2
Sự Giải Thoát
Bạn nghĩ gì khi nghe đến cụm từ chủ nghĩa tối giản?
Nếu bạn cũng giống như nhiều người khác, có lẽ bạn sẽ tưởng tượng ra những hình ảnh đơn điệu, có vẻ khắc khổ, những bức tường trắng trống trơn, sự tằn tiện hết mức hoặc cảnh tượng một người ngồi trên sàn vì trong nhà không có lấy một món đồ nội thất. Đối với bạn, dường như đó là một bài tập khổ tu và chỉ để khổ tu mà thôi. Thật buồn tẻ và nhạt nhẽo biết bao! Ai lại muốn làm vậy cơ chứ?!
Nhưng hãy để tôi nói với bạn điều này… Cảnh tượng nói trên khác xa với lối sống theo chủ nghĩa tối giản mà tôi nhắc tới!
Với tôi, lối sống theo chủ nghĩa tối giản hoàn toàn ngược lại với những miêu tả trên. Khi nói đến lối sống tối giản, tôi nghĩ tới tự do, sự bình yên và niềm vui. Đó là những khoảng trống mới được mở ra để chào đón những cơ hội mới. Đó là một sự giải thoát đích thực vì các chướng ngại trên con đường dẫn đến cuộc sống mà chúng ta mong muốn đều đã được dẹp bỏ.
Thật ra, tôi không quá hứng thú với lối sống tối giản đến thế, tôi chỉ đang giúp mọi người tính được lượng đồ đạc sở hữu thích hợp để cuộc sống của họ trở nên tốt đẹp nhất có thể. Đối với những người đang sinh sống tại các quốc gia phát triển trên thế giới, xu hướng sống mới là cắt giảm lượng đồ đạc mình sở hữu chứ không phải là tăng thêm. Do đó, thực tế mà nói thì chúng ta cần học kỹ năng tối giản hóa cuộc sống.
Trong bối cảnh như vậy, tôi đưa ra định nghĩa như sau về lối sống tối giản:
Sống tối giản: Có ý thức quan tâm và ưu tiên những điều có ý nghĩa với mình nhất và loại bỏ bất cứ thứ gì khiến mình xao nhãng những điều đó.
Vẻ đẹp của chủ nghĩa tối giản không nằm ở những thứ bị bỏ đi. Vẻ đẹp và điều tuyệt vời nhất của lối sống tối giản nằm ở những gì nó mang lại.
Troy Koubsky hẳn sẽ đồng ý với nhận định này.
Niềm Hy Vọng Mới
“Lý do tôi theo đuổi lối sống tối giản có liên quan đến màu sắc ngôi nhà của mình”, Troy Koubsky bắt đầu câu chuyện của anh.
Vì chưa từng nghe câu chuyện nào như vậy, nên tôi đề nghị Troy giải thích thêm. Troy là một người đàn ông khoảng bốn mươi tuổi, cao ráo, có mái tóc đỏ, hàm râu quai nón cũng màu đỏ được tỉa tót gọn gàng. Anh chia sẻ câu chuyện này khi hai chúng tôi đang ở một buổi tọa đàm về lối sống đơn giản tại Minneapolis.
Troy giải thích rằng mấy năm trước, anh đã mua một căn nhà với ý nghĩ là bạn anh sẽ dọn đến ở cùng và trả cho anh một khoản tiền, nhờ đó anh có thể trả khoản tiền đã vay để mua nhà. Nhưng vì hoàn cảnh thay đổi, người bạn đó lại dọn đi. Thay vì cố tìm một người khác ở cùng, Troy lại chọn cách nhận thêm một công việc nữa để có thêm thu nhập và tự trả tiền nhà.
Anh kể: “Sau cùng, tôi bắt đầu nhận lãnh hậu quả. Tôi có nhiều tiền hơn nhưng lại ít thời gian hơn. Tệ hơn nữa là tôi không tiết kiệm được đồng nào từ khoản thu nhập tăng thêm cả. Toàn bộ số tiền đó đều được dùng để thanh toán tiền vay mua nhà”.
Troy lâm vào cảnh tuyệt vọng. Anh bắt đầu lao vào mua sắm và thu thập đồ đạc nhằm thỏa mãn cảm giác nắm quyển kiểm soát cuộc sống của mình. Những buổi thanh lý đồ cũ và kệ trưng bày đồ giảm giá trở thành thuốc gây nghiện đối với anh. Sau này ngẫm lại, anh chia sẻ: “Tôi mất kiểm soát, hoàn toàn không biết mình đang làm gì với bản thân và không gian sống của mình. Chuyện cứ như vậy cho đến khi tôi nhận ra bậu cửa sổ nhà mình bắt đầu bị tróc sơn”.
Để chuẩn bị sơn sửa cửa sổ, Troy tranh thủ giờ nghỉ trưa tại văn phòng để lên mạng tìm màu sơn. Công cụ tìm kiếm đưa ra nhiều lựa chọn đến nỗi thoạt đầu anh thấy đơ cả người.
Tuy nhiên, khi cuộn chuột lướt xuống phía dưới trang tìm kiếm, anh tình cờ thấy một bức ảnh trông khác hẳn với những hình ảnh khác. Trong ảnh là căn nhà nhỏ nhất mà anh từng thấy, chỉ có vài chục mét vuông, một căn nhà nhỏ xíu có bánh xe, trước sân còn có mấy con gà.
Troy cảm thấy có chút tò mò. Chỉ sau vài lần nhấp chuột, anh đã đắm chìm vào một thế giới khác, nơi mọi người chủ động sống trong những căn nhà nhỏ hơn và có ít đồ đạc hơn. Và hành trình đến với lối sống tối giản của Troy đã bắt đầu như thế.
Mục tiêu trước mắt của anh là biến căn nhà hiện tại của mình trở thành một nơi dễ sống hơn. Trong tháng tiếp theo, Troy đã loại bỏ 1.389 món đồ ra khỏi nhà. Đến cuối mùa hè, tổng số vật phẩm mà anh bỏ đi đã hơn 3.000 món.
Troy chia sẻ: “Bỏ bớt đồ đạc không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng đây là quá trình mà tôi muốn làm và cần làm”.
Anh rơm rớm nước mắt khi kết thúc cuộc trò chuyện. “Tôi thật sự đã bị tổn thương trong một thời gian dài, Joshua à. Tôi cần sự đơn giản. Tôi phải trả hết nợ. Tôi cần thoát khỏi mớ đồ đạc đang đổ đống trong cuộc sống của mình. Nhưng trên hết, tôi cần hy vọng, một niềm hy vọng rằng cuộc sống có thể sẽ khác đi, sẽ tốt đẹp hơn. Quá trình theo đuổi lối sống tối giản và sở hữu ít đồ đạc hơn đã mang đến cho tôi hy vọng đó.”
Vậy đó. Điều quan trọng ở lối sống tối giản là những gì nó mang lại, chứ không phải những thứ bị bỏ đi. Nó khích lệ chúng ta luôn có ý thức phải quan tâm và ưu tiên cho những điều ta coi trọng nhất và loại bỏ bất cứ thứ gì khiến ta xao nhãng những điều đó. Đây là một lối sống mới, giúp ta cảm thấy tràn đầy hy vọng trong cuộc sống của mình.
Khi bạn đã nhớ kỹ điều này, hãy để tôi giúp bạn làm rõ hai quan niệm sai lầm thường gặp về lối sống tối giản.
Quan niệm sai lầm #1: Sống tối giản nghĩa là từ bỏ mọi thứ
Tôi luôn lấy làm lạ khi một số người cứ nghĩ tối giản nghĩa là vứt hết mọi thứ, hoặc hầu hết mọi thứ, bằng bất cứ giá nào. Điều này hoàn toàn không đúng. Sự thật là lối sống tối giản chỉ đề cập đến việc sống với ít đồ đạc hơn mà thôi, và như tôi thường nói, ít hơn không phải là không có gì cả.
Nếu bây giờ bạn vào nhà tôi, có lẽ bạn sẽ không nghĩ ngay rằng đây là nơi sinh sống của một gia đình theo đuổi lối sống tối giản. Bạn sẽ thấy trong phòng khách nhà tôi có ghế ngồi cho bốn người, một bức ảnh gia đình, một tấm thảm, một chiếc bàn uống cà phê và chiếc ti-vi duy nhất của gia đình. Bạn sẽ thấy trong tủ quần áo của gia đình tôi có mấy chiếc áo khoác, mũ bóng chày và vài món phụ kiện mùa đông. Bạn sẽ thấy tủ đồ đặt trong phòng dành cho bọn trẻ có chứa sách, dụng cụ thủ công và đồ chơi.
Gia đình tôi đang hướng đến một cuộc sống tối giản, nhưng đồng thời chúng tôi vẫn là những con người đang sống, đang hít thở, và thay đổi từng ngày. Mà sống thì phải có tiêu dùng. Vậy nên chúng tôi vẫn có đồ đạc. Nhưng cả nhà đã nỗ lực để thoát khỏi mớ đồ đạc dư thừa tích lũy bấy lâu.
Đôi khi tôi đề cập đến “chủ nghĩa tối giản hợp lý” hoặc là “chủ nghĩa tối giản có chiến lược” để diễn đạt ý của mình. Tôi không cổ động cho việc loại bỏ mọi thứ mà chúng ta có thể bỏ. Thay vào đó, tôi khuyến khích mọi người loại bỏ những thứ không cần thiết để có thể dễ dàng theo đuổi những mục tiêu của mình hơn.
Tôi mang hết nhiệt tình đặt vào việc chăm sóc tâm hồn mình, gia đình mình, vào việc yêu thương và tác động tích cực đến người khác. Tôi tập trung vào các mối ưu tiên này hơn hết thảy. Lối sống tối giản là phương tiện để tôi đạt được những mục tiêu trên. Nó loại bỏ những phiền nhiễu mà vật chất gây ra để tôi có thể nhận thấy được các mối ưu tiên quan trọng nhất của mình. Thế nên tôi không ngừng bỏ đi những thứ cần phải loại bỏ để tôi có thể sống đúng theo mục tiêu. Nhưng với những món đồ giúp tôi sống theo cách mình muốn, tôi sẽ giữ lại và sử dụng chúng. Tôi không hề cảm thấy có lỗi về chuyện này.
Khi lựa chọn đi theo lối sống tối giản, bạn có thể gặp tình huống tương tự. Đừng lầm tưởng rằng sống tối giản nghĩa là bạn buộc phải sống mà chẳng có gì trong tay. Cứ sống với những món đồ mang lại cho bạn cuộc sống bạn mong muốn.
Quan niệm sai lầm #2: Sống tối giản nghĩa là sắp xếp lại đồ đạc
Sắp xếp đồ đạc có vai trò riêng của nó, nhưng việc này không liên quan đến cuộc sống tối giản.
Thử nghĩ mà xem. Sắp xếp đồ đạc (mà không loại bỏ những thứ dư thừa) chỉ là giải pháp tạm thời mà thôi. Chúng ta cứ phải lặp đi lặp lại việc đó. Courtney Carver, người bạn cùng theo đuổi lối sống tối giản của tôi đã nói thế này: “Nếu việc sắp xếp đồ đạc có hiệu quả, chẳng phải bây giờ bạn đã là người sống tối giản rồi ư?”.
Về bản chất, việc sắp xếp đồ đạc đơn giản chỉ là bố trí lại đồ đạc trong nhà. Và dù hôm nay bạn có thể tìm được chỗ chứa đồ, thì có khi chỉ ngay ngày mai bạn sẽ phải tìm thêm chỗ mới. Thêm nữa, việc sắp xếp đồ đạc (mà không bỏ bớt thứ gì) có một số khuyết điểm như sau:
Sắp xếp đồ đạc không mang lại lợi ích cho người nào khác. Những món đồ ta hiếm khi dùng đến bị bỏ mặc trên những chiếc kệ dưới tầng hầm, trên gác xép và trong nhà để xe mà không đem lại lợi ích cho ai, trong khi những người xung quanh bạn có thể cần và muốn sử dụng chúng.
Sắp xếp đồ đạc không giải quyết được vấn đề nợ nần của chúng ta. Nó không giải quyết được vấn đề cốt lõi là chúng ta mua sắm quá nhiều thứ. Trên thực tế, nhiều khi việc sắp xếp lại đồ đạc còn khiến chúng ta tốn kém nhiều hơn vì phải mua thùng đựng đồ, thuê nhà kho hoặc tậu một căn nhà lớn hơn để chứa đồ.
Sắp xếp đồ đạc không làm giảm bớt khao khát được sở hữu nhiều hơn của chúng ta. Hành động sắp xếp đồ đạc vào thùng, hộp nhựa hay tủ quần áo đều là hành động níu giữ số đồ đạc dư thừa mà ta tích cóp. Theo cách này, nó không thể ngăn cản xu hướng chung trong xã hội chúng ta ngày nay, đó là tìm kiếm hạnh phúc từ những món đồ ta sở hữu.
Sắp xếp đồ đạc không thôi thúc chúng ta phải xem xét lại cuộc sống của mình. Dù sắp xếp lại đồ đạc có thể khiến ta phải xem xét từng món đồ mình có, nhưng việc này không buộc ta phải tự hỏi mình có cần giữ chúng nữa không. Thường thì ta chỉ nhét đồ đạc vào thùng, đóng nắp lại, rồi tiếp tục quên béng đi.
Sắp xếp đồ đạc không đặt nền tảng cho những thay đổi khác. Sắp xếp đồ đạc có thể giúp tâm trạng chúng ta tạm thời tốt hơn vì nó làm phòng ốc gọn gàng hơn, nhưng việc này hiếm khi tạo ra sự thay đổi thật sự trong lối sống. Trong tâm trí chúng ta, nhà mình vẫn là quá nhỏ, thu nhập của mình vẫn quá ít và thời gian luôn là không đủ. Có lẽ chúng ta chỉ đang sắp xếp lại đồ đạc, chứ không phải cuộc sống của mình.
Ngược lại, hành động bỏ bớt đồ đạc trong nhà có thể hoàn thành nhiều mục tiêu bị bỏ lỡ nói trên. Quá trình này thay đổi tâm hồn và cuộc sống của chúng ta. Hơn nữa, đây là giải pháp lâu dài chứ không phải là giải pháp tạm thời mà ta phải lặp đi lặp lại. Một khi chúng ta bỏ được món đồ nào, món đồ đó sẽ ra đi mãi mãi.
Dẫu sao thì sắp xếp lại đồ đạc vẫn tốt hơn là không làm gì. Nhưng tối giản hóa cuộc sống sẽ tốt hơn nhiều.
Lịch Sử Lên Tiếng
Tìm kiếm cuộc sống mình mong muốn không có nghĩa là phải từ bỏ tất cả đồ đạc, cũng không phải là giữ rịt lấy mọi món đồ và chỉ cố gắng sắp xếp để chúng trông ổn hơn. Thay vào đó, chúng ta cần giảm lượng đồ đạc mình sở hữu xuống mức sao cho bản thân được tự do.
Tôi thấy thật thú vị khi các bậc tiền nhân thông thái và các bậc hiền giả trí tuệ cũng nhất trí về giá trị của lối sống này.
Khi vợ chồng tôi bắt đầu tinh giản đồ đạc trong nhà và bỏ đi những món đồ không cần thiết, tôi thường nói với vợ: “Thật là kỳ diệu. Thật tự do khi sở hữu ít đồ đạc hơn! Anh tự hỏi vì sao trước kia không ai nói cho anh biết điều này!”.
Nhưng không lâu sau đó tôi bắt đầu suy nghĩ lại. Có thật là chưa từng có ai nói cho tôi biết về lối sống tối giản không? Hay chỉ là do tôi không chịu lắng nghe?
Tôi bắt đầu nhớ lại những bài giảng mình từng nghe về mối nguy hại của chủ nghĩa vật chất đối với tâm hồn. Không chỉ vậy, trong suốt cuộc đời mình, tôi đã nhiều lần nghe nói đến những con người vượt qua được thử thách khi từ chối những điều hứa hẹn sáo rỗng của chủ nghĩa tiêu dùng để theo đuổi những giá trị cao hơn.
Tôi bắt đầu nghiên cứu và nhận thấy lối sống tối giản không phải một trào lưu mới. Dù có được gọi với cái tên lối sống tối giản hay không thì lối sống này cũng đã được thực hành và khuyến khích từ cả ngàn năm nay, rất lâu trước khi xã hội với nền sản xuất hàng hóa đại trà hiện nay được hình thành, trước khi quá trình đô thị hóa diễn ra hay thậm chí là trước cả cuộc Cách mạng Công nghiệp. Trong mọi điều kiện kinh tế, chủ nghĩa tối giản đều được xem là một lối sống mang lại nhiều lợi ích.
Ngày nay, chúng ta có thể nhắc đến một số nhân vật sống ở các thế kỷ trước vốn ủng hộ cho lối sống tối giản, như Henry David Thoreau và John Ruskin. Thậm chí tôi còn nghe người ta gọi họ là “cha đẻ của phong trào theo chủ nghĩa tối giản”. Nhưng chủ nghĩa tối giản đã xuất hiện trước họ từ rất lâu. Có thể đến ngày nay lối sống tối giản mới bắt đầu dần phổ biến, nhưng nó vốn không phải là một khái niệm mới.
Duane Elgin, người được biết đến là đã phổ biến cụm từ sự đơn giản tự nguyện, từng nói với tôi thế này: “Tôi nói với mọi người rằng mình là cháu-chắt-chút-chít của xu hướng này, một xu hướng đã bắt đầu từ mấy ngàn năm trước qua những lời giảng của Chúa Jesus, Đức Phật Thích Ca và các bậc hiền triết vĩ đại khác, những người hiểu được giá trị của sự đơn giản. Điểm mới ở đây không phải là giá trị của sự đơn giản mà là hoàn cảnh của thế giới nơi giá trị này được nhìn nhận và thấu hiểu”.
Sở hữu ít đi luôn đem lại tự do và sức sống mới cho cuộc sống, giúp người ta tràn đầy hy vọng và mục đích sống. Lối sống này giúp con người mở mang tâm hồn và sống một cuộc đời ý nghĩa hơn là chỉ làm những kẻ tích cóp đồ đạc và sở hữu tài sản. Và do vậy, chủ nghĩa tối giản không phải là một lối sống mới toanh vừa được tạo ra để ứng phó với tình trạng sản xuất hàng hóa tiêu dùng quá mức cần thiết. Hoàn toàn ngược lại mới đúng. Các bậc lãnh tụ tinh thần đáng tin cậy nhất của chúng ta đã truyền bá điều đó từ hàng thế kỷ nay.
Trong đó có cả người đã định hình thế giới quan của tôi: Chúa Jesus.
Chàng Thanh Niên Giàu Có Phản Đối Lối Sống Tối Giản
Trong những năm đầu khi Chúa Jesus đi truyền giáo, một viên quan trẻ tuổi đã lại gần Ngài và đặt ra một câu hỏi khó trả lời. Anh hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, con phải làm gì để xứng đáng được sống đời đời?”.
Lời đáp của Chúa Jesus khiến mọi người ngạc nhiên và sửng sốt. Ngài nói: “Hãy bán hết gia tài và phân phát cho kẻ nghèo. Con sẽ được của cải trên thiên đường. Sau đó hãy đến và đi theo ta”.
Người ghi chép lại cảnh này đã bình luận như sau: “Đây là điều mà viên quan không muốn nghe nhất. Anh ta rất giàu có, và khi nghe Chúa Jesus nói vậy, anh trở nên vô cùng buồn rầu. Anh ta giữ khư khư rất nhiều thứ và không muốn buông bỏ bất kỳ thứ gì”.
Như những gì tôi đã đề cập trong chương trước, sự duy linh đã định hình chủ nghĩa tối giản của tôi và cách tôi theo đuổi nó. Nhưng chủ nghĩa tối giản cũng giúp tôi nhìn nhận những bài giảng quan trọng mà tôi đã quen thuộc suốt nhiều năm dưới một góc độ mới. Ví dụ như câu chuyện này.
Bạn thấy đó, tôi từng đọc lời giảng của Chúa Jesus về việc cho đi tài sản và tiền bạc, rồi tôi nghĩ, Nghe cứ như phương pháp để sống trong nghèo khổ vậy. Đó thật sự là ý Chúa sao? Trong một thế giới thường định nghĩa hạnh phúc bằng lượng đồ đạc ta tích cóp được, lời dạy của Chúa Jesus chẳng hợp lý gì cả. Vào những ngày tâm trạng tốt, tôi sẽ lý giải thêm thế này: Có lẽ nếu mình hy sinh những của cải ở trần gian này thì mai sau mình sẽ nhận được phần thưởng trên thiên đàng. Đây hẳn là sự đánh đổi mà Chúa Jesus nói tới.
Nhưng suy nghĩ đó không đúng với những lời dạy khác của Chúa. Chẳng hạn, có lần Chúa Jesus từng khẳng định: “Ta đã đến hầu cho [con] có được… cuộc sống đúng nghĩa, một cuộc sống tốt đẹp hơn [con] từng mơ”. Chúa Jesus luôn dạy chúng ta nỗ lực hết mình mỗi ngày trên trần thế cũng như ở cõi vĩnh hằng.
Tuy nhiên, khi tôi và gia đình bắt đầu tối giản hóa đồ đạc của mình và được trải nghiệm toàn bộ các lợi ích nêu trên, tôi bắt đầu nghiệm ra ý nghĩa mới của những lời Chúa Jesus nói với viên quan trẻ tuổi giàu có kia. Chúa Jesus muốn nói: “Hãy bán hết gia sản của con và phân phát cho kẻ nghèo, bởi vì đối với con, đồ đạc chỉ là gánh nặng không cần thiết! Chúng đang ngăn không cho con được hưởng cuộc sống dư dả đời đời mà con đang hỏi ta. Hãy sở hữu ít lại. Đồ đạc của con đang ngăn con trở thành con người mà con mong muốn”.
Lời dạy của Chúa Jesus không hẳn là bài kiểm tra niềm tin của viên quan trẻ tuổi, cũng không phải là lời kêu gọi con người phải hy sinh, hay một lời trần thuật sự thật. Đó là lời mời gọi đến với lối sống tốt đẹp hơn. Tài sản của chàng thanh niên ấy đang ngăn anh có được cuộc sống đúng nghĩa.
Đây là một chân lý mà ai cũng có thể đón nhận, dù họ theo tôn giáo nào đi nữa. Tôi sẽ kể về cô bạn Annette của mình để bạn có thể hiểu rõ hơn.
Người “Sống Ở Đâu Cũng Được”
Annette Gartland là một nhà báo tự do người Ireland, hoạt động chủ yếu ở Đông Nam Á. Cô dành phần lớn thời gian ở Malaysia, thường xuyên đến Australia và Indonesia, đến Ấn Độ những khi có thể, ghé Ireland và Pháp mỗi năm một lần, và lịch trình tương lai của cô còn nhiều quốc gia khác nữa.
Cô nói chính chủ nghĩa tối giản đã giúp cô có khả năng làm được những điều đó. Annette không có nhà ở cố định và xe ô-tô. Cô đã làm việc qua mạng và sống du cư từ tháng Một năm 2013, khi quyết định rời khỏi nước Pháp. Cô tự gọi mình là người “sống ở đâu cũng được”.
Cô chia sẻ: “Sau khi mất một hợp đồng làm việc quan trọng vào năm 2009, mình nhận được một ít tiền bồi thường và quyết định đi du lịch. Thật tuyệt khi được đi đây đi đó chỉ với vài túi hành lý gọn nhẹ. Mình xa nhà khoảng ba, bốn tháng, và mỗi lần quay về mình lại bức bối với mớ đồ đạc trong nhà, tiền thuê nhà, hóa đơn điện nước và chi phí dành cho chiếc ô-tô”.
Đó là lúc cô quyết định cắt giảm đồ đạc mình sở hữu đến mức tối thiểu và bắt đầu cuộc sống du cư đúng nghĩa.
Annette mất ba tháng làm việc gần như liên tục để dọn sạch mớ đồ đạc mà cô đã tích cóp trong nhà (Tôi chưa bao giờ nói việc theo đuổi lối sống tối giản là nhanh chóng hay dễ dàng). Cô đem cho phần lớn đồ đạc của mình, chỉ bán một số món đồ công nghệ cao, vài món đồ nội thất và trang phục.
Như bạn có thể đoán được, Annette nhận thấy một số món đồ khó bỏ đi hơn những món khác. “Mình vẫn giữ lại vài đôi giày cất trong hộp, kha khá sách vở và tài liệu. Sống tối giản không có nghĩa là bỏ tất cả, mà là chỉ giữ lại những gì ta thật sự cần. Và dọn dẹp là cả một quá trình; chắc chắn nó sẽ mất thời gian.”
Thêm vào đó, duy trì lối sống tối giản là một thách thức hàng ngày đối với Annette. Đồ đạc tích lũy rất nhanh. “Khi tham dự sự kiện với tư cách phóng viên, mình thường được tặng áo thun, đĩa DVD hoặc sách. Mình còn nhận được lịch và đủ thứ đồ lưu niệm khác.” Đôi khi Annette có thể chuyển giao những món đồ không mong muốn đó cho người khác ngay lúc đó, nhưng đôi khi cô phải nhét chúng vào một chiếc túi mà cô sẽ phân loại khi nào có thể.
Tình trạng thường đi xa đòi hỏi Annette phải sắp xếp nhiều thứ, vì cô cần quyết định đem theo thứ gì trong chuyến đi, nhưng cô cũng thấy được mặt tích cực của việc này. “Việc phân loại đồ đạc thường xuyên đem lại lợi ích to lớn. Mình biết rõ mọi thứ mình có và buộc phải thành thật thừa nhận xem mình có cần chúng hay không.”
Annette ở khách sạn hoặc thuê tạm một căn hộ ở chung với người khác, đôi khi cô nhận trông nhà cho những người phải vắng nhà trong một thời gian. Theo lời của cô, một trong những lợi ích chính của lối sống này là có thời gian và năng lượng để phát triển website tin tức môi trường của riêng cô, trang web có tên Changing Times.
Cô bày tỏ, “Mình thấy bạn bè phải dành nhiều thời gian và tiền bạc để chăm sóc những ngôi nhà và khu vườn khổng lồ, cũng như phải xoay xở để đáp ứng lối sống đắt đỏ của họ, và mình vui vì mình có thể tập trung viết những gì mình muốn viết. Mình cũng thích được đi bất cứ nơi đâu mình thích mà không vướng bận gì”.
Tôi hiểu lối sống tối giản ưa thích của bạn có thể khác với Annette. Thật ra, mỗi lối sống sẽ có một chủ nghĩa tối giản riêng. Trong chương sau, chúng ta sẽ tìm hiểu chủ đề này: Làm thế nào để sống tối giản một cách tự nhiên và phù hợp với bản thân.
Nhưng dù trong trường hợp nào đi nữa, chủ nghĩa tối giản cũng sẽ cho bạn tự do để có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó chẳng phải là mong muốn của bạn hay sao?
Bất kể bạn từng hiểu sai như thế nào về lối sống tối giản thì giờ đây bạn đã được biết sự thật về lối sống này rồi đấy. Sống tối giản nghĩa là có ý thức trân trọng những gì quan trọng nhất đối với chúng ta nhiều hơn và bỏ đi những gì khiến ta xao nhãng những điều quan trọng đó. Đây là lối sống dành cho tất cả những ai muốn có ít đi nhưng được nhiều hơn.