“Hãy thử dịu dàng một chút…”
Một câu hát của Otis Redding cất lên, khi tôi đang dọn dẹp ở Starbucks để chuẩn bị đóng cửa
DÙ CHÚNG TA CÓ SỢ HÃI, THỰC TẠI VẪN TIẾP DIỄN
Xoay chuyển những thứ tiêu cực thành tích cực là “nghề” của tôi. Và bố mẹ tôi cũng luôn khuyến khích tôi giữ vững tinh thần tích cực trong mọi việc – như một hoạt náo viên. Hãy coi mọi chuyện là những đứa trẻ đang cần tôi, nuôi dưỡng
THÁNG CHÍN – THÁNG MƯỜI
Hơn một tháng trôi qua, tôi đã bắt đầu tự tin hơn với công việc tại Starbucks. Cùng Crystal mở cửa hàng mỗi sáng là một bước đột phá lớn trong quãng đời đi làm ở đây. Tôi cũng đã quen khi phải vừa giúp khách đặt đồ uống vừa nói chuyện với họ cùng một lúc – mặc dù vẫn có nhiều sai lầm diễn ra. Rồi một ngày, khi Crystal đang chuẩn bị lịch trình cho tuần tới, cô ấy nói với tôi: “Đã đến lúc để anh phụ trách việc đóng cửa hàng rồi, Mike.”
“Đừng lo,” Crystal tiếp tục. “Anh sẽ cùng Kester làm công việc này. Cậu ấy chính là Cộng sự giỏi nhất ở đây đấy.”
Mùa Thu năm nay dường như đến sớm hơn bao giờ hết, ngày đang dần ngắn đi. Tôi hơi rùng mình khi đợi chuyến tàu đến. Một phần là do cơn gió lạnh, một phần là vì kết quả kiểm tra khối u của tôi vừa nãy.
Hôm nay tôi không có bất cứ ca làm nào cho đến tám rưỡi tối, vì vậy tôi đã quyết định đi chụp MRI vào buổi sáng. Trợ lý của bác sĩ Lalwani đã gọi tôi nhiều lần để đảm bảo sắp xếp được một cuộc hẹn. Cô ấy ngày càng nhấn mạnh hơn vào tầm quan trọng của buổi khám này. Đã hơn sáu tháng kể từ lần gần nhất tôi gặp bác sĩ, lần đó tôi đã được nghe tin sốc rằng có một “sự phát triển nhỏ” ở đáy não.
Tôi đã nói với các con của mình về khối u – nhấn mạnh rằng nó không phải là giai đoạn cuối nên không cần phải làm gì ngay. Tuy nhiên, tôi biết chúng vẫn phiền lòng về chuyện này.
Tôi đã không nói với Crystal và các Cộng sự khác về khối u này. Tôi không muốn họ thương hại. Chính nhờ sự bình đẳng giữa mọi người, không có bất cứ “đặc quyền tuổi già” nào cho tôi, đã giúp tôi ngày một tự tin và đam mê với công việc này hơn. Bây giờ tôi nhận ra quá trình trưởng thành của mình đã bị trì hoãn suốt cả một quãng thời gian dài. Và tôi không muốn có thêm bất kỳ thân phận đặc biệt nào cản bước tôi nữa.
Một lần, JWT thực hiện một buổi phỏng vấn tất cả những nhân viên làm việc cho tôi. Tôi rất ngạc nhiên khi mọi người đều nói rằng họ sợ tôi. Tôi luôn nghĩ mình là một “nhà độc tài nhân từ”. Nhưng rõ ràng các nhân viên không thấy cái “nhân từ” ở tôi khi là một ông sếp.
Còn ở đây, những Cộng sự hiện tại không hề bị ảnh hưởng bởi lý lịch, tuổi tác, trình độ hay khả năng sáng tạo “ý tưởng bán hàng thành công” của tôi. Trong mỗi ca làm tại Starbucks, áp lực ở đây lớn đến mức mọi thứ biến thành một dạng dân chủ tức thời. Ai cũng vậy, chúng tôi không có đủ thời gian cho bất cứ thứ nào khác ngoài ý nghĩ: Làm thế nào để hoàn thành công việc một cách đúng nhất và nhanh nhất. Bạn phải hợp tác ăn ý với các Cộng sự xung quanh để nhanh chóng giao cho Khách hàng một Tall Coffee With Room1. Nếu không, toàn bộ trải nghiệm mà họ đáng nhẽ có sẽ không còn.
1 Ở Starbucks nếu muốn tự cho sữa và đường vào cốc cà phê, thì bạn chỉ cần thêm “With Room” vào cuối mỗi đơn đồ uống bạn gọi.
Tôi thích cảm giác được trở thành một phần của một nhóm hài hòa – ở đó không có bất cứ đặc quyền nào dành cho tôi.
Một lý do cuối cùng mà tôi không muốn nhắc đến khối u với Cộng sự là bởi, tôi không muốn gợi nhớ lại cho bản thân sự tồn tại của nó. Đôi khi vào ban đêm, trước khi chìm vào giấc ngủ, tôi có thể nghe thấy tiếng vo ve, xì xào bên tai trái. Tôi ghét sự thật rằng, bằng cách nào đó, trong số hàng triệu người, tôi lại là người phải liên tục chịu đựng nỗi đau khổ hiếm hoi này.
Tuy nhiên, tôi cũng biết ơn rằng nó đã không chuyển biến tệ hơn: Có lẽ tôi đang chết dần, hoặc sẽ chết vào một ngày nào đó. Con gái tôi, Bis, đã tặng tôi một chiếc đài Bose. Tôi thường xuyên bật những bản nhạc cổ điển để lấn át đi những tiếng ồn ào kia, rồi bản thân dần chìm vào giấc ngủ.
Bây giờ tôi hi vọng mình có thể hoãn lại cuộc phẫu thuật đáng sợ kia một lần nữa.
Trợ lý của bác sĩ Lalwani đã chuẩn bị xong buổi chụp MRI và tư vấn cùng bác sĩ ngày hôm nay. Vì vậy tất cả sẽ chỉ mất vài giờ. Chụp MRI không gây đau đớn, nhưng trong khoảng thời gian chờ đợi bên ngoài phòng bác sĩ Lalwani, tôi phải chịu một cảm giác đau đớn choáng voáng. Giữa chừng, ông ấy bước ra và nhìn thấy tôi ở ngoài.
Ông ấy có lẽ đã nhìn thấy vẻ mặt đau khổ cùng với tiếng gõ chân lên sàn đầy lo lắng của tôi.
“Anh hãy đi đến cuối hành lang và thử kiểm tra tai xem,” ông ấy nói với tôi.
Tôi nghe theo và sải bước đến cuối hành lang.
Người ta thường nói bác sĩ giống như thần thánh. Họ nắm giữ số phận chúng ta trong tay. Nên tôi sẽ cố gắng ngoan ngoãn hết mức có thể.
“Bác sĩ Lalwani bảo tôi đi khám tai,” tôi nói với người phụ nữ ở bàn làm việc.
Họ dẫn tôi đi khám ngay lập tức. Rõ ràng cái tên của ông ấy là ma thuật trong bệnh viện này. Tôi nhớ lại câu nói đùa: “Tôi sắp chết vì ung thư, nhưng tôi đã có bác sĩ vĩ đại nhất ở Mỹ.”
Tôi đã thử mọi cách để đánh lừa người đang khám tai cho tôi, hét lên chắc nịch “Vâng!’ dù không thật sự nghe thấy gì, nhưng cuối cùng cô ấy nói rằng thính giác bên tai trái của tôi chỉ đạt 20%.
“Nhưng tai phải của tôi rất hoàn hảo!” Tôi muốn câu chuyện trở nên tích cực hơn. Xoay chuyển những điều tiêu cực thành tích cực là “nghề” của tôi. Và bố mẹ tôi cũng luôn khuyến khích tôi hãy giữ vững tinh thần tích cực trong mọi việc – như một hoạt náo viên. Hãy coi mọi chuyện là những đứa trẻ đang cần tôi, bố mẹ của chúng, nuôi dưỡng.
“Không hoàn hảo lắm đâu,” người phụ nữ trẻ trả lời, cô kiểm tra biểu đồ, và không hề phân tâm trước sự lạc quan của tôi, “nhưng nó là chuyện bình thường ở độ tuổi này.”
“Bình thường ở độ tuổi này.” Tôi ghét những lời đó. Starbucks đang giúp tôi lấy lại niềm tin rằng bản thân gần như có thể theo kịp những người trẻ hơn mình cả một hoặc hai thế hệ. Còn ở đây, cô gái ấy đã đưa tôi trở lại với một thực tại đáng sợ: Tôi đã sống đến sáu mươi tư năm.
Tôi lê la khắp hành lang như một người chơi shuffleboard1. Cầm trên tay kết quả kiểm tra tai, tôi đưa cho bác sĩ Lalwani.
1 Shuffleboard là một trò chơi trong đó người chơi đẩy các bi sắt xuống khu vực ở đầu đối diện của một chiếc bàn gỗ dài.
Ông ấy liền dẫn tôi vào văn phòng.
Ông mỉm cười. Nhưng rồi tôi nhận ra rằng Bác sĩ Lalwani luôn mỉm cười. Ông đã mỉm cười khi báo cho tôi một tin sốc, tôi có một khối u hiếm gặp ở não. Liệu rằng đó là biểu hiện của niềm hạnh phúc hay là sự lo lắng… hay, ngược lại, tôi hi vọng nụ cười lần này của ông là dấu hiệu cho một kết quả tích cực về căn bệnh tôi mắc phải?
“Tin tốt đây,” ông nói, đặt kết quả MRI lên chiếc bảng có hắt sáng gắn trên tường văn phòng. “Gần như không có sự phát triển nào ở khối u.”
“Điều đó có nghĩa là?”
“Khối u càng nhỏ thì càng ‘thanh lịch’ khi loại bỏ chúng.”
“Thanh lịch.”
“Có thể nói rằng mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn khi khối u vẫn còn nhỏ.”
“Nhưng các ông vẫn sẽ mổ đầu tôi?”
“Đúng vậy.”
“Và ông từng nói rằng nó rất nghiêm trọng.”
“Chúng ta đều biết chẳng có buổi phẫu thuật não nào là không nghiêm trọng cả.”
Ông ấy vẫn cười. Tôi không thể phủ nhận những năng lượng hạnh phúc mà Bác sĩ Lalwani luôn tỏa ra từ trước đến nay. Ông ấy rõ ràng luôn đi theo con đường hạnh phúc của riêng ông. Nhưng niềm hạnh phúc của ông nghe hơi điên rồ, đó là mở hộp sọ của mọi người.
“Nhưng nếu nó,” tôi không thể bật ra từ “khối u” khỏi miệng, “chưa phát triển nhiều, cõ lẽ tôi không cần phẫu thuật ngay bây giờ.”
Bác sĩ Lalwani xem xét lại bản chụp MRI lần nữa.
“Đúng vậy,” ông chậm rãi đáp. “Chúng ta có thể tiếp tục theo dõi thêm vài tháng nữa.”
Tôi đã từng nghe thuật ngữ “theo dõi” trước đây. Nó nghe như thể một dấu hiệu cho tin xấu sắp tới. Nhưng giờ tôi lại yêu cái âm thanh sáo rỗng đó, và cố nắm lấy cụm từ mệt mỏi đó như kẻ chết đuối đang gắng gượng tìm trợ giúp.
“Nghe hay đấy,” tôi nói. Tôi muốn nói “Nghe hay đấy!” nhưng không muốn tỏ ra quá nhiệt tình. Tôi không muốn Bác sĩ Lalwani nhận ra rằng tôi sẽ làm mọi thứ để tránh phải chịu nhát dao của ông ấy.
“Và thính giác của anh có vẻ đã yếu đi, nhưng không nhiều lắm,” ông vừa nhìn vào kết quả kiểm tra thính giác vừa nói như thể đang nói với chính mình chứ không phải với tôi.
“Không, không,” tôi xen vào, “không hề yếu đi chút nào. Tôi có thể theo kịp mọi đơn hàng phức tạp tại Starbucks.”
“Starbucks?” Tôi đã quên rằng mình chưa đề cập đến những thay đổi công việc gần đây cho Lalwani. Đối với Bác sĩ Lalwani, tôi rõ ràng chỉ là một ứng cử viên cho một buổi phẫu thuật thành công nữa.
“Anh làm gì ở đó vậy?” Ông hỏi, bắt đầu thu thập lại những kết quả MRI và chuẩn bị gặp bệnh nhân tiếp theo. “Quản lý cửa hàng?”
“Không, tôi chỉ là nhân viên ở đó.”
Ông ấy nhìn tôi. Lalwani không bắt kịp câu tôi vừa nói, nhưng ông ấy cũng không có thời gian để tìm hiểu thêm.
“Được rồi,” ông quay lại nói với tôi, với tư cách là một bệnh nhân, không phải là nhân viên Starbucks, “Tôi sẽ dặn Lisa gọi lại cho anh và sắp xếp một buổi MRI khác trong vài tháng tới.”
Tôi nhanh chóng đứng dậy và bắt tay với ông ấy. Cũng không quá ngạc nhiên khi vào một khoảnh khắc nào đó cuộc sống bạn bất chợt sụp đổ bởi vài tin tức. Nhưng vài giây sau, trong những giây phút tuyệt vọng đó, khi nhu cầu sinh tồn bằng bất kỳ giá nào xuất hiện, bạn sẽ có thể tìm ra cách để xoay chuyển trong đầu. Biết tin mình sẽ không cần phẫu thuật trong thời gian tới, lòng tôi chợt nhẹ nhõm. Gần như, tôi phải thừa nhận, tôi rất vui!
Tôi vội vàng rời văn phòng của Bác sĩ Lalwani trước khi ông ấy kịp thay đổi ý định. Tôi sợ bệnh viện và các cuộc phẫu thuật. Ngoài ra, tôi biết nếu mình phải nghỉ việc tại Starbucks vào lúc này, chẳng phải tôi sẽ gây thêm rắc rối cho tôi và cả những Cộng sự khác. Tôi mới chỉ bắt đầu học được cách giúp đỡ mọi người.
Tôi thậm chí còn chưa có cơ hội đóng cửa hàng!
NẾU CÒN NIỀM TIN VÀO BẢN THÂN, NGƯỜI TA SẼ LÀM ĐƯỢC MỌI THỨ BẤT KỂ KHÓ KHĂN RA SAO
Chạy! Tôi tiếp tục tiến về phía trước. Chợt tôi nhận ra, ở nhiều khía cạnh, trong công việc này, tôi thực sự lạc lõng
Khi tôi đến cửa hàng thì trời đã tối, tám giờ hơn. Ca làm việc của tôi bắt đầu từ tám rưỡi cho đến nửa đêm.
Kester đã ở đó, cậu chào đón tôi với một nụ cười thật tươi. Crystal đứng ở ngay phía sau, tôi tránh sang một bên để nhường cô ấy đi.
“Đôi khi chúng ta sẽ gặp chút rắc rối với khách hàng trong thời gian đóng cửa,” cô ấy ngay lập tức đi vào trọng tâm bằng giọng nói chuyên nghiệp.
“Dù anh làm gì, đừng chạm vào khách hàng.”
“Chạm vào khách hàng?” Tôi ngạc nhiên xen lẫn chút băn khoăn. Ý cô ấy là gì?
“Tôi đang nói về việc khiến ai đó rời đi, dù là chỉ nắm lấy cánh tay họ kéo đi. Một Cộng sự ở đây đã đánh một khách hàng khi họ không chịu rời đi. Chúng ta đã bị kiện và phải bồi thường một triệu đô-la. Tôi đã phải sa thải cậu ấy. Đừng thực hiện bất cứ
'cú đấm triệu đô nào cả'.”
Tôi gần như bật cười. Cô ấy không biết mình đang nói chuyện với ai sao? Một kẻ hèn nhát bẩm sinh.
Tôi đáp lại, “Tôi hứa. Không có bất cứ cú đấm nào cả.”
Tôi mỉm cười khi nghĩ về kinh nghiệm chiến đấu duy nhất của đời mình.
“Có gì buồn cười vậy?” Crystal hỏi khi thấy tôi mỉm cười. “Không có gì,” tôi nói. “Tôi chỉ nhớ đã gặp Muhammad Ali.”
“Anh đã nhìn thấy Ali?” Kester đến tham gia cuộc trò chuyện.
“Đúng vậy, tôi đã xem trận đấu chuyên nghiệp đầu tiên của anh ấy ở New York, đối thủ hôm đó là Doug Jones.”
“Tuyệt,” Kester nói.
“Đấy là trận đấu đầu tiên của Doug Jones sau khi anh ấy giành huy chương vàng tại Thế vận hội. Trận đấu diễn ra ngay tại New York, Madison Square Garden.”
“Nghe này,” Crystal ngắt lời, cô tỏ ý không muốn nghe tiếp cuộc trò chuyện của cả hai, “hãy cẩn thận, Mike. Được chứ?”
Crystal đang ở chế độ nghiêm túc. Đối với cô ấy đó là điểm quan trọng tôi cần nhớ và cô không muốn tôi tùy tiện làm nó.
Tôi nghiêm túc nhìn cô ấy. “Vâng, tôi hiểu rồi,” tôi nói.
“Hẹn gặp lại sau.” Cô đi ra khỏi cửa. Tối nay có một chiếc ô tô màu đen lạ mắt khác đang đợi cô.
“Ai vậy?” Tôi hỏi Kester.
“Xe đón Crystal. Cô ấy đi hạng nhất.” Kester mỉm cười, sau đó cậu gọi lớn: “Này, Charlie, qua đây đi. Mike có một câu chuyện về Muhammad Ali.”
Charlie rút tai nghe và tham gia cùng chúng tôi. May mắn thay, bây giờ đang không có khách nào.
“Trận đấu chuyên nghiệp đầu tiên của Ali,” tôi nói, “diễn ra chỉ cách đây vài dãy nhà, từ đây đi xuống Madison Square Garden. Anh ấy đã thắng trong mười hiệp đấu.”
Tôi có thể nhìn thấy vẻ mong đợi trên khuôn mặt họ. Họ muốn nhiều hơn thế. Thậm chí, lúc Ali chiến đấu, họ còn chưa được sinh ra.
“Ali nói rằng anh có thể ‘tự do như bướm, đốt đau như ong’.”
“Tuyệt,” Charlie nói. “Giống như các bản nhạc rap.” Charlie say mê âm nhạc và mọi thứ đối với anh ấy có lẽ giống như một bản nhạc rap.
“Đại loại,” tôi nói. “Ali chắc chắn là một nhà thơ.”
“Như thế nào cơ?” Charlie nói, và Kester cũng nhìn tôi một cách khó hiểu.
“Anh ấy sẽ sáng tác những bài thơ kể về những trận đấu anh từng có. Ali đã từng viết một bài cho tôi. Khi đó tôi đang làm việc cho một tạp chí. Tôi đã đề nghị anh ấy viết một bài thơ. Và trong phòng thay đồ, Ali đã sáng tác luôn một bài.”
“Anh ấy thật tốt,” Charlie nói, và Kester gật đầu.
“Đấy chỉ là một đoạn thơ ngắn thôi.” Tôi nhận ra vẻ kinh ngạc của Charlie trước kỹ năng sử dụng ngôn từ của Ali.
Tôi không kể thêm cho họ chi tiết ngoài lề là tôi đã cố vào phòng thay đồ của Ali bằng cách tự xưng mình là “nhà báo”. Lúc đó với chức danh là một biên tập viên của Tạp chí Văn học Yale, tôi đã đề nghị anh ấy làm một bài thơ. Nhưng có vẻ họ không để ý đến chuyện tôi đã gặp Ali như thế nào. Điều họ quan tâm là bản thân Ali. Tôi chia sẻ với họ bài thơ Ali sáng tác.
“'Doug Jones già béo như gà mái…’ Ali viết.”
Kester và Charlie bắt đầu cười, “'Nhưng anh chàng đấy đã lừa tôi, trận đấu này diễn ra tận mười hiệp.’”
“Khá tốt đấy chứ,” Charlie nói “không tệ khi ở hoàn cảnh đó,” và cậu ấy chỉ về phía đầu của mình.
“Anh ấy là võ sĩ quyền anh nhanh nhất, thông minh nhất từ trước đến nay,” tôi nói, luôn cố gắng nói cho cả thế giới biết điều tuyệt vời này. Khi có một người vĩ đại nhường này, một vận động viên tuyệt vời với khả năng ngôn từ kỳ diệu. Đến mức anh ấy chỉ cần ngồi xuống với một chiếc khăn tắm buộc ngang thắt lưng, dù vừa mới phải thi đấu một trận chiến lớn nhất trong đời, mà vẫn có thể sáng tác được đoạn thơ ngắn cho một người mà anh ấy chưa bao giờ gặp trước đây.
Cả hai đang cực kỳ hứng thú với câu chuyện về Ali, nhưng thời gian trong mỗi ca làm việc của Starbucks luôn có hạn – chúng tôi có rất nhiều việc cần làm.
Charlie đeo tai nghe lên, trong lúc đang dọn dẹp quầy pha cà phê espresso, Charlie nghe những bài hát phát ra từ chiếc CD do chính cậu sản xuất. Kester nói: “Mike, anh có muốn dọn khu phía trước cửa hàng không?”
“Chắc chắn rồi,” tôi nói.
“Đây, để tôi giúp anh chuẩn bị. Tất cả bắt đầu với một cây lau nhà. Anh phải chuẩn bị cây lau nhà và nước.”
Chúng tôi bước vào nhà kho. Kester đưa cho tôi một cây lau nhà và chỉ cách trộn nước nóng và một loại xà phòng đặc biệt vào thùng. Nó sẽ giúp công đoạn lau sàn hiệu quả và khô nhanh hơn.
“Giờ đủ rồi,” cậu ấy nói và giúp tôi đẩy cây lau nhà cùng thùng nước trở lại phía trước cửa hàng. Thùng xe có gắn chiếc bánh xe nhỏ, nó cứ lăn thẳng đều trên đường.
“Đầu tiên là lau,” Kester nói, cậu dừng lại khi chúng tôi vừa đến trước quầy.
“Tiếp tục lau đi lau lại, nên anh sẽ không có nhiều việc trong một tiếng cuối ca đâu. Ngoài ra, anh sẽ phải đảm bảo giá gia vị có đầy đủ khăn ăn và đường, mọi thứ ở đúng vị trí của nó. Hãy chú ý để luôn có đủ cho khách dùng. Còn bức tường đựng những túi hạt cà phê. Mọi người sẽ mua thêm nhiều loại cà phê khác nhau trong đêm nay. Anh sắp xếp lại chúng lên giá nhé. Khi ca sáng đầu tiên bắt đầu, anh biết mà, chúng ta sẽ không có thời gian để xếp chúng đâu. Vì mọi công việc đều đếm bằng giây khi chúng ta mở cửa. Nên chúng ta phải đảm bảo rằng mình đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ cho sáng hôm sau từ tối hôm trước.”
Kester dừng lại. Đây là câu dài nhất mà cậu ấy từng nói với tôi. Nhưng đúng là cậu ấy hiểu rõ tầm quan trọng của việc đóng cửa hàng này. Tôi đã nghe những Cộng sự khác mô tả về Kester như một “người thân thiện tuyệt vời”. Thật tuyệt khi được học hỏi từ người giỏi nhất.
“Chúng ta cũng có đủ thời gian để pha cà phê cho buổi sáng,” Kester chỉ tay về phía quầy pha cà phê espresso cùng các bình cà phê, “chúng ta chỉ cần đảm bảo tất cả các hạt cà phê đã được dự trữ đủ trong đó. Bây giờ anh có thể đi đổ rác nữa. Chỉ cần lấy nó từ tầng hầm và đặt nó bên lề đường. Sẽ có người mang nó đi.”
Kester vỗ lưng tôi để động viên tinh thần. Dường như cậu ấy chưa từng nghi ngờ khả năng của tôi. Hành động đó có nghĩa rằng cậu ấy đang đối xử với tôi như thể cả hai là những chàng trai cùng tuổi.
Nhưng bịch rác này quả là một thử thách đối với cơ thể hiện tại. Ở đây chắc phải có đến hai mươi túi rác chứa đầy bã cà phê và những thứ khác. Chúng rất nặng. Và tôi sẽ phải leo lên một chiếc cầu thang sắt dốc đứng.
Tôi có thể cảm thấy tim mình đang đập thình thịch khi phải nhấc chúng lên theo một đường dốc thẳng đứng. Từng giọt một hôi bắt đầu rơi xuống. Tôi tự nhủ điều này tốt cho chính mình: Như một bài tập thể dục nhịp điệu thôi Mike. Tôi cố gắng gượng cười, mặc dù trông nó có vẻ nhăn nhó, căng thẳng hơn khi mang những chiếc túi nặng.
Tôi vật lộn với bao rác khổng lồ, vừa đi được nửa cầu thang thì suýt đụng phải Charlie trên đường đi xuống. Cậu ấy đang đeo tai nghe và lắc lư theo nhạc, nhưng cậu kịp thời nhìn thấy tôi và nhanh chóng lùi lên. Cậu có vẻ ngoài khỏe khoắn khiến tôi ghen tị. Trong khi tôi chưa bao giờ là một người khỏe mạnh. Nhìn những Cộng sự trẻ tuổi này tôi buộc phải thừa nhận rằng mình già hơn họ bốn mươi tuổi.
Những công việc mà họ dễ dàng làm, thì đối với tôi lại là một cuộc vật lộn. Tôi đã từng thấy Kester xách hai thùng si-ro vani, chạy như bay lên cầu thang. Dù mỗi thùng nặng 10kg. Còn bây giờ, Charlie gần như vừa nhảy ngược lên trên những bậc thang, trong khi tôi đang mắc kẹt với những rắc rối này.
Cậu tháo tai nghe khi tôi đi ngang qua, điều mà tôi coi như một dấu hiệu cho sự lịch sự.
“Tôi xách hộ anh nhé?” Cậu hỏi.
“Cảm ơn Charlie,” tôi đáp lại một cách đề phòng, thực chất câu đó là một phản ứng tử tế thì đúng hơn. Tôi sợ rằng mình sẽ bị coi là quá già với bất kỳ công việc nào. Nếu đóng cửa hàng đồng nghĩa với việc mang một đống bao rác nặng lên những bậc thang dốc, tôi muốn chứng minh rằng mình không cần ai giúp đỡ.
Charlie dường như không nhận ra. Cậu ấy bắt đầu vân vê tai nghe của mình rồi chuẩn bị đeo lại.
“Này, Mike, anh có đóng cửa tối nay không?”
“Ừ có.”
“Tuyệt,” Charlie nói. “Hãy nâng nó lên một tầm cao mới.”
Charlie luôn tràn đầy năng lượng lạc quan như vậy. Tôi đã làm việc với cậu ấy vài lần rồi. Cậy ấy sẽ đến sớm và tự pha cho mình một ly “red eye”, một loại cà phê gồm một ly espresso trộn với cà phê thông thường. Dường như lúc đó cậu thực sự “bật dậy” trong ca làm việc của mình, có lẽ là bởi cậu đã được cung cấp thêm caffeine.
Vài tuần trước, Charlie đã nói với tôi rằng cậu đang thành lập một “công ty âm nhạc”. Hầu như mỗi khi tôi gặp cậu ấy, cậu ấy đều cho tôi xem một CD mới mà cậu đã làm. Cái gần đây nhất là chiếc đĩa có một bức ảnh lớn của Charlie trên bìa ngoài. Câu là một chàng trai trẻ, đẹp trai với bộ ria mép nhỏ. Trong ảnh, cậu ấy mặc áo sơ mi, bỏ mấy chiếc cúc đầu và đeo một cây thánh giá lớn bằng vàng trên ngực.
“Của bà tôi đó,” Charlie nói. “Tôi luôn đeo nó đi khi làm.”
Cậu ấy cười, nhưng tôi biết cậu rất nghiêm túc. Bên dưới vẻ bề ngoài vui vẻ, Charlie là một người đàn ông nghiêm túc. Với những ước mơ lớn.
Bây giờ cậu đeo tai nghe lên, cẩn thận giữ chúng ở vị trí phù hợp, rồi chạy xuống cầu thang. Chạy! Tôi tiếp tục tiến về phía trước. Chợt nhận ra ở nhiều khía cạnh, trong công việc này, tôi thực sự lạc lõng.
MỌI THÀNH CÔNG ĐỀU BẮT NGUỒN TỪ SỰ HÀI LÒNG VỚI CÔNG VIỆC, HÀI LÒNG VỚI CHÍNH MÌNH
Cuộc sống là cuộc sống – nó bao gồm tất cả những khúc ngoặt đầy kỳ lạ, bất ngờ… Hãy thử thử dịu dàng một chút. Bắt đầu với chính mình. Tôi sẽ không quá khắc nghiệt với bản thân. Điều quan trọng nhất của tôi bây giờ là gì? Làm việc, làm việc chăm chỉ và học hỏi để ngày một tốt hơn
Tôi chạy nhanh từ phía sau cửa hàng ra lề đường với những túi rác nặng trĩu. Cố gắng bù đắp khoảng thời gian đã mất khi phải vật lộn lên cầu thang.
Tiến đến gần cửa, cả người tôi nghiêng hẳn sang một bên vì sức nặng của chiếc túi, lúc đó chợt có một vị khách giúp tôi mở cửa ra. Tôi nhận ra rằng rất nhiều vị khách ở đây đã đối xử rất lịch sự với chúng tôi. Như thể họ muốn đảm bảo rằng chúng tôi không làm gì quá sức. Liệu điều này có là chuyện thường tình ở các nơi khác?
Trước đây, tôi đã từng mở cửa cho nhân viên khi mua sắm chưa? Tại sao những vị khách ở đây lại hành động như vậy? Đó có phải là cách họ hưởng thụ sau khi thưởng thức một ly cà phê đắt tiền? Hay họ đang cảm thấy tội lỗi với những niềm vui họ nhận được và không muốn biến chúng tôi thành những người bị lợi dụng?
Rất nhiều lần, khi đang lau dọn bàn, có những vị khách chặn lại rồi hỏi tôi, “Họ đối xử với bạn như thế nào?”
“Tuyệt vời,” tôi thành thật đáp. “Những con người tuyệt vời, những hạt cà phê thơm ngon và vô số lợi ích.”
Những vị khách luôn mỉm cười khi nghe thấy điều này. Có lẽ điều họ muốn không chỉ là những trải nghiệm tích cực cho bản thân. Họ còn muốn những người đang phục vụ họ cũng có cảm giác như vậy.
Tôi chắc chắn mình chưa bao giờ được bất kỳ khách hàng nào đối xử quan tâm chân thành như vậy trong suốt hai mươi lăm năm đi làm quảng cáo. Ngay cả khi tôi tự mở một cửa hàng riêng, trước khi bắt tay vào làm việc, bất kỳ ai ở đó cũng sẽ bắt đầu bằng câu hỏi cho có lệ “Mọi việc thế nào rồi?” Họ hầu như không bao giờ muốn hoặc mong đợi một câu trả lời thực sự. Họ không thực sự quan tâm.
Mặt khác, tôi cảm thấy những vị khách của Starbucks, họ thực sự để ý. Nếu tôi hoặc bất kỳ Cộng sự nào trả lời bằng một thái độ tiêu cực, chắc hẳn họ sẽ thay mặt chúng tôi, sẵn sàng ra chiến đấu.
Dù lý do gì, tôi vẫn biết ơn người đã mở cửa cho tôi lúc này, khi mà tôi đang phải cầm ba túi rác nặng trịch.
“Cảm ơn,” tôi nói, nhìn lướt qua khuôn mặt anh ấy. Anh ấy cũng nhìn tôi.
“Michael Gates?”
Anh ấy biết cả họ lẫn tên đệm của tôi. Cái tên mà chỉ có gia đình và những người bạn cũ mới gọi. Mẹ tôi nói, khi bà gọi “Michael” ở Công viên Trung tâm (Central Park), cái tên đó phổ biến đến nỗi cả trăm đứa trẻ chạy đến. Vì vậy, bà ấy bắt đầu gọi tôi là Gatesy. Những người bạn cũ thường gọi tôi là Michael hoặc Gates, đôi khi là Michael Gates Gill. Còn bây giờ, tại Starbucks, tất cả mọi người, Cộng sự, những vị khách, họ đều gọi tôi là Mike.
Thì ra đây là người nằm trong vòng quá khứ của tôi. Tôi xấu hổ. Mấy tuần trước, tôi đã cố gắng tìm hiểu không chỉ đồ uống mà còn cả tên của những vị khách thường xuyên đến, nhưng bây giờ, dừng lại với túi rác trên tay, tôi nhìn kỹ hơn lần nữa.
“Benjamin?” Tôi hỏi.
“Đúng là cậu rồi!” Anh ấy vui vẻ thốt một câu cảm thán. Đó là Benjamin Zucker, một người bạn mà đã lâu rồi tôi chưa gặp kể từ thời ở Yale.
Lần đầu chúng tôi gặp nhau là vào năm thứ nhất. Lúc đó cả hai đã cùng học một lớp bắt buộc trong chương trình học. Lớp đó thực sự dở tệ và nhàm chán khủng khiếp. Mỗi sinh viên năm nhất chúng tôi đều phải tham gia một khóa học “khoa học” bất kỳ. Cuối cùng tôi và Benjamin đã chọn một giải pháp thay thế ít tệ hại nhất: Một lớp học địa chất được giảng dạy bởi một người có cái tên phù hợp đến khó tin Giáo sư Flint. Bằng một cách nào đó, tự nhiên chúng tôi gọi ông ấy là “Rocky” Flint.
Lớp học đó là một nỗi đau của tôi. Tôi biết nếu muốn qua môn, mình cần phải viết một bài luận dài về vấn đề địa chất của khu vực New Haven. Sườn đá phía đông. Sườn đá phía tây. Đá!
Benjamin và tôi đã dành nhiều đêm dài để cố gắng bịa ra. Chúng tôi định sẽ viết những đoạn dài về lớp khoáng chất, cấp độ của đá granite hoặc, đúng thế, đá lửa (flint).
Chúng tôi không biết mọi thứ mình viết có ý nghĩa gì không, nhưng cố gắng sao cho trông có vẻ khoa học và biến tất cả mọi thứ trở nên phức tạp nhất có thể là được. Chúng tôi hi vọng rằng nếu mình viết những câu với cấu trúc ngữ pháp phức tạp, đến mức gần như không thể hiểu nổi, giảng viên sẽ châm chước. Vì như thế, trông có vẻ hiểu biết hơn hẳn là khi chỉ viết ra những câu đơn giản.
Benjamin bật cười khi nhìn thấy những gì cả hai cố gắng tạo ra từ con số không. Tiếng cười của anh ấy đã giúp tôi kiên nhẫn lại.
Đối với Benjamin, anh ấy tiếp nhận lớp học địa chất khủng khiếp này nhẹ tựa như lông hồng vậy. Thực tế, anh ấy cũng đến với Yale trong một tinh thần thoải mái mà tôi không thể nào sánh được. Tôi bị đè nặng bởi những áp lực từ truyền thống học Yale qua từng thế hệ trong gia đình. Tôi không thể thất bại. Nhưng Benjamin, anh ấy dường như không tính đến khả năng đó.
Benjamin là người đầu tiên trong gia đình anh đến Yale, hoặc bất kỳ trường đại học nào ở Mỹ. Đối với anh ấy tất cả là một cuộc phiêu lưu tuyệt vời.
Bây giờ, trên con đường tìm lại chính mình, cầm trong tay ba túi rác, bốn mươi hai năm sau, tôi gặp lại anh.
“Không thể tin nổi, chúng ta lại gặp nhau ở đây,” Benjamin thốt lên và anh ấy làm tôi không khỏi ngạc nhiên đến câu cuối cùng, “đây là quán Starbucks gần nhà tôi!”
Tôi đã mong đợi anh ấy sẽ nói không thể tin nổi việc tôi làm việc ở Starbucks, khi thấy những bịch rác trên tay tôi. Thay vào đó, anh lại có vẻ rất vui vì tôi làm ở gần nhà anh ấy.
“Tớ sống cách đây chỉ vài dãy nhà,” Benjamin tiếp tục.
“Tuyệt vời,” tôi nói. “Chờ một chút nhé.” Tôi hoàn thành nốt nhiệm vụ của mình, xách túi rác ra đường.
Tôi có cảm giác Kester đang quan sát tôi. Cậu ấy luôn cố gắng đảm bảo rằng tôi không phạm sai lầm nào. Vậy nên, tôi quyết định sẽ giới thiệu với người bạn cũ về anh bạn mới quen của mình.
“Kester, đây là Benjamin, một người bạn cũ.”
Kester có vẻ ngạc nhiên. Nó thường xảy ra với tôi, thật khó để tưởng tượng rằng anh chàng, một vị khách ăn vận bảnh bao, ở cách đây vài dãy nhà lại là một người bạn cũ của tôi. Có lẽ Kester cũng sẽ nghĩ như vậy. Trong mắt Kester, chắc hẳn tôi chỉ là một ông già đang gặp những chuyện không may mắn. Còn Benjamin lại có vẻ ngoài thành công và tích cực – một người không thuộc về thế giới của tôi.
Benjamin trông cũng trẻ hơn tôi mười tuổi, nên có lẽ điều đó đã khiến cậu ấy bối rối.
“Tuyệt vời” là tất cả những gì Kester có thể nói.
“Bây giờ tớ đang trong ca làm việc,” tôi nói với Benjamin với tư thể chuẩn bị sẵn sàng quay trở lại tầng hầm. “Sợ rằng chúng ta sẽ không thể nói chuyện thêm nữa.”
“Khi nào cậu tan ca?” Benjamin không dễ dàng để mình bị gạt sang một bên như vậy.
“Tầm nửa đêm.”
“Được rồi, chúng ta sẽ gặp nhau vào lúc khác. Tớ hay đến đây lắm.”
“Cậu muốn một cốc cà phê chứ?” Tôi hỏi, cố gắng để không nói lời thô lỗ. Tại sao tôi phải đối xử tệ với Benjamin hơn những người khác? Vì tôi rất xấu hổ, đó là lý do!
“Một cốc Venti Latte,” Benjamin nói. Anh ấy có vẻ thoải mái với chuyện này. Tôi thấy thật khó xử. Kester bắt đầu pha đồ uống cho anh ấy.
“Đây là số của tớ,” Benjamin đưa cho tôi một tấm danh thiếp lớn. “Gọi cho tớ nhé. Chúng ta sẽ cùng đi uống một ly Latte. ”
Tôi quay người đi.
“Điều này thật tuyệt,” Benjamin nói khi tôi quay trở lại tầng dưới. “Nhà tớ chỉ cách đây hai phút đi bộ.”
Tôi đánh giá cao cách Benjamin dễ dàng chấp nhận chuyện này. Anh cũng rất tích cực với khám phá mới này. Những người bạn cũ khác mà tôi từng kể về công việc tại Starbucks hiện tại đều phản ứng theo hai cách:
Một là im lặng đến rợn tóc gáy, như thể bạn vừa chào mừng một người nhưng ngay sau đó người đấy chào lại bạn bằng một câu thông báo rằng mình bị ung thư.
Hoặc là, phản ứng này thậm chí còn khiến tôi đau đớn hơn, nói những lời động viên có cũng như không. “Nghe hay đấy. Tôi nghe nói Starbucks là một công ty tuyệt vời. Cậu làm quản lý cửa hàng hay tiếp thị cho họ?”
“Không, tôi chỉ làm nhân viên pha chế, thu ngân và chân dọn dẹp.”
“Nghe hay đấy,” họ vội cắt ngang để không nghe thêm những chi tiết đau lòng nữa.
Làm việc ở tầng lớp thấp nhất tại Starbucks là một dấu hiệu cho thấy tôi đã rơi xuống tầng lớp sinh ra để phục vụ người da trắng. Cứ như thể họ sợ căn bệnh nghèo khó này sẽ nhanh chóng lây lan sang họ, hầu hết bạn bè của tôi đều mong đợi cú điện thoại đó kết thúc nhanh chóng.
Tôi đi xuống tầng hầm, để Benjamin nói chuyện với Kester. Tôi nhớ rằng, bên cạnh khả năng viết lách tuyệt vời dù anh ấy chẳng biết chút gì về chủ đề mình cần viết, Benjamin còn có thể nói chuyện với bất kỳ ai về bất cứ điều gì.
Anh ấy sinh ra ở Nice, để chạy trốn Đức Quốc xã, gia đình anh ấy gần như chỉ vừa sống sót khi rời khỏi châu Âu. Nhưng dường như anh ấy coi quá khứ kinh hoàng đó như một cuộc phiêu lưu tuyệt vời. Khi quay trở lại những bậc thang sắt, tôi nghĩ đó quả là một món quà kỳ diệu, đón nhận tất thảy mọi thứ hỗn loạn ập đến bằng một tâm hồn nhẹ nhàng, cùng một bộ óc hài hước. Tại Yale, anh ấy thậm chí còn không tính đến chuyện ai cũng có thể “thất bại” trong cuộc sống. Cuộc sống là cuộc sống – nó bao gồm tất cả những khúc ngoặt đầy kỳ lạ, bất ngờ.
Tôi nhận ra rằng, tôi đã dành phần lớn cuộc đời mình để cố gắng không thất bại. Để đáp ứng mọi kỳ vọng cao ngất ngưởng từ bố mẹ. Thật kinh khủng khi thấy gia đình phải thất vọng vì tôi. Bây giờ tất cả đã để lại một chấn thương tâm lý khủng khiếp cho tôi. Và tôi thật ngu ngốc!
Tôi nhặt thêm một vài túi rác và quay lại trở lại cầu thang. Bước gần đến tầng trên, tôi thở phào khi không thấy Benjamin ở đây. Tôi không còn xấu hổ về công việc hiện tại nữa. Nhưng, tôi sợ mình vẫn làm chưa đủ tốt để những người tôi biết tự hào về tôi. Tôi không đủ tự tin để mời các con đến xem tôi làm việc. Và tôi cũng lo lắng không biết liệu tất cả sẽ trông như thế nào.
Khi hoàn thành nhiệm vụ đổ rác, tôi tự hào đứng nhìn một đống những túi rác lớn mà tôi đã để ở góc Phố 93 Broadway. Một cảm giác thỏa mãn kỳ lạ lan tỏa trong tôi khi nhìn vào “ngọn đồi” đó.
Mình sẽ cố cười nhiều hơn, tôi tự nhủ rồi vội vàng quay vào trong. Còn rất nhiều việc phải làm! Qua hệ thống âm thanh, Otis Redding đang hát, “Hãy thử dịu dàng một chút.”
Tôi tự hứa với bản thân, mình sẽ thử dịu dàng một chút. Bắt đầu với chính mình. Tôi sẽ không quá khắc nghiệt với bản thân. Điều quan trọng nhất của tôi bây giờ là gì? Làm việc, làm việc chăm chỉ và học hỏi để ngày một tốt hơn giống như hầu hết phần còn lại của thế giới.
Tôi không phải Thánh Michael. Và tôi không còn là Michael ích kỷ. Tôi chỉ là Mike, một chàng trai cần phải sống, thực sự sống. Tôi biết ơn vì bản thân đã may mắn có được một công việc như thế này.
NHỮNG DẰN VẶT, CÁU GIẬN SẼ CHỈ KHIẾN CHÚNG TA LO ÂU VÀ SỢ HÃI
Nỗ lực đó là một giải pháp tuyệt vời nhất đối với tôi. Vì khi lao động, tôi không có thời gian để nghĩ về những gì đã xảy ra
Tôi lau sàn nhà, một lần, hai lần, ba rồi bốn lần. Hầu như sau mỗi lần quét dọn, tôi đều tìm thấy những thứ mới, như vụn bánh ngọt hoặc ống hút rơi trên sàn. Chúng tôi vẫn còn rất nhiều khách, và tôi phải dọn dẹp sau khi họ rời đi.
Tôi tập trung cao độ vào công việc quét dọn, bởi tôi biết đồng hồ đang chạy. Kester mong tôi sẽ nhanh chóng dọn dẹp xong khi chúng tôi đóng cửa. Sàn nhà trước lần lau cuối càng sạch thì càng dễ cho tôi.
Khi gần nửa đêm, Kester tiến đến gần tôi. Cậu ấy đặt tay lên vai tôi. “Anh có thể giúp tôi một việc không, Mike?”
Một lần nữa tôi nhớ ra mình đã thích tinh thần độc đáo của Starbucks đến nhường nào – không áp đặt lên bất cứ ai, thay vào đó hãy yêu cầu một cách nhã nhặn. Khi tôi là một ông chủ lớn của J. Walter Thompson, tôi thường đến muộn vào thứ Sáu và ra lệnh cho mọi người, “Tất cả phải làm việc vào cuối tuần này.”
Tôi chưa bao giờ hỏi ý kiến của họ hay nói ẩn ý rằng họ đang giúp đỡ tôi bằng cách làm việc chăm chỉ. Đó là một phần của tính gia trưởng mà bạn chẳng mảy may thắc mắc, bạn chỉ yêu cầu sự vâng lời ngay lập tức.
Starbucks rất khác biệt.
“Chắc chắn rồi,” tôi nói với Kester, thể hiện mong muốn được giúp đỡ.
Khi tôi quét đi quét lại cửa hàng trong đêm, bài hát Otis Redding đã được phát đi phát lại trên hệ thống âm thanh của Starbucks. Nó thật đúng với tinh thần của nơi này. Starbucks dường như đã tạo ra một nền văn hóa mà ở đó tất cả đều cố gắng dẫn dắt Cộng sự xung quanh bằng một sự dịu dàng. Đó là một phong thái mềm mại hiếm có đối với một doanh nghiệp bán lẻ khắt khe như ở đây. Ngay cả Kester cũng “nhiễm” đặc tính nhẹ nhàng này, cậu ấy nhờ tôi “làm một việc giúp đỡ” hơn là ra lệnh trực tiếp cho tôi.
“Charlie và tôi sẽ xử lý chỗ quầy thanh toán và quầy pha cà phê espresso trong thời gian đóng cửa,” Kester tiếp tục. “Anh có thể dọn nhà vệ sinh được không? Crystal nói rằng anh là người dọn dẹp tốt nhất từ trước đến nay!”
Cậu ấy nở nụ cười tươi với tôi. Tôi bật cười.
“Tất nhiên là được rồi!” Tôi nói với một cảm giác thích thú đến ngạc nhiên. Tôi, Michael Gates Gill, là một chuyên gia dọn dẹp nhà vệ sinh. Tôi vẫn chưa thể pha đồ uống espresso, tôi đã rất vất vả để vứt hết túi rác và tôi vẫn không tự tin vào khả năng làm thu ngân của mình. Nhưng tôi tự tin rằng mình có thể làm cho nhà vệ sinh sạch sẽ. Đó là công việc mà tôi đã làm nhiều nhất cho đến thời điểm hiện tại.
Tôi gom giẻ lau và xô, chổi của mình, hai lọ chất tẩy rửa khác nhau: Một loại xịt khử trùng cho gương và thùng đựng rác trong phòng tắm, loại còn lại là chất tẩy rửa hạng nặng cho nhà vệ sinh. Trang bị đầy đủ, tôi tiến đến cửa nhà vệ sinh. Dòng chữ nhỏ trong ổ khóa ghi: “Đã khóa”
Tôi khó chịu. Đã mười một giờ rưỡi rồi. Nhiều người đã ra ra vào vào nhà vệ sinh suốt đêm. Đó là một ưu điểm lớn của dịch vụ ở Starbucks. Nhưng giờ tôi cần phải vào. Ngay bây giờ. Một lần nữa, tôi nghe thấy tiếng đồng hồ tích tắc. Nếu tôi có thể dọn dẹp nhà vệ sinh ngay bây giờ, tôi sẽ đỡ vất vả hơn trong những phút cuối cùng.
Tôi đã kiệt sức khi đi trên đôi chân của mình kể từ sáng sớm nay. (Một trong những vấn đề tôi phát hiện ra khi phải đóng cửa là nếu bạn sống một cuộc sống bình thường, bạn thường cảm thấy mệt mỏi khi đến cửa hàng để bắt đầu ca làm việc muộn.)
Tôi chờ đợi. Mười phút trôi qua. Tôi sắp xếp lại bức tường hạt cà phê, bổ sung thêm vào giá gia vị và lau lại một lần nữa, đảm bảo đã đào bới hết mọi ngóc ngách. Tôi kiểm tra đồng hồ của mình mỗi phút, rồi quay ra phía cửa, nhưng dòng chữ “Đã khóa” vẫn còn. Cuối cùng, tôi đập cửa.
“Từ từ!” Một giọng nam hét lên từ bên trong. Dù cậu ấy đang làm gì, tôi chắc chắn rằng điều đó sẽ gây khó khăn cho công việc dọn dẹp này.
Gần hai mươi phút sau cánh cửa cuối cùng cũng mở ra. Một chàng trai trẻ bước ra mang theo một chiếc máy tính và cầm một chiếc ba lô khổng lồ. Cậu ta đã làm gì trong đó?
Nhìn kỹ hơn, cậu ta không phải là một thanh niên mới lớn; cậu ấy chỉ ăn mặc như một cậu thanh niên tuổi nổi loạn. Không cạo râu, với mái tóc vàng dài, cậu ta trông giống như một hippie. Nhưng khuôn mặt sắc nét và đôi mắt xanh sáng của cậu ta ánh lên sự tức giận. Cậu ấy còn trẻ, nhưng có vẻ ngoài già trước tuổi. Quanh cậu ta đầy mùi khói thuốc và những mùi khác. Tôi nghi ngờ chàng trai đó đã dùng súng hoặc sử dụng ma túy khi ở trong nhà vệ sinh.
Cậu ta nhìn tôi như thể tôi là một con côn trùng.
“Lau dọn đi,” cậu ta ra lệnh với một nụ cười mỉa mai, hất tôi ra khỏi con đường cậu đi và tiến đến một cái bàn trong góc.
Tại thời điểm này, còn rất ít khách ở trong cửa hàng.
Tôi lao vào nhà vệ sinh. Nó là một mớ hỗn độn. Giấy vệ sinh ở khắp mọi nơi. Tôi tức tối đổ hết mọi tội lỗi lên chàng trai trẻ tuổi lúc nãy. Rồi lại quay về trạng thái tập trung cao độ. Đầu tiên là lau kính, dọn bồn rửa tay và bồn cầu. Tôi dọn chỗ rác trong nhà vệ sinh, rồi cọ sàn lẫn hai bên thành tường. Tôi lau cả cửa và tay nắm cửa. Sau đó là thay giấy vệ sinh. Hết tất cả 20 phút.
Tôi biết mình không còn nhiều thời gian nữa. Tôi phải kiểm tra lại giá gia vị lần cuối để đảm bảo có đủ thanh đường. Cửa hàng có năm loại đường khác nhau và chúng luôn cần được thay thế, điều đó có nghĩa là tôi sẽ phải làm một chuyến xuống tầng hầm. Tôi liệt kê lại những việc cần làm: Bổ sung thêm cà phê trên bức tường hạt cà phê, thêm giấy ăn và tôi cũng cần lau cửa sổ, cửa ra vào, cả kính của tủ bánh ngọt. Tôi đã đánh mất quá nhiều thời gian quý báu để xử lý nhà vệ sinh. Tôi không thể để mất thêm nữa.
Sau khi hoàn thành công việc dọn dẹp nhà vệ sinh, tôi hỏi
Kester chìa khóa.
“Có chuyện gì vậy?” Kester hỏi. “Chúng ta sẽ không đóng cửa trong nửa giờ nữa.”
“Tôi biết, nhưng tôi nghĩ tôi sẽ đóng cửa nhà vệ sinh ngay bây giờ. Tôi vừa mới làm sạch nó.”
“Chúng ta không thể khóa cửa nhà vệ sinh cho đến khi cửa hàng đóng cửa. Mike, anh đừng lo lắng quá,” – Tôi nghĩ cậu ấy sẽ nói “chết tiệt” nhưng cậu đã kịp thời ngăn lại trước khi thốt ra – “Anh dọn dẹp tốt lắm, nhưng đừng làm quá lên! Mọi chuyện sẽ tốt thôi.”
Chắc hẳn Kester cũng cảm nhận được căn bệnh thiếu kiên nhẫn của tôi. Cậu giống như một huấn luyện viên tâm lý đang cố gắng giúp vận động viên của mình bình tĩnh lại. “Bình tĩnh nào. Khi vị khách cuối cùng rời đi, anh có thể tiếp tục!”
Đồng hồ của tôi, chúng di chuyển chậm rãi 12h30 như thể chẳng chịu nhích bước nào.
Cuối cùng giờ đã điểm. Tôi quét sàn lần cuối. Tất cả khách hàng đã đi, trừ một người.
Kẻ thù của tôi.
Tôi bước đến bàn chàng trai trẻ đó ngồi. Cậu ta phớt lờ tôi. Cậu ta đã giễu cợt tôi, giễu cợt sự háo hức khi được dọn dẹp nhà vệ sinh của tôi.
Cậu ta đang cắm mặt vào máy tính của mình.
Rồi quay ra mở ba lô và làm giấy tờ vương vãi khắp nơi. “Chúng tôi chuẩn bị đóng cửa rồi ạ,” tôi vui vẻ nói vì cuối cùng cũng đã có lý do để “đá đít” cậu ta.
Cậu ta không thèm liếc mắt đến tôi và tiếp tục lạch cạnh gõ trên máy tính của mình.
“Thưa ngài,” tôi nói, cố gắng kìm nén lại cơn giận dữ, “đã mười hai rưỡi rồi. Chúng tôi phải đóng cửa.”
Tôi thậm chí còn thêm “Xin lỗi” vào nửa cuối câu. Cậu ấy nhìn lên.
“Anh xin lỗi cái gì đồ khốn kiếp, đừng làm phiền tôi nữa. Tôi đang bận.”
Tôi nhìn cậu ta chằm chằm.
Đôi mắt xanh sáng của cậu ta nhìn thẳng vào tôi, nhưng lại giống như chúng đang nhìn một thứ xa xăm nào đó.
Cậu ta thật đáng sợ.
Như tôi đã nói với Crystal, tôi là một kẻ hèn nhát, chưa từng kiên cường chiến đấu với ai bao giờ.
“Xin lỗi, thưa cậu, nhưng cậu phải rời đi ngay,” tôi nói. Dù rất sợ nhưng thái độ thờ ơ của cậu ta khiến tôi sôi máu.
“Mẹ kiếp,” cậu ta bực tức quay lại nhìn màn hình máy tính.
Tôi càng tiến lại gần, nhớ là đừng chạm vào khách hàng. Tôi thậm chí còn không chạm vào ba lô của cậu ta. Nhưng hành động vừa rụt rè vừa nhút nhát của tôi đã khơi dậy một điều gì đó trong cậu ta.
Đóng sập máy tính xuống, cậu ta nhanh chóng đứng lên rồi rút một thứ gì đó từ túi sau. Tôi thoáng nghĩ: “Có phải cậu ấy định rút ví để mua chuộc tôi không?”
Nhưng thực tế còn tệ hơn vậy, cậu ấy không định mua chuộc tôi để giải quyết chuyện này. Đó không phải là một chiếc ví. Đó là một con dao, cậu ta mở nó một cách thành thục. Ánh kim loại lóe sáng khiến tôi sững người.
Tôi chẳng thể nghĩ nổi cái gì nữa. Đóng băng toàn tập. Nắm chặt cây lau nhà trong tay, có lẽ đó là thứ duy nhất bảo vệ tôi.
“Ông thử tiến gần thêm một bước nữa xem,” cậu ta hét với giọng ré lên đầy giận dữ, “ông là một ông già chết tiệt.”
Từ đó thực sự khiến lòng tôi trùng xuống. Tôi ghét bất cứ ai gọi tôi là ông già. Đặc biệt là khi làm công việc này. Tôi đã gặp vô số thử thách để theo kịp các Cộng sự khác. Và tôi tự hào là tôi đã làm được.
Tôi tiến thêm một bước về phía cậu ta và nâng cây lau nhà lên, chắn trước người. Tôi sẽ làm gì? Quét bay cậu ta khỏi đây?
Kester từ đâu xuất hiện.
“Này, Mike,” cậu ấy gọi tôi, “Charlie cần anh giúp.”
Kester thậm chí còn không nhìn vào con dao hay gã đàn ông cầm nó. Nhưng tôi biết gã điên đó đang nhìn chằm chằm Kester. Ai nhìn vào cơ thể Kester cũng đều cảm nhận được rõ ràng sức mạnh của cậu ấy. Và cả tông giọng trầm Kester dùng lúc này, cậu ấy chưa bao nói với tôi bằng tông giọng đấy. Không phải Kester làm sai điều gì, nhưng mỗi lần cậu ấy cất tiếng với tông giọng đó cứ như thể có cơn gió lạnh buốt thổi qua.
Tôi quay đi, rất vui vì mình đã thoát một kiếp nạn. Tim tôi đập loạn nhịp.
Đi được hơn vài bước, tôi đã thấy chàng trai trẻ kia đang cất dao đi và nhặt đồ của bản thân.
Kester im lặng quan sát cậu ta.
Tôi đến gặp Charlie, người đang nhanh chóng dọn dẹp quầy pha cà phê espresso. Cậu ấy nhảy theo điệu nhạc mà cậu đang tạo ra trong đầu. Ngay lúc tôi phải nói với Charlie về nó, mọi chuyện đã kết thúc.
Anh chàng đang bước ra cửa, và Kester, ở ngay sau cậu ta như một cái bóng, rồi Kester khóa cửa lại.
Cả Kester và anh chàng kia đều không nói một lời nào. Tôi lạnh sống lưng.
Tôi muốn hỏi Kester làm sao cậu ấy biết tôi cần sự trợ giúp ngay lúc đó.
“Tôi luôn có trực giác khi mọi thứ trở nên tồi tệ, được rồi, dọn dẹp nốt thôi nào. Đã đến lúc lao động rồi, Mike.”
Giọng của Kester giờ đã trở lại trạng thái thường nhật, nó êm ái, thoải mái và cậu ấy nở một nụ cười khích lệ tôi.
Tôi quay lại lấy cây lau nhà và xô, chăm chỉ dọn dẹp để mọi thứ sạch sẽ nhất có thể. Nỗ lực đó là một giải pháp tuyệt vời nhất đối với tôi. Vì khi lao động, tôi không có thời gian để nghĩ về những gì đã xảy ra.
Công việc dọn dẹp này cũng chẳng dễ dàng là bao. Để lau sàn, tôi phải chuyển hết bàn ghế sang chỗ khác, rồi lau đi lau lại cho đến khi sạch bóng, sau đó kê lại tất cả bàn ghế về chỗ cũ. Tẩy rửa mọi thứ một lần nữa. Đảm bảo rằng giá gia vị và bức tường hạt cà phê đã được bổ sung đầy đủ.
MỘT NGƯỜI CAN ĐẢM LÀ KHI HỌ DÁM RÀ SOÁT MỌI THỨ ĐANG ĐÈ NẶNG VÀ CHẾ NGỰ BẢN THÂN
Tôi sẽ không bao giờ tìm thấy thế giới mới, thế giới mà tôi thực sự yêu thích này, nếu tôi không đứng dậy và bước đi
Tôi đổ mồ hôi rất nhiều, chợt Kester gọi.
“Được rồi, Mike. Đi thôi nào! Tôi phải bắt chuyến tàu sắp đến.”
Tôi cởi tạp dề và đi xuống cầu thang. Kester và Charlie đang thay trang phục thường ngày họ mặc: một chiếc do-rag, mũ lưỡi trai to, quần baggy và một đôi bốt. Họ biến đổi hoàn toàn khác với hình tượng những anh chàng Cộng sự luôn tươi cười trong chiếc tạp dề xanh. Cả hai đều đeo tai nghe lủng lẳng trước ngực. Khi quay trở lại tầng trên, tôi cùng hai chàng trai sải bước ra ngoài.
Nếu chỉ đánh giá bề ngoài, chắc hẳn tôi sẽ nghĩ đấy là một nghệ sĩ hip hop hoặc thành viên băng đảng xã hội đen nào đó – hoặc có lẽ là cả hai. Nhưng bây giờ, tôi biết khi nhìn thấy những người như thế này, họ có lẽ cũng có thể là một ai đó khác. Cả hai đã có cuộc sống và tình yêu viên mãn hơn tôi.
Yvette đã từng gọi Charlie là “người đẹp não ngắn”. Dường như quanh Charlie luôn có nhiều cô gái vây quanh cậu ấy khi làm việc. Thậm chí nhiều khách nữ, mắt họ còn sáng lấp lánh trước sự lôi cuốn của Charlie.
Ngay cả tối nay, khi tôi đang quét dọn, một người phụ nữ đã chặn tôi lại, chỉ về phía Charlie, người đang bận rộn ở quầy bar, và nói: “Anh có thể cho tôi số của anh ấy được không?”
Tôi đã được Kester dặn khi mới bắt đầu rằng không nên cung cấp số điện thoại của các Cộng sự khác.
“Thậm chí đừng nói cho Khách hàng biết khi nào người nào có ca làm việc,” Kester đã nói. “Chúng ta sẽ không bao giờ biết tại sao một người lại muốn tìm hiểu về người khác.”
Vì vậy, tôi cảm thấy mình có quyền nói không với người phụ nữ kia.
Vài phút sau, tôi đến nói với Charlie những gì tôi đã làm. Cậu ấy đang bận rộn tháo từng phần của máy pha cà phê espresso, rửa nó, tráng nó và cho vào máy Sanitizer. Sanitizer giống như một chiếc máy rửa bát, công suất của nó mạnh gấp đôi và nhanh gấp mười lần. Khi Charlie bật cỗ máy mạnh mẽ này lên, dáng đi của cậu ấy duyên dáng, nhanh nhẹn đến mức khiến tôi ghen tị. Mọi hành động của cậu ấy gần như không dừng lại khi cùng tôi nói chuyện: “Một cô gái muốn có số điện thoại của cậu, nhưng tôi đã từ chối cô ấy.”
Charlie nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên, nhưng nhanh chóng quay lại với chiếc Sanitizer.
“Kester nói với tôi rằng chúng ta không nên cho ai đó số của Cộng sự,” tôi tiếp tục.
“Đúng vậy, anh ấy có thể cảm thấy như vậy,” Charlie nói, cười một chút, cậu đóng sầm cánh cửa máy Sanitizer, “nhưng anh bạn, ít nhất hãy cho tôi một cơ hội để tự mình nhìn thấy những gì tôi có thể thiếu.”
Quay lại lau sàn khu phía trước, tâm trạng tôi lúc này dần tồi tệ hơn. Tôi đã đưa ra một quyết định sai lầm, nó không đúng với Charlie. Cậu ấy rõ ràng có thể tự mình giải quyết các vấn đề với phụ nữ.
Vào tháng trước Kester đã nhiều lần nói chuyện nghiêm túc với Charlie ở dưới tầng hầm. Và tôi cũng có thể tưởng tượng được cảnh Kester đang cố gắng giảng giải cho cậu ấy.
Kester mới hai mươi ba, còn Charlie trẻ hơn, cậu mười chín. Nhưng bằng cách nào đó Kester lại có vẻ trải đời hơn rất nhiều tuổi đời thực sự. Đối với nhiều Cộng sự trẻ tuổi, họ coi Kester gần giống như hình ảnh một người bố, một người chú có trách nhiệm mà họ chưa từng có trước đây.
Nhưng Kester không chỉ có thế. Tôi đã gặp bạn gái cậu ấy, một cô gái xinh đẹp, trầm lặng. Kester cũng có thể cười, tất cả chúng tôi đều có thể cùng cậu ấy trêu đùa vui vẻ tại nơi làm việc. Và tôi cũng biết rằng Kester dành kha khá thời gian của các ngày cuối tuần cho các hoạt động thể thao như: bóng đá, bóng bầu dục cùng nhiều môn thể thao khác với bạn bè của cậu ấy ở Công viên Trung tâm. Một lần, cậu ấy đến cửa hàng với đôi chân khập khiễng, Crystal đã nói: “Cậu tự làm mình bị thương?”
“Không phải,” Kester rõ ràng đã nói dối.
“Cậu đừng tự làm khó mình như vậy,” cô nói. Kester cười.
“Vâng thưa ‘mẹ’.”
Crystal nở một nụ cười duyên dáng. Với Kester hay với tất cả chúng tôi, cô ấy giống như một người mẹ luôn yêu thương, bao bọc nhưng cũng không kém phần cứng rắn.
“Hết giờ,” Câu nói của Kester đưa tôi trở lại thực tại.
Cậu ấy và Charlie đang đi rất nhanh. Cả đêm nay họ di chuyển nhanh gấp đôi tôi. Tôi biết mình không hiểu rõ công việc như họ, và cũng phải tự nhận rằng mình đã già.
Kester nhanh chóng đi kiểm tra một vòng quanh cửa hàng, bao gồm cả nhà vệ sinh, để đảm bảo mọi thứ đã ổn định cho ca làm việc buổi sáng.
Cậu chạy ra cửa rồi lập tức khóa cửa lại.
Tất cả chúng tôi quay đầu và chạy xuống ga tàu điện ngầm. “Chuyến tàu sẽ rời đi sau năm phút nữa. Nếu tôi bỏ lỡ, tôi phải đợi thêm nửa tiếng nữa,” Kester nói.
Tôi cùng các Cộng sự của mình chạy xuống cầu thang để đến ga. Hay nói đúng hơn là họ chạy, còn tôi đang cố gắng đi xuống nhanh nhất có thể, tay bám vào thanh ray bên cạnh.
Tôi cần đi từ trung tâm thành phố đến Quảng trường Thời Đại để bắt chuyến xe về Grand Central.
Kester và Charlie đều cần đến đường 125. Chúng tôi đã đến ga, cùng nhau đứng trên sân ga và chờ đợi. Tôi thở dốc.
“Này, Mike,” Kester nói, nắm lấy vai tôi, “hôm nay anh làm rất tốt.”
Tôi cảm thấy sự tự hào đang đang dâng trào bất thường. Con tàu ầm ầm tiến vào ga.
Kester và Charlie, đeo tai nghe vào, rồi bước lên.
Chuyến tàu của tôi phải mất mười phút nữa mới đến nơi. Trong thời gian đó, tôi lục lại trong tâm trí tất cả những gì đã xảy ra tối nay. Tôi nhận ra rằng tôi có thể đã gặp rắc rối thực sự, bất chấp lời cảnh báo của Crystal là đừng đụng vào bất kỳ ai. Tôi tự hứa với bản thân rằng sẽ không để nỗi lo lắng phải làm tốt công việc ảnh hưởng đến phán đoán của mình vào lần sau. Tại sao tôi lại bực bội với gã đeo ba lô đó? Bởi vì tôi muốn đóng cửa nhưng có lẽ không chỉ có thế, tôi phải thừa nhận với bản thân mình. Tôi đã rất tức giận vì cậu ta đã không tôn trọng tôi.
Khi chuyến tàu tôi đi cuối cùng cũng đến, dưới ánh đèn rực rỡ, không khoan nhượng, trong khoảnh khắc đó tôi bắt buộc phải nhìn nhận lại bản thân mình. Rõ ràng sâu bên trong, tôi vẫn chưa thực dành sự tôn trọng cho các Cộng sự khác, công việc của chúng tôi và tất cả những gì đã làm. Nếu họ đáng được tôn trọng thì tôi cũng vậy.
Tôi vẫn còn quá tự tin và kiêu ngạo, mọi thứ diễn ra quá nhanh đến nỗi tôi đã phạm sai lầm. Anh chàng đeo ba lô đã sai, đúng vậy, nhưng thái độ của tôi cũng chính là nguyên nhân dẫn đến cuộc tranh cãi đó. Hãy nhìn xem cậu ta đã “hạ nhiệt” nhanh như thế nào khi Kester đến.
Tôi đã mắc phải hai sai lầm. Một là tôi đã nghĩ là mình có thể đối đầu với bất kỳ ai. Chỉ vì tôi đã làm việc với Kester và Charlie không có nghĩa là tôi thực sự có trí thông minh đường phố1, hay có thể tự bảo vệ mình trong thế giới khắc nghiệt của những con phố tồi tàn ở New York.
1 Street smart: là sự thông minh, lanh lợi mà chúng ta có được từ việc va chạm với đủ thể loại tình huống trên đường phố, đặc biệt là ở những thành phố lớn.
Nhưng sai lầm lớn hơn mà tôi mắc phải là muốn kiểm soát toàn bộ, muốn mọi người làm những việc tôi cần họ làm. Đấy là một trong số những thói quen xấu của tôi. Lời chàng trai đe dọa tôi đã động chạm đến vùng an toàn mà tôi kiểm soát lẫn khả năng hoàn thành công việc tuyệt vời của tôi.
Từ bỏ đi, tôi tự nhủ. Mình chỉ là một nhân viên dọn dẹp của một cửa hàng Starbucks, mình không phải là một anh hùng cứu nền dân chủ thế giới hay một anh hùng cứu chữa bệnh nhân khỏi ung thư.
Tôi bật cười.
Một số bạn bè cũ và gia đình của tôi đã nghĩ rằng có thể tôi sẽ mắc bệnh ung do đi quá xa một cuộc sống đầy an toàn và đặc ân mà họ đã sắp xếp trước. Nhưng cuộc hội ngộ bất ngờ với Benjamin ngày hôm nay đã nhắc nhở tôi rằng, tôi đã từng ngã. Như Alice rơi vào một cái hố thỏ, xuyên vào một thế giới tuyệt vời mà tôi không bao giờ có thể tưởng tượng được. Nơi có những con người tử tế hơn, có một môi trường làm việc tốt hơn những gì tôi từng tin là có thể.
Khi con tàu vào ga, như đi qua một cánh cửa thần kỳ trong phim Biên niên sử Narnia: Sư tử, Phù Thủy và Tủ quần áo, tôi sẽ bắt đầu hành trình khám phá với vô số điều đáng ngạc nhiên.
Tôi dần cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ. Nhớ về căn hộ gác mái nhỏ của mình với niềm khao khát thực sự, chuyến tàu cuối cùng cũng đã đến Bronxville. Tôi nhận ra rằng tôi thích căn hộ nhỏ hiện tại của mình hơn là ở trong căn biệt thự ba mươi lăm phòng, nơi tôi đã lớn lên.
Bước lên cầu thang của căn hộ vào cuối đêm dài này, tôi cảm giác như mình đang leo lên chiếc thang của Jacob1.
1 Chiếc thang Jacob là thuật ngữ phổ biến đặc biệt ở phương Tây được sử dụng để miêu tả chiếc thang nối giữa Đất và Trời.
Rút lui thôi, tôi tự nhủ. Mình không đi trên một hành trình tâm linh bay cao nào đó. Mình là một người đàn ông đã mắc một loạt sai lầm ngớ ngẩn. Một số sai lầm giống như sai lầm mình đã mắc phải tối nay, đã thổi bay một cuộc sống vốn đã mỏng manh, luôn chực chờ vỡ tan. Hãy đối mặt với nó, Mike, tôi tự nhủ với bản thân mình. Không có lòng tin. Mình sẽ lại vấp ngã.
Tôi thừa nhận rằng, vào ngay lúc đó, tôi sẽ không bao giờ tìm thấy thế giới mới, một thế giới mà tôi thực sự yêu thích này, nếu tôi không đứng dậy và bước đi.
Và tôi cũng không tham gia vào bất cứ cuộc hành trình tâm linh nào đó để có được công việc hoàn hảo hay cuộc sống như ý. Tôi đã bị cuốn vào một cuộc đấu tranh để sinh tồn. Điều này là bình thường đối với hầu hết mọi người trên thế giới này, nhưng không phổ biến với chàng hoàng tử vô dụng mà tôi đã từng. Crystal đã để ý đến tôi, giống như bạn thấy ai đó chới với dưới nước và sẵn sàng đưa một tay ra giúp.
Đó có phải là bài thơ nổi tiếng về bơi lội của Stevie Smith. Cô ấy đã nói rằng cô không vùng vẫy mà là chìm đắm trong đó?
Tôi cứ mãi suy nghĩ kể cả khi đã nằm trên giường.
Tôi chấp nhận, người để tình trạng đó xảy ra, người khiến chàng trai đấy phải rút con dao đáng sợ kia ra chắc chắn là do lỗi của tôi. Tôi tự nhủ, đừng kiêu ngạo và quá coi trọng bản thân như vậy chứ.
Ai, thực sự, đã điên hơn? Một người đàn ông sáu mươi tư tuổi không thể từ bỏ mong muốn kiểm soát người khác ngay cả khi ông ta chỉ là nhân viên dọn vệ sinh, hay một đứa trẻ giận dữ, luôn sẵn sàng vui vẻ đối đầu với bất kỳ lão già độc đoán nào?
Crystal và các Cộng sự của tôi tại Starbucks, như Kester và Charlie, đã cho tôi cơ hội làm việc, sống và nhìn mọi thứ theo cách mới. Điều ít nhất mà tôi có thể làm, là giúp họ bằng cách từ bỏ con người cũ đầy kiêu ngạo, và chuyên quyền. Đúng, tôi phải thừa nhận rằng, tôi đã từng là một người mê kiểm soát, chẳng kém gì Ford hay bất kỳ khách hàng nào khác. Tôi rất thích ra lệnh cho mọi người làm thêm giờ hoặc thay đổi tiêu đề hay thậm chí là mang cho tôi một tách cà phê. Tôi đã từng là một ông chủ tồi.
Đã đến lúc trở thành một Cộng sự tốt lành thực sự.
Tôi tự hứa với bản thân rằng, khi làm bất cứ điều gì tôi sẽ không nhồi nhét vào đầu những tham vọng hay sự tự cao, tự đại điên cuồng đến nỗi lại đánh mất tính khách quan của mình nữa.
Trong đầu tôi xuất hiện hình ảnh bản thân buông tay để cuộc sống cũ đi, giống như bạn sẽ vứt bỏ chiếc quần cũ nặng mùi và ẩm ướt.
Tôi đã đổi bộ com-lê sọc dọc của mình để lấy một chiếc tạp dề xanh. Một bậc thầy của thế giới thời trang, biểu tượng cho một tinh thần luôn nhắc nhở tôi rằng bản thân ở đó để phục vụ — không phải để cai trị.
Tôi nhận ra rằng bạn không thể phục vụ nếu bạn cố gắng kiểm soát những người bạn phục vụ.
Tôi không phải là một người có quyền được biết tất cả, một nhân viên cứu hộ hào hoa ra lệnh cho những người xung quanh trên bãi biển.
Tôi chỉ là một người đến để bơi như bao người khác, được cưỡi trên con sóng mà tôi chưa từng nghĩ là có tồn tại. Starbucks đã cho tôi trải nghiệm, những chuyến đi đến khó tin khi thủy triều dâng.
Những suy nghĩ trong tôi nhẹ nhàng rơi rụng từng chút một khi tôi nhắm mắt lại.
“Hãy thử dịu dàng một chút,” Otis hát.
Tôi đã nhìn thấy hình ảnh bản thân đang bơi tự do về phía một bờ biển đầy nắng. Và rồi tôi thiếp đi.