Tường thuật về TNCT đều là những câu chuyện đầy ấn tượng. Đó là hành trình có một không hai của những con người ở giữa lằn ranh sinh tử bỗng đặt chân đến một cảnh giới tâm linh tràn ngập thấu đạt, trí tuệ và tình yêu. Trong đó, cảm thức yêu thương vô tận luôn là nhân tố được nhắc đến thường xuyên nhất ở hầu hết các trường hợp.
Có những thời điểm lòng trĩu nặng khi điều trị cho các ca ung thư nặng hay bệnh nhân thời kỳ cuối đối mặt với cái chết, tôi xem việc đọc các báo cáo TNCT như là một lời nhắc nhở rằng cuộc đời này không phải là kiếp sống duy nhất chúng ta có. Một cách nào đó, những linh hồn mà các chủ thể TNCT gặp ở thế giới bên kia muốn nhắn gửi đến chúng ta bài học thực sự về tình yêu.
Điều đặc biệt là các lĩnh ngộ ấy không phải lúc nào cũng được “dạy” một cách nhẹ nhàng. Thường thì chúng buộc những nhà thám hiểm thiên đường phải tiếp nhận ý niệm và tri thức hoàn toàn lạ lẫm với những gì vận hành ở đời sống dương thế. Các chủ thể TNCT xác tín mục tiêu tối hậu khi họ trở về chính là hiện thực hóa thứ tình yêu toàn mĩ họ đã trải qua ở ngay thế gian đầy khiếm khuyết này. Không ít người đã bày tỏ nỗi thất vọng và bức bối khi những nỗ lực bất thành, song đa số vẫn không ngừng cố gắng theo đuổi hoài bão này suốt nhiều thập kỷ sau đó.
Ý NGHĨA VÀ MỤC ĐÍCH CỦA CUỘC SỐNG
Những tri kiến mà các chủ thể TNCT lĩnh ngộ cũng phủ trùm lên rất nhiều chủ đề xoay quanh “ý nghĩa của cuộc sống”. Đó có thể là lời giải cho những câu hỏi mà nhân loại luôn đau đáu hàng thiên niên kỷ nay: Chúng ta đã ở đâu trước khi được sinh ra? Tại sao chúng ta lại hiện diện trên cõi đời này? Chúng ta sẽ đi về đâu sau khi chết đi? Trong phiên bản khảo sát NDERF gần nhất, chúng tôi khai thác vấn đề này kỹ hơn qua câu hỏi “Khi ở trong trải nghiệm của mình, bạn có tiếp nhận bất kỳ thông tin hay sự hiểu biết cụ thể nào liên quan đến ý nghĩa hay mục đích của đời sống trần thế không?”. Câu hỏi được hành văn cẩn thận để các chủ thể TNCT khoanh vùng đúng thông tin họ nhận trong khi xảy ra trải nghiệm chứ không phải kiến thức hay niềm tin ở các thời điểm khác trong đời.
Với 420 mẫu trả lời câu hỏi trên, chúng tôi có bảng kết quả sau:
Cuối câu hỏi là phần diễn giải để các chủ thể TCNT chia sẻ điều họ lĩnh hội thông qua trải nghiệm của mình về ý nghĩa và mục đích của cuộc sống. Tương tự như những chủ đề trước được đề cập trong nghiên cứu này, tôi cố gắng tìm ra mẫu số chung ở tất cả phản hồi. Một lần nữa tôi không khỏi bất ngờ trước kết quả. Trong số những ca TNCT được thu thập qua NDERF suốt nhiều năm, có hàng trăm trường hợp cùng đề cập đến những ý niệm về mục đích và ý nghĩa của cuộc sống, với nội dung nhất quán một cách đáng kinh ngạc. Điều này buộc tôi phải tin rằng những gì các chủ thể TNCT đã lĩnh hội là nguồn tri thức tối quan trọng với toàn nhân loại.
Đại đa số thông tin dạng này đều là những khái niệm phổ quát. Gần như không có trường hợp TNCT nào ghi nhận họ được tiếp nhận những huấn thị cụ thể về việc gì nên hay không nên làm ở đời sống trần thế – chẳng hạn như định hướng sự nghiệp phải theo hay nên kết hôn với ai v.v...
Một trong những ý niệm lặp đi lặp lại nhiều nhất và được nhấn mạnh nhất mà các chủ thể TNCT tiếp nạp chính là cuộc đời chúng ta đang sống thực sự quan trọng và đầy ý nghĩa. Tri kiến này là một tin đặc biệt tốt lành cho thế giới hiện tại, nơi mà quá nhiều người khổ đau đến độ mất niềm tin rằng sự tồn tại của họ có giá trị và đáng được trân trọng. Dưới đây là thông điệp mà các chủ thể TNCT tiết lộ:
• Mọi thứ đơn giản diễn ra như cách nó phải diễn ra. Bản thân biến cố không quan trọng bằng cách chúng ta phản ứng với những gì xảy đến. Toàn bộ đời sống là một tiến trình học hỏi và trưởng thành.(1)
• Tôi biết chúng ta hiện diện trên cõi đời này là có lý do, mỗi người đều có một sứ mệnh. Sự tồn tại của bất kỳ con người nào đều là thiết yếu.(2)
• Hãy yêu thương nhau.(3)
• Chúng ta cần chấp nhận, trân quý bản thân mình và người khác. Mọi chọn lựa và hành động của con người hoặc phát xuất từ tình yêu, hoặc xuất phát từ nỗi sợ – tình yêu là nắng ấm, nỗi sợ là bóng tối.(4)
• Cuộc đời là để sống, không phải để cố giành danh lợi, địa vị hay vật chất. Mỗi cuộc sống đều có một mục đích của nó.(5)
Và cũng không ngạc nhiên khi nhiều chủ thể TNCT nhìn nhận Thượng Đế như là một nhân tố cốt yếu tạo nên ý nghĩa cuộc đời con người:
• Kể từ sau trải nghiệm, tôi tin tất cả chúng ta đều được tạo ra từ một Đấng Yêu Thương Tối Cao để được trải nghiệm đời sống con người này, và rồi cuối cùng quay trở về với Người.(6)
• Chúng ta có Ơn Trên để cảm tạ về mỗi một khoảnh khắc được sống trên thế gian này cùng với những món quà mà Người ban tặng: gia đình, con cái và những tài nguyên khắp trái đất này dành cho chúng ta. Người đã cho chúng ta tất cả mọi thứ.(7)
Như chúng ta có thể thấy, trong hầu hết kiến giải của các chủ thể TNCT về mục đích và ý nghĩa cuộc sống thì nổi bật lên một ý niệm bao trùm là tình yêu thương. Dường như đối với những ai trải qua TNCT, tình yêu chính là nền tảng làm nên ý nghĩa cuộc đời này.
Năm chín tuổi, Helen D. bị ngộp nước và đã có TNCT. Cô bỗng thấy xuất hiện quanh mình những hình hài “lạ lẫm”, song cô lại có cảm giác mình “biết họ thông qua một cảm thức không lý giải nổi”. Giống như nhiều chủ thể TNCT khác, trong đầu Helen đầy những thắc mắc muốn hỏi các linh hồn kia. Cô may mắn khi nhận được một số giải đáp tuyệt vời:
“Sau khi hoàn hồn trước những gì xảy đến, tôi có vô khối câu hỏi đặt ra. Tôi muốn biết thế giới này vận hành như thế nào, nó được thành hình ra sao, mục đích sự tồn tại của chúng ta là gì, tại sao chúng ta lại ở đây, và bằng cách nào chúng ta đến cõi đời này. Họ cố trấn tĩnh tôi và đáp rằng họ không thể trả lời mọi thứ cùng lúc. Họ bảo nhiều lời giải thích sẽ vượt quá tư duy con người có thể tiếp thu. Nhưng họ có cho tôi biết mục đích của chúng ta ở trái đất này là để yêu thương, và tình yêu là mục đích của sự sống trần gian – nhưng đôi khi con người từ chối hiểu điều đó.”(8)
Không riêng Helen, nhiều chủ thể TNCT khác hồi đáp cho câu hỏi trên với cùng thông điệp:
• Ý nghĩa hay mục đích cuộc đời của chúng ta là yêu thương. Vô cùng đơn giản và rõ ràng.(9)
• Để hiểu và học cách yêu thương.(10)
• Đời sống là cơ hội cho chúng ta thể hiện và trải nghiệm tình yêu thương. Duy nhất tình yêu là thứcó thực.(11)
• Tình yêu vô điều kiện, và việc của chúng ta là giúp lẫn nhau tìm thấy niềm vui sống.(12)
• Không gì khác ngoài tình yêu.(13)
• Tình yêu trong đời sống này là thứ chúng ta mang theo cùng sang thế giới bên kia. Không phải đau buồn vì những người thân yêu của chúng ta ra đi trong cô độc. Chúng ta không hề tay trắng giã từ cuộc đời.(14)
• Để chiến thắng nỗi sợ, chúng ta cần chấp nhận và trân quý bản thân mình và người khác. Mọi chọn lựa và hành động của con người hoặc phát xuất từ tình yêu hoặc nỗi sợ – tình yêu là nắng ấm, nỗi sợ là bóng tối.(15)
Thông điệp chung là chúng ta tồn tại vì một sứ mệnh, và tình yêu là cốt lõi của mục đích và ý nghĩa cuộc đời này.
CÁC MỐI QUAN HỆ
Nhiều chủ thể TNCT nhận ra mối quan hệ với những người thân yêu là điều cho họ ý nghĩa và mục đích sống hơn hết thảy. Điều này đặc biệt đúng với những trường hợp có gia đình con cái. Dưới đây là một số phản hồi liên quan đến mối quan hệ khi chủ thể TNCT được hỏi về ý nghĩa và mục đích sống:
• Tôi phải trở về với những người thân vì vắng tôi họ sẽ khổ sở lắm. Tôi còn những việc cần phải hoàn thành, phải giúp người giúp đời.(16)
• Tôi phải nuôi dạy con tôi thành người, và tôi phải sống cho đáng sống.(17)
• Tôi có lòng tin mạnh mẽ rằng ý nghĩa đích thực của cuộc đời này là yêu thương – dành cho gia đình và tha nhân.(18)
Xã hội hiện đại dường như ít có sự ghi nhận xứng đáng đối với nỗ lực và sự hy sinh lớn lao của những người làm cha mẹ, những người chọn công việc chăm sóc gia đình (thay vì cống hiến cho xã hội). Nhưng đa số chủ thể TNCT đều cảm nghiệm chính các mối quan hệ này mới là một phần tối quan trọng mang lại ý nghĩa cuộc sống. Một lần nữa thông điệp đồng nhất ở mọi TNCT là nhấn mạnh tầm quan trọng của tình yêu trong mọi mối quan hệ chúng ta có ở đời sống này.
“Tôi vô cùng ân hận!”
Suýt mất mạng vì biến chứng của bệnh suy tủy, trong TNCT của mình, Carol I. trải qua sự hồi tưởng cuộc đời và nhận ra các mối quan hệ của cô ý nghĩa dường nào:
“Nếu gọi là ‘hồi tưởng về cuộc đời đã qua’ thì chưa hoàn toàn đúng lắm, vì nó ở một tầng sâu hơn rất nhiều – là một cảm nghiệm đa chiều. Tôi sống lại những biến cố đời mình từ ba góc độ – và chúng diễn ra đồng thời: (1) thế giới quan của chính tôi, (2) thế giới quan của những ai đang tương tác với tôi lúc đó, và (3) thế giới quan của một nhân chứng, hay người quan sát tách biệt.
Từng có một sự kiện mà việc sống trở lại đã tác động mạnh đến tôi. Đó là vào năm lớp tám, tôi và chúng bạn đang trêu chọc một bạn cùng lớp khác. Khi đó tôi hoàn toàn chìm đắm trong hành vi ác ý đó mà không ý thức gì. Tôi cảm nhận sự chộn rộn trong lòng khẽ dậy lên, cái bất an mỗi lần mình làm điều xấu đối với người khác. Tôi cảm nhận sự ngưỡng mộ, nhuốm màu sợ hãi, của đám bạn gái đi theo để bắt nạt cùng. Và tôi cảm nhận sự tủi nhục, đau đớn của bạn gái mà chúng tôi đang hành hạ. Tôi không chỉ nhìn thấy bạn ấy; tôi trở thành chính bạn gái đó, nức nở một mình sau dãy tủ đồ nữ sinh. Cảm giác ân hận ngập tràn trong tôi, về những gì mình đã làm, và về việc mình rời bỏ cõi đời mà không còn cơ hội chuộc lỗi. Tâm trí tôi chỉ muốn gào lên thật lớn ‘Tôi xin lỗi! Tôi vô cùng ân hận!’.”
Đây là một ví dụ cảm động về những tương tác thiếu nhạy cảm có thể gây tổn thương người khác như thế nào. Tôi không nghĩ có cách nào để thấu hiểu điều này mạnh mẽ hơn việc trải nghiệm cảm giác đau khổ từ chính bản thân người bị đối xử tệ.
Carol hoàn tất TNCT với một kết cục viên mãn:
“Tôi nghe có tiếng cười khúc khích từ hư không và cảm nhận một linh hồn xuất hiện ngay cạnh tôi. Linh thể ấy ra chiều buồn cười trước nỗi buồn của tôi và bảo: ‘Khi ấy cô chỉ là một đứa trẻ. Liệu mình có chủ ý trở thành xấu xa không?’ – những lời ấy không nói thành tiếng mà gieo thẳng vào tâm trí tôi. Ngay tức thì tôi thấy mình được bao bọc bằng những ‘tấm chăn yêu thương’, hết lớp này đến lớp khác. Cảm giác như được ở nhà! Giống như từ ngoài trời bão tuyết bước vào một căn phòng ấm áp, với mùi đồ ăn thơm phức, và đầy tiếng cười gia đình. Lòng tôi sảng khoái, an vui hơn mọi cảm giác hay trải nghiệm nào từng có trước đây.”(19)
“Dương thế là một ngôi trường vĩ đại.”
Có một số trường hợp quá đỗi đặc biệt được chúng tôi xếp vào một mục riêng biệt trên NDERF tên là “Những ca TNCT đáng kinh ngạc”.(20) Trải nghiệm của Jean R. là một trong số đó. Điều khiến TNCT của cô đặc biệt chính là những tri thức về mối quan hệ và một nhãn quan hoàn toàn khác về mục đích và ý nghĩa cuộc đời:
“Mọi hồi tưởng cuộc đời của tôi đều là về những mối liên hệ với người khác. Tôi cảm nhận cách họ cảm nhận trong tương quan với tôi. Tôi cảm nghiệm tình yêu, lẫn sự tổn thương và khổ sở mà hành động hay lời nói của tôi đã gây nên cho họ. Nỗi đau của họ khiến lòng tôi chùn xuống, tôi thầm nhủ: ‘Than ôi, lẽ ra tôi phải cư xử tốt hơn’. Nhưng tôi không hề cảm thấy bị phán xét, mà thay vào đó là tình yêu thương. Không có bất cứ sự đánh giá nào – ngoại trừ phản ứng của chính tôi. Cảm giác về tình yêu vô điều kiện cứ thế liên tục thẩm thấu vào tâm khảm tôi. Tôi nhận ra không ai khác ngoài chính mình đang hạ thấp phẩm giá của bản thân.
Tôi được khai ngộ rằng dương thế như một ngôi trường vĩ đại, nơi mà bạn có cơ hội áp dụng vốn tâm linh tích lũy từ trước và tự chứng những gì mình biết mình nên làm. Cơ bản mà nói, cõi trần là chốn dấn thân để chiêm nghiệm và sống thuận tự nhiên. Mọi thứ trở nên rõ ràng với tôi rằng một số người đến thế giới này để tiếp tục thiện toàn một hay nhiều khía cạnh ở chính họ, trong khi số khác hiện hữu trên đời để cùng chung sứ mệnh phụng sự thế gian.
Ở thế giới bên kia, linh hồn không hề cảm nhận bất kỳ đòi hỏi nào của nhục thể. Khi còn sống, chúng ta cứ mãi luẩn quẩn nỗi lo cơm áo gạo tiền, nhà cửa, địa vị,... Chúng ta là những thể sống tâm linh bị trói buộc bởi những nhu cầu hữu hình của xác thân. Dẫu ở ‘cội nguồn’ chúng ta lĩnh nhận các sứ mệnh trong đời sống trần gian, song liệu chúng ta có thể sống đúng với những cốt lõi ấy trong khả năng hữu hạn của cuộc đời?
Qua những điều mắt thấy tai nghe ở thế giới bên kia, tôi ngộ ra điều quan trọng nhất là những mối quan hệ và thiện tâm đối với tha nhân. Chúng ta không cần phải hoàn hảo, nhưng mỗi chúng ta đều đang trong tiến trình học hỏi. Mọi trải nghiệm trong cuộc sống ngắn ngủi chỉ là lặp lại một số khuôn mẫu nhất định, có những bài học chúng ta cần trải qua nhiều lần nhưng dưới những cách thức và hoàn cảnh khác nhau. Việc của chúng ta là giác ngộ từ kiếp sống này những điều chúng ta cần học và thể nghiệm.”(21)