Hãy tưởng tượng tất cả chúng ta đều giống nhau. Hãy tưởng tượng chúng ta đều có quan điểm về chính trị, tôn giáo và đạo đức tương đồng nhau. Hãy tưởng tượng chúng ta cùng thích một loại âm nhạc, nghệ thuật, đồ ăn và cà phê. Hãy tưởng tượng tất cả chúng ta đều trông giống nhau. Nghe có vẻ nhàm chán? Thứ chia rẽ chúng ta không nhất thiết phải là sự khác biệt. Hãy hòa mình vào mọi sự đa dạng của thế giới. Phẩm giá là điều bất kỳ ai cũng cần có
Một câu nói của Bill Brumme, một nhà làm phim tài liệu, được in trên cốc Decaf1 Grande Cappuccino
1 Decaf là viết tắt của từ “decaffeinated”, có nghĩa là loại bỏ một lượng hoặc toàn bộ caffeine trong thức ăn, đồ uống.
RỐT CUỘC, NGƯỜI TA CÓ ĐỦ KIÊN NHẪN CHỊU KHỔ MỚI NẾM ĐƯỢC TRÁI NGỌT Ở ĐỜI
Tôi nhận ra Starbucks đã mở cho tôi một con đường, có lẽ là con đường duy nhất
THÁNG TƯ
Vài tuần đau khổ trôi qua và tôi không nghe được gì thêm từ Crystal. Mỗi giây phút tôi đều bất giác chờ đợi cô ấy gọi. Tôi liên tục đi đến cửa hàng Starbucks ở số 78 Lexington, nơi cả hai đã gặp nhau, với hi vọng sẽ may mắn bắt gặp cô ấy, nhưng tôi chưa một lần gặp lại Crystal.
Tôi cũng liên tục gọi điện cho các khách hàng tiềm năng của công việc tư vấn tôi đang làm. Nhưng hộp thư thoại vẫn trống trơn. Hơn bao giờ hết, tôi cần một công việc, bất kể đấy là công việc nào.
Lần đầu tiên gặp Crystal, tôi không nghiêm túc lắm về ý tưởng làm việc tại Starbucks. Nhưng cho đến mấy tuần trước, phải chờ đợi một cuộc gọi từ cô ấy, mà không còn bất kỳ lựa chọn nào khác, tôi nhận ra, Starbucks đã mở cho tôi một con đường – có lẽ là con đường duy nhất – để giải quyết chi phí cho ca phẫu thuật khối u não sắp tới. Chưa kể công việc này cũng có thể hỗ trợ cho con trai út của tôi và cả những đứa khác.
Để cổ vũ chính mình. Tôi biết mình phải nhìn vào thực tại trước mặt. Ở cái tuổi này, tôi thực sự đã không thể tự nuôi sống bản thân. Tôi đã để lại cho người vợ cũ căn nhà rộng lớn chúng tôi từng chung sống. Khoản tiết kiệm cuối cùng đã cạn kiệt, và giờ tôi đang phải đối mặt với viễn cảnh, có thể tôi còn chẳng đủ để trả tiền thuê nhà tháng tới. Tình hình thậm chí còn tuyệt vọng hơn vài tuần trước. Bất cứ khi nào điện thoại reo, tôi đều thầm cầu nguyện rằng đó là Crystal.
Chẳng lẽ tôi đã làm gì sai trong buổi phỏng vấn? Hay tôi không phải là mẫu người mà Crystal muốn làm việc cùng? Giới tính, chủng tộc, tuổi tác của tôi?
Khi ngồi ngay ngắn lại, chờ đợi một tiếng chuông, tôi nghĩ lại những buổi thử vai cho các quảng cáo truyền hình mà bản thân đã tổ chức trong nhiều thập kỷ qua. Tôi đã không ngần ngại thẳng tay loại bỏ bất kỳ người nào không hoàn hảo. Nụ cười của họ quá ngượng ngạo hoặc không đủ rạng rỡ, họ nói sai phương ngữ, người đó sẽ bị loại. Trong quá trình tuyển chọn, tôi chọn những người giống tôi, có hoàn cảnh như tôi.
Đã nhiều ngày trôi qua nhưng vẫn không có một cú điện thoại nào từ Crystal, tôi chìm vào cảm giác mơ hồ, có lẽ Crystal cũng vận hành mọi thứ giống cách mà tôi từng làm: Làm điều dễ dàng, tránh xa bất kỳ ai khác biệt.
“Đa dạng”, một từ khóa quan trọng trong thời đại ngày nay. Nhưng rất ít người mà tôi biết thực sự vượt ra khỏi tầng lớp, hoàn cảnh của chính họ – đặc biệt là với những ai làm nhân sự, những con người luôn phải tiếp xúc với vấn đề này hàng ngày. Ở các doanh nghiệp tại Mỹ, đa dạng là một mục tiêu trừu tượng mà ai cũng biết, ai cũng có thể bàn luận về nó, nhưng ít ai thực sự sống với nó. Xét đến cùng, nó cũng chỉ đơn giản là một từ ai cũng nói, cũng kể mà chẳng biết khi nào Chính phủ mới để tâm.
Hi vọng duy nhất của tôi là Crystal cần tuyển vừa đủ Cộng sự mới – hoặc đủ độ lượng – để tôi có một cơ hội. Có phải thật mỉa mai khi hi vọng rằng Crystal sẽ nhân từ hơn với tôi không?
Tôi buộc mình phải ngừng nghĩ về nó. Sau đó, vào một buổi sáng khi đang ở ga Grand Central, điện thoại tôi đổ chuông.
“Mike phải không?”
“Đúng vậy?” Tôi trả lời với một chút ngờ vực. Giọng nói ở đầu dây bên kia không giống bất kỳ ai mà tôi biết.
“Tôi, Crystal đây.”
Thái độ đề phòng của tôi thay đổi ngay lập tức.
“Ồ, xin chào!” Tôi nhiệt tình chào hỏi. “Thật tốt khi nhận được cuộc gọi từ cô.”
“Anh vẫn muốn...,” cô ấy dừng lại, điềm tĩnh nói tiếp, “làm việc cho tôi chứ?” Nghe như thể cô ấy rất háo hức muốn nghe một phản hồi tiêu cực để kết thúc cuộc gọi và tiếp tục ngày của mình. Tôi tưởng tượng ra một danh sách những Cộng sự mới tiềm năng mà cô ấy sẽ làm việc cùng nếu không phải là tôi. Và hầu hết những người trong danh sách, có lẽ, sẽ hợp với cô ấy hơn là tôi.
“Vâng, tôi rất muốn có cơ hội được làm việc với cô,” tôi gần như hét vào điện thoại. “Tôi rất mong được làm việc với cô và đội ngũ tuyệt vời của cô.”
Bình tĩnh đi, Mike, tôi tự nhủ. Đừng quá nhiệt tình. Và tại sao tôi lại nói “đội ngũ” chứ? Crystal trước đấy đã dùng từ “Cộng sự”. Tôi biết rằng mỗi công ty đều có một hệ thuật ngữ, bạn sẽ cần biết nó, nếu bạn muốn hòa nhập. Tôi đã phát điên khi cố gắng hòa nhập với nó. Bình tĩnh nào, tôi tự nhủ, nếu không mình sẽ đánh mất cơ hội cuối cùng này.
Nhưng rồi chẳng có gì xảy ra – có vẻ như Crystal không thực sự nghe những gì tôi vừa nói. Bạn từng trải qua nó chưa? Bạn đang nói chuyện điện thoại với ai đó và cảm thấy rằng họ chỉ đang giả vờ lắng nghe bạn, trong khi làm điều gì đó mà họ thấy quan trọng hơn? Tôi đã trải nghiệm cảm giác như vậy, vào ngày hôm nay, ngay lúc này với Crystal. Đối với tôi, cuộc điện thoại này có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đối với cô, đó chỉ là một công việc lặt vặt khác trong một ngày bận rộn.
Cách cô ấy đột ngột mời tôi vào làm một công việc tầm thường thật là nhục nhã.
“Được rồi,” cô ấy nói. “Hãy đến cửa hàng của tôi ở Phố 93 Broadway lúc ba rưỡi chiều mai.”
“Phố 93 Broadway?” Tôi lặp lại, ngạc nhiên bởi địa chỉ.
“Đúng.” Nghe như cô ấy đang hướng dẫn một đứa trẻ lên ba. “Phố 93... và... Broadway, đừng đến muộn.”
Tôi bối rối. “Nhưng chúng ta đã gặp nhau ở Phố 78 Lex.”
“Rồi sao?” Cô ấy gần như nói bằng giọng đe dọa. “Tôi đã gặp anh ở đó, vì chúng tôi đang tổ chức một buổi tuyển dụng tại đó. Đó là cách chúng tôi làm tại Starbucks."
Crystal sử dụng một giọng điệu mà tôi quá quen. Tôi đã từng sử dụng thái độ theo sách vở này khi muốn bỏ qua những người tôi không buồn đối phó với.
“Tại Starbucks,” cô ấy tiếp tục, “chúng tôi chọn một cửa hàng, và mời những quản lý cần tuyển người. Nhưng điều đó không có nghĩa đó là cửa hàng anh sẽ làm việc. Tôi là quản lý cửa hàng ở Phố 93 Broadway.”
Crystal dừng lại, rồi cô nói thêm, “Liệu anh có vấn đề gì với điều đó chăng?”
Một lần nữa, giọng điệu đe dọa cất lên. Có hay không? Cô ấy còn có những ứng viên khác để nói chuyện và rất mong muốn hoàn thành cuộc gọi này.
Tôi có thể cảm nhận được vẻ không chút nào hài lòng của cô ấy khi đưa ra lời mời này.
“Không sao,” tôi vội vàng đảm bảo với cô ấy. “Tôi sẽ đến đó vào ngày mai, chắc chắn là đúng giờ.”
Nghe như – ngay cả tôi cũng cảm thấy vậy – một ông già đang cố cưa sừng làm nghé. Thật đáng xấu hổ!
“Nếu anh muốn đi làm, hãy mặc quần đen, giày đen và áo sơ mi trắng. Được chứ?”
“Vâng, được,” tôi trả lời.
Cô ấy cúp máy. Thậm chí cô ấy còn không nói lời tạm biệt.
Chết tiệt! Cuộc gọi ngắn ngủi đó khiến tôi cảm thấy thực sự hụt hẫng. Trong vài tuần qua, thực tế về một cuộc sống khó khăn ngày càng hiện rõ trước mắt tôi.
Để giữ cho bản thân không gục ngã trước chứng trầm cảm, tôi cố gắng nắm trong vô vọng – bất cứ cơ hội nào giúp tôi duy trì vị trí hàng đầu của xã hội Mỹ, chứ không phải là rớt xuống những tầng dưới đáy.
Trải qua những ngày mệt mỏi chờ đợi cú điện thoại từ Crystal, với tôi, viễn cảnh được làm việc tại Starbucks chả khác nào một nỗi nhục. Nhưng tôi tự trấn an chính mình, ít nhất tôi còn có hội làm việc ở khu phố tôi lớn lên. Một khu phố tốt đẹp. Một nơi sẽ giúp tôi trong quá trình chuyển đổi từ một phần của giai cấp thống trị xuống tầng lớp phục dịch. Nó rõ ràng, không thể nào phủ nhận nổi, tôi đã ngã, ngã từ vị trí đỉnh cao trước đây.
Tôi chuẩn bị đến Phố 78, một nơi sẽ giúp tôi an lòng.
CUỘC SỐNG VỐN KHÓ KHĂN, BIẾT MÌNH BIẾT NGƯỜI ĐÓ LÀ CÁCH ĐỂ TÔI CÓ MỘT ĐỜI TRỌN VẸN
Liệu những cố gắng tôi nỗ lực tích lũy bao lâu nay có đủ để thay đổi số phận? Có lẽ, trên đời này thực sự tồn tại Nhân quả, cái gọi là ác giả ác báo. Tôi chắc chắn mình xứng đáng nhận nó
Tôi thậm chí chưa bao giờ đến Phố 93 Broadway – hay bất cứ nơi nào như thế. Khi còng sống ở thành phố New York, tôi có môt quy tắc là không bao giờ đi về phía đông Phố 90 hoặc đi quá ga Grand Central. Bây giờ tôi sẽ đi đến một nơi mà tôi luôn nghĩ là rất nguy hiểm. Nó ở rất xa phía Đông Thượng Manhattan, nơi tôi cảm thấy như ở nhà.
Tôi không thích thái độ bất công của Crystal đối với tôi. Cô ấy hành động như thể tôi là một tên ngốc.
Chợt tôi nhớ ra, với một chút hối hận nhen nhóm, hóa ra trước đây tôi đã từng tỏ ra thái độ như vậy với một phụ nữ trẻ người Mỹ gốc Phi khi cô ấy làm việc với tôi tại JWT. Chính xác là nó, cái thái độ chỉ muốn đuổi người ta đi.
Jennifer Walsh chính là động lực thúc đẩy những gì chúng tôi đã muốn làm vào những năm 1970, thuê người thiểu số. Đó là một dấu hiệu, một lời kêu gọi tất cả – dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn – nỗ lực hơn trong công cuộc đa dạng hóa.
Đơn giản vì cô ấy là một phần của sáng kiến “tuyển dụng thiểu số” này, còn với tôi, Jennifer thật đáng ngờ. Tôi đã được sắp xếp làm người cố vấn cho cô ấy.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm nói chuyện với Crystal ở Grand Central, tôi chưa bao giờ phải trải qua cảm giác như thế. Cảm giác bất ngờ bị săm soi vì xuất thân khác biệt của mình.
Tôi nhận ra mình đã từng chìm đắm như thế nào, trong những thành kiến về bất kỳ ai khác thường tại JWT. Ở đó, chúng tôi chỉ thích những ai từng học ở nhóm trường Ivy League1. Tất cả chúng tôi đều nghĩ mình là nhóm người ưu tú của ngành kinh doanh quảng cáo. Tất cả chúng tôi đều cho rằng, ý tưởng tuyển dụng bất kỳ ai chưa từng theo học những trường đại học tinh anh của tinh anh chính là hạ thấp vị thế của doanh nghiệp chúng tôi — và nó bao gồm những người được tuyển do sáng kiến “tuyển dụng thiểu số”.
1 Ivy League là tên gọi của nhóm tám trường đại học, học viện có hệ thống triết lý giáo dục và chất lượng đào tạo hàng đầu nước Mỹ.
Jennifer rất giỏi, nhưng cô ấy chỉ tốt nghiệp với tấm bằng hệ hai năm từ một trường cao đẳng cộng đồng nào đó. Tôi chưa bao giờ chú trọng đào tạo cô ấy khi ở JWT. Tôi chỉ đơn giản bảo cô ấy đọc quảng cáo từ tuần này sang tuần khác. Thậm chí, còn không cho cô ấy thử viết một bài quảng cáo nào. Sau đó, có một lần tôi giao cho cô ấy viết bài quảng cáo cho Ford trên báo. Đó là quảng cáo đầu tiên của cô ấy.
Jennifer bước vào văn phòng của tôi. Rõ ràng là cô ấy đang sợ hãi, thậm chí là hóa đá, khi tiến đến gần chiếc bàn lớn tôi ngồi. Biểu cảm đó, thái độ đó, trực giác tôi mách bảo Jennifer đã phạm phải sai lầm với JWT. Với đặc thù ngành nghề này, chúng tôi luôn phải thể hiện sự tự tin cho khách hàng của mình. Jennifer thật không chu toàn.
Khi đọc bản nháp quảng cáo cô ấy đưa, tôi nhận ra, cô ấy đã sao chép y nguyên những đoạn từ một số quảng cáo khác về Ford mà tôi đã đưa cho cô ấy đọc. Ở JWT, đây là một hình thức “đạo văn” mà chúng tôi ghét nhất. Có lẽ vì chúng tôi được gọi là “copywriter”, bởi vậy, chúng tôi chẳng thể nào chịu nổi nếu bị ai đó buộc tội là sao chép tác phẩm của người khác. Jennifer vừa phạm một tội lỗi không thể tha thứ của công ty. Ít nhất là theo như tôi thấy.
Nghĩ lại, tôi nhận ra, có thể cô ấy không biết việc làm ấy là trái chính sách. Và chắc chắn, trước đấy, tôi đã không nhắc nhở cô ấy về điều đó. Nhưng tôi chẳng cần để tâm đến lỗi lầm ấy nữa. Cô ấy đã cho tôi cái cớ mà tôi cần.
Tôi đến gặp ban quản lý và nói với họ rằng Jennifer có thể trở thành một thư ký tuyệt vời vào một ngày nào đó, nhưng cô ấy không có “đủ những gì cần thiết” để lĩnh hội cái nghệ thuật trong quảng cáo. Tôi chẳng ưa cô nàng và cũng chẳng muốn dành thời gian cho cô ấy, hay bất cứ ý tưởng nào về sự đa dạng.
Giờ, sau khi đã hồi phục trước phản ứng quá đỗi “bình thản” của Crystal với những gì tôi nói, tôi mới kinh hoàng nhận ra, mình đã tình cờ “giúp đỡ” Jennifer. Tôi là một thành viên đạo đức giả điển hình của câu lạc bộ những chàng trai già. Tự khen ngợi bản thân vì những ý tưởng phát triển tính đa dạng. Nhưng, đồng thời, ở công ty, tôi cũng làm mọi thứ có thể để biến cơ hội đó thành không thể.
Tôi đã vô thức, hay là tôi cố tình, đánh tan mọi nỗ lực của Jennifer để tiến gần đến thế giới nhỏ bé của tôi, chỉ vì cô ấy là người Mỹ gốc Phi, không có học vấn và chẳng có kinh nghiệm nào đáng chú ý.
Sau đó, Jennifer đã được chuyển sang làm một số công việc giấy tờ trong phòng Nhân sự. Cô ấy biến mất hoàn toàn khỏi tâm trí tôi cho đến tận giây phút này.
Bây giờ, tôi mới cảm nhận được cái cảm giác khủng khiếp đấy. Tôi nghĩ đến cảnh tượng khi Crystal thấy một gã da trắng già nua, ấu trĩ nào đó đến cửa hàng, vì một số nhầm lẫn trong tuyển dụng. Chắc hẳn tôi sẽ chẳng thể nào phù hợp với thế giới hay nhu cầu của cô ấy – giống ý như những gì tôi đã từng nghĩ về người phụ nữ Mỹ da đen trẻ vào vài thập kỷ trước.
Tôi tự dằn vặt chính mình vì đã không nghe lời khuyên của Laura trong nhiều năm. Laura, cô con gái của tôi, có một mái tóc nâu, nó tạo ra vầng hào quang tuyệt đẹp, càng làm nổi bật nên ánh sáng lấp lánh của đôi mắt màu hạt dẻ. Tôi vẫn còn giữ bức ảnh chụp con bé khi nó đang bực bội lắc đầu vì tôi từ chối “hiểu nó”.
Con bé dành nhiều công sức, lẫn thời gian để cố gắng nói cho tôi một cái nhìn thực tế hơn về thế giới mới. Nhưng vì tôi đã quá thiếu nhạy cảm, tôi không hề nghe lời con bé nói. Laura tích cực, năng động, con bé dễ cười nhưng nó nhạy cảm, trong Laura luôn tồn tại cảm giác thế giới này thật bất công. Và con bé còn quả quyết, khi lớn lên nó sẽ nhận nuôi những người Mỹ gốc Phi để biểu trưng cho hành động phản đối những bất công vẫn tồn tại.
Hôm đó, bữa tối đang diễn ra, con bé ngồi đối diện tôi, hất tung những lọn tóc đẹp đẽ của nó khi cả hai tranh cãi. Tôi gạt bỏ những cảm xúc và ý tưởng của Laura bằng ý nghĩ, giúp đỡ những người kém may mắn hơn quả là “ngây thơ một cách vô vọng”.
Tôi, đã quá tự mãn về thành tựu, vận may của chính mình, dù nó như bong bóng xà phòng lúc nào cũng chực chờ nổ tung. Tôi tin rằng một công việc đem lại cho tôi địa vị và sự sung túc chính là phần thưởng đã biến tôi thành một người đàn ông tài năng, tuyệt vời. Chứ không chỉ là trời sinh ra đã thế hay là tôi may mắn sống trong một thế giới được cai trị bởi “những người đàn ông da trắng trung niên của thế hệ” như Laura từng nói.
Trong suống quãng thời gian Laura lớn lên, con bé và tôi luôn có những cuộc tranh cãi nảy lửa. Có vẻ như, từ khi mới khoảng mười tuổi, con bé đã coi toàn bộ lối sống sung túc của tôi như một nỗi xấu hổ, vì ngoài kia còn biết bao nhiêu người còn sống không nổi qua ngày.
Mặc dù giờ Laura đã học đại học, nhưng con bé không hề đánh mất đi sự đồng cảm với những con người kém may mắn. Laura thực sự đã khóc khi tôi tiễn con bé tại khuôn viên trường đại học đẹp như tranh vẽ mà tôi đã chọn cho nó.
“Có chuyện gì sao con gái?” Tôi hỏi con bé. Tôi đã phải làm việc rất chăm chỉ để đưa Laura vào ngôi trường đại học đặc biệt này. Thậm chí tôi còn gọi cho một người trong ban quản trị để nói tốt cho con bé.
“Nơi này ai ai cũng giống nhau, chẳng có bất cứ sự đa dạng nào ở đây cả,” con bé cố gắng bày tỏ sự thất vọng của mình trước thái độ thích thú của tôi. Laura không hài lòng chỉ về phía một nhóm sinh viên năm nhất toàn da trắng, đang tiến vào khu ký túc xá đẹp đẽ mới xây mà con bé chuẩn bị chuyển vào. “Bố vẫn chẳng hiểu gì cả!”
Bây giờ tôi mới đau đớn nhận ra, tôi đã sai, tôi đã sai lầm như thế nào khi cố gắng bóp nghẹt cái nhìn về xã hội Laura ở. Một “thế giới thực” đầy rẫy bất công đối với những con người không sinh ra đúng tầng lớp, đúng màu da, cho dù họ có đủ tài năng học cao lên đến đâu. Tôi thực sự đau nhói trong tâm. Hối hận, đau khổ, dằn vặt.
Tôi đã từng nghĩ rằng Chúa tạo ra tôi với những người như tôi để cai trị, bởi vì chúng tôi xứng đáng hơn các chủng tộc khác. Bây giờ, cuối cùng, tôi đã “nhận được nó”. Đối mặt với một thực tế mới, thế giới quanh tôi, hay chính bản thân tôi sẽ có thể sống như thế nào nếu không có những lợi thế kế thừa.
Nhưng liệu những kiến thức mà tôi nỗ lực tích lũy bao lâu nay có đủ để thay đổi số phận?
Có lẽ, trên đời này thực sự tồn tại Nhân quả, cái gọi là ác giả ác báo. Tôi chắc chắn mình xứng đáng nhận nó. Nhưng tôi sẽ không từ chối lời đề nghị của Crystal — bất kể cô ấy tỏ thái độ nào.
SỐNG VỚI CÁI TÔI KIÊU NGẠO, HAY SỐNG VỚI LÝ TRÍ KHÔN NGOAN ĐỀU DO TA LỰA CHỌN
Những nhu cầu dục vọng nguyên thủy đã khiến tôi lạc lối. Tôi chẳng phải là ai đó đặc biệt được Chúa ban cho quyền năng, công lý. Tôi không phải là độc nhất
Thức dậy vào sáng sớm ngày hôm sau, tôi bàng hoàng nhận ra, chỉ còn vài tuần nữa thôi, tôi sẽ bước sang sinh nhật thứ sáu mươi tư. Người ta thường nói tháng Tư là tháng tàn nhẫn nhất năm. Chật vật với chiếc quần đen bản thân chuẩn bị cho công việc tại Starbucks, tôi lắc đầu, không tin nổi, tôi sẽ kỉ niệm sinh nhật lần này bằng cách làm một người phục vụ cà phê “cấp thấp”.
Tôi không biết nên cười hay khóc trước cảm giác run rẩy lập cập. Vội vã chạy từ căn hộ rẻ tiền của mình ở vùng ngoại ô, nhảy lên chuyến tàu tốc hành, tiến đến Grand Central. Sau đó, với tốc độ nhanh nhất có thể, hòa vào dòng người tấp nập, tôi chạy vội để kịp đón chuyến xe đến Quảng trường Thời Đại. Mặc dù, sẽ còn một chuyến sắp cập bến trong vài phút nữa, chúng tôi vẫn tiến về phía chiếc xe trước mặt như thể đó là cơ hội cuối cùng để đi bất cứ đâu trong ngày hôm đó.
Không thể tin nổi vào đám đông trước mắt, họ định di chuyển nhanh đến mức nào vậy. Cứ như chúng tôi đang tham gia cuộc thi chạy 100 thước của Olympic. Tại sao phải vội vàng như thế? Tôi đã không sử dụng phương tiện công cộng đi làm trong nhiều năm. Trước đó, khi được phân bổ làm lãnh đạo cấp cao của JWT, tôi chỉ đi ta-xi hoặc dùng xe của công ty để di chuyển. Tuy nhiên, bây giờ, tôi không còn thời gian để nghi ngờ sự tỉnh táo của đám đông phía trước – tôi vội vã lao theo họ.
Từ Quảng trường Thời Đại, tôi chuyển từ chuyến xe đông đúc này sang đoàn tàu chật chội khác, Phố 93 ngày một gần. Ép mình vào cánh cửa vừa mới đóng lại, tôi thấy mình đang đứng sát sạt những người mà tôi không bao giờ muốn biết. Chúng tôi bị ép chặt, xô đẩy bằng một loại sức mạnh vật lý nguyên thủy.
Những khuôn mặt không mấy thân thiện. Làm thế nào mà tôi đặt chân được tới nơi này? Tôi suy ngẫm đến bản thân mình.
Ngay sau đó, cánh cửa mở ra. Một sân ga bẩn thỉu hiện lên trước mặt, tôi nặng nề bước xuống. Leo lên những bậc thang dốc đứng, tiến về con Phố 93, sự căng thẳng đang bóp nghẹt trái tim tôi. Từng giọt mồ hôi bắt đầu lăn xuống, dù hôm nay là một ngày lạnh giá đầu tháng Tư.
Vừa bước ra khỏi ga tàu, tôi phải vật lộn với những cơn gió. Loạng choạng từng bước, đi đến cửa hàng Starbucks ở góc đường Broadway. Vì trận tuyết lạnh giá, mặt đường bây giờ trơn trượt hơn bao giờ hết. Dừng lại. Đứng trước cánh cửa đó, nhưng tôi không vội đi vào.
Khi nhìn chằm chằm vào bảng hiệu Starbucks, thực tế khốc liệt trước mắt làm tôi nặng nề. Toàn thân tê liệt, tôi đứng như trồng trời trên vỉa hẻ lát đá, giữa một nơi vốn là sai lầm của thị trấn. Giấc mơ được gia nhập một công ty quốc tế, rồi trở nên giàu có, quyền lực và hạnh phúc một lần nữa lại trở thành cơn ác mộng.
Đúng vậy, tôi đang chuẩn bị đầu quân cho một công ty quốc tế khổng lồ, nhưng trên thực tế, không có gì ngoài một vị trí nhân viên bồi bàn với cái tên đặc biệt. Chắc hẳn tôi sẽ cực bối rối. Michael Gates Gill đang ăn vận như một cậu bồi bàn, rồi phục vụ đồ uống cho những vị khách có thể là bạn bè hoặc khách hàng cũ trước đây. Chẳng phải nó giống như phong tục ngày xưa, những người hành hương1 trị tội những người phạm tội bằng cách cùm họ giữa không gian công cộng, đông đúc người qua lại. Họ muốn lấy đó như một tấm gương cho những người khác.
1 Người hành hương (Pilgrims) dùng để chỉ những người Anh di chuyển đến vùng Bắc Mỹ bằng con tàu Mayflower. Họ định cư tại đó và thành lập nên Thuộc địa Plymouth, ngày nay là Plymouth, Massachusetts.
Mục sư Jonathan Edwards từng nói: “Tất cả chúng ta đều bị treo lửng lơ bởi một sợi chỉ từ tay của Vị thần giận dữ.” Có lẽ có một Vị thần giận dữ đã quyết dịnh trừng phạt tôi vì tất cả những tội lỗi tôi đã làm.
Trong từng giây từng phút suốt mấy năm qua, cảm giác dằn vặt về tội lỗi nặng nề luôn trỗi dậy trong tôi, vì tôi đã làm tổn thương rất nhiều người tôi yêu thương. Người vợ cũ, những đứa con, và cả những người bạn tôi vẫn qua lại. Tổ tiên sẽ giận dữ với tôi. Đúng vậy, tôi tự nghĩ, có lẽ tôi thực sự đã phạm tội với một Vị thần giận dữ.
Nhưng, nghiệt ngã thay, cuộc sống thực tại tôi sống, nó trần tục và buồn tẻ làm sao. Tôi không thể giả vờ rằng tôi đang đi trên bất cứ hành trình thần thoại nào trong Kinh Thánh. Tôi không là Vị Job thời hiện đại. Tôi, là một ông già đang cố gắng tìm việc. Và mỗi ngày tôi đều phải đối mặt với sự thật tàn khốc: Tôi có ngày hôm nay đều do khả năng quản lý tài chính yếu kém của mình. Những nhu cầu dục vọng nguyên thủy đã khiến tôi lạc lối. Tôi chẳng phải là ai đó đặc biệt được Chúa ban cho quyền năng, công lý. Tôi, thực sự điều này là đòn chí mạng, không phải là độc nhất. Thật khó, phải nói là cực kỳ khó để tôi từ bỏ ý nghĩ mình là cái rốn của vũ trụ.
Trước mắt chẳng còn thực tại nào ngoài: Tôi là một một ông già đã luống tuổi để đi tìm việc. Không chỉ tôi, đấy là thực tế của hàng triệu người già ở Mỹ ngày nay, những người chẳng còn đủ khả năng để tự nuôi sống bản thân. Và chúng tôi cũng chẳng phải là đối tượng các tập đoàn lớn ở đất nước này để mắt tới.
Trong trạng thái ngột ngạt, tê liệt, cùng với sự từ tốn đầy gượng ép, tôi từ từ mở cửa bước vào cửa hàng Starbucks.
Bên trong đây, nóng nực, hỗn loạn, một đám đông lộn xộn. Ở kia là một hàng dài khách đang xếp hàng tới tận cửa ra vào. Những bà mẹ bế con trên tay. Những doanh nhân vừa đứng chờ vừa kiểm tra điện thoại trên tay. Những đứa trẻ đang tuổi đi học đeo ba-lô sau lưng. Hay những sinh viên đại học mang theo máy tính. Tất cả đều đang mất dần kiên nhẫn để chờ đến lượt của mình.
Tôi chuyển hướng nhìn về phía sau quầy bar, nơi những nhân viên phục vụ đang đứng, chẳng phải đây chính là lời khẳng định cho nỗi lo lắng của tôi sao? Hầu hết tất cả các Cộng sự ở đây đều là người Mỹ gốc Phi. Rõ ràng làm gì có sự đa dạng nào ở đây.
Đây không phải là điều hoàn toàn bất ngờ đối với tôi. Bởi vì tôi đã nhận ra điều này khi đến các cửa hàng khác của Starbucks kể từ lần phỏng vấn với Crystal. Rất ít người da trắng làm việc tại bất kỳ cửa hàng nào ở New York.
Lần đầu tiên trong đời, tôi trở thành thành viên của nhóm người thiểu số, làm việc với những người có xuất thân, học vấn, tuổi tác, chủng tộc hoàn toàn khác.
Và rõ ràng, với những gì đang diễn ra ngay bây giờ ở cửa hàng, thời gian sắp tới tôi sẽ phải làm việc cực kỳ chăm chỉ. Ở kia có ba Cộng sự của Starbucks đang vất vả đóng rồi mở chiếc máy thu ngân, xong họ sẽ nhanh chóng đọc to loại đồ uống cho những người đứng tại quầy bar. Dường như họ chẳng có lúc nào ngưng tay. Đến lượt những người ở bar nhắc lại tên đồ uống, nhanh chóng pha chế đồ uống, tung hứng những bình sữa đã được đánh nóng trong khi pha cà phê espresso. Lần lượt từng thứ hoàn thành, họ phục vụ chúng cho khách hàng với một câu chúc đầy nhiệt huyết “Hãy tận hưởng!”. Họ gần như hét lên, nhưng chính nhờ những năng lượng mãnh liệt đó đã thôi thúc khách hàng ở đây tiến lên phía trước.
Ai cũng có thể thấy, cửa hàng kinh doanh cà phê này không phải là thứ bình thường trong mắt mọi người – bao gồm cả những nhân viên phục vụ trong quầy.
Ở đây cứ như thể đang có một chạy đua với thời gian, tốc độ điên cuồng của nhân viên, tiếng xì xào ồn ào của khách hàng. Tôi chưa từng bao giờ chơi giỏi một môn thể thao nào. Còn ở cửa hàng này, lượng adrenaline đạt đến đỉnh điểm, ai ai cũng hoạt động như một vận động viên thể thao. Họ gọi rồi nhắc lại tên các loại đồ uống, gọi, nhắc lại, gọi, nhắc lại. Một vòng lặp vô tận. Tôi cảm tưởng như mình đang đến đây để thử vai cho một vở opera đầy huyên náo của Itali, chứ không phải là đến xin việc.
Tôi quay cuồng trong lo lắng. Không chỉ khác biệt trong chủng tộc, giai cấp hay tuổi tác, bây giờ còn một vấn đề cơ bản đáng bận tâm hơn. Ban đầu tôi đã nghĩ rằng công việc ở Starbucks, nó thấp kém, và tôi có thể đủ khả năng đảm nhiệm nó. Nhưng rồi ngỡ ngàng nhận ra, nó nằm ngoài khả năng của tôi. Công việc này sẽ là một thử thách lớn – về cả tinh thần, cảm xúc lẫn thể chất.
Tôi chưa bao giờ giỏi quản lý tiền bạc – đó là cũng chính là lý do tôi đang rất cần một công việc. Toán học chưa từng là một môn học tôi thành thạo. Nhiều ký ức sống động về những giáo viên dạy toán hiện lên trong đầu tôi.
“Những điều này dễ quá,” họ nói trong khi viết ra một số phương trình trên bảng đen. Tôi ghét cay ghét đắng sự vượt trội của họ. Ngay cả những phép cộng trừ đơn giản nhất cũng là thách thức đối với tôi. Cảnh tượng những đồng tiền liên tục được trao từ tay này sang tay nọ với tốc độ chóng mặt khiến tôi kinh hãi.
Tôi đã mất đi thính giác một bên tai do khối u não. Nếu gặp phải những yêu cầu đồ uống phức tạp, nó sẽ là một vấn đề nghiêm trọng đối với tôi. Tôi cũng sợ hãi nếu gặp những đơn hàng kỳ dị, khó hiểu, rồi lại còn phải đọc to tên chúng chính xác từng li chỉ trong tích tắc. Ngôn ngữ chưa bao giờ là kỹ năng tôi thành thạo. Một giáo sư người Pháp của tôi tại Yale từng nói: “Tôi sẽ cho em qua với một điều kiện: Em đừng bao giờ gây ấn tượng với bất kỳ ai bằng phát âm của mình ở trường đại học này.” Tuy nhiên, rõ ràng, điều kiện cơ bản ở đây là thành thạo thứ thuật ngữ kỳ lạ của Starbucks.
Trong khoảnh khắc đầu tiên, tôi bẽ bàng nhận ra, công việc mới sẽ trở thành một bài kiểm tra mà tôi có thể dễ dàng thất bại. Hôm nay tôi mặc chiếc quần đen với áo sơ mi trắng, không thắt cà vạt. Cô đơn và sợ hãi.
MỘT KHI CHƯA TRƯỞNG THÀNH, CHÚNG TA SẼ CHẲNG BAO GIỜ RÕ RÀNG VỀ CUỘC ĐỜI MÌNH
Tôi đã bước ra khỏi con người cũ của mình, và kết quả đến ngay tức khắc, tôi cảm hấy tốt hơn so với ngày trước. Hoặc vài tuần trước. Vài tháng trước. Điều đó thật điên rồ... nhưng hi vọng, đó là cách giải thoát tôi khỏi những cơn điên loạn
Crystal xuất hiện với những bước đi đầy mạnh mẽ.
“Hãy dùng cà phê trước nhé,” cô ấy nói, dẫn tôi đến một chiếc bàn nhỏ trong góc. “Anh ngồi đây chờ tôi, tôi sẽ mang cà phê mẫu cho cả hai.”
Có thể đây chỉ là lời mời xã giao thể hiện sự chuyên nghiệp, lịch sự của Crystal, nhưng tôi rất biết ơn điều đó. Cô ấy có vẻ thân thiện hơn nhiều so với trên điện thoại. Tôi nghĩ, chắc hẳn cô ấy đã quyết định tuyển tôi, và cũng sẽ không ghét chính mình hay tôi vì lựa chọn này.
Chẳng mấy chốc, chúng tôi đã cùng nhau ngồi nhâm nhi một tách Sumatra thơm ngon trong một góc nhỏ ở cửa hàng. “Đây là một loại cà phê nổi tiếng với hương thơm của ‘đất’… nhưng tôi lại nói nhầm thành ‘bẩn’.” Crystal bật cười, tôi cũng cười theo. Hôm nay Crystal búi tóc, đội chiếc mũ lưỡi trai của Starbucks, nhìn cô trông càng hợp thời, thậm chí là quyến rũ hơn rất nhiều. Đôi bông tai kim cương của Crystal sáng lấp lánh dưới ánh đèn.
Có thể là do tác dụng cà phê, cũng có thể là nhờ tài năng xoa dịu của Crystal, nhưng giờ tôi đã cảm thấy tốt hơn nhiều. Tuy nhiên, để thoải mái thật sự, chắc còn cả quãng đường xa.
Không biết từ đâu, tôi chợt thấy hình ảnh bản thân mình ngày xưa, trên một bến tàu tại hồ nước ở Connecticut, tôi cùng gia đình, bạn bè tận hưởng sự thoải mái, yên bình. Bây giờ, cái viễn cảnh được nằm dài và cười nói thoải mái dưới ánh mặt trời ấm áp đó, dường như, đã thuộc về vài kiếp trước rồi. Nơi tôi lớn lên, ở đó có một cái hồ được bao quanh bởi hàng ngàn mẫu rừng tư nhân. Nó ngăn cản tôi với thực tế của một thế giới khắc nghiệt, che chở tôi với niềm vui và vô số đặc ân.
Tôi nhớ khi còn nhỏ đã ném táo vào nhà thơ Ezra Pound1. Jay Laughlin, nhà phát hành độc lập các tập sách của Pound khi đó, sở hữu khu trại bên cạnh. Jay đã đã dẫn Pound đi nghịch nước ở hồ cả ngày. Nhưng Pound chỉ ngồi như tượng ở cuối bến. Có lúc, ông ấy sẽ xắn gấu quần lên, đung đưa đôi chân trắng phát sáng xuống nước, và im lặng không nói gì.
1 Ezra Weston Loomis Pound (1885-1972): Nhà thơ, dịch giả, nhà phê bình người Mỹ, một đại diện xuất sắc của trào lưu văn học Anh Mỹ hiện đại nửa đầu thế kỷ XX.
Với tôi và đứa em họ nhỏ tuổi, Pound có vẻ đẹp tráng lệ kỳ cục. Chúng tôi bắt đầu nhặt một số quả táo vừa ăn, rồi ném chúng vào ông ấy. Có quả ném hụt, nhưng nó làm nước dưới hồ bắn lên bộ quần áo sẫm màu của Pound.
Ezra Pound vẫn không hề động đậy hay nói câu nào. Bố tôi đã cười, ông càng khuyến khích chúng tôi làm thế. Bố tôi từng viết một cuốn sách tên là Here at The New Yorker (tạm dịch: Tại đây The New Yorker). Nó đã nhanh chóng trở nên nổi tiếng, với doanh số cao ngất ngưởng. Cuốn sách mở đầu bằng triết lý: “Quy tắc đầu tiên của cuộc sống là sống một đời vui vẻ. Quy tắc thứ hai là không có quy tắc thứ hai.” Sống một đời vui vẻ với bố tôi là đồng nghĩa việc phá đám, hủy hoại người khác. Ông ấy không thích quan điểm chính trị của Pound, vậy nên ông rất thích việc anh em chúng tôi làm.
Bố tôi đã giành được một vị trí ở đây, cạnh chiếc hồ này, bằng cách kết hôn với mẹ tôi, một gia đình có truyền thống sống ở đó hàng trăm năm. Ông đã dùng số tiền mà ông nội tôi mới kiếm được, đổ vào tổ chức Mayflower1 của mẹ tôi. Ông nội tôi là một người nhập cư Ireland.
1 Tổ chức Mayflower (The General Society of Mayflower Descendants) là một tổ chức được thành lập bởi con cháu của những hành khách trên con tàu Mayflower. Hầu hết những người này đều xuất thân từ những gia đình quý phái.
Tại chiếc hồ đó, đã có một cuộc gặp gỡ lịch sử giữa một ngọn lửa mạnh mẽ mà lịch sự nhẹ nhàng của những người thuộc tầng lớp thượng lưu gốc Anh (Wasp) với với phong cách Celtic nổi loạn của bố tôi. Với đặc tính luôn tự mãn, chả cần để ý một ai, ông ấy vui vẻ tiêu số tiền mà bố ông đã làm việc vất vả để kiếm được.
“Tốt hơn hết, hãy tiêu toàn bộ số tiền của bạn khi còn sống,” bố tôi tự hào tuyên bố. Đôi mắt đen của ông lóe lên một loại nhiệt tình bất chấp tất cả, dường như ông muốn chế giễu hành động góp nhặt tiết kiệm từng đồng một của bố ông, hay cả những tên Nam Mỹ hung hãn luôn cẩn thận chi li từng xu.
Bố tôi thích nói, thích viết, và trên tất cả, ông thích trở thành trung tâm của sự chú ý trong các bữa tiệc. “Ở bữa tiệc, cái gì cũng sẽ xảy ra,” đó là câu bố tôi thường nói. Chúng tôi luôn tổ chức một bữa tiệc cố định tại bến tàu của hồ nước độc đáo, mộc mạc này.
Bố tôi luôn hoang phí thời gian của chính mình. Ông ấy có đủ thời gian dành cho những “tài năng” mình có nhưng lại chẳng bao giờ có đủ thời gian ở nhà với tôi. Không bao giờ có đủ thời gian cho những cuộc chuyện trò riêng tư, giữa bố và con. Khi đã lớn, tôi chuyển ra ở riêng, ông ấy thường xuyên mời tôi đến dự các bữa tiệc ông ấy tổ chức. Và đó là cách duy nhất chúng tôi gặp nhau. Khi ông qua đời, mọi nhu cầu tham gia các bữa tiệc tùng của tôi cũng bay biến theo.
Giờ, tôi đang nhấm nháp cà phê với Crystal – một thế giới hoàn toàn khác với những bữa tiệc xa hoa trên hồ vào mùa Hè đó.
Khi cùng cô ấy cười nói, tôi thực sự có thể cảm thấy lòng mình nhẹ đi một chút, tinh thần phấn chấn hơn một chút. Thực tại này khiến tôi ngỡ ngàng. Nhưng có lẽ đó là do tác dụng của caffeine trong loại cà phê đậm đặc này. Dù là vậy, tôi cũng phải thừa nhận, rằng chính tôi đang cảm thấy thoải mái trước khung cảnh hoàn toàn mới lạ này. Thưởng thức cà phê trong một cửa hàng đông đúc và nhộn nhịp đó là bước đầu để tôi làm quen với công việc mới. Tất cả đều rất kỳ lạ, cứ như một thế giới mà Alice nhìn qua chiếc kính. Hoặc tôi, Michael Gates Gill vừa lén lút vào một cửa hàng, một tầng lớp để rồi nhận ra rằng nó không đáng sợ đến thế.
Tôi đã bước ra khỏi con người cũ của mình, và kết quả đến ngay tức khắc, tôi cảm hấy tốt hơn so với ngày trước. Hoặc vài tuần trước. Vài tháng trước.
Điều đó thật điên rồ... nhưng hi vọng, đó là cách giải thoát tôi khỏi những cơn điên loạn này.
MỘT NGƯỜI CÓ THỰC SỰ SỐNG NẾU MÃI ĐUỔI THEO TIẾNG GỌI CỦA QUÁ KHỨ?
Tôi phải từ bỏ những khoảng thời gian dằn vặt về quá khứ, về những gì tôi đã mất. Đó chắc hẳn là thách thức lớn, nhưng xứng đáng nếu tôi còn muốn theo kịp hiện thời
Crystal cất tiếng, phá vỡ chuỗi hồi tưởng của tôi. “Mike, điều quan trọng là anh phải biết được sự khác biệt trong từng loại cà phê này.” Tôi giờ đã không còn nhiều thời gian để mải miết theo đuổi những triết lý xa vời nữa. Chuông đã rung. Tôi đã đứng ở đây. Đã đến lúc bước vào, tham gia bầu không khí đầy nhiệt huyết thay vì ngồi một chỗ trầm tư toan tính.
Theo kịp mọi yêu cầu của khách hàng là công việc mới của tôi. Tôi phải từ bỏ những khoảng thời gian dằn vặt về quá khứ, về những gì tôi đã mất. Đó chắc hẳn là thách thức lớn, nhưng nó xứng đáng, nếu tôi còn muốn theo kịp hiện thời.
Tôi khám phá ra một điều rằng, tại Starbucks, “tôi” không còn là trung tâm – mà là khách hàng, việc phục vụ họ mới là ưu tiên hàng đầu. Crystal quay lại với vẻ mặt nghiêm túc, bắt đầu bài “diễn thuyết”, như thể tôi là một sinh viên đang háo hức nghe những truyền thuyết về cà phê: “Cà phê Sumatra có nguồn gốc từ Indonesia; người Hà Lan đã mang những hạt giống đến đó hàng trăm năm trước. Nó chính là một trong trong những loại cà phê chúng tôi gọi là ‘đậm đà’.”
“Chúng tôi”, lại một lần nữa, tôi nhớ lại cảnh Linda White và “chúng tôi” sa thải tôi. Crystal cũng hoàn toàn có thể làm như vậy.
“Đây là cách chúng tôi chào đón tất cả Cộng sự mới,” Crystal nghiêng người về phía tôi để giải thích. Lúc này cứ như cả hai đang tâm sự một bí mật lớn nào đó. “Chúng tôi tin rằng cà phê là sản nghiệp của cửa hàng này. Cửa hàng cà phê Starbucks là tên của chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi luôn chào đón tất cả mọi Cộng sự bằng việc mời họ thử cà phê và kể những câu chuyện về nó.”
Crystal ngồi thẳng dậy cùng với một nụ cười, tôi cũng mỉm cười lại với cô. Khuôn mặt cô ấy thật rạng rỡ, xinh đẹp. Ngay cả đôi mắt nâu vốn lạnh lùng của cô, giờ đây lại lấp lánh ánh lên vẻ thích thú. Mọi thứ dần sáng tỏ, Crystal, cô ấy tự tin về sự thông minh cũng như niềm đam mê trong mình. Ít nhất là trong kinh doanh cà phê. Và tôi hi vọng, có thể – chỉ là có thể – Crystal thực sự sẽ cho tôi một cơ hội để chứng tỏ bản thân.
Khi nếm thử loại hạt cà phê Sumatra đậm đà, tôi bắt đầu tự tin rằng mình sẽ có thể đảm đương phần này ở Starbucks. Tôi yêu cà phê. Tôi thích tìm hiểu về lịch sử của mọi thứ.
Liếc qua những Cộng sự đứng sau quầy, tất cả đều đang làm việc chăm chỉ. Dường như họ đã có một khoảng thời gian tuyệt vời. Ở đó tất cả mọi người đều rất trẻ, không có bất cứ người da trắng nào, có lẽ, tôi tự nhủ, tôi nên trở thành giống như loại cà phê tôi đang uống, một phần của loại “đậm đà”.
Sau đó, cánh cửa ra vào bật mở. Người bước vào là một anh chàng người Mỹ gốc Phi với khuôn mặt cau có. Cậu ta cao khoảng mét tám, dưới chiếc áo phông đen kia là những lớp cơ bắp cuồn cuộn. Cậu quấn một chiếc do-rag1 quanh đầu, mà theo tôi, cậu ấy trông như tên cướp biển thời hiện đại. Cậu có ria mép và một chút râu lún phún ở cằm. Nếu là ngày trước, chỉ cần nhìn thấy kiểu người như thế, tôi sẽ cố băng qua đó thật nhanh để tránh xa họ.
1 Do-rag (hoặc Du-rag) là một chiếc khăn thường được những người đàn ông da đen quấn quanh đầu, được làm bằng chất liệu giống như lụa.
Crystal gọi anh chàng kia lại, “Này, Kester, đến đây chào hỏi Mike này.”
Kester chậm rãi bước đến bàn của chúng tôi. Tôi nhận ra một vết bầm tím trên trán cậu. Kester vươn bàn tay to lớn ra.
“Xin chào, Mike,” Kester chào hỏi tôi với chất giọng nam trầm. Và rồi cậu mỉm cười, với nụ cười, toàn bộ khuôn mặt cậu biến đổi. Ngay lập tức, tôi cảm thấy như mình được chào đón. Cậu ấy dường như còn ấm áp hơn cả Crystal? Tại sao? Có phải cậu ấy tự tin vì có thể “xử lý” được tôi? Những gã da trắng già cỗi chắc chắn sẽ chẳng bao giờ làm phiền Kester đâu.
“Kester, vết bầm kia từ đâu ra vậy?” Crystal vừa nói vừa chỉ vào trán mình.
“Bóng đá đấy.”
“Bóng đá?”
“Đúng vậy, một số người bạn từ Columbia đã rủ tôi cùng chơi… Hóa ra là vì họ nghĩ tôi đương nhiên giỏi trò này.” Kester bật cười khi nói vậy.
Nhưng Crystal nhanh chóng quay trở lại với vấn đề công việc. Khuôn mặt cô ấy, theo những gì tôi thấy, mang chút cứng rắn, lẫn chuyên nghiệp. Tôi cảm giác, Crystal luôn thích kiểm soát. “Mike là một Cộng sự mới,” cô giải thích với Kester, “và tôi đang tự hỏi liệu cậu có thể giúp tôi một việc không… Kester, cậu có sẵn lòng làm huấn luyện viên cho anh ấy?”
Tôi học được một điều mới, tại Starbucks, không có ai ra lệnh cho ai phải làm việc này việc kia. Thay vào đó họ luôn luôn nói: “Bạn có thể giúp tôi một việc không?” hoặc bất kỳ câu nào tương tự thế.
“Chắc chắn rồi,” Kester trả lời, “tôi đi thay đồ rồi quay lại ngay.”
Sau khi Kester rời đi, Crystal nghiêng người về phía trước, nói với tôi như thể cô đang bật mí một bí mật động trời, “Kester chưa bao giờ cười cho đến khi cậu ấy bắt đầu làm việc ở đây. Cậu ấy từng là thủ lĩnh của một nhóm người bất hảo…” Cô ấy dừng lại, xem xét xem có phải mình đã tiết lộ quá nhiều. Rồi Crystal ngả người ra sau, chỉnh lại đầu tóc.
Tâm trang Crystal thay đổi không ngừng. Vừa muốn tiết lộ, vừa muốn thôi không nói. Rồi chuyển sang nghiêm mặt. Hài lòng. Chuyên nghiệp. Mệt mỏi. Bây giờ cô ấy lại cảnh giác.
Kester quay lại, cậu đang mặc trên người một chiếc tạp dề xanh lá và đội chiếc mũ lưỡi trai màu đen của Starbucks, nhưng cậu vẫn trông khá đáng sợ… cho đến khi Kester nở nụ cười. Crystal đứng dậy và nhường chỗ cho cậu.
“Tôi sẽ mang thêm cà phê cho cả hai.”
Crystal trở lại với một tách Verona1 cho mỗi người chúng tôi, cùng một ít bánh quy brownie vị espresso. Tôi rất ngạc nhiên vì cách phục vụ nhiệt tình của cô ấy. Tôi chưa bao giờ phục vụ bất cứ điều gì cho cấp dưới trong suốt những năm làm việc tại JWT. Nhưng Crystal dường như thực sự tận hưởng trải nghiệm này. Cô ấy, và Starbucks, có lẽ đã đảo lộn hoàn toàn hệ thống phân cấp truyền thống của một tổ chức.
1 Cà phê Verona là một loại cà phê phối trộn từ các hạt cà phê ở Mỹ La-tinh và Indonesia.
Cô ấy giới thiệu chi tiết về Verona cho chúng tôi. Verona là một loại cà phê pha trộn “vừa phải” từ cà phê của Mỹ La-tinh, nó là hoàn hảo nhất khi kết hợp với sô-cô-la.
“Nhưng,” Crystal mỉm cười với cả hai chúng tôi, “mọi loại cà phê đều hợp với sô-cô-la. Chúng chính là cặp anh em họ hàng đầy thân thiết. Đây sẽ là trải nghiệm hoàn toàn thỏa mãn khi kết hợp hương vị của Verona với bánh brownie vị espresso này.”
Cô ấy rời đi, để chúng tôi thưởng thức cà phê và bánh brownie. Cứ như thể chúng tôi là khách đến chơi nhà. Đó chắc chắn là trải nghiệm khác hoàn toàn so với bất kỳ trải nghiệm nào tôi mong đợi. Cà phê Verona với bánh brownie là một sự kết hợp tuyệt hảo – Crystal đã đúng.
Sau đó, Crystal mang cho chúng tôi một ly cà phê Colombia với một lát bánh ngọt.
“Đây là loại cà phê ‘nhẹ’ hơn,” cô nói. “Anh thấy sự khác biệt giữa chúng chứ?”
“Chắc chắn rồi, nó không ‘nặng đô’ như Sumatra, nó có vị thanh,” tôi nói.
“Đúng vậy, ‘thanh’ hơn, dùng từ mô tả tốt đó, Mike,” cô nói với giọng điệu như giáo viên đang khen ngợi một học sinh có tài.
“Đừng lo lắng, anh sẽ có cơ hội tìm hiểu hết tất cả những loại cà phê khác nhau ở đây. Nhân tiện anh sẽ được trả tiền công cho khoảng thời gian anh ngồi ở đây, uống cà phê và ăn bánh với Kester. Không tồi cho ngày đầu tiên đi làm chứ!”
Crystal để lại không gian riêng tư cho hai chúng tôi. Mặc dù cô ấy có vẻ rất thoải mái, nhưng tôi nhận ra đó có thể chỉ là một phần trong phong cách quản lý của cô ấy. Cô ấy chỉ đang cố giúp tôi – một “Cộng sự mới” – thoải mái hơn.
Với Crystal, tôi không chắc nữa, có lẽ tôi sẽ mất thêm nhiều thời gian nữa để thực sự hiểu thấu cô ấy. Cô ấy không giống bất cứ loại người nào tôi từng gặp trước đấy. Nếu là tôi của mười năm trước, tôi sẽ không thể ngờ, bản thân mình lại vừa sợ hãi, háo hức, rồi lại tuyệt vọng đến mức này khi được người phụ nữ trẻ kia chấp nhận.
Và nếu quay lại mười năm trước kia, tôi sẽ chẳng thể nào tưởng tượng nổi, rằng sẽ có một ngày, tôi ngồi ăn những chiếc bánh brownie, những lát bánh ngọt, cùng thưởng thức tách cà phê espresso với một người cao to vạm vỡ như Kester.
“Đây là cách Starbucks hoạt động,” Kester thản nhiên nói như không có chuyện gì. “Chúng tôi gọi hành động này là đào tạo nhờ sẻ chia. Anh cứ hiểu một cách đơn giản là chúng ta sẽ làm mọi thứ cùng nhau. Tôi sẽ học hỏi từ anh bằng cách dạy cho anh.” Cậu ấy cầm cốc của cả hai lên rồi đứng dậy. “Được rồi, anh đã uống xong cà phê, giờ tôi sẽ hướng dẫn anh cách tạo ra một cốc cà phê.”
Tôi đi theo Kester đến sau quầy bar. Tôi chợt nhận ra, Kester là người “gần gũi” nhất tại Starbucks. Công việc đóng cửa hàng vào đêm muộn là một trong những thử thách cần nhiều khéo léo nhất. Vì bạn sẽ phải chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ số tiền trong máy thu ngân. Và bạn cũng phải đảm bảo mọi thứ, từ giấy, cà phê, đường, gia vị phải có đủ cho sáng hôm sau. Kester vô cùng có trách nhiệm, anh ấy luôn hoàn thành mọi việc đúng thời gian và hoàn hảo.
Ngày đầu tiên đi làm, tôi sẽ không thể ngờ, vào một đêm muộn của nhiều tháng sau, chính Kester, đã cứu tôi một mạng.