Nhân tố xúc tác cho những kẻ mộng mơ là những người dẫn đường, những người luôn khích lệ họ mà họ gặp gỡ trong suốt cuộc đời. Vì vậy, đây là lời trân trọng cảm ơn đến tất cả những người dẫn lối cho tôi
Câu nói của Kevin Carroll, một vị khách của Starbucks, được in trên cốc Decaf Venti Latte
HẠNH PHÚC HAY NHỮNG TỔN THƯƠNG ĐẦU ĐỜI LUÔN ĐI THEO TA MÃI VỀ SAU
Tôi thực sự đã cố gắng. Tất cả bạn bè trong lớp đều đã học được từ đó. Thật khủng khiếp, bạn ngồi giữa một lớp học, và không nhìn thấy những gì người khác có thể nhìn, cũng chẳng thể nói thành tiếng những từ mà họ có thể nói một cách tự hào
THÁNG NĂM
Tôi đứng ở nhà ga Bronxville đợi chuyến tàu lúc 7h22 đến New York. Cho đến mười rưỡi sáng hôm nay, tôi sẽ không có bất cứ ca làm việc nào, nhưng tôi muốn bản thân đi lại thảnh thơi hơn một chút. Chuyến tàu tốc hành từ Bronxville đến ga Grand Central sẽ mất ít nhất 30 phút. Rồi tôi sẽ mất thêm thêm 10-20 phút để đi xe đến Quảng trường Thời Đại. Ở đó, tôi sẽ nhảy lên một chiếc tàu điện ngầm tiến về ga Phố 96 phía Tây. Rồi sau đấy đi bộ một đoạn là sẽ đến cửa hàng. Tôi đang rất lo lắng. Tôi vốn không giỏi nắm bắt những lịch trình của các phương tiện công cộng và cũng không muốn đi muộn. Tôi nghĩ rằng mình không được phép mắc phải bất kỳ sai lầm nào.
Đứng đợi ở sân ga sáng tháng Năm đó, tôi có cơ hội nhìn quanh Bronxville lần nữa. Ngôi làng nhỏ bé vùng ngoại ô đã thay đổi rất nhiều trong vài ngày qua, khi cơn mưa rào mùa Hạ đến, theo sau đó là những bông hoa tháng Năm. Giống như trong bộ phim Phù thủy xứ Oz, khi mùa Đông độc màu trắng đen đi qua, sắc xuân rực rỡ đã đến.
Mùa này, có rất nhiều hoa Tulip đỏ tươi, rồi trắng tinh nở khắp mọi nơi – phủ một cả một vùng màu sặc sỡ. Những chùm hoa liên kiều1 vàng rực rỡ, và cây cối bắt đầu nảy những chồi non đầu tiên giống như một làn sương nhô lên trên nền trời trong xanh.
1 Liên kiều (weeping forsythia hoặc golden-bell) hay còn gọi là Mai phục sinh là một loại thực vật trong họ Ô-liu, cao từ 3-6m, có hoa màu vàng.
Tôi thở dài, không hiểu sao tôi bắt đầu khóc. Những giọt nước mắt lặng lẽ chảy dài trên má, tôi cố kìm nén chúng. Tôi không muốn thu hút sự chú ý giữa một đám đông, giữa những con người đang trên đường đi làm tràn đầy năng lượng này. Họ là những người đàn ông, phụ nữ mặc những bộ vest của Brooks Brothers với đầy tham vọng, tự mãn. Một kiểu mà bây giờ làm tôi chán ngán.
Tôi ghen tị vì sự tự tin của họ về cuộc sống.
Tôi ghét họ vì họ có thể thoải mái trên con đường đi làm.
Tôi biết tôi tương đối vô hình trong mắt họ. Tôi mặc quần đen, áo sơ mi và đội mũ Starbucks. Tôi trông giống y như những gì tôi đang mặc – một người có công ăn việc làm. Một người trong giữa vô vàn người tham gia cuộc chạy đua đi làm buổi sáng, nhưng lại chỉ hướng đến các công việc tầm thường đến mức chả “Cái rốn của Vũ trụ” nào thèm để ý tới.
Tôi cố gắng gạt nước mắt, nhưng chúng chẳng ngừng rơi. Liệu có phải vì những hạt phấn hoa tràn ngập trong không khí? Tôi biết, nó không phải vậy.
Có điều gì đó thật bất thường và đáng buồn. Nhiều thập kỷ sau lần đầu tiên tôi đặt chân đến thị trấn xa hoa này, cũng trên sân ga đó, tôi chờ một chuyến tàu trong bộ đồng phục của mình. Bố tôi đã quyết định, sau khi mẹ tôi sinh thêm vài đứa em, cả nhà sẽ phải rời thành phố. (Đối với tôi, có lẽ vì tôi thực sự là thất bại của ông ấy, bởi vậy ông ấy mới cố gắng đến vậy để có thêm đứa con trai khác.)
Bố tôi chọn một dinh thự lớn từ thời Victoria ở Bronxville vì nó gần thành phố, và gần ngôi trường công lập mà ông nghĩ là tốt lành. Nhưng với tôi, Bronxville không phải là một điểm đến của hạnh phúc.
Mỗi ngày khi tôi đi bộ đến trường, một kẻ chuyên bắt nạt tên Tony Douglas sẽ lao ra từ phía sau bụi cây, đẩy ngã tôi đất, và vặn cánh tay tôi cho đến khi tôi bật khóc. Thật nhục nhã, khóc lóc lúc mới sáng sớm, khoảng tám hoặc chín giờ sáng. Nhưng cuối cùng, tôi cũng chẳng thể nào chống lại được. Tôi biết, khóc là cách duy nhất để hắn ta dừng lại. Hắn thực sự làm tôi tổn thương. Tôi sợ hắn. Cứ như hắn ta thực sự làm gãy cánh tay tôi.
Đến mùa Đông, hắn sẽ giở trò bằng cách ấn mặt tôi xuống nền tuyết và chà xát cho đến khi tôi phải cầu xin sự thương xót từ hắn. Chắc chắn chỉ có cầu xin tôi mới có thể thoát khỏi hắn. Sau đó, hắn ta sẽ nhảy cẫng lên, vừa chạy vừa cười nhạo tôi. Còn tôi, từ từ đứng dậy, đau đớn tận cùng, cố gắng sắp xếp lại chồng sách vở rơi lung tung của mình.
Tôi là đứa chậm đọc. Đó là một lý do khác nữa khiến tôi chẳng thể nào hạnh phúc nổi khi sống ở Bronxville. Ở trường, tôi phải chịu đựng sự sỉ nhục từ ngày này qua ngày khác. Dù đã cố gắng hết sức, tôi vẫn không thể tập đọc một cách bình thường.
Tôi thực sự đã cố gắng nhưng vẫn không thể trong khi tất cả bạn bè trong lớp đều học được. Thật khủng khiếp, bạn ngồi giữa một lớp học, và không nhìn thấy những gì người khác có thể nhìn, cũng chẳng thể nói thành tiếng những từ mà họ có thể nói một cách tự hào. Từng từ từng chữ trong cuốn sách mà giáo viên đưa cho chúng tôi dường như đang có một mật mã bí mật nào đó mà tôi không phá vỡ nổi. Các dòng chữ nhảy nhót trước mắt tôi. Tôi cố gắng để “phá mã”, nhưng chỉ có thể đoán mò ngữ nghĩa của những đường nét màu đen ấy.
Tôi cảm thấy thật kinh khủng, khi mọi sự ngu ngốc, bất lực, khốn khổ đang hiện rõ ràng, lồ lộ trước mắt mọi người.
Thất bại này đương nhiên không thể bỏ qua.
Cô Markham là hiệu trưởng của trường. Cô ấy là một nhân vật đáng sợ. Cô luôn mặc một bộ đồ đen và “diễu hành” qua lại trên hành lang. Cô thường ra lệnh bằng một giọng trầm, sâu.
Tôi đã thành công thu hút sự chú ý của cô ấy.
Cô Markham đã gọi cho bố mẹ tôi để mời họ đến nói chuyện với cô ấy.
Mẹ tôi, bà ấy cực kỳ xấu hổ; còn bố tôi thì tức giận. Tôi đã phá nát một ngày của ông ấy.
“Tại sao cô ấy không thể gặp chúng ta vào lúc khác?” Bố tôi giận dữ hỏi mẹ tôi. “Đúng ngay vào giữa sáng!”
Vì lý do nào đó, cô Markham đã đứng về phía tôi. Cô ấy kiên quyết, bất chấp mọi ý kiến trái chiều. cô Markham khẳng định rằng tôi sẽ làm tốt hơn. Cô ấy cũng đòi đưa tôi đến tham gia buổi “họp phụ huynh”.
“Tôi không bao giờ nói về những đứa trẻ sau lưng chúng,” cô Markham giải thích.
Ngay trước mặt tôi, cô thẳng thắn nói, “Michael sẽ đọc được khi thằng bé muốn. Mong các vị đừng quấy rầy thằng bé nữa.”
Tôi chết lặng trước sự công kích của cô với bố mẹ tôi. Cô Markham rõ ràng đang cực kỳ tức giận với họ. Tôi luôn được nghe về sự tuyệt vời hoàn hảo của bố mẹ tôi. Nhưng với cô Markham, cô ấy dường như cảm thấy rằng tôi nên được bảo vệ khỏi họ bằng một cách nào đó.
Niềm tin mãnh mẽ đến mức phi lý của cô Markham cuối cùng cũng có kết quả. Việc tôi biết đọc không nhờ bất cứ hành động ép buộc hay bất kỳ ham muốn đáng sợ nào. Nó nhẹ nhàng, từ từ đến vào một mùa hè khi tôi lên mười.
Mỗi khi Hè đến, chúng tôi rời Bronxville đến một thị trấn nông thôn nhỏ nằm ở vùng núi Connecticut. Ở đó, mẹ tôi vui hơn nhiều. Bà từng được đến Norfolk vào mùa Hè lúc bà còn trẻ. Thời đó, bà ấy vẫn còn rất nhiều người bạn gần tuổi nhau, họ đã cùng nhau dành thời gian nghỉ hè ở đó. Người bạn thân nhất của bà, họ chơi với nhau từ thời thơ ấu, có một ngôi nhà chỉ cách nhà bà chỉ vài cánh đồng. Con trai của cô ấy đã trở thành bạn thân của tôi. Chúng tôi thường đạp xe trên những con đường đất cũ, và bơi lội trong hồ nước nhỏ.
Tôi còn nhớ mẹ tôi luôn gọi tôi dậy vào sáng sớm để có thể cùng nhau ngắm nhìn những hạt sương lấp lánh dưới ánh nắng.
“Những viên đá quý của yêu tinh,” mẹ tôi thường sẽ thốt lên câu đó rồi ôm tôi một cách thích thú. “Trên đời này có gì đẹp hơn một buổi sáng mùa Hè ở Norfolk?”
Đôi khi mẹ tôi sẽ đánh thức tôi dậy vào ban đêm, bà nắm tay tôi dẫn ra ngoài để ngắm Trăng.
“Một vẻ đẹp tráng lệ, nhỉ?” Mẹ tôi thốt lên với chút vui vẻ trong giọng nói.
Nhưng kỷ niệm hạnh phúc của tôi là được ngồi với mẹ, cả hai sẽ cùng đắp trên mình chiếc chăn dày ấm áp. Lúc đó, mẹ tôi sẽ bắt đầu kể những câu chuyện. Băng qua cánh đồng, tôi có thể nhìn thấy một rừng cây bạch dương. Những chiếc lá của chúng rung rinh trong làn gió nhẹ… Trong một khoảnh khắc nào đó, chúng sẽ chuyển từ sắc xanh sang màu bạc dưới ánh nắng của một buổi chiều cuối mùa Hè.
Chúng tôi sống trong một ngôi nhà gỗ kiểu bungalow1 do bố của mẹ tôi dựng lên. Nó nằm giữa một cánh đồng rộng lớn, xung quanh bao bọc bởi một khu rừng rộng lớn vô tận. Chưa từng có một cái cây nào bị đốn, hay bị xáo trộn trong suốt hơn một trăm năm. Hàng ngàn mẫu rừng đã vĩnh viễn rơi vào lãng quên.
1 Bulgalow là một kiểu nhà xuất hiện tại Ấn Độ từ thế kỷ 17 có cấu trúc một tầng với diện tích nhỏ và kết cấu khá đơn giản.
Khu rừng hẻo lánh đó là nơi ẩn náu của tôi. Tôi sẽ đi lang thang với bộ cung tên trên tay. Khi đó tôi thường tự nhủ mình có thể sẽ bắn được thứ gì đó (mặc dù nó chưa bao giờ trở thành sự thật). Sự tĩnh lặng, yên bình của những cây cổ thụ, mùi thơm dịu nhẹ của cây thông và dương xỉ lan tỏa trong không khí chính là những điều an ủi tôi.
Tôi cũng đặc biệt yêu thích vùng nông thông đó, vì ở đó bố có thể dành thời gian cho tôi. Ở Bronxville, ông đã dành hết mọi tâm sức, nhiệt huyết cho công việc sửa sang căn biệt thự ba mươi lăm phòng. Ông luôn tự hào khoe khoang với mọi người rằng: “Đây là ngôi nhà lớn nhất, lớn hơn bất kỳ căn nhà nào thuộc quyền sở hữu của các thành viên trong gia tộc.”
Bố tôi đã dốc toàn bộ số tiền mà chúng tôi có được nhờ bán căn nhà trên Phố 87 ở Manhattan, vào căn nhà khổng lồ này. Trên mái nhà, có một số chỗ mái ngói cần sửa chữa. Ông ấy cũng xây thêm một thư viện hai tầng. Tôi từng tình cờ nghe được cuộc trò chuyện của bố tôi với bạn bè, ông nói rằng “Tôi luôn muốn có một thư viện riêng với một chiếc cầu thang như thế này.” Đó là lý do tại sao chiếc cầu thang kia lại có thể di chuyển, nhờ nó những tủ sách ở đó luôn đầy ắp đến tầng cao nhất.
Bố tôi giữ rất nhiều tập tạp chí New Yorker cũ ở đây. Nhờ chiếc cầu thang, tôi có thể leo lên và lấy những chồng tạp chí đó xuống. Khi ngồi đọc chúng, cứ như thể tôi đang nói chuyện với bố tôi, mặc dù hầu như ông ấy chả bao giờ ở nhà.
Bất chấp niềm tự hào to lớn về căn nhà này, dường như ông luôn muốn được đi đây đi đó, sống lại cuộc sống nơi thành phố náo nhiệt của mình. Tôi chưa từng nhìn thấy ông bước chân vào thư viện, đọc sách hay thậm chí là ngồi xuống. Khi gia đình tôi chuyển đến Bronxville, thời gian bố dành cho tôi ngày một ít đi. Ông ấy sẽ đi vào sáng sớm và trở về nhà khi tôi đã say giấc nồng.
Nhưng tôi thích nhìn lướt qua những quyển tạp chí New Yorkers cũ – những tấm hình hoạt họa, hay thậm chí cả cách mà những tấm hình thay đổi liên tục từ trang này sang trang khác. Mặc dù tôi không thể hiểu nó có nghĩa là gì, nhưng tôi có thể thoáng cảm nhận chút nét tự hào của bố về nó.
Một buổi trưa ở vùng đồng quê, tôi trở về căn nhà gỗ sau khi lang thang ở cánh rừng. Mẹ tôi đang ngủ trưa, còn những đứa em tôi đang sang nhà bạn chơi. Chúng có vẻ thích cùng nhau làm mọi việc. Tôi quay lại phòng khách, ngồi ở đó một mình. Tôi lôi ra một cuốn sách cổ trong phòng. Vì đây là căn nhà gia đình chúng tôi tới nghỉ mát vào mùa Hè, nên hầu như những cuốn sách ở đây đều đã được mua từ nhiều thập kỷ trước. Chúng bị bỏ mặc đến mốc meo và ẩm ướt trên giá.
Lấy xuống một cuốn sách dày cộp, đầy ắp tranh ảnh, tôi lật một trang có bức ảnh trên đó.
“Tướng Grant”, tôi đọc to. Tôi đã đọc tên của ông ấy. Thực sự đã đọc được! Đầu tiên là một vài từ đơn lẻ, sau đó lượng chữ tôi đọc được ngày một nhiều lên.
Bất ngờ, những dòng chữ in màu đen hiện lên trong bộ não tôi. Tôi không nói điều này cho bất cứ ai. Khi cả nhà quay về Bronxville vào mùa Thu năm đó, tôi đã đọc thêm được nhiều từ khác. Tôi thậm chí còn đủ tự tin để đọc ở giữa lớp. Nhưng giờ, tôi đã học lớp sáu. Thực tế là, những thứ tôi vừa mới học được, các bạn cùng lớp khác đã học xong từ nhiều năm trước.
Thấy tôi như vậy, cô Markham vô cùng hài lòng. Cuối cùng, tôi cũng đã chứng minh cho niềm tin “điên rồ” của cô là đúng.
ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT LÀ CHÚNG TA MUỐN SỐNG MỘT CUỘC ĐỜI NHƯ THẾ NÀO?
Michael đã được định sẵn để trở nên vĩ đại. Ta không quan tâm trò làm được gì hay không làm được gì. Ta không quan tâm trò có thi đỗ một trường đại học danh tiếng nào đó hay không. Ta chỉ cần biết: Trò thật tuyệt vời. Ta muốn trò biết rằng trò là người xứng đáng. Chính bản thân trò. Chứ không chỉ là những gì trò đã làm
Một buổi chiều cận kề những ngày cuối năm, cô Markham mời tôi đến nhà cô. Khi tôi học xong lớp sáu, tôi sẽ chuyển lên khối lớp bảy ở một tòa nhà to xây bằng gạch đỏ. Sang năm tới, tôi sẽ là học sinh cấp hai, và chính thức rời khỏi “trường của cô ấy”, nơi mà cô là người "cai trị" toàn bộ.
Cô Markham sống với một người phụ nữ khác trong một căn nhà lớn cạnh trường.
Cô mời tôi uống trà.
Sau đó, cô lấy ra một tờ giấy ghi chú mà cô đã viết. Cô Markham đưa cho tôi xem. Chữ viết tay của cô rất to và đậm.
“Hãy đọc nó lên đi trò Michael,” cô nói rõ ràng từng chữ một.
Tôi đọc dòng chữ đó, “Michael Gates Gill đã được định sẵn để trở nên vĩ đại.”
Tôi nhìn lên. Đây có phải là một bài kiểm tra? Tôi đã vượt qua bài kiểm tra đọc nào chưa nhỉ?
“Cô còn gì nữa không ạ, cô Markham?” Tôi hỏi với giọng háo hức, mong chờ được đọc thêm cho cô nghe. Nếu không có cô ấy, tôi có thể đã phải đi học ở một trường nào đó dành cho “học sinh đặc biệt” như bố mẹ tôi từng thảo luận.
“Không cần đọc nữa trò Michael,” cô Markham đưa tay ra và nắm lấy tay tôi.
Tôi nhận ra cô có một đôi mắt nâu sáng rực rỡ.
“Ta đã quyết định,” cô nói. “Trò, Michael,” cô tiếp tục như thể đang chính thức tuyên bố một điều, “được định sẵn để trở nên vĩ đại. Ta không quan tâm trò làm được gì hay không làm gì. Ta không quan tâm trò sẽ thi đỗ một trường đại học danh tiếng nào đó hay không. Ta chỉ cần biết: Trò thật tuyệt vời.”
Cô ngồi xuống, thả tay tôi rồi nở một nụ cười tươi.
Tôi đã không biết phải nói gì. Tôi thực sự không hiểu ý cô muốn nói.
Cô Markham nghiêng người về phía trước và nói một lần nữa. “Ta hầu như không bao giờ làm điều này,” cô nói, “nhưng cứ vài năm một lần, ta sẽ gặp một số đứa trẻ mà ta cảm thấy có những phẩm chất đặc biệt. Ta muốn trò biết rằng trò là người xứng đáng. Chính bản thân trò. Chứ không chỉ là những gì trò đã làm.”
Xứng đáng? Tôi cố nghĩ, nhưng từ này có nghĩa là gì chứ?
“Có lẽ bây giờ trò không hiểu ghi chú này có nghĩa là gì,” lời cô Markham nói khơi sự do dự, bối rối trong tôi, “nhưng hãy giữ lấy nó, trò có thể đặt nó trong ngăn kéo, hay bất cứ đâu đó. Lấy nó ra mỗi năm một lần và đọc nó. Bây giờ, trò đã có thể đọc được rồi!”
Cô Markham cười lớn rồi sau đó quay trở lại nét mặt nghiêm nghị. Tôi lúc đó chỉ là một cậu bé nhỏ, và cô ấy biết lúc đó bản thân không thể giúp tôi hiểu hay tin vào điều cô nói.
“Trò đã từng nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ đọc được phải không?” Cô Markham hỏi tôi với giọng dịu nhẹ hơn.
“Vâng ạ,” tôi nói.
“Nhưng ta biết,” cô Markham nói. “Và ta biết trò thật tuyệt. Nhưng trò thì không thấy như vậy, phải không?”
“Dạ.”
“Chà, trò chỉ cần nhớ là ta đã nói với trò như vậy.” Tôi vẫn chỉ nhìn chằm chằm.
Tôi chưa từng biết ai đã đến nhà cô Markham, hay thậm chí là nói chuyện với cô ấy với tư cách hai người bình đẳng. Có lẽ đó là lý do tại sao bây giờ tôi vẫn rất nhút nhát. Mặc dù tôi luôn ngại ngùng với tất cả, tôi biết cô Markham muốn tôi nói chuyện, nói điều gì đó để đáp lại những gì cô ấy đã dành cho tôi. Đó rõ ràng là một món quà tuyệt vời. Tôi cảm nhận được tình yêu thương lẫn sự ủng hộ của cô. Nhưng tôi không biết mình phải nói gì.
“Anh trai ta,” cô nói, rồi đột ngột ngừng lại, “là một người nghiện rượu. Tuy nhiên, anh ấy có rất nhiều phẩm chất tuyệt vời. Ta đã không thể giúp anh ấy. Ta nghĩ, khi nhìn lại, anh ấy chưa bao giờ biết rằng mình thật tuyệt vời.”
Có phải có nước mắt đọng ở khóe mắt cô?
“Hãy giữ tờ giấy này, trò Michael” cô nói với chất giọng đặc sệt đong đầy cảm xúc.
“Trò chỉ cần giữ lấy nó thôi.”
Cô ấy đứng dậy và dẫn tôi ra cửa. Một lần nữa tôi nhìn thấy hình ảnh cô Markham mà tôi biết, năng động, luôn tràn đầy năng lượng để tiến lên phía trước.
Chúng tôi bắt tay như hai người lớn.
Tôi rời đi, nhưng vì lý do nào đó, tôi dừng lại ở một góc đường và quay lại nhìn.
Cô Markham vẫn đứng sau dõi theo tôi. Cô vẫy tay với tôi.
Tôi vẫy tay chào lại.
Tôi đã giữ đúng lời hứa với cô, nhưng sau đó, tôi đã làm mất tờ giấy khi lên đại học. Khi đó, mẹ tôi đã vứt bỏ rất nhiều đồ đạc cũ của tôi. Nhưng khung cảnh buổi chiều hôm đó, nõ vẫn hiện lên rõ ràng trong tâm trí tôi. Khung cảnh quen thuộc.
Tôi gặp lại cô Markham một lần sau khi tốt nghiệp ở Sở quản lý Cơ giới. Ở đó, cả hai tình cờ cùng gia hạn giấy phép.
Cô ấy đã nghỉ hưu và già đi. Tóc cô Markham giờ đã bạc trắng.
“Michael,” cô gọi tôi khi thấy tôi đi ngang qua một gian phòng chờ cũ kỹ.
Giọng cô vẫn vậy.
Tôi đứng dậy để chào hỏi cô. Cô bước đến gần tôi.
“Giờ trò thế nào rồi?”
“Tốt ạ,” tôi nói. “Con đã tốt nghiệp Yale.”
Cô nói: “Chuyện trò học đại học nào hay có đi học đại học hay không không phải là trọng tâm. Trò nhớ tờ ghi chú ta đưa chứ?”
“Dạ.”
“Và ta cũng còn nhớ!” cô Markham nói, rồi rời đi với một nụ cười. “Không quan trọng là những gì trò đã làm, chính bản thân trò mới là mấu chốt. Và trò thật tuyệt vời.”
Ngay lúc đó, tên tôi được gọi lên, tôi đi đến quầy để hoàn thành các mẫu đơn và chụp ảnh. Khi hoàn tất, cô Markham đã biến mất. Kể từ đó, tôi không bao giờ cố gắng tìm gặp cô Markham lần nữa.
Ngay cả khi ở độ tuổi hai mươi, đứng ở quầy tại Sở quản lý Cơ giới, tôi vẫn không chắc mình sẽ cần làm gì để đáp lại niềm tin nơi cô. Tôi không có lời nào cho cô. Nhưng nhờ niềm tin cô Markham dành cho tôi, tôi đã yêu những từ ngữ ấy.
CÁNH CỬA MỚI ĐÃ MỞ RA VÀ TÔI CHỌN BƯỚC TIẾP
Liệu tôi muốn dành suốt phần đời còn lại để thương tiếc quá khứ? Tôi không nghĩ vậy. Đã đến lúc rồi. Đến lúc tôi cần một cuộc đời có nghĩa hơn. Có ý nghĩa chứ không phải sống một cuộc sống lang thang như vài năm trước
Có lẽ cô Markham đã đoán trước được điều gì sẽ xảy ra. Sau khi tôi đọc được, tôi dần đam mê, yêu thích đọc sách. Tôi chợt khám phá ra cả một thế giới mà câu chữ có thể mang lại. Bắt đầu từ khi mười tuổi, tôi đọc hàng giờ mỗi ngày. Tôi thích trốn vào thế giới của ngôn từ và sách vở.
Đối với tôi, cuộc sống ngoài kia thật cô đơn và lạc lõng biết bao. Bố tôi thường đến thăm chúng tôi vào cuối mỗi tuần mùa Hè, nhưng khi Đông đến, ông quá bận rộn với công việc của mình để dành thời gian cho tôi.
Tôi có thêm vài người bạn mới, nhưng quả thực đối với tôi, có điều gì đó kinh khủng về thị trấn ngoại ô ưu tú này. Ở thành phố New York, ngay khi Nana rời đi, tôi luôn cảm thấy đơn độc. Nhìn ra cửa sổ của nhà tôi, tôi có thế thấy dòng người qua lại trên vỉa hè. Người già. Trẻ em. Cảnh sát tuần tra. Những thanh niên đang chạy nhảy quanh khu phố.
Ở Bronxville, trong ngôi nhà khổng lồ, thậm chí chẳng có ai lượn lờ đi qua đây… chỉ có hình ảnh những chiếc xe lướt qua cùng với tiếng lốp xe đang chuyển hướng ở một góc đường.
Tôi nghĩ mình sẽ có một cuộc sống tốt hơn nếu sống ở vùng nông thôn. Ở Norfolk, bố tôi sẽ về nhà vào mỗi cuối tuần. Ông ấy sẽ để tôi làm người kéo gậy khi ông chơi gôn. Và khi cả nhà tôi cùng nhau đến hồ, tôi có thể dành cả ngày bên ông ấy.
Bố tôi sẽ gọi Jay Laughlin, một người đàn ông sở hữu khu trang trại bên cạnh, khi anh ta đang bơi, “Hãy ra khỏi chỗ ẩm ướt đó và làm một ly martini khô1 nào.”
1 Martini khô là một loại cocktail có chủ yếu là rượu gin với một ít vermouth.
Jay, giống như bố tôi, ông cũng dấn thân vào đời sống chữ nghĩa với tư cách là người sáng lập công ty xuất bản New Directions. Nhưng không giống như bố tôi, ông luôn u sầu, chẳng mấy khi có thể thấy nụ cười trên khuôn mặt. Ngoại trừ một thứ, đó là những câu trêu chọc của bố tôi, ông luôn bật cười thành tiếng khi bố tôi nói những câu đùa vui.
Chẳng bao lâu sau, bố tôi đã “tập hợp” được một nhóm những người thích thú với những câu chuyện cười của ông. Còn tôi, một lần nữa lại có cơ hội chìm đắm trong bầu không khí vui vẻ, ở một nơi có bố tôi hiện diện. Đối với tôi, dường như bố tôi là người đàn ông hài hước nhất thế giới khi ông cùng tán gẫu với mọi người.
Trong mắt tôi, bố là người đàn ông vụng về, nhưng ông có cách thể hiện tình yêu thương của riêng mình. Đôi khi bố tôi sẽ hát cho tôi những bài hát mà bố cũng từng được ông nội hát cho. The Minstrel Boy, Danny Boy. Những giai điệu cổ của người Ailen.
Thỉnh thoảng, trong bữa cơm gia đình, khi chán chường, ông lại ngâm thơ cho chúng tôi nghe. Một bài thơ nhuốm đầy màu sắc âu sầu. “Không có gì tự hào để nhìn lại”, ông ấy sẽ mở đầu bằng “The Death of the Hired Man” (Tạm dịch: Cái chết của người làm công). “Đó không phải là cái kết đáng buồn của một đời người sao?” bố tôi thường hỏi vậy, nhưng tôi luôn im lặng.
Khi còn là một cậu bé, tôi thực sự không hiểu điều bố nói.
Ngay cả sau này, tại Yale, khi gặp gỡ Robert Frost, tôi vẫn không hiểu được nỗi buồn ẩn chứa trong từng câu thơ của ông ấy. Ai nhìn vào cũng sẽ thấy, Robert Frost là một quý ông đồng quê vui tính. Tôi nhớ mình từng chạy thục mạng từ lớp học cuối cùng ngày hôm đó đến một bữa tiệc rượu sherry1 để vinh danh nhà thơ này.
1 Rượu Sherry: một loại rượu vang ngọt được làm từ nho trắng.
Tôi, giống như mọi sinh viên đại học thời đó, mặc một chiếc áo khoác cùng cà vạt trên cổ. Ở Yale, có một chuyện đáng mừng là nơi đây chưa từng phải trải qua làn sóng tàn phá của cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi vẫn được bao bọc cẩn thận như những viên hổ phách mang đậm màu cổ xưa.
Tại đây, Dink Stover, những xu hướng thời trang từ nhiều thập kỷ trước vẫn còn rất thịnh hành. (Dink Stover là nhân vật chính của cuốn sách hư cấu bán chạy cùng tên. Nó được xuất bản vào đầu thế kỷ XX và vẫn còn được tái bản cho đến ngày nay. Dink là một vận động viên điền kinh bậc nhất, và ông ấy cũng rất lịch thiệp. Nhưng trên tất cả, Dink Stover chính là hình mẫu điển hình của một “quý ông” đích thực. Cao trào của cuốn sách là khi tính cách tuyệt vời vốn có của Dink được công nhận khi ông ấy được Skull & Bones khai thác.) Các giáo viên của tôi gọi tôi là “Ngài Gill”, và một giáo sư tiếng Anh của tôi đã mời tôi “uống một ly rượu sherry với Robert Frost.”
Giáo sư Waite chào đón tôi ở cửa và dẫn tôi vào. Đã có phân nửa sinh viên từ các trường đại học khác tập trung xung quanh một người đàn ông cao lớn đang đứng ở trung tâm căn phòng. Frost mặc một chiếc áo khoác vải tuýt dày. Ông ấy có một mái tóc bạc trắng bay phất phơ, cứ như ông đang dùng một loại phép thuật nào đó. Vì thực tế là chúng tôi đang ở trong một căn phòng chờ đông đúc và nóng nực.
Ông ấy chào đón tôi bằng cái bắt tay mạnh mẽ cùng đôi mắt biết cười.
Không ai trong chúng tôi hỏi ông ấy về “công việc” của ông. Bởi điều đó không được lịch sự cho lắm trong bối cảnh xã hội thời đó, nó giống như việc bạn yêu cầu bác sĩ chẩn đoán khi cả hai đang trò chuyện trong một buổi tiệc cocktail.
Trên thực tế, tôi không bao giờ nhớ mình đã thảo luận như thế nào về thơ và viết lách với các nhà thơ tôi gặp ở Yale. Trong lúc cùng W. H. Auden uống tại Mory’s, chúng tôi đã thảo luận về cách pha chế từng loại đồ uống cụ thể sao cho ngon nhất. Khi tôi được mời gặp T. S. Eliot, người đã đến New Haven để thuyết trình vào một buổi tối, tôi đã được giáo sư của tôi, Norman Holmes Pearson dặn dò rằng: “Đừng hỏi ông ấy bất kỳ câu hỏi nào. Có tin đồn rằng ông ấy sắp chết vì căn bệnh ung thư, và giờ ông đang đi diễn thuyết để kiếm tiền nuôi vợ.”
Khi Donald Hall, một nhà thơ Hoàng gia, đến thăm New Haven, tôi được yêu cầu dẫn anh ấy đi ăn tối. Cuối cùng chúng tôi trải qua một đêm “hoang dại” với nhiều sinh viên khác. Tất cả đều đang say xỉn quắc cần câu, nhưng dường như anh ấy rất thoải mái với chuyện này. Lại một lần nữa, thơ ca, viết lách hay bất cứ câu chuyện nào về chủ đề câu chữ, chả bao giờ xuất hiện.
Một quy tắc sống ở Yale, khá giống cuộc sống ở nhà của tôi, là không hỏi quá nhiều câu hỏi trực diện.
Vì vậy, từ khi còn nhỏ cho tới lúc lớn lên, tôi chưa từng bao giờ nghĩ đến chuyện mình sẽ hỏi bố tôi rằng ông ấy muốn nói lên điều gì khi trích dẫn thơ của Frost, hay của bất cứ nhà thơ nào khác. Tôi là một “khán giả” dễ tính, và cũng không được khuyến khích làm nhiều hơn thế.
Câu cửa miệng của bố tôi có lẽ là, “Hãy ở bên tôi, rực sáng vì ngọn lửa đang tàn.”
Có một lần tôi đã hỏi ông ý nghĩa của câu đó.
“Đó là một câu trong một bài thơ,” đấy là tất cả nhưng gì bố tôi nói. Cuối cùng, tôi đã thực sự chẳng nhận ra cho đến khi ông ấy qua đời. Nhận ra rằng ông đã từng phải sống với nỗi kinh hoàng, phải chịu đựng những thảm kịch đến nhường nào.
Vào sinh nhật lần thứ bảy của tôi, khi mẹ tổ chức cho tôi một bữa tiệc sau giờ học. Ở đó có bóng, bánh kem và cả những phần quà cho bạn bè của tôi. Khi đó bố tôi tình cờ về nhà sớm và thấy tất cả chúng tôi đang tụ tập cười nói trong phòng ăn.
Ông bước vào, tất cả chúng tôi đều im lặng. Bố tôi tỏa ra một thứ năng lượng mạnh mẽ, lấn át đi tất cả. Nhưng trong đôi mắt đen tuyệt đẹp kia, bố tôi có vẻ chút buồn bã.
Ông chuẩn bị sắp nói điều gì đấy.
“Vâng, anh yêu?” mẹ tôi hỏi. Bà ấy luôn nóng lòng muốn cùng ông tham gia các hoạt động chung của gia đình. “Chúng em chỉ đang tổ chức một bữa tiệc nho nhỏ cho sinh nhật lần thứ bảy của Gatesy.”
“Mẹ tôi mất khi tôi bảy tuổi,” bố tôi buông một câu rồi ông rời khỏi căn phòng ăn.
Mẹ tôi đuổi theo bố tôi.
Tôi không nhớ tôi và những người bạn xung quanh đã nói gì khi đó, nhưng tôi nghĩ là chúng tôi ngay lập tức quay lại chơi với tất cả những món đồ chơi mà mẹ đã mua.
Nhưng rõ ràng, bố tôi không cảm thấy thoải mái khi nói chuyện với tôi, hoặc thậm chí là ở bên cạnh tôi.
Một lần tôi tình cờ nghe thấy bố nói với mẹ tôi, “Anh không thể đợi cho đến khi Michael Gates lớn lên, anh muốn có một cuộc nói chuyện nghiêm túc với nó.”
Tuy vậy, mặc dù ông không thích hai mẹ con tôi, nhưng, hơn bao giờ hết, bố tôi vẫn là một phần của gia đình này trong những ngày cuối tuần ở vùng ngoại ô Bronxville.
Và khi bố tôi đi xa để “làm việc chăm chỉ ở thành phố” suốt mùa Hè, tôi chỉ biết đi bơi, rồi đi bộ dạo quanh rừng, ngửi mùi thông và thưởng thức bầu không khí trời đêm trong lành, tuyệt vời ở Norfolk khi tôi ngủ quên. Lúc đó, nó ngập tràn hương thơm của cánh đồng và rừng cây.
Và mỗi đêm, khi tôi đã chìm vào giấc ngủ, tôi thường mỉm cười, nghĩ đến cảnh rằng có thể mẹ sẽ đến đánh thức tôi và dẫn tôi đến với “Mặt Trăng của mẹ”.
Nhưng với tôi, Bronxville không có sức hấp dẫn như vậy.
Bằng cách nào, tại sao tôi lại đang đứng đây… ở nhà ga xe lửa Bronxville… sống trong một căn hộ bé tí thay vì một dinh thự khổng lồ trước kia… không có bất cứ ai, gia đình hay bạn bè, ở bên cạnh? Gạt đi những dòng nước mắt ngày một nhiều hơn.
Khi nhận được công việc ở Starbucks, tôi đã cố gắng tìm một căn hộ gần chỗ làm. Nhưng rồi tôi phát hiện ra rằng mình không có cách nào để có thể mua được một căn hộ ở thành phố New York đắt đỏ đó.
Tôi bắt đầu tìm kiếm ở ngoài Manhattan. Cách xa vùng phía Tây Thượng Manhattan một chút, rồi tới Bronx, Mount Vernon, và thậm chí, tôi còn bắt đầu nghĩ chuyển đến sống tận Brewster. Có lẽ chả có cái gì đảm bảo rằng tôi sẽ có thể mua được một căn hộ gần thành phố.
Một ngày nọ, trên đường đi kiếm căn hộ cho mình ở Bronxville, tôi dừng nghỉ chân để ăn một chiếc bánh hamburger. Cửa hàng tôi đang ngồi thuộc sở hữu của một người bạn cũ thời trung học. Phil kể với tôi rằng anh đang có một ngôi nhà cũ mà bố mẹ anh để lại, ở đó có một căn phòng ở gác mái nhỏ trên tầng ba.
“Ngôi nhà nằm ngay cạnh đường ray xe lửa,” Phil nói với tôi, “nhưng nó thực sự rất tiện cho cậu, nếu cậu định thuê, tớ sẽ để giá tốt.”
Tôi ngay lập tức chớp lấy cơ hội. Căn phòng đó quả là dành cho tôi.
Tôi thích leo lên những bậc thang cũ kỹ và hằng mong sống trên gác xép của một ngôi nhà cổ kính.
Chuyển tàu cập bến.
Tôi bước lên, lê bước sau đoàn người đầy nhiệt huyết. Tôi biết, phiền muộn không phải là cách để bắt đầu một ngày mới, vì vậy tôi cố gắng nhớ lại những kỷ niệm vui vẻ về Bronxville.
Bố tôi thường tổ chức những bữa tiệc linh đình tại căn nhà ở Bronxville của chúng tôi khoảng vài lần trong năm. Ông ấy luôn xem mình có bổn phận phải giới thiệu tôi với những người mà tôi thích. Khi còn nhỏ, bố tôi đã cho tôi gặp gỡ E. B. White vì do tôi quá yêu thích bộ phim Chú chuột siêu quậy. E. B. White có khung người nhỏ nhắn, tốt bụng, và ông luôn hiếu kỳ với mọi thứ. Ông cứ như Stuart ngoài đời thực vậy.
Sau đó, khi tôi lớn lên, ông ấy đã mời Brendan Behan, nhà soạn kịch người Ireland, đến nhà để tôi có thể gặp ông ấy. Tôi yêu thích bài hát đậm chất phá cách của ông.
Tôi tự nhủ với chính mình, ít nhất tôi cũng đã có những khoảng thời gian hạnh phúc ở Bronxville. Nhưng, không thể phủ nhận rằng, những bữa tiệc linh đình đó, những người nổi tiếng giới văn học thời đó, thực sự chẳng có mấy ý nghĩa với tôi. Tôi, khi đó, muốn có nhiều thời gian hơn với bố tôi, chỉ có bố và tôi thôi.
Ở tuổi sáu mươi, tôi thầm nhắc mình, tôi sẽ lìa đời sớm thôi… nó không chỉ còn trên bài hát của Behan. Liệu tôi muốn dành suốt phần đời còn lại để thương tiếc quá khứ? Tôi không nghĩ vậy. Đã đến lúc rồi. Đến lúc tôi cần một cuộc đời có nghĩa hơn. Có ý nghĩa chứ không phải sống một cuộc sống lang thang như vài năm trước.
Liệu hành trình mà tôi đang đi, hành trình tìm kiếm một cuộc sống mới, nó vô vọng chứ? Liệu công việc tôi đang làm, một công việc mà tôi từng rất coi thường, là dấu hiệu cho thấy tôi đang đi sai đường?
Tôi hít một hơi thật sâu, ngồi thẳng dậy, cố gắng suy nghĩ thật thấu đáo.
Nghĩ lại, tôi thực sự thích làm việc với Crystal. Thật khó để thừa nhận, nhưng vì nhiều lý do, tôi thực sự thích làm việc ở Starbucks hơn so với công việc ở J. Walter Thompson. Dù ở chỗ chũ tôi có địa vị, có uy hơn hẳn.
Thành thật mà nói, Mike, tự gọi mình bằng cái tên mới ở Starbucks, cậu hài lòng về những gì cậu đang làm, đúng chứ? Đúng là cậu đang mặc một chiếc tạp dề xanh lá, thay vì một bộ vest của Brooks Brothers, nhưng điều đó không có nghĩa là cậu không thích nó!
Tôi, thực sự, đã cười rất to.
Âm thanh vui tai đó đã khiến những người xung quanh ngoái lại nhìn.
Họ thậm chí còn chả để ý đến những giọt nước mắt của tôi, còn tiếng cười vừa nãy, rõ ràng với họ nó chẳng thuộc về chốn này.
Vào thời điểm đoàn tàu cập bến ga Grand Central, tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc. Tôi lao ra khỏi đoàn tàu, cố gắng vượt lên đoàn người đang di chuyển ngược chiều về Bronxville. Rất ít, có lẽ là chẳng có ai, đồng hành cùng tôi đến Quảng trường Thời Đại, vùng phía Tây Thượng Manhattan.
Tôi len qua cánh cửa, cố rướn người lên.
Chả có gì sai trái khi tôi làm việc tại Starbucks cả, nó hoàn toàn là điều đúng đắn. Lúc này tôi sẽ có thể tự mình làm chủ một căn hộ nhỏ. Nó không phải là căn biệt thự khổng lồ tôi đã từng ở. Nó cũng không phải là khu trang trại cũ xinh đẹp ở New England tôi đã sống cùng vợ và các con trước đây. Nó là một căn phòng cho riêng mình tôi.
Chuyến tàu tốc hành đưa tôi đến thẳng Phố 93.
Tôi leo lên từng bậc cầu thang ở ga tàu điện ngầm… Ánh Mặt trời. Đó là một ngày đẹp trời ở New York… một trong những ngày xuân hiếm hoi. Có những tia nắng sáng lấp lánh rực rỡ.
Biển hiệu Starbucks xanh lá cây đáng lấp ló ở góc Phố 93. Tôi tiến về phía đó trong sự hân hoan, lạc quan đầu ngày.
TÔI ĐÃ THÚ NHẬN VỚI BẢN THÂN, TÔI ĐÃ TÌM RA PHƯỚC LÀNH VÀ HẠNH PHÚC CỦA ĐỜI MÌNH
Tôi đã học được một bài học quý giá vào ngày hôm đó. Tính ngạo mạn xưa kia của tôi đã quay trở lại ngay khi tôi nghĩ rằng mình hoàn thành xuất sắc công việc. Thật đáng buồn!
Một câu nói của Fitzgerald chợt hiện lên trong đầu tôi. Ông ấy đã viết câu đó cho cô con gái sau khi cả hai mất một người vợ, một người mẹ trong trận hỏa hoạn tại bệnh viện tâm thần ở Asheville, Bắc Carolina. Zelda còn chưa kịp hoàn thành lời hứa ban đầu của cô, và Fitzgerald đã biết, “Lao động, cống hiến là phẩm giá, nhưng đã quá muộn để cô ấy nhận ra.”
Lao động, cống hiến là phẩm giá, tôi lặp lại với chính mình. Đó có thể là câu thần chú cho tôi.
Tại sao tôi lại để mất quá nhiều thời gian mới nhận ra sự thật này? Fitzgerald đã tặng cho con gái mình sự thật quan trọng đó. Nhưng còn tôi, tôi chỉ chăm chăm đấu khẩu với Elizabeth của tôi, hay thỉnh thoảng tôi còn gọi con bé là “Bis” khi con bé đi làm. Mùa Hè năm đó, Bis mới mười hai tuổi, con bé được mời làm trợ lý giúp đỡ một tuyển thủ quần vợt chuyên nghiệp. Công việc chủ yếu của Bis là sắp xếp lịch trình và tập huấn. Nhưng tôi đã âm thầm từ chối lời mời mà không hề bàn trước với Bis về điều đó.
“Sao bố có thể làm như vậy, bố?” Bis đã khóc, nước mắt con bé lăn dài trên má.
“Nhưng bố muốn con có cơ hội để tận hưởng mùa Hè này.”
“Còn con, con thích làm việc,” Bis giận dữ trả lời.
Công việc là nghĩa vụ của mỗi người, không phải là thứ chúng ta có thể tận hưởng khi thực hiện. Tôi luôn ngưỡng mộ những người không bao giờ phải động chân động tay vào việc gì… Và trong đầu tôi luôn ao ước là mình sẽ được nhận những khoản tiền ủy thác khổng lồ từ một số người bạn giàu có hơn của tôi. Tôi nghĩ tôi đã “cứu vớt” Bis bằng cách ngăn không để con bé phải làm việc.
Sai lầm của tôi là vậy đấy.
Bis năng động và luôn thích làm việc kể cả ở thế giới bên ngoài ngôi nhà của chúng tôi. Ngay từ khi còn nhỏ, con bé đã rất thích đi học. Vì nó là đứa con đầu lòng của tôi, nên tôi đã không nhận ra thái độ đó hiếm hoi đến mức nào.
Trước cả ngày đầu tiên đi học, Bis đã tự mình học đọc. Một ngày nọ, khi tôi đang đọc sách trên chiếc ghế bành yêu thích của mình, Bis leo lên đùi tôi, con bé bắt đầu đọc từng câu trong cuốn sách mà tôi đang say mê, những câu chuyện thần bí của Dick Francis. Lúc đó Bis mới chỉ ba tuổi, tôi đã rất ngạc nhiên! Nó đã học đọc bằng cách nào? Tự học?
Sau đó tôi đã nảy ra một ý nghĩ: Có lẽ Bis đã học đọc bằng cách xem Sesame Street (Tạm dịch: Phố vừng). Chương trình đã dạy con bé cách đọc chữ. Tất nhiên, sau này, khi những đứa con tiếp theo của tôi chào đời, tôi mới phát hiện ra không phải Sesame Street đã dạy Bis. Đơn giản là, Bis được sinh ra đã có một thể chất đặc biết giúp con bé biết đọc sớm. Điểm này chắc chắn không phải là được thừa hưởng từ tôi.
Bis cũng may mắn ở chỗ là con bé xinh đẹp. Ngay từ khi còn nhỏ, khi tôi cùng Bis đi dạo trên những con phố của New York, nhiều nhiếp ảnh quá phấn khích đã ngăn cả hai lại và xin tôi cho phép được chụp con bé. Một người bạn của tôi còn mời con bé đóng phim vì cậu ta nói rằng con bé chính là “tiết mục” bất kỳ ai cũng tán thưởng. Bis có một mái tóc vàng cùng đôi mắt to màu xanh lục lam. Nhưng chính trí tuệ, niềm đam mê, nhiệt huyết Bis dành cho mọi việc con bé làm – luôn chăm chỉ, cần cù – điều đó mới thực sự là điểm thu hút của con bé.
Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, rồi đại học, con bé tiếp tục theo học tại Trường Điện ảnh NYU và nhận làm chân chạy vặt cho Martin Scorsese… Ông chủ của con bé không phải là một người dễ tính. Sau đó, con bé tiếp tục làm việc cho Harvey và Bob Weinstein – một thách thức còn lớn hơn. Nhưng dường như Bis yêu thích tất cả những nhiệm vụ khó khăn mà họ dành cho con bé. Và sự chăm chỉ của Bis đã được đền đáp xứng đáng. Con bé đã được giao việc truyền thông bộ phim The Crying Game (Tạm dịch: Trò chơi nước mắt).
Nhà sản xuất rất ấn tượng với Bis, ông ấy đã đề nghị Bis làm đạo diện cho một bộ phim lẻ ngắn. Đây là ước mơ bao lâu nay của Bis – trở thành một đạo diễn. Ngay cả khi làm việc dưới trướng Scorsese và Miramax, con bé luôn dành thời gian để làm một số phim ngắn. Và giờ, con bé đang có cơ hội để một phim lẻ hoàn chỉnh. Bộ phim Gold in the Streets (Tạm dịch: Vàng trên đường phố) được quay ở New York và Ireland. Bis phát hiện ra rằng Ireland là một “mảnh đất màu mỡ” luôn rộng mở với các đạo diễn nữ. Con bé đã chuyển đến đó để tiếp tục công việc mơ ước.
Chăm chỉ, cống hiến, những đức tính luôn tự nhiên đến với Bis… Tại sao, sao tôi không rút ra bất cứ bài học nào từ câu chuyện của con bé? Nhìn thấy thái độ của Bis, đáng lẽ ra tôi phải nhận ra những phẩm giá đáng có để làm bất cứ công việc nào – dù tôi chỉ là một kẻ nghiện cà phê thấp hèn. Bis luôn có thể làm mọi việc với sự nhiệt thành đáng ngưỡng mộ. Bây giờ tôi mới nhận ra phép lạ của Bis là gì.
Con bé không chỉ tự mình cải thiện tình trạng khuyết thiếu trong khả năng đọc của tôi, mà bằng cách nào đó, con bé đã đảo ngược hoàn toàn suy nghĩ của tôi về làm việc, về lao động. Lao động là một phần của cuộc đời tôi thay vì chỉ đơn giản là nghĩa vụ như trước kia.
Những suy nghĩ về Bis đã an ủi tôi khi mở cánh cửa vào Starbucks. Bây giờ tôi chỉ có một mong ước, đó là chăm chỉ làm việc hơn nữa.
Tôi đã hi vọng Crystal ở cửa hàng hôm nay để, sẽ có thể, giao cho tôi một việc nào đó khác công việc thu ngân. Tôi không hề muốn đứng bên cạnh chiếc máy tính tiền đáng sợ kia. Vì lo lắng muốn chứng tỏ mình như là một Cộng sự mới tại Starbucks, mỗi ngày tôi không ngừng do dự khi phải đối mặt với những Cộng sự, khách hàng ở đây.
Tôi chưa từng đụng tay vào chiếc máy tính tiền bao giờ. Và chỉ cần nghĩ đến nó cũng đã khiến tôi kinh hãi. Thế nên, tôi thường chỉ đứng đây đứng đó ở một nơi an toàn, đó là “văn phòng” của Crystal. Đó là một không gian nhỏ với một cái bàn, một cái ghế và một cái máy tính để bàn. Mấy tuần gần đây, Crystal thường quay sang nhìn tôi khi thấy tôi loanh quanh ở đó. Lúc đó, Crystal thường hỏi, “Hôm nay anh cảm thấy công việc dọn dẹp thế nào?”
Đáp lại Crystal, tôi luôn trả lời, “Mọi thứ vẫn ổn! Không có gì tuyệt hơn là được làm việc ở đây cả!” Với dọn dẹp, tôi nghĩ rằng công việc này sẽ cho tôi một lý do chính đáng để tránh xa cỗ máy đáng sợ kia. Tôi đã đinh ninh mình sẽ thất bại, thất bại một cách ngoạn mục, khi buộc phải vừa làm công việc tính toán, vừa giao tiếp với khách hàng. Vậy nên, tôi luôn cố gắng hết mình trong một số lĩnh vực mà tôi có thể học hỏi được nếu còn muốn nhận được sự tôn trọng, tín nhiệm của Crystal trong cửa hàng của cô ấy.
Tất nhiên là tôi cũng hoàn toàn không có kinh ngiệm dọn dẹp trước đó. Ở nhà, vợ cũ của tôi là người đảm đương toàn bộ công việc dọn dẹp nhà cửa. Còn nếu cô ấy bận quá, chúng tôi sẽ thuê những người giúp việc đến quét dọn những chỗ khó như phòng tắm hay nhà bếp. Kể cả ở công ty cũ, khi làm giám đốc điều hành cấp cao, tôi chưa bao giờ phải đụng chân đụng tay dọn dẹp khu vực văn phòng của mình.
Những bác lao công mang theo túi rác nhựa và máy hút bụi sẽ đến vào ban đêm. Thỉnh thoảng tôi sẽ bắt gặp họ, thỉnh thoảng thì không. Tôi nhớ tôi từng rất tự hào vì mình đã luôn lịch sự cảm ơn họ. Nhưng sự thật thì sao? Tôi đâu có thật sự quan tâm hay mong muốn hiểu rõ công việc dọn dẹp họ đang làm. Về cơ bản, họ làm thế nào để văn phòng tôi luôn sạch sẽ tinh tươm hoàn toàn không phải là mối bận tâm của tôi.
“Đây là vữa,” Crystal nói trong ngày đầu tiên tôi làm việc. “Anh thấy chứ, có rất nhiều bụi bẩn bám ở chỗ này, sẽ mất khá nhiều thời gian để lau chùi toàn bộ. Chúng ta có những viên gạch lát sáng bóng, nhưng gì nữa đây, mấy đường vữa này quả là vấn đề nan giải. Hay tôi có nên nói rằng đó là cơ hội.”
Chắc chắn rồi, đó là cơ hội cho tôi.
Sau đó, Crystal đã đưa cho tôi một chiếc chổi lau sàn chuyên dụng. Cô ấy đã chỉ cho tôi cách đổ nước nóng cùng dung dịch tẩy rửa vào thùng lau. Tôi quét, rồi lau, sau đó là dùng chổi dọn sạch vữa, rồi lại lau. Chỉ dọn dẹp một viên gạch thôi đã tiêu tốn mấy phút. Giờ tôi còn cả một cửa hàng, có lẽ sẽ mất hàng tiếng đồng hồ. Tôi bắt tay vào công việc với năng lượng nhiệt huyết tràn trề.
Có lần Crystal ngang qua, cô ấy bật cười khi thấy tôi.
“Mike, tôi thật sự chưa bao giờ thấy ai lại nhiệt tình với công việc lau dọn này như anh.”
“Tôi rất thích nó,” tôi nói những gì tôi đã nghĩ. Cuối cùng mình cũng có điểm nhấn. Ngay cả những Cộng sự khác cũng âm thầm dành cho tôi sự tôn trọng nhất định. Tôi đoán họ không ngờ rằng một ông già da trắng lại thích lau chùi gạch vữa đến vậy.
Kester quay lại một lần nữa, cậu nói rồi nở nụ cười tỏa nắng của mình, “Hôm nay anh hãy làm cả phần nhà vệ sinh nữa nhé!”
Tất nhiên rồi, ngay ngày hôm đó Crystal đã hướng dẫn tôi, “Mike, tôi sẽ chỉ cho anh cách làm sạch nhà vệ sinh sáng bóng. Anh có hay nghe thấy những tiệm rửa xe nói “chăm sóc, đánh bóng” xe không? Chúng ta hôm nay cũng sẽ “chăm sóc, đánh bóng” căn phòng vệ sinh này. Lần này, cả hai ta sẽ cùng nhau làm. Sau đó, tôi mong anh đảm bảo rằng căn phòng sẽ luôn sạch sẽ lấp lánh vào những lần sau.”
Crystal giúp tôi đeo găng tay, rồi cô đưa cho tôi một chai chứa chất tẩy siêu mạnh. Tôi thấy trong, dưới bồn cầu là đủ loại hỗn tạp chất thải khác. Nhưng lạ thay, công việc này cũng chẳng làm tôi ghê tởm như tôi từng nghĩ. Trước đây, ngay cả nghĩ đến những công việc này thôi cũng quá xa vời với tôi, hay thậm chí nó quá nhục nhã, đến mức tôi còn chẳng bao giờ có ý định nghĩ đến nó. Nhưng, ở đây, Crystal có vẻ rất thoải mái với công việc này, với Crystal nó xứng đáng để cô ấy bỏ nỗ lực ra làm. Tôi không muốn tranh luận với cô ấy về những khác biệt giữa hai người, nhưng nghĩ lại, tôi là ai chứ, tôi là gì với cô ấy để làm việc này. Nhìn thấy sự tôn trọng của cô ấy dành cho việc này, tôi dần thay đổi. Bản năng trong tôi đang mách bảo, có lẽ tôi sẽ có thể hoàn thành xuất sắc việc này.
Có lẽ tôi sẽ có thể làm điều gì đó cho Crystal. Và có lẽ, tôi sẽ không bị đuổi đi. Dù khó khăn thì đầy rẫy, như một môi trường năng động, luôn thay đổi đến chóng mặt, hay một công việc thu ngân tôi luôn sợ hãi. Không chỉ thế, chắc chắn tôi sẽ còn gặp vô số thử thách khác nữa. Vì vậy, tôi vô cùng hạnh phúc, khi thấy Crystal hài lòng vì quyết tâm của tôi, và của cả hai.
Trong chốc lát, quả thực căn phòng vệ sinh này, quả thực, nó lấp lánh.
Crystal cười với tôi.
“Mike, dù tôi đã nói câu này, nhưng tôi phải nói lại lần nữa, tôi chưa bao giờ thấy ai lau dọn sạch sẽ như anh.”
Cô ấy biết tôi đã đánh cược cả tương lai của mình vào Starbucks, vào một công việc mà chẳng ai muốn làm. Tôi nghĩ, có lẽ nhờ nó Crystal sẽ không thể sa thải tôi.
Nhưng trên tất cả, kỳ vọng bao nhiêu, thất vọng bấy nhiêu, tôi sợ, sợ mình sẽ đánh mất công việc này. Tôi không muốn mình thất bại, có khi đây đã là cơ hội cuối cùng mà tôi có. Độ tuổi trung bình của các Cộng sự trong cửa hàng là khoảng hai mươi. Tôi biết mình không còn trẻ nữa, nên thật may mắn khi tôi được trao cho cơ hội này.
Tuy nhiên, không vì tuổi cao của mình mà tôi sẵn sàng dung dưỡng cho cái già, cái nghèo đói điều khiển đời tôi. Hãy hiểu. Hãy thay đổi. Tôi đã luôn cố gắng hiểu và điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với mọi thử thách của Starbucks. Đương nhiên nó không hề dễ. Đặc biệt là khoảng thời gian đầu.
Một buổi chiều, tôi vừa mới hoàn thành việc “chăm sóc, đánh bóng” nhà vệ sinh, và nó thật lung linh. Chợt tôi thấy một ông già người Mỹ gốc Phi đang đi vào nhà vệ sinh, trông ông ta rõ ràng là một người vô gia cư. Tôi nhanh chóng chặn ông ta lại và giải thích rằng nó đã được đóng cửa để dọn dẹp – tôi đã bịa ra một lời nói dối vì tôi sợ ông lão sẽ bày bừa trong đó.
Crystal tình cờ nghe thấy, cô ra hiệu cho tôi đi theo cô ấy trở lại văn phòng. Đó chắc chắn không phải là một tín hiệu tốt. Tôi biết cô ấy sẽ chẳng bao giờ chỉ trích bất kỳ ai trước mặt khách, hay trước bất cứ Cộng sự nào. Cô ấy sẽ gọi bạn – riêng mình bạn – vào văn phòng của cô ấy.
“Mike, đừng bao giờ chặn ai vào nhà vệ sinh,” Crystal nói với tông giọng trầm, giận dữ.
“Nhưng ông già đó không phải là người mua đồ ở đây, ông ta chắc chắn không đủ khả năng."
“Ông ấy có thể không phải là người mua đồ, nhưng tất cả những ai bước qua cánh cửa kia đều là KHÁCH. Đó là điều biến Starbucks khác biệt với bất kỳ nơi nào ở New York. Không biết anh có nhận ra không, trong thành phố này, không có bất cứ nhà vệ sinh công cộng nào.”
Không hiểu vì sao, có lẽ vì vừa rồi tôi đã vất vả dọn dẹp rác rưởi nên tôi đã cãi lại Crystal.
“Nhưng việc của Starbucks không phải là cung cấp nhà vệ sinh cho người vô gia cư.”
Crystal lặng thinh, cô ấy không nói một lời… trong khoảng 30 giây. Tôi có thể thấy tia tức giận trong ánh mắt của Crystal. Đôi mắt cô ấy dường như mở to hơn vì cơn thịnh nộ.
Tôi im bặt. Rơi vào vũng lầy của cảm xúc. Khiếp sợ và kinh hãi.
“Nghe này.” Cô ấy nhấn mạnh từng từ; Crystal đang cố gắng để không phải quát mắng tôi. “Trong cửa hàng của tôi, cửa hàng của chúng ta, chúng ta… chào đón. Đừng từ chối bất kỳ ai, không cho họ vào nhà vệ sinh. Đặc biệt là mọi người thực sự cần được tôn trọng, chứ họ không cần thêm người từ chối, đánh giá, đánh tan hi vọng của họ. “
Dù Crystal không nói “không cần thêm người da trắng khác” đánh tan hi vọng của họ, nhưng tôi vẫn tự nhủ với chính mình theo cách đó. Hay có phải do tôi quá nhạy cảm. Tôi hiểu, tôi đã phạm phải một sai lầm lớn. Crystal hay bất cứ ai ở Starbucks không có cách ứng xử như tôi vừa làm.
Tôi quay lại cửa hàng, cố gắng tìm ông lão lúc nãy, nhưng ông ấy đã biến mất. Lời từ chối của tôi có lẽ chẳng có nghĩa lý gì với ông ấy. Bởi New York là một thành phố không mấy thân thiện với những ai cố trưng dụng nhà vệ sinh. Nhưng tôi đã học được một bài học quý giá vào ngày hôm đó. Tính ngạo mạn xưa kia của tôi đã quay trở lại ngay khi tôi nghĩ rằng mình đã hoàn thành xuất sắc công việc. Thật đáng buồn!
HẠNH PHÚC THẬT RA CHỈ ĐƠN GIẢN LÀ NHẬN RA NHỮNG ĐIỀU CÓ THỂ, BỎ QUA NHỮNG ĐIỀU KHÔNG THỂ
Đã đến lúc tôi cần tôn trọng khoảng thời gian được cho thêm này. Tôi vẫn còn sống, giống như người bạn thân yêu của tôi. Tôi vẫn có thể hát, có thể cười. Và tốt hơn hết, tôi nên dành nhiều thời gian để hát và cười, thay vì khóc than về quá khứ đã qua
Ngày làm việc tiếp theo, Crystal còn chẳng nhắc lại sự việc hôm qua một lần nữa. Tôi đã hiểu thêm một điều nữa ở Crystal, cô ấy không phải kiểu người luôn giữ hận thù trong lòng. Nếu Crystal không thích việc bạn đã làm, cô ấy sẽ ngay lập nói cho bạn biết điều đó. Và cô ấy cũng không bao giờ đay nghiến lại nó nữa.
“Giờ chúng ta sẽ ra phía bên ngoài cửa hàng,” Crystal hướng dẫn. Cô ấy dặn tôi hãy lau dọn vỉa hè trước và các ô cửa sổ cả phần gờ cửa sổ nữa.
Một tuần sau, Crystal kéo tôi đến một góc. “Tôi đã quyết định, anh hãy làm người giám sát công việc dọn dẹp vệ sinh ở đây.”Cô ấy tuyên bố. “Đôi khi tôi sẽ nhờ những Cộng sự khác giúp anh, anh giám sát họ nhé.”
Hạnh phúc! Tôi đã được thăng chức. Ở J. Walter Thompson, cả việc trở nên hào hứng trước mỗi lần thăng chức đều có lập trình sẵn. Từ một copywriter thành giám đốc sáng tạo, sau đó lên chức phó chủ tịch, cuối cùng là đồng thời tại chức hai vị trí quyền phó chủ tịch và giám đốc sáng tạo. Đó là một chuỗi cơ hội tuyệt vời tôi có. Luôn luôn được tăng lương, những lời chúc tụng trong thư chúc mừng, các bữa tối ăn mừng tại nhà hàng sang trọng, và tất nhiên rồi, uy tín của tôi với các đồng nghiệp khác cũng tăng lên.
Nhưng rồi tôi kinh hoàng nhận ra tôi không còn, không bao giờ ở trong thế giới đó nữa. Một thế giới địa vị là tất cả. Còn ở Starbucks không có có hệ thống phân cấp khổng lồ như cũ. Ở đây không quan trọng chức danh của bạn là gì…Bạn là người dọn dẹp nhà vệ sinh, vì Chúa! Tôi phì cười trước điều mà trước đây tôi chưa bao giờ học được.
Tôi đứng lúng túng trong văn phòng nhỏ của Crystal, tôi hi vọng hôm nay sẽ có nhiều thứ cần lau dọn hơn. Một ngày nữa tôi không cần động đến những chiếc máy tính tiền đáng sợ.
“Mike,” Kester gọi khi lướt qua, “anh thế nào rồi?”
“Tốt lắm,” tôi nói, “Tôi hi vọng hôm nay sẽ có nhiều thứ cần dọn dẹp.”
“Không có cái chết tiệt gì cả,” Kester nói, rồi cả hai chúng tôi phá lên cười.
Crystal xoay ghế đến trước máy tính để đối mặt với chúng tôi. “Không có nói kiểu chợ búa ở đây nhé.” Cô ấy rõ ràng không có chút tia vui vẻ nào. Kester nháy mắt với tôi, rồi cậu tiếp tục đi về phía trước cửa hàng.
Crystal nhìn tôi với ánh mắt sắc bén, như cách một người mẹ quan sát từng hành động đứa con mình.
“Cậu ấy chỉ đùa thôi,” tôi ngu ngốc bao biện. Chắc chắn Kester không cần tôi nói đỡ cho. Còn Crystal trông rất thất vọng. Tại sao tôi không im lặng chứ?
“Mike, hãy để tôi giải thích cho anh một số chuyện,” Crystal nói, đẩy ghế về phía sau.
Cô ấy chỉ vào bức tường phía sau, nó có đính một tờ giấy.
“Đây là những nguyên tắc không khoan nhượng của chúng ta… Anh hãy đọc giúp tôi cái đầu tiên.”
Giọng Crystal nghe như một giáo viên đang giận dữ. Vậy, tôi sẽ đọc to nó lên. Bây giờ tôi đã có thể đọc mà! Tôi đọc những dòng đầu tiên to, rõ ràng, với đầy tự tin: “Tạo ra một môi trường làm việc tuyệt vời, đối xử với nhau bằng sự tôn trọng và phẩm giá.”
Crystal đứng phắt dậy, dù tôi đã dùng hết năng lượng để đọc nguyên tắc không khoan nhượng đầu tiên của Starbucks, nhưng cô ấy vẫn có vẻ khó chịu về điều gì đó.
“Tôn trọng,” cô ấy nói, chỉ cho tôi từ đó. “Tôi không nghĩ việc sử dụng những từ ngữ chợ búa là điều đáng tôn trọng.”
Tay cô ấy hạ xuống, giọng cũng trầm đi.
“Mike, tôi không có ý hạ thấp anh như thế này. Điều đó cũng chẳng đáng tôn trọng!” Cô ấy đã cười. Dường như Crystal đang lấy lại bình tĩnh.
“Chỉ có vậy thôi,” cô nói, chậm rãi từng từ một, “trước khi đến đây, tôi chưa bao giờ nhận được sự tôn trọng từ bất cứ ai… bất cứ lúc nào. Tôi thậm chí còn chả có từ đó trong từ điển. Mẹ tôi là một người nghiện ma túy. Bà ấy đã ra đi khi tôi mới mười hai. Tôi đã được một người dì nhận nuôi, dì ấy có hai người con.” Hai tay của Crystal cử động không ngừng.
“Tôn trọng á? Trong ngôi nhà điên rồ đó? Bây giờ tôi không còn trách dì tôi, tôi hiểu, vì xuất thân của dì ấy đâu hơn gì tôi. Nhưng sau đó tôi thực sự đau lòng, khi biết dì tôi còn chẳng muốn thấy tôi. Chắc chắn rồi, không tồn tại bất cứ sự tôn trọng nào cả. Dì ấy ghét tôi. Bà ấy căm ghét người da trắng.”
Crystal nhìn tôi như thể muốn nói, giờ anh đã hiểu rồi chứ?
“Dì tôi gọi người da trắng là ‘kẻ thù’.” Cứ như thể Crystal đang cố gây cho tôi một cú sốc bằng những câu chuyện cũ, rằng trên đời tồn tại những thứ cay nghiệt như thế đấy. Chẳng có gì gọi là tôn trọng.
Tôi đã sốc. Lặng im.
“Dì tôi không đối xử với tôi như kẻ thù, nhưng bà chỉ coi tôi là một người lạ không được chào đón ở căn nhà của bà. Kể từ khi tôi ở đây, tại Starbucks, tôi đã được chào đón.”
Crystal quay lại, và cô ấy ngồi xuống, thoải mái ở vị trí quản lý cửa hàng.
“Tôi xin lỗi,” tôi nói.
“Đừng xin lỗi, Mike. Những điều này có thể là mới đối với anh.” Cô ấy đã cười. “Tôi đã ở đây nhiều năm nhưng nó vẫn còn rất mới mẻ đối với tôi. Anh không thể nào học được nó trong một sớm một chiều. Chính tôi, tôi cũng đang cần học hỏi thêm. Tôi chỉ muốn giải thích thêm cho anh lý do tại sao tôn trọng lại quan trọng với tôi như vậy.”
“Đúng vậy, tôi có thể nhận ra mọi người ở Starbucks có vẻ lịch sự hơn.”
Tôi đã nhận thấy nó ngay từ ngày đầu tiên bước qua cánh cửa Starbucks, tôi cũng đã nhận được sự tôn trọng. Khi có ai muốn nhờ tôi làm điều gì đó, Crystal và cả các Cộng sự khác của tôi sẽ luôn nói, “Mike, anh có thể giúp tôi một việc không?” Không bao giờ có những câu ra lệnh ở đây. Không chỉ thế, tôi cũng có thêm tự trọng khi phải làm những công việc như dọn dẹp hay một số thứ khó khăn khác. Nhưng có vẻ Crystal không cảm thấy tôi đã hoàn toàn hiểu được cái tôn trọng mà cô ấy muốn nói đến.
“Còn hơn cả lịch sự, Mike,” Crystal đáp lại từ tôi vừa sử dụng thay cho tôn trọng. Rõ ràng là cô ấy thất vọng về câu trả lời của tôi. Tôi có thể thấy điều đó trên khuôn mặt cô ấy. Trong mắt Crystal, tôi vẫn chưa hiểu. Lịch sự không giống với tôn trọng.
“Rồi anh sẽ hiểu,” Crystal nói, như thể đọc được suy nghĩ của tôi.
“Sẽ mất một lúc. Này, hôm nay tôi đang có một ‘dự án’ dọn dẹp tuyệt vời cho anh nếu anh muốn? Dọn dẹp văn phòng thì sao, Mike?”
Cô ấy chỉ mọi thứ xung quanh mình, tất cả mọi đồ vật ở đây.
“Tôi rất sẵn lòng!” Tôi buột miệng. Một ngày dọn dẹp khác – tránh xa những chiếc máy thu ngân đáng sợ ngoài kia.
Crystal mỉm cười trước sự nhiệt tình của tôi.
“Tuyệt,” cô ấy nói. “Tôi sẽ ra ngoài kia kiểm tra vài phút, để đảm bảo rằng mọi thứ vẫn ổn. Sau đó, tôi sẽ quay lại. Hai chúng ta sẽ cùng nhau biến nơi này thành căn phòng sáng rực rỡ!”
Crystal đứng dậy, đôi giày đen hợp thời của cô ấy thu hút tôi.
Cô ấy vội vã đi về phía trước cửa hàng. Crystal luôn làm mọi thứ với năng lượng tích cực như thế.
Tôi có thể tận dụng chúng như động lực để tiến lên.
Tôi chợt nhớ đến người bạn Gordon Fairburn, người đã luôn nỗ lực hết mình trong suốt cuộc đời quá ngắn ngủi của cậu. Tôi nhớ lại khung cảnh lần cuối cùng mình đến thăm Gordon, hôm đó tôi đã xin nghỉ phép. Tôi lái xe về nhà cậu ấy. Cậu ấy nằm ở căn phòng tầng trên, xung quanh là vợ và con của cậu ấy.
Gordon đang chết dần chết mòn vì căn bệnh ung thư tuyết tiền liệt. Cửa sổ của căn phòng ngủ tầng hai hướng về phía con đường cậu ấy thường lái xe đi. Bên ngoài kia mùa xuân đang đến. Cậu ấy hát, tiếng hát ấy cao vút đẹp đẽ. Đó là một bài hát cũ: “Những cung đường hạnh phúc dẫn tới chỗ của em cho đến ngày chúng ta gặp lại!”
Tôi đã cùng cậu ấy hát những câu cuối cùng. Chúng tôi đã cùng nhau hát nốt bài hát cuối cùng đó. Sau đó, tôi lên xe, với tay ra cửa sổ chào rồi lái xe đi. Chúng tôi đã từng cùng nhau hát vang rất nhiều bài hát, lúc cậu ấy còn ở Buckley cùng tôi. Gordon là người bạn duy nhất tôi có khi còn học ở ngôi trường đó. Chúng tôi cũng cùng nhau học ở Yale.
Tôi còn nhớ, nhiều đêm ở New Haven, Gordon, tôi, và những người bạn khác ngồi bên cây đàn piano, hát những bài hát xưa cũ. Ngay cả sau khi tốt nghiệp, chúng tôi vẫn còn hẹn gặp nhau chỉ để cùng cười, cùng hát. Gordon là người bạn thân nhất của tôi. Ngày xuân năm đó, cậu ấy chuẩn bị ra đi. Giờ cậu ấy đã đi xa.
Tại sao, đột nhiên, tôi lại nghĩ đến Gordon? Sau cuộc nói chuyện vừa nãy.
Tôi đã rất nhớ cậu ấy vào năm ngoái, khi cuộc sống của tôi đang sụp đổ. Gordon có khiếu hài hước tuyệt đỉnh, kể cả khi cậu ấy đang trong những thời điểm khó khăn nhất. Cậu ấy thích viết tặng những lời trích này cho một cô gái Vienna mà cậu ấy đã yêu vào mùa Hè chúng tôi tốt nghiệp đại học. Khi cô ấy rời bỏ Gordon, cô ấy đã nói, “Đấy là bi kịch, nhưng cũng chẳng nghiêm trọng đến thế.”
Gordon luôn có cái nhìn lạc quan về mọi thứ. Khi tôi chọn học lĩnh vực về quảng cáo, Gordon đã chọn Trường Thần học Yale. Sau đó cậu ấy đã trở thành một nhà trị liệu xuất sắc. Đấy là một công việc cậu ấy hằng yêu thích.
Có lẽ vì Gordon, cả Crystal nữa, đều có một cuộc sống cơ cực ngay từ thuở của bé. Bố Gordon là một kẻ nghiện rượu, bố mẹ cậu đã ly hôn khi cậu ấy còn rất nhỏ. Cậu có vẻ ngoài mong manh. Tuy nhiên, cậu ấy mạnh mẽ hơn nhiều, Gordon yêu ca hát và cuộc sống của cậu.
Có lẽ sẽ hạnh phúc làm sao nếu cậu ấy còn sống! Tôi đã luôn nghĩ thế. Cậu ấy rất thích giúp tôi giải quyết những vấn đề gây cản trở cho tôi. Rồi sau đó, Gordon sẽ hướng dẫn cho tôi nhìn chúng theo những cách tốt hơn. Cứ có bất cứ cơ hội để giúp tôi, cậu ấy đều luôn yêu nó.
Tôi cười lớn. Âm thanh vang vọng khắp căn phòng nhỏ. Rồi tôi nhanh chóng nhìn quanh. Không ai nghe thấy tôi cả. Cả Crystal, Kester lẫn các Cộng sự còn lại. Đã đến lúc mặc chiếc tạp dề xanh lá của mình. Rồi! Bắt tay vào làm “dự án” dọn dẹp mới nhất của Crystal ngay thôi.
Có lẽ đã đến lúc tôi cần tôn trọng khoảng thời gian được cho thêm này. Tôi vẫn còn sống, giống như người bạn thân yêu của tôi. Tôi vẫn có thể hát, có thể cười. Và tốt hơn hết, tôi nên dành nhiều thời gian để hát và cười, thay vì khóc than về quá khứ đã qua.
Ký ức về những câu hát đầy mạnh mẽ, dũng cảm của Gordon khi đối mặt với cửa tử không ngừng hiện lên, nó nhắc nhở rằng tôi đã từng ngu ngốc đến mức nào. Hãy thôi cái thói ngạo mạn đi.
Đúng thế, tôi đã đánh mất rất nhiều. Nhưng, tôi vẫn được sống tiếp. Tôi vẫn được Crystal và những người khác ở Starbucks tôn trọng. Ở đây, tôi đã được dạy rằng bất cứ ai, dù đang làm việc gì cũng đều cần có phẩm giá. Ngay cả khi bạn là người dọn dẹp nhà vệ sinh!
Hát và cười. Tôi cần nó. Vì sự tôn trọng dành cho Gordon, một đời đích đáng của cậu ấy. Vì sự tôn trọng dành cho Crystal và những gì cô ấy đã dạy tôi. Vì sự tôn trọng bản thân và cuộc sống tôi mới có.