3
Sống Tối Giản Theo Cách Của Bạn
Khi mới tìm hiểu về lối sống tối giản, tôi nhanh chóng khám phá được hai điều. Thứ nhất, có rất nhiều người đang theo đuổi chủ nghĩa tối giản, vượt xa những gì tôi hình dung. Lối sống này là một xu hướng bền bỉ đang diễn ra trên khắp thế giới, mặc dù diễn biến này khá âm thầm. Thứ hai, những người theo đuổi lối sống tối giản mà tôi biết đang thực hành lối sống này theo nhiều cách khác nhau.
Trong thời gian làm việc tại một trường đại học ở San Diego, Dave Bruno đã giới hạn số lượng đồ đạc của mình là một trăm món. Tạp chí Newsweek đã đưa tin về chuyện này, và “Thử thách 100 món đồ của Dave” đã trở thành một trào lưu lan rộng trong cộng đồng sống tối giản, từ đó phát sinh nhiều thử thách còn ngặt nghèo và gắt gao hơn (chẳng hạn như chỉ sở hữu 75, 50 hay thậm chí là 12 món đồ).
Colin Wright đã xếp toàn bộ đồ đạc của mình vào một chiếc ba lô và chuyển đến sống tại một quốc gia khác, cứ mỗi bốn tháng một lần anh lại chuyển đến một quốc gia mới. Để làm cho lối sống này thêm phần thú vị, anh còn mời các độc giả trên trang web của mình bình chọn quốc gia tiếp theo mà họ muốn anh đến.
Tammy Strobel sống cùng chồng và chú mèo của mình trong một căn nhà có diện tích chỉ gần mười hai mét vuông tại Portland. Trước đó, gia đình Strobel đã tích một món nợ lên đến ba mươi ngàn đô-la, và họ tìm đến lối sống tối giản nhằm khắc phục chuyện đó. Nhưng họ trở nên yêu thích cuộc sống tối giản đến mức sau khi trả hết nợ rồi họ vẫn tiếp tục sống trong Căn nhà Tí hon của mình và trở thành đại sứ cho loại hình nhà ở này.
Leo Babauta là một người theo đuổi lối sống tối giản. Anh có sáu đứa con và cả nhà anh vừa chuyển từ đảo Guam đến San Francisco với chỉ một va-li hành lý cho mỗi người. Leo khẳng định rằng chính lối sống tối giản đã giúp anh giảm cân, thoát cảnh nợ nần, cai thuốc lá và bỏ được công việc mà mình không thể chịu đựng nổi.
Bên cạnh đó còn có Francine Jay, Everett Bogue, Karen Kingston, Adam Baker và nhiều người khác nữa đã góp phần định hình cho hành trình đến với lối sống tối giản của tôi vào thuở ban đầu.
Mỗi người họ, cùng rất nhiều người khác nữa, đều đang ngợi ca lối sống mới này. Tôi đọc những câu chuyện của họ gần như mỗi ngày để tìm nguồn cảm hứng cho mình. Và tôi cũng đã thấy rõ họ đều đang hoàn thành các mục tiêu của mình bằng nhiều cách thức khác nhau.
Sau đó tôi đã thực hiện một việc mang tính bước ngoặt, đó là áp dụng quan niệm sống này cho bản thân.
Dù có nhiều tấm gương để noi theo nhưng vợ chồng tôi không áp dụng chủ nghĩa tối giản vào cuộc sống của mình theo một cách thức nhất định nào. Không có công thức, cũng không có chuẩn mực nào mà chúng tôi cần phải tuân theo. Chúng tôi được tự do thực hành lối sống tối giản của riêng mình theo bất cứ cách nào phù hợp với bản thân. Thật là nhẹ nhõm!
Có thể bạn cũng cảm thấy nhẹ nhõm khi nhận ra mình không cần lo nghĩ tới kỳ vọng của người khác về cách bạn theo đuổi lối sống tối giản. Có lẽ bạn từng ngại áp dụng chủ nghĩa tối giản vào cuộc sống của mình vì sợ rằng lối sống này sẽ buộc bạn làm những việc bạn không muốn. Giờ đây bạn đã biết đó là một nỗi sợ thừa thãi rồi đấy.
Cuộc sống xê dịch và không có nơi ở cố định là một cuộc sống phù hợp với Annette Gartland (trong Chương 2) và Colin Wright. Nhưng nếu đó không phải là ước mơ của bạn thì cũng không sao cả.
Nếu bạn cảm thấy con số lý tưởng cho lượng đồ đạc thiết yếu của mình nhiều hơn một trăm thì cũng không sao!
Nếu ý tưởng sống trong một căn nhà tí hon không phù hợp với mục tiêu sống của bạn thì có sao đâu!
Tôi có thể đảm bảo với bạn rằng bạn hoàn toàn có thể, mà thật ra là nên, tìm con đường riêng đến với lối sống tối giản. Điều đó không có nghĩa là bạn sẽ không tạo ra được những thay đổi đáng kể trong cuộc sống của mình. Chắc chắn bạn cần dọn dẹp hàng đống đồ đạc bừa bộn để mở đường cho bản thân. Một cú hích mạnh mẽ đang chờ bạn phía trước, và đó là cú hích mà bạn cần, chứ không phải dành cho bất kỳ ai khác. Bạn sẽ mừng khi đón nhận điều đó.
Bạn không chỉ được tự do định hình cách tiếp cận chủ nghĩa tối giản dựa trên những quy chiếu về các giá trị và điều kiện riêng của mình. Quan trọng hơn, trong chương này, tôi muốn khuyến khích bạn định hình lối sống tối giản của mình dựa trên các mục tiêu riêng. Hãy xác định cuộc sống mình hướng đến một cách cụ thể nhất có thể, sau đó hãy theo đuổi lối sống tối giản giúp bạn có được cuộc sống đó.
Bất kể bạn làm gì thì cũng đừng có những suy nghĩ cứng nhắc về lối sống tối giản. Chúng ta rất dễ trở nên cố chấp và giáo điều, nhưng việc tập trung vào mục tiêu sẽ giúp chúng ta không rơi vào cái bẫy này.
Từ Bỏ Sở Hữu: Còn Tùy
Trong chương trước, chúng ta đã đọc câu chuyện về một viên quan trẻ tuổi, giàu có đến gặp Jesus và hỏi về cuộc sống vĩnh hằng. Jesus khuyên anh bán hết những thứ anh đang sở hữu, phân phát số tiền thu được cho người nghèo và đi theo Ngài.
Tôi biết rất nhiều tín đồ Cơ Đốc giáo đã đọc và cố gắng lý giải câu chuyện này theo hướng “Thật ra Jesus không có ý bảo anh thanh niên kia cho đi hết tài sản của anh ta đâu”. (Tôi cũng từng nghĩ như vậy.) Chúng ta bám víu quá nhiều vào tiền bạc và tài sản của mình đến mức chỉ nghĩ đến việc phải sống thiếu chúng thôi là ta đã phát khiếp.
Mặt khác, đã có một số tín đồ Cơ Đốc giáo (tôi phải thừa nhận là con số này ít hơn rất nhiều) đọc câu chuyện nói trên và cố gắng bắt chước một cách triệt để, quá đà. Họ nghĩ con người nên từ bỏ hết của cải vật chất mình sở hữu để có thể thành tâm với Chúa. Họ cho rằng chỉ có cuộc sống không có của cải, tài sản và thậm chí là không có nhà cửa nữa thì mới đúng là một cuộc sống đức hạnh.
Né tránh làm theo lời Chúa hay làm theo một cách triệt để, hai thái cực này đều là sai lầm. Trên thực tế, quá trình thực hành lối sống tối giản đã giúp tôi hiểu Chúa Jesus hoàn to àn không có ý nói rằng tất cả chúng ta phải nhìn nhận về vấn đề tài sản rập khuôn như nhau.
Hãy để tôi kể cho bạn một sự kiện khác trong cuộc đời của Chúa Jesus để lý giải luận điểm này.
Trên đường truyền giáo, Jesus đã đi đến vùng Gerasa và gặp một người bị tra tấn về mặt tinh thần, một người đàn ông bị quỷ ám. Cư dân trong vùng rất sợ ông nên họ cố trói ông lại, nhưng với sức mạnh kinh người, ông luôn vùng ra được. Vì không được người sống chào đón, ông phải sống chui rúc giữa những nấm mồ nơi nghĩa trang. Thỉnh thoảng người ta nghe thấy tiếng than khóc của ông vang vọng khắp xóm làng. Ông thường dùng đá để tự rạch lên cơ thể mình. Một con người đáng sợ và đáng buồn.
Người đàn ông ấy tìm đến Jesus, và Ngài đã động lòng trắc ẩn với ông, như Ngài đã từng với viên quan trẻ tuổi giàu có. Jesus đã trục xuất lũ quỷ ra khỏi người đàn ông ấy. Bạn có thể tưởng tượng ông ấy vui mừng và biết ơn Chúa đến nhường nào. Ông ấy lập tức cảm nhận được sự bình yên. Jesus còn tìm cho ông một bộ quần áo lành lặn để che thân nữa.
Không lâu sau đó, Jesus phải đi. Người đàn ông vừa được chữa lành không muốn rời xa Jesus quá sớm. Mười hai tông đồ có thể đồng hành cùng Jesus, tại sao ông ấy lại không thể? Khi Jesus lên thuyền, người đàn ông từng bị quỷ ám van xin được theo cùng.
Đây chính là phản ứng Jesus muốn thấy ở viên quan trẻ tuổi giàu có! Jesus đã bảo viên quan bán hết tài sản và đi theo Ngài. Và khi đọc sách Phúc Âm, ta thấy Chúa Jesus thường kêu gọi mọi người bỏ lại tất cả và đi theo Ngài. Vậy có phải bạn nghĩ Jesus cũng nói với người đàn ông đến từ Gerasa rằng: “Đương nhiên là được, hãy lên thuyền đi. Ta có thể cần đến sự hỗ trợ của con trên hành trình này”?
Nhưng bất ngờ là Jesus đã có câu trả lời rất khác: “Hãy về nhà với người thân của con. Hãy kể họ nghe câu chuyện của con, về những gì Thầy đã làm, về lòng từ bi Thầy dành cho con”.
Sự tương phản này rất quan trọng:
Trong câu chuyện về viên quan trẻ tuổi giàu có, Chúa Jesus nói: “Hãy bán hết gia tài và phân phát số tiền thu được cho người nghèo. Sau đó hãy đi theo ta”.
Trong câu chuyện về người đàn ông vô gia cư ở Gerasa, Chúa Jesus cho ông một bộ quần áo mới rồi nói: “Hãy về nhà với người thân. Hãy kể họ nghe câu chuyện của con”.
Tại sao Chúa bảo người đàn ông thứ hai giữ lấy ngôi nhà, nhưng lại bảo viên quan giàu có và những người khác phải bán hết mọi thứ?
Câu trả lời là đây: vì họ cần thực hiện những vai trò khác nhau. Họ được sinh ra vì những mục đích riêng biệt.
Ngày nay, chúng ta có thể thấy trong cộng đồng tín đồ Cơ Đốc giáo cũng có những lời mời gọi có tính đa dạng tương tự như vậy.
Có vẻ Chúa vẫn kêu gọi một số tín đồ hãy từ bỏ tất cả. Tôi nghĩ đến Mẹ Teresa ở Calcutta, tu sĩ thời hiện đại Shane Claiborne ở Philadelphia, Jan và Ellen Smit - những người đã rời khỏi ngôi nhà của mình để mở một viện mồ côi dành cho con gái của của các nữ tù nhân ở Thái Lan. Tất cả những người này đều được truyền động lực từ tình yêu dành cho Thiên Chúa.
Nhưng có vô số người khác lại được nhận được lời kêu gọi khác. Họ được mời gọi trở thành nông dân, nhà hoạt động xã hội, tác giả, luật sư hoặc giáo viên. Họ không được thúc giục để từ bỏ nhà cửa vì cớ Phúc Âm. Ngược lại, Thiên Chúa bảo họ hãy quay về nhà, giống như người đàn ông ở Gerasa.
Nếu thuộc trường hợp thứ hai, vậy chúng ta có nên tậu căn nhà lớn nhất có thể theo lời của công ty môi giới nhà đất và nhồi nhét đồ đạc vào các ngăn tủ đến mức chật cứng hay không? Đương nhiên là không. Sự thật vẫn nằm trong những lời Chúa nói với viên quan trẻ tuổi giàu có: tài sản và đồ đạc thừa mứa ngăn chúng ta hoàn thành mục tiêu trong cuộc sống của mình. Và chắc chắn ta được sinh ra vì những lý do quan trọng hơn thế!
Thay vì dành thời gian và tâm sức cho đồ đạc, tài sản, ta ấp ủ những mộng ước lớn lao về cuộc đời mình. Ta tìm kiếm mục đích tốt đẹp nhất mà ta có thể dùng cuộc đời này, cuộc đời mà ta được ban tặng để hoàn thành. Ta giải mã để xem mình cần gì để hoàn thành vai trò này (một người nông dân sẽ có nhu cầu vật chất khác với một giáo viên). Và rồi chúng ta không để bất cứ điều gì ngăn mình thực hiện được mục đích sống.
Tôi phải nhắc lại là dù có quan điểm như thế nào về tín ngưỡng, tôn giáo thì bạn cũng có ước mơ, có những đam mê mà bạn muốn thực hiện. Đó là lý do việc sở hữu ít đi lại quan trọng đến vậy đối với tất cả chúng ta. Sở hữu ít đi có thể giúp ta làm công việc phù hợp với bản thân, bất kể công việc đó là gì.
Nếu cần, ta có thể nhanh chóng tìm hiểu được công việc đó có hợp với mình hay không.
Đánh Giá Thực Tế Để Giải Quyết Vấn Đề
Một số người biết rõ mục đích hay mục tiêu của đời mình là gì. Đối với họ, định hình lối sống tối giản của riêng mình là việc tương đối dễ dàng. Họ chỉ cần tìm một lối sống tối giản có thể hướng đến con đường ngắn nhất để đi từ cuộc sống hiện tại đến cuộc sống mà họ mong muốn.
Những người khác, và tôi tin đây mới là số đông, không thấy rõ mục tiêu trong cuộc sống của mình. Có thể họ có vài ý niệm mơ hồ về những gì mình mong muốn trong cuộc sống, nhưng bức tranh trong tâm trí họ giống như tấm phong nền chỉ mới được sơn vẽ một phần. Họ không hài lòng với thói chi tiêu và tích trữ đồ đạc quá đà của mình, họ muốn thay đổi nhưng lại không thể nhìn ra con đường đến với lối sống tối giản, ít ra trong giai đoạn đầu là thế.
Tôi thuộc dạng thứ hai. Có lẽ bạn cũng vậy. Nếu bạn đã dành cả đời để theo đuổi những điều không quan trọng thì bạn sẽ khó nhận ra những điều thật sự quan trọng với mình.
Dù vậy, tôi vẫn muốn khuyến khích bạn bắt đầu quá trình sống tối giản. Chắc chắn bạn có một số đồ đạc dư thừa mà bạn muốn bỏ bớt bằng mọi giá. Khi bạn bắt tay vào thực hiện điều đó, quá trình tối giản hóa đồ đạc sẽ giúp định hình viễn cảnh tương lai của bạn. Sau đó, bạn sẽ ngày càng mở rộng tầm nhìn về những điều mình muốn, và điều này sẽ tiếp tục định hình lối sống tối giản của bạn.
Tôi nghĩ bạn sẽ tự hỏi những câu như thế này: Mình có thật sự cần thứ này không? Nếu có thì vì sao, nếu không thì vì sao? Mình dựa vào nguyên tắc nào để quyết định giữ hay không giữ thứ gì đó? Mục tiêu của mình là gì?
Đây không chỉ đơn giản là quá trình đi từ mục tiêu đến thực tiễn được thực hiện theo kiểu phân tích, suy diễn, cũng không hẳn là quá trình nhận ra cách sở hữu ít đồ đạc lại theo kiểu tổng hợp, quy nạp. Quá trình này dung hòa cả hai hướng đó. Bạn xác định mục tiêu của mình, đồng thời thiết lập một lối sống mới gọn gàng hơn.
Sau khi bà June hàng xóm nói rằng tôi thật sự “không cần giữ hết mấy thứ đó”, tôi và Kim bắt đầu bỏ bớt một số đồ đạc của mình. Nhưng việc này buộc chúng tôi phải đối mặt với rất nhiều câu hỏi.
Ví dụ, một trong những thứ làm nhà xe của chúng tôi bừa bộn là bộ gậy đánh gôn. Tôi hiếm khi dùng đến chúng. Sau này liệu tôi có chơi gôn nhiều hay không? Nếu không, liệu tôi có thật sự cần giữ một bộ gậy đánh gôn trong nhà không? Tôi quyết định chơi gôn không phải là mối ưu tiên của mình, thế nên tôi đã bỏ đi bộ gậy đó.
Nhưng chúng tôi còn có một chiếc bàn ăn đủ lớn cho tám người, cùng với bộ chén dĩa đủ cho chừng đó người, trong khi gia đình tôi chỉ có bốn người thôi. Chúng tôi có nên kiếm một chiếc bàn nhỏ hơn và cho bớt một nửa số bộ chén dĩa không? Lúc này, tôi và Kim quyết định sẽ không thay đổi gì hết. Chúng tôi thường có khách ghé chơi, chúng tôi cũng hay mời những thành viên trong nhà thờ về nhà dùng bữa, cho nên việc sắp xếp chỗ ngồi và chiêu đãi khách khứa trên bàn ăn là rất quan trọng. Trong trường hợp này, nguyên tắc hiếu khách đã định hình lối sống tối giản đặc thù của vợ chồng tôi.
Theo cách này, việc tối giản hóa cuộc sống đã trở thành quá trình giải quyết vấn đề thông qua đánh giá tình hình thực tế đối với chúng tôi. Tức là, chúng tôi học qua trải nghiệm thực tế. Tôi khuyến nghị mọi người nên áp dụng cách thức tương tự.
Hãy bắt đầu cắt giảm và tinh gọn lượng đồ đạc của mình ngay từ bây giờ. Điều này sẽ giúp bạn xác định được mục tiêu và các giá trị của mình. Ví dụ, bạn có thể ngày càng thấy rõ là mình muốn bớt thời gian sắp xếp, bảo quản mớ đồ đạc để có thể ở bên gia đình và bạn bè nhiều hơn. Hoặc là một khi bắt đầu bớt mua sắm, bạn bỗng nhiên có thể thay đổi con đường sự nghiệp của mình. Hoặc có thể bạn sẽ nhận ra mình muốn thoát khỏi nợ nần để nghỉ hưu sớm hơn, có tiền đi du lịch hoặc ủng hộ cho những vấn đề bạn quan tâm.
Những lợi ích này cũng là duy nhất như chính bản thân bạn vậy. Bạn sẽ tìm được con đường của mình. Chỉ bạn mới có thể làm điều đó, và bạn sẽ thấy được đích đến khi bắt đầu hành trình.
Hãy hỏi hai người bạn Dave và Sheryl Balthrop của tôi mà xem.
Chuyến Đi
Mùa xuân năm 2013, Dave và Sheryl bắt đầu một hành trình dài ngày trên chiếc SUV màu xám, xuất phát từ quê nhà ở Eugene, Oregon, đi dọc theo bờ biển tươi đẹp ở miền Nam Oregon và California, đến tận Santa Barbara. Đối với đôi vợ chồng cuối cùng cũng thoát khỏi công việc và được tận hưởng khoảng thời gian tự do mới khi không còn phải chăm lo cho các con, chuyến đi này còn hơn cả một cơ hội để thư giãn và gắn kết với nhau. Đây còn là dịp để tập trung vào một điều mà họ đã nghĩ đến từ lâu: đơn giản hóa cuộc sống của mình. Khi cảnh tượng mặt biển Thái Bình Dương lấp lánh, những cánh rừng rậm và đồi cỏ xanh rì lướt qua cửa sổ xe, hai vợ chồng mở chương trình podcast (chương trình phát thanh kỹ thuật số) và nghe những người theo đuổi lối sống tối giản nói về giá trị của việc sở hữu ít đi.
Đây chính là quá trình biến đổi cuộc sống.
Trên hành trình này, vợ chồng Balthrop chuyển từ tò mò tìm hiểu sang hết lòng với công cuộc tối giản hóa.
Đôi vợ chồng bận rộn này rất cần một sự thay đổi. Dave là cố vấn cho người khuyết tật, còn Sheryl là luật sư. Cả hai đều may mắn có sức khỏe tốt, sự nghiệp nhiều triển vọng và một gia đình đầm ấm. Nhưng có lúc họ đã cảm thấy ngày càng xa rời mục tiêu trong cuộc sống của mình. Họ không bao giờ có đủ thời gian hay tiền bạc.
Giống hầu hết các bậc phụ huynh khác, họ cố gắng đem lại cho các con cuộc sống tốt đẹp nhất có thể, theo cách nhìn nhận của họ. Họ mua một căn nhà trong mơ, một căn nhà xây theo phong cách thuộc địa tại Eugene, và nhiều lần vay mượn để khiến căn nhà có được vẻ xa hoa của tầng lớp thượng-trung-lưu. Nhưng khi các con bắt đầu tốt nghiệp trung học và rời khỏi tổ ấm, cảm giác có điều gì đó không đúng ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ trong họ. Tuy có nguồn lực tài chính đầy đủ nhưng họ ngày càng khó tìm được thời gian để tận hưởng cuộc sống gia đình, lập kế hoạch cho tương lai và chăm sóc sức khỏe bản thân.
Khi nghe chương trình podcast về lối sống tối giản, hai vợ chồng mới nhận ra sự mất kết nối giữa những mối ưu tiên cũng như cách mà họ đã sử dụng thời gian và các nguồn lực. Sheryl chia sẻ: “Chúng tôi nhận ra mình đang liên tục trì hoãn những điều quan trọng nhất đối với bản thân, đó là dành thời gian bên gia đình, trao yêu thương, bồi đắp đức tin, chăm sóc sức khỏe và dành dụm đủ tiền để gửi tiết kiệm và dưỡng già. Chúng tôi đã hy sinh hết thảy chỉ để giữ căn nhà và vẻ ngoài của mình. Chúng tôi đã ngạc nhiên nhận ra mình dành nhiều thời gian để chọn trường kỹ hơn là chăm lo cho sức khỏe của bản thân”.
Họ quyết tâm hành động và đơn giản hóa cuộc sống. Họ bán và đem cho phần lớn đồ đạc của mình. Sau đó họ chuyển đến một căn nhà nhỏ hơn nhiều, nằm ngay bên kia đường.
Kết quả thế nào? Sau khi tinh gọn đồ đạc, Dave và Sheryl hiện đang rất hân hoan với một cuộc sống mới ít bị phân tâm hơn. Cuối cùng họ cũng có thể ưu tiên cho những điều quan trọng nhất trong đời mình: gia đình, đức tin và sự bình yên trong tâm trí.
Nhưng câu chuyện của họ không dừng lại ở đó. Bạn thấy đấy, nhờ thoát khỏi gánh nặng của những đồ đạc không cần thiết, niềm đam mê mới bắt đầu xuất hiện trong cuộc sống của Dave và Sheryl. Dave phát hiện ra tình yêu dành cho việc viết lách. Sheryl nhận ra mình quan tâm đến các gia đình cần được giúp đỡ, dần dần cô từ một luật sư tố tụng chuyển sang hòa giải. Cả hai vợ chồng càng thêm quyết tâm tạo dựng cho các con một gia tài có quy mô không chỉ gói gọn trong phạm vi căn nhà của họ.
Vợ chồng Balthrop bị lối sống tối giản thu hút vì họ nhận thấy lối sống hiện tại không phù hợp với các giá trị của mình. Trong quá trình thực hành lối sống tối giản, họ đã tạo ra khoảng trống để khám phá những đam mê mà họ còn không biết là mình có.
Mục Đích Của Bạn, Lựa Chọn Của Bạn
Trong Chương 1, tôi có đề cập lợi ích sau cùng của lối sống tối giản là cho phép bạn thỏa mãn những đam mê cháy bỏng nhất của mình. Nhưng giờ đây chúng ta nhận thấy rằng lối sống này còn mang lại nhiều lợi ích khác nữa, vì nó thật sự có thể tiết lộ, hoặc ít ra thì cũng làm rõ xem những đam mê ấy là gì.
Hãy quyết tâm và bắt tay vào việc thôi. Hãy để lối sống tối giản làm rõ mục tiêu và các giá trị của bạn, rồi để mục tiêu và các giá trị này định hình sự diễn giải của cá nhân bạn về lối sống tối giản.
Nhớ lại xem nào, mục tiêu của chủ nghĩa tối giản không chỉ là sở hữu ít đồ đạc hơn. Mục tiêu của chủ nghĩa tối giản là xóa bỏ gánh nặng trong cuộc sống, để ta có thể đạt được nhiều thành tựu hơn.
Cuối cùng, cách áp dụng chủ nghĩa tối giản vào cuộc sống của bạn sẽ khác với mọi người, vì cuộc sống của bạn đâu có giống cuộc sống của người khác. Có thể bạn có một gia đình nhỏ, hay một gia đình lớn, hoặc là bạn không có gia đình. Có thể bạn sống trong nông trại, trong một căn nhà hoặc một căn hộ cho người độc thân. Bạn thích âm nhạc, phim ảnh, thể thao hoặc sách. Bạn thích sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật, hoặc cũng có thể là không. Có thể bạn tin mình được sinh ra trên cõi đời này để tổ chức những buổi tiệc tối tuyệt vời, hoặc để biến căn nhà của mình thành chốn nghỉ ngơi cho người khác.
Hãy dốc lòng theo đuổi đam mê của mình với nguồn lực hiện có. Hãy hoàn thành mục đích sống của mình với sự tập trung cao độ bằng cách loại bỏ các mối phiền nhiễu đang cản trở bạn. Và hãy tìm một lối sống tối giản hiệu quả với bản thân, sao cho khi thực hiện nó, bạn cảm thấy được tự do chứ không phải nặng nề.
Hãy nhớ là lối sống tối giản của riêng bạn sẽ không hình thành sau một đêm. Bạn cần thời gian để khám phá nó. Nó sẽ phát triển, thậm chí là có nhiều thay đổi khi cuộc sống của bạn thay đổi. Nó sẽ đòi hỏi bạn phải biết cho và nhận. Trong quá trình này, bạn sẽ mắc phải vài sai lầm. Vì vậy, hành trình đến với lối sống tối giản cũng sẽ cần đến sự khiêm nhường.
Nhưng trên hết, bạn sẽ loại bỏ được những thứ không cần thiết khỏi cuộc sống của mình. Và khi làm vậy, bạn sẽ có thêm không gian dành cho những điều thật sự quan trọng.
Tạo Ra Lối Sống Tối Giản Của Riêng Mình
Mark Twain từng nói: “Hai ngày quan trọng nhất đời ta là ngày ta chào đời và ngày ta biết vì sao mình có mặt trên đời”. Tôi sẽ thêm ngày thứ ba: ngày ta vứt đi bất cứ thứ gây phiền nhiễu nào và quyết định dốc toàn lực theo đuổi mục đích sống của mình.
Khi bạn đã đặc thù hóa lối sống tối giản cho riêng mình, bạn sẽ dễ thực hành hơn. Bạn sẽ thấy việc thực hành lối sống tối giản thoải mái hơn. Khả năng duy trì lối sống tối giản của bạn cũng cao hơn. Bạn được tự do thể hiện bản thân và trở thành con người mình hằng mong muốn.
Vậy chính xác thì bạn đạt được những điều này bằng cách nào?
Nếu bạn muốn làm rõ những mục tiêu trong đời mình, lời khuyên của tôi là hãy bắt đầu bằng cách tự vấn bản thân. Hãy hiểu rõ tài năng, năng lực và điểm yếu của mình, cũng như những chuyện khiến bạn sôi máu. Để làm được việc này dễ dàng, hãy kiếm một tờ giấy và viết câu trả lời của bạn cho các câu hỏi sau:
Những trải nghiệm nào, dù tốt hay xấu, đã định hình cuộc sống của bạn?
Bạn thấy những thành tựu đáng chú ý nhất của mình có điểm gì tương đồng với nhau?
Bạn tha thiết muốn giải quyết những vấn đề nào trong thế giới này?
Nếu tiền bạc không phải là vấn đề, bạn có hứng thú với ngành nghề nào nhất?
Trong đời mình, những ước mơ nào khiến bạn nuối tiếc nhất vì đã không cố gắng hết sức để theo đuổi?
Di sản trường tồn mà bạn muốn để lại là gì?
Ai là người bạn ngưỡng mộ nhất? Bạn muốn học theo những nét tính cách nào của người đó?
Hãy tiếp tục xác định đam mê của bạn khi đọc quyển sách này. Những chương sau sẽ càng nhấn mạnh vào ước mơ lớn của đời bạn, và đỉnh điểm sẽ nằm ở chương cuối.
Nhưng bây giờ, hãy bắt đầu từ việc biết rằng bạn không sinh ra trên đời để sống cuộc đời của ai khác. Bạn sinh ra để sống cuộc đời của mình. Vậy nên, hôm nay bạn hãy quyết tâm trở thành phiên bản tuyệt vời nhất của bản thân bằng cách xác định phương pháp tiếp cận chủ nghĩa tối giản hiệu quả nhất đối với mình.
Tôi sẽ cung cấp cho bạn những đề xuất thực tế về các cách thực hiện phương pháp tiếp cận chủ nghĩa tối giản của riêng bạn, bắt đầu từ Chương 6. Nhưng trước đó, chúng ta phải thành thật về những áp lực mà mình phải đương đầu: “sự lôi kéo” từ bên ngoài của sự tuyên truyền ủng hộ cho chủ nghĩa tiêu dùng (Chương 4) và “lực đẩy” từ bên trong của lòng tham vật chất (Chương 5).