Mỉa mai thay, kỷ luật lại là thứ mang đến cho chúng ta nhiều tự do nhất – trong công việc, vui chơi và trong tình yêu. Kỷ luật sẽ giải phóng những lời dằn vặt không ngừng luẩn quẩn trong tâm trí, những nỗ sợ hãi trước mọi hào nhoáng bên ngoài. Kỷ luật giúp bạn loại bỏ khỏi đầu những rào cản, định kiến trong cuộc sống
Một câu nói của Anne Morriess, khách hàng thân thiết của Starbucks tại New York, được in trên cốc Grande Caramel Macchiato
SÂU THẲM TRONG MỖI NGƯỜI LUÔN TỒN TẠI MỘT NỖI SỢ HÃI
Tôi vẫn là một đứa trẻ còn rất nhiều thử thách phía trước! Thật vô lý khi áp đặt bản thân vào một thước đo cứng nhắc về vẻ đẹp của xã hội. Tôi là Mike Gill, cần mẫn làm việc – cần mẫn trong từng thớ cơ, trong mỗi ca làm
THÁNG MƯỜI MỘT – THÁNG MƯỜI HAI
Brooke Astor đã nói: “Tuổi già không dành cho những kẻ yếu đuối.”
Vài năm trước, khi cuộc sống tôi vẫn còn đầy ắp những sự kiện xã giao lớn, tôi đã gặp bà ấy ở nhiều bữa tiệc. Một lần, khi ấy bà khoảng 97 tuổi, tôi không thể ngăn mình thốt lên rằng bà trông tuyệt vời như thế nào so với độ tuổi hiện tại. (Brooke thích những lời khen ngợi vẻ đẹp của bà ấy, điều này là thật. Nhưng Brooke lại rất ghét khi mọi người nhắc đến nó như một thành tựu của tuổi già.) "Càng lớn, chúng ta càng cần khiếu hài hước,” bà ấy nói với tôi.
Tôi nhớ như in từng lời của Brooke, và mỉm cười, rảo bước đi trong trời chiều xám xịt, lạnh lẽo. Từng bước, từng bước đến cửa hàng Starbucks luôn ấm áp, nồng nhiệt. So với Brooke, tôi vẫn là một đứa trẻ còn rất nhiều thử thách phía trước! Tôi tự nhắc nhở bản thân. Tuy nhiên, thật vô lý khi áp đặt bản thân vào một thước đo cứng nhắc về vẻ đẹp của xã hội. Mike Gill, cần mẫn làm việc – cần mẫn trong từng thớ cơ, trong mỗi ca làm – không phải là Brooke Astor!
Crystal chào đón ngay khi tôi bước vào cửa hàng.
“Mike, tôi có một ý tưởng mới.”
Xung quanh rất nhiều khách hàng đi lại, Crystal dẫn tôi đến một góc phía trước cửa hàng, cạnh bức tường bày bán hạt cà phê.
“Nhìn này, Mike.” Cô ra hiệu. “Anh có thấy những túi hạt cà phê không?”
Tôi chậm rãi gật đầu. Vào những tháng cuối Thu, khi thời tiết đã dịu mát và tinh thần tôi dần phấn chấn hơn, tôi ngày càng tự tin vào khả năng dọn dẹp, mở cửa và đóng cửa hàng. Vì vậy, tôi luôn ủng hộ ý tưởng mới của Crystal, dù vẫn có chút lo lắng.
Khi còn trẻ, khi còn nhiều tự tin vào khả năng kiếm tiền của bản thân, tôi luôn thích dấn mình vào những thử thách mới.
“Anh sẽ được giao nhiệm vụ đến London để trình bày trực tiếp ý tưởng với khách hàng. Một buổi gặp mặt chỉ một với một.” Don Robertson, ông chủ cũ của tôi nói. “Đừng có quay lại nếu anh không 'bán' được ý tưởng chiến dịch của chúng ta cho Marks & Spencer.”
Trái tim tôi đã từng nhảy múa khi nghe thấy loại thách thức đó. Với sự kiêu ngạo của tuổi trẻ, tôi không nghĩ là mình sẽ thất bại. Một phần là bởi sự tự kiêu đến ngây ngô của tôi, một phần là do tôi lại thường hay thành công. Nhưng bây giờ, tuổi tôi ngày một tăng thêm, đứng trước những thất bại liên tiếp, tôi chẳng còn lý do để tiến lên đón nhận bất kỳ thử thách mới nào.
Crystal và Starbucks chính là chiếc bè cứu cánh trong thời gian đầy biến động. Nhưng tại đây, tại cửa hàng Starbucks này, tôi đã đứng quá xa vòng tròn an toàn để thử những điều mới.
Công việc tại Starbucks với tôi, nó quá quan trọng. Dường như tôi sẽ đánh mất nó bất cứ lúc nào nếu dấn thân thử cái gì đó mới. Tôi cũng đã thất nghiệp quá lâu để đảm nhận bất kỳ thử thách nào, ngay cả khi chúng đến từ Crystal.
Crystal nhận ra sự lo lắng trên khuôn mặt tôi.
“Đừng quá lo lắng,” cô nói. “Anh rất hợp để làm việc này.”
“Anh không thích cà phê à?”
“Tôi thích cà phê.”
“Bởi vậy, tôi mới gặp anh, anh thường uống Latte, đúng chứ?”
“Đ…ú…n…g…,” Tôi chậm rãi nói từng từ.
“Đây là cơ hội để anh chia sẻ tình yêu này với những người khác. Anh còn nhớ lần chúng tôi tặng anh những ly cà phê và bánh ngọt vào ngày đầu tiên anh đi làm chứ?”
“Tôi không bao giờ quên nó.” Tôi mỉm cười hạnh phúc, tưởng tượng lại khung cảnh lúc đó. “Tôi rất hào hứng khi được cùng cô và các Cộng sự làm việc ở đây.”
“Tôi biết. Nhưng anh có tin hay không, Mike, nhiều Cộng sự ở đây không thích cà phê đến thế.”
Tôi nhìn các Cộng sự xung quanh. Bianca đáng yêu, bé nhỏ đang đứng quầy thu ngân. Anthony cao ráo, thanh lịch thì ở quầy bar. Cả hai đều khoảng mười chín tuổi, và họ chưa bao giờ pha cà phê cho mình. Tôi biết những gì Crystal nói là đúng.
Vào đầu mỗi ca làm việc, mọi người đều được phép dùng đồ uống miễn phí. Các Cộng sự ở đây còn khá trẻ, và món đồ uống mà hầu hết họ đều thích là Frappuccino và các loại đồ uống ngọt như những người khác ở lứa tuổi này. Họ hiếm khi uống cà phê nguyên chất, thậm chí là không uống cà phê Latte, Cappuccino. Trái ngược với mọi người, tôi luôn pha cà phê cho mình.
Cà phê thực sự là một liều thuốc trị liệu cho tôi. Quả là một trong những đặc quyền tuyệt vời khi làm việc tại Starbucks.
Crystal đã đúng.
Có lẽ sẽ có cách để chia sẻ niềm yêu thích cà phê của tôi với những người khác. Nhưng bằng cách nào?
Như thể cô có khả năng đọc được suy nghĩ của tôi, Crystal nói: “Tại Starbucks, chúng ta có các bậc thầy về cà phê.”
Crystal dừng một lúc, dường như cô đang cho tôi thời gian để suy ngẫm. Chính từ “bậc thầy” đã gợi lên trong tôi những ký ức cũ. Tại thời điểm đó, bố tôi đã giới thiệu tôi với Frank Lloyd Wright. Ông nói với tôi rằng những người đã làm việc với kiến trúc sư vĩ đại đều gọi Frank là “bậc thầy”. Lúc đó, tôi cảm nhận được sự kính trọng lẫn ngưỡng mộ mà bố tôi dành cho danh hiệu đó. Bây giờ, tôi đã trở thành một “bậc thầy” – một “Bậc thầy cà phê”. Ý nghĩ đó khiến tôi mỉm cười tự hào.
Nhưng Crystal rất nghiêm túc với những gì cô ấy đang nói. Với gương mặt điềm tĩnh, cô nói: “Không dễ để trở thành một Bậc thầy cà phê, Mike. Anh phải nắm vững kiến thức về nhiều loại cà phê. Và một trong những công việc của anh là nếm thử cà phê với Cộng sự và Khách hàng."
“Tôi rất thích công việc đó,” tôi ngắt lời cô.
“Đúng thế!” Crystal cười lớn. “Mike, anh thật hài hước? Anh không hiểu sao? Đó là lý do tại sao tôi nghĩ anh sẽ thích hợp để làm việc này. Anh thấy tất cả những túi cà phê hạt này chứ?”
Crystal chỉ những gói cà phê phía sau chúng tôi. Cô đang mặc một chiếc áo sơ mi lụa màu trắng, nó như thể đang phát ra ánh sáng lấp lánh dưới chiếc tạp dề xanh lá. Mái tóc được búi cao càng làm nổi bật gương mặt Crystal. Lúc trước, khi còn làm công việc tuyển chọn người mẫu nữ xinh đẹp cho các quảng cáo truyền hình, tôi đã đọc một vài người nghiên cứu, nó nói rằng: “Hãy tìm những người gò má cao, có sự cân đối, đối xứng của các bộ phận trên khuôn mặt. Từ người Hy Lạp đến Jessica Simpson, đó là tiêu chí cho vẻ đẹp hàng nghìn năm nay.” Crystal có vẻ đẹp đó.
“Nếu khách hàng không hiểu về nó, thì việc trưng bày tất cả những túi cà phê đó sẽ chẳng đem lại lợi ích gì.”
Tôi chợt hiểu ra: Starbucks là cửa hàng cà phê, và càng nhiều người hiểu và trân trọng những hạt cà phê này, thì sẽ càng tốt hơn cho chúng tôi.
“Anh sẽ mặc chiếc tạp dề đen,” Crystal nói, “và nhiệm vụ của anh sẽ là chào đón những vị khách, mời họ nếm thử cà phê trong khi anh kể cho họ nghe tất cả về chúng.”
“Tôi thích ý tưởng này,” tôi nói.
“‘Thích’ là phản ứng tốt đấy,” Crystal hài lòng, chỉ về phía tim tôi. “Hãy làm theo những gì trái tim anh mách bảo. Đó là những gì tôi nói với tất cả các Cộng sự khác. Và trái tim anh cũng nằm trong cả những hạt cà phê này.”
Tôi cảm nhận được sự tin trong mình, sự hài lòng về bản thân. Tôi cảm nhận được đây chính là điều tôi có thể làm, thích làm.
“Thêm nữa,” Crystal nói, “anh rất thân thiện với những vị khách của chúng ta.”
Dưới sự hướng dẫn của Crystal, tôi đã tham gia một loạt khóa học trên máy tính. Cứ như tôi đã đi học đại học chuyên ngành cà phê vậy. Với các chủ đề khác nhau từ lịch sử, địa lý, điều kiện phát triển cho đến mọi khía cạnh để tạo nên những hạt cà phê tuyệt vời.
Tôi đã tìm hiểu nơi đầu tiên phát hiện ra cà phê, cách mà nó được trồng, được thu hoạch. Rồi phơi khô, rửa sạch, vận chuyển đi và cả giai đoạn rang những hạt cà phê. Hóa ra, hành động rang cà phê cũng quan trọng như khi chúng ta chọn giống và trồng trọt. Tất cả đều sẽ ảnh hưởng tới hương vị cuối cùng của mỗi hạt.
Starbucks rất kén chọn loại cà phê họ dùng. Họ sẽ giúp những người nông dân trồng loại cây tốt nhất trong điều kiện môi trường tốt nhất. Tất nhiên, Starbucks chỉ chọn mua một tỉ lệ nhỏ cà phê của thế giới sao cho đảm bảo họ có vừa đủ những loại cà phê ngon nhất. Cuối cùng tôi cũng hiểu tại sao Starbucks được cấp bằng sáng chế về cách vận chuyển đến các cửa hàng. Trong quá trình vận chuyển họ luôn cố gắng giữ cho cà phê đủ tươi. Độ tươi chính là một trong những yếu tố quan trọng để tạo nên một tách cà phê thơm ngon.
Tôi tự tạo cho mình một cuốn “Hộ chiếu Cà phê” để tôi có thể ghi lại mọi phản ứng mỗi khi thử một loại cà phê. Đầu tiên là dán nhãn, rồi đưa ra ý kiến về hương vị, độ đậm đà, độ chua, mùi hương và “cảm giác trong miệng”1 với từng loại cà phê phối trộn2, cà phê bản địa3.
1 Mouth-feel được sử dụng để mô tả cảm giác được tạo ra khi thức ăn/thức uống ở trong miệng hoặc sau khi nuốt. Thuật ngữ này hường được sử dụng khi dùng rượu vang, cà phê, trà, bia và thực phẩm khác.
2 Blend coffee là loại có sự pha trộn của nhiều loại cà phê khác nhau để khi pha sẽ cho ra một hương vị đặc biệt và ổn định.
3 Single-origin coffee dùng để chỉ loại cà phê hạt nguyên chất có nguồn gốc từ một quốc gia, tổ chức, một chủng loại cà phê nhất định.
Sau một vài tuần học tập chăm chỉ, Crystal đề nghị với tôi, “Kỳ nghỉ đang đến rồi. Sao anh không thử làm một vài buổi giới thiệu và trưng bày cà phê cho các Cộng sự và Khách hàng của chúng ta?”
Vài ngày sau đó, Crystal giúp tôi chuẩn bị cho sự kiện sắp tới.
Trong buổi hội thảo đầu tiên, tôi chọn Yukon. Vì nó có một lịch sử thú vị đằng sau.
Tôi chọn một ngày đầu tháng Mười hai. Sự kiện sẽ diễn ra vào buổi tối hôm đó. Với sự giúp đỡ của Crystal, tấm biển đã được dựng lên, và buổi hội thảo bắt đầu. Tôi mời mọi người nếm thử cà phê, cùng với bánh quy yến mạch nho khô và bánh quy sô-cô-la miễn phí. Nho khô lẫn yến mạch đều rất hợp với Yukon. Còn sô- cô-la, cậu chính là người anh em họ hàng thân thiết với mọi loại cà phê. Sô-cô-la và cà phê luôn tạo nên một hương vị hòa quyện tuyệt vời. Hơn nữa, chúng cũng là loại bánh quy yêu thích của tôi. Công việc mới với danh hiệu “Bậc thầy cà phê” tôi đang có chính là lên kế hoạch cho những sự kiện sắp tới với những loại đồ ăn, cà phê phù hợp nhất.
Do phải chuẩn bị bánh ngọt cho buổi Thử Cà phê sắp tới, tôi có chút căng thẳng và lo lắng. Vào những lúc như thế này, vì lý do nào đó, hình ảnh một sai lầm ngớ ngẩn trong một bữa tiệc trà với Nữ hoàng Anh lại xuất hiện trong tâm trí tôi.
Nhiều năm về trước, hôm đó là một buổi sự kiện không được gọi là trang trọng lắm, nó được tổ chức tại một trận đấu polo. Tôi đã vô tình làm đau cánh tay của Nữ hoàng Elizabeth khi vội vàng với lấy một chiếc sandwich dưa chuột trên bàn bên cạnh bà. Tôi đã nảy sinh niềm yêu thích với sự kết hợp “tao nhã” của chiếc bánh, những lát dưa chuột mỏng được nhẹ nhàng đặt giữa những miếng bánh mì trắng mềm.
Quá mải mê để lấy một chiếc sandwich, tôi đã làm đảo lộn mọi sự cân bằng vốn có trong dịp đó. Nữ hoàng nhìn tôi với cái cau mày, nhưng chồng bà, công tước Edinburgh đang mặc trên mình bộ đồ polo, chỉ đứng sau khoảng một bước, ông rõ ràng đang thể hiện vẻ mặt không mấy hài lòng. Điều đó đã làm toàn thân tôi rùng mình, như thể tôi là một kẻ man rợ xâm nhập vào giữa bữa tiệc. Cuối cùng, tôi không lấy được miếng bánh sandwich, và nó trở thành một trải nghiệm xã hội thật đáng xấu hổ, dù lẽ ra hôm đó phải là một dịp để tôi nghỉ ngơi thoải mái.
Tại sao khoảnh khắc bối rối, xấu hổ đó lại hiện lên trong tâm trí tôi? Bởi vì tôi quá lo lắng không biết cà phê và bánh ngọt có phù hợp với mọi người? Hay vì tôi đang sợ hãi, như một người dẫn chương trình không dám mắc sai lầm bởi anh ta không muốn những gì mình nhận lại cái cau mày giận dữ thay vì nụ cười vui vẻ?
Tôi tự nhủ với mình, chính sự kết hợp cà phê và bánh lần này sẽ là một cú huých. Crystal cũng nói với tôi, một số khách đã kiểm tra lại thời gian với cô ấy khi nhìn thấy lời mời của cửa hàng. Vì vậy, tôi luôn động viên mình phải tự tin.
Mọi người sẽ khó chịu như thế nào sau khi được phục vụ bánh quy và cà phê chứ? Tôi xay một ít hạt cà phê Yukon tươi bằng chiếc máy ép của Pháp, rồi đổ nước nóng, đợi bốn phút, sau đó đổ ra từng cốc mẫu nhỏ. Bên cạnh chúng là những chiếc bánh quy. Sẽ có một tá khách đến để nghe về cà phê và thưởng thức món đồ miễn phí này.
RỐT CUỘC NGƯỜI CÓ KỶ LUẬT MỚI TỰ TẠI GIỮA ĐỜI
Cầm trên tay những món bánh và đồ uống, cùng những lời chào đón nồng nhiệt, đó là cách Cộng sự ở đây cống hiến cho vị trí của họ. Tôi ngày một cảm nhận rõ ràng hơn sứ mệnh của mình trong cửa hàng: Phục vụ món cà phê tôi hằng yêu thích cho những vị khách mà tôi thực sự muốn nói chuyện cùng
Chồng của Rachel, Justin đã ở đây hôm nay. Anh thường đi cùng vợ và con mình, Max, đến Starbucks, nhưng tối hôm nay họ không đi cùng anh. “Rachel và Max đang ở đâu vậy?”
“Hai người đang ở nhà ạ. Rachel vẫn trong giai đoạn kiêng caffein. Đây chính là lúc tôi dành cho mình!” Anh ấy cười.
Tiến sĩ Paul bước vào, ông không đội chiếc mũ Red Sox như thường ngày.
“Ngài không mang chiếc mũ theo sao?”
“Red Sox không cần tôi nữa. Bây giờ tôi cảm thấy có lỗi vì đã cổ vũ cho họ trong World Series. Họ không thể giành chiến thắng!”
Một người phụ nữ nhỏ nhắn với mái tóc ánh kim bước vào. Cô luôn đến đây mỗi ngày, gọi một cà phê cỡ Venti (cỡ lớn) của cửa hàng chúng tôi, gần 500ml. Cô ấy rõ ràng là một người cực kỳ nghiện cà phê.
Cũng có một cặp đôi trẻ bước vào. Tôi có thể nhìn thấy tình yêu thương mà họ dành cho nhau, họ luôn luôn nắm tay và nhìn vào mắt nhau khi cười. Lúc đầu, tôi chỉ đơn giản nghĩ họ tình cờ đến đây, vì vậy mới hỏi họ, “Các bạn có muốn nếm thử loại cà phê này chứ?”
“Đó chính là lý do chúng tôi đến,” chàng trai trẻ nói. “Chúng tôi gặp được nhau tại đây đều là nhờ cà phê,” chàng trai nói.
“Cả hai đều thích cà phê,” cô gái nói, rồi họ cùng cười vang như thể cô nàng đã pha một trò đùa tuyệt vời.
Tôi thích tiếng cười của họ. Tôi nhớ Crystal đã từng nói với tôi rằng, hình tượng gốc của Starbucks dựa trên một quán cà phê Ý. Tôi luôn tưởng tượng tại quán đó sẽ có rất nhiều tiếng cười đùa.
Trên tay tôi là một cái khay nhỏ bằng bạc, mỗi người khách sẽ lấy một cốc cà phê mẫu và bánh quy tại đây.
“Chúng tôi có cà phê Yukon miễn phí vào tối nay,” tôi thông báo với khán giả. “Đầu tiên, hãy hít hà mùi thơm,” tôi nói. “Sau đó nhấp một ngụm, và rồi cùng nói chuyện nào.”
Họ bật cười – cặp đôi trẻ tuổi và một nhóm người. Tôi cũng bất giác mỉm cười với họ. Tôi rất vui khi đã được đứng đây, được dẫn dắt buổi hội thảo này, và có cơ hội được chia sẻ một chủ đề mà tôi rất yêu thích.
“Trong khi chúng ta thưởng thức hương vị tuyệt vời này,” tôi nói, “đây là lịch sử của nó. Ở Yukon không trồng cà phê, vậy tại sao nó lại có tên như vậy?”
Một nhóm khán giả tò mò ngước lên nhìn. Sự kết hợp tuyệt vời giữa cà phê và bánh quy đã làm tốt công việc của chúng. Bên cạnh đó, dường như họ thực sự quan tâm đến chuyện này.
Crystal và Kester tiến đến gần, tôi phục vụ họ những cốc cà phê mẫu và bánh ngọt. Kester nháy mắt rồi cười thật tươi. Tôi biết cậu ấy không thực sự thích cà phê, Kester ở đây để cổ vũ tinh thần tôi.
Crystal là một người thích pha chế bất cứ thứ gì liên qua đến cà phê. Cô nghiêm túc nhấp một ngụm cà phê. Rồi cười tươi. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Quả là đúng đắn khi chọn Yukon.
“Lý do nó được gọi là Yukon,” tôi tiếp tục, “là vì một thuyền trưởng tàu đánh cá ở Seattle, ống ấy thường xuyên đi đến Yukon. Khi đến đó, ông nói rằng ông cần một loại mạnh hơn, đậm đà hơn loại cà phê House Blend kia. Vì vậy, họ đã pha trộn một số loại cà phê đậm đặc hơn của Indonesia cùng với hạt cà phê từ Mỹ La-tinh.”
“Tuyệt vời,” Tiến sĩ Paul nói.
“Ngon lắm,” chồng của Rachel khen gợi. Cô gái với mái tóc ánh kim gật đầu hưởng ứng.
Một số khách hàng khác cũng thầm hưởng ứng. Tối hôm đó, chúng tôi đã thảo luận về cà phê, đất bazan ở Indonesia đã giúp chúng ta tạo ra loại cà phê đặc biệt thơm ngon như thế nào. Tôi đề cập thêm về Sumatra, mối tình đầu của tôi, và cả Sulawesi, một loại cà phê Indonesia khác nhưng tinh tế, thanh nhã hơn. Tôi hứa sẽ giới thiệu và cho mọi người cùng thử vào lần sau.
Tôi nhận ra Crystal và Kester đã quay trở lại với công việc của họ. Tôi lấy đó là tín nhiệm từ họ. Tôi biết Crystal sẽ không để tôi tiếp tục buổi hội thảo nếu cô ấy cảm thấy bất kỳ sai sót nào. Cô ấy đã tin tưởng tôi.
“Vậy ai là người đầu tiên phát hiện ra cà phê?” Tôi quay lại với câu hỏi từ một người mà tôi gọi là giáo sư. Ông ấy đã dạy một khóa học tại Columbia. Ông có một bộ râu trắng với một cặp mắt xanh lục lấp lánh. Ông thường gọi một cốc Espresso nguyên chất, “ở đây” là câu ông hay nói. Tôi thường thấy ông ấy ngồi lại cửa hàng, nhấm nháp ly cà phê espresso trong lúc đọc sách.
“Câu hỏi hay đấy, giáo sư,” tôi nói. “Cà phê có nguồn gốc từ Ethiopia. Ở đó, họ có một lại cà phê tuyệt vời tên là Ethiopia Sidamo. Có một câu chuyện về khởi đầu của cà phê, nó sẽ mang một chút ẩn dụ… và thêm cả một chút ngụ ngôn trong đó.”
“Tôi thích những câu chuyện thần bí,” giáo sư cười.
Tôi bắt đầu, “Hàng trăm năm trước, vào một ngày nọ, một người chăn dê đã đi theo đàn dê của mình lên những ngọn đồi ở Ethiopia. Khi đó anh còn là một chàng trai trẻ. Đàn dê đã dẫn lối anh đi trên những con đường dốc dài. Chúng đi ngày một nhanh, có lúc chúng bỏ anh lại đằng sau. Chàng trai đó là một nhà thơ, trên tay anh là cây sáo, có lẽ anh ấy đã dừng lại để sáng tác một khúc nhạc.”
“Khi đuổi kịp đàn dê của mình, anh nhìn thấy chúng đang nhai môt loại quả nào đó và không ngừng nhảy múa trên hai chân sau. Bị mê hoặc bởi cảnh tượng thú vị đó. Anh thử nhai quả mọng đó, và ngay sau đó chàng trai cũng nhảy múa theo.”
Tôi tiếp tục câu chuyện, “Khi anh vừa nhảy múa vừa hát vang trên con đường về nhà, gia đình anh ai cũng muốn biết chuyện gì đang diễn ra, vì vậy họ lên ngọn đồi đó một lần nữa để hái loại quả mọng ma thuật này. Qua hàng thế kỷ, người Ethiopia đã học được cách rang hạt và những người từ các vùng khác bắt đầu mang những hạt giống cà phê từ Ethiopia về. Một người Pháp đã mang chúng đến Mỹ La-tinh vào thế kỷ 18. Thậm chí, trước cả khi người Pháp đến, đã có một người Hà Lan đem những cây giống này đến Indonesia.”
“Tôi thích câu chuyện đó,” giáo sư nói. “Tôi rất nóng lòng được thưởng thức loại cà phê Ethiopia này.”
“Tuần tới chúng ta sẽ thử chúng nhé?” Tôi chưa nói lại chuyện này với Crystal, nhưng tại sao không thử chứ?
“Tuyệt,” Tiến sĩ Paul nói.
“Chúng ta sẽ có một buổi hẹn,” cặp đôi trẻ đồng thanh và bật cười lần nữa.
Dần dần từng tốp tản ra, một số ở lại để tìm hiểu cụ thể hơn về những hạt cà phê. Rất nhiều người đã mua những túi cà phê Yukon phải tính bằng đơn vị pound.
Khi tôi dọn dẹp, tôi nghe thấy tiếng Frank Sinatra trên loa của Starbucks.
“Đó là cuộc sống,” Frank hát. Tôi nhớ tôi đã gặp anh ấy vào một đêm tại quán bar Toots Shor ở New York. Quán bar đó là địa điểm yêu thích của một số người tại New York này, những người vừa tốt nghiệp đại học và bắt đầu lên thành phố lớn lập nghiệp.
Không khí tại đây lúc nào cũng náo nhiệt, nhưng điều hấp dẫn nhất ở đây chính là Toots. Anh ấy là một chủ quán bar lý tưởng. Anh ấy sẽ uống cùng bạn. Và anh chàng đó cũng có một phẩm chất tuyệt vời nữa mà những chàng trai trẻ chúng tôi thực sự cần: Toots nhận đổi tiền mặt bằng séc. Điều này đã có từ rất lâu trước khi máy ATM phổ biến, lúc đó thẻ tín dụng cũng không thông dụng. Chúng tôi thường cần một ít tiền mặt vào đêm muộn. Với Toots, đó không phải là vấn đề. Đó là một cảm giác đầy quyền lực, bạn sẽ nhận được tiền mặt với một tấm séc đơn giản: Sau đó tất cả chúng tôi có thể đi "tăng hai".
Hôm đấy Frank đến quán bar vào tối muộn, khi đó tôi đang uống rượu với một số người bạn. Đôi lúc, vì thường xuyên nhìn thấy khuôn mặt ai đó trên ti-vi hay các bộ phim, điều đó đã làm bạn lầm tưởng mình quen họ. Tuổi thơ của tôi gắn liền với Frank Sinatra, và khi anh ấy bước vào quán bar, tôi bất giác gọi như thể một người bạn, “Xin chào, Frank!”
Khi tôi nhận ra anh ấy không phải là một người bạn mà chính xác là Frank Sinatra, tôi đã rất xấu hổ. Nhưng anh bạn này rất tốt bụng, anh dừng lại để chào chúng tôi. Rồi quay lại phía sau để nghe Toots trêu chọc, Toots nổi tiếng với việc gọi mọi người là “ya bum, ya”, nhưng anh luôn biết điểm dừng để mọi người cùng cảm thấy thoải mái.
Tôi thích nghe giọng hát của Frank. Lúc này, tôi bắt đầu hát theo, Anthony quay ra nhìn tôi. Anthony mới mười chín tuổi, nhưng cậu có vẻ ngoài già dặn hơn tuổi. Cậu ấy luôn đến cửa hàng với đôi giày nâu sáng bóng và chiếc quần âu đã được là phẳng phiu. Trên tất cả, Anthony luôn tự tin nở một nụ cười tươi rói – ngay cả khi trước mặt cậu là một hàng dài khách hàng, cậu ấy vẫn không bao giờ đánh mất đi vẻ điềm tĩnh của mình.
“Frank Sinatra là một ca sĩ tuyệt vời,” tôi nói với Anthony, trong tôi vẫn tràn đầy năng lượng lạc quan từ buổi hội thảo cà phê và từ bài hát vừa nãy.
Anthony nhìn tôi một cách khó hiểu. Rõ ràng cậu chưa bao giờ nghe về người đàn ông từng là biểu tượng một thời này. Điều này thường xảy ra với những bài hát được bật ở Starbucks. Các bài hát bật tại cửa hàng không được chọn bởi các Cộng sự trẻ tuổi ở đây, mà nó được chọn bởi những người ở Seattle. Dường như những người này vẫn luôn yêu mến những bài hát xưa cũ đã cùng họ trưởng thành. Những vị khách hàng của chúng tôi có lẽ cũng đã có khoảng thời gian gắn bó với những ca sĩ thời xưa: Họ đã góp phần tạo ra những chiếc đĩa CD của Ray Charles và Frank Sinatra bán chạy nhất tại cửa hàng chúng tôi.
“Frank cũng giống như cậu,” tôi nói với Anthony. Tôi tìm cách giúp cậu ấy hiểu, ở một mức độ nào đó, rằng tại sao những ca sĩ này có ý nghĩa như thế với những người thế hệ chúng tôi. “Anh ấy thực sự là một quý ông hợp thời. Mọi người có thể nói anh ấy thô lỗ, nhưng tôi đã từng gặp Frank một lần, và anh ấy đã hết lòng đối xử tốt với tôi khi tôi chỉ bằng tuổi cậu.”
“Nghe tuyệt đấy,” Anthony nói, rồi cậu nở nụ cười. Lời nói đùa của Anthony về những bài nhạc cũ đang vang lên lúc chúng tôi trò chuyện, tôi có thể thấy sự tử tế lẫn vẻ không mấy hứng thú với Frank Sinatra của cậu ấy. Ngẫm lại tôi mới chợt nhận ra rằng Frank đã mất trước khi Anthony chào đời.
“Anh ấy là ‘lịch sử cổ đại’ đối với cậu,” tôi nói. “Còn anh là một ‘trang lịch sử’,” Anthony tiếp lời.
Cậu ấy thoáng thấy nét mặt đau khổ của tôi. Tôi ghét phải nhớ rằng mình già hơn mọi người hàng chục năm.
“Nhưng tôi thích lịch sử,” Anthony nói với mong muốn giúp cho tôi cảm thấy tốt hơn.
“Tôi cũng vậy,” tôi nhanh chóng đáp lại trong sự ngượng ngùng và cũng hi vọng sẽ tạo ra chút gì đó tích cực từ câu nói này. “Tôi đã học lịch sử ở trường.”
“Tôi cũng vậy,” Anthony cũng muốn đảm bảo mối quan hệ chúng tôi sẽ tốt ở một mức độ nào đó theo phong cách lịch thiệp cậu ấy thường dùng. “Tôi dự định vào đại học và học thêm về lịch sử. Starbucks sẽ chi trả cho các khóa học đó,” cậu ấy nói với tôi, như thể đang tiết lộ một bí mật động trời nào đó, “và tôi dự định sẽ làm tất cả những gì có thể.”
Anthony luôn hòa nhã với tôi, tôi biết ơn vì phong thái lịch sự đấy. Và tôi chắc chắn với con người kỷ luật như Anthony, cậu ấy sẽ tốt nghiệp. Còn Yvette, tôi cũng không chắc lắm. Dù cô ấy luôn xuất hiện với quyển sách trên tay, nhưng cô ấy vẫn thường xuyên phàn nàn về chuyện mình không có đủ thời gian để học. Tôi rất đồng cảm với cô: Tôi có thể hiểu cái cảm giác cố gắng cân bằng giữa việc học và việc đi làm ở Starbucks.
Starbucks có chương trình hỗ trợ về giáo dục, ngay cả nhân viên bán thời gian cũng nhận được quyền lợi này. Nhưng một người phải vừa toàn tâm toàn ý vừa kỷ luật mới tận dụng được cơ hội đó. Dường như Anthony không hề gặp khó khăn với vấn đề này. Tôi chắc chắn cậu ấy sẽ “tận dụng” Starbucks triệt để trên con đường tiến tới mục tiêu của mình.
Trên đường quay trở lại phía sau quầy bar, tôi mỉm cười, nghĩ về Anthony với phong cách lịch lãm lẫn tham vọng tích cực của cậu ấy.
Crystal vẫn ở trong văn phòng của cô. Cô nhìn lên.
“Một chàng trai hạnh phúc,” cô nói khi nhận ra tâm trạng lạc quan của tôi. “Mike, anh thật hài hước.”
“Ý cô là gì cơ?”
Tôi hơi đề phòng, xen lẫn chút bối rối trước cách cô ấy mô tả.
“Tôi không biết,” Crystal quay lại đối mặt với tôi. “Kiểu như anh khiến cả đám đông bật cười trong buổi hội thảo cà phê.”
“Đó là một câu chuyện khá hài hước về người chăn dê…”
“Nó không chỉ là câu chuyện, Mike. Khách hàng thích năng lượng hạnh phúc từ bên trong anh.”
“Vâng,” tôi đáp lại rồi đi qua Crystal, bước xuống cầu thang, cởi chiếc tạp dề và ném nó vào đống đồ giặt. Tôi không muốn nghĩ về việc mình đã hạnh phúc như thế nào. Tôi gần như đắm chìm theo nó.
Tôi trở lại tầng trên, chấm công và quay đầu ra cửa.
“Làm tốt lắm,” Crystal gọi với theo. “Chúng ta sẽ tổ chức thêm nhiều buổi như thế hơn nữa. Những ngày lễ tới sẽ là thời điểm thích hợp!”
Trong buổi hội thảo và dùng thử miễn phí tiếp theo, tôi dự định sẽ nói về sự khác biệt giữa Sulawesi và Sumatra. Sumatra đem lại cảm giác mạnh hơn và dư vị nó để lại cũng tự nhiên hơn. Trong khi chúng ta có thể thưởng thức Sulawesi với nhiều hương vị thanh nhã phức tạp hơn.
Ngày một tự tin vào kinh nghiệm làm việc ở Starbucks, tôi đã mời Annie đến buổi hội thảo. Tôi rất vui khi thấy con bé trong đám đông. Annie dẫn theo bạn trai của con bé.
Đó là một trải nghiệm vị giác tuyệt vời khác. Lần này, trước mắt tôi là một nhóm khoảng hai mươi người với đủ mọi lứa tuổi. Họ thực sự quan tâm đến những gì tôi nói. Vào buổi hôm nay, tôi phục vụ Sulawesi và món bánh brownie vị cà phê, còn món đi kèm với Sumatra là hạt cà phê phủ bơ đậu phộng – đó là một bữa tiệc tuyệt vời.
Annie và bạn trai ngại ngùng lùi ra sau khi nếm thử. Nhưng sau đó, con bé tiến đến gần.
“Một ngôi sao mới nổi ở Broadway,” con bé cao hứng nói và ôm chầm lấy tôi. Annie luôn có niềm đam mê mãnh liệt với nhà hát và các màn trình diễn. Tôi hiểu ý Annie.
Starbucks đúng là một nhà hát. Một nhà hát chứa đựng những khoảng thời gian hạnh phúc. Một nơi độc nhất bất kỳ ai cũng có thể đến. Một nơi mà không phải văn phòng họ làm, cũng không phải ngôi nhà họ ở. Tại đây, họ thư giãn, và giải thoát chính mình khỏi tất cả những suy nghĩ luẩn quẩn choán lấy tâm trí. Một nơi dừng chân giúp họ cảm thấy tốt hơn cho những thay đổi sắp tới.
Cộng sự chính là người biểu diễn, họ chào đón những vị khách với nhiệt huyết, tinh thần lạc quan. Một hành động giúp nâng đỡ cuộc sống Khách hàng. Và tất nhiên, việc phục vụ cà phê, bánh ngọt cũng giúp những người ở đây cảm thấy dễ chịu hơn.
Một đêm nọ, tôi nói với Charlie rằng con gái tôi, Bis, đang làm phim ở Ireland với 50 Cent1. Tôi chưa từng bao giờ nghe về cậu ấy, nhưng Bis nói với tôi rằng: “Cộng sự của chúng ta sẽ tự biết họ là ai.”
1 50 Cent tên thật là Curtis James Jackson (1975), anh là một rapper kiêm nhạc sĩ, diễn viên nổi tiếng người Mỹ.
Charlie luôn tràn đầy năng lượng, tôi chắc chắn đã nhìn thấy cậu ấy nhảy cẫng lên khi nghe thấy cái tên ấy.
“50 Cent!” cậu hét lên. “Kester, Mike biết 50 Cent đấy!”
“Không, không,” tôi vội ngắt lời. “Tôi không biết cậu ấy!” Trên thực tế, nó là sự thật. Tôi thậm chí chưa bao giờ nghe bài hát của cậu ấy. Và tôi cũng chẳng biết 50 Cent trông như thế nào. Bis nói với tôi rằng cậu ấy “thực sự ngọt ngào”, nhưng tôi nghi ngờ mấy cái kiến thức cóp nhặt này sẽ sớm bay biến đi.
Kester chạy tới. Bianca cũng tham gia vào. Mặc dù, đang có một hàng dài khách gọi đồ, họ vẫn không thể cưỡng lại khi nghe thấy cái tên 50 Cent.
“Anh ấy thích gì thế?” Bianca hỏi. “Tính cách anh ấy có thực sự tệ không?”
“Cậu ấy là một chàng trai tốt, con gái tôi nói vậy…”
“Quay lại công việc chính nào mọi người,” Kester nhắc nhở tất cả chúng tôi. Sau đó, khi ca làm việc của tôi kết thúc, Charlie chạy đến gặp tôi.
“Hãy nói thêm cho tôi về 50 Cent đi.”
“Con gái tôi quen cậu ấy,” tôi nói. “Tôi chưa bao giờ gặp 50 Cent… Tôi chỉ biết con gái tôi đang làm phim với cậu ấy.”
Charlie không có vẻ gì là khó chịu, bởi thực tế là tôi không phải là một người hâm mộ hay người bạn của 50 Cent. Tôi bắt gặp sự phấn khích của mỗi Cộng sự tại đây ngay cả khi tôi chỉ có mối liên hệ bé tí với một nghệ sĩ nổi tiếng trong giới giải trí.
Tôi nghĩ có thể Charlie, và tất cả mọi người ở Starbucks bằng một cách nào đó, vào một lúc nào đấy sẽ chuyển mình từ một nhân viên nhỏ bé thành một nghệ sĩ giải trí nổi tiếng. 50 Cent đã có bước tiến vượt bậc, và điều đó không phải là bất khả thi đối với họ.
Tôi có thể bắt gặp niềm say mê của họ đối với giới giải trí. Vì vậy việc đứng trên sân khấu Broadway, “biểu diễn”, tạo ra những trải nghiệm tuyệt vời nhất cho khách hàng tại đây, tất cả đều không nằm ngoài xu hướng tự nhiên và tham vọng của những người Cộng sự này. Starbucks đã chuyển mình sang thời đại giải trí. Cầm trên tay những món bánh và đồ uống, cùng những lời chào đón nồng nhiệt, đó là cách Cộng sự ở đây cống hiến cho vị trí của họ.
Tôi ngày một cảm nhận rõ ràng hơn sứ mệnh của mình trong cửa hàng: Phục vụ cà phê tôi hằng yêu thích cho những vị khách mà tôi thực sự muốn nói chuyện cùng.
KHOAN DUNG VÀ VÔ TƯ, PHẨM CHẤT TẠO NÊN HẠNH PHÚC CHO BẤT KỲ AI
Mike, anh giúp mọi người có những khoảng thời gian vui vẻ. Anh thực sự đúng là đang tận hưởng khi phục vụ Khách hàng lẫn khi trò chuyện với các Cộng sự. Lần đầu tiên gặp anh, trông anh có vẻ lạnh lùng và nặng nề. Nhưng giờ anh đang tỏa sáng
Tôi quay lại dọn dẹp cửa hàng.
Crystal đang xem qua một số bản cáo cáo kinh doanh.
Cô ấy dường như đang có tâm trạng tuyệt vời. Tôi nhận ra cô ấy đang hài lòng với những điều tốt đẹp. Đó một cảm giác thoải mái từ sâu bên trong.
“Mike, xem này…” Cô chỉ vào màn hình máy tính của mình.
“Doanh số bán cà phê hạt của chúng ta đang tăng lên và theo nghiên cứu, chúng ta càng bán được nhiều cà phê, thì cửa hàng sẽ càng có nhiều lượng khách hàng trung thành ở lại.”
“Tốt quá,” tôi nói và nhìn chằm chằm vào màn hình dù không thể hiểu hết toàn bộ những con số hiện lên. Tôi biết, ở Starbucks, có một khía cạnh luôn xa lạ với tôi. Ở một nơi nào đó, và bằng cách nào đó, họ hiệu chỉnh mọi số liệu bán hàng. Nhưng tôi rất ít khi quan tâm đến các con số và dữ liệu này.
Crystal quay lại nhìn tôi. Vẻ mặt trống rỗng hiện giờ hẳn đã phần nào nói lên suy nghĩ trong đầu tôi. Rốt cuộc, vẫn là tôi không hiểu được những con số muốn nói gì. Nhưng cô ấy có vẻ muốn tôi nhận ra được điều ẩn đằng sau nó.
“Anh đang giúp cửa hàng, Mike.” Cô dừng lại một lát.
“Anh đang giúp đỡ tôi.”
Tôi rất biết ơn Crystal vì cô đã cứu tôi khỏi vòng xoáy trượt dài ở quá khứ. Bởi vậy, nếu có thể giúp cô ấy, dù chỉ một chút, vẫn là một cảm giác tuyệt vời.
“Tuần tới có sự kiện Diễn đàn Mở (Open Forum)… một cơ hội để tất cả Cộng sự ở Starbucks trong khu vực này gặp gỡ nhau. Kester cũng sẽ đến, cả Yvette và Anthony nữa. Tất cả đều được mời. Tôi cũng muốn mời anh đi cùng chúng tôi.”
Tuần tiếp theo, tôi đến sự kiện theo lời mời của Crystal. Nó được tổ chức ở tầng đầu tiên của một nhà thờ cũ ở phía Tây Hạ Manhattan. Bây giờ đang có hàng trăm người đang đứng ở sảnh. Một số, giống như tôi, họ mặc quần áo như khi đi làm ở Starbucks, quần đen hoặc nâu, còn áo là sơ mi đen hoặc trắng. Một số khác thì mặc quần áo phong cách đường phố thoải mái. Tại cửa, tất cả chúng tôi đều được phát những chiếc áo phông Starbucks kỷ niệm cho một mùa lễ Giáng sinh.
Khi vừa bước vào phòng, ngay lập tức đập vào mắt tôi là một bàn tiệc, đầy ắp đồ uống phổ biến như Pumpkin Spice Latte1 và Peppermint Mocha2. Và tất nhiên, chúng đều miễn phí.
1 Pumpkin Spice Latte là một thức uống cà phê được bán theo mùa, từ cuối tháng Tám đến tháng Một. Nó bao gồm cà phê espresso, sữa đánh nóng với các gia vị truyền thống của mùa Thu (quế, nhục đấu khấu, đinh hương), phủ lên trên cùng là một lớp kem đánh cùng gia vị bí ngô.
2 Peppermint Mocha là một thức uống cà phê được bán vào mùa lễ Giáng sinh. Peppemint Mocha là sự kết hợp của espresso và sữa đánh nóng, được làm ngọt với hương vị sô-cô-la và bạc hà, phủ bên trên một lớp kem đánh, bột mocha và kẹo thơm mùi bạc hà.
Tôi dừng lại, một người đàn ông bước tới. Anh ấy tự giới thiệu mình là Tom đến từ phòng Nhân sự. Anh hỏi thăm tôi dạo này như thế nào, liệu anh ấy có thể là giúp gì cho tôi. Tôi đáp lại rằng mọi thứ thật tuyệt vời, và tôi chỉ muốn biết liệu tôi có thể làm thêm gì nữa để giúp Starbucks không. “Chỉ cần tìm thêm những người có thái độ tích cực như anh thôi,” Tom trả lời. Câu nói đó làm cho tôi cảm thấy ấm áp.
Tôi nhìn quanh tìm Crystal và thấy cô ấy đang nói chuyện với Kester ở ngay phía trước. Ai đó đã nắm lấy cánh tay tôi. Đó là Yvette.
Yvette cao gần bằng tôi, và bây giờ cô đang búi tóc lên cao. Có một quy tắc trong Starbucks là bạn luôn phải đội mũ Starbucks, vì vậy hầu hết mọi người đều buộc gọn tóc họ ra đằng sau. Đây là một Yvette hoàn toàn mới lạ. Cô ấy mặc một chiếc áo thun không tay (tank top) ánh vàng cùng với chân váy ngắn màu đỏ. Lúc này tôi mới chú ý đến một hình xăm trái tim trên cánh tay cô. Tôi chưa bao giờ thấy nó trước đây. Bởi trong quy định về trang phục ở Starbucks có một mục là bạn phải che mọi hình xăm khi phục vụ khách hàng.
Cứ như thể cô ấy đang biến thành một con người khác.
“Hãy thử một số đồ uống nào.”
Chúng tôi tiến gần tới một chiếc bàn dài, nơi họ đặt những cốc đồ uống thử.
“Anh có muốn nếm thử Egg Nog1 Latte?” một người phụ nữ trẻ hỏi tôi.
1 Egg Nog là một loại đồ uống được làm từ sữa, kem tươi, lòng đỏ và lòng trắng trứng được đánh tan, ngoài ra, còn có một vài loại rượu mạnh được cho vào cùng. Loại đồ uống này thường được sử dụng trong dịp Giáng sinh.
“Chắc chắn rồi,” chúng tôi đồng thanh đáp.
Nó rất ngon, ít nhất là đối với tôi. Còn Yvette không có phản ứng gì đặc biệt.
“Bạn có Frappuccino không?” Yvette hỏi.
“Chúng tôi có món Double Chocolate Chip Frappuccino2 mới ra. Bạn có muốn thử không?” Mỗi người chúng tôi nhận một cốc đồ uống lạnh nhỏ. Trong lúc nhấm nháp từng chút một, người phụ nữ nói: “Frappucino được ‘phát minh’ ở California, bởi một người Cộng sự tại cửa hàng ở Santa Monica. Lúc đó khách hàng muốn uống sinh tố, một thứ đồ uống rất phổ biến tại khu vực đó. Từ đó các Cộng sự của chúng ta đã nghĩ ra cách xay lẫn cà phê và đá."
2 Chocolate Chip Frappuccino là một loại thức uống cà phê đá xay bao gồm sốt mocha, sô-cô-la chip, cà phê, sữa, đá bào, và một lớp kem đánh phủ lên trên cùng.
“Tuyệt,” Yvette ngắt lời, cô cười khúc khích như một đứa trẻ vui mừng trước trò đùa của mình. Đằng sau bộ quần áo “gây sốc” của cô – ít nhất là với tôi – cô ấy vẫn là một cô nàng sinh viên nhiều phiền muộn mà tôi biết.
“Đúng vậy,” người phụ nữ trẻ đứng sau quầy mỉm cười đáp lại. “Vì vậy hãy luôn nhớ rằng, chúng tôi luôn sẵn sàng đón nhận ý tưởng của mọi người.”
“Tuyệt vời,” Yvette nói, nắm lấy tay tôi lần nữa, cười với người phụ nữ kia, và kéo tôi đi chỗ khác.
“Nhìn kìa!” Cô ấy chỉ tay về phía bên kia căn phòng.
Yvette đã nhìn thấy một gian hàng với một tá gấu bông giáng sinh dễ thương. Vào mỗi mùa Giáng sinh, Starbucks đều thiết kế những chú gấu bông như thế.
Chúng rất nổi tiếng trong nội bộ Starbucks lẫn những vị khách đến cửa hàng.
Crystal tới khi chúng tôi tiến về gian hàng. Cô ấy cầm một con gấu lên.
Crystal nói: “Chúng được làm rất đẹp. Tôi có một bộ sưu tập gấu bông Starbucks tại căn hộ của mình.”
Tôi không ngạc nhiên lắm. Niềm đam mê của Crystal chính là Starbucks, nó là một phần không thể thiếu trong cuộc đời cô. Tại sao cô ấy lại không muốn được vây quanh bởi những chú gấu bông Starbucks tại nơi làm việc lẫn căn nhà của mình chứ?
“Mọi người có thể có được một con gấu bông,” một thanh niên đứng từ phía sau quầy nói với chúng tôi, “nếu trả lời đúng một số câu hỏi về Starbucks. Nhưng nó không dễ đâu.”
“Hãy giành lấy chiến thắng nào,” Crystal nói, cô vẫn tự tin như thường ngày.
“Ai sẽ chơi nào?” cậu thanh niên hỏi.
“Tất cả chúng tôi sẽ chơi… nhóm Cộng sự đến từ cơ sở Broadway!”
“Tốt quá,” người đàn ông nói. “Đây là một trò chơi đố vui của Starbucks. Bạn phải biết rất nhiều để giành chiến thắng đấy.”
“Chơi nào,” Yvette nói. Yvette luôn vội vàng. Hình ảnh cô gái ấy trong đầu tôi là một người phụ nữ trẻ chạy nhanh tới cửa hàng để đến đúng giờ làm, rồi lại vội vã chạy đi khi hết ca, vì cô còn nhiều lịch trình quan trọng tiếp theo.
“Đây là câu hỏi đầu tiên,” người đàn ông nói, “màu gốc của logo Starbucks là gì?”
“Màu nâu,” Crystal trả lời trong tích tắc. “Chà!” Tôi cảm thán.
“Tôi biết tất cả những thứ này,” Crystal nói. “Cái tên Starbucks bắt nguồn từ đâu?”
Có một khoảng lặng đến khó tin. Crystal rõ ràng không biết câu trả lời, và tôi chắc chắn Yvette cũng không biết. Vì vậy, lần này đến lượt tôi. May mắn thay, ngay sau khi gia nhập Starbucks, tôi đã bắt đầu đọc tất tần tật về thương hiệu này. Tôi yêu thích lịch sử, và Starbucks có một lịch sử phát triển lạ thường.
“Starbucks là tên người thủy thủ đầu tiên trên một con tàu,” tôi nói.
“Một con tàu?” cậu thanh niên hỏi lại. Cậu ấy sẽ không để chúng tôi giành chiến thắng dễ dàng như vậy.
“Con thuyền của thuyền trưởng Ahab đang trên hành trình tìm kiếm Cá voi trắng1. Thủy thủ Starbucks thích cà phê, hoặc một thứ gì đó tương tự.”
1 Cá voi trắng là một tiểu thuyết phiêu lưu mạo hiểm của tác giả người Mỹ, Herman Melville. Được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1851.
Tôi đã từng đọc ở đâu đó rằng trong lúc họ chọn tên, những người đàn ông trẻ thành lập Starbucks không thực sự hiểu rõ câu chuyện này. Giống như hầu hết thế hệ chúng ta, chúng ta được cho là “đã đọc” Cá voi trắng nhưng thực ra là lướt qua nó rất nhanh. Cá voi trắng, giống như Ulysses2 của Joyce vậy, là một cuốn sách bắt buộc phải đọc ở chương trình dạy học ở trường, nhưng thực tế chúng ta chưa bao giờ thực sự đọc chúng.
2 Ulysses là tiểu thuyết gồm 3 phần của James Joyce, xuất bản lần đầu năm 1922.
“Còn gì nữa về cái tên không?” chàng trai trẻ hỏi.
“Một cái tên tuyệt vời,” tôi cảm thấy mừng rỡ vì đã trả lời đúng câu hỏi đầu tiên của anh ấy.
Tôi có thể nói rằng Crystal đang hài lòng với tôi, và Yvette đang siết chặt cánh tay tôi.
“Starbucks là một cái tên,” tôi nói, “nó độc đáo, dễ đọc và ẩn chứa những lợi ích tiềm năng quan trọng.”
Đây là những quy tắc đã được chứng minh bởi những cái tên tôi đã viết ra cho khách hàng khi còn làm ở vị trí giám đốc sáng tạo. Những vị khách đó, họ quan tâm đến việc sáng tạo ra những cái tên mới. “Bộ ba của Trò chơi tên gọi” là cái tên tôi đặt cho những tiêu chí quan trọng này.
Chàng trai trẻ sau quầy tròn mắt nhìn tôi ông già kỳ quặc này từ đâu đến vậy? Chắc hẳn đây là suy nghĩ trong đầu cậu ấy.
Crystal đã cười lớn, giờ cô ấy đã biết làm thế nào để tôi có thể bắt đầu một cuộc nói chuyện quảng cáo dù chỉ có một nửa cơ hội. Yvette dần cảm thấy buồn chán, cô muốn nhanh chóng đi sang những địa điểm tiếp theo.
“Ý tôi là,” tôi nhanh chóng giải thích, “mọi người đều muốn trở thành một ngôi sao tỏa sáng và ai cũng muốn kiếm một xô tiền. Vì vậy, Ngôi sao và những cái xô là một cái tên hoàn hảo.”
Cậu thanh niên cười lớn, cả Crystal và Yvette cũng vậy. Ngay cả một vài người đứng xung quanh cũng cười sảng khoái sau khi nghe tôi giải thích tại sao cái tên Starbucks lại có sức hút mãnh liệt đến vậy.
Tôi mắc kẹt trong một chuỗi nhận xét mình đưa ra. Và rõ ràng là chưa có Cộng sự nào từng nghĩ đến sự kết hợp thú vị đó trước đây.
“Ông đã giành được một con gấu bông,” cậu thanh niên hô to và đưa cho tôi một con gấu nhỏ hóa trang thành ông già Noel.
Tôi đưa cho Crystal con gấu bông. Cô cẩn thận nhận lấy nó.
“Nhìn này,” cô ấy nói. “Vải nhung. Những đường may thủ công. Đây là cả một món hời!”
Yvette đang đi khám phá những nơi khác trong căn phòng. Có thể cô ấy đã gặp ai đó mà cô muốn nói chuyện, hoặc điều gì đó thú vị hơn đang diễn ra.
“Đó là một ý nghĩa tuyệt vời khác của cái tên. Ngôi sao… những cái xô. Tôi sẽ ghi nhớ,” chàng trai trẻ nói với theo chúng tôi.
Crystal và tôi dừng chân ở những chiếc ghế được đặt phía trước. Dần dần những chiếc ghế phía sau chúng tôi chật kín. Crystal cẩn thận đặt con gấu vào túi da sang trọng và đắt tiền của cô ấy.
“Tôi không chỉ bảo anh hài hước theo nghĩa đen. Mặc dù đúng là anh giúp tôi có những khoảng thời gian vui vẻ.” Crystal mỉm cười. “Ý tôi muốn nói là cách anh tận hưởng khi phục vụ khách hàng lẫn khi trò chuyện với chúng tôi. Lần đầu tiên gặp anh, trông anh có vẻ lạnh lùng và nặng nề. Nhưng giờ anh thực sự đang tỏa sáng. Tôi đoán đó là những gì tôi muốn nói. Tôi có thể đảm bảo.”
Cô hiền từ nhìn tôi.
“Tôi nghĩ chúng ta giống nhau theo cách đó. Anh hiểu không, Mike. Nhưng nó thật kỳ lạ,” Cô ấy cười. “Tôi chưa bao giờ mong đợi, anh biết đấy, chúng ta sẽ có một trận cười. Và tôi cũng chưa bao giờ nghĩ anh sẽ tặng tôi một con gấu!”
Kester ngồi xuống cạnh tôi, Anthony cũng tham gia.
“Mike đã tặng tôi con gấu bông mà anh ấy thắng từ trò chơi câu đố.” Crystal nói và chỉ vào túi cô ấy.
Tôi đã không nhận ra rằng, mọi sự chăm chỉ khi dọn dẹp lẫn lúc tổ chức hội thảo và nhiều thứ khác nữa, đều không sánh bằng “thành tựu” nho nhỏ này. Nhưng có lẽ với Crystal, con gấu lại chính là biểu tượng cho những “bước sóng” của chúng tôi đang ngày một gần hơn. Tôi không muốn tiếp tục phân tích nó nữa. Cảm giác cũng tốt.
“Tuyệt vời” là tất cả những gì Kester nói, nhưng cậu ấy còn đấm nhẹ vào vai tôi. Tôi cảm thấy mình đang dần có cùng tần số với những Cộng sự khác.
ĐÂU LÀ ĐIỀU CAO QUÝ NHẤT TRONG BẠN, NGHĨ VỀ NÓ, CUỘC ĐỜI BẠN SẼ SÁNG RÕ
Một cảm giác nhẹ nhàng, bình yên và hạnh phúc dâng lên. Thứ mà tôi cảm nhận được bây giờ là thứ tôi chưa từng trải qua. Có lẽ những sai lầm tôi mắc phải – gây ra quá nhiều tổn thương – đã giúp tôi thoát khỏi cái kén êm ái của mình… để bước ra một thế giới tràn đầy sức sống và ánh sáng hơn
Một người phụ nữ bước lên sân khấu. Cô đã ngoài ba mươi. Cô ấy đứng thẳng với phong thái tự tin khi nói trước một lượng lớn khán giả.
“Xin chào,” cô ấy nói, “Tôi là Kathy. Tôi hi vọng tất cả các bạn có một khoảng thời gian vui vẻ hôm nay.”
Có tiếng hò reo cổ vữ từ dưới khán đài.
“Tôi được gọi là giám đốc khu vực, nhưng thực sự tôi chỉ là người giải đáp những thắc mắc của các bạn thôi. Vì vậy, chúng ta hãy bắt đầu nào! Chúng tôi ở đây để trả lời bất kỳ câu hỏi nào của các bạn."
“Làm thế nào để chiếc CD tôi sản xuất với một số người bạn được bán trong cửa hàng?” Một Cộng sự lên tiếng hỏi. Những câu hỏi khác lần lượt cất lên.
“Câu hỏi hay đó,” Kathy sẽ nói như vậy mỗi khi có câu hỏi, rồi sau đó cô liệt kê ra những cái tên mà người hỏi nên gặp để nhận được câu trả lời. Thường thì người cần gặp cũng đang ở sẵn đó. Họ là những người đại diện cho bộ phận âm nhạc, bộ phận bánh ngọt, bộ phận dọn dẹp cửa hàng – tất cả mọi khía cạnh khác nhau trong cuộc sống chúng tôi. Mọi câu hỏi sẽ ngay lập tức được giải đáp.
Tôi choáng ngợp. Chúng tôi chưa bao giờ tổ chức Diễn đàn Mở như vậy tại JWT, một nơi mà tất cả mọi người có thể hỏi bất kỳ câu hỏi nào. Nó chưa bao giờ có. Nếu chúng tôi hạnh phúc, nhân viên chúng tôi phải hạnh phúc, đó thực sự là triết lý của ban lãnh đạo cấp cao.
Sau khi giải đáp liên tục các câu hỏi trong khoảng một giờ, Kathy nói, “Và bây giờ, hãy cùng đón chờ các tiết mục giải trí.”
Kathy và một nhóm người từ ban quản lý bước ra sân khấu trong trang phục như những ngôi sao nhạc rock. Họ nhảy theo một đĩa CD mới mà Starbucks đang bán. Các Cộng sự đều yêu thích nó. Việc ban lãnh đạo cấp cao có thể “làm xấu” chính mình tại nơi công cộng như vậy cho thấy rằng, mọi Cộng sự ở đây không cần phải lo lắng về mối quan hệ cấp trên – cấp dưới. Đó là minh chứng rõ ràng hơn cho câu chuyện lúc nãy: Starbucks đang kinh doanh lĩnh vực giải trí.
Sau “buổi diễn”, Kathy thông báo, “Bây giờ chúng ta hãy chuyển sang phần lễ trao giải. Bắt đầu với giải thưởng cao nhất: Quản lý xuất sắc nhất của năm: Moses Thornton!”
Tiếng vỗ tay cổ vũ ngày một to khi một thanh niên người Mỹ gốc Phi bước lên sân khấu.
Kathy đã đọc một bài diễn văn ca ngợi tất cả phẩm chất của anh ấy và hiệu suất của cửa hàng nơi Moses làm. Ngày càng nhiều tràng vỗ tay cổ vũ rầm rộ hơn.
“Giải thưởng tiếp theo của chúng ta,” Kathy nói, “thuộc về người đã làm rất tốt trong nhiều năm qua… và tôi rất vui được trao giải thưởng Quản lý của Quý cho Crystal Thompson.”
Crystal khẽ giật mình, cô đứng bật dậy. Cả khán phòng như đứng hình. Cô ấy rõ ràng rất được yêu quý. Khi Crystal tiến về phía sân khấu, mọi người bắt đầu vỗ tay.
Crystal vẫy tay chào tôi, Kester, và tất cả những người bạn khác của cô ấy trong đám đông.
Một lần nữa, tôi chợt nhận ra rằng, cho đến thời điểm này, tôi vẫn là người lớn tuổi nhất trong căn phòng này. Những người trẻ này, họ có thứ năng lượng và nhiệt huyết mà tôi nghĩ, chúng ta có thể tìm thấy nó ở một buổi hòa nhạc rock. Mặc dù chính bản thân tôi cũng chưa từng bao giờ tham dự một buổi hòa nhạc như thế.
Trải nghiệm này khác với mọi thứ tôi từng trải qua khi làm trong lĩnh vực quảng cáo. Bất cứ khi nào tôi giành được giải thưởng ở đó, tôi có thể ngay lập tức cảm nhận được sự giận dữ, cạnh tranh đang diễn ra ngay trong căn phòng. Nhưng hầu như chúng đều được ngụy trang bằng những tràng vỗ tay lịch sự.
Ở đây, rõ ràng mọi người đều mừng cho Crystal. Họ biết cô ấy đã làm việc chăm chỉ như thế nào. Họ quý mến cô ấy. Và tôi nghĩ họ cũng biết rằng, bản thân sẽ có cơ hội được công nhận một ngày nào đó. Thế giới quảng cáo tựa như một kim tự tháp, nơi chỉ một số ít được công nhận. Tại Starbucks, mọi người đều được tôn trọng và nhiều người, nếu không muốn nói là hầu hết, đều được công nhận, không chỉ tại diễn đàn đặc biệt ngày hôm nay, mà là tất cả các ngày, tại mọi cửa hàng.
Diễn đàn chỉ là một minh chứng khác về một đội nhóm tuyệt vời, về nơi mà tôi hiện đang là một phần trong đó. Tôi rất vui vì Crystal – cô ấy thực sự là ngôi sao trên sân khấu Broadway.
Khi chúng tôi bước vào kỳ nghỉ lễ, tôi phát hiện ra một điều, nhờ sự thành công của buổi thử cà phê và động thái phát triển chung của cửa hàng, tôi đã thoát khỏi trạng thái cô đơn và mất phương hướng. Trong quá khứ, khi tôi vẫn còn sống với vợ con ở một thị trấn nhỏ miền núi Connecticut, kỳ nghỉ lễ của chúng tôi đầy ắp những chuyến đi cùng gia đình và bạn bè. Trang trại cũ ở New England của tôi – giống y như Currier và Ives ngoài đời thực – sẽ tràn ngập âm thanh, ánh sáng và hương vị của Giáng sinh.
Giờ đây, khi phải sống một mình trong căn hộ nhỏ cạnh đường ray xe lửa ở vùng ngoại ô, với tôi, đó là một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt. Âm thanh lớn nhất vang dội khắp căn phòng tôi là tiếng còi đột ngột của đoàn tàu khi chúng chạy qua ga. Chỗ đó chỉ cách đây khoảng trăm bước chân. Tôi tự hỏi điều gì đã xảy ra với tiếng huýt sáo lãng mạn của những động cơ hơi nước cũ mà Thomas Wolfe đã tìm thấy? Cái tiếng mà anh thấy đầy hứa hẹn về những cuộc phiêu lưu mới khi chúng vang vọng trong Dãy núi Smoky quanh ngôi nhà Asheville thân yêu của anh?
Tiếng còi tàu inh ỏi phá tan chuỗi yên tĩnh của tôi, chúng nghe giống như tiếng lảm nhảm vô tình của những con rô-bốt. Bất chợt tiêu đề của một trong những cuốn sách của Wolfe bật lên trong tâm trí tôi: You Can’t Go Home Again (Tạm dịch: Bạn không thể về nhà lần nữa). Nó chắc chắn đúng với tôi trong những ngày nghỉ lễ này. Tôi đã không còn được lui tới căn nhà cũ nữa.
Vì vậy, tôi rất biết ơn khi có cơ hội rời khỏi căn hộ trống trải của mình, hòa mình vào tinh thần sôi nổi và được tương tác với mọi người trong những ngày lễ tại Starbucks. Phía sau quầy đăng ký và ở phía trước quầy đựng những mẫu thử cà phê, bánh ngọt, thì tôi là một phần của bữa tiệc nho nhỏ.
Những nỗi đau, cảm giác tội lỗi về mọi tổn thương mà tôi đã gây ra luôn dữ dội hơn vào những ngày “nghỉ lễ gia đình”. Nó cứ lì lợm ở sâu thẳm trong trái tim tôi. Nhưng giờ đây, chúng đã phần nào dịu đi. Thỉnh thoảng tôi đã để nó rơi vào quên lãng, để bản thân chạy theo những hoạt động hối hả trong mỗi ca làm việc. Cửa hàng đông khách, có nhiều việc phải làm hơn. Giờ tôi đã học được cách hoàn thành mọi việc tốt hơn. Và tôi tự hào khi mình đã có khả năng giúp đỡ những Cộng sự – thay vì trở thành người luôn cần sự giúp đỡ.
Tôi cố gắng dành thời gian thăm Jonathan ít nhất một hoặc hai lần một tuần. Tôi đã mua cho thằng bé một số đoàn tàu nhỏ bằng gỗ, và chúng tôi sẽ cùng nhau chơi với chúng, di chuyển chúng qua lại trên sàn. Thật nhẹ nhõm khi ở bên thằng bé. Nó sẽ không bao giờ hỏi bất cứ câu hỏi nào gây tổn thương cho cả hai. Và Jonathan còn có một biệt tài, đó là tìm ra điều tích cực trong mỗi khoảnh khắc.
Khi tôi nuôi dưỡng Jonathan, thằng bé cũng nuôi dưỡng tôi. Ngắm nhìn niềm vui của thằng bé khi di chuyển đoàn tàu chính là một khắc bình yên trong tôi. Chúng tôi sẽ cùng chơi, tham gia các chuyến phiêu lưu của những món đồ chơi. Đôi khi người máy màu xanh có thể cần trợ giúp. Jonathan sẽ “lái” một chiếc xe chở than từ chỗ này đến chỗ khác. Có lần, thằng bé nhảy lên, uyển chuyển di dời một chiếc ghế hay chướng ngại vật nào đó đang cản trở đường tàu đi. Mỗi khoảnh khắc, được cùng con chia sẻ niềm vui thú vô bờ bến, mọi cảm giác mất mát cũng như nỗi sợ hãi về tương lai, tôi đều đặt ra phía sau.
Cô con gái của tôi, Bis, hiện đang ở Ireland để quay phim. Còn những người con khác thì dành thời gian nghỉ lễ để về thăm căn nhà tại Connecticut, nơi mà tôi không còn được chào đón nữa. Tôi đã gọi điện cho họ, chúng tôi nói chuyện với nhau, nhưng tình huống lúc nào cũng khó xử và đau đớn, dù chúng tôi đã cố gắng giữ mọi thứ tích cực nhất có thể. Chúng tôn trọng những vất vả mà tôi bỏ ra để có công việc hiện tại. Một công việc chẳng hề liên quan đến nhu cầu về địa vị trước đây của tôi.
Và công việc của tôi giờ không chỉ đơn giản là “một công việc” trong kỳ nghỉ lễ. Crystal và các cộng sự dần dần lấp đầy khoảng trống trong cuộc sống của tôi bằng năng lượng vui vẻ. Điều đó làm tôi nhẹ nhõm. Tôi không được mời tham dự các bữa tiệc giáng sinh tại nhà của những người bạn trước đây. Và tôi cũng sẽ chẳng thoải mái nổi nếu thực sự được mời. Tôi không muốn gây thêm nỗi đau cho gia đình và bạn bè, những người mà tôi đã làm tổn thương bằng cách xuất hiện như một bóng ma của những mùa Giáng sinh xưa.
Cửa hàng Starbucks đã trở thành nơi nương tựa cho tôi trong khoảng thời gian đầy biến động, nhiều cảm xúc lẫn lộn này. Cửa hàng ấy trên con đường Broadway lâu đời giống như một hòn đảo giữa quần đảo Manhattan, nơi mà bạn sẽ luôn nhận được chào đón nồng nhiệt. Ở đó tôi đã học cách tồn tại và tạo ra những kết nối mới. Theo một nghĩa rất thực, nó đã trở thành ngôi nhà mới của tôi trong những ngày nghỉ.
Giờ tôi đã nhận ra cảm xúc mình dành cho Crystal và các Cộng sự. Và tôi thực sự ngưỡng mộ những công việc mà họ đang làm và giúp tôi làm. Thật tuyệt khi mà bản thân có thể đóng góp, dù chỉ một chút, cho thành công của cửa hàng. Tôi – một ông già chuẩn bị “lìa đời” theo đúng nghĩa đen – vẫn có thể có giá trị với những Cộng sự của tôi. Điều đó mang lại cho tôi cảm giác rằng mình vẫn có thể có giá trị ở thế giới này.
Thêm một buổi dùng thử cà phê nữa thành công. Tôi bước ra về, lúc đó một cơn gió lạnh của tháng Mười hai thổi qua. Thời tiết đã thay đổi đáng kể trong vài ngày qua. Tôi kéo mũ len xuống và đeo găng tay len vào.
Bước từng bước về phía tàu điện ngầm, đèn đường ở trung tâm thành phố dường như sáng hơn. Có thể đó là một “mánh khóe” để hạ nhiệt độ. Chúng cứ như thể đang lấp lánh một cách kỳ diệu trong một ngày mùa Đông lạnh buốt.
Tôi đi từng bước, đột ngột dừng lại phát giác: “Tôi hạnh phúc hơn bao giờ hết,” tôi nói bật ra thành tiếng.
May mắn thay, ở thành phố New York, nếu bạn có lớn tiếng đến mức nào đi nữa thì sẽ không ai để ý, hay nhìn bạn với ánh mắt kỳ dị.
Tôi tháo chiếc găng tay vừa đeo vào.
Đặt tay lên trái tim mình.
Tôi có thể cảm thấy hạnh phúc đang nhẹ nhàng dâng trào bên trong. Một loại hạnh phúc mà tôi chưa bao giờ cảm thấy trước đây.
Điều gì đang diễn ra?
Tôi gần như sợ hãi, sợ hãi khi phải thừa nhận với bản thân rằng, bây giờ tôi đã hạnh phúc như thế nào khi làm nhân viên pha chế tại Starbucks.
Đây không phải là công việc đem lại cho tôi địa vị hay cuộc sống sung túc như bố mẹ, gia đình, bạn bè tôi mong đợi.
Điều này có nghĩa là toàn bộ cuộc sống trước đây của tôi – tất cả sáu mươi tư năm – chỉ là một trò đùa?
Không. Tôi lắc đầu, đứng chôn chân tại chỗ, tự tranh luận với chính mình. Tôi vẫn yêu nhiều thứ. Tôi vẫn yêu các con tôi. Nhưng tôi phải trung thực thừa nhận, tôi ghét phần lớn những gì tôi có ở quá khứ, một cuộc sống với địa vị cao nhưng đầy rẫy những hoạt động vô nghĩa.
Tôi quay vòng trở lại Broadway. Tôi muốn đi bộ một lúc. Tôi phải suy nghĩ. Tôi không muốn đến ga tàu điện ngầm quá sớm tối nay. Còn đèn ở đây lại quá sáng.
Tôi đang nghĩ gì vậy?
Tôi ghét khi phải nghĩ rằng cả cuộc đời mình chỉ toàn giả dối.
Nhưng tôi phải thừa nhận tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều khi sống cuộc sống khác biệt này, ngay cả căn hộ nhỏ của tôi. Tôi cảm thấy tự hào vì có thể sống và tự nuôi sống bản thân. Vẫn vậy, nó không có ý nghĩa gì cả. Những gì tôi vừa mới có ở tuổi sáu mươi tư, thì mọi người đều đã có hết. Vậy tại sao tôi vẫn rất hạnh phúc?
Tôi được cảm nhận lại trái tim mình một lần nữa.
Một cảm giác nhẹ nhàng, bình yên và hạnh phúc dâng lên. Thứ mà tôi cảm nhận được bây giờ là thứ tôi chưa từng trải qua.
Có lẽ những sai lầm tôi mắc phải – gây ra quá nhiều tổn thương – đã giúp tôi thoát khỏi cái kén êm ái của mình để bước ra một thế giới tràn đầy sức sống và ánh sáng.
Tôi không hiểu. Tôi thực sự không thể nghĩ thông suốt.
Nhưng tôi biết tôi cảm thấy gì trong trái tim mình.
Crystal đã nói: “Hãy làm theo trái tim anh.”
Lòng tôi ngập tràn niềm hạnh phúc mà tôi chưa từng biết đến.
Tôi lẽ ra phải biết rằng mọi thứ sẽ thay đổi.