳ diệu xảy ra. Những người không quen biết bắt đầu đọc blog của chúng tôi và kể cho bạn bè họ nghe về nó. Độc giả của tôi từ vài người đã lên đến hàng trăm, hàng ngàn, rồi hàng vạn người…, và con số cứ thế tăng lên.
Tôi cứ thắc mắc: Chuyện gì đang diễn ra vậy? Điều này có ý nghĩa gì?
Tôi từng là mục sư đặc trách mục vụ cho học sinh tại nhiều nhà thờ suốt nhiều năm. Ở bang Vermont, trụ sở mục vụ học sinh của chúng tôi là nhà thờ lớn nhất vùng New England. Tôi thích giúp các em học sinh tìm thấy ý nghĩa trong đời sống tâm linh. Tuy vậy, tôi bắt đầu cảm thấy trang blog về lối sống tối giản này có vai trò nhất định trong vận mệnh của tôi.
Tôi bắt đầu nhận được e-mail với nhiều câu hỏi về việc sở hữu ít đi, các cuộc phỏng vấn từ giới truyền thông và những lời mời diễn thuyết. Quảng bá lối sống tối giản trở thành niềm đam mê sâu sắc và lâu dài của tôi. Tôi nhận ra đây là một thông điệp quan trọng, một thông điệp có thể giúp nhiều người có được một cuộc sống tốt đẹp hơn, bất kể xuất thân hay tín ngưỡng của họ là gì. Vậy nên tôi nghĩ có lẽ mình cần dành trọn thời gian để quảng bá lối sống tối giản.
Năm 2012, tôi đồng ý chuyển đến bang Arizona và dành hai năm để giúp một người bạn thành lập một nhà thờ, đồng thời tạo nền tảng cho con đường sự nghiệp mới của mình, xem đây là một cuộc chuyển đổi mang tính thử nghiệm. Hai năm sau đó, tôi dành toàn bộ thời gian làm việc để giúp mọi người biết đến và hiểu rõ hơn về lợi ích mà họ có thể đạt được trong cuộc sống khi sở hữu ít đi.
Trang blog của tôi hiện tại đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết với lượng độc giả hơn một triệu người mỗi tháng. Tôi cũng phát hành một bản tin định kỳ có tính phí và xuất bản vài quyển sách. Tôi ngày càng nhận được nhiều lời mời phát biểu ở các hội thảo về tính bền vững, các cuộc họp thường kỳ của giới chuyên môn, những sự kiện của giới doanh nhân, các cuộc gặp gỡ do nhà thờ tổ chức và nhiều sự kiện khác. Cơ hội để tôi chia sẻ về lối sống tối giản với mọi người ngày càng nhiều hơn.
Kể từ lần dọn dẹp nhà để xe năm đó, tôi đã học hỏi và tìm hiểu rất nhiều về lối sống tối giản. Những điều hay ho nhất về lối sống này mà tôi khám phá ra đều được trình bày trong quyển sách mà bạn đang cầm trên tay. Nhưng dù thế nào đi nữa, tôi vẫn luôn quay lại với quan niệm sống mà tôi đã nhận ra được vào cái ngày đầu tiên ấy: Tài sản và đồ đạc thừa mứa không giúp ta có được hạnh phúc. Tệ hơn, chúng còn khiến ta xa rời những điều thật sự mang lại hạnh phúc. Một khi buông bỏ được những thứ không quan trọng, ta có thể thoải mái theo đuổi tất cả những điều thật sự quan trọng với mình.
Đây là một thông điệp vô cùng quan trọng trong xã hội ngày nay, khi mà động lực chủ yếu thúc đẩy cuộc sống của đa số mọi người là được sở hữu thật nhiều đồ đạc. Tôi tin rằng thông điệp này có thể mang lại cho bạn một cuộc sống mới cùng niềm hân hoan to lớn hơn.
Tủ Quần Áo Nói Gì Với Bạn?
Will Rogers từng nói: “Có quá nhiều người đang tiêu xài số tiền không phải do họ kiếm ra để mua những thứ họ không muốn nhằm gây ấn tượng với những người họ không thích”. Nhận định này đúng với con người trong xã hội ngày nay hơn là xã hội ở thời điểm khi nó được phát biểu lần đầu. Và tôi cho rằng nhận định này cũng đúng ở các quốc gia phát triển trên thế giới. Nhưng hãy để tôi lấy nước Mỹ, đất nước của tôi, làm ví dụ để phân tích cho bạn hiểu hơn về điều này.
Ở Mỹ, chúng tôi tiêu thụ lượng hàng hóa tiêu dùng nhiều gấp đôi so với năm mươi năm trước. Cũng trong giai đoạn đó, diện tích nhà ở trung bình tại Mỹ đã tăng gần gấp ba, và ngày nay một căn nhà bình thường của người Mỹ có thể chứa khoảng ba trăm ngàn món đồ. Tính bình quân thì mỗi gia đình ở Mỹ có số lượng ti-vi nhiều hơn số nhân khẩu trong nhà. Và Bộ Năng lượng Mỹ báo cáo rằng 25% số gia đình sở hữu ga-ra có sức chứa hai chiếc ô-tô vẫn không có chỗ đậu xe vì ga-ra của họ chứa quá nhiều đồ đạc bừa bộn, và 32% chỉ có đủ chỗ đậu cho một chiếc xe. Dịch vụ sắp xếp nhà cửa, có chức năng tìm chỗ cho toàn bộ đống đồ bừa bộn của chúng ta, giờ đang là ngành kinh doanh trị giá tám tỷ đô-la với tốc độ tăng trưởng 10% mỗi năm ở Mỹ. Thêm vào đó, cứ mười hộ gia đình Mỹ lại có một hộ phải thuê nhà kho bên ngoài, đây là phân khúc tăng trưởng nhanh nhất trong ngành bất động sản thương mại tại Mỹ trong bốn mươi năm qua.
Thế nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều người Mỹ gặp vấn đề nợ nần cá nhân. Mức nợ thẻ tín dụng bình quân của một hộ gia đình ở Mỹ là hơn 15.000 đô-la, còn khoản nợ vay mua nhà đất có thế chấp bình quân lên đến hơn 150.000 đô-la.
Tôi sẽ ngừng mớ thống kê đáng sợ này tại đây, vì tôi không muốn làm bạn hoảng sợ. Bên cạnh đó, bạn không cần đến số liệu thống kê hay điều tra cụ thể ở đất nước mình thì bạn mới nhận ra là rất có thể bạn đã sở hữu quá nhiều đồ đạc. Bạn có thể nhận thấy điều đó khi đi loanh quanh nhà mình mỗi ngày. Không gian sống của bạn ngập ngụa đồ đạc đủ loại. Sàn nhà của bạn có bao nhiêu là thứ. Tủ quần áo thì chật cứng. Các hộc tủ thì đầy ắp. Ngay cả tủ lạnh cũng không đủ chỗ cho bạn chứa hết lượng thực phẩm mà bạn muốn cất trong đó. Và dường như có bao nhiêu tủ đựng đồ cũng không đủ.
Tôi nói có đúng không?
Có lẽ bạn thích hầu hết những món đồ bạn đang sở hữu, song tôi đoán bạn cũng cảm thấy số lượng đồ đạc như thế là quá nhiều và bạn muốn làm gì đó để giải quyết vấn đề này. Nhưng làm sao để biết thứ gì nên giữ và thứ gì cần bỏ? Phải làm thế nào để loại bỏ những món đồ không cần thiết ra khỏi cuộc sống của mình? Khi nào thì bạn mới biết mức độ tích trữ đồ đạc của mình đã chạm mốc?
Có lẽ bạn chọn quyển sách này vì hy vọng sẽ tìm được vài gợi ý giúp bạn tinh gọn đồ đạc trong nhà. Bạn sẽ tìm thấy thôi, tôi hứa đấy. Nhưng ngoài ra thì còn nhiều điều hay ho khác nữa! Tôi sẽ chỉ cho bạn cách tìm thấy cuộc sống mà bạn mong muốn, cuộc sống đang bị vùi lấp dưới đống đồ đạc bạn đang sở hữu. Đó là dựa vào thông điệp “có ít mà được nhiều” với sự nhấn mạnh vào phần được nhiều.
Thành quả mà bạn có được không chỉ là một ngôi nhà gọn gàng, mà còn là một cuộc sống ý nghĩa hơn và khiến bạn thấy hài lòng hơn. Tối giản là chiếc chìa khóa không thể thiếu để mở cánh cửa đến với cuộc sống tốt đẹp hơn mà bạn tìm kiếm bấy lâu nay.
Tôi sẽ thành thật với bạn. Từ tận đáy lòng, tôi ấp ủ một ước mơ lớn lao dành cho quyển sách này: Tôi muốn giới thiệu cách sống tối giản đến với cả thế giới. Trung bình một ngày chúng ta bắt gặp khoảng năm ngàn mẩu quảng cáo không ngừng ám thị ta hãy mua thêm, mua thêm đi; có thể ở nước bạn hơi khác nhưng tại Mỹ quê tôi là thế. Vì vậy, tôi muốn trở thành tiếng nói thúc giục mọi người mua sắm ít lại, vì thế giới của chúng ta sẽ nhận được nhiều lợi ích to lớn khi hàng trăm, hàng ngàn, hàng triệu người thay đổi được đời mình nhờ sống tối giản.
Lợi Ích Chung Của Lối Sống Tối Giản
Khi sở hữu ít đi, chúng ta sẽ tìm được nhiều niềm vui hơn so với khi theo đuổi quá nhiều thứ. Trong một thế giới liên tục thôi thúc chúng ta mua thêm và thêm nữa, chúng ta thường không nhận ra được cám dỗ này. Nhưng hãy nghĩ đến những lợi ích mà bạn sẽ có được từ lối sống mới. Khi thực hiện theo các nguyên lý của lối sống tối giản được nêu trong quyển sách này, bạn sẽ đạt được thành quả trong từng lĩnh vực sau:
Có nhiều thời gian và năng lượng hơn: Những món đồ mà chúng ta sở hữu khiến chúng ta tiêu tốn nhiều thời gian và năng lượng, nào là kiếm tiền để sắm sửa, tìm hiểu để chọn mua, dọn dẹp và sắp xếp, sửa chữa, thay thế hoặc bán chúng đi. Vậy nên có càng ít đồ đạc thì chúng ta càng có thêm thời gian và năng lượng để dành cho những nhu cầu thật sự quan trọng và có ý nghĩa với chúng ta.
Có nhiều tiền hơn: Điều này rất đơn giản và dễ hiểu. Mua sắm ít lại thì bớt tốn tiền hơn. Không chỉ bớt tốn tiền sắm sửa đồ đạc mà còn tiết kiệm được chi phí bảo dưỡng nữa. Có lẽ con đường dẫn đến tự do tài chính của bạn không phải là kiếm nhiều tiền hơn, mà là sở hữu ít đi.
Trở nên hào phóng hơn: Lối sống ít tốn kém, ít tích trữ đồ đạc giúp chúng ta có thể dành tiền bạc cho những điều mình quan tâm. Tiền của chúng ta có giá trị bằng với giá trị của những điều ta dùng tiền để thực hiện, và có vô số điều đáng để ta bỏ tiền ra làm hơn nhiều so với việc tích lũy vật chất.
Trở nên tự do hơn: Đồ đạc dư thừa có thể biến ta thành nô lệ của chúng về mặt thể chất, tâm lý lẫn tài chính. Đồ đạc thường cồng kềnh và khó di chuyển. Chúng đè nặng lên tâm hồn ta và khiến ta thấy nặng nề. Thế nên, mỗi lần bỏ đi một món đồ không cần thiết, ta sẽ giành lại được một chút tự do.
Giảm bớt căng thẳng: Cứ thêm một món đồ là cuộc sống của chúng ta lại tăng thêm một chút lo lắng. Hãy thử tưởng tượng hai căn phòng: một căn bừa bộn và lộn xộn, còn căn kia thì gọn gàng và ít đồ đạc. Căn phòng nào khiến bạn cảm thấy lo âu? Căn phòng nào giúp bạn thấy bình tĩnh? Lộn xộn + thừa mứa = căng thẳng.
Ít bị phân tâm: Mọi thứ đồ đạc quanh ta đều tranh nhau đòi ta phải chú ý. Những sự phân tâm nhỏ này có thể dồn lại, tạo thành một mối phiền nhiễu lớn. Sự phiền nhiễu đó ngăn ta tập trung vào những thứ mình thật sự quan tâm. Và trong cuộc sống tất bật thời nay, ai lại cần thêm những mối bận tâm cơ chứ?
Giảm tác động tiêu cực đến môi trường: Tiêu thụ quá mức đẩy nhanh tốc độ tàn phá tài nguyên thiên nhiên. Chúng ta tiêu thụ càng ít thì những tổn hại ta gây ra cho môi trường sẽ càng giảm, và điều đó có lợi cho mọi người, trong đó có thế hệ con cháu của chúng ta.
Dùng đồ có chất lượng cao hơn: Càng ít tiêu tiền cho những thứ thừa thãi, bạn càng có cơ hội mua những món đồ chất lượng khi cần. Sống tối giản không nhất thiết là phải tằn tiện. Triết lý của lối sống tối giản cho rằng sở hữu nhiều đồ đạc không hẳn sẽ tốt hơn mà sở hữu những món đồ chất lượng hơn mới là tốt hơn.
Trở thành tấm gương tốt cho con cái: Điều bạn hay nói cho con cái nghe nhiều nhất là gì? Có phải là “Cha mẹ yêu con” không? Hay là “Cha mẹ muốn cái kia”, “Món này đang được khuyến mãi”, hoặc “Đi mua sắm nào!”? Làm gương cho con cái là rất quan trọng để giúp chúng có khả năng kháng lại lối sống mất kiểm soát đang được quảng bá nhan nhản ngoài kia.
Giảm bớt việc cho người khác: Nếu không nỗ lực phân loại và cắt giảm đồ đạc của mình, vậy thì đến lúc chúng ta qua đời hoặc không thể tự chăm lo cho bản thân nữa, có người (rất có thể là một người thân thiết) phải nhận lấy gánh nặng này. Lối sống tối giản của chúng ta sẽ giúp người khác được nhẹ nhàng hơn.
Ít so sánh hơn: So sánh cuộc sống của mình với cuộc sống của những người xung quanh là khuynh hướng tự nhiên của con người. Thêm vào đó, sự thật là chúng ta thường có khát khao gây ấn tượng với người khác bằng cách sở hữu thật nhiều đồ, càng nhiều càng tốt. Chúng ta không biết rằng đó chính là công thức tạo ra thảm họa. Quyết tâm sở hữu ít đi sẽ dần đưa ta thoát khỏi trò ganh đua mà chẳng ai có thể giành phần thắng.
Cảm thấy mãn nguyện hơn: Chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng mình có thể giải quyết nỗi bất mãn bằng cách sắm một món đồ mà nếu thiếu nó thì có lẽ ta sẽ không được vui. Nhưng của cải, vật chất sẽ không bao giờ khiến ta hoàn toàn thỏa mãn được những khao khát trong lòng. (Đó là vì sao sau mỗi lần mua sắm, ta thường nhanh chóng thấy bất mãn trở lại.) Chỉ khi nào ta quyết tâm phá vỡ vòng lẩn quẩn “mua, mua nữa, mua mãi” thì ta mới có thể bắt đầu nhận thức được những nguyên nhân thật sự gây ra sự bất mãn trong cuộc sống của mình.
Có nhiều thời gian và tiền bạc hơn, đỡ căng thẳng, ít bị phân tâm, lại tự do hơn nữa…, nghe thật hấp dẫn đúng không? Trong phần còn lại của quyển sách này, bạn sẽ còn đọc được nhiều hơn về những chủ đề trên, vì tôi sẽ hướng dẫn bạn cách biến những lợi ích chung nói trên thành của riêng mình.
Ngoài những lợi ích chung nói trên, mỗi người chúng ta sẽ còn đạt được nhiều lợi ích cá biệt nhờ thực hành lối sống tối giản. Loại bỏ những thứ không cần thiết là bước đầu trong việc tạo nên cuộc sống bạn mong muốn.
Thực Hiện Những Đam Mê Cháy Bỏng
Khi đón nhận lối sống tối giản, chúng ta ngay lập tức được tự do để theo đuổi những đam mê cháy bỏng nhất của mình. Đối với vài người trong số chúng ta, hẳn là lâu lắm rồi ta mới có được nguồn lực cần có để theo đuổi những niềm vui trong cuộc sống, bất kể chúng ta định nghĩa những niềm vui đó như thế nào. Sống đơn giản hơn giúp chúng ta có thêm thời gian dành cho các hoạt động ý nghĩa, được tự do hơn để đi đây đi đó, hiểu rõ hơn những khát khao của tâm hồn, năng lực tư duy được tăng cường để giải quyết những vấn đề quan trọng nhất, có nguồn tài chính dồi dào hơn để ủng hộ cho những gì mình tin tưởng và linh hoạt hơn để theo đuổi sự nghiệp mình mơ ước.
Đối với tôi, đam mê mà tôi được tự do theo đuổi là mời gọi nhiều người khác cùng khám phá những lợi ích của lối sống tối giản. Theo cách nào đó, tôi cảm thấy mình muốn đóng vai anh hàng xóm trong cuộc đời người khác. Tôi rất biết ơn bà June, hàng xóm của tôi vì đã giới thiệu cho tôi biết về lối sống tối giản. Tôi cũng thấy rất biết ơn khi mình có cơ hội truyền đạt lối sống ấy cho người khác.
Các mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơn là một phần quan trọng trong số những lợi ích tôi đạt được nhờ sống theo chủ nghĩa tối giản. Tôi thích có thêm thời gian rảnh để ở bên gia đình nhỏ của mình, cũng như ở bên người thân và bạn bè. Tôi còn thường xuyên tham gia các hoạt động của nhà thờ, tình nguyện làm nhiều việc mình từng làm khi còn phục vụ trong nhà thờ. Đồng thời, tôi được thoải mái theo đuổi mối quan hệ của mình với Đấng Tạo hóa một cách tự do và ít bị phân tâm hơn, và điều này có ý nghĩa lớn lao đối với tôi.
Gần đây, tôi rất phấn khởi vì nhờ lợi nhuận thu được từ quyển sách này, vợ chồng tôi đã có thể thành lập một tổ chức phi lợi nhuận mang tên The Hope Effect (tạm dịch: Hiệu ứng Hy vọng). Nhiệm vụ của tổ chức này là thay đổi phương thức chăm sóc trẻ mồ côi trên thế giới bằng cách lập ra mô hình chăm sóc trẻ mồ côi có khả năng nhân rộng và mô phỏng hình thức gia đình. Khi nảy ra ý tưởng về tổ chức phi lợi nhuận này, tôi và Kim đã nói với nhau: “Sao lại không nhỉ? Ta hãy làm điều gì đó có ý nghĩa bằng nguồn tài chính của mình”. Vì các nhu cầu tiêu xài của chúng tôi chỉ ở mức tối thiểu, nên chúng tôi có đủ nguồn tài chính để lo liệu cho dự án này. Tôi sẽ kể chi tiết hơn trong phần sau của sách.
Cuộc sống của tôi chính là bằng chứng cho thấy việc bỏ bớt những món đồ không cần thiết sẽ làm tăng cơ hội theo đuổi những điều ta quan tâm lên gấp bội. Kết quả là cảm giác thỏa mãn cũng sẽ tăng lên theo cấp độ lũy thừa. Có lẽ cuộc sống bạn hằng mong đang bị vùi lấp bên dưới đống đồ đạc bạn đang sở hữu đấy!
Vậy để tôi hỏi bạn nhé, những đam mê cháy bỏng nhất còn chưa được thực hiện của bạn là gì? Nếu giảm đồ đạc mình sở hữu đến mức tối thiểu, bạn sẽ có được tiềm lực để tận hưởng, theo đuổi và hoàn thành những đam mê nào? Bạn có muốn gắn kết sâu sắc hơn với những người thân yêu của mình hay không? Bạn có muốn ngắm nhìn thế giới này? Bạn có muốn làm ra các tác phẩm nghệ thuật? Còn việc cải thiện sức khỏe thể chất, có được sự đảm bảo về tài chính, hay cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp thì sao?
Hãy ghi nhớ những ước mơ đó, vì đó chính là mục đích của quyển sách này. Quyển sách bạn đang cầm trên tay không chỉ xoay quanh việc sở hữu ít đồ đạc hơn, mà trên hết, còn nói về việc ta có thể sống một cuộc đời ý nghĩa hơn!
Có Thể Mong Đợi Gì Từ Quyển Sách Này?
Tôi hy vọng bạn thấy hứng thú về những triển vọng và tiềm năng mà quyển sách này mang lại. Tôi còn nhiều điều muốn nói với bạn, cả về mặt lý thuyết lẫn thực tiễn của lối sống tối giản. Tôi tin đây chính là quyển sách mà sau này khi nhìn lại, bạn sẽ thốt lên: Quyển sách này đã thay đổi đời tôi mãi mãi! Và tôi hy vọng đây là quyển sách mà sau khi đọc xong, bạn sẽ trao lại nó cho người khác.
Để tôi nói rõ với bạn điều này, đây không phải là một cuốn hồi ký về hành trình đến với lối sống tối giản của riêng tôi. Dù tôi sẽ chia sẻ phần nào chặng đường của mình để minh họa cho những điều tôi nói với hy vọng mang lại nguồn cảm hứng cho bạn, nhưng đây không phải là quyển sách nói về tôi. Quyển sách này là về bạn, về niềm vui của việc sở hữu ít đồ đạc hơn, về cách áp dụng chủ nghĩa tối giản vào lối sống để cuộc sống của bạn trở nên tốt đẹp hơn.
Tôi cũng sẽ giới thiệu với bạn những con người khác, những người đã theo đuổi lối sống tối giản và hiện tại vẫn giữ ý định phải sở hữu ít đồ đạc hơn nữa. Bạn sẽ nhận thấy mình đang ở trong hoàn cảnh mà nhiều người trong số họ từng trải qua, và cách họ xử lý thói quen tiêu dùng của mình sẽ đem đến cho bạn nguồn cảm hứng cũng như ý tưởng để bắt đầu hành trình theo đuổi lối sống tối giản của riêng bạn. Chẳng hạn, bạn sẽ được biết về:
Troy, người đã bắt đầu chuyến phiêu lưu đến với lối sống tối giản từ những hình vẽ bị tróc trên bậu cửa sổ.
Annette, người thích du lịch vòng quanh thế giới hơn sở hữu nhà cửa.
Dave và Sheryl, những người đã nhận thấy khát khao sáng tạo và tinh thần thiện nguyện sục sôi trong lòng mình khi bắt đầu tinh giản cuộc sống.
Margot, người tự khiến bản thân kinh ngạc vì đã giảm bớt được một ngàn món đồ.
Courtney, người đã làm chậm tốc độ phát triển của một căn bệnh hiểm nghèo nhờ giảm bớt sự căng thẳng trong cuộc sống của mình.
Ryan, người đã đóng thùng tất cả đồ đạc của mình và sau đó chỉ lấy ra những thứ cần thiết.
Sarah, người đã thay đổi thói quen mua sắm của mình mãi mãi bằng cách không mua quần áo mới trong suốt một năm.
Jessica, người đã phát triển triết lý sống tối giản của riêng mình khi chỉ mới mười lăm tuổi.
Ali, người đã quyên tặng những món trang sức quý giá nhất của mình, và qua đó, đã làm thay đổi cuộc sống của những người ở nửa bên kia của Địa cầu.
Bạn cũng sẽ thấy tôi đề cập đến một số câu chuyện trong Kinh Thánh. Nền tảng tôn giáo của tôi đóng vai trò quan trọng trong việc tôi cắt nghĩa lối sống tối giản cũng như cách tôi áp dụng nó vào cuộc sống của mình. Thỉnh thoảng bạn sẽ thấy mối liên hệ đó trong sách.
Nếu bạn theo một tín ngưỡng khác hoặc là người vô thần, tôi nghĩ bạn vẫn sẽ thấy những mẩu chuyện ấy thú vị và bổ ích. Chúng nhấn mạnh và minh họa một vài sự thật phổ biến về cuộc sống và thế giới quanh ta. Bạn sẽ nhanh chóng nhận ra vì sao tôi lại chọn đưa các câu chuyện đó vào trong sách.
Dựa trên kinh nghiệm gặp gỡ và trò chuyện về lợi ích của việc sở hữu ít đi với nhiều người trên khắp thế giới, tôi chẳng có chút mảy may do dự khi khẳng định rằng tối giản là lối sống mang tính cách mạng đối với bất cứ ai, ở bất cứ nơi đâu. Hãy để tôi chứng minh điều đó với bạn. Thông điệp của quyển sách này tựa như một hạt giống, rất đơn giản và tràn đầy triển vọng đâm chồi nảy lộc.
Ngay Khúc Quanh
Tôi còn nhớ ngày thứ Bảy của dịp lễ Quốc tế Lao động năm 2008. Đó là một ngày trời trong, nắng ấm, giống với cái hôm tôi thấy bực bội vì phải dọn dẹp nhà để xe cách đó ba tháng. Tuy nhiên, hôm ấy tôi và Kim chẳng có bao nhiêu việc nhà cần phải làm. Dù vẫn chưa hoàn thành công cuộc tối giản hóa cuộc sống của mình, nhưng chúng tôi cũng đã cắt giảm đồ đạc tới mức không cần phải dọn dẹp nhà cửa nhiều như trước nữa. Thế nên cả gia đình tôi thoải mái dành cả ngày bên nhau để làm những điều mình thích. Chúng tôi tản bộ trên những con đường lát gỗ gần nhà, nhàn nhã thưởng thức bữa trưa ngoài hiên và chơi xích đu với bọn trẻ.
Xế chiều hôm ấy, tôi và Salem đi ra con phố vắng trước nhà. Thằng bé đang tập chạy xe đạp, còn ông bố đầy tự hào tôi đây thì hết gài mũ bảo hiểm lại đến đẩy xe cho con, chạy lên chạy xuống con phố để đảm bảo thằng bé ngồi vững trên xe. Tôi hài lòng khi thấy thằng bé dần nắm bắt được kỹ năng mới này.
Trước khi kết thúc buổi tập luyện, tôi thách Salem đạp xe quanh khu nhà mà không cần trợ giúp. Tôi sẽ đạp xe theo thằng bé. Đây là lần đầu tiên cha con tôi cùng đạp xe bên nhau.
Vừa rẽ qua khúc quanh, tôi thấy một người hàng xóm đang đứng trên lối vào nhà anh ấy, trông anh rất mỏi mệt, cáu kỉnh và bực dọc… vì anh đang dọn nhà để xe!
Tôi mỉm cười.
Một ngày nào đó, khi có cơ hội thích hợp, tôi sẽ gửi đến anh hàng xóm ấy một thông điệp làm thay đổi cuộc đời: Anh không cần giữ hết mấy món đồ đó đâu!