Mỗi ngày là một bước nhảy vọt của niềm tin
Một câu trích của nhạc sĩ Lizz Wright, được in trên một tách Short Americano
LỜI TA ĐỘNG VIÊN MÌNH LÀ ĐIỀU CHÂN THÀNH NHẤT
Bố mẹ tôi sẽ rất khó chịu, mà với họ có lẽ là một sự thật phũ phàng, khi biết rằng: Tôi hạnh phúc với công việc phục vụ và cuộc sống giản đơn. Tôi không thể sống chỉ để khiến bố mẹ hài lòng được nữa. Tôi đã được giải thoát để được là chính tôi
THÁNG MỘT
Bước vào cửa hàng ấm cúng trong một buổi sáng lạnh giá của tháng Một, Tawana đã chào đón tôi với một ánh nhìn kỳ cục, nó khiến cái cảm giác tốt đẹp vừa xuất hiện trước đấy biến mất.
“Crystal muốn gặp anh,” Tawana nói với tôi, kèm theo một cái nhìn hả hê lạnh lùng khiến tôi đứng tim.
Những từ đó không tốt chút nào, đặc biệt là từ Tawana. Trong khi những Cộng sự khác dù bận rộn đến đâu cũng luôn cố gắng chào đón tôi bằng một nụ cười và lời chào, còn Tawana vẫn luôn lạnh như băng. Làm việc với các đối thủ sẽ tạo ra một công việc hay ho nhưng không mấy dễ chịu.
Tôi không thể ngăn nổi mình nhớ lại một khung cảnh trong quá khứ. Lúc đó, tôi đang ngồi trong khách sạn Algonquin sang trọng nằm trên Phố 44 với bố tôi khi mới mười sáu tuổi.
“Bố khinh thằng đó,” bố tôi nói, chỉ tay về phía một người đàn ông lớn tuổi với thân hình to béo, đang ngồi trên một cái ghế để dọc căn phòng. Ông ta dường như đang nhìn chằm chằm về phía hành lang của khách sạn Algonquin qua một cặp kính dày bự.
Bố tôi nhón mấy hột đậu phộng trong cái bát ở giữa bàn rồi bỏ vào miệng. Bố tôi đã từng là một cậu thiếu niên béo ú, lúc nào cũng sợ tăng cân, nhưng lại không thể cưỡng lại được món đậu phộng. Thực ra, ông ấy dường như hoàn toàn sống nhờ món đậu phộng ở Algonquin hoặc ở các bữa tiệc cocktail, và gần như chẳng bao giờ ngồi xuống ăn một bữa tử tế. Ông ấy chắc chắn không bao giờ ăn tối ở nhà. Tối nay, lại thêm một đêm nữa ông ấy nhai điên đảo món đậu phộng.
“Đó là James Thurber,” bố tôi lên tiếng. “Bố ghét lão ta, và bố nghĩ nhiều người cũng thế.”
Tôi đã từng nghe về James Thurber.
Ông ta là người thường có những phát ngôn và hình ảnh lập dị, và hay xuất hiện trên tờ The New Yorker. Tôi đã từng nghiên cứu một trong những truyện ngắn hài hước của ông ấy ở trường, và kể cho bố tôi nghe về nó ngay ngày hôm qua.
“Gần đây, bố đã kể cho những người khác tại văn phòng về một câu chuyện đầy tai tiếng, hài hước mà Truman Capote đã kể cho bố về Thurber,” bố tôi tiếp tục, “và bố đã bị ‘cuốn hút’ hoàn toàn về cơn giận thường xuyên của Thurber. Thurber đúng là không có tự trào phúng bản thân.”
Tôi cũng biết Truman Capote, mặc dù chưa đọc cuốn sách nào của ông ấy.
“Khi lần đầu tiên Truman xuất hiện, ông ấy chính là nhân vật thu hút nhất mà bất kỳ ai lúc đó từng được thấy.” Bố tôi mỉm cười, gương mặt rạng rỡ hẳn lên, tâm trạng hứng khởi theo khi ông bắt đầu đắm mình vào câu chuyện. Ánh mắt ông lấp lánh, ngồi thẳng thớm trên ghế. Ông có thể đã thu hút một lượng nhỏ khán giả hâm mộ. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Lúc bố tôi kể chuyện là lúc ông hào hứng nhất.
“Sau đó, Thurber đối xử với Truman như một chân lon ton trong văn phòng, yêu cầu anh ta làm những việc tủn mủn nhất. Thurber gần như bị mù. Ông ta sẽ có những buổi hẹn hò bí mật với phụ nữ vào buổi chiều, ngay tại khách sạn này, và sau đó gọi Truman qua để giúp ông ta mặc quần áo. Một ngày nọ, Truman, trong lúc mặc quần áo cho ông ta, đã lộn trái tất để vợ Thurber biết rằng ông ta đã cởi bỏ quần áo trong ngày.”
Tôi mỉm cười. Nghe có vẻ hài hước, và tôi, một cậu bé chẳng gặp những vấn đề nào kiểu như thế bao giờ, có thể dễ dàng hình dung ra sự bất hòa của ông ta với vợ. Có lẽ khi thay quần áo cho ông ta vào tối đó, bà ấy sẽ phát hiện ra việc ngoại tình.
Tôi có thể hiểu lý do tại sao bố tôi nghĩ rằng những câu chuyện này tương đối vô hại để kể lại. Bố tôi thích tin đồn, đặc biệt là tin đồn liên quan đến mấy vấn đề về tình dục, hay là về những người nổi tiếng. Ông thường sôi nổi kể những câu chuyện như vậy, và tự hào vì chúng đã đưa ông đến gần với nấc thang của sự vui vẻ.
Nhưng tôi cũng ngạc nhiên khi Thurber hoặc bất cứ ai ở văn phòng tạp chí yêu quý của bố, có thể ghét bố tôi. Ông ấy có vẻ rất háo hức mỗi sáng sớm rời khỏi nhà để đến văn phòng và về nhà lúc đêm muộn. Tôi tưởng tượng ông ấy cùng các đồng nghiệp ở New Yorker đã có một khoảng thời gian vui vẻ như những bữa tiệc tùng náo nhiệt. Vì vậy, cảm xúc tiêu cực về Thurber là một điều mới đối với tôi.
Tôi nghĩ đến điều tồi tệ của Thurber và bố tôi sẽ xảy ra khi tôi trở lại văn phòng nhỏ của Crystal. Mối quan hệ của tôi với Tawana là một thế giới hoàn toàn khác biệt với thế giới của bố tôi và Thurber, nhưng dù là vậy, mọi sự tiêu cực ở bất cứ đâu, từ bất cứ ai đều cũng có thể kéo bạn xuống theo nhiều cách. Tôi sợ điều Tawana đang làm, cố gắng phá hoại điều tốt đẹp đến với tôi trong quãng thời gian dài sắp tới.
Tôi tự nhủ phải bình tĩnh. Tôi đang nỗ lực hết sức, thế thôi là đủ, cho dù điều gì xảy ra đi nữa. Tôi nhớ những lần đưa ra lời khuyên cho các con tôi khi chúng gặp áp lực: Khi Bis gặp rắc rối với một giáo viên “tàn bạo” ở trường trung học, khi con trai Charles bị lôi kéo vào một giải đấu bóng vợt điên rồ, tôi đã đảm bảo với chúng rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn, nếu chúng tập trung vào làm tốt nhất những gì chúng có thể.
Nhưng giờ tôi nhận ra, việc đưa ra những lời khuyên đương nhiên ấy quả là dễ dàng, còn có thực hiện được nó mới là khó. Dù có cố gắng để bình tĩnh lại, thì tim tôi vẫn đập loạn xạ trong lo lắng khi tôi quay đầu lại nói chuyện với Crystal.
Khi tôi bước vào văn phòng, Crystal nhìn lên, không hề nở một nụ cười.
Bianca ở đó với cô ấy. “Cho chúng tôi vài phút nhé?” Crystal nói với Bianca, cô mỉm cười ngọt ngào với tôi, quay ra và để chúng tôi ở lại.
Một tín hiệu tồi tệ nữa. Những gì Crystal sắp nói với tôi không thể để cho người khác biết?
“Ngồi đi, Mike,” Crystal lên tiếng, vẫn không hề mỉm cười. Một dấu hiệu tồi tệ cuối cùng. Có một chiếc ghế nhỏ khác trong không gian chật chội ấy, nhưng hầu hết các cuộc thảo luận đều đã diễn ra mà không có ai ngồi xuống, trừ lúc họ có bữa ăn giữa giờ.
“Tawana đã khiến tôi chú ý…” Crystal dừng lại, rõ ràng là đang tìm cách để nói điều gì đó rất nghiêm trọng với tôi.
“Cô ấy nói rằng anh đã đếm thừa hơn mười đô-la và, một lần, thiếu hơn mười đô-la vào những thời điểm khác nhau trong tháng vừa qua.”
Crystal đề cập đến số lượng tiền mà chúng tôi được phép chênh lệch khi dùng máy đếm tiền vào cuối mỗi ca. Tôi biết rằng tôi đáng lẽ chỉ được thừa thiếu trong vòng năm đô-la trở xuống và cố gắng đạt mức tối thiểu.
Tôi vội vàng ngắt lời. “Tôi xin lỗi.”
“Xin lỗi là tốt, Mike,” Crystal nói, “Tawana cũng đã chỉ ra, thường thì các Cộng sự sẽ tố cáo chuyện này.”
Bị “tố cáo” là điều rất kinh khủng ở Starbucks. Tôi chưa từng được biết trường hợp bị sa thải nào, nhưng tôi đã nghe phong phanh rằng quá trình này thường bắt đầu với việc bị “tố cáo” vì một số vi phạm.
Gần như đọc được những gì tôi đang nghĩ, Crystal nói: “Một người có thể bị tố cáo, đặc biệt là vấn đề liên quan đến tài chính. Cuối cùng khi đã đủ những tố cáo về cùng một trường hợp này, người đó sẽ bị sa thải.”
Tôi nhất thời chìm trong hoảng loạn. Không thể bị sa thải được! Không phải lại thế nữa chứ. Và đặc biệt là trong tình cảnh bây giờ, tôi không cam lòng để bị sa thải khỏi nơi tôi cảm thấy an toàn, an tâm và được yêu quý.
Đột nhiên viễn cảnh về bản thân bị ném ra vỉa hè xi măng ảm đạm, dưới bầu trời tháng Một xám xịt của thành phố lạnh lẽo này hiện ra trước mắt tôi. Một lần nữa tôi nhận ra mình đã đi xa đến mức nào, khởi đầu bằng những lợi thế vốn có từ lúc sinh ra, một ngôi nhà lớn, một công việc đỉnh cao, những bộ đồ sang trọng. Đó là những thứ mà tôi đã hằng tìm kiếm để mang lại cho mình sự thoải mái, và rồi điều gì đến cũng sẽ đến, tôi đã thất bại thảm hại khi mọi thứ trở nên tồi tệ đi.
Tôi tự nhủ, với một tôi can đảm hơn xưa, ở Starbucks tôi đã tìm thấy một thực tại tươi đẹp. Không còn là những lợi thế về địa vị từ bên ngoài, bằng chính hai bàn tay mình, tôi đã nhận lấy và trao đi sự tự tin, những hỗ trợ thực sự, tình cảm chân thật và thậm chí cả sự ngưỡng mộ cho Cộng sự và Khách hàng. Cả Crystal nữa. Crystal và Starbucks đã cứu rỗi tôi. Kéo tôi khỏi vũng bùn lầy ghìm bước chân tôi, chỉ còn biết mù quáng theo đuổi những thứ trống rỗng, sống một cuộc sống hời hợt đầy sợ hãi, và rồi cuối cùng, nó còn chẳng có chút ý nghĩa gì.
Không giống như Tawana hay Crystal, kể từ khi sinh ra, tôi đã “được đặt trên một thang cuốn đi lên” dành riêng cho một số ít những người có địa vị, được giáo dục tốt, giao tiếp khéo léo và ăn mặc chỉn chu, những người sẽ không bao giờ ngừng tiến về phía trước. Tôi biết mình đã không tự nguyện thoát khỏi thang cuốn xuôi thuận đó. Tôi được đẩy lên trên nữa nhưng rồi vấp ngã. Mọi chuyện là thế, nhưng dường như chẳng ai đã có thể giúp tôi, hoặc thậm chí thực sự nhận thấy nỗi đau khổ hay điều tôi cần là gì.
Tất nhiên đó là lỗi của tôi. Khi mất thăng bằng, tôi đã không tiến về phía trước mà lại tụt lùi không phanh. Tôi không thể tự mình nói với gia đình, hay thậm chí là những người bạn thân nhất rằng tôi thực sự bất hạnh như thế nào. Hoặc là tôi đã đến mức bần cùng. Một thực tế tan vỡ như vậy không bao giờ được chào đón trong thế giới đó.
Tôi đã không được dạy dỗ để nói ra được những sự thật khủng khiếp như vậy. Mẹ tôi luôn sống trong thế giới đầy mộng mơ tươi đẹp của những lời phủ nhận lạc quan. Đối với bà, mọi thứ luôn là tốt nhất trong những điều tốt nhất có thể.
Bà ấy thậm chí không chịu đựng nổi khi phải nói với tôi rằng bố tôi đã mất.
Tôi đã nhận được cuộc gọi vào buổi sáng sớm, chỉ vài ngày sau Giáng sinh bảy năm trước.
“Chúng ta đã có một Giáng sinh tuyệt vời nhất”, mẹ tôi bắt đầu, giọng nói như thường lệ với những thanh âm tràn đầy sức sống. “Bố con đã giúp Emma xếp gọn tất cả đồ chơi của con bé lại với nhau. (Emma là cháu út của bố mẹ tôi. Vào những dịp như vậy, nó đương nhiên là tâm điểm trong gia đình.)
“Một Giáng sinh không thể tuyệt vời hơn nữa, và bố con đã...”
Giọng bà khựng lại, thật khác thường. Bà ấy có thể nói liền mạch như chim hót không ngừng nghỉ.
“Ông ấy như thế nào rồi ạ?” Tôi hỏi như thường lệ.
“Bố con ốm…”
“Có chuyện gì thế ạ?”
“Ông ấy mất rồi.” Tim tôi rớt ra khỏi lồng ngực. “Nhưng không một mùa Giáng sinh nào hạnh phúc như năm nay!” Bà kết thúc bằng một lời tự an ủi lạc quan.
Mẹ tôi đón nhận lời cầu nguyện của giáo hội Ki-tô “cho những ý nghĩa của lòng khoan dung và niềm hi vọng của vinh quang”. Nhưng bà đã làm nhiều hơn là chỉ hi vọng. Bà ấy chào đón từng khoảnh khắc với một niềm tin rằng nó thật vinh quang.
“Thật tuyệt vời!” là câu cảm thán của bà ấy dành cho bất kỳ thông tin nào tôi truyền đạt đến.
Tôi có thể nói rằng: “Gordon sẽ đến ăn tối đó ạ.”
“Thật tuyệt vời,” bà ấy sẽ trả lời như vậy.
Hoặc: “Con sẽ qua chỗ cắm trại để bơi ạ”.
“Ôi, tuyệt vời!,” bà sẽ thốt lên như vậy. Mẹ đã sống một đời kiên định tràn đầy, nhiệt huyết để thấy trọn từng khoảnh khắc như một món quà đáng kinh ngạc mà bà đã được ban tặng. Giống như một đứa trẻ biết lễ độ vào sáng Giáng sinh, bà luôn đảm bảo rằng mình biết ơn và không chỉ trích bất cứ điều gì được trao cho bà trong cuộc đời. Bà cũng cẩn thận tránh nói đến những tin xấu.
Tôi đã được biết thêm một số chuyện qua những người khác trong gia đình mẹ, sau khi tôi bước vào tuổi bốn mươi, rằng ông nội Henry Harris Barnard đã tự tử bằng cách nhảy xuống một cái giếng. Hoặc là người chú tuyệt vời của bà, ông Gates đã tự sát bằng súng. Hoặc một người chú khác mà bà rất yêu mến đã phải rời khỏi bục ở Câu lạc bộ Harvard và bị nhốt trong một cơ sở từ thiện ở tiểu bang New York suốt quãng đời còn lại. Hoặc là em gái duy nhất của bà, Frances, cũng đã bị đưa vào cơ sở từ thiện, khi vẫn chỉ là một đứa trẻ, và không ai trong gia đình còn nhìn thấy bà nữa. Bà không bao giờ nhắc đến những sự thật khủng khiếp này với tôi.
Sau cuộc điện thoại đầy miễn cưỡng, tiết lộ bố tôi đột ngột qua đời vào sáng hôm đó, tôi lập tức nhảy lên xe và lái về nhà để ở bên bà ấy. Nhưng bà ấy không muốn nói về những gì đã xảy ra. Bà ấy chắc chắn sẽ không muốn khám nghiệm tử thi, hoặc theo đuổi bất kỳ sự thật nào, về những gì thực sự đã xảy ra khiến bố tôi ra đi.
Sau đó, những người khác đã cho tôi biết rằng bố tôi cảm thấy đau lưng và ông ấy đã đến bệnh viện để kiểm tra. Trong lúc kiểm tra, tôi nghĩ bố tôi đã nhận ra một sai lầm khủng khiếp gì đó và quyết định mình phải ra đi. Nếu là một người khác, chắc có thể họ sẽ chiến đấu thêm một thời gian nữa, ngay cả khi tàn tật một phần cơ thể. Nhưng bố tôi đã chứng kiến mẹ của ông chết một cách đau đớn, kéo dài cả năm vì bệnh ung thư khi ông mới chỉ là một đứa trẻ bảy tuổi. Nên một trong những mục tiêu cả đời của ông là không gây ra nỗi đau khổ bất tận cho bất cứ ai.
“Hãy bắn bố đi nếu bố bị như thế nhé,” bố tôi hay nói thế, thường là với một giọng rõ to và hơi lúng túng, hướng về phía người họ hàng trong bữa tiệc. Ông ấy đưa cho tôi mệnh lệnh đáng sợ đó từ khi tôi chỉ là một đứa trẻ.
Bố tôi sống trong một nỗi sợ hãi điên rồ. Với sự quan tâm, ý chí nỗ lực không ngừng, cộng với tài năng, đáng ra ông đã có thể thoát khỏi trầm cảm vì cái chết bi thảm của bà nội tôi.
Nhưng ông vẫn phải chiến đấu chống lại tâm trạng tồi tệ đó mỗi ngày.
Bố tôi đã phát triển phiên bản mạnh mẽ của chính mình để ngăn nỗi đau thường trực của bản thân. Đầu tiên là thông qua bài viết của mình, nó ngày càng trở nên lạc quan và thú vị hơn khi ông chủ định tìm những chủ đề hấp dẫn, thay vì những sự thật khủng khiếp và nỗi đau của những ký ức đầy chấn thương ban đầu. Sau đó, ông cũng đã tìm cách thoát khỏi bằng việc hoàn thành vai trò xã hội của mình, với tư cách là một diễn giả nổi tiếng với khiếu hài hước.
Vậy mà, khi nhìn bố tôi sau khi ông qua đời, khuôn mặt của ông trông như chiếc mặt nạ thê lương trên sân khấu Hi Lạp xưa. Biến cố đau khổ mà ông phải vượt qua bằng sự khước từ mạnh mẽ và kiêu hãnh suốt cuộc đời cuối cùng đã nuốt chửng toàn bộ nét mặt bố tôi.
Nỗi buồn kinh hoàng của đứa trẻ đã quỳ cầu nguyện bên người mẹ ngày một yếu đi, bây giờ đã hiện rõ. Đó là khuôn mặt hàm chứa nỗi niềm mất mát xé lòng của đứa trẻ bị bỏ lại một mình trên đời, bất chấp mọi lời cầu nguyện của cậu. Mẹ cậu vẫn qua đời và bỏ cậu lại. Bây giờ, sự mất mát năm xưa đã hiển hiện rõ trên những nét mặt thê lương và khắc khoải của ông. Dù có bao nhiêu cố gắng, ông đã mất người phụ nữ ông yêu thương và cần nhất cuộc đời này.
Khổ thân bố! Tôi nghĩ. Bố đã phải chịu bao đắng cay rồi! Tôi nhận ra, không ngẫu nhiên bố tôi chấp nhận lối thoát nhanh nhất khỏi thực tại kinh khủng này. Không ngẫu nhiên mà bố tôi muốn gia đình và tôi không phải chịu cái tình trạng sống dở chết dở của ông.
Mẹ tôi và bố tôi rất giống nhau ở điểm đó, họ chọn cách ra đi. Mẹ tôi cũng lựa chọn cái chết tức thời.
Mẹ tôi đã từng khám bác sĩ và được bảo rằng bà mắc chứng phình động mạch.
“Điều này có nghĩa là gì?” Mẹ tôi hỏi.
“Bà có hai lựa chọn,” bác sĩ nói. “Bà có thể phẫu thuật, nó rất khó khăn và dai dẳng. Bà cần ít nhất sáu tháng để hồi phục. Hay là, bà không điều trị, và có thể ra đi bất cứ lúc nào.”
“Tuyệt vời!” Mẹ tôi thốt lên với giọng điệu tích cực bà thường xuyên dùng.
Bà mất vào khoảng Giáng sinh, chưa đến hai năm sau khi bố tôi qua đời. Mẹ tôi ăn mặc chỉnh tề, sẵn sàng đến buổi Thánh ca ở nhà thờ. Bà ra đi trong vinh quang. Bà trông thật đẹp. Tôi ước rằng tôi đã có thể ôm bà trước khi bà ra đi. Tôi mong bà biết rằng, tôi yêu bà và nhớ bà nhường nào.
Tôi buồn vì không có cơ hội nói với bố mẹ tôi tôi yêu họ nhường nào trước khi họ rời xa tôi trong vội vã.
Tôi mong họ biết rằng tôi đã làm hết sức có thể để họ hạnh phúc khi họ còn sống. Tôi vẫn dằn vặt vì không thể làm hơn thế. Tôi đáng lẽ nên ở bên cạnh họ lúc họ ra đi để nói lời yêu thương và an ủi họ.
Ấy vậy mà, với tất cả tình yêu tôi dành cho bố mẹ và với tất cả tình yêu họ dành cho tôi, tôi biết rằng nếu họ còn sống, họ sẽ rất không hài lòng và lo lắng về nhiều mặt khi nói về nghề nghiệp và sinh hoạt hiện nay của tôi.
Bây giờ tôi đang sống một mình, bố mẹ tôi chắc chắn sẽ rất giận dữ về ý tưởng đó và nói rằng tôi ích kỷ. Bất cứ khi nào tôi không trợ giúp họ trong bữa tiệc gia đình hay các dịp lớn khác, tôi “ích kỷ”. Họ cần tôi làm một diễn viên hạnh phúc, trong vở kịch hạnh phúc họ tạo ra và không điều gì tôi làm là đủ với họ cả.
Họ sẽ bối rối khó hiểu và không vui khi tôi vui vẻ pha cà phê, tìm thấy niềm vui và tình bạn với những người họ chẳng bao giờ để ý. Họ sẽ rất ngạc nhiên khi Crystal và các Cộng sự của cô có thể trở thành bạn tốt của tôi.
Bố mẹ tôi sẽ rất khó chịu, mà với họ có lẽ là một sự thật phũ phàng, rằng: Tôi hạnh phúc với công việc phục vụ và cuộc sống giản đơn. Tôi không thể sống chỉ để khiến bố mẹ hài lòng được nữa.
Tôi không thể phủ nhận cảm xúc hạnh phúc đang lớn dần trong tim tôi. Hạnh phúc mới mẻ, trầm lắng, sâu thẳm này ùa đến với tôi giữa lúc tấp nập phục vụ một hàng khách dài tại Starbucks. Tôi cũng cảm thấy hạnh phúc nảy nở như một dòng hơi ấm dịu nhẹ chữa lành trái tim tôi, xoa dịu những vết thương với xã hội này. Không còn những bữa tiệc hào nhoáng. Tôi biết bố mẹ tôi sẽ muốn tôi tiếp tục cùng họ tham gia một cuộc sống tuyệt vời, một thế giới hoàn mỹ của đỉnh cao xã hội và nghệ thuật.
Tôi không còn năng lượng và tâm trí cho nó nữa.
Nhờ Crystal và Starbucks, tôi không cần nó nữa.
Crystal và cả Starbucks nữa đã giải thoát tôi, giúp tôi có thể là chính tôi.
Hít một hơi sâu và tự nhắc nhở mình cô ấy đã chứng minh được mình thông thái ra sao trong suốt thời gian tôi quen cô. Tôi tự bảo mình Crystal sẽ không ném tôi ra khỏi cửa, chỉ vì Tawana muốn tôi bị sa thải.
Và tôi đã đúng.
Vì Crystal đã cười. Cảm ơn Chúa.
CẤT LÊN TIẾNG NÓI TỪ SÂU THẲM, CHÚNG TA SẼ CÙNG NHAU SAN SẺ ÁNH SÁNG
Khác với tôi, Crystal chưa từng lo ngại về tôi hay khả năng của tôi. Crystal tin tưởng vào tôi nhiều hơn tôi tin tưởng vào chính mình.
Crystal mở lời, “Nghe này, Mike, tôi có quyền ghi biên bản về việc này, nhưng tôi không muốn làm hỏng hồ sơ tuyệt vời của anh.”
Cảm ơn, Crystal. Tôi tự nói với mình.
“Anh đã làm rất tuyệt, gặp mặt, chào hỏi và tổ chức sự kiện thử cà phê," giọng cô hạ xuống, “nhưng anh thực sự cần phải quản lý việc thu ngân tốt hơn.”
“Có lẽ tôi nói chuyện quá nhiều với khách hàng trong khi tính tiền trả lại.” Tôi đoán mò, tìm cách khiến mọi chuyện trở nên tốt hơn.
Nhưng ngay lúc đó, Tawana xuất hiện. Cô ấy không chờ được cho đến lúc Crystal lập biên bản. Cô ấy chắc hẳn đang lo lắng là tôi không bị trừng phạt đủ nặng.
“Chào, Tawana,” Crystal nói. “Tôi đã nói chuyện với Mike về công việc thu ngân.”
“Anh ấy đáng lẽ phải bị kiểm điểm.” Tawana nói. “Những Cộng sự khác đã có thể bị đuổi việc vì điều tương tự.”
Crystal im lặng. Cô ấy là một người phụ nữ mạnh mẽ. Đến giờ, nhìn kỹ, tôi nhận ra cô ấy đang đeo một chiếc khuyên tai bạc nhỏ. Cô ấy cũng rất phong cách, bất kể những áp lực từ cương vị của cô, quản lý nhiều Cộng sự và thói quen làm việc cũng như cảm xúc của họ. Khi những Cộng sự khác mắc lỗi, tôi được chứng kiến cách cô hành xử nghiêm khắc nhưng công bằng.
“Tôi biết công việc của mình, Tawana,” Crystal nói.
Ngữ điệu bình thản của Crystal báo hiệu việc này đến đây là chấm dứt. Cô không phải là loại người dễ bị kẻ khác đưa đẩy.
Tawana nhìn Crystal với ánh mắt giận giữ, phẫn nộ mà cô ấy thường dùng với tôi.
“Mike sẽ tiến bộ. Tôi tin là vậy.” Crystal nói với Tawana, cho tôi một lời khẳng định mà tôi luôn mong cầu, nhất là khi tôi rất tự ti về khả năng kiểm soát tiền bạc.
“Người ta chả cần phải học đại học cũng có thể làm tốt công việc thu ngân”, Tawana nói và hầm hừ chạy đi.
Tôi biết câu nói không đầu không cuối này bắt nguồn từ đâu. Tôi biết Tawana tốt nghiệp đại học và cô ấy không thể chịu nổi sự thật rằng mình phải làm những công việc nhỏ nhặt như làm thu ngân hay pha đồ uống.
“Được rồi, Mike.” Crystal quay sang nói với tôi, với ánh mắt nghiêm nghị. Crystal có thể thân thiết với tôi, nhưng không có nghĩa là tôi dễ dàng thoát tội. “Tập trung vào nhé, tôi biết anh có thể làm được.”
Tôi ra phía trước cửa hàng, vừa thấy an tâm vì niềm tin của Crystal vào tôi, nhưng vẫn lo lắng về việc Tawana giận giữ với tôi. Tôi có thể hiểu tại sao cô ấy cảm thấy vậy.
Vừa mới tuần trước, tôi buộc phải nhận ra rằng sự khác biệt trong văn hóa và xã hội vẫn chia cách tôi với các Cộng sự. Cách tôi sống cuộc sống của mình sau khi tan giờ làm ở Starbucks với cách họ sống là một khoảng cách không biết đến khi nào mới có thể xóa nhòa. Tôi đến vào ca giữa buổi sáng. Khi tôi xuống cầu thang, tôi thấy Kester nói chuyện với Charlie. Tôi tưởng Kester đang giúp cậu ấy sắp xếp cuộc sống tình yêu phức tạp của mình như thường lệ. Nhưng chuyện còn nghiêm trọng hơn thế.
Hóa ra Charlie chia sẻ với Kester về một cảnh cậu được chứng kiến trên đường đi làm buổi sáng hôm đó. Em gái của một trong nhiều bạn gái của cậu cãi nhau với một cô gái mười sáu tuổi khác.
“Hai đứa quát tháo nhau và Julie rút dao ra, dọa dẫm cô bé kia. Nhưng cô bé tiếp tục quát tháo và Julie đâm cô bé, lưỡi dao xuyên qua tim luôn. Đó là một tai nạn. Nhưng cô bé kia đã chết. Hai giây thôi và cuộc sống của Julie kết thúc. Cuộc sống của con bé đã kết thúc.”
Mặt của Charlie trắng bệch, giọng nói run run. Kester vòng tay ra đằng sau ôm cậu ta – một cử chỉ hiếm thấy.
“Mười sáu tuổi và cuộc sống của con bé đã kết thúc.” Charlie lặp lại lần nữa. Tôi bỗng nhận ra sự khác biệt giữa cuộc sống của tôi và họ. Phố Bronxville tôi sống rất an toàn. Tôi chưa từng chứng kiến ai đâm chém nhau cả. Vậy mà đây là thực tại nghiệt ngã mà phần lớn Cộng sự của tôi phải sống chung mỗi ngày.
Cũng dễ hiểu vì sao Tawana khó chịu với tôi. Từ góc nhìn của cô, tôi sống trong sự bao bọc của giàu sang và giờ là lúc tôi cũng phải chịu dăm ba cú đòn. Tawana có lẽ sẽ không đâm tôi, nhưng cô ấy sẽ rất vui mừng nếu tôi bị tổn thương. Cô ấy bị thương tổn bởi cái thế giới này, cái thế giới tràn đầy ác ý với cô. Chẳng phải đã đến lúc tôi cũng chịu điều tương tự?
Cô ấy chắc chắn chả nương từ với tôi. Đã có ai nương từ với Tawana đâu? Vì thế tôi có thể hiểu sự giận giữ của Tawana và vì sao cô muốn trút lên tôi, bởi vì cô nhìn tôi như đại diện của cái thế giới đã đè nén cô. Thái độ của Crystal mới đáng kính. Crystal cũng trưởng thành trong cùng cái thế giới nghiệt ngã, ác độc đó, nhưng bằng cách nào đó cô ấy nhìn tôi như là một con người – thay vì một biểu tượng của xã hội áp bức.
Đến cuối cùng sự thật vẫn là vậy, một phần của cơn phẫn nộ Tawana dành cho tôi là bởi vì tôi là một ông già da trắng – một phần của nhóm người đã áp bức cô, và có thể tôi chính là loại người từ chối cô ấy khi cô đi xin việc, khi cô ấy còn tràn đầy hi vọng với tấm bằng đại học của mình.
Phải thú thực là, tôi rất có thể là tên khốn nạn đó trong quá khứ. Nhưng tôi chắc chắn rằng tôi không còn là loại người đó nữa, và thật bất công khi Tawana đối xử với tôi như vậy. Những Cộng sự khác đã chấp nhận tôi – bất chấp sự khác biệt về hoàn cảnh sống. Họ coi tôi là Cộng sự theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tại sao Tawana không thể làm điều tương tự?
Trước khi tôi ra mặt tiền của cửa hàng, tôi thấy Kester đang đứng đợi. Anh ta đặt tay lên vai tôi.
“Vui vẻ lên Mike. Tawana đối xử với ai cũng như vậy thôi.” Anh ta cười với tôi. “Đừng bận tâm quá.”
Chiều hôm đó, tôi quan sát cô ấy và nhận ra Kester nói đúng. Tawana xấc xược với tất cả Cộng sự và kể cả vài vị khách. Cô ấy ghét tất cả mọi người. Đến cuối ngày, tôi hiểu ra cô ấy không công kích tôi, cô ấy công kích tất cả mọi người. Và tôi cảm thấy thực sự thông cảm cho cô ấy. Tôi chắc hẳn sẽ chẳng khác gì cô ấy nếu sau khi học đại học, tôi không thể kiếm được công việc tôi hằng kỳ vọng.
Tôi đã được cho một cơ hội công việc rộng mở ngay sau khi tốt nghiệp đại học mà chẳng cần động tay động chân gì cả. Theo nghĩa đó, tôi đúng là một mục tiêu phù hợp để cô ấy trút hết phẫn nộ lên. Cô ấy biết tôi không phải chịu đựng những điều cô đã chịu đựng. Không ngạc nhiên khi Tawana khó chịu.
Nhưng từ giờ khắc đó, với lời nói của Kester vang vọng trong tai, tôi không coi cơn giận giữ của Tawana là chuyện cá nhân nữa. Tôi không còn là tôi trước kia. Tôi bây giờ hãnh diện mặc chiếc áo Starbucks và tôi biết trong tim tôi, tôi sẽ làm mọi điều tôi có thể để giúp Tawana cũng như các Cộng sự khác có được thành công xứng đáng với họ.
Tôi nhớ ngày trước, ở J. Walter Thompson, người ta bảo tôi không gửi “những tờ giấy khen ngợi” bởi vì những văn bản tích cực đó có thể là trở ngại trong kiện cáo nếu chúng ta phải sa thải ai đó.
Thực tế là, trong một cuộc họp đặc biệt, trưởng phòng nhân sự nói với chúng tôi: “Các ông sẽ phải sa thải rất nhiều người, vì vậy đừng để lại điều gì trên giấy trắng mực đen.” Chúng tôi được khuyến khích là keo kiệt nhất có thể với các lời khen – đặc biệt là khi được ghi ra giấy. “Chúng sẽ quay trở lại ám ảnh chúng ta”, trưởng phòng nhận sự nhấn mạnh.
Giờ đây, ở Starbucks, tôi có thể tự do biểu cảm tôi hạnh phúc ra sao và tôi trân trọng các Cộng sự của mình thế nào. Tôi bắt đầu viết những dòng tin nhắn cho các Cộng sự, cảm ơn vì đã giúp đỡ và thân thiện với tôi.
Tôi viết cho Kester cảm ơn cậu ấy vì những lời khuyên, sự dẫn dắt và gọi cậu ấy là một “huấn luyện viên vĩ đại”. Tôi viết vài dòng cho Bianca, nói rằng nụ cười ngọt ngào của cô rất có ý nghĩa với tôi, khi tôi nhìn một hàng khách dài đang đợi tôi đặt đơn. Tôi viết cho Joann rằng, sự im lặng, kiên nhẫn của cô đã giúp tôi vượt qua những bỡ ngỡ khi làm tất cả mọi việc tôi chưa từng làm bao giờ.
Tôi viết cho Crystal rằng tôi trân trọng mọi việc cô ấy làm, không chỉ cho tôi một cơ hội mà còn giúp đỡ tôi thành công hòa nhập với môi trường mới này.
“Cô là ngôi sao thực sự của Starbucks,” tôi viết cho cô ấy.
Tôi viết cho Charlie Nhạc công rằng, tôi trân trọng dòng năng lượng lạc quan của cậu. “Có rất nhiều đêm, Charlie ạ, thái độ lạc quan của cậu, giống hệt như một cốc cà phê tuyệt hảo, là một lời động viên tuyệt vời.”
Tôi cũng viết vài dòng nhắn nhủ cho Anthony: “Phong cách của cậu, từ nụ cười kiên định, duyên dáng đến đôi giày luôn bóng loáng của cậu, mang lại áng sáng ấm áp đến cuộc sống của chúng tôi.”
Thật là nhẹ nhõm khi tôi có thể biểu lộ cảm xúc tích cực của mình với các Cộng sự.
Không phải mấy trò quyền mưu công sở, tôi chỉ muốn biểu đạt cảm xúc chân thành của mình trên mảnh giấy.
Tôi nối tiếp việc này bằng cách làm một bài thơ cho Cộng sự mỗi khi sinh nhật ai đó đến. Và trong ngày nghỉ, tôi viết lời biết ơn với các Cộng sự:
“Bạn là Phước lành đẹp nhất
Chỉ bằng việc bạn xuất hiện
Thiện lành, vui vẻ, diệu kỳ
Món quà chính là bạn đó
Mỗi ca bận rộn có bạn là ánh sáng ấm áp
Bạn mang lại hạnh phúc rộn ràng mỗi ngày.
Có bạn, công việc là một lễ hội hân hoan."
Tôi không chỉ làm vậy với các Cộng sự. Bây giờ, tôi viết tặng những vị khách, những người tôi cũng biết ơn.
Với những vị khách, khi đến ngày sinh nhật họ, tôi sẽ viết cho họ một bài thơ nhỏ. Cho Denise, tôi nói rằng tôi thích chiếc mũ và khăn quàng cổ của cô ấy đến nhường nào. Cho Tiến sĩ Paul, tôi cảm ơn ông ấy vì mọi nỗ lực ông đã làm cho những đứa trẻ bị viêm khớp. Cho Ella bé nhỏ, tôi nói rằng tiếng ríu rít mỗi sáng của cô bé tuyệt vời như những bài hát của ca sĩ cùng tên Ella Fitzgerald. Với Rachel, tôi khen ngợi Max, con cô: “Đứa trẻ kiệt xuất”. Dành tặng cho khách hàng tên Jane, tôi đã viết bài thơ sau:
“Nụ cười tỏa nắng
Khi bạn bước vào
Như điều tích cực
Với lời ấm áp hỏi thăm
Lúc bạn đứng trước quầy
Bạn là ngôi sao lấp lánh
Đã đến với chúng tôi
Bạn là vị khách tuyệt vời.
Khơi gợi những điều tuyệt vời nhất!”
Bài thơ không phải là kiệt tác nghệ thuật, nhưng các vị khách yêu thích những lời trân trọng riêng tư đó. Họ yêu thích những điều sâu thẳm từ trái tim tôi. Tôi có thể sống chân thành tại Starbucks, bởi vì cuối cùng tôi đã được sống trong môi trường trân trọng những khoảnh khắc giá trị của tương tác giữa người và người. Kể từ lúc tôi thừa nhận rằng, tôi rất hạnh phúc khi được ở đây, mọi thứ thật đơn giản và dễ dàng. Tại sao tất cả các công ty khác không vận hành y như vậy?
Bởi vì, tôi phải thừa nhận rằng, nó rất tốn kém.
JWT sa thải rất nhiều người khi họ không còn “hiệu quả kinh tế”. Họ đã sa thải tôi. Phần lớn các công ty không muốn cho nhân viên của họ những lợi ích sức khỏe tử tế. Nó tốn quá nhiều tiền. Trong những công ty tôi biết, không công ty nào dành cho người làm việc bán thời gian những lợi ích tuyệt vời như thế.
Những lời khen tặng, động viên và những điều mới để học hỏi – tôi nghĩ về những lời quan tâm và ghi nhận tôi nhận được kể từ khi bước qua cánh cửa này.
Uy tín của công ty được xây dựng dựa trên món đầu tư lớn vào tôi và các Cộng sự khác. Vì thế Starbucks đặc biệt. Và chắc chắn sẽ luôn là thế.
Tôi không muốn mất công việc này. Vị trí thu ngân là việc tôi không thích làm làm nhất. Tôi biết điều đó ngay từ đầu, nhưng nó là một phần quan trọng của công việc. Tôi không thể coi nhẹ nó được.
Kể từ ngày Tawana tìm cách đuổi tôi, tôi thực sự tập trung vào việc thu ngân. Tôi giảm nói chuyện với khách đi một ít. Khi mà tôi chỉ có thể nhìn thế giới bằng từ ngữ và hình ảnh, thay vì những con số, tôi lập ra một mẹo để tập trung. Đấy là gọi tên khuôn mặt của các tờ tiền tôi nhận được.
Tôi sẽ gọi, thành tiếng, Abraham Lincoln nếu tôi nhận được tờ năm đô-la, hay Alexander Hamilton cho tờ mười đô-la, Andrew Jackson cho tờ hai mươi. Bằng cách gọi thành tiếng, tôi buộc phải lấp đầy miệng và tâm trí mình với những từ chả liên quan gì tới cuộc nói chuyện với vị khách trước mặt. Điều quan trọng nhất lúc này đó là tôi đang để tiền ở đâu. Thêm vào đó, khi đưa lại tiền thừa, tôi cũng nói số tiền thành tiếng: “Bốn đô-la và năm mươi sáu cent.”
Chắc nghe tôi giống như người rao hàng tại lễ hội với những âm thanh quá lố như vậy. Dần dần, hành động này trở thành một kỹ năng giúp tôi có thể tự tin tiếp tục những cuộc trò chuyện với khách mà tôi hằng rất yêu thích.
Đã khoảng hai tuần kể từ khi Crystal nói chuyện với tôi, tôi đang trên đường đến văn phòng để đếm lại số tiền sau mỗi ca.
Crystal đang nói chuyện điện thoại, cô đang đặt mua vật tư. Tôi để hết số tiền lên máy đếm. Đó là khoảnh khắc sống còn, một lần làm là một lần ngồi trong sợ hãi. Tôi nhấn nút trên máy tính và đấy: màn hình cho thấy rằng tôi nhận 840 đô-la và chỉ chênh lệch ba cent. Chỉ ba cent! Đó là một kết quả tuyệt vời với bất kỳ ai, kể cả Tawana.
Tôi không thể nhịn được cảm giác muốn chia sẻ thành quả này với Crystal được.
Ngay khi cô ấy cúp máy, tôi nói rất tự hào. “Nhìn này, tôi chỉ chênh lệch ba cent!”
Cô liếc nhìn về phía tôi và bình thản nói. “Tuyệt vời. Tôi biết anh có thể làm được mà Mike.”
Với cô ấy, đây có vẻ không phải chuyện lớn. Không thể tin nổi. Nhưng sau đó tôi bỗng nhận ra, hóa ra với cô ấy nó không phải chuyện lớn bởi vì, khác với tôi, cô chưa từng lo ngại về tôi hay khả năng của tôi.
Crystal tin tưởng vào tôi nhiều hơn tôi tin tưởng vào chính mình. Những ngày tiếp theo đó, tôi vô tình nghe được cô ấy nói với những Cộng sự khác nên noi gương theo cách tôi giao tiếp với khách hàng.
KHÔNG CÓ CHƯỚNG NGẠI NÀO LÀ DỄ QUA, KHÔNG CÓ CƠ HỘI NÀO LÀ DỄ DÀNG
Khó khăn là thế, nhưng với tôi cam kết “luôn sẵn sàng” giống như một món quà. Một công việc đầy thử thách, luôn phải nỗ lực hàng ngày để học, để làm sao cho đúng. Cuộc sống của tôi lấp đầy áp lực và sự vụ, đến nỗi tôi không còn thời gian cảm thấy cô đơn. Tôi coi công việc tại Starbucks như một chuyện sống còn, và tôi đã hoàn toàn nhập tâm vào đó
Một ngày nọ, khi tôi dọn dẹp các khay chứa gia vị sau khi thực hiện sự kiện thử cà phê, tôi nghe thấy Crystal gọi tôi.
“Mike,” cô nói. “Anh có rảnh không?” Tôi quay đầu lại.
Cô đang đứng cạnh một người đàn ông. Ông ấy mỉm cười với tôi.
“Đây là Abe. Tôi đã kể với anh ấy rằng anh tuyệt vời thế nào.”
Cụm “Anh tuyệt thế nào” thật là dễ nghe, tôi nghĩ vậy.
Nhưng tôi còn công việc, tôi phải chắc rằng có đầy đủ khăn giấy ở quầy bar, tôi không muốn làm hỏng việc.
“Đến giờ anh nghỉ mười phút rồi, Mike.” Crystal tiếp tục nói. Có vẻ lịch làm việc của tôi, lịch làm việc của tất cả mọi người đều rõ ràng trong đầu cô.
Làm sao cô ấy làm được nhỉ?
“Vâng.” Tôi nói rồi đi kiểm tra nốt xem khăn giấy và đường có đủ không. Tôi phát hiện rằng ở Starbucks bạn vẫn có thể vừa làm khi nói chuyện. Luôn luôn có việc để làm. Khách hàng luôn lấy nhiều khăn giấy, họ dùng rất nhiều đường. Đôi khi tôi cảm thấy chúng tôi bán khăn giấy và đường còn nhiều hơn bán cà phê! Có lẽ giờ trách nhiệm của tôi với tình trạng của quán đang ngày một tăng lên. Thiếu khăn giấy hay đường đều khiến tôi cảm thấy rất tệ.
Vừa nghe Crystal nói, tôi vừa tiếp tục làm việc, chuyển sang lau quầy hàng và rửa các khay gia vị nào.
“Trong giờ giải lao, Mike, tôi muốn anh ngồi với Abe. Anh ấy là quản lý quận mới của chúng ta và anh ta muốn gặp các Cộng sự.”
“Được rồi,” Tôi rất sẵn lòng chia sẻ giờ nghỉ với Abe. Từ rất lâu rồi, tôi nghe nói người ta sẽ dễ nhớ tên một người hơn nếu bạn gắn chúng với hình ảnh. Do thường xuyên phải đứng tại quầy thu ngân, hình ảnh của các vị tổng thống đã in đậm vào tâm trí tôi – họ thậm chí còn bay lượn trôi nổi trong giấc ngủ của tôi hôm qua. Tôi gán luôn một hình ảnh cho Abe: tờ năm đô-la. Abe Lincoln, tôi tự nhủ. Vài phút sau đó, tôi đến gặp Abe (Lincoln) và Crytsal ở chiếc bàn phía sau cửa hàng. Crystal đứng dậy.
“Tôi sẽ để hai người ngồi riêng,” cô nói. “Tôi có rất nhiều việc để làm.”
Lần đầu tiên tôi thực sự quan sát Abe. Anh ta dường như vào độ cuối ba mươi, đầu bốn mươi.
“Chào Mike,” anh ta nở nụ cười ấm áp. “Crystal nói rằng anh là một trong người giỏi nhất trong việc cung cấp dịch vụ chí tôn.” Dịch vụ chí tôn là thuật ngữ của Starbucks chỉ việc tạo kết nối tích cực với khách hàng thông qua hội thoại và các nỗ lực khác để phục vụ họ.
“Tôi thích nói chuyện với khách.” Tôi trả lời
“Thật tuyệt. Ngành của chúng ta là kinh doanh về con người.”
“Và tôi yêu thích cà phê.” Tôi tiếp tục nói. Vì một lý do nào đó, tôi thấy mình có thể tin tưởng Abe. Bạn biết đấy, kiểu mà bạn gặp ai đó và bạn cảm thấy ngay rằng bạn không cần phải giả vờ? Abe có một sự tự tin, tự tại khiến tôi ngay lập tức cảm thấy bình yên. Tôi cũng cảm thấy anh ta sẵn sàng tin vào phần tuyệt nhất của tôi.
“Tôi cũng thích cà phê.” Anh ta nói. “Tôi lớn lên ở một nông trại cà phê ở Costa Rica. Gia đình tôi trồng cà phê.”
“Anh đến với Starbucks như thế nào?” Tôi hỏi.
“Tôi làm việc cho Pepsi, sau đó rời đi và tự lập nghiệp. Kinh doanh rượu. Nhưng rồi khi phát hiện ra Starbucks, tôi đã rất hạnh phúc.”
Phát hiện ra Starbucks. Một cách hay để miêu tả nó. Tôi nghĩ.
“Tôi có thể hiểu cảm giác của anh, trân trọng mọi điểm đặc biệt của Starbucks,” tôi nói.
Abe cười.
“Chắc chắn rồi. Đây là nơi tuyệt nhất tôi từng đến.”
“Tôi cũng vậy!” Tôi nói.
Abe cười.
“Bằng cách nào anh đã đến được đây?” Anh ấy hỏi.
“Một hành động tốt bụng.” Tôi nói. “Crystal đã cho tôi công việc này.”
Abe lại cười. Nó như kiểu hai người bạn già chia sẻ một câu chuyện tuyệt vời.
“Anh đang sống ở đâu?” Abe hỏi, rồi nói tiếp, “Crystal nói anh vẫn rất tận tâm, luôn sẵn sàng cho mọi nhiệm vụ, dù anh phải đi rất xa.”
“Luôn luôn sẵn sàng” là cách nói của Starbucks về việc sẵn sàng đi làm bất cứ giờ nào, ngày hay đêm. Tôi đã tích vào ô “luôn luôn sẵn sàng” vào đơn xin việc ở ngày đầu tiên gặp Crystal. Tôi biết, từ hồi ấy, Crystal và bất cứ quản lý Starbucks nào đều rất thích một người pha chế luôn luôn sẵn sàng có mặt. Nhiều thợ pha chế một khi đã dày dặn kinh nghiệm đều dần dần có những yêu cầu như “không làm trước lúc mở cửa”, “không làm sau lúc đóng cửa”, “không làm cuối tuần”.
Tôi cảm giác cuối cùng tôi cũng sẽ làm thế, nhưng trong năm đầu tiên tôi biết mình phải cho thấy sự linh hoạt. Và giờ tôi vẫn cảm thấy vậy. Đặc biệt là khi tôi chưa thực sự hiểu điều tôi đang làm. Tôi cảm giác, Starbucks mới là điều đáng giá với tôi hơn là tôi đáng giá với Starbucks. Vậy nên tôi sẵn sàng cống hiến tất cả – sức khỏe, tâm trí và cảm xúc – biến nó thành một cam kết, cả bằng lời nói lẫn văn bản, rằng tôi luôn sẵn sàng bất cứ khi nào họ cần.
Ưu tiên khác của tôi, ngoài Starbucks, là các con tôi. Tôi cố gắng gặp Jonathan nhiều nhất có thể, khoảng một đến hai lần một tuần. Annie con gái tôi đang sống tại Brooklyn, vì vậy con bé thường ghé thăm, tôi có thể dễ dàng gặp con bé hơn.
Một lần, khi Annie diễn ở một sân khấu cách cửa hàng vài dãy nhà, tôi đã đến xem con bé biểu diễn vào đêm mở cửa. Annie thật tuyệt. Đó là vai diễn một người phụ nữ điên cuồng, giận dữ – một vai diễn con bé đặt trọn cả trái tim vào. Kể từ khi vào cấp một, Annie đã là tâm điểm trong bất kỳ chương trình nào. Con bé chỉ cần vừa bước lên sàn diễn và tất cả khán giả sẽ đều ngồi không yên vì háo hức. Họ phát hiện ra Annie có tài năng thiên phú, con bé có thể biểu lộ mọi cảm xúc chân thật. Annie đã từng diễn vở kịch Antigone ở đại học và nhận vô số lời khen ngợi, vì vậy, một vai diễn chất chứa đầy nỗi dằn vặt không thể nào làm khó được con bé.
Con gái lớn nhất của tôi, Elizabeth, con bé hay tự gọi mình Bis bởi vì khi còn bé, Bis không thể tự gọi đầy đủ tên mình. Nói theo một cách khác, con bé đã tự đặt tên cho mình. Bis chính là một nguồn sáng tạo dồi dào, viết và làm những tác phẩm độc đáo khi còn trẻ, lúc trưởng thành con bé đã có thể tự tay viết kịch bản và đạo diễn phim.
Bis đã từng đến đây một lần, và tôi cũng đã giới thiệu con bé với Crystal và những Cộng sự khác, nhưng chúng tôi chủ yếu giữ liên lạc qua e-mail. Bis luôn quan tâm và ủng hộ những gì tôi đang cố gắng làm, mặc dù con bé cũng đã từng bày tỏ mối quan ngại với hành động làm đảo lộn cuộc sống của chính tôi. Nhưng bây giờ, khi tôi ở một mình, cố gắng bắt đầu một cuộc sống mới, Bis sẵn sàng ở ngay bên cạnh tôi. Tôi từng nói với Bis trong một e-mail rằng, tôi cảm thấy tồi tệ vì mình đã không thể trở thành một người bố tốt hơn, và con bé đã viết lại: “Con luôn cảm thấy được yêu thương, và bố đã là một người bố tuyệt vời.”
Điều đó khiến tôi hạnh phúc.
Laura con gái tôi dành gần như cả năm tại ngôi trường đại học xa nhà. Một hai lần, khi tôi có hai ngày nghỉ liền, tôi sẽ đến thăm con bé. Thỉnh thoảng Laura sẽ xuống thành phố để thăm bạn bè và tôi, nhưng con bé vẫn chưa có cơ hội gặp Crystal. Những dịp đó, tôi, Laura và bạn bé của con bé sẽ cùng đi dạo với nhau. Laura, tôi thường gọi là Loda, được trao cho khả năng đồng cảm. Sau mọi chuyện, Laura vẫn luôn thông cảm cho tôi, mặc dù con bé cũng rất buồn khi “con không được nhìn thấy bố thường xuyên nữa”. Điều đó làm tôi cảm thấy tội lỗi. Tôi cảm thấy thật tệ khi không thể gặp các con nhiều hơn.
Con trai Charles của tôi cũng đi học xa, nhưng tôi cố gắng thi thoảng đến thăm thằng bé. Đó có thể là hôm Charles chơi bóng đá, bóng chuyền, hôm sinh nhật của thằng bé. Tôi thường cùng Charles nói chuyện về trận đấu đội Red Sox (đội bóng yêu thích của thằng bé). Bất cứ khi nào có thể, tôi luôn dành thời gian đến thăm Charles – mặc dù những cơ hội này ngày một ít đi kể từ khi tôi bắt đầu làm ở Starbucks năm ngoái.
Ngoài Starbucks và những đứa con tôi, tôi hầu như chả còn việc gì để làm. Lúc ấy, tôi sẽ quay trở lại căn phòng nhỏ, rồi làm một bữa ăn đơn giản với ngũ cốc và hộp cá ngừ. Khi còn làm việc trong thành phố, lúc nghỉ trưa, tôi sẽ chạy băng qua đường đến một cửa hàng mở 24/24 giờ. Ở đó, tôi sẽ ăn món trứng xào với thịt xông khói hay sandwich gà tây. Trong giờ nghỉ trưa, chúng tôi chỉ có nửa tiếng để ăn, vì vậy tôi không có đủ thời gian để thưởng thức.
Khó khăn là thế, nhưng với tôi cam kết “luôn luôn sẵn sàng” giống như một món quà. Một công việc đầy thử thách, luôn phải nỗ lực hàng ngày để học, để làm sao cho đúng. Cuộc sống của tôi lấy đầy áp lực và sự vụ, đến nỗi tôi không còn thời gian cảm thấy cô đơn. Tôi coi công việc tại Starbucks như một chuyện sống còn, và tôi đã hoàn toàn nhập tâm vào đó. Tôi không còn thời gian để cảm thấy tủi thân. Ngay cả cảm giác tội lỗi vì đã làm tổn thương người khác cũng giảm bớt, bởi tập trung làm tốt công việc đầy thử thách này mỗi ngày mới là điều quan trọng.
Vì vậy, cam kết “luôn luôn sẵn sàng” tôi đưa cho Starbucks đã cứu giúp tôi khỏi chính mình, khỏi những suy nghĩ bất an về quá khứ lẫn tương lai.
Abe nhìn tôi, và nhận ra rằng tôi không trả lời anh ta tôi sống ở đâu. Đôi khi, kể cả trong cuộc trao đổi quan trọng thế này, tâm trí tôi vẫn lơ đãng. Đó có phải là dấu hiệu của tuổi già không nhỉ? Tôi không thể đưa ra cái cớ biện hộ như vậy – vì tôi vẫn luôn là kẻ mộng mơ lơ đãng.
Nhiều năm trước đây, một lần, một đồng nghiệp thấy tôi đang đi bên cạnh, người đó đã gọi tôi. Nhưng tôi lại cứ thế đi vượt qua anh ta, không phải vì tôi ghét anh ta mà chỉ đơn giản tôi đang đắm chìm trong thế giới của mình. Tôi còn không biết mình đang đi đến đâu, chứ đừng nói nhìn thấy người nào. Chìm vào thế giới mộng tưởng là cách tôi vượt qua tuổi thơ cô đơn của mình, và rất khó để bỏ qua thói qua thói quen đó – kể cả khi nói chuyện với người như Abe.
Câu hỏi của anh ta là gì nhỉ? Tôi tự hỏi. À, đúng rồi, mình sống ở đâu? Đó là câu Abe đang hỏi nhỉ?
“Tôi sống ở Bronxville,” tôi nói. “Tôi thường mất một tiếng để đến đây.”
Thực ra phải mất một tiếng rưỡi, nhưng tôi không muốn nói về nó quá nhiều với Abe.
“Bronxville?” Abe nói. “Chúng ta có một cửa hàng ở Bronxville.”
Chúng tôi im lặng. Tôi biết về cửa hàng ở Bronxville. Tôi có thể thấy nó từ con tàu tôi đi vào thành phố. Và tôi cũng từng thi thoảng đến đó uống Latte.
“Anh biết đấy,” Abe nói. “Starbucks tin rằng Cộng sự nên làm việc gần chỗ họ ở – cộng đồng của họ. Đó là một trong những nguyên tắc không thỏa hiệp của chúng ta. Kết nối cộng đồng.”
“Ý kiến hay.” Tôi đáp lại mà không suy nghĩ.
“Anh đã từng nghĩ đến việc làm ở Bronxville chưa?”
“Nhưng tôi yêu cửa hàng Broadway,” tôi đáp lại, không cần suy nghĩ.
“Đúng là thế,” Abe cười.
“Và rõ ràng là Crystal và các Cộng sự khác cũng yêu anh. Đây là quyết định của anh,” Abe nói, “nhưng có thể một ngày nào đó anh sẽ suy nghĩ về việc làm ở cửa hàng gần nhà.”
“Tôi biết rõ về ngôi làng Bronxville,” tôi nói. “Tôi đã từng đi học ở đó.”
“Đúng là thế,” Abe nói. “Nhưng hãy nghĩ xem. Ở Starbucks, chúng tôi muốn giúp các Cộng sự sống cuộc sống họ muốn. Bất cứ điều gì anh thấy phù hợp. Tôi sẽ luôn ủng hộ quyết định của anh,” Abe nói, nhìn vào tôi nghiêm túc. “Dù quyết định của anh là gì, Mike. Tôi sẽ chắc chắn biến nó thành hiện thực.”
Một lời đảm bảo tuyệt vời. Tôi thực sự trân trọng sự ủng hộ của Abe. Tất nhiên là Crystal đã dàn xếp từ trước, nhưng Abe rõ ràng là một người thành thật. Tôi trân trọng sự tin tưởng của anh ta rằng tôi sẽ đưa ra lựa chọn đúng.
Tôi nhớ lại hồi làm ở J. Walter Thompson, họ gọi tôi vào và nói: “Anh sẽ làm việc ở LA.” Hoặc: “Anh sẽ làm với Ford.”
Chuyện không bao giờ là “điều sẽ tốt nhất cho tôi”. Tôi không nhớ được một lần nào họ hỏi ý kiến tôi về công việc, hoặc cho tôi thời gian để cân nhắc lựa chọn. Bây giờ, ở Starbucks, kể cả khi chỉ là một Cộng sự mới, Crystal và “quản lý tuyến trên” vẫn rất quan tâm đến điều tôi muốn làm.
Crystal quay lại.
“Hai người nói chuyện vui vẻ chứ?” Abe cười to.
“Tuyệt vời,” Abe nói.
“Bây giờ tôi muốn ông gặp Joann, Abe. Cô ấy đã đồng hành cùng chúng ta trong hơn ba năm, một trong những Cộng sự kỳ cựu nhất.”
Tôi đứng dậy và Joann ngồi xuống.
Sau đó vài tuần, những lời của Abe vang vọng mãi trong tai tôi. Nó đã thay đổi toàn bộ cuộc sống của tôi ở Starbucks.